VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

24/07/2009

Không nên cầu dễ… trong học tập

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 12:02
TTO – Cũng như nhiều bạn đọc khác, trước hết tôi xin hoàn toàn chia sẻ với những lời than phiền về tình hình giáo dục hiện nay. Trong gia đình, bọn tôi cũng thường được nghe các cháu kể khổ như vậy. Và nói gì thì nói, phải nhận đó là lỗi của ngành “đào tạo con người” ở ta, bao gồm từ quan niệm tổng quát về giáo dục, cho tới sự phân bố chương trình, việc viết sách giáo khoa, cách cho điểm v.v..
Nhìn qua đã thấy đấy là những kém cỏi trong công việc. Mà quy đến cùng thì phải gọi cách làm ăn đó là làm khổ con người, thậm chí là thiếu tinh thần nhân văn nhân đạo
Thế nhưng, cũng như những bất cập khác trong đời sống, những bất cập trong ngành giáo dục không phải ngày một ngày hai giải quyết được ngay.
Nhân gần đây có tìm hiểu lại lịch sử giáo dục, tôi thấy trên phương diện này, truyền thống mà chúng ta đang có không dày dặn như chúng ta tưởng, ông cha ta xưa cũng chỉ nói nhiều tới khoa cử chứ chưa hình thành được một quan niệm cũng như một nền nếp tốt trong giáo dục, chính đó cũng là lý do hiện nay chúng ta loay hoay nhiều với chuyện học hành của con em mà chưa biết giải quyết ra sao.
Bởi vậy tôi cho rằng sau khi đã “ kể khổ” như vậy, đúng hơn là đồng thời với việc đó, mỗi người không nên quên hướng sự suy nghĩ của mình và con em mình theo một quỹ đạo khác: đầu tư thời gian và sức lực hơn nữa cho cái việc ta đang làm quá kém này.
Chỉ cần nghĩ tới tình hình sự phát triển của kiến thức của nhân loại đã phát triển mức kinh khủng như hiện nay, thì đã thấy việc học không nhẹ nhàng chút nào.
Đối với một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh như nước mình, để khắc phục một tình trạng lạc hậu đến đau xót, mà hàng ngày ai cũng cảm thấy – làm gì có con đường nào khác là phải bảo nhau khổ học, học cho nhanh chóng bằng người?!
Cố nhiên để học tốt, một yếu tố quan trọng là chương trình, sách giáo khoa, việc giảng dạy của các thày các cô… Nhưng yếu tố trước tiên vẫn là sự ham học, là tinh thần khổ học của từng người. Ta phải giúp nhau chủ động hơn, có sáng kiến hơn trong tự học .
Việc học không bao giờ là dễ dàng cả. Những người giỏi giang thường cũng thú nhận là lúc đầu “vào cuộc” cũng chối lắm. Chỉ có điều họ có quyết tâm hơn người.
Tôi nhớ lại những tấm gương hiếu học mà mình nghe được từ lúc trẻ. Tôi nhớ hồi 1975, vào Sài Gòn nghe kể có những gia đình các bà mẹ phải theo con qua Pháp để thổi nấu cho con ăn uống được tử tế, nhờ thế con học thành tài .
Trong chúng ta còn những tiềm năng mà chưa bao giờ ta khai thác hết. Không nên để cho nó mai một đi.
Có phải rằng trẻ ở nước ngoài được chơi nhiều hơn phải học? Theo tôi biết điều đó cũng đúng nhưng nên nói thêm là ở nước ngoài việc chơi đùa cũng được xem như một bộ phận văn hoá và người ta biết từ cái chơi đó tác động vào tư duy, rút cục chơi đấy mà học đấy. Còn ở ta, phần lớn các gia đình ăn ở chật chội, trò chơi nghèo nàn, điểm vui chơi công cộng không có, sự chơi đùa được thả lỏng, nên dễ làm hư người. Trong hoàn cảnh đó, tôi thành thực nói với các cháu trong nhà: có khi trong việc học, người ta lại tìm ra cảm giác vui sướng hơn.
Trong bản thảo cuốn sách do dịch giả Trịnh Lữ dịch mà tôi đang biên tập, có đoạn nói về sự khoái lạc bao gồm cả khoái lạc vật chất lẫn khoái lạc tinh thần. Và tôi ghi được một câu cho mình: “Khoái lạc tinh thần bao gồm cảm giác mãn nguyện nhờ thấu hiểu một điều gì đó, hoặc nhờ những suy ngẫm về chân lý “.
Có thể các bạn trẻ lúc đầu không tin, nhưng nên nhớ là nhiều thế hệ đi trước, khi về già, đều thấy như vậy.
Ngoài lời kêu khổ của học sinh, một số phụ huynh và cả các thầy giáo gần đây cũng hay nói hùa theo, tức bảo con em mình đang quá khổ sở trong học tập và tỏ ý thương xót các em. Tôi cho rằng lẽ ra chỉ nên nói đáng thương là ở chỗ các em phải học những thứ kiến thức tầm thường, chẳng hạn những bài văn bài thơ nhạt nhẽo vô vị. Chứ còn so với cái sâu sắc của kiến thức nói chung, vẻ cao đẹp của văn chương nói riêng, thì các em còn phải làm việc nhiều.
Nếu chỉ nói đến sự đáng thương, tức là chúng ta – cho phép tôi nói quá lên một chút – đang rơi vào cái mà người ta gọi là mị dân. Đang để cho tình cảm lấn át lý trí. Đang quá dễ dãi với nhau, hoặc ít ra là không có yêu cầu cao về nhau. Việc này có liên quan tới những lời vuốt ve khen ngợi nhau tràn ngập trong đời sống hàng ngày, trên mặt báo (tuyệt vời, xuất sắc, đỉnh cao chói lọi …), cùng là lối cho điểm cao đang lạm phát trong các trường từ phổ thông tới đại học và cả trên đại học. Chừng nào chính người lớn còn dừng lại ở cách làm cách nghĩ như thế này thì con em ta không thể nên người được.

(Tuổi trẻ)
Thứ hai, 23 Tháng năm 2005

Hãy tập làm khó cho nhau!

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 11:57
Giáo dục dưới mắt mọi người
TT – Báo chí mấy ngày cuối tháng bảy liên tục đưa tin học sinh thi vào đại học năm nay đạt mức điểm khá thấp.
Nghĩa là nếu xét theo mức điểm dự định từ trước thì nhiều trường đại học sẽ không đủ sinh viên nhập học.
Và người ta lại lo làm như mọi năm, tức là tính toán hạ thấp điểm sàn xuống, cốt vét cho đủ chỉ tiêu.
Quả thật không phải là người trong nghề, chúng ta cũng dự đoán tình cảnh thê thảm ra sao một khi các trường không đủ sinh viên, nhất là các trường dân lập, tư thục. Các khối lớp bị dồn lại, phòng học thừa, giáo viên thất nghiệp. Ấy là không kể số học sinh không đỗ kia sẽ sống ra sao. Bảo rằng cả ngành giáo dục rồi sẽ náo loạn cũng không ngoa.
Mặc dù biết vậy, tôi vẫn muốn đề nghị: nhân tinh thần sôi sục của cả xã hội muốn tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta hãy dũng cảm bắt tay vào việc làm khác với mọi năm, tức là chấp nhận một mùa tuyển sinh không đạt chỉ tiêu số lượng.
Các vị vẫn bảo lâu nay nhiều trường phòng học thiếu, điều kiện học tập khó khăn? Vậy hãy nhân dịp này, tạo cho những sinh viên xứng đáng những gì cần thiết.
Khi cần bào chữa cho sự kém cỏi của từng giờ học, các vị thường lấy lý do thầy giáo phải dạy nhiều quá, không có thời gian nghiên cứu, không có thời giờ đọc thêm tài liệu nước ngoài. Thì nhân dịp thiếu sinh viên, xin bố trí để các thầy học thêm cái gì các thầy thấy cần…
Trước mắt có gây đảo lộn và làm khó cho các trường đại học, nhưng việc chỉ lấy sinh viên có đủ chất lượng – dù mới là chất lượng còm cõi kiểu VN – sẽ đánh động cho các trường phổ thông, gây sức ép để người ta không thể dễ dãi tùy tiện mãi – toàn những đỗ 90-99% – trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trong năm tới.
Việc tính toán các mức kế hoạch cho giáo dục sẽ buộc phải thực tế hơn. Mọi cuộc mừng công sẽ đỡ phô trương trơ trẽn hơn. Còn nhiều cơ may khác mà tôi tin thử “uống thuốc đắng” một lần, ta sẽ tìm thấy.
Với tình hình bệnh trạng nặng nề hiện thời, tôi tin chúng ta chỉ có một cách này để giải quyết. Hãy bắt đầu chọn việc khó để làm và tập làm khó cho nhau, ngay từ hôm nay.
Mọi sự công bằng muốn được thiết lập, không thể không gây ra bất công trước mắt, bất công với một bộ phận nào đó, nhưng vì sự nghiệp chung phải cùng ráng chịu.
Nếu như việc này vượt quá phạm vi trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, đề nghị các vị lãnh đạo quốc gia cũng cho ý kiến.

Tuoitre online
Thứ Ba, 01/08/2006

21/07/2009

Sống cho thế hệ tương lai

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 09:30

Nhất cử nhất động của chúng ta đều gây tác động tới tương lai. Và thế hệ trẻ là cái chuẩn bất cứ ai cũng phải tính tới khi giải thích đánh giá hành vi của chính mình…

1.
Sau World cup, trong khi dành nhiều giấy mực cho thắng lợi của Italia, dư luận nhiều nước lại đồng thời bàn nhiều về cú húc đầu của Zidan vào một hậu vệ đối phương, đến mức bị thẻ đỏ. Cách bàn tán cũng lạ lắm: Chúng tôi sẽ nói với con cái trong nhà như thế nào đây?!

Một tờ báo Pháp thảng thốt kêu lên như vậy. Nghĩa là người ta cho rằng nhất cử nhất động của chúng ta đều gây tác động tới tương lai. Và thế hệ trẻ là cái chuẩn bất cứ ai cũng phải tính tới khi giải thích đánh giá mọi hành vi của chính mình và người chung quanh.

2. Khi đã định làm việc gì – nhất là những việc phạm pháp, những việc bậy bạ, dân mình thường cũng nghĩ ra nhiều cớ lắm. Như trong cái quốc nạn tham nhũng hiện nay, cái cớ đầu tiên người trong cuộc nói với nhau thường là lương thấp không đủ sống. Nghe có lý lắm!

Người ta chỉ lờ đi một sự thực, sau khi đã ăn cắp đủ no rồi, nhiều người vẫn say máu lao vào cuộc và càng kiếm chác tàn bạo hơn. Tiếp đó, một cái cớ có vẻ chính đáng khác thường được viện ra: con cái. Không để cho nó dốt như mình được, cần có tiền cho con cái học hành. Và không để cho nó khổ cho mình được, cần cho nó biết những lạc thú mới mẻ nhất trên đời.

Vậy là dân ta có kém gì thế giới đâu, ta cũng lo cho tương lai nhiều lắm đấy chứ! Chỉ có điều nỗi lo của ta là lo lộn ngược. Ta sẵn sàng để con ta thành ký sinh trùng ăn bám xã hội chứ không phải những công dân biết sống hết năng lực và tầm cỡ của một con người .

3. Báo Tiền Phong số ra 13-7 có bài của một tiến sĩ người Mỹ khuyên ta dạy con biết chấp nhận thất bại. Bài báo nêu ra 4 cách giúp cha mẹ dạy con. Thỉnh thoảng, hãy để trẻ thua cuộc; yêu cầu trẻ chơi đẹp; dạy con tôn trọng cảm xúc của người khác; khen ngợi sự tiến bộ của trẻ. Bài báo kết lại bằng cái ý “Việc học cách chấp nhận thất bại sẽ dạy cho trẻ tính tự trọng và biết sống hòa hợp với người khác”.

Tôi rất thích cách nghĩ này, bởi có cảm tưởng lúc này đây nhiều người chúng ta hàng ngày sống hiếu thắng quá, kể cả các bạn trẻ. Mà hiếu thắng là thiếu bản lĩnh không biết mình biết người, chỉ thích những cái tiếng hão, trong khi thực chất thế nào không cần biết.

4. Đọc gần hết truyện, thấy Cánh đồng bất tận thuộc loại khá dữ dằn và phải nói có sắc thái bi quan. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã để cho tác phẩm của mình khép lại bằng mấy dòng hết sức nhân ái. Sau khi trải qua đủ loại sợ hãi đau xót căm giận… vì bị cưỡng hiếp, cô gái tên Nương hướng đầu óc của mình tới cách nghĩ khác “Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăng quăng đang vui sướng, ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn“.

