VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

12/10/2009

Món nợ tiền chiến

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 14:44

Những người theo dõi báo chí Sài Gòn trước 1975 hẳn còn nhớ mấy chục năm trước nhóm Sáng Tạo (với Mai Thảo, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền…) đã từng có một cuộc thảo luận mang tên Nhìn lại Văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam. Đại khái ý định của họ là muốn phủ nhận, muốn chê bai, muốn biến những Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Trần Huyền Trân trở thành những số không… to tướng.

– Nghệ thuật tiền chiến là một thứ nghệ thuật của những rung cảm hời hợt giả tạo.

– Cái không khí thời đại mà người ta sống bấy giờ thực sự là ngớ ngẩn.

– Có những người coi nghệ thuật tiền chiến là một thứ mẫu mực hiện đại mà trớ trêu thay, đó là thứ nghệ thuật chỉ cần một biến động lịch sử cách đây vài chục năm đã như lùi xa hàng bao thế kỷ.

Ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến trên thực tế, đã phai tàn. Không khí của đời sống hiện tại, của ý thức nghệ thuật hôm nay đã đốt cháy tất cả những gì thuộc về nghệ thuật ấy.

Muốn quên ai đi, tức là đang nhớ tới người đó”. Nghịch lý tình cảm đó, không chỉ đúng trong lĩnh vực yêu đương mà đúng cả trong văn hoá. Đằng sau những câu nói “nói lấy được” của mấy cây bút trong nhóm Sáng Tạo, người ta dễ đoán nhận ra một sự thực khác: họ hiểu tiền chiến là một giá trị, và họ thấy cần phải vượt qua cái giá trị đó.

Muốn vỗ nợ, chính là một cách công nhận rằng có nợ, mà nợ khá lớn, nợ không trả nổi nữa.

Có một cách khác để ghi nhận món nợ, là nói về nó thật rõ ràng, thật sòng phẳng. Ngay ở Sài Gòn trước 1975, cũng đã nhiều người có thái độ như vậy, với văn học tiền chiến. Chẳng hạn như thái độ của Vũ Hạnh.

Trong một bài viết đăng trên Bách khoa số 180, ra ngày 1-7-1964 vừa được in lại trong cuốn Tự lực Văn đoàn, con người và văn chương (Hà Nội – 1990), Vũ Hạnh đã nói về những biến chuyển của tình cảm nơi ông đối với Nhất Linh. Khi sùng bái, khi nghi ngờ, nhưng rút cục, cả trong hành động có vẻ như vô thức, ông vẫn cảm thấy ảnh hưởng của một nhân vật như Dũng nói riêng, ảnh hưởng của Nhất Linh nói chung đối với mình là to lớn. “Tôi chịu ơn anh”, đấy là lời thú nhận của Vũ Hạnh đối với Nhất Linh, nó cũng là bằng chứng về món nợ tiền chiến, mà người ta đoán rằng Vũ Hạnh không bao giờ phủ nhận.

Cuốn sách Tự lực Văn đoàn, con người và văn chương chỉ bao gồm một ít tài liệu liên quan đến mấy anh em nhà Nguyễn Tường và Khái Hưng. Còn lâu mới có thể nói là nó bao quát hết các tài liệu về Tự lực Văn đoàn nói chung. Vậy mà bấy nhiêu trang viết của Hồ Hữu Tường, Thế Uyên, Đinh Hùng, Dương Nghiễm Mậu v.v… in ở đây đã lên tới gần 200 trang. Nếu tính tổng số chữ nghĩa mà những báo, tạp chí như Văn, Văn nghệ, Bách khoa, Vấn đề, Khởi hành… ở Sài Gòn trước 1975 đã dành để bàn tới văn học tiền chiến, nếu tính tổng số bản in, tổng số trang sách của các nhà văn, nhà thơ tiền chiến do các nhà xuất bản ở Sài Gòn (trong đó phải kể đến một nhà như Hoa tiên, chuyên về sách trước 1945) đã in ra, phải nhận món nợ tiền chiến từng được xem là lớn đến như thế nào và đã bao người đã gắng gỏi một cách tuyệt vọng để thanh toán món nợ đó như thế nào! Trong cuốn sách Văn thi sĩ tiền chiến, sau khi bảo rằng giai đoạn từ 1925 đến 1940 là “thời đại hoàng kim của văn học sử Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Vỹ không ngại nói rõ thêm: “Nó – cái thời vàng son ấy – chói lọi trong huyền mơ của một dĩ vãng luôn luôn còn hiện tại. Không có người chết. Chỉ có người vắng mặt”.

