VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

08/11/2008

Vô cảm và bất lực!

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 07:58


(TBKTSG) – Ô nhiễm ở các đô thị gấp hàng chục lần mức cho phép. Rừng bị tàn phá hàng ngày. Khoảng 16.000 công chức, trong đó có không ít người ưu tú bỏ việc nhà nước ra làm riêng. Học sinh thi tốt nghiệp phổ thông viết những bài văn đọc lên cười ra nước mắt. Lạm phát hai con số. Phân bón bán cho nông dân cũng bị làm giả…

Hàng ngày các tin tức thuộc loại tiêu cực đã quá nhiều. Nhiều tới mức câu chuyện “người Việt thuộc loại chuộng dùng hàng ngoại nhất châu Á” do một tổ chức nghiên cứu quốc tế nêu lên, và vài tờ báo trong nước đăng lại… chẳng khiến mấy ai bận tâm.

Thế nhưng vẫn có những người nhắc tới. Đó là đám bạn mà tôi tạm gọi là mấy anh A. B. C. D.

Thoạt tiên anh B. muốn chứng minh rằng hiện tượng sùng ngoại quá phổ biến bởi những lý do chính đáng:

– Vừa rồi tôi với bà xã vào một cửa hàng kiếm một cái áo phông. Chọn ngay được một cái mặc rất hợp, đến lúc xem kỹ lại hóa ra hàng Tàu. Hơi ngán, mới cố lùng bằng được mấy cái hàng nội. Nhưng của mình cứ thế nào ấy, gò bó khó chịu, mà trông lại cũn cỡn, mặc vào đâm hèn cả người.

Anh C., vốn thích nghiên cứu tâm lý, thử khái quát:

– Nền sản xuất ở ta xuất phát từ mặt bằng quá thấp. Làm bừa làm ẩu đã thành cái nếp phổ biến. Hồi trước cả xã hội khép kín, hàng hóa không có buộc người ta phải dùng. Dùng một cách rẻ rúng, với một định kiến nặng nề. Nay có điều kiện là người ta bung ra thôi, ai còn phân biệt nội với ngoại gì nữa!

Anh C. đồng tình:

– Trong thâm tâm, mọi người đã đinh ninh rằng hàng mình không bao giờ bằng hàng người. Không ai bảo ai đều nghĩ tranh thủ mua lấy những thứ hàng ngoại nhập, cho biết mùi văn minh và hiện đại.

Mọi người có vẻ ngùi ngùi cảm động. Anh D. có tiếng là lắm sáng kiến:

– Vậy ta phải làm cuộc vận động. Vừa phải giáo dục quần chúng lòng tự tin dân tộc lại vừa phải giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng để lấy lại uy tín.

Lúc này anh A. mới lên tiếng. Đúng hơn là anh cho chúng tôi một gáo nước lạnh:

– Các anh nói xong chưa, đến lượt tôi nhé. Điều tôi nhấn mạnh là căn bệnh này nay đã quá phổ biến và người ta dường như chỉ còn biết khoanh tay để mặc cho nó hoành hành. Tại sao? Đặt mình vào tình thế người đi mua xem, người dân có cái lý riêng của họ. Như anh B. nói, căn bản là hàng của ta làm kém quá.

Theo khảo sát của Grey Group, 77% người tiêu dùng Việt Nam khi được phỏng vấn đã nói rằng họ ưu chuộng các thương hiệu nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn.
Hãy xét về lý, tức thử tính mối quan hệ giữa chi phí và hiệu quả. Mua hàng nội tưởng là rẻ lại hóa đắt, mua hàng ngoại tưởng đắt lại hóa rẻ. Bởi vậy, không có tiền thì thôi, chứ có tiền tôi mua hàng ngoại ngay. Trong việc chi tiêu, không thể có chuyện sĩ diện và tự trọng hão được.

Đừng có ảo tưởng mà nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện nay, cần kêu gọi dùng hàng nội để giúp cho các ngành sản xuất trong nước phát triển. Đấy là lý thuyết thôi, chứ thực tế thì… Nói thật nhé, tôi cam đoan chính cái cánh hay kêu gọi mình dùng hàng nội ấy, lại toàn xài hàng ngoại. Vào nhà họ mà xem, con cái họ ăn ở thế nào thì biết ngay.

Chả trách họ được. Chúng ta đã quá quen với chuyện nói một đằng, làm một nẻo. Nói vì có yêu cầu phải nói như vậy, còn làm thế nào thì tùy. Nếu đây đó người ta còn dùng lại cái chiêu bài chiếu cố hàng nội, chẳng qua chỉ vì lảng tránh không dám bước vào cuộc cạnh tranh chính đáng. Tức muốn bảo vệ cho sự lười biếng trì trệ.

Nói ra thì bảo ác, chứ tôi cho rằng phải để cho hàng của nhiều hãng bị ế, công ty của họ phá sản thì may ra họ mới chịu đổi mới.