Nhiều bậc cha mẹ thích cái đoạn kết này vì nó giống như chúng ta: biết rằng mình đang sống tội lỗi và hy vọng rằng thế hệ sau sẽ tha thứ. Nếu được bổ sung tôi chỉ muốn nói thêm: Mong sao lớp trẻ không phải sống theo cái kiểu nhiều người hôm nay đang sống! Và trách nhiệm của chúng ta là phải chuẩn bị cho một ngày mai như thế !

tuoi tre online
Thứ Bảy, 22/07/2006

17/07/2009

Trông người lại nghĩ đến ta

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 14:17

1/ Từ Paris, hoạ sĩ Trần Trọng Vũ có một nhận xét khái quát về tình trạng của hội hoạ VN : Những nhận xét ấy được hoạ sĩ Trịnh Cung hưởng ứng. Ông cắt nghĩa tại sao mình lai đồng tình với Trần Trọng Vũ qua bài trả lời phỏng vấn ngắn in trên TT&VH số ra 16-5-2003.
Theo Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung, chưa bao giờ tranhVN có mặt trong hệ thống các gallery chuyên nghiệp ; và người mua tranh VN thường chỉ là khách du lịch.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, cái nhận xét trên chỉ có một nghĩa đơn giản : chúng ta đang có một nền hội hoạ thuộc loại chầu rìa. Đại khái cũng giống như trong bóng đá, chỉ khác là trong bóng đá người ta có hệ thống xếp loại rõ ràng còn trong nghệ thuật thì chưa.
Vậy văn học VN có thoát khỏi tình trạng đó không. Chúng ta ở vào chỗ nào của văn học thế giới ? Văn học VN ra nước ngoài được đón tiếp ra sao theo kiểu gì ? Những câu hỏi có tính chất liên hệ nẩy lên trong đầu óc.
Nhân đây xin cung cấp một nguồn tư liệu :
Trong những ngày từ 19 đến 21-12- 2002, cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ nhất những người dịch văn học VN đã được tổ chức tại Hà Nội và tháng 4- 2003 này một tập kỷ yếu của hội nghị đã được xuất bản. Trong tập kỷ yếu, bản báo cáo của ban tổ chức về tình hình văn học VN dịch ra các nước và lời phát biểu của một số đại biểu nước ngoài kể về tình hình giới thiệu văn học VN ở nước họ đã có dịp được in lại. Sẽ chẳng có gì mới nếu bảo rằng qua các báo cáo này có thể khảo sát nhiều điều thú vị. Và đây là một chi tiết tôi phải dừng lại kiểm tra : trong phần tác phảm văn học VN dịch ra tiếng Trung quốc, tôi thấy chỉ nói tới mấy cuốn văn học cổ điển cùng là những cuốn của những năm 60 70 như Người con gái Việt nam, Từ tuyến đầu Tổ quốc, Vỡ bờ ; tính riêng phần văn học VN từ sau 1975, chỉ thấy nói tới Ông cố vấn của Hữu Mai ( có chua rõ in ở một nhà xuất bản chuyên về quân sự chứ không phải các nhà làm sách văn học ). Chắc nhiều người như tôi đọc đến đây tự hỏi : Chẳng nhẽ bạn đọc bên Trung quốc, chỉ chú ý đến bấy nhiêu tác phẩm của ta ? Hay là các bản báo cáo để sót ? Lưu ý thêm là như báo chí gần đây đã nói trên thị trường sách dịch ở VN đang có một sự bùng nổ sách dịch từ tiếng Trung quốc. Nếu tạm ví dịch vào như nhập khẩu mà dịch ra như xuất khẩu, thì chẳng nhẽ lại có tình hình nhập siêu nghiêm trọng đến vậy ?
Còn như nếu các báo cáo đã nói đúng thì từ đây có thể nghĩ gì về cái cách xuất ngoại của văn học VN ? Liệu có nói được như bên hội hoạ mà Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung đã nêu hay lại còn bi đát hơn một bực ?
2/ Cũng trong cái mạch so sánh để tìm ra cách cân đo đong đếm chính xác văn học Việt Nam hiện thời, còn có một bài báo nữa tôi muốn nhắc tới, đó là bài Văn học Trung quốc chinh phục thế giới, nguyên bản in trên Time, bản dịch do báo Lao động ở ta in trong số 9-2-2003. Bài báo cho thấy một sự thực đáng kinh ngạc : ở Trung quốc, ngành xuất bản nộp thuế cho nhà nước chỉ kém rượu và thuốc lá. Tôi nhận ra trong cái chi tiết tiền thuế này hai điều : người Trung quốc thật là ham đọc và giới làm sách đã đáp ứng được nhu cầu đó, ngành xuất bản ở họ đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự. Tất nhiên ở ta thì tình hình ngược lại gần như 180 độ. Lại nữa không phải ngẫu nhiên trong bài viết trên có cái chữ đầy quyến rũ : chinh phục thế giới. Vấn đề không phải chỉ là có những tác giả Trung quốc in ra ở Anh ở Mỹ với số lượng 8 triệu bản, mà cái chính là “ý chí chinh phục thế giới của nền văn học ấy thì không ai có thể phủ nhận.”. Nói nôm na là các tác giả Trung quốc đủ tự tin để lao vào cuộc thách thức là buộc người ta phải nghe họ nói ( điều này thì thực tế sách dịch ở VN đã là một bằng chứng ). Còn ở ta theo chỗ tôi biết, nhiều nhà văn đang trong trạng thái khá mông lung. Nói cho đúng ra họ cũng mơ chuyện ấy lắm nhưng chỉ như cô gái rụt rè chờ đợi xem không biết bao giờ có người đến rước đi giúp, chứ không biết công phu chuẩn bị cho nó. Hai chữ chinh phục còn quá xa lạ. Mà đã chưa muốn thì bao giờ làm được !
Cũng trong cái mạch so sánh để tìm ra cách cân đo đong đếm chính xác văn học Việt Nam, tôi muốn trở lại với bài viết về văn học Trung quốc trên kia đã nhắc. Trong đầu đề bài báo ấy có cái chữ đầy quyến rũ : chinh phục thế giới và người viết đến câu cuối còn nhắc lại “ý chí chinh phục thế giới của nền văn học ấy thì không ai có thể phủ nhận.”. Nói nôm na là các tác giả Trung quốc đủ tự tin để lao vào cuộc thách thức là buộc người ta phải nghe họ nói ( điều này thì thực tế sách dịch ở VN đã là một bằng chứng ). Còn ở ta thì sao ? Ai muốn đối chiếu có thể tìm đọc bài viết Hoan hô các bác đi Tây in trên báo Tiền phong số ra 17-4-03. Theo cái cách mà bài báo miêu tả, nhiều người mình ( ở đây là các nhà văn ) ra nước ngoài thời nay cứ như nhà quê ra tỉnh. Nói nôm na là rúm tứ túc cả một lượt. Mang tiếng là hội nghị với hội thảo chứ ” biết gì mà nghị với chả thảo “ ! Chỉ chờ may ra có người thương tình nịnh vờ cho mấy câu thì ghi lòng tạc dạ để về doạ người trong nước !
Chẳng nhẽ đó lại là tư thế của những người đi chinh phục thế giới.
Thế thì bao giờ của đi thay người cho được ? !

Chung quanh câu chuyện xuất ngoại của văn chương Việt nam

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 14:16

Thời buổi này ai mà chẳng muốn có dịp đi ra nước ngoài để tìm hiểu thêm về thế giới, nữa là những người viết văn. Và nếu đó không phải là những chuyến du lịch hoặc đi theo sự phân công phân nhiệm của cấp trên, mà là cái sự đi ra đầy vinh quang, tức đi bằng tác phẩm của mình, thì với mỗi người cầm bút, lại là điều đáng tự hào. Có thể đọc ra niềm mong mỏi nói trên của các nhà văn ta qua những lời họ bàn bạc với nhau chung quanh chuyện đưa văn chương ra với bè bạn xứ người.
Tin tức truyền đi rôm rả lắm.Trong đám những người nặng lòng với văn chương, thỉnh thoảng vẫn nghe có lời đồn thổi đại ý rằng ở Pháp ở Mỹ rồi ở Thuỵ Điển và Đan Mạch,ở Nhật Bản cũng như bên Hàn quốc, thơ của mình, truyện của mình, người ta cũng dịch vô khối.
Sở dĩ bảo là chuyện đồn thổi, bởi nó chỉ có một li một leo sự thực : văn chương ta dịch thì cũng có được dịch ; nhưng không phải là vô khối đâu, mà chỉ đơn sơ, lót đót, lẻ tẻ, vụn vặt, nói chung là ít lắm, ít đến mức nếu đứng ở toàn cục mà xét phải thấy xấu hổ.
Mới đây, sau khi đi nhận giải văn học Asean hàng năm, nhà thơ Bằng Việt than thở đại ý ngay trong khu vực cũng chẳng ai biết gì về ta cả. Hoặc trên báo Văn nghệ, một thành viên của đoàn nhà văn đi thăm Trung quốc kể rằng khi hỏi xem các bạn có biết gì về văn học Việt nam, thì thấy họ ngớ ra một lúc sau mãi mới nhớ đến một cái tên, đó là cuốn Từ tuyến đầu Tổ quốc. Đối với khu vực Âu Mỹ, tình hình có khá hơn một chút, song nếu đặt nó trong sự bùng nổ dịch thuật ở đó thì phải nói văn học ta chưa có chỗ đứng, chưa thành mặt hàng, chưa ra tấm ra món nào hết.
Vậy thì nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào ? Những cách bắt bệnh bốc thuốc tức là cách giải thích đang được lan truyền hiện nay đã thực hợp lý chưa ?
Xin được bắt đầu bằng một chuyện bên kinh tế.
Đọc báo cũng như xem ti-vi, nhiều người hẳn nhớ gần đây, các ngành xuất khẩu của ta thường gặp khó khăn, hàng không tiêu thụ được, có khi đã theo tàu vào cảng mà còn bị trả về.
Khi kể lại việc này, những người viết bài trên báo thường không quên tỏ ý oán trách là thiên hạ người ta khắt khe, nếu không nói là thiếu thiện ý, họ chỉ thích đặt ra cho lắm các loại rào cản, cốt để hạn chế việc làm hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó chỉ cần nghe kỹ đầu đuôi câu chuyện thì người không am hiểu gì về kinh tế cũng có thể đoán ra : sở dĩ thiên hạ họ không mua hàng ta, nguyên nhân chỉ là vì các mặt hàng ấy không bảo đảm yêu cầu mà họ đặt ra từ trước. Nếu lại biết thêm rằng những yêu cầu này người ta áp dụng không chỉ với Việt Nam mà với mọi loại hàng nhập khẩu nói chung thì có thể đoán những lời than phiền trên là vô căn cứ. Ta ít hiểu về việc người, nên nghĩ sai cho người. Giống như những đứa trẻ quen được chiều mà sinh làm nũng, ta muốn người ta thương cho phận nghèo hoặc kinh tế lạc hậu mà đặc cách chiếu cố, rồi không được thì đập chân đập tay hoặc thở dài oán trách.
Trở lại với tình hình văn học. Khi cắt nghĩa hiện tượng văn học Việt nam ra nước ngoài còn khó khăn, nhiều người thường có xu hướng đổ thừa cho những nguyên nhân khách quan.Tại người làm đối ngoại của ta ít hiểu về văn học.Tại tiếng Việt khó quá. Tại chúng ta không khéo quan hệ với người, không giỏi tuyên truyền để cho người ta biết thêm về mình.
Những cách cắt nghĩa loại này theo tôi, không phải là sai, song chỉ dừng lại ở những nguyên nhân bên ngoài, trong khi đó việc trước tiên cần làm là rà soát lại chất lượng sáng tác của ta, tìm thấy ở đó những nguyên nhân sâu xa của tình hình trì trệ.
Thời còn chiến tranh hoặc sau đó ít năm, người ta có thể dịch ta ít nhiều vì lý do hữu nghị, dịch xong rồi để đấy không có ai đọc cũng vẫn cứ dịch tiếp. Nay thì hoàn cảnh đã khác. Nếu những của cải về tinh thần ta đưa sang không đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nói toàn những chuyện người ta không quan tâm, nhân vật xa lạ với họ, cách nghĩ của người trong sách ngớ ngẩn ẩm ương kỳ cục họ không hiểu nổi… thì những dịch giả nước ngoài dù có yêu mến ta đến mấy cũng “ chắp tay vái “. Vì họ biết có dịch ra, sách cũng không ai đọc và trước tiên là không ai mua. Về phần mình, nếu tỉnh táo, chúng ta cũng sẽ chẳng thích thú gì với cái việc đãi bôi đó cả.
Có thể có người trách tôi nhìn mọi việc quá thực dụng, nhưng trong thế giới hiện đại, không thực dụng sao được ?! Cái lối thần bí hoá văn chương, thích thì thào khấn khứa, nào là ở đây rất nhiều bí mật, nào là có những cái hay không ai cắt nghĩa nổi, và có cái hay của dân tộc này dân tộc khác không hiểu nổi…., những cách nghĩ ấy đã quá lỗi thời, không thích hợp với công cuộc giao lưu văn hoá đang được tiến hành sôi nổi giữa các nước, các dân tộc.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhân những khó khăn trong xuất ngoại nay là lúc ta nên nhìn lại chính ta.
Xét trong tâm lý : Có phải lâu nay ta chỉ tính tiếp nhận của người mà còn ít nghĩ tới chuyện đóng góp với người ? Có phải lâu nay chúng ta thường chỉ mong chờ ở họ một ít ban phát, một ít thương hại, mà chưa tính chuyện đóng góp với bạn bè, rộng hơn là chinh phục họ, buộc họ phải tiếp nhận ?
Về chất lượng công việc : Có phải thứ văn chương chúng ta làm ra thường chỉ dừng lại ở trình độ một thứ hàng nội địa dùng tạm với nhau mà chưa bao giờ đạt chuẩn mực quốc tế ? Và do chỗ bằng lòng với tình trạng tiêu thụ nội địa như vậy, ta thường dễ dãi và không có yêu cầu cao về nhau, chỉ ra sức chiều chuộng tâng bốc nhau, mà bỏ qua cả những chuẩn mực cần thiết, đến mức thỉnh thoảng có người nước ngoài biết tiếng Việt nhìn vào, họ cũng ngán luôn ?
Tôi chợt nhớ lại một câu chuyện : khoảng 1986-1989, tôi có dịp làm việc tại một nhà xuất bản của Liên xô cũ, ở đó có một người bạn Nga rất giỏi tiếng Việt, anh thường bảo tôi rằng tiếng Việt với anh là một thứ cần câu cơm. Biết vậy có một tờ báo mình in ngay ở bên Moskva ngỏ ý nhờ anh đảm nhận phần dịch để đưa tới bạn đọc Nga, nhưng nói thế nào anh cũng từ chối. Khi nghe tôi gặng hỏi sao không nhận, có phải vì tiền ít không thì anh bảo không phải, cái chính là các tác giả viết tiếng Việt kém quá, kém đến mức không thể thương được. Cứ dịch y như nguyên văn thì anh mang tiếng. Mà viết lại bằng tiếng Nga thì quá tốn công anh không muốn.
Cái căn bệnh” không thể thương được “ nói ở đây, nếu tôi không nhầm,đến nay càng bùng phát, lan ra không chỉ trên mặt báo mà trong cả các tập truyện ngắn truyện dài, và chỉ nội một lý do đó thôi cũng đã làm cho cái ngày văn chương ta đến với bạn bè xứ người còn xa lăng lắc./.

