VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

29/06/2009

Biết mình để tránh bệnh tự mê hoặc

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 02:36

Có một truyện cười dân gian VN, ý khá sâu sắc, tôi dựa theo bản trong tập sách in ra ở NXB Văn học từ 1985, tạm kể tóm tắt như sau:

Một anh ngủ mê đến nỗi anh em bạn đùa cạo trọc đầu rồi khiêng bỏ ra chùa cũng không biết. Anh ta tỉnh dậy, thấy mình đầu trọc, lại nhìn cảnh chùa chung quanh, tự hỏi không biết mình là ai, có liên quan gì tới con người hôm qua “ Ta hay sư?…Ta hay sư?..” Miệng lẩm bẩm mà lòng anh canh cánh một nỗi lo, lo rằng chính mình không còn là mình.

Muốn khỏi phân vân, anh ta nghĩ, cứ về nhà thì biết. Quả nhiên lo là đúng. Con chó thấy anh đầu trọc khác thường xô ra cắn.

Anh biết từ nay mình không còn là mình nữa, nên bỏ nhà đi thẳng.

Phần lớn truyện cười ở ta dành để chế nhạo thói xấu lặt vặt con người, những anh chàng nói phét gặp thời, những thầy đồ ăn vụng… Khi tiếng cười cất lên quá dễ dãi cũng là lúc ta nhận ra đời sống tinh thần con người vừa cười đó nhiều phần nông nổi, tẻ nhạt.

Sau cái vẻ hơi khó cười – may lắm chỉ gọi ra những tiếng cười thầm– truỵện trên đây đặt vấn đề về tự nhận thức. Con người ta có khi không còn là mình mà không hay biết. Người tỉnh táo phải biết ghi nhận những đổi thay đã tới với bản thân. Phải nhìn vào chung quanh để tự kiểm tra lại.

Vấn đề tự nhận thức ấy cũng được đặt ta trong một truyện ngắn của Thạch Lam mang tên Người bạn cũ in trong tập Gió đầu mùa (1937).

Nhân vật xưng tôi trong thiên truyện này từ chỗ hăng hái trên con đường dấn thân vào hoạt động cho tiến bộ xã hội, quay trở lại đời sống trưởng giả nơi tỉnh lẻ. Bỗng một người đồng chí cũ (chữ đồng chí này là của Thạch Lam trong nguyên bản) gõ cửa ngôi nhà yên ấm của anh. Bạn gái Lệ Minh trong cảnh khốn quẫn đến tìm anh, trông chờ sự giúp đỡ.

Nhân vật chính sau khi lặng lẽ khước từ người bạn ấy, quay về đối diện với mình. Anh ta lặng lẽ đặt câu hỏi, giữa con người tranh đấu của mình hôm qua và con người trưởng giả hôm nay, đâu là con người thực ?

Tôi không dám trả lời.” Thiên truyện kết thúc bằng một câu lửng lơ như vậy.

Mỗi khi nhắc tới Thạch Lam, người ta hay nhắc Gió đầu mùa, Cô hàng xén, Nhà mẹ Lê hay Hà Nội băm sáu phố phường. Còn Người bạn cũ thuộc loại ít ai đọc và nhớ. Nhưng tôi cho rằng thiên truyện có giá trị ở chỗ đã ghi nhận một mẫu tư duy hiện đại khi mà, từ xã hội trì trệ hôm qua bước ra, các cá nhân trải qua những thăng trầm khiến cho nhiều khi trong một cuộc đời thành ra có nhiều cuộc đời, dưới một cái hình hài tên tuổi nhãn mác chung thực ra nối tiếp tồn tại những con người khác, thậm chí đối lập nhau nữa.

Thông thường trong khi giải quyết đề tài này, các nhà văn chỉ đặt vấn đề đạo đức. Đại khái là sau khi rơi vào tình thế rất kịch như trên, nhân vật có thoáng qua một chút hối hận, để rồi lại tìm ra đủ thứ lý do biện hộ, và mọi chuyện đâu vẫn đóng đấy.

Nhân vật trong truyện của Thạch Lam không chỉ đối phó với cái tình thế trước mắt. Mà sau một cuộc kiểm chứng, anh ta muốn có một cái nhìn chung về con người bản thân. Khi tự thú rằng chưa biết trả lời ra sao — một suy nghĩ rất lương thiện — thật ra anh ta đang đi dần tới sự tự chủ để có được cách hành động thích hợp trong quãng đời còn lại. Kể cả khi cứ con đường cũ mà đi thì đó vẫn cứ là một nhân cách đáng trọng.

Con người thời nay đã quá khôn ngoan. Giả sử bây giớ tôi ngớ ngẩn lên tiếng khuyên ai đó hãy lo tự nhận thức, thì người ấy sẽ lập tức đáp trả lại rằng “ biết người biết mình là chuyện tối thiểu trong trường đời, có ai còn lạ mà ông phải dạy đĩ vén váy”.

Thế nhưng theo sự quan sát của tôi thì trước nhu cầu tự nhận thức hiện nay thường có mấy đáp án phổ biến:

Một là, nói cho xong chuyện, chứ thực ra người ta rất ngại ngồi đối diện với mình tự vấn lương tâm mình. Trong khi mải mê hành động, họ coi chuyện tự tìm hiểu chính mình chỉ là chuyện xa xỉ của lũ người rỗi hơi ngồi mà nghĩ quẩn.

Hai là nhiều người tự mê hoặc, tin chắc rằng mình sống chỉ có đúng, làm việc gì chỉ có lương thiện tốt đẹp “ vì nước vì dân”. Với họ con người ta chỉ cần xuất phát từ một “cái tâm trong sáng” là đủ, không thể có chuyện một động cơ đúng đắn, nếu không biết thực hiện, lúc nào cũng có thể dẫn đến những kết quả tai hại.

Ba là mỗi người chỉ công nhận có một con người duy nhất ở mình, lại tưởng hôm qua thế nào hôm nay vẫn thế. Có thể họ cũng từng có một quá khứ tốt đẹp. Chỉ có điều sau đó, trước những hư hỏng không thể chối cãi, thì họ lảng tránh. Làm nền cho mọi sự dối trá càn rỡ là một lối nghĩ khô cứng. Những khái niệm như tha hoá không thể có chỗ đứng trong suy nghĩ của họ về bản thân.

Xin miễn bình luận về tác hại của những con người như thế này trong đời sống. Họ khá đông đảo. Về mặt văn hoá, tôi chỉ muốn nói trình độ làm người của họ là thấp hơn so với nhân vật của Thạch Lam, thậm chí là thấp hơn cả nhân vật trong truyện cười dân gian trên đây vừa kể.

Saigon times Online

26/06/2009

Tuổi trẻ văn học của tôi

Filed under: HOI KY — vương-trí-đăng @ 02:37

Vi Thùy Linh nói với Phong Điệp , bài in trên Văn Nghệ trẻ và trang web của PĐ

Tôi thấy những nhà phê bình thực sự họ đã lảng tránh, né tránh và không làm tròn bổn phận của mình . Họ chỉ viết báo vì mưu sinh, thời cuộc , vì các mối quan hệ, chứ không bao giờ thực hiện như công năng của một nhà phê bình cần phải lên tiếng. Ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của nhà phê bình chứ không có nghĩa là yêu cầu họ bênh vực cuốn sách của tôi hay một ai đó cụ thể. Tôi thấy trong những lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất họ lại quay ra bàn về thơ Xuân Diệu, bàn về Thạch Lam… Có người nói rằng họ không ghi nhận thơ trẻ nhưng lại đứng tên biên tập cho một tập thơ trẻ – một cuốn sách theo tôi là đồi bại, và quả thật sau đó đã bị thu hồi. Khi sự việc xảy ra, nhà phê bình này trả lời báo chí là ông không đọc kĩ tập thơ. Vậy sao ông còn treo tên biên tập, trong khi có lần chính ông nói rằng ông rất quý, và có trách nhiệm với cái tên của mình. Tóm lại các vấn đề thời sự văn nghệ họ không “xung kích”, họ lảng một cách có ý thức. Tuy vậy, tôi vẫn thấy có những nhà phê bình như Nguyễn Hòa, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên… là những người có đọc thơ trẻ,quan tâm và ủng hộ thơ trẻ. Ủng hộ ở đây không phải là khen thơ trẻ mà ủng hộ mong muốn làm mới của những người viết trẻ và viết bài về thơ trẻ.

ĐỪNG SỢ NGƯỜI KHÔNG HIỂU MÌNH


Cuộc trò chuyện tưởng tượng với một cây bút trẻ
Những vụng dại vốn là một phần của tuổi trẻ, vậy mà thỉnh thoảng nhớ tới chúng — những vụng dại khi mới bước vào nghề văn – tôi vẫn cứ thấy vừa buồn cười vừa tiêng tiếc thế nào ấy.
Cuối năm 1971, vừa dự Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ hai trở về cơ quan là tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tôi bị Nguyễn Khải, người mà tôi biết ơn suốt đời, vì lúc mới vào nghề tôi đã được ông bảo ban đủ điều, — ông tác giả Xung đột đó cho ngay một gáo nước lạnh :
— Hóa ra các ông là thế. Tưởng trẻ mà già mà cổ. Người ta tổ chức hội nghị để các ông nói mà các ông không nói, ra cái điều cao đạo với nhau một lượt.
Tôi nghe chỉ biết cúi đầu nhận lỗi. Nghĩ lại thì suốt hội nghị, bọn tôi— tức là đám bạn bè tôi quen lúc ấy, những Đỗ Chu, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương … không nói được điều gì nên hồn thật.
Lỗi không hẳn chỉ ở phía chúng tôi. Ai đã tham dự các cuộc hội nghị loại này thừa biết, ở đó, những người lớp trước thường nói nhiều quá, dạy dỗ nhiều quá, làm cho anh em trẻ ngán ngẩm, ngỡ mình được gọi đến để nghe dạy bảo chứ không phải để bàn bạc thảo luận, và sinh ra mất hứng.
Nhưng đáng lẽ những khi có cơ hội để nói – dẫu sao ngay trong Hội nghị nói trên, những cơ hội ấy vẫn còn — chúng tôi phải tranh thủ tự bộc lộ, phải phản biện-tranh cãi- có ý kiến đề nghị chứ. Đằng này hầu như tất cả chúng tôi gần như ngồi im, nếu không kể vài câu lí nhí phụ họa. Thế là thiệt đơn thiệt kép, có bị mắng cũng đáng.
Nhớ lại chuyện cũ để thấy thế hệ các bạn trẻ cầm bút hiện nay hơn hẳn chúng tôi. Tự tin.Mạnh dạn. Cuồng nhiệt.Tha thiết với nhu cầu tự khẳng định. Lo tìm bằng được diễn đàn của mình.
Chỉ có điều những lời than thở này hơi nhiều, đôi khi gợi cảm tưởng như ngoài phố xe đò tranh khách. Một căn bệnh khá rõ tôi thấy ở nhiều cây bút ở ta hiện nay là để công ngồi trước bàn thì ít, mà dành thời gian nhiều hơn cho việc chạy vạy tuyên truyền – rao bán – thuyết phục cốt sách mình được in. Tương tự như vậy, một vài cây bút trẻ để thời gian đi tuyên ngôn tuyên bố lo cho sự xuất hiện hơn là đóng cửa đọc và viết. Tôi không nghĩ thế là khôn.
So với ba bốn chục năm trước, mọi người thũng thĩnh xe đạp, cuộc sống giờ đây vận động với tốc độ xe máy. Bọn tôi thông cảm với sự sốt ruột của con người thời hội nhập , song chính vì tiếc thời gian cho các bạn mà tôi khuyên không nên để tâm quá nhiều vào việc lặt vặt .
Tại sao ở chúng tôi hồi trước lại có cái sự lí nhí mà ?
Chúng tôi bị ngợp

Lúc này, tôi tưởng tượng như trước mặt mình là một bạn trẻ. Vốn coi đây là một cây bút có triển vọng, nên tôi muốn bàn bạc vài điều. Chủ đề thì cũng xoay quanh một số phương diện của giới các nhà văn trẻ hiện nay

— Không phải đến thế hệ này mà từ nhiều thế hệ trước, không phảỉ riêng ở Việt Nam mà khắp trên thế giới bao giờ cũng có chuyện già trẻ mâu thuẫn, và trẻ cảm thấy bị ngáng đường. Muôn thuở là thế. Trên sân chơi chung, không ai nhường ai đâu. Van nài xin xỏ ư, vô ích. Cái tài của người trẻ là làm cho người đi trước phải nhường bước cho mình , như Xuân Diệu từng khiến Thế Lữ nhường ngôi bá chủ thi đàn cho mình hồi Thơ mới .

— Sự khen chê ở đời có luật riêng của nó Theo kinh nghiệm của tôi, một người già thường hào phóng ban phát lời khen với một bạn trẻ trong hai trường hợp sau đây
1/ Bạn trẻ là một bản sao của người già, thầy khen trò mà thật ra khen chính mình
2/ Khen để lấy tiếng, bởi trong bụng thừa biết người trẻ kia kém mình nên mới khen như vậy.

Trong Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ hai mà trên đây tôi nói, T.T. là một bạn trẻ làm việc ở bên Hậu cần. Một trong những nhà văn chủ trì hội nghị hết lời khen cô. Ông đọc cho chúng tôi bản khai của cô rằng cô đã thuộc những dòng sông này, những miền đất kia, và nói rằng chỉ cần xem đó thì thấy đang có một tài năng đầy hứa hẹn. Sau T.T chẳng viết gì nữa, mà nhà văn lớn kia cũng không bao giờ nhớ rằng mình đã từng khen như vậy.

— Ngược lại, nhiều khi cái sự chưa tin của người ngoài lại có nghĩa là một sự kích thích.Trong đời tôi, có những câu nói bè bạn mà tôi nhớ đời. Khi tôi mới học tiếng Nga, vừa xin đi dịch tài liệu cho một Viện khoa học nọ thì anh bạn ở đó cho một câu xanh rờn “ Cậu cũng biết tiếng Nga à ? ”. Lại một lần khác, khoảng đầu những năm tám mươi, một nhà thơ có viết phê bình nói thẳng vào mặt tôi “ Trong phê bình văn học, mình nổi tiếng hơn ông nhiều chứ. Chung quanh Hà Nội sáu chục cây, không ai lạ gì tên mình, còn tên ông thì ai biết ?”. Tôi không cãi lại các bạn, chỉ lẳng lặng lo làm việc tốt hơn để các bạn thấy là họ sai. Và theo nghĩa đó, tôi nhớ tới họ với sự cám ơn .

— Nhìn vào mắt nhiều cây bút trẻ , tôi biết rằng nhiều bạn nghĩ thế hệ đi trước chẳng qua là một lũ già bất tài , chẳng qua sống lâu lên lão làng . Tôi sẵn sàng đồng ý vậy, nói như Xuân Diệu lúc còn sống , hoàn cảnh hôm qua chỉ rặn ra được một lũ chúng tôi. Nhưng bạn ơi , sao lại chỉ dừng lại ở chúng tôi nhỉ . Hãy nghĩ đến Nguyễn Du , Nguyễn Trãi , cũng như về sau này nghĩ đến Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam , Nam Cao. Và cũng đã đến lúc phải nghĩ đến cả Pushkin ,Tolstoi, Hugo , Kafka , Lỗ Tấn …

— Kinh nghiệm trong nghề viết cho thấy rằng chính ra những thứ dễ được công nhận lại là những thứ tầm thường. Những của độc — độc với nghĩa độc đáo chứ không phải độc hại — khó đến với người ta hơn. Tùy tâm, bạn sẽ định hướng đời mình theo sự nổi tiếng trước mắt hay muốn tạo nên một giá trị lâu dài, ở đây tương lai là trong tay bạn .

— “ Xã hội bây giờ già quá không thông cảm nổi với lớp trẻ “ ở chỗ riêng tư tôi thường nghe những lời than thở như vậy. Đồng ý rằng có sự già cỗi đó , tôi chỉ muốn nói thêm rằng có khi người nói chung quanh già lại cũng cổ lỗ cũ kỹ không kém .Tuổi tác chỉ làm nên khác biệt bề ngoài. Có những người tuổi trẻ mà suy nghĩ cư xử khác gì cánh già, và khi một già một trẻ cùng một căn bệnh thì chính ra người trẻ bệnh lại trầm trọng hơn .

— Bạn hay lớn tiếng bảo rằng chưa ai hiểu bạn. Tôi cũng đã có lúc như vậy và tôi thầm nghĩ vậy thì mình đang có một cái gì mới , mình đang đi đúng hướng , nếu đi đến cùng , không chừng mình sẽ mang lại cho họ những món quà bất ngờ.

— “ Không gì tuyệt vời hơn, nếu như không cần chạy vạy xin xỏ kêu ầm lên về mình mà người ta vẫn phải chạy đến tìm mình nghe mình nói, chia sẻ với mình ít tâm sự. Đấy mới là cái cách tồn tại mà một người tự nhận là trẻ cần vươn tới “.
Khi nghĩ vậy – lúc ấy tôi đang hăm nhăm hăm bảy gì đấy –, tôi hơi sờ sợ, không chừng mình đang mắc bệnh kiêu căng và không dám nói ra với ai . Nhưng tôi không gạt nổi ý nghĩ đó khỏi đầu óc . Tôi biết nó không làm tôi trở nên tài năng hơn người nọ người kia, nhưng tin rằng nhờ nó, tôi khá hơn chính mình , thế là được rồi .Tôi sống theo cái công thức giả định đó cho đến hôm nay.