Từ 1986 trở về trước, việc in ấn lại văn học 1930-1945 ở Hà Nội chỉ bó tròn trong một vài tuyển tập, trước hết là Ngô Tất Tố, Nam Cao, sau có mở rộng ra đến Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng v.v… rồi các tiểu thuyết Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp, và một vài tập truyện ngắn khác. Với các nhà nghiên cứu lúc ấy, món nợ tiền chiến hình như chả có là bao.

Từ 1987 trở về đây, đột nhiên việc in lại tác phẩm tiền chiến bừng lên như một đợt sóng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê lần đầu tiên được xuất bản lại thành những tập thơ riêng. Thơ Nguyễn Bính khỏi phải nói “mà treo giải nhất chi nhường cho ai”, trở thành phổ biến chẳng khác gì những Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… vẫn được bày bán khắp chợ cùng quê từ xưa đến nay. Đôi khi, người ta thấy một cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng, của Nhất Linh hoặc một tập truyện ngắn của Hồ Dzếnh được mấy nhà xuất bản cho ra mắt bạn đọc cùng một lúc. Trong rừng nho của Ngô Tất Tố, hoặc Trên đường sự nghiệp, Cái thủ lợn của Nguyễn Công Hoan, Nhà nho của Chu Thiên… nhưng cuốn sách vì lý do này hay lý do khác tuởng sẽ không ai ngó ngàng tới, nay cũng đã được tái bản. Sau hết, những công trình nghiên cứu như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại cũng tìm thấy “giấy thông hành” đến với các tủ sách để góp phần làm cho văn học tiền chiến phong phú hơn về thể loại và hoàn chỉnh hơn trong sự phát triển.

Với việc “trở lại với đời” của hàng loạt tác phẩm, văn học tiền chiến đang trình ra trước mắt bạn đọc toàn cảnh chưa bao giờ đầy đặn đến vậy.

Trên phuơng diện xuất bản, món nợ coi như là đã được xác nhận đàng hoàng. Người ta chỉ còn chờ đợi những đánh giá có tính chất tổng kết của các nhà văn học sử, cũng như những thú nhận của những người làm nghề cầm bút như trên đây vừa trích dẫn. Có thể là những công nhận như Nguyễn Vỹ, Vũ Hạnh. Có thể là những phủ nhận như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Nhưng có hề gì? Có muôn ngàn cách khác nhau để nói về một món nợ, nữa đây lại không phải nợ thường mà là nợ nần về mặt tinh thần tình cảm, nợ nần trong lĩnh vực văn hoá.
(Chuyên cũ văn chương 2001)

01/09/2009

Một trăm thứ rượu một ngàn kiểu say

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 12:26


Ai đó đã nói: ngôn ngữ là một thứ đài kỷ niệm ghi lại những kinh nghiệm phong phú của mỗi dân tộc. Thứ đài vinh quang này trung lập, không bị độc chiếm, không phân cấp chia ô theo bất kỳ tiêu chuẩn nào (ví dụ, không có từ nào được coi như có ý nghĩa hơn, rồi nói tới nhiều hơn, từ nào dung tục tầm thường bị lép vế v.v..).
Ngược lại, đấy là khu vực hoàn toàn bình đẳng; tình cảnh đôi khi giống như một bãi đất bao la, từ nào có sức lan ra đến đâu cứ việc bành trướng tới đó. Thành thử, chung quanh hai từ rượu và say, trong tiếng Việt người ta thấy có hàng loạt biến dạng, nẩy nở, sinh sôi. Nhân dịp ngày xuân, chúng tôi đã lục tìm mấy cuốn từ điển Việt, thử tra lại ý nghĩa của các từ ấy. Những tài liệu chính đã được sử dụng:

1. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, bản in ở Sài Gòn 1895 -1896, dưới đây gọi là bản A.