Bao giờ thì VN có giải Nobel văn chương ?

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 14:15

Hàng hoá Việt Nam thường được coi là nghèo nàn về mặt chủng loại. Những công cụ hoặc đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày cái gì cũng có, nhưng đơn sơ chưa đạt tới mức độ hoàn thiện.
Trong hoàn cảnh giao lưu kinh tế với nước ngoài được mở rộng, người sản xuất của chúng ta khá nhạy cảm trong việc tiếp nhận. Nghĩa là thấy ai làm cái gì ta cũng chịu khó mô phỏng bắt chước. Song thường nhái theo kiểu cách học được mà ít có khả năng tạo ra những mẫu mã mới và không xây dựng nổi những thương hiệu có uy tín, nên thua ngay trên sân nhà, tức không cạnh tranh nổi với hàng hoá nhãn mác nước người. Không có tiền thì đành bóp bụng chịu, chứ nếu có, người tiêu dùng hôm nay vẫn sính dùng hàng ngoại hơn hàng nội.
Trên đây là những đặc điểm đang chi phối sự sản xuất vật chất ở ta.Chúng được nói nhiều, được phân tích kỹ trên mặt báo và mọi người đều biết, cả những người làm nghề sáng tạo ra các của cải tinh thần ( trong đó có các nhà văn nhà thơ ) cũng biết. Chỉ có điều không ai chịu có một chút liên hệ tối thiểu, nhìn các mặt hàng khác mà nhận chân giá trị thứ hàng mình làm. Ngược lại, nhiều người cầm bút vẫn nuôi ảo tưởng, hình như nghề của mình là một ngoại lệ, văn chương mình làm ra không thể xoàng xĩnh như mấy thước vải do các hãng trong nước dệt hoặc mấy viên thuốc nội khi con ốm bất đắc dĩ mới mua cho con dùng. Không, ta kém những gì không biết, chứ văn chương không chịu kém ai cả !
Sự thực thì như thế nào ? Thử nhìn vào một thể tài mà bạn đọc đang tha thiết mong đợi và nhiều người cũng đang háo hức lập nên kỳ tích là thể tiểu thuyết. Đây vốn không phải là một thể văn nội sinh, mà chỉ mới được du nhập từ khi người Pháp tới ( thể truyện nôm trong văn học trung đại mới chỉ là những mầm mống sơ khai ).Và mặc dù tiểu thuyết VN thế kỷ XX được viết khá nhiều, song còn quá sớm nếu bảo rằng chúng ta có một truyền thống tiểu thuyết hùng hậu như nước này nước nọ. Chẳng có người trong cuộc nào công khai thú nhận, song về lý mà xét, có lý do để dự đoán rằng không ít cuốn tiểu thuyết được viết và in ra thời gian vừa qua tạm gọi là thành công trên phương diện thể loại chẳng qua nhờ biến báo những kinh nghiệm học được từ nước ngoài. Chưa thể nói tới những sự đột phá tìm tòi, những bước mở rộng quan niệm về thể tài mà người ta thường bắt gặp ở những nền tiểu thuyết lớn ( cũng tức là chưa có những mẫu mã mới như bên kinh tế thường nói ). Một nhà nghiên cứu văn hoá đã đưa ra ví dụ khái quát :Việt Nam không sáng chế ra chiếc xe đạp, nhưng đứng ở góc độ khai thác hiệu năng của chiếc xe đạp để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt thì không ai bằng người VN. Tôi nghĩ rằng thành tựu của tiểu thuyết ở ta cũng ở mức độ tương tự, tức là giữa phát minh và vận dụng, có vẻ ta khá hơn trong việc vận dụng tiểu thuyết để phục vụ đời sống, thế thôi.Viết thì cứ viết đọc thì cứ đọc, cần trao giải thưởng để động viên nhau thì cứ trao, nhưng bốc nhau lên quá thì không nên. Tỉnh táo trong việc đánh giá thành tựu đã qua chính là một cách để đỡ có những hy vọng hão huyền và cả những đòi hỏi lố bịch. Tư duy về văn học ở ta còn loanh quanh ở mức như thế này, văn hoá nghề nghiệp ở những người viết còn dừng lại như thế kia, thì hy vọng làm gì cho mệt. Gần đây một vài người thích nêu ra những câu hỏi vui vui kiểu như bao giờ VN có những người đoạt giải Nobel văn chương. Tôi nghĩ câu trả lời không có gì khó khăn lắm : đại khái bao giờ người Việt có những phát minh khoa học lớn được cả thế giới áp dụng ; hoặc có những nhà hoá học tìm ra những nguyên tố mới ; hoặc gần gũi hơn, bao giờ bóng đá Việt Nam Việt Nam ở vào tốp 10 tốp 20 trong bảng xếp hạng bóng đá thế giới — thì lúc ấy thơ văn tiểu thuyết chúng ta trước sau sẽ có Nobel. Văn chương không thể là một ngoại lệ, sự sáng tạo trong văn chương cũng nằm trong tiềm năng sáng tạo chung,và cùng trình độ như mọi ngành nghề khác.

16/07/2009

Lời con đường quê

Filed under: nha van — vương-trí-đăng @ 11:20

Nhà Tế Hanh ở bên Nguyễn Thượng Hiền mà cơ quan tôi ở ngay bên Nguyễn Du, từ nơi nọ qua nơi kia, đi bộ chỉ mất dăm bảy phút. Bởi vậy gần như sáng nào, từ bên nhà mình, Tế Hanh cũng rẽ qua chỗ chúng tôi một lúc. Mà cái cách đến chơi của ông cũng lạ. Có khi, anh em đang họp đông đủ, Tế Hanh chỉ vẫy một người nào đó ra thầm thì một câu rồi đi. Tôi hỏi người bạn kia: “Có việc gì quan trọng thế?”, “Cũng chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng phải hỏi cho được một người cụ mới yên tâm”
Lại như khi chúng tôi đang ngồi chả làm gì, chỉ chờ người đến góp chuyện. Được một bậc đàn anh như Tế Hanh cùng tham gia thì hay quá rồi còn gì! Nhưng trái với sự chờ đón của mọi người, nét mặt Tế Hanh vẫn ra chiều ngơ ngác, chả ra vẻ hứng thú đón chuyện mọi người, mà cũng chả hứa hẹn rằng có một câu chuyện rất hay, sắp kể. Hình như con người này không có thói quen phải đối diện với cả một đám đông cử toạ. Có mặt giữa mọi người mà ông vẫn mải mê chạy theo những ý nghĩ của mình, đầu óc để tận đâu đâu, chỉ thỉnh thoảng chợt nhớ ra một điều gì đó ông vỗ vai thầm thì vào tai người ngồi cạnh, rồi lại ngơ ngác suy nghĩ tiếp, hoặc xách túi lẳng lặng chia tay anh em trước. Chắc chắn đó không phải là người của những cuộc đối thoại say sưa! Mà trước tiên, đó càng không phải là người của những ý tưởng nồng nhiệt, nói ra có thể làm đảo lộn đầu óc, hoặc gây ấn tượng thật đậm với những người chung quanh! Thành thử ngay khi Tế Hanh ngồi giữa đám đông, người ta vẫn thấy ở ông nhu cầu trao đổi trò chuyện một hai câu với một người nào đó thật ra là một biến tướng của nhu cầu độc thoại, kết quả sự đắm chìm triền miên của ông vào bản thân mình ngay giữa cuộc sống hàng ngày. Có điều, khi nhớ lại những nhận xét bất chợt của Tế Hanh – lại được ông nói ra một cách khó khăn, nói kiểu nhát gừng, hoặc lụn vụn dang dở – chúng tôi vẫn cảm thấy thường khi đấy là những ý kiến độc đáo, của một người có gu, tinh tế và đáng ghi nhớ nếu không hơn thì cũng không kém các ý kiến được nói theo kiểu hùng biện và đầy sức thuyết phục. Ở con người này, sự đơn điệu tẻ nhạt và sự sâu sắc đôi khi lẫn vào nhau, tồn tại cạnh nhau, xuất hiện cùng nhau tới mức dễ lầm lẫn, song khi nghĩ lại, người ta vẫn thấy có sự phân biệt rành rẽ.

Từ lối nói chuyện hàng ngày như thế này, tôi nghĩ đến cả đời thơ đời sáng tác của Tế Hanh. Trong thơ Việt Nam tiền chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mặc Tử hoặc Nguyễn Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu. Nhưng ông vẫn có chỗ của mình. Tập Nghẹn ngào từng được giải thưởng Tự Lực văn đoàn. Từ sau 1945, ông vẫn làm thơ đều đều, những tập thơ mỏng mảnh, giọng thơ không có gì bốc lên nồng nhiệt, nhưng được cái tình cảm hồn nhiên, và tập nào cũng có một ít bài đáng nhớ, khiến cho ngay sau Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu người ta nghĩ ngay đến Tế Hanh. Tô Hoài có lần kể với tôi: Có một tay làm văn hoá khá lâu ở Đại sứ quán nọ mới hỏi thăm mình về một nhà thơ đáng yêu lắm mà hắn quên mất tên. “Ông ta là loại người như thế nào?” “Dáng đi chậm rãi, tay quờ quờ như là đang đi men tường thế này” “Thế thì ông Tế Hanh?” “À, phải rồi, Tế Hanh”. Cái hình ảnh người đi men tường nói ở đây, có lẽ không chỉ đúng với con người rù rì lần bước của một Tế Hanh ngoài đời, mà có lẽ, cả một Tế Hanh trong thơ. Tế Hanh thỉnh thoảng cũng có những lúc đi đến tận cùng mọi sự việc, những lúc bốc lên:

– Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
– Cà phê chạy tới tương lai
– Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài

Nhưng thường trực hơn, và đúng chất Tế Hanh hơn là những nhẹ nhõm “nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”, những lơ mơ bất định “thân buông theo gió hồn theo mộng”, từ đó, là những lửng lơ, ngơ ngẩn, những hành động vu vơ, và những dừng lại bất chợt.

– Những ngày buồn nhớ lại thấy vui vui
Những ngày vui sao bỗng thấy ngùi ngùi

hoặc:

– Tôi đi để mặc cỏ may
Hai bên bờ biếc ghim dày quần tôi
– Dừng chân trước một quả đồi
Gỡ từng sợi cỏ, tôi ngồi nhìn thu

Chế Lan Viên, trong lời bạt viết cho Tuyển tập Tế Hanh (1987) từng nói tới cái tạng riêng, cái gu riêng nó là nét độc đáo của Tế Hanh bên cạnh các nhà thơ khác:

“Dù anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những con sông. Chim anh viết hay, không phải chim hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu. Anh không tả giỏi mặt trời bằng tả vầng trăng (…) Mặt trời của anh khi nào chói quá thì anh kìm nó lại bằng một dòng sông hay những bóng cây xanh. Và cây xanh thì có lẽ anh yêu nó hơn, khi ở trong vườn (…) hơn là ở những khu rừng (…) Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào cả các trái hồng lẫn các trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc”.

Ở đây không phải vấn đề tính cân tính lạng khen chê thuần túy, ở đây chỉ có chuyện chúng ta, những người đọc và các đồng nghiệp, phải chấp nhận một lối sống, một phong cách. Cái phong cách ở Tế Hanh không gắt lên như một Nguyễn Tuân trong văn xuôi, một Hàn Mặc Tử trong thơ, song vẫn là một phong cách tự nó đã hoàn chỉnh và ổn định.