đọc thêm Không sợ độc giả quên mình

22/06/2009

NGHIÊN CỨU HUế , món quà tặng bất ngờ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:11

Thành phố của sông Hương núi Ngự trên đường tự tìm lại chính mình qua các công trình nghiên cứu đáng gọi là có chất lượng khoa học

Nghiên cứu tìm hiểu quê hương đang là công việc được khởi động một cách hào hứng ở nhiều địa phương . Tuy nhiên cũng phải nói ngay là các bài báo và cuốn sách loại này thường có phần xốp nhẹ . Chúng được biên soạn một cách vội vã và theo một cách thức đơn giản . Tình yêu — ở đây là tình yêu của các soạn giả đối với mảnh đất mình đang sống — nồng nhiệt song nông nổi .
Cách hiểu về một vùng văn hoá thì khá chật hẹp .Truyền thống lịch sử hay được nói tới nhưng không được quan niệm một cách cụ thể . Bóng dáng của ngày hôm nay che lấp tất cả quá khứ . Tưởng rằng lớn lên trên mảnh đất quê hương thì sẽ hiểu nó hơn ai hết , người ta không giấu giếm nổi cái ý muốn áp đặt những kiến thức thô lậu cho người đọc .Việc sử dụng quá nhiều những lời lẽ hoa mỹ khiến cho các bài viết và các tập sách mang nặng tính cách khoe khoang mà thiếu sức thuyết phục .
Đặt trong cái nền chung ấy , bộ sách Nghiên cứu Huế ( đã ra đến tập thứ ba ) muốn trình ra một phương hướng nghiên cứu có nhiều phần khác .
Công trình ra đời dưới hình thức sách , song lại na ná như một tạp chí bởi sẽ liên tục có nhiều số , mỗi số có nhiều loại bài khác nhau . Đối tượng được mang ra xem xét một cách thận trọng . Lịch sử được đối thoại chứ không phải được gán cho những ý nghĩa có sẵn . Dường như các soạn giả muốn nói chính các ông cũng đang mày mò tìm kiếm cũng đang muốn bằng mọi cách hiểu thêm về Huế của mình .
Chung quanh ý niệm “thế nào là một vùng đất văn hoá ?”, tuy không định nghĩa rõ , song nội dung các bài nghiên cứu cũng như các tư liệu được công bố cho thấy những người chủ trì tập sách có một quan niệm rộng rãi mà lại chắc chắn . Có bài nói về nhà Huế chợ Huế bên cạnh đó là bài về cầu Huế ,chùa Huế , rừng du ngoạn ở Huế …Có bài nói tới cây Baobap ( một loại cây thuộc họ gạo nhưng hoa trắng nở vào mùa hè ) duy nhất trong thành phố . Có bài mang một cái tên đơn giản Sông Hương có cái tên ấy tự bao giờ ? Khá nhiều bài nói về cách sống của người Huế trong đó có những bài nói về từng con người cụ thể , kể cả những nhân vật có tên trong lịch sử như Trần Quý Cáp Nguyễn Văn Tường Đặng Văn Ngữ … lẫn những nhân vật được truyền tụng trong dân gian như Cậu cả Hót . Những ai từng đọc Quê mẹ của Thanh Tịnh hẳn còn nhớ thiên truyện Con ông Hoàng trong đó khắc hoạ loại nhân vật quý tộc thất thế mà không bao giờ từ bỏ nổi cái chất đài các của mình ( Thơ Nguyễn Bính : Loanh quanh xóm vắng đường gần — ấy ai làm dáng phi tần với ai ) . Cậu cả Hót là một nhân vật có cái chất riêng đó của Huế . Có thể nói đây là cả một tính cách mà người thuộc Huế hiểu Huế thường truyền tụng và nay rất cần được ghi chép . Một khi loại ghi chép này được tiếp tục , Nghiên cứu Huế sẽ hứa hẹn nhiều trang sách thú vị .
Nếu như nét đặc sắc của văn hoá Huế là ở tính chất cung đình , cái vẻ quý tộc hầu như ẻo lả yếu ớt song lại hiếm hoi của nó thì lịch sử hình thành của Huế lại đi liền với lịch sử triều Nguyễn , một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất mà cũng bi thảm nhất của xã hội nước ta trước khi bước vào lịch sử hiện đại . Nhưng lâu nay văn hoá Việt nam thường được đồng nhất với văn hoá bình dân , cái chất quý tộc kia bị lảng tránh coi như không có , còn lịch sử thế kỷ XIX thì bị thành kiến nặng nề và do đó làm nghèo đi rất nhiều . May thay ở cái chỗ mà một số nhà viết sử thấy ngán thì các tác giả Nghiên cứu Huế không ngán . Ngay từ tên gọi một số bài viết đã nói rõ cái phần nội dung được nghiên cứu nghiêm túc trong đó : Danh và hiệu của các vua nhà Nguyễn , Quốc sử quán triều Nguyễn ,Vấn đề tài sản trong luật pháp hôn nhân và gia đình dưới triều Nguyễn …
Có thể nói đây là một phương hướng khai thác đúng đắn nó mở ra cho việc nghiên cứu Huế một trường hoạt động rộng rãi . Vua quan nhà Nguyễn cũng là người Việt , lịch sử nhà Nguyễn cũng là một phần lịch sử Việt Nam , làm sao mà đánh bài lờ mãi được ?
ở trên chúng tôi đã nói qua về các tập sách nghiên cứu về từng vùng đất đang được biên soạn . Một trong những khía cạnh non kém không thể khắc phục của một số bài viết trong loại sách đó là ở chỗ tác giả của chúng vô tình hay hữu ý tách rời địa phương được nghiên cứu khỏi cái mạch chung của văn hoá cả nước , và lầm tưởng rằng làm thế là đề cao được văn hoá của địa phương mình , có biết đâu lại khiến cho các bài viết ấy có tính chất tỉnh lẻ rõ rệt . Nghiên cứu Huế chọn cách làm khác . Khái niệm về nghệ thuật trị quốc ở Việt Nam , Xứ đàng trong vào thế kỷ XVII và XVIII : một mô hình khác của Việt Nam , Bối cảnh lịch sử Việt nam khi người Pháp đến ,Về một nguyên nhân làm suy thoái đất nước vào giữa thé kỷ XI X .. , đấy là tên gọi một loạt bài nghiên cứu khá công phu được in chúng đã nói rõ quan niệm của những người làm sách : Đặt Huế trong cái mạch chung của cả nước . Một cơ sở phương pháp luận hợp lý đã mang lại cho Nghiên cứu Huế một lượng bạn đọc tối đa mà nó có thể có .
Với tinh thần khoa học nghiêm túc , nhóm biên soạn đã để công sưu tầm được những tài liệu phải nói là qúy hiếm . Đáng nói ngay ở đây là hai loại :
Đầu tiên là những tài liệu người xưa viết bằng chữ Hán . Lâu nay tôi cứ nghĩ các cụ xưa ít chịu viết hồi ký , nay với Nghiên cứu Huế ba số đầu , tôi đã có trong tay Lý lịch sự vụ lẫn Khúc tiêu đồng . Cuốn trước là của một quận công thời đầu thế kỷ XIX , công lao đóng góp từng được ghi trong Đại Nam chính biên liệt truyện . Cuốn sau là một thứ nhớ gì ghi nấy của một viên quan nhỏ sống đến những năm sáu mươi gần đây , nhiều tài liệu ghi được mang ý nghĩa xã hội học đáng quý .
Thứ nữa là các tài liệu của người nước ngoài bao gồm từ Nhật ký gặp vua xứ đàng trong của một nhà buôn Anh thế kỷ XVIII , hồi ký của một trung uý hải quân Hoa kỳ đến Việt nam đầu thế kỷ XIX … cho tới các công trình nghiên cứ về Việt Nam của J. Che sneux , D. Marr … hoặc của một giáo sư người Việt đang dạy ở Đại học Paris là Nguyễn Thế Anh .Cũng theo cái mạch này cuối mỗi tập sách đã in còn có in thêm Thư tịch chú giải lịch sử VN qua các tạp chí của trường Viễn Đông Bác cổ ( giai đoạn 1901-1970 ) của Hội nghiên cứu Đông Dương ( giai đoạn 1865-1970 ) và qua các tạp chí France Asie ( giai đoạn 1946-1970 ) .
Hôm nay Nghiên cứu Huế mới được in ra song hình như nó đã được chuẩn bị một cách công phu từ nhiều năm trước và xem qua cách biên soạn thì công việc còn được triển khai lâu dài . Chẳng những trong từng bài vở cụ thể mà cả trong quan niệm chung toát ra qua các bài vở ấy , bộ sách như muốn đạt tới vẻ đẹp cổ điển , nó là cả một sự thách thức đối với tình hình nghiên cứu vốn khá luộm thuộm hiện nay . Bởi sự thách thức đó đến từ một nơi lâu nay ít ai nghĩ là có thế mạnh về khoa học nên có thể nói đấy lại là một bất ngờ đầy thú vị mà Huế và người đất Huế dành cho chúng ta.

Nghiên cứu Huế ấn phẩm của Trung tâm nghiên cứu Huế , Nguyễn Hữu Châu Phan chịu trách nhiệm xuất bản đồng thời là người đứng đầu Hội đồng biên tập . Mỗi số từ 330 đến 380 trang khổ lớn . Tập một đã in tháng 6—1999 ; tập hai, tháng 2-2001 ; tập ba tháng 12 – 2001 . (Sau một thời gian tạm ngưng, Tạp chí Nghiên cứu Huế, một tạp chí có uy tín về nghiên cứu, học thuật ở miền Trung do ông Nguyễn Hữu Châu Phan chủ biên, đã tiếp tục ra số mới nhất vào tháng 7.2008 (số 6))

19/06/2009

Ngả nón trông đình

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 07:16

(Trở lại với những ngôi đình thân thuộc)
Trong tâm thức người Việt, làng là một ý niệm sâu sắc. Sau khi nói đến nước, là người ta nghĩ ngay đến làng.
Tính tự trị cao của từng làng được hình thành và duy trì cùng với thời gian.
Khi nhiều làng “tự trị” như vậy sống cạnh nhau, người ta phải tìm tới những biểu trưng riêng của mình.
Đình làng là một trong những biểu trưng đó, đúng hơn, đây chính là biểu trưng quan trọng nhất.
Nhưng đặt trên cái nền rộng lớn của lịch sử những ngôi đình khác nhau của những cái làng ở cạnh nhau, lại thống nhất trong những đặc điểm chung, và làm nên một cốt cách văn hoá chung. Lẽ tự nhiên, việc nghiên cứu đình làng là một trong những bước đi cần thiết trên đường tiến tới một hiểu biết đầy đủ về truyền thống văn hoá dân tộc.
 

Cuộc kiểm kê đáng tin cậy.
Cuốn sách dày 436 trang, khổ 25 x 25 cm, bìa cứng in đẹp, trong đó, sau phần I có tính cách dẫn luận là phần thứ II mang tên giới thiệu một số ngôi đình ở Việt Nam. Cả thảy có tới 62 ngôi đình đã được miêu tả trong phần II này. Trung bình mỗi đình được dành riêng 5 trang, trong đó, sau một ít ghi chú cần thiết là nhiều ảnh minh hoạ. Ví dụ như trường hợp đình Thổ Hà ở Bắc Giang phần thuyết minh nói rõ từ địa điểm làng xã có ngôi đình, diện tích khu đất trong đó đình được xây dựng… cho tới năm dựng đình, năm trùng tu, những chi tiết đáng chú ý khi quan sát kiến trúc ngôi đình, kèm theo cả sơ đồ mặt bằng và mắt cắt đình. Phần ảnh minh hoạ ở đây không chỉ có ảnh chính diện, đầu hồi, cấu trúc bên trong, các hoạ tiết trên vì kèo và ván nong mà còn có ảnh chụp cổng làng Thổ Hà, ở ngay bên cạnh đình, vốn cùng với đình tạo thành một cụm cảnh quan thống nhất.
Trở lại với phần giới thiệu chung về đình Việt Nam, có thể gọi là phần dẫn luận: Nói về nguồn gốc đình, tác giả nêu một nhận xét khái quát: các ngôi đình xưa nhất còn biết niên đại đều thuộc thời Mạc hay thế kỷ XVI, song nếu căn cứ vào các bi ký, phải ghi nhận sự có mặt của đình từ thế kỷ XV, (tức thời nhà Lê). Chi li hơn nữa, có thể nói là suốt thời sơ sử, ý niệm về một ngôi nhà công cộng của làng xã đã nảy sinh, và đã có những ngôi nhà tương tự, dù chính chữ đình chưa xuất hiện. Mối liên hệ có thể có giữa đình của người Kinh và ngôi nhà rông của người Thượng, nhưng dấu vết còn lại của kiểu nhà sàn trên các ngôi đình cổ… xác nhận dự đoán nói trên.
Gần một nửa số trang trong phần dẫn luận được dành để nói về kiến trúc đình qua thời gian và không gian, trong đó nhắc tới từ việc chọn thế đất làm đình, các kiểu đình, cho tới kỹ thuật dựng đình. Theo các tác giả, kiểu kiến trúc đình không chỉ thay đổi theo thời gian mà còn theo không gian. Nhìn bao quát từ những ngôi đình đầu tiên được xây dựng ngoài đồng bằng sông Hồng, rồi lần theo đặc điểm các ngôi đình ở miền Trung và sau hết ở Nam bộ, tác giả chỉ ra những thay đổi trong mặt bằng kiến trúc, qua đó, gọi ra cả quá trình mở mang bờ cõi của người Việt.
Tới phần điêu khắc đình làng. Sau khi bảo rằng: “điêu khắc Việt Nam cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác, nhưng không đâu, nó được biểu hiện hết mình như ở đình”, tác giả nêu ra hoặc dẫn lại ý kiến người khác có liên quan đến việc làm đẹp cho các ngôi đinh. Trong số này, có một gợi ý khá táo bạo, cho rằng có thể “đọc ra” trong điêu khắc đình làng, những ý tưởng vốn là đặc trưng của mỹ thuật hiện đại. Sự có mặt của tư duy dân gian mang lại cho những nơi tôn nghiêm như đình một vẻ sinh động kỳ lạ. Như ở đình Phù Lão (Bắc Giang), dựng năm 1688, “trên các đầu rồng hay râu rồng thường có hình phụ nữ nằm hay ngồi, khoả thân hay vén váy cao, để hở cả bộ phận cần che đậy, một mình hay cùng với bạn trai”. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng không còn những cảnh sinh hoạt dân gian này nữa – tác giả nhấn mạnh hai phần tiếp theo trong bài dẫn luận dành để nói về thần và tín ngưỡng ở đình, cùng là lễ hội ở đình. Các đình đều thờ thành hoàng, nhưng nguồn gốc các thành hoàng này thì rất khác nhau, có khi là nhân vật lịch sử, nhân vật nổi tiếng trong vùng, có khi là ông tổ nghề hoặc người có công lập ra làng. Cũng đa dạng như vậy là sự chuyển dịch từ lễ sang hội. Bạn đọc muốn làm quen với đời sống hội hè ở nông thôn có thể tìm thấy nhiều chi tiết thú vị khi đọc các đoạn kể lại các trò diễn độc đáo như tục “cướp kén”, lễ “lấy giờ” (có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực) “đua thuyền” “cướp cầu”. Phần giải trí thuần tuý của các hội làng, như diễn xướng, ca hát cũng được nhắc qua, trong sự liên quan của chúng với ngôi đình.
 

Khả năng tổng hợp và những trích dẫn có sức nặng.
Trong cuốn sách của mình GS. Hà Văn Tấn và các cộng sự trước tiên muốn có một sự mô tả càng chu đáo tỉ mỉ càng tốt. Cuốn sách dày 436 trang khổ to (25×25), trong đó, phần chủ yếu là dành để nói về 62 ngôi đình có thể gọi là tiêu biểu cho “văn hoá đình” trong cả nước. Tạm làm một cuộc so sánh: Trong cuốn Việt Nam di tích và thắng cảnh của nhóm Đặng Đức Siêu, Nguyễn Vinh Phúc (1991), tổng số đình được nhắc tới chỉ có 14; trong cuốn
Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam do Hữu Ngọc chủ biên (1997) con số này là 16. ấy là không kể, trong khi ở các cuốn sách trên, chỉ có lời lẽ, thì cuốn Đình Việt Nam chủ yếu là một cuốn sách ảnh, bên cạnh ảnh chụp toàn cảnh các ngôi đình, là những bức ảnh đi vào đặc tả từng mái đình, hoặc những hình điêu khắc chạm trổ trên cột, trên vì ngang, xà kèo, ngoài ra có trường hợp như đình Yên Sở, cả ngôi đình có tới 22 ảnh minh hoạ (9 ảnh trong số này chụp riêng về một số hoạ tiết của dải trang trí trên vách tường đình vốn là một nét triêng chỉ đình Yên Sở mới có). Trong phần dẫn luận, ngôi đình lại được khảo cứu trên nhiều phương diện, từ sự xuất hiện của chữ đình trong các bộ lịch sử ra đời khá sớm, cho tới tính liên tục của các công trình kiến trúc này trong thời gian và không gian. Nếu như lâu nay, nhiều người chỉ biết tới những ngôi đình có niên đại vào khoảng các thế kỷ XVI-XVII ở đồng bằng Bắc Bộ, loại như Tây Đằng, Chu Quyến, Thổ Hà, Đình Bảng… thì với cuốn Đình Việt Nam, người ta còn được làm quen với nhiều ngôi đình được làm muộn hơn và tồn tại từ Thanh Hoá, Nghệ An trở vào, qua Quảng ngãi, Bình Thuận cho tới các làng ở Nam bộ. Lịch sử dân tộc in dấu một phần trong lịch sử các ngôi đình từng nối tiếp nhau xuất hiện.
Không kể các tài liệu nghiên cứu của người Pháp, ngay nhiều cuốn sách bàn về văn hoá Việt Nam xuất hiện trước 1945, như sách của Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoan đã nói tới đình। (Năm 1931, Nguyễn Văn Khoan đã cho in một cuốn sách mỏng mang tên Lược khảo về cái đình). Từ sau 1945, đình còn thường được nhắc tới qua các tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Đỗ Cung, Ngô Huy Quýnh, Thái Bá Vân, Nguyễn Du Chi, Trần Tuỵ v.v… (ở Sài Gòn cũ, Toan Anh đã viết về đình trong cuốn Làng xóm Việt Nam của bộ Nếp Cũ, và Kim Định đã bàn hẳn về Triết lý cái đình trong một chuyên khảo nhỏ). Đặt trong hoàn cảnh ấy, phần Dẫn luận của cuốn Đình Việt Nam hôm nay đã tìm cách tổng hợp, để giúp cho người đọc có một sự tiếp cận liên ngành và đa ngành đối với đối tượng cần nghiên cứu. Ngoài phần kiến thức lịch sử mà người chủ biên là một chuyên gia, bài viết trong phần dẫn luận còn thu hút được những ý tưởng hay từ các cuốn sách xuất bản đây đó. Ví dụ như trong đoạn viết về điêu khắc đình, dẫn ra được những đoạn khá hay của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng, đoạn viết về lễ hội ở đình, có sự tham khảo với các tài liệu viết về lễ hội nói chung ở đồng bằng Bắc bộ. Riêng đoạn nói về ngày cất đình dẫn lại một đoạn văn rất có không khí. Mà bài viết về Thợ làm đình Cúc Bồ này lần đầu in trong một tài liệu ngay giới chuyên môn cũng không phải ai cũng biết, đó là cuốn Nghề cổ truyền (do Tăng Bá Hoành chủ biên. Ty văn hoá Hải Hưng xuất bản). ở đây, chúng ta bắt gặp một cử chỉ đẹp – một nhà khoa học cỡ đầu đàn trong ngành lịch sử Việt Nam như Hà Văn Tấn trích dẫn tài liệu người khác, kể cả học trò của mình, một cách khoa học sòng phẳng, chứ không lấy của thiên hạ, rồi xào xáo làm của mình.
 