Đến lúc ấy nghĩ lại, họ lại cảm ơn mình không biết chừng. Vì nhờ mình ghẻ lạnh mà họ nên người.

– Vậy hóa ra theo anh, dùng hàng ngoại là một cách thúc đẩy xã hội tiến bộ?

– Tôi không cực đoan đến mức ấy. Tôi chỉ muốn nói rằng phải xem xét sự vật từ nhiều góc độ, và đừng bị những thói quen cũ chi phối.

Câu chuyện tại sao người mình ưa dùng hàng ngoại của chúng tôi kết thúc ở đây, mà chẳng đi đến một kết luận nào cả. Người nói cuối cùng, người ghi nhận rằng đây là một tình thế bất khả kháng, thấy thuyết phục chúng tôi dễ dàng quá, tự nhiên cũng bị hẫng. Anh thủng thẳng nói với giọng buồn buồn:

– Tôi nhớ nhất là khi vợ con ốm, mình phải đi mua thuốc. Trên đường đi đã tự nhủ loại này nước mình làm được, mua hàng nội cho nó đúng cái tinh thần hiện đại, mà lại được tiếng là một người yêu nước. Nhưng cứ đến lúc cô bán hàng hỏi anh dùng loại nào là y như rằng cho tôi mấy viên của Pháp, của Mỹ nếu không thì Hàn Quốc cũng được. Vì chỉ sợ mua hàng nội về kém chất lượng, người ốm có khi lại ốm thêm.

Thói quen này đã như một thứ tứ chứng nan y rồi, người ta đã quen chung sống với nó và hoàn toàn vô cảm, coi như tự nhiên. Thi thoảng, có lúc tự đối diện với bản thân, thấy ngay là con người mình đã tha hóa và hèn yếu đi từ lúc nào rồi! Nhưng ai cũng thế, tách riêng mình ra sao được?!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Khổ vì lắm tiền

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 07:53

Photobucket(TBKTSG) – Đã dính vào nghiệp buôn, hẳn ai cũng biết cái câu “Buôn tài không bằng dài vốn”. Ấy vậy mà nhiều bà buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân gần đây bảo với tôi rằng có lúc thấy sợ cả những đồng vốn giời ơi đất hỡi, tức là cái đồng tiền từ đâu không rõ tự nhiên đến trong tay mình.

Sợ với nghĩa có nó thì người ta cứ thấp thỏm không yên. Muốn trổ tài với thiên hạ. Ra tay buôn thật to, ôm thật nhiều hàng.

Sau này nghĩ lại mới thấy dại.

Thế này nhé, có phải lúc nào cũng có hàng tốt, hàng cần mà ôm đâu. Rồi kho chứa ra sao, bảo quản ra sao. Rồi lo bán, lo đòi tiền. Đang đủng đỉnh “nửa ngày bán nửa ngày chơi”, giờ phải làm nhiều cứ cuống cả lên, không đổ thì vỡ, không đếm nhầm thì vào sổ sai. Đằng sau cái vẻ hoành tráng “phồng phềnh như miếng tóp mỡ”, hóa ra cái mầm hậu họa đã nằm bên trong lúc nào không biết. Kết luận rút ra là phải lượng sức mình. Mình có làm được không thì hãy làm. Không để cho đồng tiền nó kích động.

Đồng tiền không bẩn như mấy người đạo đức giả nguyền rủa. Nó được việc lắm, nếu biết sử dụng. Cái chính là anh có điều khiển được nó hay không. Như cái xe mới, trông ai mà chả thích. Nhưng không già tay lái là toi với nó như chơi!

Xét chung trong phạm vi cả nước, bài học của mấy bà chợ Đồng Xuân không phải là không đáng rút kinh nghiệm. Cả nước đang khổ vì giá cả leo thang, lạm phát nếu không kiềm chế được sẽ gây ra nhiều phiền phức cho an sinh xã hội. Nhiều lý do đã được viện dẫn. Lạm phát toàn cầu, thiên tai, mất mùa; chính sách tiền tệ và tín dụng, trong đó có liên quan đến đầu tư. Và để chạy chữa, theo logic thông thường, có việc kêu gọi thực hành tiết kiệm, việc tăng cường kiểm tra các nhà buôn đầu cơ, việc giảm thuế…

Một số nhà kinh tế có cách cắt nghĩa khác. Họ bảo trong số rất nhiều nguyên nhân, một phần còn là đồng tiền nước ngoài chảy vào dồn dập và việc quản lý nó còn thiếu kinh nghiệm.

Đúng ra phải nói ta chưa bao giờ phải đối diện với một thực tế như thế này. Chính việc đồng tiền đổ vào mạnh mẽ – một điều tưởng là “trên cả tuyệt vời”, xưa nằm mơ cũng không thấy – lại là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra rối loạn trong đời sống kinh tế nói chung và chuyện lạm phát nói riêng – toàn chuyện động trời mà ta không biết.