II

Mảnh đất miền Trung Trung Bộ từ Quảng Nam đến Bình Định là một trong những cái nôi lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại, nơi đã sinh ra Quách Tấn và Chế Lan Viên, Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử… Quê hương Quảng Ngãi của Tế Hanh nằm ở khoảng giữa của cái nôi đó, trong số các đồng hương của ông, có những thi sĩ cũng rất độc đáo như Bích Khê. Có điều, cũng như mọi người khi lớn lên và có sự tiếp nhận ảnh hưởng thơ, ông không dừng lại ở tỉnh nhà mà có lúc ra Huế, học với Huy Cận, có lúc sát cánh trong Việt Minh Trung Bộ, bên cạnh Tố Hữu, Hải Triều, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên… Sự đưa đẩy của lịch sử đã khiến cho hầu hết những người thuộc lứa tuổi ông thường có được những từng trải dày dạn.

Ví dụ nếu như trong kháng chiến chống Pháp, cực nam Trung bộ đã nổi tiếng như một mảnh đất thử thách tức một thứ chiến trường ác liệt nhất của miền Trung, thì trong số ít ỏi những đoàn văn nghệ sĩ đi vào cực nam những năm ấy, có Tế Hanh (trở về ông viết bài thơ khá nhất của ông hồi ấy, bài Người đàn bà Ninh Thuận).

Lại ví như, trong thời gian chống Mỹ không đi B. dài như Nguyễn Văn Bổng, song đến đầu 1975, tức là một thời điểm cũng khá khó khăn, Tế Hanh lại có mặt trong một đoàn văn nghệ sĩ, đi dọc Trường Sơn, cho mãi tới chiến trường Nam Bộ.

Ấy là không kể bao nhiêu thử thách đã đến, từ thời gian chia sẻ bom đạn với Hà Nội, Nam Định, những ngày ăn mì sợi, mua thịt theo phiếu như mọi người dân thường tới những đợt đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ.

Tuy nhiên, hình như con người Tế Hanh có vì những sự tôi rèn đó mà thay đổi thì cũng là rất kín đáo. Trước sau, ông vẫn giữ nguyên cái tính cách ngơ ngơ ngác ngác và cái xúc động hồn nhiên kiểu học trò của mình – ít ra là ở bề ngoài.

Về mặt chức vụ mà xét, trong nhiều năm, Tế Hanh từng là ủy viên Ban chấp hành hoặc Thường vụ Hội Nhà văn (như Ban thư ký về sau), từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của Hội, từng có chân trong Ban phụ trách nhà xuất bản Văn học những năm nó còn thuộc về Hội. Nhưng ông đã dễ dàng thoát ra khỏi các ràng buộc đó để trở về vị trí một người lao động có nghề, một nhà thơ lấy sáng tác làm lẽ tồn tại.

Nói vậy, liệu có nghĩa là bảo Tế Hanh hoàn toàn thoát tục, và sống khờ khạo, không biết lo liệu những chuyện riêng? Còn nhớ ai đó đốp chát hỏi Tô Hoài: “Người ta bảo anh khôn quá, anh nghĩ sao?” “Cậu tính, sống được ở trên đời này, ai chẳng phải có chút khôn, cái chính là đừng khôn lỏi, lộ liễu, đừng tham quá đến mờ cả mắt mà thôi”. Cái định lý của Tô Hoài quả là đúng với mọi người, kể cả trường hợp Tế Hanh chúng ta đang nói. Khi nghe tôi bảo rằng ông Tế Hanh luôn luôn ngơ ngác, mấy đồng nghiệp phũ mồm đã bảo ngay là ngơ ngác làm sao, có cái gì người khác có mà ông ấy thiệt thòi không có đâu? Lại có người lặng lẽ bổ sung một nhận xét: “Ấy, nhưng một kinh nghiệm của tôi là muốn biết đời sống văn nghệ có gì mới cứ gặp ông Tế Hanh, cái ăng-ten của ông ấy thuộc loại cực nhạy, nói nôm na là bố ấy cũng ma xó lắm!”. Vâng, các nhận xét ấy đều có lý, mỗi con người là một thế giới không cùng, và nói chung là chúng ta sẽ thất vọng, khi muốn tìm hiểu quá kỹ về một người nào đó. Song tôi cứ thấy trên đại thể thì Tế Hanh, đó vẫn là một người dễ chịu. Người giữ được cái cốt cách thi nhân. Người biết điều. Và người có khôn, thì cũng là khôn kín đáo.

Điều này lại cũng thấy rõ cả trong sáng tác. Qua cách sống cách viết của Tế Hanh, có cảm tưởng là ông rất hiểu cái tạng mà một nhà thơ mang tên Tế Hanh mang sẵn trong mình, và ông có thể là không cố ý, nhưng thật ra đã làm mọi cách, để cái tạng ấy được bền chắc và độc đáo. Khả năng sống hoà hợp với mình, hơn nữa khả năng giữ mình thật là mình, chỉ là mình, đã chi phối việc làm thơ của Tế Hanh trong mọi khâu từ chọn đề tài, chọn cách nói, cho đến sử dụng ngôn ngữ, thể loại. Nhưng trước tiên nó ở cái điệu tâm hồn của nhà thơ.

Mặc dù cũng trải qua đủ mọi khó khăn vất vả như mọi người đương thời, nhưng ông thích nói về những gì êm ả, dịu dàng.

Mặc dù nhận ra đủ mọi sắc thái gắt đậm, cùng là những cay chua mặn chát của đời sống, nhưng khi làm thơ, ông chỉ muốn viết về những sắc màu tươi tắn, những tấm lòng nhân hậu.

Mọi việc ở ông đôi khi như là tự nhiên mà nói, tự nhiên mà làm, không cần chủ tâm chủ định, mà cũng không cần lên gân lên cốt cố gắng.

Một người như thế sẽ có những thiệt thòi riêng, nhưng lại có những may mắn riêng, những niềm vui riêng mà cái niềm vui lớn nhất là có thể dồn tất cả nghị lực cho sáng tác, và dễ cảm thấy là chỉ ở đấy, mình mới được sống trọn vẹn.

III

Lần đầu tôi được gặp Tế Hanh là vào đầu 1968, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ tư. Đại hội khai mạc ở Hội trường Ba Đình khá long trọng. Nhưng vì hoàn cảnh thời chiến nên làm việc ở tổ là chủ yếu. Đại hội kết thúc bằng một bữa cơm thân mật tổ chức tại khách sạn Phú Gia để chiêu đãi các đại biểu. May mắn cho tôi là trong bữa cơm ấy được ngồi cạnh hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung và Tế Hanh. Mới gặp tôi lần đầu, nhưng Tế Hanh đã dành cho tôi sự tin cậy bằng cách đặt ra một câu hỏi mà tôi nhớ suốt đời. Câu hỏi đó như thế này:
– Cậu là nhà phê bình, cậu hãy cắt nghĩa thử xem tại sao, nhiều tập thơ mình làm trầy trật mãi không xong, trong khi hai tập thơ hay nhất của mình, Nghẹn ngào Gửi miền Bắc, những bài chính chỉ làm trong độ nửa tháng.

Người sáng tác nào chẳng có lúc run rẩy cảm thấy tự mình không hiểu được mình. Nhưng ở đây, còn hơn là một bỡ ngỡ thông thường, nó là một cật vấn, một ám ảnh: có lẽ sáng tác là một cái gì rất bí mật, người ta có thể tìm kiếm hoài mà vẫn không ra lời giải đáp. Và như vậy thì thành tựu là cái ta không thể sấn sổ đuổi bắt được, mà hãy cứ làm việc hết mình, rồi tự nhiên nó sẽ tìm đến.

Hình như đằng sau cái câu hỏi về thơ của riêng mình, Tế Hanh muốn truyền sang người đối thoại một nhận xét chung và một tâm trạng chung như vậy.

Kể ra, được thúc đẩy bởi những cơn say sưa tập thể, con người ấy thỉnh thoảng cũng có những bốc đồng. Không ai khác, chính Tế Hanh có lần tự hào nói về thế hệ tiền chiến: “Bọn tôi, từ thuở 20-25 đã làm nên Thơ mới… Rồi bọn tôi thay nhau dẫn đầu trong thơ viết về chống Mỹ, cũng như có những bài thơ hay nhất ca ngợi chủ nghĩa xã hội…”. Bọn tôi, Bọn tôi… những nhận xét có tính chất tổng kết ấy có vẻ hợp với Chế Lan Viên hơn. Còn theo tôi nhớ, khẩu khí Tế Hanh thường khác. Khi nhìn lại thơ mình, và các đồng nghiệp, nhất là phần thơ mình, Tế Hanh có những rụt rè đáng yêu mà cũng là những nghiêm khắc biết điều hơn.

– Gặp em câu cuối cùng chưa nói
Buổi sớm qua rồi đã sắp trưa
Góc sân ánh nắng còn lưu luyến
Dừng lại trên chùm hoa báo mưa

Đấy là mấy câu thơ bâng quơ Tế Hanh cho in trong tập Đi suốt bài ca (1970). Khi thấy tôi ngỏ ý thích, Tế Hanh tâm sự:
– Cũng là ngẫu nhiên viết ra thôi. Ngồi trên xe vào Vĩnh Linh với cụ Tú Mỡ, cụ chỉ vào một giống hoa bên đường mà không ai biết tên, hỏi hoa gì đấy, mình nói buột miệng: chắc là hoa báo mưa.

Nhiều người viết cứ có thói quen thổi phồng những băn khoăn tìm tòi cùng là những dằn vặt trước trang giấy trắng. Nào tôi đã chủ bụng như thế này, quyết phải sáng tạo như thế kia. Nào lúc viết, cứ như có ai ốp đồng vào tay mình, một trạng thái thăng hoa kéo dài, mà bây giờ có nằm mơ cũng không lấy lại được nữa! Trong khi vẫn giữ nguyên mọi thành kính với sáng tác của bạn bè cũng như của bản thân, song Tế Hanh của tôi – nghĩa là cái con người Tế Hanh trong những lần nói chuyện riêng với tôi, mà cũng chính là con người Tế Hanh bộc lộ qua một số bài viết – cứ hàm cái ý ngược lại. Tổng kết đời mình, ông bảo cũng có những thành công, nhưng nhiều thất bại. Đứng trước những bài thơ hay, ông bảo ở mình có cảm giác nước đôi, lúc nghĩ như mình cũng viết được, lại có lúc nghĩ mình hoàn toàn bất lực. Và giả sử hiếm hoi có viết ra được vài câu có người khen hay thì ông cứ muốn thú nhận với mọi người là những dòng thơ ấy, ông đã ngẫu nhiên mà bắt được, chẳng qua là ông gặp may chứ không tài cán gì. Với một nụ cười ngượng nghịu ông sẵn sàng thú nhận với chúng ta rằng, làm thơ dễ sa đà lắm: “Có một hồi, tôi toàn viết lục bát. Lại có một hồi làm bài nào cũng ra thất ngôn. Nghĩ lại thì chẳng qua mình quen tay và nếu không cảnh giác với mình, khéo cứ theo mãi những lối mòn có sẵn”. Không rõ người khác có tin những lời tâm sự ấy của Tế Hanh, song về phần tôi, phải nói là tôi tin, cái chính là vì nó là một cái nhìn phải chăng về công việc của giới cầm bút. Nó không dẫn người ta tới sự thần bí hoá sáng tác, mà cũng không dẫn tới buông thả, lười biếng. Ngược lại nó yêu cầu người ta luôn luôn tỉnh táo đánh giá chính mình và các đồng nghiệp. Và tất cả là dựa trên một nhận thức cơ bản: nghề này rất khó.

Cũng nên nói thêm là bề ngoài có vẻ lơ mơ vậy, nhưng Tế Hanh thường chịu đọc người khác, và có cách đánh giá độc lập về sáng tác của người khác. Thỉnh thoảng có điều gì, cần hỏi về ai, tôi vẫn tìm gặp Tế Hanh và thường được ông trả lời bằng những nhận xét ngắn gọn, trực tiếp. Những cuộc trò chuyện với Tế Hanh không bao giờ thật hào hứng nhưng thường khi vẫn có những khía cạnh hữu ích, lý do là ở chỗ ấy.

IV

Không chỉ trong việc làm thơ mà còn có một lĩnh vực nữa mà ở đó, cái lối sống lối làm việc bất chợt, tuỳ tiện, có lúc như là thiểu năng bạc nhược ở Tế Hanh có dịp bộc lộ đầy đủ, đồng thời đằng sau đó, ở một tầng sâu hơn, lại là một Tế Hanh có vốn học khá rộng, một con người có thói quen làm nghề nghiêm túc, đã tự nguyện làm và muốn làm bằng đuợc những việc một người cầm bút phải làm. Đó là câu chuyện của Tế Hanh khi đi dịch, và rộng hơn, việc tiếp xúc của ông với văn hoá nước ngoài.

Cũng như Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Huy Cận… Tế Hanh thuộc lớp các nhà thơ được đào tạo kỹ ở nhà trường Pháp thuộc. Đối với các ông, cái vốn ngoại ngữ mà các thế hệ đến sau thường mơ ước, cái vốn ấy được gây dựng một cách tự nhiên; tiếng Pháp ở các ông gần như tiếng mẹ đẻ. Thành thử dịch thơ đối với mỗi người thường là một việc không đòi hỏi quá nhiều gắng gỏi.

Nhưng mỗi người trong họ lại có cái cách dịch và đọc riêng.