Một số gợi ý về mặt văn hoá.
Khi đã trở thành một biểu trưng của làng xã Việt Nam, thì đồng thời trong đình – sự tồn tại của nó, cách kiến trúc, cách người ta sử dụng nó v.v… cũng hàm chứa những thông số chung về văn hoá Việt Nam. Nói là hàm chứa, tức mọi sự không bày ra rành rành mà chờ người đến đọc, phân tích, giải mã.
Tuy bàn dẫn luận của cuốn Đình Việt Nam không đặt ra mục đích khám phá những khía cạnh của văn hoá Việt Nam qua các công rình kiến trúc độc đáo này, song do cách trình bày của tác giả người đọc vẫn có thể tìm thấy những gợi ý. Riêng việc chữ “đình” ở Trung Quốc chuyển vào Việt Nam mà đổi nghĩa, từ chỗ để chỉ trạm nghỉ ven đường, hoặc các đình tạ, trong các khuôn viên, chuyển thành một chữ riêng để chỉ ngôi nhà công cộng của cả làng, cũng đã hé ra cho thấy phần nào cách tiếp nhận văn hoá Trung Hoa của người Việt (có vay mượn nhưng cũng có thay đổi). Cũng tương tự như vậy, việc dùng hai chữ “thành hoàng”. ở nông thôn ta so với các đô thị Trung Hoa cũng có khá nhiều khác biệt. Đoạn viết về những hệ luỵ của văn hoá phồn thực trong sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn, đọc khá hấp dẫn, và cái chính là nó cho thấy các tầng văn hoá xếp chồng lên nhau trong đời sống tinh thần người Việt cổ. Còn như đoạn nói về tính cách phóng túng trong lề lối miêu tả của điêu khắc đình làng, sự gần gũi của bộ phận điêu khắc này với những ý tưởng chỉ thấy trong mỹ thuật hiện đại, lại là một ví dụ tốt giúp cho người nghiên cứu văn hoá có thể hiểu tại sao một số hoạ sĩ Việt Nam gần đây lại nói phải học tập ở nền mỹ thuật làng, và càng ra với thế giới lại thấy đồng thời phải quay về làng, trong đó có những ngôi đình thân thuộc.
Toàn bộ chi phí trong việc thực hiện công trình Đình Việt Nam do quỹ Toyota tài trợ. Bản dịch sang tiếng Anh in kèm vào đây, có sự tham gia của một giáo sư Mỹ, người chủ trì Khoa châu á, Trường Đại học Cornell. Sơ đồ mặt cắt ngang của đình Đình Bảng (Bắc Ninh) – một bản sơ đồ đáng gọi là tỉ mỉ và khoa học – lấy lại của một nhà nghiên cứu người Pháp trong một tài liệu xuất bản ở Paris năm 1959. Những chi tiết trên đây cho thấy sự đóng góp của bè bạn vào cuốn sách mà GS. Hà Văn Tấn chủ trì, và đằng sau đó, là tầm vóc quốc tế của câu chuyện “cái đình trong văn hóa Việt Nam”. Chắc chắn rằng với bạn đọc trong nước, Đình Việt Nam vẫn là một tài liệu tham khảo rất cần thiết. Chỉ có một điều hơi rắc rối phải nói thêm với nhau ở đây: Là sách in đẹp, giá đắt, gần hai trăm ngàn một cuốn, nên không những các cá nhân mà ngay các cơ quan văn hoá hàng huyện hàng tỉnh (loại tỉnh nghèo), cũng không chắc đã dám ước ao là… có lấy một cuốn.
Tuy nhiên, phải nhận rằng về căn bản Đình Việt Nam mới mang tính cách một tập sách giới thiệu chung, một thứ nhập môn cơ bản, toàn bộ gia tài đền chùa miếu mạo nằm sâu trong lòng nông thôn không chỉ cần được kiểm kê chu đáo và bảo quản hiệu quả, mà còn cần được nghiên cứu đầy đủ hơn, kỹ lưỡng hơn. Nói như đây đó, có người đã nói: trở lại với quá khứ không chỉ là cuộc du lịch thú vị, hấp dẫn, mà còn là một công việc nặng nhọc, nhưng nhất thiết phải làm, nếu như chúng ta còn muốn tính tới một tương lai chắc chắn.


Làm quen với chùa Việt Nam

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 07:12

Rồi đây hẳn sẽ có lúc, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá, cùng với các nghệ sĩ nhiếp ảnh phối hợp làm việc để cho in ra những bộ sách quý về những ngôi đình nổi tiếng trong cả nước, hoặc về những nhà thờ đẹp nhất nằm rải rác từ bắc đến nam.
Nhưng đi đầu trong việc này, là những nhà nghiên cứu kiến trúc phật giáo.
Chỉ trong vòng hơn một năm, từ 5-1992 đến 6-1993, ba bộ sách ảnh khá đẹp về chùa nối tiếp ra mắt.

Trong lịch sử Việt Nam đã có một thời Phật giáo đảm đương vai trò một thứ quốc giáo. Về sau, do nhu cầu của việc xây dựng đất nước nhằm chống xâm lược tràn từ bắc xuống. Nho giáo trở thành chủ đạo, nhưng Phật giáo vẫn là một bộ phận quan trọng làm nên phức thể “tam giáo đồng nguyên”. Việc xây dựng chùa chiền không phải thời nào cũng được coi trọng song cũng không bao giờ bị xao nhãng quá lâu. Không thiếu những vương triều vua cha vừa hạn chế, đến khi con cháu lên ngôi lại khuyến khích việc đúc chuông, tô tượng. Còn chùa làng thì hầu như ở đâu cũng có. Tính đến cuối 1991, mới có 229 ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá, nhưng từ hàng ngàn hàng vạn ngôi chùa nằm rải rác ở các địa phương, luôn luôn người ta có thể đưa ra một danh sách khác với số lượng khác. Lý do ở đây thật giản dị, tuy luôn luôn sống với bóng dáng những ngôi chùa trong tâm trí, song hiểu biết tổng thể của mỗi chúng ta về chùa Việt Nam còn lâu mới đạt đến mức hoàn chỉnh. Đây đó trong các chuyên luận chung về mỹ thuật, hoặc qua các tập sách mỏng, một số tư liệu về chùa Việt Nam đã được giới thiệu sơ lược. Gần đây hơn, nhằm bước đầu ghi nhận ý nghĩa của chùa trong đời sống văn hoá của dân tộc. Và có lẽ cũng nhằm giúp cho đông đảo bạn đọc – nhất là những ai chưa đi nhiều đi rộng – có dịp làm quen với những ngôi chùa có tiếng trong cả nước, có ba bộ sách tương đối quy mô đã được xuất bản. Đó là:
1. Việt Nam danh lam cổ tự của Võ Văn Trường. Sách dày 652 trang, phần chủ yếu gồm 664 ảnh màu, chụp từ 171 ngôi chùa thuộc 37 tỉnh, thành phố trong cả nước.
2. Chùa Việt Nam của các tác giả Hà Văn Tấn (phần bài viết), Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long (phần ảnh). Trong phạm vi 404 trang sách giới thiệu 42 ngôi chùa nổi tiếng từ bắc đến nam, tổng số ảnh sử dụng cũng lên tới gần ba trăm bức.
3. Danh lam xứ Huế của các tác giả Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông và Lê Văn Sách. Trong 392 trang sách, có 72 trang ảnh màu, chụp từ 28 ngôi chùa tiêu biểu ở Huế.
“Tổng phổ” của cuốn sách thứ nhất trải ra khá rộng: với mỗi ngôi chùa được giới thiệu, tác giả (với tư cách vừa là nhà nghiên cứu, vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh) không chỉ dừng lại ở hình thức kiến trúc, mà còn chụp hình chư Phật, chư thánh đệ tử, chư thiên long hộ pháp, nhiều phù điêu, hoa văn, pháp khí. Về ý định, có thể thấy rõ tác giả muốn đưa ra một bức tranh toàn cảnh và thâu tóm vào đây nét đẹp những ngôi chùa trong cả nước. Có điều, trong thực hiện đang có tình trạng lực bất tòng tâm. Khu vực tác giả quen thuộc và đi về kỹ lưỡng hơn cả, vẫn là các tỉnh phía nam. Trong số 171 ngôi chùa đưa vào sách, chỉ có 34 ngôi chùa từ Quảng Trị trở ra (riêng Hà Nội 11), còn lại là 137 ngôi thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Sóc Trăng, Minh Hải (riêng TP. Hồ Chí Minh là 30). Dù nguyên cớ do đâu không rõ, song sự bố trí như thế không khỏi có phần thiên lệch, cần được bổ sung điều chỉnh, mới xứng với các tên Việt Nam danh lam cổ tự mà cũng là cái mục đích tác giả đã dày công theo đuổi.
Với nhan đề đơn giản Chùa Việt Nam, cuốn sách của giáo sự Hà Văn Tấn và các cộng sự bám sát lịch sử Phật giáo, qua trình bày về các chùa nối tiếp nhau hình thành trong các thế kỷ mà như phác ra cho thấy cả tiến trình đạo Phật xâm nhập vào đời sống xã hội và trở nên một bộ phận của nền văn hoá dân tộc. So với cuốn sách của Võ Văn Tường, thì ở đây, các chùa ở các tỉnh phía Nam, (trong đó nhiều chùa mới xây dựng ở thế kỷ XX) chưa được đề cập đầy đủ. Nhưng để bù lại, người ta bắt gặp một sự ưu tiên thích đáng cho các công trình kiến trúc có bề dày lịch sử và ngay trong cách sắp xếp cũng lấy trình tự lịch sử làm trục đối chiếu cơ bản. Trong phần ảnh, cuốn sách đã có sự dụng tâm bài trí nhằm làm nổi bật nét đặc sắc của chùa Việt Nam, đó là cái cốt cách cổ kính thâm u , không thiên về tầm cỡ, mà lấy sự hoà hợp với thiên nhiên làm mục đích. Với khối lượng hơn 60 trang khổ lớn, tức ít ra cũng khoảng trên một trăm trang khổ giấy thông thường, bài dẫn dắt ở đầu sách gồm ba phần chính:
– Chùa Việt Nam: một cái nhìn chung
– Chùa Việt nam qua các thời kỳ lịch sử
– Chùa Việt Nam trong đời sống văn hoá cộng đồng.
Kiến thức uyên bác, luôn luôn có sự tham khảo đối chiếu giữa các tư liệu trong nước với các tư liệu nước ngoài có liên quan, tất cả được trình bày khúc chiết, rành mạch, đó là ưu điểm đầu tiên của bài viết khá công phu này. Nhưng không phải chỉ có thế: với mỗi ngôi chùa được nhắc nhở tới, tác giả luôn có sự miêu tả tường tận như bản thân đã nhiều lần tới đó, hoặc với các ngôi chùa nay đã đổ nát, như từng có mặt trong những cuộc khai quật để tìm lại dấu tích. Vả chưng cách tiếp cận của người nghiên cứu ở đây là lối tiếp cận liên ngành, là đi vào “thế giới” chùa Việt bằng ca thơ văn cổ, bằng những hiểu biết chung về ngôn ngữ văn tự và nói chung và các loại tri thức lịch sử. Nhờ thế, đọc kỹ bài viết, người ta có thể có những khái quát bước đầu về toàn bộ kiến trúc Phật giáo và theo dõi được bước đi của bộ phận kiến trúc ấy qua từng thế kỷ. Sau những ghi nhận chắc chắn ấy người ta không khỏi chờ đợi tác giả trong việc “đọc” ra ý nghĩa văn hoá của chùa Việt Nam, cũng tức là chờ đợi ông phát biểu về một số vấn đề văn hoá dân tộc thông qua kiến trúc chùa mà ông nghiên cứu.
Đáng tiếc là trong phần thứ ba của bài viết, Hà Văn Tấn chỉ dừng lại ở những liên hệ giữa chùa với một số sinh hoạt văn hoá như lễ hội mà chưa phải với toàn bộ văn hoá nói chung. Hy vọng là ông sẽ trở lại với các vấn đề này trong một dịp khác.
Nếu hai tập sách nói trên muốn bao quát toàn bộ chùa Việt Nam thì cuốn sách của các tác giả Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách chỉ đi sâu vào các Danh lam xứ Huế. Theo một cuốn niên giám in ở Huế 1989, riêng chùa có ở Huế lên tới con số hơn một trăm, nên nếu muốn nói về chùa Huế cho đầy đủ, thì cuốn sách phải làm sẽ lớn lắm! Trong phạm vi của một tác phẩm mang tính cách phổ cập, Danh lam xứ Huế chỉ đưa ra hình ảnh của 28 ngôi chùa, vậy mà người đọc đã cảm thấy khá phong phú. Điều đáng trân trọng là qua hình ảnh và qua bài viết, người ta bắt đầu cảm thấy được nét riêng của chùa Huế mà các tác giả hết lòng yêu mến. Lùi về lịch sử, bài viết Phật giáo và văn hoá Huế nhấn mạnh ý nghĩa của chùa và của đạo Phật nói chung đối với những lớp cư dân Việt đầu tiên từ đời Trần vào mở mang lãnh thổ ở vùng Thuận Hoá: “đã có những ngày mà người Việt xưa ngỡ ngàng đến đây, tiếp nhận miền đất này là một sính lễ của Chiêm quốc lân bang với tấm lòng thương nhớ cố hương (…) Dân cư thời ấy giờ hẳn nhiên là thưa thớt, và họ đã ngỡ ngàng biết bao trước di sản, di tích văn hoá Champa với đền tháp, cơ sở tín ngưỡng mang đậm tính cách ấn Độ, những tượng thờ Brahma, Siva, Visnu, Poh Nagar xa lạ đầy sự đe doạ, huyền bí đối với họ và đã qua bao thế kỷ điều ấy vẫn chưa xoá mờ trong tâm thức người nông dân Huế. Đó là chưa nói đến những yếu tố văn hoá Indonesia của người Thượng Trường Sơn (…) Đối với lam sơn chướng khí và những hiện tượng tín ngưỡng chưa hề quen, người nông dân rời quê hương phía bắc đến đây thời bấy giờ làm sao giữ được sự an bình cho tâm hồn nếu không có những ngôi chùa Phật, dù chỉ là mái tranh đơn sơ, yếu ớt, nhưng lại là một cơ sở tinh thần kiên cố bền vững che chở cho tâm hồn họ” . Trong khi kể lại không ít những mối quan tâm của vua quan và các tầng lớp quý tộc triều Nguyễn với nhiều ngôi chùa nổi tiếng, các tác giả khéo léo đặt bộ phận kiến trúc tôn giáo này vào toàn cảnh văn hoá Huế nói chung. Đọc cuốn Danh lam xứ Huế hôm nay, người ta thầm ao ước một lúc nào đó, các vùng văn hoá lớn của đất nước đều có được những bộ sách làm riêng về chùa chiền ở vùng đất của mình và đó sẽ là cách tốt nhất để chuẩn bị cho những bộ sách chung về chùa Việt Nam (như cách của Võ Văn Tường, Hà Văn Tấn… hôm nay) đạt tới một trình độ mới.


Trên đường tìm tới một cái nhìn hợp lý với Văn học sex

Filed under: NGHIEN CUU VAN HOC — vương-trí-đăng @ 04:34

Từ thực tế các tác phẩm đang được tìm đọc
Thật khó hình dung văn học thế giới đương đại lại thiếu đi mảng sách bàn về miêu tả sex , đề cao sex , rồi bàn về sex. Lẽ tự nhiên làn sóng đó tràn đến ta .
Nói riêng trong phạm vi văn học Trung quốc . Điên cuồng như Vệ Tuệ, Những người đàn bà tắm là hai cuốn tiểu thuyết Trung quốc mà khi đọc biên tập tôi e dè । Cả hai đều dựng nên hình ảnh của một thanh niên trẻ đầy khao khát tìm hiểu cuộc đời và trong nhiều trường hợp xem việc làm chủ thân xác là một cách để chứng tỏ sự tự do của mình để khẳng định mình । Tuy nhiên , tôi thấy nên giới thiệu với đông đảo bạn đọc , bởi tin rằng khó lòng gọi đây là sách khiêu dâm , lý do chính có lẽ là bởi hiện lên sau các trang sách là các nhân vật có cuộc sống tinh thần có thể nói là phiền phức rắc rối , băn khoăn đi tìm đường băn khoăn đi tìm lẽ sống , chứ không phải là những cá nhân bạc nhược thèm khát hưởng thụ , và tự bênh che cho cái hành động vốn tự mình cũng biết là đồi bại .

Từ Thiết Ngưng , Vệ Tuệ đọc rộng ra đến Chương Hiền Lượng , Mạc Ngôn, Cửu Đan , Lâm Bạch tôi nhận ra một điều , đi vào sex không còn là nhu cầu riêng của ai nữa . Mà hình như có những lúc quá quẫn bách , con người ta không có cách nào khác , bấy giờ chỉ có nó để an ủi để tìm lại nghị lực sống . Và như vậy hoàn toàn có lý do chính đáng để biện minh cho các nhân vật đã được miêu tả cũng như các tác phẩm vừa sâu sắc vừa ăn khách nói trên .

Không may cho tôi là đến giờ phút này bản thân không tìm thấy cái cảm giác tốt đẹp và cái lý do vững chắc nói trên khi đọc một số trang sách có nhiều liên quan tới tính dục của các tác giả trong nước nhất là mấy bạn trẻ . Về nguyên tắc , tôi biết nay là lúc chúng ta không còn xa lạ với cách sống sách nghĩ của thế giới hiện đại . Lớp trẻ hiện nay cũng đang có nhiều bức xúc . Họ không bằng lòng sống theo nếp cũ . Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của con người , họ muốn thể nghiệm . Những khoái lạc muôn màu muôn vẻ của con người , họ muốn hưởng thụ và giúp nhau hưởng thụ . Phi thiêng liêng hóa , thế tục hóa là cả một xu thế mạnh mẽ của con người hiện đại và càng trong những xã hội vốn có quá nhiều cấm kỵ (tabu ) , xu thế đó càng bồng bột mạnh mẽ . Song có lẽ là vì chúng ta được chuẩn bị quá sơ sài , hành trình làm người của chúng ta còn quá ngắn ngủi , sự phát triển mọi mặt từ thể lực đến trí tuệ của chúng ta còn quá mỏng manh , nên những nỗ lực nóng vội của chúng ta dẫn đến tình trạng lê lết trong tuyệt vọng thậm chí có phần gần với bệnh hoạn . Nói đơn giản là đọc nhiều trang sách nói tới sex tôi thấy nó không phảI là nhu cầu chân chính của người viết mà nhiều khi như là học đòi , thấy người ta làm được nhiều người đọc thì cũng làm theo. Hoặc trong một số trường hợp , thoáng bắt gặp ở người viết một cái gì như là thèm thuồng , viết ra để mơn trớn vuôt ve chiều chuộng mình , đáp ứng những nhu cầu bản năng có phần thấp của mình mà không nối nó được với những nhu cầu cao đẹp nhất thiết phải có .