Tôi nghe chưa thủng chuyện kinh tế, song bằng lương tri thông thường cứ cảm thấy không chừng đó là một hướng suy nghĩ có lý. Tạm ví nôm na tiền tệ giống như thức ăn không chỉ ngon miệng mà còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Bởi đã lâu ngày thiếu đói ta tưởng cứ ních thật nhiều vào là… đến ông trời cũng không sợ. Có biết đâu nếu sẵn cơ thể ốm yếu, không có một bộ máy tiêu hóa khỏe thì mọi chuyện đều vô nghĩa. Tối thiểu là thức ăn bổ mấy cũng trôi tuột đi hết, còn trơ cái thân thể gầy còm. Mà nguy hơn còn là tác hại khôn lường. Cái phần béo bổ kia, khi không được sử dụng thích đáng, tự nó trở thành nguồn bệnh. Thế là bệnh cũ chưa xong lại thêm ra những bệnh mới, hoặc bản thân bệnh cũ có thêm diễn biến mới.

Xưa nay có ai tự nhận là không biết cách ăn uống tẩm bổ bao giờ. Như xưa nay không mấy ai nhận là không biết tiêu tiền. Nhưng sự thực là thế. Ta nghèo quá lâu, không thạo tiêu tiền có gì là lạ. Cả nỗi sợ của kẻ có tiền nhiều, ta cũng chưa biết.

Nhìn rộng ra là cả một nếp nghĩ chủ quan đơn giản. Lâu nay cứ tưởng ta khổ, không ngóc đầu lên được chỉ vì quá nghèo, vì thiếu vốn. Tha thiết mời người ta đầu tư vào một phần. Lại càng không tiếc công sức đi vay. Cầm đồng tiền trong tay vẫn không biết lo. Đầu tư vào chỗ nào đây? Phân chia như thế nào đây? Người quản lý đâu, cơ sở kho tàng bến bãi ra sao? Ai là người biết làm để giao tiền giao vốn? Những câu hỏi ấy không hề được đặt ra.

Trong lúc còn đang lúng túng giải ngân thì cán bộ với dân được dịp “té nước theo mưa”, ăn chơi cứ vung cả lên. Xây trụ sở hoành tráng, mua xe xịn, đi nước ngoài chơi bời và đánh bạc, không ai bảo ai cứ sểnh ra là vào cuộc đỏ đen.

Thì tấn bi hài kịch đang diễn ra có gì là lạ?

Khu tôi đang ở nay là một quận mới thành lập. Trước kia là huyện ngoại thành nên dân khá nhiều đất, thổ cư mỗi nhà vài trăm mét là thường. Nay được dịp đô thị hóa, mỗi nhà “cấu” trăm mét mang bán cũng thành tỉ phú. Tiền được dùng vào việc thiết thực, xây lấy cái nhà, mua lấy cái xe. Vẫn chưa hết, một số người… tự mình phá mình. Con bé lái xe gây tai nạn đi tù, con lớn sa vào nghiện hút, nói như các cụ ngày xưa, đồng tiền đội nón đi cả. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, có người ngồi chống tay nghĩ lại đã thấy sợ đồng tiền. Nhưng sợ thì đã muộn.

Vậy là dù ở tầm vĩ mô hay vi mô thì đồng tiền cũng hiện ra với cả những mặt trái của nó. Thường ở từng cá nhân và từng gia đình, bệnh trạng được chỉ ra nhanh hơn. Còn trong phạm vi xã hội, người ta bị tình trạng phồn vinh giả tạo che lấp tầm mắt, ngại nghĩ thế lắm. Chưa nhận rõ bệnh, thì chạy chữa… còn là mệt!

06/11/2008

Ghi chép của một người mua sách

Filed under: sổ tay và ghi chép — vương-trí-đăng @ 11:37

• Trịnh Công Sơn qua đời vào đầu tháng 4 -2001 thì đến cuối tháng 5 cuốn sách tập hợp các bài viết về ông đã được bày bán rộng rãi .Thì ra chung quanh nhân vật mà chúng ta yêu mến tài liệu bao giờ cũng đã có sẵn ,báo chí đã vào cuộc kịp thời , và một tập sách in ra nếu chưa được biên soạn công phu và có thêm những bài bổ sung cho nặng giá trị , mà chỉ đơn thuần làm công việc tập hợp thì cũng đã thấy cần thiết lắm : nó tránh cho người ta phải lưu trữ một ít bài báo vốn không tiện cho việc cất giữ.
Lại thấy nhớ một vài trường hợp như Bùi Giáng như Thái Bá Vân …Ngay sau khi các ông đi xa đãcó những anh em đồng nghiệp tính chuyện thu thập các tài liệu có liên quan đến các ông để in thành sách ,nhưng ở ta hình như có nhiều việc không làm ngay mà cứ trùng trình thì rồi lại không biết bao giờ mớí bắt đầu được . Và hoá ra có tình trạng hàng có người mua mà không ai làm để bán.