Xuân Diệu chẳng hạn. Đã làm việc gì, là Xuân Diệu đào cùng tát cạn. N. Hikmet và P. Neruda, Dmitrova, N. Guillen…, Xuân Diệu đã chạm vào ai là dọn ra một mâm đầy đặn. Những sáng tác của người ấy, tức là mỗi tác giả lớn ấy, được ông tổ chức dịch và giới thiệu hoàn chỉnh thành một tập riêng, đứng tên ông, ít nhất cũng là góp thêm một dòng trong cái mục Cùng một tác giả đặt ở mấy trang đầu các cuốn sách của ông.

Lối làm việc của Tế Hanh thì hầu như ngược lại.

Trong khi cũng lang bạt phiêu lãng giữa cánh rừng thơ, hầu như chưa bao giờ ông thuộc về ai hoàn toàn. Thuý Toàn dịch Pushkin ư, ông sẽ gửi tới bài Một bờ bến khác. Bằng Việt dịch J. Ritsos ư ? Ông cũng có cả một chùm để góp cho tập Tôi muốn nói bằng ngôn ngữ tình yêu ấy, nhưng chỉ là một chùm nhỏ. Rồi Hugo, rồi L. Hughes, rồi S. Petofi, rồi B. Brecht, hầu như không có nhà thơ lớn nào mà ông không từng đọc, và giá ai kia có làm riêng tập thơ về nhà thơ lớn đó ông cũng có thể góp một hai bài. Nhưng chỉ có thế! Rất chật vật là những lần tự ông phải thầu dịch cả một nhà thơ nào đó. Thể nào ông cũng cần đến người chi viện. Và tập thơ ấy thường mỏng, lời giới thiệu thường ngắn gọn. Ông không yêu ai đến cùng, hay không đủ sức làm một công trình dịch thuật trọn vẹn – nói như thế nào cũng được. Thế nhưng không phải như vậy mà nói rằng sự đọc nước ngoài của Tế Hanh tuỳ tiện chểnh mảng. Ngược lại, trong cái vẻ ngẫu nhiên gặp đâu hay đấy của mình, ông lại có một sự quan tâm thường trực với văn học nước ngoài và có thể nói là luôn sống với nó một cách sâu sắc. ở đây ông không làm dáng làm bộ, không ra vẻ một tín đồ cuồng nhiệt, mà cũng không có lối vụ lợi, đọc đến đâu phải dịch, phải cho in, phải kiếm lời hoặc phải vận dụng vào các sáng tác trước mắt ngay lập tức – không, việc đọc và dịch với Tế Hanh đơn giản hơn nhiều. Làm nghề gì, thì cũng phải biết bên Tây bên Tàu người ta làm nghề ấy thế nào, nữa là nghề cầm bút – ấy, đại khái lý lẽ thúc đẩy ông là như vậy. Lâu dần, ông biến đọc và dịch thành một niềm vui, một việc hàng ngày như phải ăn phải uống, và trong khi cứ đủng đỉnh mà đi, không quá bị ràng buộc bởi những chủ đích có sẵn, đôi khi ông lại hái được những trái đẹp.

Ngay từ 1961, trong tập Thơ Aragon do nhà xuất bản Văn học cho in, Đào Xuân Quý viết lời giới thiệu, Tế Hanh đã đóng góp vào mấy bài dịch rất hay mà như tôi nhớ trong những năm chống Mỹ, Lưu Quang Vũ rất thích, thường đọc đi đọc lại:

Chuyện nhân thế nhờ em anh biết được
Anh nhìn đời theo con mắt của em
– Hỡi em của anh, em của anh, chỉ em là còn lại
Trong hoàng hôn buồn bã của cuộc đời
Khi anh mất cả dòng thơ êm ái
Cả dòng đời, cả tiếng nói niềm vui
Vì anh muốn tiếng yêu em anh nhắc lại
Tiếng mới đau sao khi thiếu mất em rồi.

Vậy là Tế Hanh đã dịch cả Eluard lẫn Aragon. Dịch Eluard còn có lý – cái chất của tác giả Tự do, chắc là Tế Hanh dễ chia sẻ. Nhưng đằng này, cả cái chất dày dặn, nồng đậm của Aragon, Tế Hanh cũng nắm được chắc chắn. Mà việc này có lý do sâu xa của nó! Tế Hanh thích Aragon ở cả cái phía con người phức tạp của nhà thơ Pháp, thế mới lạ.

Hồi đó là năm 1982. Nhà xuất bản Tác phẩm mới nơi tôi làm việc cho in cuốn Mười nhà thơ lớn của thế kỷ. Tế Hanh đọc và bảo ngay:

Mình rất thích cái ý của bà Alighe: Thơ Aragon có lúc như những vòm đại lễ cao cả của nhà thờ, có lúc như những hành lang tối tăm. Cả hai cái đó mới thành Aragon.

Lại còn một nhà thơ nữa là René Char, theo Tế Hanh bảo, thì cũng là một cực khác của thơ Pháp hiện đại. Nhưng – Tế Hanh bổ sung – R. Char và Aragon, hai ông này không chịu nhau. Và một biên tập viên ở một nhà xuất bản Pháp nhăn nhó kể khổ: khi giữa các ông lớn có chuyện thì người hứng chịu là cánh lau nhau chúng mình.

Về Ritsos:
– Hồi tôi chữa bệnh ở Đức, gặp một người Hy Lạp biết tiếng Pháp. Nhà thơ đầu tiên mà người Hy Lạp này nhắc tới là Ritsos.

Sau một lần tiếp mấy nhà thơ Liên xô, cuối 1983:

– Người vừa mất đi mà họ coi là thiệt thòi nhất trong năm 1983 là Vysotsky, thế mới lạ. Hoá ra, chính ở thời bây giờ, những nhà thơ kiểu du ca vẫn có vị trí của họ.

Cứ thế Tế Hanh lẩn mẩn nhặt nhạnh được tài liệu trên báo chí, sách vở, và kể với chúng tôi đủ thứ chuyện. Những chi tiết tưởng nho nhỏ, không đâu vào đâu người khác có thể bỏ quên. Nhưng Tế Hanh thì nhớ. Không những tác phẩm, mà đời sống của người sáng tác, những mối quan hệ riêng tư của họ với nhau, cũng được ông lọc ra rất nhanh giữa bộn bề tài liệu, để rồi vừa chiêm nghiệm, vừa kể lại với người khác.

V
Sau giai đoạn trẻ trung sôi nổi, có những người già đi như một sự đổ sụp. Thế chỗ cho những vùng vẫy bươn chải là những chậm chạp mòn mỏi, khiến cho người ta cảm thấy một sự tương phản rõ rệt, và dễ sinh ra tiếc nuối khi nhớ lại hình bóng hôm qua.

Lại có những người hiu hiu uể oải ngay từ khi còn trẻ, loại người này chuyển sang tuổi già một cách dễ dàng đến mức tự nhiên, và người chung quanh sẽ chung sống với cái người đang già đi ấy không chút khó khăn, dù khi nhìn lại, vẫn không thể không nhận ra dấu ấn của thời gian khắc nghiệt để lại trên dáng đi, trên nét mặt con người mình quan sát.

Trong số các cây bút hiện thời, chịu sự tác động của thời gian theo cái kiểu thứ hai trên đây vừa nói, trong tâm trí bọn tôi, luôn luôn có Tế Hanh.

Thời trẻ, tức là những năm tuổi mới bốn mươi, ông đã thuộc lớp nhà văn sống qua hai chế độ. Cộng với bản tính sẵn có ông trở nên sớm đơn độc, sớm quay về với sáng tác, nghĩa là sớm có cách sống của một người già. Nhưng từ ấy, gần như ông không già thêm nữa. Hàng ngày, ông đi về trước mắt mọi người như một cái bóng – bảo có cũng được, mà không cũng được, không gây một ấn tượng gì thật đậm. Thỉnh thoảng Tế Hanh chỉ nói một hai câu, nhưng người ta lại lập tức cảm thấy lâu nay, ông biết tất cả, ông nghe được hết những gì là quan trọng, là cái chính mọi người cần nghe, và hoá ra ông vẫn hiện diện bên chúng ta, hiện diện với đúng mọi nghĩa của nó. Nghĩa là có chứng kiến, và có phát biểu, có tìm cách nói lên sự lắng lại của lòng mình trước điều đã chứng kiến.

Từ khi bước sang tuổi 70, Tế Hanh yếu hẳn. Không phải chỉ đi chậm, nói chậm, mà nhìn cũng chậm – một con mắt của ông phải mổ. Trong khi bằng trạc tuổi ấy, Tô Hoài còn hóm hỉnh tinh nhanh không kém ngày xưa thì Tế Hanh như nẫu đi, tóp lại. Bây giờ người đi men tường không chỉ sang chỗ nhà xuất bản chúng tôi vào các buổi sáng mà hầu như cả ngày, đi đâu về cũng ghé vào. Ông cũng không cần gọi ai ra nói riêng nữa: thấy chúng tôi đang họp, ông loay hoay tìm một cái ghế ngồi cạnh. Dù chẳng hào hứng nghe ngóng gì và chỉ ngồi một chốc một lát lại đi, song ông vẫn thích làm thế, còn chúng tôi cũng xem là chuyện tự nhiên. Những hôm cơ quan không họp, chỉ quây quanh bàn nước trò chuyện, giao ban đời sống văn nghệ, thì Tế Hanh ngồi lâu hơn. Ông nhờ ai đó, đọc hộ một cái thư, hoặc mấy tài liệu mới nhận được. Và ông chia sẻ với mọi người những ý nghĩ nảy sinh giữa cuộc sống lẩn mẩn hàng ngày.

– Đứa con mình ở Tiệp vừa về. Nó bảo vừa được chứng kiến tổng thống Mỹ đến thăm Praha. Và ai có thể tưởng tượng là ông tổng thống quan trọng ấy cầm lấy một cây kèn để thổi, quan khách cùng nghe.

– Hàng xóm nhà mình có một thằng bé ăn dưa lê phải vào viện đấy. Dưa có phun thuốc sâu!

– Chỗ này thì mình đồng ý với Nhàn, trong số những người được giải Nobel văn chương mươi năm nay, thì Octave Paz là người gây ấn tượng nhất. Ở ông ta có 100% văn hoá bản địa mà lại cũng 100% văn hoá phương Tây. Nhưng mình nhớ có đọc đâu đó, Octave Paz và G. Garcia Marquez rất không thích nhau.

– Mình vừa viết một mẩu hồi ký ngắn, kể chuyện sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm Lỗ Tấn với Phan Khôi. Lúc đến thăm một cái đài cao ở Thượng Hải, ông ấy bảo ông ấy già, ông ấy không lên. Nhưng lúc ở chân tháp nói chuyện, ông dẫn một bài thơ cổ Trung Hoa khiến các bạn bên ấy rất phục.

– Đây! Mình tặng ông cái này, bài báo của Nhất Linh viết về tập Nghẹn ngào, khi tặng giải thưởng cho nó. Ông Chế Lan Viên viết lời bạt cho Tuyển tập Tế Hanh có dẫn ra rằng trên báo Ngày nay có viết về Tế Hanh thế này, thế này, chính là dẫn ra từ bài báo của Nhất Linh, chỉ không dẫn tên tác giả ra thôi.

– Công của Chế Lan Viên với thơ ta sau 45 rất lớn, ông ấy mang vào cái chất chính luận, mà thơ cũ không có. Nhưng đọc lại thì thấy văn xuôi của Chế Lan Viên không được, nhiều lý sự quá, đọc mệt. Văn xuôi của Xuân Diệu tự nhiên hơn. Phải cái ông Diệu nhát quá. Có lần ông bảo mình: Tế Hanh dám viết về Phạm Thái là dũng cảm đấy. Mình cũng yêu Phạm Thái mà chưa dám viết.

– Sao người ta cứ bảo truyện Cu Lặc của Tô Hoài là một vết nhọ với lại những vô nhân đạo gì gì nữa ấy? Tôi thì tôi lại thấy ở chỗ ấy, Tô Hoài đi rất gần với một quan niệm hiện đại của phương Tây về con người.

Đại khái như vậy. Tế Hanh hôm nay cũng như Tế Hanh hôm qua, chuyện đời lẫn với chuyện văn chương, và văn chương trong nước lẫn với văn chương thế giới. Vẫn như xưa, mọi chuyện được ông nói ra nhát gừng, đứt đoạn. Song khi đã sống cả một đời người với văn học, khi về già không có chuyện gì khác ngoài chuyện văn học, thì điều nói ra dù có vu vơ lặt vặt đến đâu, thường đấy cũng là những chi tiết văn học sử, mà lớp sau nên biết.