Đến một số quan niệmcần thống nhất
Những người có sống ở Hà Nội hẳn biết là vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước , chẳng những Số đỏ, Làm đĩ, Lục sì của Vũ Trọng Phụng bị liệt vào loại sách cấm mà thơ Hồ Xuân Hương cũng được coi là không nên phổ biến rộng vì có thể tác động xấu đến tâm lý thanh thiếu niên .
Lùi về xa nữa, ở ông cha xưa thói quen kiêng kỵ cũng rất sâu nặng . Một nhà nghiên cứu gần đây hé mở cho tôi biết : một tác phẩm lớn như Kim Bình Mai khi vào Việt Nam đã bị tước bỏ đi khá nhiều đoạn tả chuyện làm tình cụ thể . Còn nói chi đến loại như Nhục bồ đoàn , đến Tham hoan báo
Nhận được một ít sách Tàu theo con đường của mấy nhà buôn vặt hoặc mấy ông quan đi sứ chuyển về , các cụ cũng mê như điếu đổ , nhưng là xem giấu xem giếm , còn trước mặt con cháu , vẫn tuyên bố đại khái đây là một thứ ta – bu , không được phổ biến .

Có thể nói những thành kiến đó đến ngày nay vẫn còn ám ảnh đầu óc nhiều người . Thành thử cũng dễ hiểu là những tìm tòi của các bạn trẻ dễ bị xem là kỳ dị quá đáng và thường xuyên có những lời nhắc nhở theo lối vơ đũa cả nắm .
Theo tôi vấn đề sex không chỉ là vấn đề riêng của văn học mà lẽ ra phải là sự quan tâm của nhiều ngành khác như xã hội học tâm lý học văn hóa học . Vừa tìm hiểu nhu cầu phát triển của xã hội , vừa đối chiếu nó với những quan niệm đúng đắn cởi mở của thế giới hiện đại , chắc chắn chúng ta sẽ đề ra được phương án giải quyết cho một vấn đề lớn của thanh thiếu niên hiện nay .
Riêng trong phạm vi văn học ,có mấy điều tôi học được trong các tài liệu nghiên cứu về văn học sex .
Thứ nhất yếu tố tính dục sẵn có trong các tác phẩm cổ đại , thơ trữ tình trung thế kỷ sáng tác của các nhà văn phục hưng từ Mười ngày của Bocaccio , Chuyện kể Canterbury của Chaucer , hồi ký của Casanova … Đến thế kỷ XIX, danh sách này được bổ sung hàng loạt cái tên trứ danh Balzac, Maupassant, Zola …. Lại cũng đừng nghĩ là trong chuyện này , chỉ phương Tây năm độc quyền . Sách Trung quốc , sách ấn độ đã từng gây nghiện cho bao thế hệ ông Tây bà đầm .
Thứ hai , sở dĩ như vậy , vì đó là một nhu cầu lành mạnh của con người . Qua sex người ta làm giàu thêm bản năng sống của mình . Qua trường kỳ lịch sử , một bộ phận đặc sắc của văn hóa thế giới đã hình thành mà thiếu đi thì quan niệm của chúng ta về con người sẽ thiếu hụt .
Và thứ ba là sự phân biệt giữa sách tính dục và sách khiêu dâm vốn rất khó , ở nước nào cũng có tình trạng nhân sách tính dục được đòi hỏi nhiều thì loại sách ba xu về đề tài này cũng phát triển và chẳng bao giờ cạn kiệt , hết lớp này lại có lớp khác nổi lên rồi lại suy tàn . Đã có không ít những vụ kiện tụng cấm đoán . Tuy nhiên cái chính là sau những ồn ào giả tạo thậm chí sau những lầm lẫn , cuối cùng những tác phẩm có giá trị vẫn được khẳng định , nhờ đó sự cảm thụ của con người về chính mình ngày càng phong phú hơn .
Tôi tin rằng đây cũng là quy luật phát triển của văn học sex ở ta .


17/06/2009

Đi tầu đi tây

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:28


Mấy suy nghĩ về những cuốn sách viết về người Việt ra nước ngoài
Lời giới thiệu viết cho tập sách gồm ba ký sự , Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Đi Tây của Nhất Linh và Tôi thầu khoán hay là Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương. Sách do NXB Hội nhà văn và Phuong Nam Corp cho in, tháng 6-2002
1.
Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam trong các thế kỷ gần đây (cả người Trung Hoa lẫn người phương Tây ) khi trở về nước đã viết sách kể lại chuyến đi của mình và một số cuốn loại này đã được dịch ra riếng Việt.

Chẳng hạn một nhà sư Trung quốc là Thích Đại Sán có cuốn Hải ngoại kỷ sự ( phụ đề “ Sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII” ), một trí thức nổi tiếng khác là Chu Thuấn Thuỷ thì có An nam cung dịch kỷ sự ( Ký sự đến Việt Nam năm 1657), Crístophoro Borri có Xứ Đàng Trong năm 1621, A.de Rhod có Lịch sử Vương quốc đàng ngoài.

Nếu có dịp sục vào các thư viện lớn hoặc các thư viện chuyên ngành người ta còn dễ dàng bắt gặp các loại tạp chí nghiên cứu về tôn giáo, địa lý, lịch sử ở phương Tây có trích in báo cáo tường trình hoặc nhật ký ghi chép của các nhà thám hiểm nhà truyền giáo khi đến Việt Nam.

Mỗi khi được phát hiện, chúng thường được các nhà khoa học ở ta sử dụng làm tài liệu, một số nhỏ đã được in lại trên các báo tạp chí ( riêng tạp chí Xưa và nay và chuyên san Nghiên cứu Huế hai năm 2000 – 2001 đã trích in một số hồi ký có giá trị )
Dòng chảy đó ngày nay còn được tiếp tục.
Tận dụng điều kiện ngày càng có nhiều khách đến Việt Nam du lịch ( ngoài ra có một số ở lại khá lâu để làm việc ), nhiều tờ báo ở ta hiện nay đặt hẳn ra một mục là trò chuyện với người nước ngoài yêu cầu họ nói thật những ý nghĩ khi đến thăm và làm việc ở đây..
Những cuốn sách ấy những bài báo ấy (cả xưa lẫn nay ) không chỉ cung cấp thêm một ít chi tiết mà quan trọng hơn từ những chi tiết ấy người đọc Việt nam có thể hình dung ra hình ảnh của chính ta qua tấm gương kẻ khác.
Trong khi tiếp tục khai thác luồng sách trên, một câu hỏi đồng thời nảy sinh trong tâm trí nhiều người :
Thế còn cái luồng ngược lại là sách vở tài liệu ghi chép những chuyện người Việt ra nước ngoài thì sao ?
Có mảng sách đó không ?
Có cần sưu tầm để làm một cuộc tổng duyệt không?
Xét trên một phương diện rộng rãi là cả xã hội, chúng có thể có ích hay không ?

Câu trả lời dĩ nhiên là có ! Và việc sưu tầm giới thiệu nên được làm ngay,có đến đâu giới thiệu ngay đến đấy, chưa cần lớp lang trật tự quá cẩn thận.
Cuốn sách Đi Tàu đi Tây ra đời nhằm mục đích đó.

2.

Thời trung đại, giao thông khó khăn, việc đi lại bị hạn chế, ngay trong đất nước mình nhiều người đã đi chưa hết. Người Việt cũng ít đầu tư vào công việc buôn bán lớn, những hình thức tương tự như xuất nhập khẩu hiện đại lại càng không thấy. Mà đó chính là cơ hội tốt để người ta có dịp vượt qua biên giới đi tới những miền đất lạ.

Thực tế cho thấy hình thức xuất ngoại gần như duy nhất của con người lúc bấy giờ là đi sứ, đại khái là những ông quan được cử đi cống nạp hoặc đàm phán về một việc gì đó.

Ngay trong một số truyện cổ tích và truyện nôm khuyết danh ( như Tống Trân Cúc Hoa ) truyện cười ( như Trạng Lợn ), đã thấy có những nhân vật kiểu sứ thần như thế, điều này đánh dấu một sự thực là hình ảnh kẻ đi công cán ở nước ngoài đã trở thành một thứ siêu mẫu trở đi trở lại trong tâm thức xã hội .

Tuy nhiên có một khía cạnh khác nên sớm lưu ý, đó là những cuộc đi này thường được hình dung như một cái gì thuộc về nghĩa vụ bắt buộc, hơn nữa thường quá sức chịu đựng của con người. Có khi một chuyến đi kéo dài tới chục năm và là một cực hình cho đương sự cũng như vợ con gia đình ở nhà.
Thành thử những chuyến xuất ngoại ấy mất đi gần hết ý nghĩa mà nó có thể có.
Thế còn bước sang thời hiện đại ( cũng là thời văn hoá VN tiếp xúc với văn hoá Tây phương ) thì sao ?
Xét kỹ ra thì chuyện đi làm ăn ở nước ngoài chưa phải là nhiều. Trên báo Tiếng dân 1936( tờ báo do nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm), người ta đọc được một bài báo ngắn kể về chuyến đi của cụ Phan Chu Trinh sang Nhật.
Lần ấy cụ có dịp gặp thủ tướng Nhật Bản tên đọc theo âm Hán Việt là Đại Ôi.
Bài báo kể rằng trước khi nói nhiều chuỵện quan trọng ông Đại Ôi có hỏi cụ Phan là người nước nào và thân tình nhận xét, đại ý nói tôi đã nghe về Việt Nam từ lâu nay mới gặp một người Việt Nam chứng tỏ các ông ra ngoài quá ít. (Xem Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, NXB Đà Nẵng 2001 trang 123 ).

Hiện chúng ta không có số liệu chứng minh lại càng không có số liệu từ việc người Tầu người Nhật ra nước ngoài ra sao để so sánh, nhưng phải thấy là nhận xét của Đại Ôi là thiện chí và có cái lý của nó.

Song, đó là chuyện đầu thế kỷ, từ đó về sau mọi việc diễn ra theo một quy luật khác hẳn, nếu đặt trong tương quan thời gian để so sánh người Việt ra nước ngoài ở các thời kỳ khác nhau thì lại phải thấy bước sang thế kỷ XX, có sự thay đổi vượt bậc và điều này cũng được phản ánh cả trong sáng tác văn chương.
Một ý nghĩ luôn luôn lởn vởn trong đầu óc nhân vật chính của tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh, nó quyết định nhịp độ tiến triển của câu chuyện, là việc Dũng sẽ trốn sang Tầu.
Trong Gió đầu mùa có một truyện ngắn mang tên Người lính cũ, ở đó Thạch Lam cho một người đã từng sang Pháp từng ghé qua Paris,và có vợ đầm, giờ về nước thân tàn ma dại, nằm bẹp trong một quán tranh nghèo than thở về cuộc đời.
Mà không nói đâu xa, hẳn không ai quên được rằng Nguyễn Công Hoan từng có truyện ngắn Thế là mợ nó đi tây ( cái sự đi tây nói ở đây có cả nghĩa đen của nó với chữ Tây viết hoa, chứ không chỉ có nghĩa bóng như chúng ta vẫn hiểu )..
Lẽ tự nhiên là từ sau 1945 người Việt xuất ngoại ngày càng nhiều hơn và tác phẩm viết về những cuộc đi nay phải nhiều hơn hẳn.

3.

Trong nền văn học trung đại ở Việt Nam có một tác phẩm mà cách viết rất gần với tư duy văn học hiện đại nghĩa là mộc mạc trực tiếp không định làm văn không lo khái quát mà chỉ thấy gì ghi nấy.
Đó là trường hợp Thượng kinh ký sự của Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Có điều tác phẩm là một hiện tượng hiếm hoi.
Nhìn chung,con người lúc ấy không những đi ít mà có đi (kể cả đi trong nước lẫn ra nước ngoài ) cũng không tính chuyện ghi chép lại những điều quan sát được cũng như những cảm giác mình đã thể nghiệm.

Do điều kiện vật chất khó khăn ( kể cả văn tự lẫn phương tiện phổ biến ) nếu đôi khi có làm việc này đi nữa, người ta chưa thể tỉ mỉ ngồi viết văn xuôi mà vẫn chỉ trình bày một ít cảm tưởng cô đọng qua những bài thơ.

Lại do khuôn khổ của tư duy văn học lúc đó, người đi sứ thường tự trình bày như những nhân vật mang chuông đi đấm nước người, hành trạng nhân cách của họ được bao phủ trong màn sương huyền thoại,trong ghi chép của họ không có những mẩu chuyện với những chi tiết cụ thể nhất là ở đó không có con người cá nhân.

Tư duy văn học hiện đại giúp cho con người Việt Nam thế kỷ XX khi xuất ngoại có một tâm thế khác hẳn. Họ mở to mắt quan sát cái hiện thực bày ra trước mắt họ và lắng nghe những phản ứng của lòng mình.

Sau những chuyến đi ấy, nhiều trang sách được ghi lại làm chứng cho một dịp tiếp xúc, cọ xát, đối chiếu… Ban đầu có thể những ghi chép đó chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp cho cá nhân người viết sử dụng và trong điều kiện có thể thì truyền tay cho bạn bè và người thân cùng đọc.
Về sau –cũng giống như tình hình xảy ra ở nước ngoài — xuất hiện loại ghi chép dành để công bố trên sách báo.
Bề nào mà xét thì trước mắt chúng ta vẫn là sự trưởng thành của ý thức cá nhân,và do đó cũng là của cộng đồng luôn thể.

4.

Mặc dầu vậy, giờ đây chưa thể nói là vừa qua chúng ta đã vươn tới cái giới hạn tối ưu mà thể tài cho phép.
Ngay trong nửa cuối thế kỷ XX, sự tiếp xúc với nước ngoài đã trở nên thường trực hơn song điểm lạimột hai chục nămganf đây, cũng chưa thấy có cuốn sách nào được xem như một sự kiện văn học.
Điều này không khó cắt nghĩa.
Thế giới ngày nay chứng kiến không ít trường hợp người của dân tộc này, nước này đã để cả đời chuyên chú vào việc ghi chép phong cảnh con người và nghiên cứu kỹ văn hoá một nước khác ( đôi lúc chúng ta nghe giới thiệu người này là một người Anh chuyên về lịch sử Ân Độ, người kia là một người Đức chuyên về văn hoá châu Phi, hoặc một người Mỹ chuyên về âm nhạc Trung quốc là với nghĩa đó ).
Tác phẩm của họ là kết quả của một sự theo dõi liên tục trong nhiều năm dài, một sự khổ công kê cứu sách vở để tìm cách hiểu kỹ đối tượng và từ đó đạt ra những câu hỏi khái quát về cái thực tế mà mình tiếp xúc…
Nói hẹp hơn trong phạm vi du ký,có những chuyến đi dẫn tới kết quả lớn lao là phát hiện ra một bộ phận của nhân loại mà chưa ai biết tới ;đồng thời lại có những chuyến đi làm thay đổi cả một đời văn ( loại như Chuyến đi đến Congo hoặc Từ Liên xô trở về của André Gide ).
Chưa thể nói rằng ở ta có những cuốn du ký có tầm cỡ tương tự, tại sao?
Rồi đây với việc các hồi ký này có dịp được in lại hẳn sẽ có lúc có người để công tìm hiểu những nét đặc sắc trong các du ký mà người Việt đã viết khi ra nước ngoài.

Trong phạm vi một ít nhân xét sơ bộ, chúng tôi chỉ cảm thấy ở ta mọi chuyện thường còn dừng lại ở mức sơ lược, cái gì cũng có nhưng không cái gì đến nơi đến chốn. Bởi lẽ cảm hứng nghiên cứu ở ta thường không được coi trọng.

Mà không có nghiên cứu tư liệu từ trước thì một chuyến du lịch đắt tiền cũng trở nên tầm thường chứ đừng nói một chuyến đi có tính chất khảo sát khoa học.

Lại nữa,do chỗ người nước ta trước đây thường chỉ đi nước khác khi hoàn cảnh bó buộc, khi đi phần nhiều bận tâm bởi sứ mệnh được giao phó và nói chung còn bị ám ảnh bởi chuyện mình hơn là chuỵện người, nên cũng dễ hiểu khi thấy những ghi chép này thường nặng về hướng nội, nhân dịp đối diện với một thực tế mới lạ mà suy nghĩ lại về chính quá khứ của mình. Khách quan mà xét, đóng góp của một số tập du ký là ở chỗ nó góp phần vào việc tự soát xét lại mình, tức quá trình tự nhận thức của dân tộc. Sự tự nhận thức ấy chỉ có được trong thực tế va chạm rồi so sánh đánh giá. Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình.

5.

Do hiểu được ý nghĩa bức bách của công việc, nên mặc dầu khả năng có hạn chúng tôi vẫn mạnh dạn bắt tay vào sưu tầm biên soạn bộ sách thu góp các tác phẩm mang tính cách du ký nhật ký, hoặc đơn giản là những ghi chép mà các bậc tiền bối đã viết sau ít chuyến xuất ngoại, để in ra dần dần (*) . Sau đây bạn đọc sẽ có dịp đọc lại những trang viết về đề tài này của ba tác giả quen thuộc là Nguyễn Tuân, Nhất Linh và Lê Văn Trương. Cả ba cuốn khác nhau về nhiều mặt từ mục đích chuyến đi, tâm sự của người ra đi cho đến cách xúc cảm của các đương sự khi tiếp xúc với con người và cảnh vật xứ người,và cả cái cảm hứng chủ đạo nó nhất quán chi phối ngòi bút tác giả. Có điều, chính vì thế khi gộp cả lại, chúng gợi ra một ấn tượng sơ bộ nhưng khá đa dạng. Hy vọng rằng qua đây bạn đọc sẽ tìm thấy hứng thú và cùng với chúng tôi đi tiếp trên con đường theo dõi một mảng văn chương thú vị mà lâu nay vẫn bị bỏ qua.

Ghi chú về văn bản

1/ Các tài liệu được in ở đây đều dựa vào những ấn bản được in ra lần đầu. Trong từng phần cụ thể chúng tôi đã có ghi rõ nguồn tài liệu mà chúng tôi dựa vào để biên soạn tập sách.

2/ Ngoài một số chú thích sẵn có của tác giả ( đánh số A-rập ), người biên soạn còn bổ sung nhiều chú thích ( đánh dấu hoa thị ).Thông thường đó là những trường hơp chúng tôi thấy cần cắt nghĩa thêm để tiện cho việc tiếp nhận những văn bản đã in ra hơn nửa thế kỷ trước.