2. Việt Nam tự điển, do Hội Khai trí Tiến đức khởi thảo từ những năm 20, bản nói sau đây là bản in lại ở Paris năm 1954 gọi là bản B.

3. Từ điển Annam-Hán-Pháp của Gustave Hué in 1937 ở Phú Nghĩa, gọi là bản C.

4. Từ điển tiếng Việt, không đề tác giả, do L’ Asiathèque in ở Paris 1977, gọi là bản D.

I. Chung quanh từ rượu

Bản A định nghĩa : Rượu là “Thứ nước làm bằng trái cây hoặc chưng đạt bằng nếp gạo, có mùi cay nồng”.

Đây là một thứ định nghĩa kinh điển, các sách khác đều nói tương tự. Nhưng cái hay của một cuốn từ điển là chung quanh một từ cố định đó, ghi được thêm bao nhiêu từ ghép. Về mặt này, các bản chúng tôi có trong tay tài liệu khá phong phú. Ngoài rượu nếp, rượu sen, rượu chổi, rượu cúc, rượu nho v.v…, đọc bản A, người ta biết thêm còn có một thứ nữa là rượu đậu, tức thứ rượu nấu bằng đậu xanh; dọc bản D, thấy nói có rượu tần, rượu cất bằng cây tần cây đào. Về chất lượng rượu, người ta phân biệt rượu hàng là rượu bán rộng rãi, rượu hàng nàm (tiếng địa phương chăng? – phổ biến hơn rượu ngọn) là rượu lứa đầu.

Ca dao có câu: Thách thêm một thúng xôi vò – Một con lợn béo một vò rượu tăm, lại có câu: Đố ai chừa được rượu tăm – Chừa ăn thuốc chín chừa nằm chung hơi. Vậy rượu tăm hẳn là rượu rất ngon rồi. Nhưng tại sao lại gọi là tăm? Các bản B, D đều nói đại ý đó là thứ rượu dùng tăm chấm vào rồi mút cũng say. Trong số những từ ghép có một thành tố là rượu, bản C nhắc tới bóng rượu, bầu rượu…, bản A kể ra mạnh rượu, bợm rượu, già rượu. Đặc biệt, còn thấy nói tới con rượu và cắt nghĩa vật ở trong mình kẻ say rượu. Chắc giữa con rượu và con bạc có sự tương đồng trong cách cấu tạo? Nhưng con rượu ngày nay hầu như không thấy ai dùng.

II. Chung quanh từ say

Phần lớn các sách ghi say: “Bị rượu làm cho mê man” và chua thêm một loạt từ ghép có chữ say. ở đây nổi bật hai loại:

a) Loại từ chỉ trạng thái say vừa vừa, nửa tỉnh nửa say: đó là say ngà ngà, say chuếnh choáng. Bản A ghi thêm mấy từ địa phương cùng nghĩa: say xoàng xoàng, say ba chè, say xoàng ba…

b) Loại thứ hai, nhiều hơn hàng chục lần, là những từ chỉ trạng thái rất say. Xin tạm kể như sau:

– Bản A: say chúi, say bò, say bết, say lết, say mèm, say mê mết, say sặc sụa, say vật vờ, say cúp, say cúp bình thiếc (hai từ cuối rõ là từ địa phương).

– Bản C : say đứ, say chèm, say nhèm, say gật gờ, say gật gưỡng, say khướt, say li bì, say tít, say lử, say lướt cò bợ, say tít cù lèo, say tít cung thang, say nhè, say nhẹt, say nhừ tử.