Năm 1982, Tế Hanh có viết Tủ sách của cha tôi, bài thơ nói chuyện tủ sách, mà hiểu rộng ra là nói chuyện những biến chuyển trong đời sống văn học mấy thập kỷ vừa qua khi xã hội chuyển từ nền văn hoá còn sử dụng chữ Hán của lớp người cũ, qua nền văn hoá ảnh hưởng Pháp của lớp người như Tế Hanh, tiếp đó đến lớp trẻ đua nhau học tiếng Nga hồi nào và lao vào tiếng Anh hiện nay. Sự thể thì có vẻ hơi buồn buồn: cái tủ ngày một hỏng “con rồng cụt mất đuôi – chuột chui vào cắn phá” và bao nhiêu sách vở rồi cũng tiêu tán:

Có lần tôi tìm mãi
Một tập A ragon
Ra chợ trời lại thấy
Đề giá năm mươi đồng
Lòng tràn đầy cảm thương
Tôi lặng nhìn tủ sách
Thơ Đường đem gói đường
Thơ Pháp làm giấy nháp

Đề tài về sự dâu bể đổi thay vốn quá quen thuộc với văn học, khi lùi ra xa một chút để nhìn đời, người ta dễ có sự cám cảnh như vậy. Nữa đây lại là Tế Hanh, người ngay từ năm 20-21 tuổi đã cảm thấy mình là một con đường quê, “kéo nỗi buồn không dạo khắp làng”, đã thấm thía rằng ở đời có cả mất và được vui và buồn:

Tôi đã từng đau với nắng hè
Da tôi rạn nứt bởi khô se
Đã từng điêu đứng khi mưa lụt
Đất lở thân tôi rã bốn bề
San sẻ cùng người nỗi ấm no
Khi mùa màng được, nỗi buồn lo
Khi mùa màng mất – tôi ngây cả
Với những tình quê buổi hẹn hò
Và thế đời tôi hết cái buồn
Trong lòng cực khổ đắm say luôn
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn

Tế Hanh ấy, khi về già, viết Cái tủ sách của cha tôi, có gì là lạ?

Khi nghe tôi nhắc đến Lời con đường quê, Tế Hanh nói ngay:

– Ấy đấy chính là bài thơ đầu tay tôi viết.

Và ông liên hệ đến những bài thơ ở tuổi 70.

– Hoá ra cuối cùng mình lại trở về chính mình.
Thế nhưng rút cục thì anh vẫn cảm thấy thế là mình cũng được nhiều và đời cũng đáng sống chứ?
– Ờ, cả Aragon chua chát là thế, rồi Aragon cũng phải bảo: Tôi xin thưa thật đẹp cái đời này.

Thường những câu chuyện rời rạc của chúng tôi đến đoạn ấy là bí, không còn gì để nói nữa. Mọi việc không như ý muốn! Đời thật lắm chuyện! Nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác thế là được rồi.

Có vẻ như đấy cũng chính là những ý nghĩ mang tính cách tự an ủi thường đến với Tế Hanh sau khi đã chất lên vai một cuộc sống trong ba phần tư thế kỷ!

Kể ra nghĩ như thế cũng là mòn, là sáo. Nhưng xem thế này thì biết: vĩ đại như tác giả Truyện Kiều, rồi cũng phải cho Kim Kiều tái hợp, và phác ra cảnh đoàn viên rất cải lương. Nữa là tất cả chúng ta, tránh sao được một sự thoả hiệp? Có lẽ bởi vậy, mà Cái tủ sách của cha tôi được kết lại bằng mấy câu:
– Tôi tự nhủ ngày kia
Cháu con dùng cái tủ
Đựng thơ khắp nơi nơi
In trong nhiều thứ chữ
Một cái tủ con con
Trải qua bao thời đại
Những thơ hay cổ kim
Vẫn lưu truyền mãi mãi

Nếu có bảo đấy là một thứ di chúc của Tế Hanh cho các thế hệ đến sau thì tôi biết, Tế Hanh cũng không phản đối.

trong
CÂY BÚT ĐỜI NGƯỜI


15/07/2009

Các nhà văn được miêu tả như thế nào?

Filed under: nha van — vương-trí-đăng @ 10:32

Xuân Diệu từng có hai câu thơ được nhiều người nhắc nhở. Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt – Cơm áo không đùa với khách thơ. Trong nhiều truyện ngắn, Nam Cao cay đắng kể lại tình thế bất lực và nông nổi dễ bị bắt nạt của người cầm bút.
Văn sĩ An nam khổ như chó – Nguyễn Vỹ đã nói huỵch toẹt ra như vậy, trong bài Gửi Trương Tửu.
Trong văn chương Việt Nam thế kỷ XX, vậy là có cả một mạch sáng tác, ở đó, các nhà văn viết về chính mình. So với văn học trung đại, nay là lúc chẳng những chủ đề này được khai thác thường xuyên, mà có một điều quan trọng hơn, những ảo tưởng vốn gắn liền với văn nhân xưa được khắc phục. Sự sáng tạo được kéo xuống phàm trần. ở đó, một mặt vẫn có cái vẻ thiêng liêng – song mặt khác, nó cũng hiện ra với tất cả cái vẻ lam lũ, vất vả vốn có. Cái tinh thần hiện đại đã chi phối các nhà văn trong việc nhìn nhận con người nói chung tới đây lại tiếp tục gây ảnh hưởng.

Những sự quá đà và những điều chính

Nếu trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, cùng lúc thấy sự ngự trị của cả hai khuynh hướng là lý tưởng hoá đời sống (thường gọi là chủ nghĩa lãng mạn) và cực tả những mặt đen tối của đời sống (thường được mệnh danh là chủ nghĩa hiện thực) thì trong các sáng tác viết về nghề văn, hai khuynh hướng đó cũng đã có mặt.
Khi hình dung lại cuộc đời cầm bút của mình, Vũ Bằng gọi đó là Bốn mươi năm nói láo. Nhiều chuyện bất hảo của người làm nghề được ông kể lại rành rọt trong cuốn hồi ký: nào kéo bè, kéo cánh công kích nhau, nào lúc vội cần có bài liền tán
vung xích chó”, và thi nhau nói dóc v.v…
Trong Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan cũng cho thấy là nhiều lúc ông xem giới văn chương như một cái chợ, và kể lại rằng trước 1945, có những cây bút khiến người ta ghê sợ “như sợ hủi”.
Có điều, nên xem đây chỉ là một nửa sự thực. Ngay trong các hồi ký nói trên, các tác giả cũng đã trình bày ra một nửa sự thực khác: Vũ Bằng sau một đời lăn lộn với giới báo chí và văn chương vẫn hết sức tha thiết với nghề và ao ước nếu được làm người lần nữa, thì vẫn chọn nghề cầm bút. Nguyễn Công Hoan cũng cảm động ghi nhận trong hồi ký những kỷ niệm đẹp trong đời sáng tác, và tự thấy rằng đã hết lòng với sứ mạng của mình. Nên biết thêm là Nguyễn Công Hoan không chỉ là tác giả của những thiên truyện như Cái Tết của các nhà đại văn hào hoặc Cái lò gạch bí mật chế giễu sự ngây thơ của các đồng nghiệp mà chính ông đã để thì giờ viết hẳn một cuốn tiểu thuyết như Trên đường sự nghiệp, trong đó, hình ảnh những người viết văn hiện ra hết sức lãng mạn.
Trong khi đó một cái nhìn phải chăng hơn, mà cũng là cận nhân tình hơn, ưu ái hơn đối với giới sáng tác là tinh thần chính toát ra qua các thiên truyện như Mực mài nước mắt của Lan Khai, Những đứa con hoang của Nguyễn Tuân v.v…

Giữa mơ ước và hiện thực
Muốn tìm hiểu hình ảnh các nhà văn qua các trang sách được viết trong nền văn học cách mạng từ sau 1945, trước tiên, nên chú ý đến một sự thực có liên quan đến thể loại được sử dụng.
Một mặt, để có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, mọi người cầm bút lúc này đều hiểu rằng phải có ý thức phấn đấu để trở thành những ngòi bút cao quý. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các bài phát biểu mang tính cách chính luận thường xuyên xuất hiện trên báo chí.
Mặt khác, khi đi vào miêu tả bản thân giới cầm bút như những người lao động bình thường, thì người ta cũng có chủ ý phác hoạ hình ảnh của đồng nghiệp với tất cả vẻ sinh động vốn có của đời sống.
Hiện nay, chưa ai đứng ra sưu tầm đầy đủ các sáng tác loại này (tức là các thiên truyện trong đó người viết văn trở thành nhân vật trung tâm), song chỉ căn cứ vào một vài cuốn sách đã in, cũng đã có được những ví dụ chứng minh cho tinh thần nói trên. Chẳng hạn, đây là một tập sách mới in ra năm 2000 mang trên. Truyện ngắn chọn lọc viết về các nhà văn.
ở đây, người ta có thể bắt gặp Người kể chuyện thuê của Nguyễn Khải, Ghen của Ngô Văn Phú, Nạn văn chương của Nguyễn Phan Hách, Tình vờ của Phạm Dũng v.v… Truyện thì kể lại những ảo tưởng của người làm nghề, truyện thì phác hoạ cuộc sống nhếch nhác và những bươn chải kiếm ăn của họ. Đùa có, thật có, mơ màng đấy mà ứa nước mắt đấy!
Xin nhắc lại rằng cả hai phương diện nói ở đây (mơ tưởng cao đẹp và thực tế hàng ngày lầm lũi như mọi người) gộp lại mới làm nên bộ mặt thực của các chủ thể sáng tạo hiện nay.

14/07/2009

Câu chuyện nhân tài trong lịch sử

Filed under: LICH SU — vương-trí-đăng @ 03:45


Quan niệm về tài năng cũng là một dạng di sản mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ .

Không ít nhà văn nhà thơ Việt Nam thời trung đại nhắc đến tên thì thiên hạ bảo rằng có nghe có biết , mà hỏi viết gì thì chịu , không ai nhớ . Tức họ không có tác phẩm cụ thể (đây là nói những tác phẩm dày dặn ,có chất lượng đáng kể , được truyền tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả của các nhà văn học sử ) .
Bởi vậy mới có tình trạng trong một cuốn từ điển chuyên về văn học Việt Nam , người ta đếm thấy có 276 mục dành cho tác giả ,trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm . Từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng , mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm ; riêng thế kỷ XIX khá hơn , có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển , nhưng số tác giả cũng lớn hơn , tới 78 người
Nhân cuộc trao đổi về đào tạo nhân tài đang triển khai trên các báo hiện nay , tôi nhớ lại con số thống kê trên đây . Đại khái tinh thần của nó cũng giống như câu chuyện về những tấm bia ghi tên những ông tiến sĩ : không ai biết các ông đã làm nên trò trống gì , chỉ thấy có nói đến chức tước và sự đỗ đạt của mỗi ông , để rồi có bia ở Văn Miếu .
Xét gộp cả lại có thể rút ra ít nhất hai kết luận : một là nhiều nhân vật từng đã được coi là nhân tài ở Việt Nam giống như những cây không có quả , hoặc có thể là sinh thời cũng có quả đấy nhưng toàn quả lép quả hỏng , không thể tồn tại cùng thời gian ; hai là sự công nhận tài năng ở ta có khi đúng , nhưng có khi hàm hồ , tuỳ tiện , tức là xã hội tạo nên nhiều huyền thoại , và có một số người tồn tại trong lịch sử là nhờ vào những huyền thoại mà họ góp phần tạo ra chứ không dựa trên hiệu quả cụ thể .
Đây có phải là một tình trạng phổ biến của việc đào tạo nhân tài trong quá khứ ? Dù câu trả lời là khẳng định hay phủ định , thì nó vẫn là điều mà chúng ta rất nên biết , trước khi có những cuộc ra quân rầm rộ để bàn bạc , cũng như chuẩn bị chi ra những món tiền lớn hàng ngàn tỉ đồng cho một trong những đầu việc được xem là trọng đại trong thời gian tới .
Theo tôi , có một vài vấn đề mà trong chiến lược đào tạo tài năng , chúng ta phải trả lời cho dứt khoát .
Về phân loaị các tài năng : Có phải trước đây , lịch sử ở ta thường chỉ biết tới các nhân tài trên các lĩnh vực quân sự chính trị hoặc văn hoá ( nói cụ thể là những người viết văn làm thơ ) , còn nhân tài trên các lĩnh vực kinh tế khoa học , tức những người có sáng tạo , nhằm đổi mới tình trạng làm ăn sinh sống của dân thường và giúp cho xã hội ngày một phát triển , thì chỉ có ít , và dừng lại ở một trình độ rất đơn sơ ? Có phải vì thế mà các tài năng đó chỉ có tác động tới tình hình trong nước chứ chưa bao giờ có thể gọi là những đóng góp của Việt Nam vào kho tàng tri thức của nhân loại ?
Về quy mô của tài năng : Có phải nhìn chung các tài năng ở ta trước đây thường có một sinh mệnh non yểu , chỉ chói lên được trong một vài sáng tạo vào lúc trẻ , còn sau đó lại rơi ngay vào tình trạng trì trệ ? Và việc chăm sóc tài năng ở ta như vậy phải nói không có kinh nghiệm , chỉ đẻ giỏi , mà nuôi dạy thì không biết cách ?
Những câu hỏi tương tự nên được đặt ra , chỉ cần nghiêm túc và không lẩn tránh sự thực là có câu trả lời , từ đó đi tới quyết sách đúng đắn . Cái cần nhất của các quyết sách về nhân tài lúc này là không bốc đồng vội vã , không chạy theo thành tích hão huyền , để rồi , nói như các cụ ngày xưa , đưa hàng đống tiền mang đổ xuống sông xuống bể .
Nhân đây thử trở lại với vài tư liệu lịch sử , liên quan tới chất lượng tài năng ở ta cũng như cách sử dụng nhân tài . Đây là nhận xét của Trần Trọng Kim trong Việt nam sử lược (1925 ):
“Về đàng trí tuệ và tính tình thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu . Đại khái thì trí tuệ minh mẫn , học chóng hiểu , khéo chân tay , nhiều người sáng dạ , nhớ lâu lại có tính hiếu học , trọng sự học thức , quý sự lễ phép , mến điều đạo đức . …Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt , cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế . Tâm địa nông nổi , hay làm liều , không kiên nhẫn , hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài , hiếu danh vọng , thích chơi bời, mê cờ bạc . Hay tin ma tin quỷ , sùng sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả . Kiêu ngạo và hay nói khoác (.. .)
Đào Duy Anh trong Việt nam văn hoá sử cương (1938) thì viết :
“Về tính chất tinh thần , thì Việt Nam đại khái thông minh , nhưng nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường . Sức ký ức thì phát đạt lắm , mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học , giàu trực giác hơn luận lý . Phần nhiều có tính ham học , song thích văn chương phù hoa hơn là thực học , thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. “
Còn đây là chuyện sử dụng nhân tài . Bộ sử đồ sộ nhất của chúng ta trong thời trung đại là Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi lại câu chuyện một vị vua trước khi giết một công thần , nói với người công thần đó như sau : “ Không cần nói nhiều . Mày có tài trội hơn ta thì không phải là người mà ta dùng được . “ (2)
Trong sử sách cũ không thiếu những mẩu chuyện cắt nghĩa tại sao các tài năng không nẩy nòi lên được . Lịch sử có thể dạy khôn chúng ta rất nhiều . ấy là không kể , trước khi tính các việc lớn , nếu có dịp nhìn ra nước ngoài , để rồi so sánh đối chiếu , thì những bài học lịch sử lại càng sáng rõ . Tôi cho rằng cả việc này nữa cũng cần làm , mỗi khi bàn về việc đào tạo nhân tài .