——-

(*) Rất tiếc là đến nay chúng tôi chưa có điều kiện để tiếp tục công việc.
Xin cáo lỗi với bạn đọc — 16- 6-२००९

13/06/2009

Trở lại với khu vực đầu nguồn của văn học Việt nam hiện đại

Filed under: NGHIEN CUU VAN HOC — vương-trí-đăng @ 15:24


Pháp du hành trình nhật ký (Nhật ký đi Pháp) của Phạm Quỳnh vừa được in lại sau mấy chục năm ngủ yên trong tạp chí Nam Phong suốt từ 1922 tới nay. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn- người thực hiện việc biên soạn và chú giải – có dịp trao đổi với TT&VH về giá trị của tập sách cũng như về việc khai thác bộ phận văn học viết bằng quốc ngữ đầu thế kỷ 20.

* Vì sao ông lại đề xuất việc in lại và bắt tay và chú giải một cuốn nhật ký đã ra đời từ hơn tám mươi năm trước?

– Trên con đường tìm hiểu về giao lưu văn hóa giữa người Việt và người nước ngoài, mấy năm nay, tự nhiên bọn tôi bảo nhau phải chú ý tới “đầu ra”, tức là hiện tượng người Việt qua khỏi biên giới nước mình để đối mặt với thế giới rộng lớn. Thể tài cần tập trung chú ý trước tiên là thể ký, bao gồm du ký, bút ký, nhật ký. Năm 2002, cuốn Đi Tàu đi Tây đã được biên soạn. Pháp du hành trình nhật ký tiếp tục cái mạch đó.

* So với những cuốn đã in, nhật ký của Phạm Quỳnh có gì mới?

– Xuất hiện sớm hơn, thứ nhất; dày dặn hơn, thứ hai; và thứ ba; bên trong nó là một nội dung văn hóa: tác phẩm cho thấy một phần đời sống tinh thần của người Việt đương thời.

* Liệu có vì yêu mến tác phẩm mà ông nói quá lên so với mức độ nó vốn có?

– Năm 1932, Phan Khôi từng có một bài viết in trên Phụ nữ tân văn, nói về thể nhật ký trong văn học, sự phát triển rất sớm của nhật ký ở Trung Hoa, Nhật Bản cũng như các nước phương Tây và sự hiếm hoi của nhật ký ở nước ta. Kết luận bài viết, Phan Khôi cho rằng nhật ký là cái thước để đo trình độ văn minh của một dân tộc. Tôi cho rằng nói “một trong những cái thước” có lẽ phải hơn. Qua nhật ký, người ta có thể thấy mức độ trưởng thành của các nhân cách trong một giai đoạn của lịch sử xã hội.

* Ông có thể cho đông đảo độc giả hiểu rõ hơn về nội dung cuốn sách của Phạm Quỳnh?

– Năm 1922, tác giả có dịp đi Pháp. Trải qua hàng tháng lênh đênh trên biển, ông đến Marseille tham gia triển lãm, tiếp đó có ba tháng ở Paris, và ngoài những chuyến tham quan, còn có nhiều buổi tiếp xúc với một số trí thức, cũng như những buổi thuyết trình về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam…Qua Pháp du hành trình nhật ký, người ta nhận ra hình ảnh một người Việt Nam trước khi đi xa đã có những hiểu biết chắc chắn về xứ sở mình sẽ tới, nên có thể đi vào đó một cách đàng hoàng, nhất là con người ấy có lòng tự trọng, muốn giúp những người nước ngoài kia hiểu thêm về đất nước mình và nếu như đối tác có gì chưa hiểu thì kiên nhẫn thuyết phục…

* Cuốn sách có vai trò thế nào đối với sự nghiệp tác giả?

– Phạm Quỳnh thường chỉ được biết tới như một ngòi bút biên khảo. Luận giải văn học và triết học, cái tên của cuốn sách tập hợp các bài viết của ông được in ra gần đây, đã nói lên điều đó. Nhưng ông còn là một nhà văn. Theo Thanh Lãng, tác giả Bảng lược đồ của văn học Việt Nam hiện đại, “người ta có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài biên khảo của Phạm Quỳnh chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tùy bút của ông (…) có đọc các tập hồi ký mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc, xa quê hương đất nước như người ta tưởng” (trích theo tạp chí Văn Học, in ở Sài Gòn, tháng 4/1963). Pháp du hành trình nhật ký là một minh chứng cho điều Thanh Lãng viết

* Ông đã bắt tay vào việc chú giải cuốn sách như thế nào?

– Lâu nay, sách tái bản thường chỉ cố in ra như nguyên văn đã có, trong khi đó, theo tôi, sau những biến thiên của hoàn cảnh, người đọc có nhiều điểm khó tiếp thụ, nhất là phần ngôn ngữ, nên nhất thiết các nhà chuyên môn phải phân công nhau vào cuộc. Công việc quá khó, tôi tự thấy chưa làm được bao nhiêu, chẳng qua đọc đến chữ nào thấy không hiểu thì giở từ điển tra lại và ghi ra để đỡ công cho bạn đọc. Tuy nhiên, cũng nhờ vào việc chú giải này mà tôi có dịp học hỏi thêm về tiếng Việt.

* Ông kỳ vọng gì ở cuốn sách?

– Chung quanh ý niệm di sản văn học, nhiều người chỉ đơn thuần nghĩ tới phần văn chương Hán Nôm từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 19, trong khi đó theo tôi, phần văn chương quốc ngữ đầu thế kỷ 20 cũng là một bộ phận có ý nghĩa tích cực, bởi nó có nhiều liên hệ trực tiếp tới sự phát triển của văn chương hôm nay. Trước khi có được Thơ mới hay Tiểu thuyết tiền chiến – vốn là những giá trị chín đẹp bậc nhất trong lịch sử văn học dân tộc – văn học đã trải qua một giai đoạn mò mẫm tìm đường, nhưng chính bởi vậy, nó lại có sức hấp dẫn riêng . Chúng tôi muốn, một lần nữa, đánh động dư luận theo hướng đó.

* Liệu các ông còn cho làm những cuốn tương tự?

– Chúng ta đều biết nay là lúc giới xuất bản đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Bên cạnh việc làm sách dịch theo đúng những chuẩn mực cần có, nên tính chuyện quay trở lại “thâm canh” vào văn học trong nước, kể cả khu vực đầu nguồn của văn học Việt Nam hiện đại mà bấy lâu bị “bỏ hoang”. Có thể mới làm sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ bạn đọc nhìn loại sách này đã ngại mà ngay cả giới biên khảo và nghiên cứu văn học cũng đánh bài lảng bởi việc quá xương xẩu, nói chung cầu dễ đã là một nếp quen trong cách sống của nhiều người chúng ta. Song nếu tận mắt nhìn thấy nhiều cuốn sách in ra từ tám mươi năm, chín mươi năm trước- những chứng tích của lịch sử dân tộc trên con đường hiện đại hóa, nay do không được bảo quản một cách khoa học, đã gần đến lúc tàn lụi, chúng ta mới thấy xót xa, và chỉ có thể nhủ thầm là phải bảo nhau mỗi người một tay, cứu lấy kho di sản đó càng nhanh càng tốt.

Ngô Phan (thực hiên)
báo Thể thao và Văn hóa ra ngày 18/1/2005

Phần viết thêm cho bản in trên Talawas

Khi cuốn sách này đã được in ra ở Hà Nội thì người chú giải có tìm thêm được một tài liệu do Thanh Lãng viết trên Tạp chí Văn Học ra ở Sài Gòn số tháng 4/1963, có liên quan đến Pháp du hành trình nhật ký. Mặc dù đã chủ bụng không đi vào tìm hiểu và đánh giá tác phẩm, mà chỉ chú giải, song được một đoạn văn quý, chúng tôi xin được phá lệ mà chép ra sau đây để bạn đọc cùng biết:

“ Người ta có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài biên khảo của ông chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tùy bút trong đó Phạm Quỳnh đã để chan chứa những tình cảm say sưa. Phương chi các thiên hồi ký của ông như Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Ba tháng ở Paris (tức bản tóm tắt của Pháp du hành trình nhật ký – VTN chú), thì ta phải nhận là những tập hồi ký giá trị, giá tị vì những nhận xét tỉ mỉ, những nét tả linh động, nhất là ở tình cảm say sưa của một nghệ sĩ chảy tràn lan trên giấy. Phạm Quỳnh, là một nhà thơ viết văn xuôi. Có đọc các tập hồi ký ấy ta mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc, xa quê hương đất nước như chúng ta tưởng…”

tham khảo:PHAM QUỲNH
đọc thêm:Pham Ton’s Blog


12/06/2009

Chất lang chạ trong mỗi chúng ta

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:49

Giao thiệp rộng vốn là một yêu cầu thiết yếu đặt ra với nghề cầm bút. Có giao thiệp rộng, một người viết văn mới có cơ may hiểu đời hiểu người và có vốn để viết. Trong hoàn cảnh mà việc viết lách còn luôn luôn đòi hỏi cả mọi sự thường xuyên dỏng tai nghe ngóng để nắm bắt được sư luận cho chính xác, thì có thể nói là không giao thiệp rộng không viết nổi.

Ấy vậy mà có những người trong chúng tôi, vụng về cố chấp, cả đời chỉ loanh quanh trong một đám bạn bè hẹp. Trong khi ấy lại có những người gần như đi với ai cũng được, đi với ai cũng toe toét cười đùa nói năng bả lả. Cả già lẫn trẻ, cả các ma cũ lẫn đám ma mới, cả đám chuyên môn chúi đầu vào sách lẫn đám sống không ngại bụi đời và quan trọng nhất là cả những người lúc nghiêm chỉnh anh tìm đến để dãi bày tâm sự lẫn đám Chí Phèo thực bụng là anh e ngại, tất cả, tất cả, anh đều khoác tay thân mật như bồ bịch. Trông sự đóng kịch của anh mà thèm. Vâng, chúng tôi cũng hiểu anh X. nói ở đây là người giỏi đóng kịch, giỏi đổi màu, đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy, là sống theo kiểu làm xiếc. Rồi có một lần ai đó buột miệng bảo anh là điếm. Không đánh đu với lão X. ấy được, người ta bảo vậy. Lão ấy điếm lắm, đi với ai cũng thế, chỉ cốt moi tài liệu thôi mà. Người chung quanh ngớ ra một lúc rồi cũng thấy phải. Riêng có anh X. vẫn cười nhăn nhở, vẻ như muốn bảo ai người trong bọn mình chả có chút lang chạ. Lang chạ trong giao thiệp như tôi còn là chuyện tha thứ được, anh nói thêm. Đến như các bố lang chạ trong viết lách mới thực đáng sợ.

Lần này thì lời cảnh cáo của cái con người thập thành ấy có làm cho chúng tôi sững người ra một lúc thật!

Trong tiểu thuyết Anh em Karamazov, nhà văn Nga Dostoievski từng nói tới một tình huống kỳ lạ. Smerdiakov thực thi việc giết bố. Nhưng chính kẻ sớm có ý định làm việc ấy và ngấm ngầm khuyến khích hung thủ, tóm lại tội nhân chính phải kể là Ivan. Chuyện lang chạ nói ở đây cũng có nét gì đó tương tự. Có những người suốt đời không biết đến người đàn bà nào khác ngoài vợ, nói đến chuyện chơi bời thì ngớ mặt ra, muốn bảo vệ nhân phẩm của chị em một cách nhiệt huyết, một cách chân thành… song nhiều người trong họ lại cư xử theo đúng tinh thần của cái nghề mà họ khinh bỉ. Trong sự giao thiệp hàng ngày nhiều khi vì lịch sự mà chúng ta phải tạm xếp cái cá nhân chính đáng của mình lại, để chiều chuộng tất cả những người mà ta có quan hệ. Bảo thế là điếm e còn oan. Nhưng cứ đà ấy mà kéo, nhân danh sự kiếm sống ta tự cho phép làm tất cả những việc ta vốn không thích, miễn làm vừa lòng khách hàng của mình; việc vốn thiêng liêng đáng ra phải mang tất cả tình cảm và hứng thú ra để làm, lại được tiến hành một cách máy móc, theo nguyên tắc của chiếc tắc xi, khách nào cũng chở, có tiền là chở, tiền trao cháo múc… thì đúng là lang chạ vô nguyên tắc rồi còn gì. Càng những nghề có quan hệ tới công chúng rộng rãi, cái nguy cơ ấy càng lớn. Như trong việc sáng tác văn chương mà chúng ta đang nói. Là lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút nào nhận viết về mọi đề tài không phân biệt quen hay lạ, sở trường hay sở đoản, cứ có người đặt tiền vào tay là viết, viết xong lại khinh bỉ ngay cái vừa viết rời tay, song rằng quen mất nết đi rồi, ngày mai lại làm tiếp cái việc hôm qua đã làm. Là lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút phê bình không cần biết hay dở, hợp gu hay không hợp gu, viết bạt mạng, viết lấy được, suồng sã xô bồ trong thẩm định và đánh giá. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường so sánh việc cầm bút với tình yêu, coi đó là những hành động nguyên bản, mỗi lần diễn ra là một trường hợp độc đáo. Bởi trong xã hội hiện đại, sự nhốn nháo có chiều tăng lên, người ta lại càng quý mến những ai giữ được tiết sạch giá trong của ngòi bút (còn việc mang lại cho cái tình yêu đó một sắc thái hiện đại, ấy lại là chuyện khác và chúng ta sẽ nói tới vào một dịp khác!)

(Đã in trong Buồn vui đời viết -1999)

Người kỹ nữ,một phép thử độc địa

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 04:46


Sự tồn tại của nghề kỹ nữ là cả một tệ nạn xã hội. Song từ xưa tới nay, loại tác phẩm khai thác đề tài này lại khá nhiều, tới mức nếu vứt bỏ chúng đi, người ta không khỏi làm nghèo cái di sản văn học do các thế hệ trước để lại.

Xét cho thật kỹ các từ ả đào, cô đầu, kỹ nữ, gái làng chơi, gái giang hồ, gái làm tiền, gái mại dâm, nhà thổ, đĩ điễm…. vẫn có sự khác nhau chút ít trong ý nghĩa và trong sắc thái tình cảm.

Song dẫu sao giữa những người này vẫn có một nét chung nào đó – đại khái đấy là những người đàn bà không thuộc về một người mà thuộc về nhiều người, ai có tiền là có quyền làm chủ. Họ phải lấy câu ca tiếng hát, và trong nhiều trường hợp cả cơ thể họ ra chiều khách. Niềm vui sống ở đấy mà phương tiện sinh sống cũng dựa cả vào đấy.

Vì gần như thời nào cũng có những người làm cái nghề đặc biệt ấy, nên lẽ tự nhiên là sáng tác văn học viết về họ cũng nhiều, càng sang thời hiện đại càng nhiều. Và cùng với thời gian, việc mô tả thế giới của những người đàn bà này ngày càng kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn. Các nhà văn cao sáng, những người làm nên vẻ vang cho các nền văn học lớn trên thế giới, như Tolstoy, Dostoievski ở Nga; Balzac, Hugo… ở Pháp, ít nhiều, trong các tiểu thuyết, đều có đả động tới đám kỹ nữ này. Trong văn học Trung Quốc, thơ viết về thân phận “chị em” đã nhiều, tiểu thuyết viết về cuộc sống ở các xóm bình khang lại càng lắm, một người bình thường có thể đọc cả đời không xuể. Điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam. Tác phẩm lớn nhất của văn học ta, thiên truyện phổ biến khắp chợ cùng quê – ý chúng tôi muốn nói đến Truyện Kiều – là câu chuyện xoay quanh đời một cô gái thanh lâu hai lượt thanh y hai lần, và bao nước mắt đã nhỏ vì cô điếm thông minh tài hoa đó. Đến đầu thế kỷ XX, khi văn xuôi quốc ngữ phát triển, và việc viết văn làm thơ không phải là món trà dư tửu hậu hoặc một phen bộc bạch tâm sự của mấy vị nhà nho hay chữ chờ đi làm quan, mà là một nghề hẳn hoi, thì tác phẩm viết về cuộc đời các cô điếm càng tới tấp xuất hiện. Tại sao? Người viết văn làm thơ phần lớn cũng là du khách, khách thanh lịch, khi quá mệt mỏi hoặc lúc buồn bã chán chường không tìm thấy nghĩa lý cuộc đời, thường cũng tìm tới chị em để giải khuây, đấy là một lẽ. Song cái chính là trong khi tiếp xúc, nhiều người viết văn lại tìm thấy trong cuộc sống của chị em những khía cạnh gần gũi với thân phận mình. Cũng một lứa bên trời lận đận, câu thơ ngày xưa được họ nhập tâm như lời thốt lên từ đáy lòng. Cả bài thơ Lời kỹ nữ của Xuân Diệu không gì khác cũng là tâm sự của chính nhà thơ khi thấy cuộc đời ghê rợn lại quá lạnh giá, mà mình thì hoàn toàn đơn độc। Theo các nhà thơ, đấy cũng là cái tâm trạng thường xuyên đến với những người làm nghề bán trôn nuôi miệng mà lại chưa chịu hoàn toàn hư hỏng। Cũng nên nói ngay là mặc dù cùng một đối tượng miêu tả, nhưng mỗi nhà văn – ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở các cây bút hành nghề trước 1945 – vẫn nhìn đám đĩ điếm ấy một khác, phù hợp với quan niệm của nhà văn đó về con nguời nói chung। Có lối lý tưởng hoá người đàn bà giang hồ của nhóm Tự lực (trường hợp tiểu thuyết Đời mưa gió) nhưng lại có lối trình bày hiện thực trắng trợn, tàn nhẫn của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Trong Người ngựa và ngựa người, ả giang hồ ế hàng này hiện ra cùng quẫn nhếch nhác rồi hèn hạ, rồi giả dối, như nhiều người đời khác, vẫn thường được Nguyễn Công Hoan nói tới một cách khinh rẻ (chữ người ngựa ở đây để chỉ anh phu xe, còn chữ ngựa người để chỉ người đàn bà bất hạnh ấy). Vũ Trọng Phụng cũng không hề gượng nhẹ khi phải phác ra hình ảnh những nhà lục xì và những người làm đĩ. Rất tự nhiên, nhà văn họ Vũ lấy họ ra để chứng minh cho căn tính dâm của con người nói chung. Đời ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng bẩn, nên chi trong các ngôi nhà mà đám đàn bà này hành nghề, đời càng hiện lên nhớp nháp, nhầy nhụa.

Tuy nhiên trong văn học không chỉ duy nhất có hai cách nhìn như vậy. Ở giữa hai thái cực trên – thi vị hoá và tô đen bôi bẩn – vẫn còn thấy có những trường hợp loại nhân vật phụ nữ này được miêu tả với chút tình cảm dịu dàng, có đau xót nhưng lại có thông cảm.