– Bản D: say ngất ngư, say tuý luý. Cũng có những khi người làm từ điển sau khi ghi một từ tìm cách giải thích tại sao từ đó lại được hình thành như vậy. Ví cụ Từ điển Việt Nam phổ thông in ở Sài Gòn 1952 sau chữ say mềm thích nghĩa “say (đến mức) người mềm ra”, sau say nhừ: “say như nhừ ra”. Những cách giải thích này không phải bao giờ cũng thuyết phục. Điều đáng nói là số lượng từ chỉ trạng thái rất say lại nhiều vô kể, nó chứng tỏ người say trên thế gian này không phải là ít!

c) Ghi chú về tửu và tuý

*

* *

Chẳng cứ trong giới thượng lưu, ngay với người bình dân, chữ tửu vẫn được dùng rộng rãi để chỉ rượu. Mã số từ ghép đi với tửu cũng rất nhiều. Chỉ cần tìm tới một cuốn như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, người ta sẽ bắt gặp tửu bảo, tửu chiến, tửu đảng, tửu lệnh v.v… Đáng lưu ý là để chỉ người say rượu (hoặc con rượu như trên đã kể), tiếng Hán Việt có nhiều từ khác nhau, mỗi từ một sắc thái: tửu hữu, tửu khách, tửu đồ, tửu quỷ, tửu ma, tửu thánh, tửu thần, tửu tiên…

Xét về mức độ phổ biến, thì tuý không bằng tửu. Song khối lượng từ ghép cũng khá đông đảo, nhất là những từ chỉ việc làm trong lúc say, vừa làm vừa say như tuý ngoạ, tuý nguyệt, hoặc những từ chỉ hành động sáng tạo trong cơn say như tuý bút, tuý mặc (đều có nghĩa chữa viết trong lúc say), tuý ca, tuý ngâm.
(chuyện cũ văn chương)

12/06/2009

Người kỹ nữ,một phép thử độc địa

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 04:46


Sự tồn tại của nghề kỹ nữ là cả một tệ nạn xã hội. Song từ xưa tới nay, loại tác phẩm khai thác đề tài này lại khá nhiều, tới mức nếu vứt bỏ chúng đi, người ta không khỏi làm nghèo cái di sản văn học do các thế hệ trước để lại.

Xét cho thật kỹ các từ ả đào, cô đầu, kỹ nữ, gái làng chơi, gái giang hồ, gái làm tiền, gái mại dâm, nhà thổ, đĩ điễm…. vẫn có sự khác nhau chút ít trong ý nghĩa và trong sắc thái tình cảm.

Song dẫu sao giữa những người này vẫn có một nét chung nào đó – đại khái đấy là những người đàn bà không thuộc về một người mà thuộc về nhiều người, ai có tiền là có quyền làm chủ. Họ phải lấy câu ca tiếng hát, và trong nhiều trường hợp cả cơ thể họ ra chiều khách. Niềm vui sống ở đấy mà phương tiện sinh sống cũng dựa cả vào đấy.