• Cùng lúc trên thị trường thấy xuất hiện hai cuốn sách có nội dung tương tự một là Từ điển từ Việt cổ của NXB Văn hoá -Thông tin một là Từ điển từ cổ do trung tâm từ đỉên học cùng với NXB Đà Nẵng liên kết xuất bản .Chỉ phiền một nỗi là cả hai cuốn sách đều không đạt tới mức hoàn chỉnh , nhiều từ đúng là cổ thật song thấy ở cuốn này mà lại không thấy ở cuốn kia và thế là người mua muốn cho được việc chỉ còn có cách mua cả hai .Mỗi lẫn tra cứu trong bụng không khỏi ước ao gíá như những người nghiên cứu ở ta có sự phối hợp làm việc với nhau thì sẽ đỡ công cho người sử dụng ,nhưng xem ra chuyện ấy xa vời chẳng ai dám nghĩ tới cả .

• Lại có trường hợp một cuốn sách như Thi nhân Việt Nam 1932-41 của Hoài Thanh : có khi vào một hiệu sách thấy mấy ấn bản in ra cùng một lúc .Kể ra đứng ở góc độ làm hàng mà xét thì việc đó có khi là cần thiết , vì mỗi ấn bản cốt hướng tới những loại khách hàng riêng do đó có thể có cách trình bày khác đi,cách làm bìa khác đi và giá bán cũng khác đi. Nhưng nhìn kỹ hoá ra không phải : những cuốn sách đó nhiều khi chỉ khác nhau ở cái bìa còn quy cách bên trong giống hệt nhau , chẳng qua chẳng ai đủ vốn liếng hoặc có kho tàng bến bãi để ỉn ra đến vài ngàn bản thế là đành làm ăn theo kiểu cò con và nhìn chung cả thị trường sách chỉ có thể nói một kiểu làm ăn manh mún đang kéo dài .

• Tác hại thứ nhất của lối làm ăn manh mún nói trên là thị trường sách hiện ra như một khung cảnh hỗn độn mà lại mịt mùng chẳng ai biết được những cuốn sách hay như Dế mèn phiêu lưu ký như Nửa chừng xuân ,Chí Phèo ,Số đỏ hoăc Thi nhân Việt Nam !932-41 đến nay đã in ra được cả thảy bao nhiêu cuốn .
Một tác hại khác còn to lớn hơn : khi làm ăn theo kiểu cò con mỗi cuốn sách in độ ngàn bản thì chẳng ai để công làm ăn tử tế cả , người trình bày ruột sách đã dễ bôi bác người đánh máy và sửa bản in lại càng cẩu thả hơn và nhiều cuốn sách trông ngoài bìa đẹp đẽ bóng lọng lẵm nhưng bên trong thì mượn cách nói của các nhân vật Nguyễn Công Hoan hay Vũ Trọng Phụng “ghẻ lở tim la tám tầng “,cả thảy có vài trăm trang mà soát kỹ ra có đến cả trăm lỗi .Mua được một cuốn sách ít sai lỗi in đang là cả một niềm mơ ước với mọi người ,cả những bạn đọc bình thường lẫn các nhà nghiên cứu .

05/11/2008

Buôn bán & Văn hóa

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:42

Trong bài báo Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng thuật lại nhận xét của một người Pháp khi đem hàng đến bán ở Việt Nam (chủ yếu lúc ấy là ở Đàng Trong). Trong nhật ký của mình, Pièrre Poivre – tên người Pháp – than thở:

– Muốn vào đất nước này làm ăn thì phải mang theo nhiều lễ vật. Người xứ Đàng Trong nghèo, quan lại ở vương phủ vụ lợi. Ngay chúa cũng tham lam nên quan lại cũng đua theo.

– Tôi chẳng còn biết tin cậy ai hết. Chung quanh chỉ thấy toàn bọn trộm cắp.

– Điều làm tôi bối rối khi phải thương lượng với người ở đây là chẳng bao giờ họ nói một lời chân thật. Hôm nay đồng ý, mai đã chối từ. Họ hứa rồi lại rũ bỏ lời hứa, chẳng chút e ngại. Họ kéo cà kê công việc cốt kiếm lợi… Càng cho nhiều, họ càng vòi.

Giá kể hồi đang còn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm, trước những lời chê bai thẳng thừng kiểu ấy, người ta dễ nghĩ chẳng qua đó là sự vu cáo hèn hạ của bọn thực dân, chúng thường viện đủ cớ này cớ nọ để xâm lược nước ta. (Lúc ấy, thậm chí không ai tính chuyện để những nhận xét kiểu ấy lọt ra trên mặt báo). May thay, nay là lúc hoàn cảnh đã khác. Nhiều người có thể đồng tình với Nguyễn Văn Xuân khi ông không dừng lại ở từng lời từng chữ mà chỉ lưu ý tới tinh thần căn bản toát ra qua những nhận xét nói trên. Bằng một giọng điềm đạm, ông bảo “tiên trách kỷ hậu trách nhân” “mà trong lẽ phải có người có ta”…, phải chăng có những điều đáng ngẫm nghĩ sâu xa đối với những ai muốn lấy lịch sử làm bài học và phải học những gì khi mở cuộc ngoại thương.