1. Trong Thề non nước của Tản Đà, cô đầu Vân Anh vốn là con nhà có học, biết chữ nho, có thể làm thơ xướng hoạ với khách (bản thân bài thơ Thề non nước được Tản Đà kể như là do hai người nối tiếp nhau đặt lời mà thành). Cách cư xử của Vân Anh thì tinh tế, ý nhị khiến người có học cũng phải vì nể. Các tài liệu văn học sử còn ghi rõ chính bà thân sinh ra thi sĩ Tản Đà cũng là một cô đầu. Và cái cốt cách người mẹ như còn phảng phất trong hơi thơ của ông ấm Hiếu. Không thể tưởng tượng ra đời sống văn học đầu thế kỷ nếu thiếu đi ngòi bút Tản Đà tài hoa duyên dáng!

2. Chỉ có một lần nhà văn Thạch Lam vẽ nên cái cảnh nhà săm trong thiên truyện Tối ba mươi. Có điều, nhân vật chính của thiên truyện này lại là hai cô gái có tâm hồn thanh khiết như xưa nay các nhân vật của Thạch Lam vốn vậy. Trong cái Tối ba mươi ấy, Liên và Huệ – tên hai cô gái phải rơi vào cảnh thanh lâu – vẫn không quên thắp hương bày bàn thờ gia tiên rồi cùng nhau yên lặng nhớ lại từng kỷ niệm êm đềm trong quãng đời ngây thơ lúc nhỏ. Nên nhớ rằng ở Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng, nhiều nhân vật có tiền tài, có địa vị vẫn hiện ra bẩn thỉu vụ lợi, nhiều nhân vật mang tiếng là có tri thức mà suy nghĩ và cử chỉ thì lại đặc lưu manh. Ngược lại ở hai cô gái điếm của Thạch Lam, vẫn có sự thành kính với đời mà chỉ có những con nhà gia giáo mới có. Tóm lại họ vẫn là những con người cao quý.

3. Nhân vật trong các truyện ngắn truyện vừa Tô Hoài viết trước năm 1945 thường là đám dân nghèo chuyên dệt cửi xeo giấy, khá hơn một chút thì có mấy anh giáo kiết gõ đầu trẻ trong làng. Tương ứng với họ, là đám cô đầu phố phủ còn nguyên chất ngoại thành. Như Tô Hoài viết trong Quê người, những cô đào rượu ấy phải đi vắng khách lại đi “ra đồng bắt ốc hái rau muống cấy thuê”. Không ai trong họ có một tính cách rõ rệt, chỉ nghĩ đến họ đã thấy thương hại.

4. Trường hợp của các nhân vật Nguyễn Tuân thì lại hoàn toàn khác. Trong nhiều thiên tuỳ bút, Nguyễn Tuân từng công khai kể lại những ngày ông lăn lộn ở các xóm bình khang mà ông gọi là những ngày phóng túng hình hài, với bao chi tiết vừa đau xót vừa tức cười. Vào với các xóm cô đầu ở bất cứ đâu, ông cũng ngang ngược thả sức quấy đảo trêu chọc mọi người. Song thật sự chàng Nguyễn cũng là một người đối xử với chị em hết sức có tình. Nhà thơ Hoàng Trung Thông kể rằng có lần nghe tin một người cô đầu quen biết cũ qua đời, Nguyễn Tuân đã ứa nước mắt.

Đời Nguyễn nhiều lần ứa nước mắt khóc như thế.

Trong Chiếc lư đồng mắt cua có một nhân vật cô đầu tên là Tâm. Theo như cách kể của tác giả thì Tâm là một người rất thạo, chính cô cũng nhận là cô “gần như thập thành” lại “hơi du côn”, “đã có tai tiếng là đi vụt thiên hạ dữ lắm, không sẵn tiền thì không nên quen con Tâm”. Thôi thì Tâm cũng đủ vành đủ vẻ khinh bạc vênh váo trắng trợn, tóm lại là có đủ những đức tính mà Nguyễn Tuân vẫn phô ra với đời để chứng tỏ là bất cần đời. Có điều, cũng như Nguyễn Tuân, Tâm lại là dân say nghề, một tay cự phách trong nghề, tiếng hát, nói như cách nói của thời ấy, rất nhiều tinh thần, khiến cho những người sành sỏi cũng phải bái phục. Mặt khác Tâm là người sống có tình có lý, đã định làm cái gì là làm bằng được, đàng hoàng khảng khái.

Quả thật Nguyễn Tuân đã soi vào tâm mình để thấy bóng dáng của Tâm, và mượn Tâm để hình dung ra chính mình. Đối với một nhà văn, như vậy là nhân vật cô đầu Tâm đã ở vào chỗ tột cùng của sự kính trọng.

Qua truờng hợp của những Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… nói ở trên, có thể rút ra một nhận xét đơn giản: Nhà văn thế nào thì nhân vật gái giang hồ được họ miêu tả cũng na ná như vậy.

Trong văn học, người kỹ nữ vẫn là một phép thử.

Như trong đời sống.

Đã in Chuyện cũ văn chương – 2001

Ca tụng ả đào

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:44

Tiệc rượu không chỉ là nơi để người ta ăn mà nhiều khi trước tiên là chỗ để người ta nói. Bữa ấy, nhân có chút nhuận bút còm, nhà văn Bính mời thêm hoạ sĩ Giáp, nhà thơ Canh, nhà nghiên cứu nghệ thuật Quý, nhà sử học Kỷ… đến để cùng tìm cách nhờ trợ giúp của mấy lon bia tiêu thụ cho hết một cỗ lòng, nhân đó bàn luận sự đời. Không biết tự lúc nào, câu chuyện của họ chuyển sang đề tài thú chơi của người xưa và vào lúc đã say, tiếng nói của họ xen lẫn vào nhau, như trong bản hoà tấu, mỗi người một giọng…

– Tôi không muốn là kẻ bám càng, thấy ai khen cái gì cũng hùa theo khen lấy được, song tôi cứ nghĩ hát ả đào lạ thật, giá kể có ai bây giờ mở một thứ dịch vụ ả đào – mà là ả đào thứ thiệt – chắc tôi cũng phải cố viết mấy bài báo linh tinh lấy mấy đồng, mà mua vé vào … tom chát một bữa. Không khí đầm ấm này, nhạc quyến rũ này, và những giọng hát sang sảng như giọng bà Hồ, bà Phúc này. Một vài chục năm nữa, nước mình giàu lên, chắc có người nghĩ ra chuyện làm một thứ bảo tàng âm nhạc, trong đó có chỗ chuyên lưu giữ các giọng hát quý, một thứ ngân hàng gồm toàn những giọng vàng trong lịch sử. ở cái ngân hàng giọng đó, tôi ngờ cùng với giọng Khánh Ly, Bảo Yến, rồi Thanh Lam, Mỹ Linh… hoặc những giọng ca mà chúng mình từng say mê những năm nằm hầm Trường Sơn như Bích Liên, Thanh Huyền v.v… thì những băng từ ghi giọng bà Phúc, bà Hồ, giọng Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, giọng Mộng Hoàn v.v.. phải được đặt ở chỗ danh dự.

– Anh Bính mở đầu thế cũng được đấy. Nhưng thôi, hãy nới tới những chuyện liên quan đến nghề viết văn. Hẳn anh còn nhớ bài viết của Nguyễn Tuân mang tên Một đêm họp đưa ma Phụng, trong đó kể chuyện mấy văn hữu, trước khi đến ngả mũ cúi đầu trước mộ tác giả Số đỏ, phải sang bên sông làm một chầu hát cái đã. Nhìn bằng con mắt tục thì như thế là đổ đốn chứ gì, kéo nhau dong chơi cả đêm để rồi hôm sau đi đưa ma, nghĩ thật dở quá! Song không rõ các anh ra sao chứ riêng tôi đọc đoạn văn ấy, vẫn thấy rất tự nhiên.

– Phải ý anh định nói nhà trò là nơi con người bấy giờ thường tìm tới, mỗi khi cảm thấy cuộc đời này quá lạnh lẽo chứ gì? Đồng ý! Đây tôi xin bổ sung thêm một ý nữa về cái sự sang trọng của các nhà trò thời xưa. Hẳn các anh còn nhớ trong Lều chõng, Ngô Tất Tố cũng đã không giấu diếm rằng mình mê hát ả đào và sự thực là ông đã cãi rất hăng, cãi thật lực cho việc xuống xóm. Với các nhà nho như Ngô Tất Tố, không phải có sự đối lập, ai đã dềnh dang chơi bời thì đừng tính chuyện văn chương, còn người chữ nghĩa bề bề thì không hề lai vãng tới phố Hàng Lờ bao giờ cả. Mà ngược lại, trong Lều chõng, người hay chữ đệ nhất là Đào Vân Hạc cũng là kẻ ham hố liều lĩnh, giữa hai kỳ thi vẫn líp chặt ở chỗ đào Cúc, đào Phượng. Lạ cái nữa theo Ngô Tất Tố cho biết, chính các nhà trò cũng thích dụ bằng được mấy chàng hay chữ vào cuộc, thì mới hả dạ. Ra giữa chốn lầu hồng, người ta vẫn lấy chữ nghĩa để đánh giá nhau, thú vị thế chứ!

– Thế tôi thử hỏi anh Kỷ với các anh, chúng ta cắt nghĩa thế nào về chuyện trong các bài ca trù thường có pha thêm vài câu chữ Hán khi ở khổ đầu, khi ở khổ giữa? Một thứ Hán Việt giao duyên dăng dăng ra thế, kể cũng là chuyện đáng nghĩ phải không nào? Theo tôi, nội một điều đó cho thấy hát ả đào là thú chơi của đám nho sĩ nhà nòi. Các cụ cũng thích khoe. Nhưng khoe đây là khoe sự tài hoa, tao nhã, lịch thiệp. Khoe tài khoe giỏi nên không thấy chướng như bọn giàu xổi khoe của. Mà những đoạn các cụ mượn chén “tế” bọn phàm phu tục tử thì cũng toàn những đoạn chửi độc cả.

– Để tôi xin bổ sung vài câu về chuyện anh Giáp vừa nêu. Xưa kia, nhà trò phổ biến thật, nhưng không phải ở đó cá mè một lứa, ngược lại các nhân vật có thể gọi là đứng được ít nhiều đều có dính dáng đến chữ nghĩa. Trong Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân này, rồi trong Thề non nước của Tản Đà này…

– Hình như nhân vật người khách trong Thề non nước mê Vân Anh là từ lúc biết rằng cô này giỏi chữ Hán?

– Chứ còn gì nữa! ở chỗ lầu xanh lầu hồng ấy, có được tiếng đàn câu hát chưa đủ, lại phải uyên bác nữa mới chết người chứ! Hình như trong đầu óc các cụ nhà nho xưa, nhân vật nhà trò tiêu biểu phải là loại con nhà gia giáo, chẳng qua sa cơ lỡ vận chịu rơi xuống cảnh bùn nhơ, mà lúc nào cũng ao ước hoàn lương, ao ước trở lại với những ngày xưa gia phong, nền nếp.

– Nghĩa là trong nhân vật những người con gái nhà trò con hát này, các cụ tìm thấy sự phóng chiếu của hình ảnh chính mình?

– Có thể thế lắm. Nhưng thôi, trở lại với cái ý ban đầu của anh Bính: sự trái tính trái nết của một số người trong chúng ta bây giờ là sự say mê cái cổ. Không, tôi không thấy có gì phải xấu hổ cả. Trong các món văn hoá quà vặt thời nay, quà Âu quà Mỹ có cái ngon riêng của nó, nhưng tôi tưởng chuyện các cụ xưa cũng còn là món quà sang, mới nhắc lại đã thấy thơm tho mồm miệng. Được la cà vào đây mà tận hưởng, hẳn vui chán, phải không các bác? Chỗ anh Giáp vừa làm quyển sách về Nguyễn Tuân hở? Anh nào biên tập thật đáng đánh đòn quá, lẽ ra phải cố mà chạy lấy một bài Nguyễn Tuân và nghề hát cô đầu mới phải!

…Tiệc rượu ( = tiệc nói) đến đây chưa dứt. Trong lúc mải bàn về thú cô đầu, mấy cái mồm ngồi quanh cỗ lòng hôm ấy còn miên man tán sang “con người trò chơi” ở các nhà nho và thử đố nhau về cái thanh cái tục trong nghề chơi của người xưa. Băng ghi âm của chúng tôi còn ghi đủ, hẹn có dịp gỡ băng hầu các bạn.

Đã in Chuyện cũ văn chương – 2001

11/06/2009

Chấp nhận để tìm cách đổi khác?

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:52

Văn học sex qua cái nhìn 1 nhà phê bình.
Nhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nòi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào …

Một tình hình bình thường.

Bản năng con người … Sex …ám ảnh tính dục … ở nước nào cũng vậy, các nhà văn vốn dành cho đề tài này một sự ưu đãi đáng kể. Bước sang thời hiện đại càng nhiều người đổ xô vào để viết, trong số này có cả những nhà văn lớn, xem đó là con đường làm nên sự nghiệp, chẳng hạn như Moravia, Henry Miller, Nabokov … Những trang liên quan tới sex là một phần làm nên giá trị văn chương của họ và quả thật chỉ bằng cách đó mới biểu hiện được tư tưởng cao đẹp.
Ở nước ta sau chiến tranh và trong giai đoạn mở cửa hiện nay, lẽ tự nhiên đề tài này cũng được khuấy động! Bởi nếu tính dục là một nhu cầu tự nhiên của con người, thì việc quan tâm tới nó cũng là tự nhiên, làm sao người ta lẩn tránh mãi được.

Nhà văn Liên xô cũ Ju. Trifonov từng nhận xét rất hay về lớp trẻ: họ giống cha ông họ thì ít mà giống với thời đại thì nhiều. Thành thử sự xuất hiện của những tác phẩm kiểu như thơ Vi Thuỳ Linh, thơ của nhóm Ngựa trời, hoặc các loại truyện như kiểu Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu – nên được coi là bình thường. Cũng như rất bình thường là chuyện trước các sáng tác ấy – tôi muốn nói là với từng trường hợp cụ thể – mỗi người một ý, rồi sinh ra cùng lúc cả những ủng hộ biểu dương , những phản cảm, những lời phê phán dè bỉu. Tình hình theo tôi không có gì đến nỗi phảI làm ầm ĩ .

D. H. Lawrence là một nhà văn lớn của Anh, tác giả nhiều cuốn sách được đưa vào các từ điển lớn, vậy mà Người tình của Chatterley phu nhân của ông (in lần đầu 1928 ) khi ra đời ở quê hương mình cũng một thời gian dài bị cấm ngặt, và bản thân ông thì bị ra toà, trong khi ở một số nước nó lại được trọng vọng. Tại sao như vậy ? Bởi ngay ở những nước mà các giá trị văn hoá được xác lập một cách chắc chắn và hệ thống luật pháp đã hoàn chỉnh thì việc phân biệt giữa tác phẩm khiêu dâm, vi phạm đạo đức nhân bản, và tác phẩm dùng sex để biểu hiện khao khát nhận thức, khao khát tự do của con người, cái đó bao giờ cũng quá khó và dễ bị giải thích sai lệch.

Biểu hiện méo mó của một khao khát chân chính.

Không nên nghĩ rằng việc một số cây bút trẻ ở ta thích viết về sex chỉ là do sự lây lan ảnh hưởng từ nước ngoài, là học đòi theo thói rởm. Phải nói đây cũng là nhu cầu của bản thân lớp trẻ trong nước. Nay là lúc xã hội đang đổi khác, các khung nhận thức cũ ai cũng xem là chật hẹp, cũng như chuẩn mực đạo đức cũ là cần thay đổi, song cái mới chưa hình thành, nên trong đầu óc nhiều người vẫn chỉ có những giá trị cũ ngự trị. Cái đó lớp người lớn tuổi có thể thấy quen, nhưng lớp trẻ thì không chịu. Lớp trẻ muốn khẳng định quyền tự do của mình, bằng cách thích làm ngược lại, cứ cáI gì cấm thì họ thử làm xem sao. Nói riêng trong phạm vi văn học: thứ văn mà họ bị nhồi nhét trong trường phổ thông không có sức lôi cuốn với họ nữa. Họ phảI tìm những cáI mà nhà trường không dạy. Trước là đọc, sau rồi tự làm ra để mình đọc và bạn bè đọc .

Mặt khác phải nhận chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhiều giá trị rơi vào khủng hoảng. Làm ăn cẩu thả. Buôn gian bán lận. Dối trá tràn lan. Tham nhũng đến mức kinh hoàng. Lòng tin bị xói mòn và nhân tính bị hạ thấp. Trong hoàn cảnh ấy, sự xuất hiện thứ văn chương đậm chất sex không có gì khó hiểu. Người ta cần một chỗ để lẩn tránh và tự khẳng định. Vơ đũa cả nắm bảo rằng những gì liên quan đến tính dục là phản văn hoá là có hại thì không thuyết phục được ai nữa. Mê tín dị đoan, theo tôi, còn gây tác hại rõ rệt hơn. Các trò bói toán đẩy con người xuống tình trạng u mê và hoàn toàn phó mặc họ cho định mệnh. Tôi nhớ là vào nhiều cơ quan cũng như tới các nhà làm ăn buôn bán thường gặp nhiều bát hương và cả các sếp lớn cũng đi cầu cúng. Tại sao mê tín chỉ bị lên án sơ sài và trong thực tế là buông thả đến đâu thì đến? Chẳng qua ở đó người ta thường nhân danh một truyền thống lâu đời, và nhất là có sự có mặt đông đảo cùa lớp người già, còn sex thuộc về lớp trẻ, thế thôi .

Mấy điều phản bác sơ bộ

Nói vậy không phảI tôi hoàn toàn chấp nhận mọi thứ văn chương tính dục như nó đã có và còn có thể có.

Bên cạnh một ít tác phẩm biết gắn sex với nhu cầu nội tâm của con người, dùng sex như một thứ ngôn ngữ, thì ở ta, có quá nhiều bàI thơ thiên truyện ở đó người ta nói tới các cơ quan sinh dục và kể chuyện làm tình theo cái cách đứa trẻ vầy vò một thứ đồ chơi nhớp nháp, và mê muội trong cơn say của mình. Trước mắt tôi lúc này thường khi là một nhân cách kém sức đề kháng, dễ làm mồi cho bệnh tật .

Lại thấy có người lý luận “ Sex thuộc về con người và tất cả những gì thuộc về con người đều gần gũi với tôi . “ Ôi nghe có lý quá! Thế nhưng hãy thử bình tâm điểm lại. Nhu cầu tinh thần của nhân loại mở ra theo rất nhiều hướng. Nỗi thèm muốn được hiểu biết ngoại giới và bản thân. Ao ước vươn tới những đỉnh cao trí tuệ. Khao khát phiêu lưu và nhất là khao khát hướng thượng. Có bao nhiêu thứ khác thuộc về con người mà chúng ta cần khám phá chứ lẽ nào chỉ có sex, nhất là thứ sex trần trụi như nhiều người lôi ra để tự thoả mãn ?!