Vì gần như thời nào cũng có những người làm cái nghề đặc biệt ấy, nên lẽ tự nhiên là sáng tác văn học viết về họ cũng nhiều, càng sang thời hiện đại càng nhiều. Và cùng với thời gian, việc mô tả thế giới của những người đàn bà này ngày càng kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn. Các nhà văn cao sáng, những người làm nên vẻ vang cho các nền văn học lớn trên thế giới, như Tolstoy, Dostoievski ở Nga; Balzac, Hugo… ở Pháp, ít nhiều, trong các tiểu thuyết, đều có đả động tới đám kỹ nữ này. Trong văn học Trung Quốc, thơ viết về thân phận “chị em” đã nhiều, tiểu thuyết viết về cuộc sống ở các xóm bình khang lại càng lắm, một người bình thường có thể đọc cả đời không xuể. Điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam. Tác phẩm lớn nhất của văn học ta, thiên truyện phổ biến khắp chợ cùng quê – ý chúng tôi muốn nói đến Truyện Kiều – là câu chuyện xoay quanh đời một cô gái thanh lâu hai lượt thanh y hai lần, và bao nước mắt đã nhỏ vì cô điếm thông minh tài hoa đó. Đến đầu thế kỷ XX, khi văn xuôi quốc ngữ phát triển, và việc viết văn làm thơ không phải là món trà dư tửu hậu hoặc một phen bộc bạch tâm sự của mấy vị nhà nho hay chữ chờ đi làm quan, mà là một nghề hẳn hoi, thì tác phẩm viết về cuộc đời các cô điếm càng tới tấp xuất hiện. Tại sao? Người viết văn làm thơ phần lớn cũng là du khách, khách thanh lịch, khi quá mệt mỏi hoặc lúc buồn bã chán chường không tìm thấy nghĩa lý cuộc đời, thường cũng tìm tới chị em để giải khuây, đấy là một lẽ. Song cái chính là trong khi tiếp xúc, nhiều người viết văn lại tìm thấy trong cuộc sống của chị em những khía cạnh gần gũi với thân phận mình. Cũng một lứa bên trời lận đận, câu thơ ngày xưa được họ nhập tâm như lời thốt lên từ đáy lòng. Cả bài thơ Lời kỹ nữ của Xuân Diệu không gì khác cũng là tâm sự của chính nhà thơ khi thấy cuộc đời ghê rợn lại quá lạnh giá, mà mình thì hoàn toàn đơn độc। Theo các nhà thơ, đấy cũng là cái tâm trạng thường xuyên đến với những người làm nghề bán trôn nuôi miệng mà lại chưa chịu hoàn toàn hư hỏng। Cũng nên nói ngay là mặc dù cùng một đối tượng miêu tả, nhưng mỗi nhà văn – ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở các cây bút hành nghề trước 1945 – vẫn nhìn đám đĩ điếm ấy một khác, phù hợp với quan niệm của nhà văn đó về con nguời nói chung। Có lối lý tưởng hoá người đàn bà giang hồ của nhóm Tự lực (trường hợp tiểu thuyết Đời mưa gió) nhưng lại có lối trình bày hiện thực trắng trợn, tàn nhẫn của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Trong Người ngựa và ngựa người, ả giang hồ ế hàng này hiện ra cùng quẫn nhếch nhác rồi hèn hạ, rồi giả dối, như nhiều người đời khác, vẫn thường được Nguyễn Công Hoan nói tới một cách khinh rẻ (chữ người ngựa ở đây để chỉ anh phu xe, còn chữ ngựa người để chỉ người đàn bà bất hạnh ấy). Vũ Trọng Phụng cũng không hề gượng nhẹ khi phải phác ra hình ảnh những nhà lục xì và những người làm đĩ. Rất tự nhiên, nhà văn họ Vũ lấy họ ra để chứng minh cho căn tính dâm của con người nói chung. Đời ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng bẩn, nên chi trong các ngôi nhà mà đám đàn bà này hành nghề, đời càng hiện lên nhớp nháp, nhầy nhụa.

Tuy nhiên trong văn học không chỉ duy nhất có hai cách nhìn như vậy. Ở giữa hai thái cực trên – thi vị hoá và tô đen bôi bẩn – vẫn còn thấy có những trường hợp loại nhân vật phụ nữ này được miêu tả với chút tình cảm dịu dàng, có đau xót nhưng lại có thông cảm.

1. Trong Thề non nước của Tản Đà, cô đầu Vân Anh vốn là con nhà có học, biết chữ nho, có thể làm thơ xướng hoạ với khách (bản thân bài thơ Thề non nước được Tản Đà kể như là do hai người nối tiếp nhau đặt lời mà thành). Cách cư xử của Vân Anh thì tinh tế, ý nhị khiến người có học cũng phải vì nể. Các tài liệu văn học sử còn ghi rõ chính bà thân sinh ra thi sĩ Tản Đà cũng là một cô đầu. Và cái cốt cách người mẹ như còn phảng phất trong hơi thơ của ông ấm Hiếu. Không thể tưởng tượng ra đời sống văn học đầu thế kỷ nếu thiếu đi ngòi bút Tản Đà tài hoa duyên dáng!