Lâu nay, khi bàn đến di sản văn hóa của dân tộc, thông thường người ta nghĩ đến Hồ Gươm – chùa Một Cột, khu lăng tẩm Huế, chùa Thiên Mụ, chùa Vĩnh Nghiêm… tóm lại là những di sản vật chất. Song, trong nghĩa đầy đủ của nó, di sản văn hóa còn bao gồm cả di sản tinh thần như thói quen sống, sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, cách quan hệ trong làng ngoài nước và các loại hình ứng xử xã hội khác. Hình thành đôi khi tự phát, song đã hình thành rồi, chúng trở nên một thứ ký ức tập thể, có sức lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Có người sẽ bảo: nói gì lạ thế, buôn bán đâu có phải là văn hóa. Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa hẹp, thì văn hóa và buôn bán là hai lĩnh vực hết sức xa lạ. Nhưng nếu hiểu văn hóa theo nghĩa rộng (như Đào Duy Anh hiểu trong Việt Nam văn hóa sử cương, 1938) thì buôn bán (thương mại) là thuộc về kinh tế sinh hoạt, một trong ba bộ phận chính của văn hóa (hai bộ phận kia là xã hội sinh hoạt và trí thức sinh hoạt). Qua buôn bán, trước tiên là buôn bán trong nước, người ta thấy trình độ chủ động của một cộng đồng xã hội trong việc tự điều chỉnh các sản phẩm làm ra. Trong việc buôn bán với nước ngoài, vai trò chi phối của văn hóa càng rõ. Ở đây thấy rất rõ trình độ tổ chức của xã hội, ý niệm chung của từng cộng đồng trong xã hội về giàu nghèo, về sự công bằng. Nhất là ở đây, người ta có dịp bộc lộ tự ý thức về chính mình cũng như ý niệm của cộng đồng về những kẻ khác.

Ai cũng biết văn hóa là một cái gì lâu bền. Trong văn hóa, muốn thay đổi mọi chuyện phải có thời gian.

Có một lý do nữa, để chúng ta có thể nói chắc rằng những thói quen buôn bán cũng là văn hóa: đến nay dưới nhiều biến dạng khác nhau, chúng vẫn tồn tại và sức sống của chúng phải nhận là khá dai dẳng. Chỉ cần đọc các bài báo phanh phui vài vụ làm ăn và nhất là nghe dân trong giới kháo nhau, cũng có thể thấy cách buôn bán của ta hôm nay không thiếu chuyện kỳ cục. Một mặt, không ít nhà buôn ở ta vụng về kém cỏi, tham vặt, lại dễ bị lừa. Mặt khác, với các đối tác làm ăn đứng đắn, thì còn phải rất lâu, qua sự nỗ lực trên nhiều phương diện, trước tiên là trên phương diện nhận thức, chúng ta mới thật sự trở thành những bạn hàng đáng tin cậy.

Thế có nghĩa là chuyện “buôn bán không thành văn hóa” ở ta là một thứ định mệnh, dân ta không bao giờ bỏ nổi cái nếp cũ?!

Không hẳn! Xưa, cha ông cứ làm mà các cụ không biết rằng có người nghĩ thế này thế khác về mình. Nay là lúc sự giao lưu trên thế giới được mở ra rộng rãi, không phải chỉ hàng hóa được trao đổi mà những nhận xét về nhau cũng được trao đổi. Miễn chúng ta không tự lừa mình, mà thẳng thắn nhìn vào sự thực, chúng ta sẽ nghe được mọi nhận xét đã có và có thể có. Miễn là chúng ta muốn giao lưu buôn bán một cách lâu dài, thì với một sự nhạy cảm có thừa, người Việt sẽ tự nhận diện chính xác để rồi cải thiện được hình ảnh của chính mình.

Là cái lâu bền, nhưng văn hóa – ở đây là những di sản vô hình – cũng là cái thay đổi được, nếu người ta biết phục thiện, nghĩa là mang vào mọi hoạt động một chút lý tính cần thiết.

“Người đại biểu Nhân Dân”2007

Bởi một tầm nhìn quá hẹp

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:40

Có hai điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi đi trên nhiều con đường Trung Quốc mạn gần Việt Nam. Thứ nhất mặc dù chỉ là một thứ đường biên giới, nhiều khi thuộc loại vùng sâu vùng xa, song tất cả được làm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt đường phẳng lỳ, dải phân cách rõ ràng. Đường xa nhà dân, mà cũng không có các đường cắt ngang. Cần cắt ngang đều dùng cầu vượt. Các loại cống thoát nước chắc chắn. Các loại biển báo đầy đủ, ghi bằng tiếng Anh đàng hoàng.