Tôi hiểu rằng sở dĩ một số cây bút trẻ đi vào tính dục chỉ đơn giản là vì ở đó họ không phải mất công học hỏi hiểu biết, ở đó họ được dịp vuốt ve phỉnh nịnh mình mà không phải đối diện một cách nghiêm túc với chính mình (có biết đâu khi thiếu cái ánh sáng của trí tuệ thì những trang sex mà họ thu được cũng nghèo nàn và thấp hèn đi rất nhiều so với nó có thể có).

Trong cả lớp trẻ chỉ có một bộ phận nhỏ đi vào đề tài này thì không sao. Nhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nòi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào nếu không muốn nói là một thảm hoạ thực sự.

Cũng nên nói thêm rằng trong những con đường lập danh cho nhanh cho xôm trò thì viết về sex theo kiểu hiện nay có vẻ ngon ăn hơn cả. Một lớp công chúng lười nghĩ và ham hưởng thụ rất cần được vuốt ve chiều chuộng. Họ sẵn sàng tung hô những tác phẩm nói hộ điều họ muốn, còn mấy cây bút kia lại càng có dịp vênh vang mà nói rằng đã có công tạo ra trong văn chương một làn sóng mới. Tôi công nhận một phần sự thực đang là như vậy và trong xã hội hiện đại đây là một hiện tượng hợp quy luật. Trong cuộc đấu tranh với những cái tầm thường, nhân loại chưa bao giờ chiến thắng hoàn toàn, mọi chuyện không phải một lúc mà dọn dẹp ngay được. Điều phải lo là đờI sống văn hoá của cả xã hội. Một khi cái nền chung này phát triển theo đúng quỹ đạo của văn hoá hiện đại với những chuẩn mực mới mẻ của nó thì tự nhiên cái gọi là bộ phận văn học về sex cũng sẽ thay đổi để trở nên trong sáng và sâu sắc hơn.

*30/03/06(VietNamNet)

10/06/2009

Thích ứng và tồn tại

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 15:42

Đã lâu lắm rồi hôm ấy, Dần, nhân vật chính trong truyện ngắn Một đám cưới (Nam Cao viết năm 1944) mới có cái quyền đi chợ. Chẳng qua là nhân ngày cưới của cô. Ông bố dặn mua lấy hai xu chè. Cô gái trả lời hai xu bây giờ ai bán. Và cô thẽ thọt nói thêm :

— Ông lão cả đời không đi chợ, cứ tưởng chè rẻ lắm. Quen với ngày xưa, độ một xu một ấm. Bây giờ năm xu, nấu đặc chỉ được một ấm là hết xoẳn.

Có thể xem đây như bằng chứng đầu tiên về tình trạng giá cả leo thang trong xã hội mà văn chương có dịp ghi nhận.

Hoá ra từ hồi nào, nền kinh tế ở xứ này đã là một cái phao bập bênh và những thay đổi tận đâu đâu trên thế giới đã ảnh hưởng ngay đến người dân thường ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh bậc nhất.

Trước tình trạng gần như không thể kiểm soát nổi ấy, người ta bàn đến cách đối phó.Tôi đồ chừng thuở kinh tế suy thoái này, hàng ngày, trong các gia đình, trong các nhóm bạn bè ngồi quán tán gẫu, và trong đầu óc từng người nữa — như là có hàng ngàn hàng vạn cuộc hội thảo nho nhỏ diễn ra liên tục, ở đó mọi người nhao nhao đăng đàn diễn thuyết trao đổi ý kiến. Than phiền, kêu la. Ngậm ngùi lo lắng. Bảo nhau phải thắt lưng buộc bụng…

Riêng tôi thì lại hình dung ra một loại kịch bản khác. Một số người … mặc kệ. Họ tự nhủ :

— Dễ người dễ ta, khó người khó ta.

— Rồi sẽ có cách, không chết được mà sợ. Nếu gặp khó mà chết thì chúng mình chết từ hồi tám hoánh nào rồi !

— Anh nào biết cù nhầy là anh ấy sống.

Con người nơi đây vốn quen thích ứng với mọi hoàn cảnh. Kẻ thông minh là kẻ không biết sợ. Các quyết định mới được hình thành nhanh lắm. Giả sử như tôi đang có một cửa hàng thuốc tây. Có mà ngớ ngẩn thì mới sợ rằng thuốc nhập giá tăng rồi không ai mua. Còn có người ốm thì còn có người cần thuốc, mà lúc cái bệnh nó đã thúc vào lưng thì giá cắt cổ vẫn cứ phải xì tiền ra. Vậy thì giá nhập tăng một, ta tăng hai ba ,và như vậy chuyện cân thịt, lít xăng leo thang có ăn nhằm gì, không chừng lại là một cơ hội đẹp để hốt của. Ấy cái khó ló cái khôn chính là như thế.

Sự thông minh tính toán kiểu ấy không phải độc quyền của dân buôn thuốc. Một người đã nghĩ được, thì mọi người ở mọi ngành nghề đều có thể có ý nghĩ tương tự. Ai nấy dường như có thêm động cơ để mạnh tay hơn trong những việc lâu nay còn vừa làm vừa run. Các nhân viên kiểm lâm yên tâm hơn trong việc thông đồng với đám lâm tặc nhằm triệt phá rừng. Dân hải quan hoặc thuế vụ có cớ để tự nhủ rằng “ không vòi vĩnh ai sống nổi ”? Nhà khoa học khua nốt mấy công trình nghiên cứu dang dở mang nghiệm thu, để còn kịp xin kinh phí đợt mới. Bám sát sự tăng tốc của mọi người, bác trông giữ xe máy tự lúc nào đã nhẹ nhàng tăng giá từ một ngàn lên thành ngàn rưỡi hai ngàn. Còn người nông dân tự do thì không có gì phải hối hận trong việc chiếm dụng đất đai ven các quốc lộ, kéo nhau đi đào vàng hoặc khai thác than thổ phỉ, rồi tràn vào thành phố cân điêu cân thiếu khi đạp xe bán rong một vài mặt hàng, kể cả bán những thứ hoa quả có phun thuốc sâu vượt quá nồng độ cho phép…

Tạm thời có thể mô hình hoá thành mấy cách phản ứng :

1/ người sống bằng gian dối có cớ để gian dối.

2/ người tham nhũng hợp pháp hoá được việc ăn cắp của mình.

3/ người sản xuất không cần phân vân khi đưa ra hàng kém hàng hỏng.

Mỗi người có thêm lý do để hạ thấp chất lượng cuộc sống mà mình có tham gia. Không ai còn thấy chướng khi sự tồn tại của bản thân được đặt cao hơn lợi ích xã hội.

Một nhân vật trong Anh em Karamazov của Dostoievski từng bảo “ Sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là truyền thống của họ Karamazov nhà ta.” Không phải người Nga, nên không quen khái quát thành công thức trừu tượng , nhưng trong bụng nhiều người đã tự nhủ thầm như thế.

Điều dự đoán cuối cùng của tôi: Ngay cả các đám ăn nhậu rồi ra cũng đông vui hơn. Muốn chống lại tình trạng giá cả leo thang mà không ăn uống cho no say thì lấy đâu ra sức hở trời? Mỗi lần tan cuộc là một lần sảng khoái, trong bụng chỉ còn có cách tự nhủ thời buổi này tiết kiệm làm gì, không hưởng thụ ngay bây giờ thì có nghĩa không bao giờ ta được hưởng thụ cả ! Trong cuộc nhảy múa để tồn tại, một thứ men say của hiện sinh tràn đến tự lúc nào làm cho người ta ngây ngất. Cái sự thụ động mà cô Dần của Nam Cao xưa chấp nhận đã thuộc về một dĩ vãng quá xa ; giá kể có sống lại, chắc nhân vật ông bố trong truyện Một đám cưới sẽ phải mấy lần lắc đầu le lưỡi :” Èo ! mẹ ơi !..“

03/06/2009

Trả giá ắt là đau đớn

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:35

Trả giá ắt là đau đớn
Tại sao văn học ta rơi vào tình trạng lúng túng như hiện nay?
Hỗn loạn âm tính và hỗn loạn dương tính.
Vai trò của tỉnh táo hiểu biết.
Hãy bắt đầu bằng cách tự phê phán.

Cũng như nhiều đồng nghiệp đang cầm bút, tôi thường lẩn mẩn nghĩ ngợi về vị thế của nhà văn trong xã hội hiện thời và tình hình văn học nói chung. Các ý nghĩ đến rồi lại đi, rời vụn, mâu thuẫn, lúc thế này lúc thế khác. Bản thân tôi mỗi khi nghĩ xong điều gì cũng thích tự phản bác; trong tâm trí luôn luôn có những cuộc đấu khẩu mà sự thắng bại khó lòng xác định rành mạch. Dưới đây tôi thử ghi lại một số ý nghĩ loại đó dưới dạng đối thoại, những mong tìm thấy sự đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp.

¬- Có phải là văn học hiện thời đang mất giá, và nếu đúng như thế thì lỗi tại ai?

– Theo tôi biết, một người như nhà văn Tô Hoài rất hay nói về điều này. Đại khái ông bảo hơn nửa thế kỷ cầm bút, tình cảnh chưa bao giờ tang thương như bây giờ: sách ra loạn xạ, hay dở lẫn lộn, đầu sách có tăng, nhưng số in từng cuốn ngày mỗi giảm. Nhuận bút thì thê thảm không ai tưởng tượng ra nổi.
Trong một thiên truyện mang tên Anh hùng bĩ vận (trong tập Một thời gió bụi, NXB Lao Động 1993) Nguyễn Khải kể chuyện một xã anh hùng nay tụt hậu, và chạnh lòng nghĩ tới nghề văn, cảm thấy thân phận mình thật cũng chẳng khác những người dân làm cói ở xã N. nọ “Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì… tội nghiệp quá”.
Nói chung, tôi cũng thấy mọi chuyện xảy ra đúng như các bậc đàn anh ấy đã nói. Khác chăng là khác ở cách cắt nghĩa tại sao lại có thảm trạng ấy. Và tiên trách kỷ, hậu trách nhân, tôi thấy có phần lỗi ở những người làm văn học. Chúng ta nên tự soát xét lại, nên thấy rằng có thời gian ta đã được chiều chuộng quá, giờ phải trả giá, sự trả giá bao giờ cũng đau đớn, song khách quan mà xét tình cảnh hiện nay là đáng với số đông người cầm bút chúng ta, ở đây chẳng có gì là oan uổng cả.

– Anh không giở trò chơi trội đấy chứ ? Trong khi cả những người ở các ngành khác cũng thông cảm với chúng ta thì anh lại tự túm ngực chửi mình. Chẳng nhẽ anh không thấy hồi trước xã hội ta trọng đãi văn chương. Còn hiện nay, sự quan tâm của xã hội đến chúng ta suy giảm hẳn, vì thế mới xảy ra những cảnh xé rào viết bậy?

– Tôi biết có một thời cả xã hội cùng đọc mấy quyển sách xoàng xĩnh mà đến nay, không ai buồn đọc lại nữa. Dĩ nhiên là hồi ấy mấy nhà văn thời danh là những cái tên thường xuyên được nhắc nhở trên cửa miệng mọi người, còn bây giờ thì có bao nhiêu thú vui khác thu hút họ, nói tới văn chương, mặt họ dửng dưng không chút xúc động. Nhưng tôi cho như thế là phải. Chả nên tiếc những “ngày oanh liệt” hôm qua làm gì. Thà không có còn hơn sự thương cảm nông nổi bốc đồng của một thời ấu trĩ. Cái đích mà văn học cần phải chinh phục lớn hơn nhiều. Tôi cũng cho rằng nên sớm từ bỏ cái ý nghĩ là trong giới chúng ta có nhiều người tài ba mà chưa được đối xử xứng đáng. Tôi muốn nói ngược lại, trong chúng ta nhiều cái tên nghe khá kêu, mà thực chất không có gì, rồi đây sẽ bị lãng quên rất nhanh. Nói chung, công việc chúng ta làm được vừa mỏng mảnh, đạm bạc, vừa nhiều của giả. Trong một xã hội khép kín thì một ít giá trị dang dở được ngộ nhận, được đồng nhất với chân tài, đó là điều dễ hiểu. Nhưng trong xã hội cởi mở hôm nay, sự sụt giá lại là dễ hiểu nốt. Chỉ những ai quen sống bám vào sự ngộ nhận mới luyến tiếc thời xưa cũ.

– Tôi không ngờ anh lại nhẫn tâm đến thế! Anh không làm được gì, nên tưởng chung quanh ai cũng tay trắng như mình, và muốn lộn xộn bát nháo cho “bình đằng” cả một lượt.

– Tôi tự nhận thấy mình chưa tồi tàn đến mức trắng trợn, hư vô. Tôi chỉ muốn mọi người cùng nhìn vào một sự thực, là những cái chúng ta làm được chưa bao nhiêu, thành tựu thua kém cả ông cha, chứ đừng nói không là gì, so với thế giới. Tôi biết khi xuất phát, nhiều ngòi bút ở ta có tài, song do thiếu công phu tu luyện, do phải tự đốt cháy lên ngay lập tức để tồn tại nên những cái các anh các chị ấy làm ra lắm khi nham nhở, bất thành nhân dạng. Trong một thời gian dài nhiều tác phẩm có giá trị trong quá khứ không được in lại, sách hay của thế giới bị cấm cửa, không được dịch, nên thứ hàng tầm tầm ấy có giá, thậm chí được tố lên là những tác phẩm có sức sống lâu bền. Song không thể bằng lòng với những giá trị dang dở đó, không thể hãnh diện theo kiểu “cứ chân đất mà đi vào lịch sử” mãi được.

– Anh không nên có cái giọng giễu cợt vậy. Chính anh cũng biết sở dĩ chúng ta chưa làm được nhiều là do hoàn cảnh quá khó khăn. Để chúng ta có thể ngày một hoàn thiện, xã hội phải ưu ái hơn, giúp đỡ chúng ta nhiều hơn.

– Đồng ý, nhưng có nhiều cách giúp. Nghiêm khắc, yêu cầu cao cũng là giúp, mà dễ dãi, bỏ qua cho nhau mọi yếu kém cũng là giúp. Trong hai cách này, cách thứ hai chỉ có hại chứ không có lợi. Tiếc thay, đây lại là cách nhiều người chúng ta mong đợi – những người không sống nổi với cơ chế thị trường và luôn luôn nghĩ về thời bao cấp với nhiều tiếc nuối.

– Anh hãy nói rõ hơn ý nghĩ của mình.

– Chẳng có gì là rắc rối cả. Tôi chỉ muốn bảo sở dĩ nhiều người chúng ta nản lòng và muốn trốn chạy khỏi đời sống cạnh tranh hôm nay vì thực lực quá yếu. Mà sở dĩ chúng ta yếu ớt như vậy, vì được chiều chuộng quá – vâng, chiều chuộng thật sự, chứ không phải khinh bỉ như có người đã nói. Trước những thành phẩm xoàng xĩnh của chúng ta, xã hội đã quá rộng lượng. Hi vọng nhiều, chờ đợi nhiều, mà chiếu cố lại càng nhiều nữa. Sự chiều chuộng ấy, hôm qua là cần, nhưng giờ đây nghĩ lại, nó là yếu tố khiến chúng ta giẫm chân tại chỗ, bé nhỏ, còi cọc, không lớn lên được.

¬- Anh nói gì lạ vậy, tôi không tin. Để những ưu tiên về tinh thần sang một bên hãy nói một việc liên quan trực tiếp đến mọi người – chuyện trả công, trả nhuận bút. Không phải hôm nay mà từ mấy chục năm nay, nhuận bút vẫn bị coi là quá thấp, khiến không ai sống nổi với nghề văn.

Quá thấp, đồng ý. Nhưng là thấp so với một số tác phẩm có giá trị. Còn với đa số các tác phẩm xoàng xĩnh, thứ hàng phổ biến từ tay chúng ta, thì nhuận bút vậy đã là khá cao, chả thế mà, khi phát hiện ra điều này, khối người không chịu bỏ công viết kỹ nữa, chỉ mải chạy theo đầu sách, bôi số trang ra thật nhiều. Chất lượng luôn có vấn đề thì nhuận bút ngày càng thấp, tưởng cũng không có gì lạ. Rộng hơn câu chuyện nhuận bút, tôi muốn nói về sự kiếm sống, về thu nhập của nghề viết. Theo tôi quan sát trong những năm qua, có một loại người rất tài trong việc khai thác cái gọi là uy thế nhà văn, tận dụng nó để nuôi nấng bản thân và gia đình.

– Dù sao cũng chỉ có vài trường hợp cá biệt.

– Không đúng, mỗi người chúng ta đều có cái cách kiếm tiền của mình bằng nghề văn, chỉ có điều không trúng những quả đậm như một vài “cao thủ” kia thôi.

– Chưa bao giờ chúng ta phè phỡn no nê như… như những người nắm các đầu mối kinh tế.

– Chỗ này tôi cũng thấy như anh. Về sự hưởng thụ, nói chung nghề của ta thật thanh đạm. Nhưng nếu có dịp xem những người làm kinh tế xoay xở mới biết, họ lao tâm khổ tứ, họ năng động kinh khủng. Còn chúng ta, một thời gian dài, chúng ta ỷ vào năng khiếu, nên viết quá dễ dãi. So với thứ lao động uể oải, cầm chừng của giới viết văn từ trước đến giờ, thì sự hưởng của chúng ta là rất xứng đáng.

– Anh không điên đấy chứ? Nghề cầm bút xưa nay vẫn được mệnh danh là một nghề sáng tạo cao quý.

– Vâng. Trên lý thuyết thì vậy, nhưng trong thực tế thì không hẳn. Lúc đi họp cần phát biểu trước bàn dân thiên hạ, hoặc lúc tụ bạ vui vầy nhiều người trong chúng ta thích hô lên thật to rằng mình đau đời lắm, tâm huyết lắm, rằng mình thường xuyên suy nghĩ lao lung, vất vả nặng nề như người mẹ mang thai. Nhưng khi cầm đến bút thì lại cẩu thả qua quýt, suy nghĩ hời hợt cốt cho xong chuyện để có bản thảo mang bán. Không gì khác, chính sự loạn xạ trong đời sống văn học hôm nay, là hậu quả trực tiếp của cách sống chúng ta đã sống hôm qua, nó là một sự trả thù man dại mà cũng tất yếu nếu có thể nói như vậy.

– Suy diễn. Thành kiến. Độc ác. Tôi không hiểu được những điều anh nói.