2. Chỉ có một lần nhà văn Thạch Lam vẽ nên cái cảnh nhà săm trong thiên truyện Tối ba mươi. Có điều, nhân vật chính của thiên truyện này lại là hai cô gái có tâm hồn thanh khiết như xưa nay các nhân vật của Thạch Lam vốn vậy. Trong cái Tối ba mươi ấy, Liên và Huệ – tên hai cô gái phải rơi vào cảnh thanh lâu – vẫn không quên thắp hương bày bàn thờ gia tiên rồi cùng nhau yên lặng nhớ lại từng kỷ niệm êm đềm trong quãng đời ngây thơ lúc nhỏ. Nên nhớ rằng ở Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng, nhiều nhân vật có tiền tài, có địa vị vẫn hiện ra bẩn thỉu vụ lợi, nhiều nhân vật mang tiếng là có tri thức mà suy nghĩ và cử chỉ thì lại đặc lưu manh. Ngược lại ở hai cô gái điếm của Thạch Lam, vẫn có sự thành kính với đời mà chỉ có những con nhà gia giáo mới có. Tóm lại họ vẫn là những con người cao quý.

3. Nhân vật trong các truyện ngắn truyện vừa Tô Hoài viết trước năm 1945 thường là đám dân nghèo chuyên dệt cửi xeo giấy, khá hơn một chút thì có mấy anh giáo kiết gõ đầu trẻ trong làng. Tương ứng với họ, là đám cô đầu phố phủ còn nguyên chất ngoại thành. Như Tô Hoài viết trong Quê người, những cô đào rượu ấy phải đi vắng khách lại đi “ra đồng bắt ốc hái rau muống cấy thuê”. Không ai trong họ có một tính cách rõ rệt, chỉ nghĩ đến họ đã thấy thương hại.

4. Trường hợp của các nhân vật Nguyễn Tuân thì lại hoàn toàn khác. Trong nhiều thiên tuỳ bút, Nguyễn Tuân từng công khai kể lại những ngày ông lăn lộn ở các xóm bình khang mà ông gọi là những ngày phóng túng hình hài, với bao chi tiết vừa đau xót vừa tức cười. Vào với các xóm cô đầu ở bất cứ đâu, ông cũng ngang ngược thả sức quấy đảo trêu chọc mọi người. Song thật sự chàng Nguyễn cũng là một người đối xử với chị em hết sức có tình. Nhà thơ Hoàng Trung Thông kể rằng có lần nghe tin một người cô đầu quen biết cũ qua đời, Nguyễn Tuân đã ứa nước mắt.

Đời Nguyễn nhiều lần ứa nước mắt khóc như thế.

Trong Chiếc lư đồng mắt cua có một nhân vật cô đầu tên là Tâm. Theo như cách kể của tác giả thì Tâm là một người rất thạo, chính cô cũng nhận là cô “gần như thập thành” lại “hơi du côn”, “đã có tai tiếng là đi vụt thiên hạ dữ lắm, không sẵn tiền thì không nên quen con Tâm”. Thôi thì Tâm cũng đủ vành đủ vẻ khinh bạc vênh váo trắng trợn, tóm lại là có đủ những đức tính mà Nguyễn Tuân vẫn phô ra với đời để chứng tỏ là bất cần đời. Có điều, cũng như Nguyễn Tuân, Tâm lại là dân say nghề, một tay cự phách trong nghề, tiếng hát, nói như cách nói của thời ấy, rất nhiều tinh thần, khiến cho những người sành sỏi cũng phải bái phục. Mặt khác Tâm là người sống có tình có lý, đã định làm cái gì là làm bằng được, đàng hoàng khảng khái.

Quả thật Nguyễn Tuân đã soi vào tâm mình để thấy bóng dáng của Tâm, và mượn Tâm để hình dung ra chính mình. Đối với một nhà văn, như vậy là nhân vật cô đầu Tâm đã ở vào chỗ tột cùng của sự kính trọng.