Và thứ hai, điều này hơi khó tin hơn: đường rất vắng.
Khi tôi hỏi thì được chính những người dân thường trả lời giản dị rằng có phải làm đường chỉ cho ngày hôm nay đâu, dăm bảy năm nữa lại đông bây giờ.
Dẫu sao trên những con đường thênh thang 6 làn rộng rãi, mà có khi vài trăm mét mới gặp một xe đi ngược, một người Việt như tôi vẫn không kìm được ngạc nhiên. Bởi chỉ cần nhớ lại những con đường ở xứ mình thì biết. Chỗ nào cũng xúm xít những người. Luôn luôn người tham gia giao thông có cảm giác “hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp”, muốn đi được thì phải chen lấn xô đẩy, thấy chỗ hở ra không chiếm, là người khác chiếm mất.
Ngay cả con đường Thăng Long Nội Bài từng là niềm tự hào của người Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Cũng đã bắt đầu gợi cảm giác chật chội chen chúc của một đoạn đường phố huyện ngày phiên chợ.
Hơn hai chục năm đã trôi qua, song tôi còn nhớ như in cái cảm tưởng khi lần đầu đi trên đoạn đường này: sao mà đường rộng thế. Với chiếc xe máy mới mua một vài năm trước đó, lúc nào tôi cũng tự dặn phải đi chậm thôi.
Ghi lại cái cảm giác ấy ở mình là để thông cảm với những người làm quy hoạch giao thông: họ cũng không ngờ giao thông phát triển như hiện nay. Nhiều người dân vừa xây nhà xong được vài năm thì đã phải tính chuyện phá ra xây lại. Vì lúc đầu chỉ cảm thấy cần một cái nhà ở tạm; sau mới biết khái niệm về cái nhà bây giờ đã khác nhiều so với ngày xưa. Nhiều con đường ở ta vừa mở đã biết ngay cần phải mở tiếp nhưng khốn nỗi lúc này nhà dân đã quây hết chung quanh rồi không lấy đâu ra tiền đền bù nữa.
“Các đập nước ở tỉnh X. đang trong tình trạng đụng đâu vỡ đấy”. Khi đọc một tin như vậy, chúng ta thường chỉ nghĩ đến tham nhũng hoặc ăn cắp nguyên vật liệu. Nhưng tôi biết, có khi lý do đơn giản hơn. Lúc làm đập, người ta chỉ dám chi một số tiền rất nhỏ. Một nồi sợ tốn bốn nồi không xong, các cụ xưa đã biết thế, mà có mấy ai tránh nổi cái bệnh nhìn hẹp.
Một người bà con của tôi đang sống ở Pháp kể rằng, già rồi cũng muốn về Việt Nam sống. Không gì bằng sống ở quê hương đất Tổ, đó là lẽ đương nhiên, một lý do cao quý. Nhưng cũng phải nói thật, nay là lúc làm ăn ở trong nước được khuyến khích, tiền kiếm dễ. Thế nhưng tại sao cứ thấy ngại, không sao quyết định nổi. Ông tự hỏi và thấy lý do khá đơn giản. Một chỉ sợ ốm không có được sự chăm sóc cần thiết và một nữa con cái lớn lên đi học quá dễ hư.
Riêng về y tế, ông không chỉ lo cơ sở vật chất kém, trình độ thầy thuốc loàng xoàng mà cái chính là ông thấy người trong nước chữa bệnh lạ lắm. Y bác sỹ chỉ lo chữa cái phần hiện trạng, cốt sao bệnh nhân ngắt cơn, còn bệnh lâu dài không cần biết. Ngược lại, nhiều người vừa ốm là sốt ruột chạy đi khám thuốc đắt bao nhiêu cũng chữa, miễn sao khỏi ngay, còn như dùng loại thuốc này sẽ có hại sao không cần biết. Tức cũng là một quan niệm sơ sài thiển cận về sức khỏe đang chi phối, nó khiến nhiều người lúc nào cũng khỏe mà thật ra sức khỏe ngày một suy giảm.
Trong phạm vi công việc của một cá nhân, quyền lợi của một gia đình, người ta có cạn nghĩ một tí cũng không sao. Nhưng đối với đại sự quốc gia, tầm nhìn hẹp là cả một tai họa. Phải mạnh miệng mà nói với nhau như thế khi nghĩ về điều thứ hai mà người bà con của tôi lo lắng: Tình trạng giáo dục hiện thời. Có một hồi ta tưởng cốt sao con cái được cái tiếng có đi học là đủ. Khéo bảo nhau một tí là xong, muốn giáo sư thì phong hết lên là giáo sư, muốn tiến sỹ thì cấp cho nhau bằng tiến sỹ. Có ai lo lắng về chất lượng con người trong tương lai đâu. Sở dĩ cái ngành đào tạo con người ở ta rơi vào khủng hoảng như hiện nay cũng vì lối nhìn hẹp hòi thiển cận chi phối.
Chúng ta sẽ lấy đâu nghị lực và quyết tâm để thay đổi nó, nếu thiếu đi tầm nhìn xa rộng về một đất nước thời toàn cầu hóa năm chục năm sau, một trăm năm sau?!