__________
(1) Cuốn sách nói tới ở đây là Từ điển văn học Việt Nam do Lại Nguyên Ân biên soạn với sự cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường . Con số thống kê là do NguyễnVăn Tuấn nêu ra trong một bài viết in trên Tạp chí Văn hoá nghệ thuật , số ra tháng 3-2003 .
(2) Sách đã dẫn , bản của NXB Giáo dục , 1999 ; hai tập , tập II


10/07/2009

Hai đề thi hợp lòng người

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 10:30

TT – Tìm hiểu con người VN hôm nay và trong quá khứ, cũng như nhiều nhà văn, nhà trí thức khác, tôi thường băn khoăn về tính trung thực của người mình. Nói nôm na là sao hằng ngày chúng ta nói dối nhau hồn nhiên tự nhiên thế! Mỗi người tự dễ với mình, người nọ dễ với người kia, trong khi kiếm cái lợi trước mắt ta đang làm hỏng nhau mà không hay biết!
Đến như một việc nghiêm chỉnh là thi cử, một số bạn trẻ và cả người lớn vẫn tiếp tục làm nhiều việc gian lận. Trẻ đi học về có kể hôm nay bí quá phải cóp bài thì người lớn cũng sẵn sàng cho qua, thậm chí còn khen trẻ khôn sớm biết sống đúng mốt thời đại.
Trong hoàn cảnh ấy, lâu nay một số bậc cha mẹ và cả nhiều nhà giáo dục đã rất thú vị với lá thư mà tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng trường con trai mình theo học, trong đó có ý “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi”.
Thật thú vị khi thấy trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học khối C hôm qua 9-7, câu nói này trở thành một đề tự luận.

Niềm sung sướng nho nhỏ ấy được nhân lên gấp đôi bởi đề thi của khối D cũng đạt đến trình độ bám sát đời sống tương tự khi yêu cầu học sinh bình luận câu danh ngôn “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất nhiều thứ quý giá khác nữa”.
Các đề thi là một bộ phận của chương trình giáo dục.
Chúng tôi không có đề thi các năm trước, lại càng không có điều kiện khảo sát chung về những điều trẻ phải học. Nhưng bằng các bộ sách giáo khoa mà con cái mình sử dụng, thấy nội dung các môn gọi chung là khoa học xã hội này mấy chục năm nay dù có cải tiến vẫn còn khá xa với đời sống.

Lần này thì khác, hoặc đúng hơn, sự đổi khác là dứt khoát và rõ rệt. Qua hai đề bài tự luận nói trên, tôi cảm thấy những người làm giáo dục có sự quan tâm thật sự tới đời sống tinh thần của lớp trẻ. Trước mỗi linh hồn nhạy cảm đó, cuộc đời đang mở ra muôn vàn khả năng khác nhau. Các em luôn phải vật lộn với những cám dỗ của ma quỷ. Các em đang lúng túng trước đời sống. Ta hiểu điều đó và ta vận dụng kiến thức đông tây kim cổ để giúp các em gỡ rối.

Trong các đề bài trên đã mang sẵn những câu trả lời, nó là những kinh nghiệm sống quý báu mà con người nơi đâu và thời nào cũng chấp nhận. Nhưng buộc các em lên tiếng đối thoại với chúng trong một kỳ thi có thể mang lại thêm nhiều hiệu quả: khơi gợi tính năng động và trước tiên là sự tự chủ, ý thức tự mình khai phá mở đường của các em. Kêu gọi các em trở về với những vấn đề thiêng liêng (mà lâu nay nhiều em xem là xa lạ), đồng thời giúp các em làm quen với việc tự chịu trách nhiệm bản thân.

Có cảm tưởng đây là một dịp nhắc chúng ta trở lại với sự nghiêm chỉnh của kiếp người. Một người quen vừa nói đùa với tôi: “Có khi mấy hôm tới, chính mình cũng sẽ tự đóng vai một thí sinh để đối mặt với hai đề bài này, tin rằng nó cũng là việc có ích cho bản thân”.

Tuoi Tre Online

08/07/2009

Lê Vân yêu và sống

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 11:43

Nhân đọc Lê Vân yêu và sống
Nghĩ thêm về sách và công chúng thời nay

Giả sử bây giờ có ai độp một cái hỏi một bạn trẻ xem vua Tây Ban Nha đang trị vì tên gì, thủ tướng Tây Ban Nha là ai , thì có treo bao nhiêu giải thưởng tôi ngờ phần lớn người được hỏi cũng chịu thua . Ngược lại các bạn ấy có thể nói vanh vách rằng các cầu thủ chủ chốt của đội Barcelona là những ai, hoặc Ronaldo đang đầu quân cho đội bóng nào của xứ bò tót. Sự có mặt rực rỡ của các nghệ sĩ diễn viên cầu thủ bóng đá trong đời sống xã hội là một hiện tượng thấy ở nhiều nước. Theo các nhà xã hội học đây là một xu thế dân chủ của xã hội hiện đại.

Từ đây , người ta có thể hiểu được một hiện tượng trong giới xuất bản. Như là một dấu hiệu của văn học hiện đại , ở Âu Mỹ , các cuốn tự thuật của các minh tinh màn bạc hoặc các cầu thủ bóng đá lại trở thành sách bán chạy , nhiều khi là chạy hơn cả sách của các tác giả mới ăn giải Nobel văn chương .

Bằng chứng của sự lây lan của xu thế này ở Việt nam không chỉ là việc mấy năm trước , một cuốn tiểu sử của David Beckham hoặc một cuốn tự truyện của diễn viên Lưu Hiểu khánh được dịch ra rất sớm và được bày bán rộng rãi , mà còn là sự xuất hiện của những cuốn tương tự của những người nhà . Tôi nhớ mấy năm trước truyện ký Ba cuộc đời và một trái bóng đã xuất hiện , song có lẽ do sự non nớt cua cả người viết lẫn công chúng nên cuốn sách không được mấy người chú ý . Còn với trường hợp của Lê Vân yêu và sống , người ta không còn nghi ngờ gì nữa mà có thể nói rằng sự hội nhập với thế giới đã lan sang cả khu vực viết và đọc sách.

Dấu hiệu rõ nhất đánh dấu sức chinh phục của Lê Vân yêu và sống : công chúng không chỉ mua nó đọc nó mà còn bàn bạc về nó rất nhiều . Mở các trang báo kỳ này , người ta có thể bắt gặp rất nhiều bài viết bàn bạc về Lê Vân và với Lê Vân như là bàn chuyện của gia đình mình , người quen của mình .
Qua việc nhiều bạn đọc tham gia thảo luận về Lê Vân yêu và sống , người ta nhận ra rằng rút cuộc tự truyện thường khi không phải là chuyện riêng của một người mà là chuyện của thời đại

Một bạn đọc phàn nàn với tôi
cuốn sách như thế nào thì được người ta tìm đọc? Có một hồi , câu trả lời khá đơn giản , đó phải là những cuốn sách hay , có thể dạy bảo cho người ta nêu gương để người đọc làm theo . Nay thì không hẳn như thế . Bạn đọc , nhất là lớp trẻ , mua sách vì nghe đồn nó có chuyện này chuyện nọ .Theo nhau mà mua , vì tò mò mà mua , có khi lời chê lại là một cách tốt nhất , để cuốn sách trở thành hàng bán chạy .

*
Lê Vân yêu và sống có lẽ là cuốn sách quan trọng nhất trong đời sống sách vở nửa cuối 2006. Như nhiều nhà báo đã viết, trong khi lôi cuốn mọi người bàn bạc về cuộc đời của một nghệ sĩ, nó đồng thời cò kích thích một phong trào viết tự truyện. Với tư cách một người nghiên cứu văn học tôi muốn thêm một nhận xét nhỏ. Lâu nay, các hồi ký chỉ nặng về tô vẽ cho bản thân người viết. Nay thì Lê Vân hiện ra qua các trang sách như một con người đầy băn khoăn hối lỗi và khắc khoải đi tìm bản thân. Tức là các tác giả đã góp phần giải phóng chúng ta khỏi quan niệm cứng nhắc về hồi ký và giúp chúng ta hình thành một quan niệm mới về thể loại. Việc làm khác đi như thế này đang là nhu cầu của sự nhận thức ở cả người viết lẫn người đọc.

06/07/2009

Đưa mốt trở thành một hoạt động có ý thức tự giác

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:23

Ở ta có một số người chỉ thoạt nghe nói đến mốt đã tỏ ý dị ứng và chỉ muốn gạt đi không chấp nhận.Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề cái ăn cái mặc tối thiểu trong gia đình còn lo chưa đủ ,sự khó chịu của họ với những biểu hiện mà họ cho là hoang toàng xa hoa kể cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên sự phản đối mốt thực ra không có gì lớn và trong thực tế số người này ngày càng ít dần đi . Ngược lại việc hiểu mốt sao cho đúng đắn ,và sử dụng mốt như một công cụ hợp lý để làm đẹp,kích thích thêm niềm vui sống cho mỗi cá nhân, thậm chí giải phóng con người khỏi những lối mòn suy nghĩ cũ kỹ chật hẹp ….cái đó mới thật là khó .Nếu không làm được việc này người ta sẽ chỉ giữ mốt trong khuôn khổ một hoạt động vui vẻ trẻ trung nhiều chất tầm phào và đây là một nguy cơ hiện đang đe doạ phong trào mốt ở nhiều nước kém phát triển .

Tra lại các từ điển tôi thấy người ta cắt nghĩa đại khái mốt là sự thống trị của một thị hiếu một khẩu vị trong các mặt sinh hoạt và thậm chí cả trong nói năng suy nghĩ … ở một hoàn cảnh nào đó trong một thời nào đó ( người Trung quốc có lúc dịch nó là phong khí là thời hứng thời thượng là với nghĩa ấy ).Khu vực biểu hiện rõ nhất của mốt là trong ăn mặc : Nói chung thì con người thích cái đẹp và nhu cầu sử dụng những phương tiện sống hiện đại nhu cầu tận dụng được mọi tiến bộ mà điều kiện sống mang lại là một nhu cầu rất tự nhiên .Nhưng điều oái oăm là ở chỗ thế nào là đẹp thì lại không dễ xác định . Mà phải trải qua rất nhiều tìm tòi thể nghiệm.Bên cạnh việc làm phiền người ta thì sự đỏng đảnh trong khẩu vị lại là một tác nhân làm cho sự thể nghiệm nói trên có thể kéo dài bất tận và suy cho cùng nó cũng là một yếu tố khiến cho cuộc sống có thêm ý nghĩa : Hoá ra ta có thể ăn mặc không giống như ta vẫn quen nghĩ , điều đó thú vị lắm chứ ! Và bởi lẽ bước vào cuộc chơi này,ta không bị ràng buộc vào cái gì,ta không biết một cách chắc chắn là nó dẫn ta đến đâu,lại nữa lúc nào ta cũng có thể từ bỏ cái đã thành hình để phiêu lưu vào con đường mới, nên chi đối với con người hiện đại nhất là những bạn trẻ làm sao mà không thú vị cho được ? Có điều , cái quyền tìm tòi thể nghiệm này không phải xã hội nào cũng biết sử dụng một cách hợp lý.Với tư cách một thứ vô thức tập thể,nhu cầu về mốt có thể biểu hiện ở xã hội này một cách mãnh liệt ở xã hội kia yếu ớt hơn .Và nếu như trong những xã hội lành mạnh ,mốt thường được đồng nghĩa với tự do chân chính với sự kiều diễm vẻ đẹp lịch sự và khả năng thay đổi vô tận của con người thì trong những xã hội bế tắc hỗn loạn , mốt lại trở thành nơi bộc lộ những trò chơi ngông những phá phách bệnh hoạn và nhất là những định hướng suy nghĩ tầm thường nông nổi .