Qua truờng hợp của những Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… nói ở trên, có thể rút ra một nhận xét đơn giản: Nhà văn thế nào thì nhân vật gái giang hồ được họ miêu tả cũng na ná như vậy.

Trong văn học, người kỹ nữ vẫn là một phép thử.

Như trong đời sống.

Đã in Chuyện cũ văn chương – 2001

19/10/2008

Lễ hội văn học tiền chiến

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 04:02


TTC – Một mùa màng bội thu… Một thời đại hoàng kim… Mỗi khi muốn hình dung lại sinh hoạt văn học trước 1945, người ta đã viện dẫn tới đủ thứ so sánh như vậy.

Song theo chúng tôi hiểu, xét ở vẻ đa tạp của màu sắc, độ mau lẹ ẩn hiện trong biến hóa, cùng là khả năng thức dậy những hồ hởi náo nức và để lại những ấn tượng mạnh đậm trong tâm trí người tới tham dự, văn học tiền chiến còn có thể ví như một cảnh diễn tưng bừng, một lễ hội.

PHẦN LỄ: Tuy không có những “tuyên ngôn” hoàn chỉnh, song trên nét lớn có thể thấy đấy là nỗi khao khát của người đương thời nhằm giao lưu với tổ tiên để rồi hiểu nòi giống mình, tự nhận ra bản ngã chính mình, từ đó dám sống, ham sống, tin tưởng ở lẽ biến dịch vĩnh hằng của đời sống.

PHẦN HỘI: Trước kia, đời sống văn học cả nước chỉ gồm nhiều hội làng nho nhỏ. Nay gộp cả lại thành một hội chung nên cũng rôm rả hơn hẳn.

Trong cuốn sổ tay của một phóng viên có tính ưa nghịch ngợm đã vẽ lại hình ảnh các nhà văn bằng bút pháp “ca-rica- tuya”, pha chút đùa cợt. Chép lại ở đây, chúng tôi không nghĩ rằng những nét phác họa này là sự đánh giá chính xác như trong những công trình nghiên cứu các bạn vẫn đọc…

…Xôm trò nhất phải kể là đám các ông thuộc Tự lực Văn đoàn. Nhất Linh đóng vai những chàng trai can trường theo đuổi sự nghiệp, quần áo rõ ra Âu hóa, song tính cách hao hao những nét nhân vật anh hùng trong tuồng.

Các cô gái tân thời của Khái Hưng thì mới mẻ, thậm chí còn bị coi là liều lĩnh khi dám coi tình yêu là thiêng liêng hơn hết mọi sự trong đời. Đám người đương thời tới xem – phần đông các cô áo tứ thân, răng đen, chít khăn mỏ quạ – nhìn những cô Mai, cô Hiền… của Khái Hưng với cặp mắt vừa sợ hãi, vừa thèm muốn.

Ngay cạnh đấy, Xuân Diệu cũng âu phục rất kẻng trai, với những búp tóc lòa xòa trước trán, mắt ngước nhìn lên bầu trời xa xăm, nói khẽ những điều đang thổn thức trong lòng. Trước khi diễn trò, Xuân Diệu đã quả quyết rằng những ông Tây chính cống như Rimbaud và Verlaine cũng chỉ nhập vai như mình là cùng.

Có điều, bắt chước trò Tây, nhưng vẫn phải diễn cho ra phong cách dân tộc, người xem hội mới chuộng. Ông Nguyễn Vỹ tưởng tân tiến hơn, xì xồ giả giọng “Phăng-xe”, mới được mấy câu, người xem đã lảng hết cả.

Tự lực Văn đoàn diễn được một lúc, mới thấy sân khấu bên ông Tân Dân mở màn. Cánh này làm ăn không được quy củ như bên Tự lực, nhưng từng người một ra trò khá độc đáo. Lê Văn Trương đóng vai một “người anh cả”, phải kiếm tiền nuôi các em trong nhà, một ông thầu khoán tán như khướu, song lại trọng nghĩa khinh tài, rút hàng tập giấy bạc ấn vào tay mấy chị cô đầu ế hàng, rồi lại biết phi ngựa bắn súng đuổi cướp, khiến người vỗ tay rào rào.