Người đại biểu nhân dân, 21/5/2007.

02/11/2008

Nói ngọng

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 13:45

Cách đây ba bốn chục năm, trong các gia đình Hà Nội, người ta đã có nỗi lo là lo con cái nói ngọng. Đáng nói làm gì thì đọc nàm gì, đáng giới thiệu với người khác tôi ở bên Hàng Lọng thì bảo tôi ở bên Hàng Nọng. Cái ngọng bấy giờ thật rõ quê mùa, mộc mạc.
Ngày nay, lối ngọng ấy hầu như đã được thanh toán, nhưng lại nảy nòi một lối ngọng mới: ngọng ngược. Sáng sáng, cái xe đạp bánh mỳ rong đánh thức cả khu tập thể bằng tiếng rao lanh lảnh “Bánh mỳ lóng đây!”. Trưa trưa, mấy cô quang gánh qua nhà thiết tha mời mọc “Có ai ăn rượu lếp?” Bạn bè rủ nhau: “Ra làm chén lước đã”. Đồng hương lâu này gặp nhau kể chuyện “Dạo lày thằng ấy ló trúng quả lắm!.
Nhưng đây chưa phải là chỗ duy nhất phân biệt cái ngọng thời nay với cái ngọng thời xưa. ít ra, còn phải lưu ý mấy “nét đặc thù” nữa.
Một là, trong số người bây giờ, có cả những người tạm gọi là rất có văn hoá. Cả một số học sinh cấp ba, một số sinh viên cũng nói ngọng. Người đang đi học, không được chữa chạy kịp thời, cố nhiên là nguồn bổ sung vô tận cho người đã ra trường ngọng một cách công khai thoải mái.
Hai là, không gian để người ta nói ngọng đang được mở rộng, cách nói ngọng đang xâm nhập cả vào những khu vực xưa kia nó bị cấm cửa. Người ta nói ngọng ở nơi công cộng, nhà ga, bến tàu, lúc về bên mâm cơm với gia đình đã đành, có người lại còn nói ngọng cả khi có việc lên đài, lên ti-vi nói cho cả triệu người nghe. Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài vẫn nói ngọng trước sự ngạc nhên của người nước ngoài học tiếng Việt, họ (những người nước ngoài ấy) tưởng đấy là một thứ tiếng Việt mà họ chưa biết!
Nỗi lo ngày có phần giống với nỗi lo của một người làm nghề nghiên cứu ngôn ngữ. Sau khi nhận ra rằng hình như bây giờ ai muốn nói ngọng thì tuỳ, không ai thấy ngượng vì nói ngọng và nghe người khác nói ngọng nữa, trong đầu óc anh chợt nảy ra một dự báo khoa học:
– Tôi chỉ sợ khi nhiều người nói ngọng quá thì lâu dần, lại hoá ra họ nói đúng, mà mình lại bị coi là nói ngọng không biết chừng. Bấy giờ khi mình nói mình đang làm việc ở Hà Nội, người ta sẽ bảo là ngọng rồi. Hà Lội mới đúng” – và câu đầu tiên của Truyện Kiều phải sửa thành:
“Trăm lăm trong cõi người ta.”

Thói khoe mẽ của những người Hà nội rởm

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 13:09

Không biết tự bao giờ, người Việt bảo nhau – đua nhau – bắt chước nhau làm cái việc mượn các địa danh Trung Quốc để đặt tên các con sông vùng đất của mình. Trước khi gọi Thủ đô là Hà Nội, trong dân gian hai chữ Tràng An đã quá phổ biến và trở thành vĩnh viễn với câu ca dao
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An

Lắng nghe lòng mình, tôi tự thấy khi nhắc đến cái tên dịu dàng ấy, lòng cũng rưng rưng cảm động। Nhưng lý tính tôi chống lại điều đó। Những cái hay cái đẹp ngoài ta bao giờ cũng nhiều, nhưng không nên vì thích quá mà vơ vào mình. Người xưa có thể làm như thế. Ngày nay chúng ta phải tỉnh hơn. Đã đến lúc ta nên loại nó ra khỏi ngôn ngữ thông thường. Bởi nó lại đang gắn với một thói xấu mà tôi tạm gọi là tính khoe mẽ khá hồn nhiên, nên lại càng không thể lưu luyến thêm một giờ một phút nào nữa.