Trở lên là xét mốt như một nhu cầu chung của xã hội.Còn đối với mỗi cá nhân thì sao ? Ai mà chẳng muốn khẳng định sự có mặt của mình trong cuộc đời này với bản sắc tài năng khẩu vị riêng mình có trước mọi người.Nhưng muốn thế, người ta lại phải thường xuyên nhìn vào chung quanh để học hỏi mà cũng là để “soi gương “xem mình ra sao, và lấy sự phản bác hay đồng tình của những người chung quanh làm điều khoái trá . Bởi vậy với mỗi cá nhân , mốt vừa là biểu hiện của thói quen bắt chước hoặc tính bày đàn ,vừa là biểu hiện của óc độc lập và sự sáng tạo.Người ta thường nói mốt vừa làm cho các cá thể giống nhau vừa làm cho nó trở nên tách biệt,hoặc định nghĩa ”mốt là hình thức nhờ đó trong khi làm nô lệ cho cái chung con người vẫn muốn giữ lấy chút yêu cầu tự do nội tại “ là với nghĩa đó.

Chiến tranh không cho phép người ta nghĩ nhiều đến sự ăn mặc và nhất là với những người lính thì bao giờ cũng chỉ có bộ quân phục màu xanh lá cây।Vậy mà có một chuyện nhỏ của những năm ấy tôi còn nhớ mãi:nếu ở Hà Nộicánh lính văn phòng lính tham mưu đua nhau sưu tầm các loại các loại vải dù với lại xanh-tuya Mỹ ,bi-đông Mỹ( nó làm cho bọn tôi có vẻ “nam chinh bắc chiến“ dày dạn hơn)thì khi vào các chiến trường B.4 ,B.5 … tôi lại chứng kiến anh em rất thích những bộ quần áo Tô Châu mặt vải bóng mịn hoặc các loại thắt lưng bằng da do Trung quốc sản xuất và lính ở Hà Nội anh nào cũng được phát vài bộ,cho nên sau một thời gian công tác ở chiến trường trước khi quay ra,chúng tôi thường có cuộc trao đổi các thứ linh tinh với anh em chiến sĩ sở tại và hai bên người nào cũng thấy sung sướng .Theo tôi điều này chứng tỏ ngay trong chiến tranh mốt vẫn tồn tại ,đơn giản chỉ vì ngoài những giờ phút phải đương đầu với bom đạn thì con người trong chiến tranh vẫn có nhu cầu chăm sóc đến sự ăn mặc xem đó là một cách chính đáng để khẳng định bản thân.Còn như giờ đây tuy không còn trẻ để tham dự vào sự bùng phát của mốt trong xã hội song bản thân tôi thường nghĩ đó là một hiện tượng lành mạnh và tin rằng các dạng mốt cụ thể sẽ qua đi nhưng sự quan tâm đến mốt thì sẽ vĩnh viễn tồn tại .Nhìn một vài bạn trẻ ăn mặc theo những mốt lạ đi trên đường,tôi chỉ tự nhủ đó là một con người đang muốn chung quanh chú ý tới sự có mặt của mình và cầu chúc cho họ chuyển được cái ham muốn mãnh liệt đó thành ý chí lập nghiệp và biết học hỏi để làm giàu cho bản thân và có ích cho xã hội .

Loại người chủ động tham gia vào cuộc vận động sôi nổi của mốt một cách tự giác cố nhiên hiện đang còn ít và phổ biến hơn là những người coi mốt là mục đích đến với mốt để làm ra vẻ khác người và tưởng rằng nhờ có mốt mà giá trị của họ được nâng lên.Chính cách hiểu thô thiển của những người này khiến mốt mất đi vẻ đẹp tự nhiên và trong con mắt của những người bình thường nó hiện ra như một hành động phá phách vô nghĩa lý.Trong hoàn cảnh sự giao lưu toàn cầu được mở ra rộng rãi như hiện nay mốt cũng đang trở thành một khu vực nhạy cảm:có thể trông vào việc du nhập các mốt ăn mặc để phân biệt một xã hội biết tiếp nhận ảnh hưởng ngoại lai một cách thông minh với một xã hội không phân biệt nổi tốt xấu ,nhố nhăng học đòi ,vong bản một cách thảm hại.Bề nào mà xét thì cũng thấy đã đến lúc không thể để mốt hình thành theo lối tự phát và ngoan ngoãn trong bàn tay thao túng của những kẻ chiều nịnh con người để kiếm lợi.Mà ở đây rất cần sự tham gia của ý thức tức sự có mặt của tầng lớp tinh hoa có học vấn chắc chắn và hiện đại ./.

02/07/2009

Tiến tới một quan niệm hiện đại hơn về sách

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 14:41


Để hình dung ra sự phát triển của sách trong xã hội hiện đại,tốt hơn hết là hãy liên hệ nó với thuốc .Chúng ta dều biết : thuốc không phải là thứ có thể dùng vô tội vạ .Thuốc tốt đến mấy mà dùng không đúng với quy định cũng gây tác hại ,các loại thuốc đặc dụng dùng sai đối tượng có thể làm chết người như chơi .Tương tự như vậy , sách có thể hợp với người này mà không hợp với người kia ,và đừng nên viện lý do đó mà tính chuyện cấm sách .Ngược lại ,chỉ cần yêu cầu các loại sách xuất bản kèm theo hướng dẫn cụ thể ai nên đọc ,và đọc như thế nào .Nhất là với các loại sách viết cho thiếu nhi như trường hợp bộ sách Những chuyện kỳ bí của Stine

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VỀ THỀ LOẠI CỦA TRUYỆN KINH DỊ

Mấy chữ chuyện kỳ bí mà NXB Kim Đồng dùng để đặt tên cho xê-ri sách của Stine bị một số người hiểu nhầm , họ thay chữ chuyện bằng truyện và xem đây là một thể loại .Theo chỗ tôi hiểu thực ra không có thể nào là thể kỳ bí cả , mà ở phương Tây hiện đại chỉ có khái niệm truyện kinh dị với nội dung rất cụ thể .Không thể dùng nó để chỉ loại truyện cổ tích có yếu tố kỳ ảo mà nước nào cũng có .Mà nó cũng không dây dưa gì đến các loại thần quái chí quái ở các nước phương đông trong đó thế giới người chết xâm nhập cả vào thế giới người sống , tức người ở chung với các loại ma quỷ thần tiên .Là một sản phẩm của xã hội hiện đại ,truyện kinh dị chỉ nhằm biểu hiện những bất an khắc khoải của con người trước cuộc sống mà hình như họ đã hiểu rất nhiều rồi mà lại vẫn còn bao điều bí mật mà họ chưa hiểu hết .Sự bất an này có một biểu hiện cụ thể là nỗi sợ và bởi lẽ xã hội dù tiến bộ đến đâu nỗi sợ này cũng không chấm dứt hẳn nên người ta mới nêu lên một định đề thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng suy cho cùng lại rất đúng với tâm lý của con người hiện đại — ấy là sợ trước sau vẫn là một nhu cầu và việc nói về nỗi sợ , làm cho người ta được lây truyền được thể nghiệm nỗi sợ cũng là một hướng làm sách hoặc làm phim được chú trọng khai thác .
Mà để nói về nỗi về nỗi sợ không gì tiện hơn là nhấn mạnh tính chất ma quái của đời sống .Các loại ma xâm nhập vào các tác phẩm là điều tự nhiên .
Tất cả những điều này đã được tổng kết trong các tài liệu nghiên cứu về truyện kinh dị mà ở ta đã có một số tài liệu trích giới thiệu chẳng hạn bài viết của Đào Hùng trên tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn .Ở đây chúng tôi chỉ lưu ý thêm là ở trình độ của người viết và người đọc phương Tây hiện nay truyện kinh dị không làm cho bạn đọc trở thành mê tín rồi đi cầu cúng ma quỷ mà chỉ kích thích người ta suy nghĩ thêm về các thế lực siêu nhiên và đấy là mục đích thiết thực của nó.

TRƯỜNG HỢP NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA STINE

Không phải ngẫu nhiên mà chúng trở thành sách bán chạy Cái tài của người viết ở đây là “treo” vấn đề các thế lực siêu nhiên lên đó làm cho bạn đọc hồ nghi và tuy rằng cuối cùng cũng thấy buồn cười cho sợ hốt hoảng của mình song nghĩ lại vẫn thấy làm sao mà không sợ được ! Nếu anh định giải thích mà không thể lý giải chính xác toàn bộ cái bí ẩn,và cho đến lúc kết thúc anh vẫn chỉ có những ý niệm rất mù mờ tức là anh đang ở trong thế giới kinh dị đó –Đấy là một ý quan trọng trong bài giới thiệu của Đào Hùng mà ở trên đã dẫn .Từ góc độ này mà xét ,Trò chơi trốn tìm và Con vượn bơi trong bể kính,Những bức ảnh tiên tri và Tù nhân của chiếc giường … là những cuốn truyện kinh dị theo đúng nghĩa của nó .Người ta chỉ có quyền từ chối chúng khi từ chối toàn bộ truyện kinh dị nói chung

SỰ KHÔNG ĐỒNG ĐỀU TRONG TIẾP NHẬN

Khi bảo Việt Nam là một quốc gia đang phát triển tức là chúng ta đã xác định rằng ở xà hội ta các yếu tố tiền hiện đại và hiện đại cùng tồn tại song song .Về mặt văn hoá mà xét con người VN hôm nay trong khi vẫn gần gũi với ông cha lại đồng thời có thể chia sẻ không thiếu điều gì với đồng loại ở các nước xa lạ khác .Huống chi nay là thời đại của toàn cầu hoá ,và những ảnh hưởng sẽ lan tràn tới mức không dễ gì ngăn chặn nổi .
Có thể xem đấy chính là lý do khiến cho có sự nảy sinh hàng loạt sự lộn xộn trong việc tiếp nhận văn hoá nước ngoài .Nhưng có lẽ cũng nên nói ngay rằng không nên thổi phồng tình trạng lộn xộn đó rồi quá lo lắng về nó .Sự nhất trí ở đây không chỉ là cứng nhắc giả tạo mà còn là không thể thực hiện nổi .Mọi chuyện sẽ được bàn bạc và gỡ ra dần dần .Một điều có thể chắc chẵn là chính nhu cầu mọi mặt của chúng ta đang thay đổi cho nên nhiều cách hiểu cũ cách làm ăn cũ của chúng ta cũng sẽ phải thay đổi theo kể cả trong việc làm sách và phổ biến sách .

VIỆC SỬ DỤNG SÁCH CŨNG CẦN ĐƯỢC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Sách là một thứ thức ăn tinh thần đơn giản phổ cập tức ai cũng cần như nhau và tiếp nhận giống nhau “ –phải nói rằng một quan niệm như vậy đang chi phối nghề làm sách nói chung tuy nhiên với loại sách làm cho thiếu nhi thì nó càng ăn sâu một cách tự nhiên .Chúng ta thành tâm bảo nhau hãy cố tạo ra một thế giới sách trong trẻo đến mức vô trùng có biết đâu trong hoàn cảnh hiện nay đấy là điều không thể thực hiện được .Chẳng những thế ,cái sự tưởng là cẩn thận đó không đáp ứng được đòi hỏi của con em ta hôm nay và nhìn chung là làm nghèo đời sống tinh thần của chúng mà ta không biết .
Làm sao để vượt lên trên sự đơn điệu cũ kỹ, ,làm sao cung cấp cho con em chúng ta các loại thức ăn tinh thần phong phú hơn mà vẫn dự phòng trước mọi tai biến có thể xảy ra ? Ở đây mọi chuyện phải bắt đầu từ một quan niệm rông rãi hơn về sách .Trước tiên cần thống nhất với nhau rằng sách rất đa dạng ,ngoài những loại sách ai cũng cần thì có những loại sach mà chỉ một số đối tượng nào đó có thể đọc và nên đọc .Và mỗi loại cần có cách xử lý riêng . Ví dụ với các sách truyện kinh dị kiểu như Những chuyện kỳ bí của Stine theo tôi ít nhất nhà xuất bản nên đề thật rõ ở ngoài bìa là chỉ dành cho trẻ em trên 12 tuổi thậm chí cấm hẳn với những em có thần kinh không được bình thường . Không phải bất kỳ một cuôn sách viết cho thiếu nhi nào cũng cần những bài bình luận dài dòng đặt ở đầu sách nhưng với loại hàng đặc biệt như truyện kinh dị chỉ vừa được ngoại nhập thì một hai trang phân tích có sức thuyết phục lại là không thể thiếu . Nghĩa là nhìn chung công tác nghiên cứu văn học thiếu nhi kể cả sách nước ngoài không thể để trong tình trạng hoang vắng như hiện nay .Và cũng đã đến lúc các bậc cha mẹ không thể tắc trách cứ thấy sách của nhà Kim Đồng hay Trẻ là xỉa tiền mua cho con mà không cần biết là có hợp với con mình hay không .Cả xã hội phải cùng có trách nhiệm trong việc phổ biến và sử dụng sách .

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.