Nguyễn Công Hoan trình bày một loạt hoạt cảnh rút ra từ sinh hoạt các phố như phố huyện, cũng như những cảnh sống bệ rạc, nhếch nhác của bọn con sen, thằng ở. Vũ Trọng Phụng oách hơn, vừa chỉ tay phù phép một lúc, thế là cả bọn lưu manh ấy trở thành ông Hàn, ông Nghị, nhà từ thiện, gã lang băm… để rồi véo von chửi đời nghe thật sướng tai.

Đây nữa, một người cũng lui tới ở gánh trò Tân Dân nhưng chỉ thủng thẳng đứng riêng ra một góc, và rất điệu nghệ trong các vai cổ: Một ông quan thất thế, mấy nhà nho tài tử chán đời song lại ham chơi… Đó là Nguyễn Tuân.

Tiếng là chuyên đóng vai cổ, nhưng kỹ thuật trình diễn của Nguyễn Tuân vẫn là kỹ thuật hiện đại (thỉnh thoảng ông vẫn chúi vào một góc, giở lại mấy trang sách của A.Gide xem mình làm đã đúng bài bản chưa, rồi mới chạy ra làm tiếp). Người xem hội tới chỗ Nguyễn Tuân phải yên lặng, chăm chú lắng nghe, chứ không được vừa xem vừa nói chuyện, rồi cắn hạt hướng dương tí tách như ở các đám khác.

Cũng là vai độc diễn, còn có cả Nguyễn Bính chuyên nhại giọng trai làng, ỡm ờ, duyên dáng, lời lẽ cứ ngọt như mía lùi, khiến các cô hàng xén mê tít cả một lượt, trùng trình đứng lại xem mãi.

Hội đã gần tàn, lại thấy xuất hiện thêm mấy kép hát mới, may mà toàn những trò lạ, người xem hội bỏ về không nổi: Ông Nguyên Hồng quần nâu áo vải làm dân bên đạo vác thánh giá, lúc nào cũng nước mắt nước mũi giàn giụa khiến khối người sụt sịt khóc theo. Nam Cao thì nổi tiếng nhất là vai anh Chí khật khưỡng say rượu, chửi ráo cả làng, cạnh đó là giáo Thứ rầu rĩ, cái gì cũng thèm.

Còn ông Tô Hoài dẫn theo một bầu đoàn thê tử các giống vật nào là mèo, chó, trống choai, chuột bạch, ri đá… đủ loại. Riêng chàng Dế Mèn được tiếng quen phiêu lưu đi đầu, nhưng khôn ranh có hạng, cứ đi vài bước, lại dừng chân nghe ngóng rồi mới đi tiếp!

Hội vui còn có ông Tản Đà xem bói và đọc thơ Đường, ông Vũ Đình Liên ngồi viết câu đối thuê, ông Lan Khai giả bộ Mán Mường, ông Bùi Hiển diễn lại phong tục làng chài xứ Nghệ, ông Chế Lan Viên trùm khăn đen làm ma Hời rú gọi bên các tháp Chàm, ông Thế Lữ dạy nghề trinh thám tư.
Và đám mấy ông Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Nguyễn Tử Siêu thì bày ra một dãy các con rối, nhìn kỹ là các nhân vật lịch sử như Lê Chiêu Thống, Trần Thủ Độ, bà chúa Chè v.v…

Khó lòng kể hết những ngón trò được trình diễn tại kỳ hội lần này. Nhiều người đi hội về vẫn xuýt xoa nhiều trò chưa xem được kỹ. May mà Ban tổ chức lễ hội đã kịp cho in bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh để người ta về có quà lưu niệm, mà khi cần cũng là tài liệu tra cứu thêm. Đây là loại dịch vụ xuất bản tân tiến, chỉ tới lễ hội “văn học tiền chiến” mới thấy.

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.