Bây giờ đi vào thực chất câu chuyện : Trong câu ca trên, người tự nhận là dân Hà Nội không cần giấu giếm mà bộc lộ công khai một cách hiểu cao ngạo về bản thân. Toát lên trong đó là niềm tự hào trước cái bản sắc, cái phẩm chất riêng của con người ở một vùng đất sang trọng. Người ta gọi nó là tinh tế thanh nhã, lịch lãm, lịch sự …
Ít nhất có hai điều phải bàn :
1/ Chẳng lẽ phẩm chất chính của người dân một thủ đô chỉ có thế ? Và nếu đúng thế thì đã đáng khoe chưa ?
2/ Đi xa hơn nữa, ngay khi không có cái phẩm chất đó, mà cũng tự khoe, khoe lấy được, thì có nên không ?

Khoe rằng người dân Thủ đô lịch sự còn là quá ít, là dừng lại ở lối xem xét con người qua vẻ bề ngoài. Về phần mình, khi bàn về người Hà Nội chuẩn, nếu chỉ nói đến một phẩm chất thôi, tôi muốn nói đến một cái gì giống như tổng hợp của lịch lãm, từng trải thích ứng cao, mà vẫn giữ được bản sắc của mình, xa lạ với mọi ảo tưởng và tìm cho mình một phẩm giá cao quý, vượt lên trên mọi sự tầm thường.

Theo tôi đó mới là cái phẩm chất hàng đầu mà người Hà Nội chân chính hiểu rằng mình nên có, phải có, nếu chưa có ngay thì phải phấn đấu theo hướng đó, và chỉ nên tự hào khi so sánh với cái tiêu chuẩn khó đạt tới này. Trong thực tế, tôi đã bắt gặp nó phảng phất ở những người lớn lên trong các gia đình Hà Nội tạm gọi là chính hiệu. Nhờ có cái phẩm chất chắc thiệt như vậy, nên mặc dầu bị hoàn cảnh xô đẩy, chung quanh níu kéo, thậm chí hùa vào tàn phá, song họ vẫn đứng vững với thời gian và vẫn có cái gì đó mà người ta phải nhớ tới.
Dẫu sao, hai chữ thanh lịch có thể tạm thời chấp nhận được.
Thế nhưng khi đặt vấn đề có thể không lịch sự cũng được, cứ là dân Thủ đô ( như ngày nay gọi là “hộ tịch Hà thành ” ) và đã có quyền tự hào, thì là cả một sự ngụy biện.

Hoa nhài vốn không được coi là loại hoa của sự linh thiêng thành kính, mà thường chỉ tượng trưng cho sự quyến rũ kín đáo. Khi không còn mùi thơm nữa thì màu trắng kia hoàn toàn vô duyên.
Làm gì có cái gì gọi là chất hoa nhài khi không còn mùi thơm? Làm gì còn chất Thủ đô khi không còn thanh lịch? Toát ra từ hai câu ca dao là một sự khoe mẽ cần phải từ bỏ. Nó là sản phẩm của một kiểu suy nghĩ rất kỳ cục của những người nông nổi, đành hanh, kiêu căng vô lối. Lại cũng có thể bảo là một thứ nhận vơ, tưởng cứ sống ở mảnh đất nào là mặc nhiên có được tất cả phẩm chất tốt đẹp của vùng đất ấy, và cũng mặc nhiên có quyền vênh với thiên hạ.

Sự khoe mẽ nói ở đây vốn bắt nguồn từ một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhiều thế kỷ qua, Hà Nội luôn luôn bị xáo trộn. Cái lõi của nó mỏng, mà những lớp đắp điếm thêm lại quá nhiều. Chính lớp người nhập cư mới đến Thủ đô sau những xáo trộn lịch sử mới dễ mắc cái bệnh tự hào hão huyền. Họ lấy sự may mắn được sống trên đất thánh để vênh váo với người cùng quê và dân các vùng xa. Còn người Hà Nội chính cống không nghĩ thế. Trong thâm tâm, lớp dân Hà thành xịn này tự nhủ rằng danh hiệu Hà Nội là quá cao quý, và không phải là cái đem khoe, hoặc mang ra dọa nạt thiên hạ.

Phải nhận là hiện thời cái rởm này lại đang phổ biến và bị những người dễ tính đầu cơ. Câu ca Chẳng thơm.. còn đang được lưu truyền theo cái nghĩa không hay của nó, chưa biết bao giờ mới thôi. Còn chất Hà Nội thứ thiệt thì sao? Cùng lúc nó để lại nhiều cảm tưởng khác nhau. Khi thì người ta buồn vì thấy nó tàn phai dần. Khi người ta thoáng vui vì nó không bao giờ chết hẳn và lại được bộ phận ưu tú nhất trong lớp người mới nhập cư tài bồi thêm. Dù đã cố nén lòng, song thông thường, một nỗi bùi ngùi nhớ thương buồn vui lẫn lộn thường cứ trào lên trong lòng mỗi khi nghĩ đến nó.

Blog tại WordPress.com.