– Mọi chuyện đâu có khó thấy đến như thế, chẳng qua các anh không muốn thấy thôi. ở trên tôi đã nói trong nhiều năm, chúng ta xúm vào khen những cuốn sách quá xoàng xĩnh. Sự hỗn loạn bắt đầu từ đấy.

– Những tác phẩm ấy có thể còn thô sơ non nớt, chưa được chau chuốt, thậm chí có thể chưa hay, nhưng chân thành muốn phục vụ, muốn có ích ngay, thế là được rồi, anh còn đòi hỏi chi nữa?

– Nhưng bảo rằng chúng là những tác phẩm chói sáng tuyệt vời, thì là không được, là gây mầm hỗn loạn. Hơn nữa vấn đề không phải là chót tôn vinh… nhầm một hai cuốn sách nào đó, chuyện ấy muốn quên đi cũng dễ. Vấn đề là một thời gian dài các tiêu chuẩn nghệ thuật thực sự bị xem thường, chúng ta dễ dãi nâng đỡ nhau, chiếu cố nhau, lại càng hào phóng trong việc khen tặng nhau. Nhiều cuốn sách không đáng in cũng in. Nhiều người viết văn đáng lẽ chỉ nên ghé gẩm qua văn chương một chút, song cũng vào tận chiếu giữa, và do chỗ không có sự đào thải, nên vĩnh viễn ngồi đó toạ hưởng kỳ thành. Nghĩ tới họ, người đọc đâm ngán. Mà trước tiên, là nhiều anh em cùng nghề cũng thấy ngán, người đã viết từ trước thì cùn mòn cẩu thả đi, người mới cầm bút thì cảm thấy lớp người đi trước không có gì đáng trọng, và nghề viết không công bằng đẹp đẽ như người ta vẫn nói. Gặp lúc thuận tiện, là họ xốc tới, viết ào ào, in ào ào, rồi nhân đó, chửi vung cả lên, vênh váo rằng mình có bạn đọc không kém ai hết.

– Hay lắm, anh đã bắt đầu chạm đến cái đời sống văn học hẩu lốn hôm nay đấy. Chắc là thấy mọi chuyện nhốn nháo thế, anh thích lắm, hả dạ lắm!

– Không hẳn. Tôi cũng chả thích gì văn học thương mại. Cũng như nhiều người tôi thấy một số tác phẩm ám chỉ hiện nay được viết với một lý tưởng thẩm mỹ tầm thường, tay nghề quá thấp nên biến thành những vụ trả thù hèn hạ. Nhưng văn học hôm nay vẫn có cái này mà tôi cho là khả thủ. Nó không tự tìm cách che giấu thực chất của mình. Có gì dơ bẩn, nó dã phô hết. Thành ra trong đối xử, có cái tiện. Đại khái, sự hỗn loạn hôm qua là một thứ bệnh đang ủ, lại che che giấu giấu, nên có thể gọi là một sự hỗn loạn âm tính, còn sự hỗn loạn hôm nay cứ chường hết cả ra, nên là một thứ hỗn loạn dương tính. Đã gọi là bệnh thì đằng nào cũng dở, nhưng nghĩ cho cùng, bệnh như hôm nay dễ chữa hơn.

– Thật khó hình dung một người hơn hai chục năm gắn bó với đời sống văn học sinh động của chúng ta như anh, mà ăn nói lại hồ đồ như vậy! Tôi ngờ rằng, không ai trong giới cầm bút đồng tình với anh cả. Trong ý nghĩ của số đông những cây bút loại trên dưới năm mươi như anh nhất là trong tâm khảm các bậc đàn anh, lớp trên nữa, thời gian trước đây là một thời gian văn học phát triển hài hoà, tự nhiên nền nếp, cái thời gian lãng mạng như Nguyễn Khải đã gọi…

– Đó chỉ là bề ngoài. Cái nền nếp tĩnh lặng mà người ta hay nói chỉ là giả tạo.

-… Trong thời gian ấy chúng ta đã đào tạo được những nhà văn đáng tin cậy, những ngòi bút lao động nghiêm túc mà bây giờ không sao có nổi. Tôi không thể tin những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, hoặc hai người mà anh đã nêu lúc đầu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, cùng là nhiều anh chị em khác, lại có liên quan đến cái mà anh gọi là đời sống hỗn loạn trước đây, dù chỉ là hỗn loạn “âm tính”.

– Nói thẳng về người khác bao giờ cũng khó nhưng các trường hợp riêng thường khi lung linh sinh động đến mức mà hình dung về chúng lại là một cách tốt nhất để giúp người ta hiểu về cái chung. Bởi vậy dù rất ngần ngại, tôi cũng in phép được nói một chút. Trong bốn người anh nêu lên, tôi chỉ xin nói về một người đã mất.
Muốn cho công bằng người ta phải nhận Xuân Diệu là một nhà thơ lớn và bây giờ tôi vẫn nghĩ thế. Song trong thời gian cuối đời có nhiều bài, ông dùng lý trí để viết. Uy tín Xuân Diệu lớn quá thành thử mấy chục năm sự lỗ mỗ không đều của thơ Xuân Diệu không ai dám viết. Tưởng rằng đó là việc riêng của tác giả Thơ thơ. Có biết đâu rằng mặc dù là một thứ lao động cá thể, song sự sáng tạo trong văn học vẫn tồn tại như một sự nghiệp chung. Anh không thể viết tốt nếu cái nền chung quanh quá tồi. Khi cái nền chung này xao động, không ổn định, hơn nữa bị phá hoại, thì anh cũng không ngồi yên mà viết được nữa kia.

– Tóm lại anh thấy tất cả đều có lỗi.

– Cũng gần như thế.

– Không ai thoát khỏi số phận chung của chúng ta hôm qua?

– Nhiều người có vẻ nổi lên trên cái nền kém cỏi ấy, song, suy cho cùng vẫn không ra thoát, vẫn lãnh đủ phần trách nhiệm và thực tế là cả những đau đớn ê chề khi cái nền chung ấy thay đổi.

– Vậy bắt đầu phải làm gì.

– Một số người thích kêu to lên để chung quanh thương hại, hoặc ngồi than thở. Một số khác mất hết lòng tin, cho rằng xã hội đã chả cần mình, mình cũng chả cần xã hội nữa, tóm lại là muốn làm gì thì làm, đến đâu thì đến. Riêng tôi, tôi không tin rằng mọi chuyện hỏng hết, mà cần phải đóng góp vào việc vượt qua cái thời điểm xót xa hôm nay. Công thức muôn đời vẫn là: hãy tự cứu lấy mình. Có điều trong việc tự cứu này, đầu tiên phải nhận thức cho sòng phẳng, tự biết mình là ai, chỗ mạnh chỗ yếu của mình là gì, mình mười phần tốt đẹp mà bị rẻ rúng hay thật ra mình cũng hư hỏng nốt. Chỉ bao giờ ta hiểu rõ rằng sự lạc hậu ở ngay chính mình, thì lúc đó, ta mới có cơ khá lên được. Đây là một công việc khó, rất cần đến sự sáng suốt, sự tỉnh táo hiểu biết, tóm lại cần đến lý trí là điều mà trớ trêu thay, văn học ta lâu nay vẫn từ chối. ở nước nào cũng vậy, ở xã hội ta, cả thời phong kiến lẫn thời Pháp thuộc cũng vậy, văn nhân đồng nghĩa với người có học vấn (chữ không phải chỉ có năng khiếu) nhưng mấy chục năm nay, ở ta, hai khái niệm ấy bị tách rời, và tôi cho rằng, cả trong nhưũng năm bao cấp, lẫn trong những năm kinh tế thị trường gần đây văn học ở ta phát triển khó khăn, lý do là ở sự tách rời ấy!

– A ha! Thế là thò đuôi khỉ rồi nhé! Nói xuôi nói ngược một hồi, cuối cùng hoá ra anh muốn đề cao ngành lý luận phê bình của mình. Thế nhỡ các nhà văn ở ta thích quan niệm rằng nếu một người không có năng khiếu, thì có đọc đến vài vạn quyển sách chăng nữa, cũng chẳng viết nên một câu thơ cảm động lòng người – mà trong thực tế sáng tác vẫn vậy, thì anh nghĩ sao, liệu anh còn cảm thấy có quyền bàn bạc với mọi người, và anh có còn tin ở cái đơn thuốc của anh nữa không?

– Vâng, tôi biết nhiều nhà văn ở ta tuy không nói ra, nhưng vẫn nghĩ bụng: lý luận phê bình đánh đấm lắm chỉ tổ bị ghét, mà có xúm vào khen thì cũng không có gì để giới sáng tác trọng। Gần đây, người ta lại còn hay bảo tự mình các nhà văn ở ta vốn rất hồn nhiên, trong sáng, chẳng qua giới lý luận phê bình nhiễu sự hay đưa ra các thuyết vơ vẩn, nên đời sống văn học mới nảy sinh một vài vấn đề không lành mạnh. Và người ta e dè, ngần ngại muốn gạt chúng tôi sang một bên. Biết thế nên dạo này một số anh em viết phê bình cũng chẳng buồn viết nữa, hoặc ngồi chơi xem các nhà văn nhà thơ tâng bốc lẫn nhau, hoặc quay về nghiên cứu văn học quá khứ. Nhưng có làm gì cái số phận riêng mấy cây bút phê bình chúng tôi, điều quan trọng là lối thoát của cả nền văn học, và trong việc này, nếu phải nhắc lại ngàn lần tôi vẫn nhắc rằng chúng ta không thể thiếu sự tỉnh táo, sáng suốt, không thể thiếu lý tính được.

Trích trong { NHỮNG KIẾP HOA DẠI}

Vũ khúc không buồn mà tê tái

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:33

Luôn luôn, người ta có thể đọc ra những buồn vui của cả kiếp người, qua những buồn vui của một đời văn
Ai bảo nghề văn là khổ? Cứ xem như đời anh L., một người bạn vong niên của tôi, thì sướng lắm chứ. Hãy nói một chuyện: sự hưởng thụ. Thời ấy đồng bạc có giá, lương anh đã rủng rỉnh. Vậy mà luôn luôn còn nhuận bút. Những quyển sách trên trăm trang của anh in ra, thường được tính hàng cây. Cái xe đạp quý như cái cúp bấy giờ, mỗi lần sách in đều thừa sức để mua.

Thuở ấy, nhà văn được trọng vọng. Anh nổi tiếng. Anh luôn được mọi người nhắc nhở. Nhiều cơ sở – các nhà máy, các đơn vị quân đội – chèo kéo mời mọc anh. Mà anh bạn tôi lại có lối chơi rất sang. Người ta mời anh đến, cốt để lấy tiếng, về có viết gì cũng phải khen. Nhưng L. không bao giờ chịu xu phụ, trả nghĩa cái nơi đã cung đốn cơm rượu. Anh viết “khái quát”, anh “đặt vấn đề “ hẳn hoi. Người được viết thì chán, nhưng người đứng ngoài thì thích. Cả giới viết văn cũng thích. Mọi người thấy thơm lây vì anh. Người ta bảo trong sự vận động tiến lên của xã hội, có vai trò của anh, sự đóng góp của anh nữa.
Giá kể cuộc sống cứ như thế mãi thì chưa chắc đã vui, hoặc mới vui một kiểu. Mà gì thì gì, chứ vui mãi một kiểu, dễ sinh nhàm chán! Đùng một cái thời bao cấp qua đi, cả xã hội chuyển sang kinh tế thị trường, mà ngành sản xuất văn chương của chúng tôi cũng rập rềnh lên xuống theo cơ chế thị trường. Nói như một vài người đã nói: từ gà công nghiệp, gà chỉ nuôi trong chồng, chúng tôi trở thành đám gà nhà, gà ta, tự đi kiếm lấy mồi mà ăn. Để bù lại, không khí sáng tác trở nên cởi mở hơn hẳn. Những điều trước kia chỉ anh L. mới biết, thì bây giờ cả làng biết. Vui vầy, hỗn loạn, bảo thế nào cũng được.
Trong cuộc thập tự chinh của giới viết văn để lo kiếm sống hôm nay, dĩ nhiên là vẫn có anh bạn tôi, anh L. một thời nổi tiếng sắc sảo đó. Anh cũng phải lăn lộn với các báo cũng chạy đôn chạy đáo nơi này nơi nọ lấy mấy trăm ngàn mỗi tháng nuôi vợ con. Ban đầu, kể cũng ngại. Anh thử kêu rên. Anh đã thử làm phách như cậu Phước trong Số đỏ, đập chân đập tay em chã, ra đều tôi mà phải lo từng bữa thế này à, thôi tôi không viết nữa, hỏng hết rồi còn gì. Mặc! Chả thấy ai động lòng. Thảng hoặc cũng có vài người động lòng, song họ cũng nghèo như anh, chả cứu được anh. Kêu mãi chán, anh lại cum cúp lo viết, lôi mọi chuyện cũ ra viết. Nhìn nụ cười đôi khi như đã heo héo ngay trên miệng anh, tôi biết rằng tận trong thâm tâm, anh đau khổ lắm. Và hình như có cả chút hối tiếc nữa. Hối rằng có lúc đã cổ động cho sự nhộn nhịp hôm nay. Giá kể cứ để tất cả đi bằng tay có phải mình khéo nhất hội không; nay đến lúc đi bằng chân như thế này mọi người già trẻ lớn bé đều biết đi, mà mình thì cũng nguệnh ngoạng chẳng hơn gì ai cả. Nỗi đau của một cây bút từng cho mình là đi trước mọi người là ở chỗ ấy.
Mỗi lần nhìn lại cuộc đời viết văn của người bạn vong niên mà bản thân tôi từng chịu ơn rất nhiều này, tôi như có dịp nghĩ thêm và thấm thía thêm về duyên nợ nghề nghiệp. Đứng ngoài nhìn, nghề này đâu có buồn! Hôm qua rước sách tưng bừng hoan hỉ đã đành, mà cảnh cả giới bì bõm chìm nổi như hiện nay chắc cũng làm bật cười cho ai đó ngoài giới. Và, những vụ làm ăn những sự xoay sở, những thành bại của mỗi người thì trở thành đề tài cho chuyện đàm tiếu của các đồng nghiệp, buồn làm sao được? Nhưng có lẽ, dưới một góc độ khác mà xét, ở đây luôn luôn có chút thê thảm. Người hăng hái đi trước có lúc phải hối hận; kẻ báo trước sự nhộn nhịp, mà lúc nhộn nhịp đến, mọi người hái ra tiền ra bạc, còn bản thân lại nhếch nhác như vậy, nhếch nhác hơn cả hôm qua nữa – nhìn cả vũ khúc đời văn, chẳng là tê tái hay sao? Lại còn buồn tê tái hơn, nếu trí nhớ kha khá một chút, người ta nhớ được những cuộc tranh cãi bấy lâu về sứ mạng nhà văn. Người bạn đời của J. P Sartre là S. de Beauvoir từng có lần than thở đại ý: “Thật không thể ngờ là nghề văn có lắm ý nghĩa đến thế, trong khi nó chỉ có thế!”.

Trich trong { NHỮNG KIẾP HOA DẠI}

02/06/2009

HOÀNG TRUNG THÔNG và việc học hỏi cùa người cầm bút

Filed under: nha van — vương-trí-đăng @ 13:22

Hoàng Trung Thông (1925-1993) không chỉ là một nhà thơ. Phải gọi ông là một nhà hoạt động văn học mới đúng. Tức đây không chỉ là một ngòi bút có năng khiếu, với tư cách một người thợ thủ công nhanh tay nhanh mắt làm công việc sáng tác. Mà là một người cầm bút có ý thức rõ rệt về ý nghĩa xã hội của công việc. Hơn thế nữa, là một trong những người kiến tạo guồng máy văn học, điều hành nó, từ hoạt động của mình tác động tới sáng tác của người khác.
Một quan chức hàng đầu đủ độ tin cậy để làm loại việc hệ trọng mà chỉ loại quan chức này mới được giao là phụ trách các cơ quan đầu não. Tổng biên tập báo. Giám đốc nhà xuất bản. Viện trưởng Viện Văn học…Việc gì ông cũng qua cả. Rồi một chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chân Vụ trưởng vụ Văn nghệ của ban Tuyên giáo TW, khoảng mấy năm trước 1975 cũng đã có lần được trao cho ông.
Là vụ trưởng nghĩa là thế nào ? Nghe tôi lúc mới vào nghề ngớ ngẩn hỏi vậy, Nguyễn Khải nói đùa :
– Hãy hình dung giới văn nghệ như một cỗ xe tam mã, Tố Hữu là ông chủ ngồi trên mà ba con ngựa chiến là Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên..
–Thế Hoàng Trung Thông làm gì ?
— Anh xà ích ra roi chứ còn gì nữa, không oai à?
Tuy nhiên nói thật đầy đủ chi tiết về nhà hoạt động văn học Hoàng Trung Thông là một việc sẽ làm lúc khác, trong bài này tôi chỉ muốn nói về Hoàng Trung Thông như một nghệ sĩ.
–Lại chuyện Hoàng Trung Thông sống buông thả thường hay lê la quán rượu chứ gì?
–Hay là nét tài hoa trong những chữ Hán mà nhà thơ này thường viết tặng bạn bè?
Không phải! Chất nghệ sĩ tôi nói ở đây không phải là nghệ nhân dân gian rồi bị tàn phá bởi những yếu tố thực dụng theo mốt hiện đại, mà là một thứ nghệ sĩ với nghĩa một người làm nghề chuyên nghiệp, một trí thức.
Nhà thơ Quách Tấn trong một lá thư gửi Nguyễn Hiến Lê mà tôi có được đọc, có viết rằng các nhà thơ trẻ thời nay hay nghĩ rằng làm thơ cũng như uống rượu trong khi đó thật ra làm thơ giống như vẽ tranh. Tức không phải chỉ cần cảm hứng cùng đua đả tranh tài — kể cả cái sự gồng mình chịu đựng — mà cần cả trí óc tỉnh táo lẫn công phu thầm lặng.
Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này, Quách Tấn đã tìm ra một công thức đơn giản để, vừa gọi ra bệnh của nhiều nhà thơ thời nay, vừa đưa một quan niệm đúng đắn về nghề nghiệp.
Trong thời buổi văn nghệ dân chủ hoá, văn nghệ đi vào đại chúng, ở ta thấy hình thành một dạng người cầm bút đặc biệt. Họ như từ đâu nhảy dù vào văn chương. Trong cơn bốc đồng của cả đám đông, cái phần năng khiếu còn ở dạng tự phát của họ được kích thích, và quả là họ có cho ra đời được một vài tác phẩm nào đó. Quả dại thì bao giờ chẳng có cái vẻ chua chua chát làm mê mẩn những người thích của lạ. Thế là họ thành nhà văn nhà thơ và tưởng chỉ cần dựa vào bản năng với lại cảm hứng nghĩ gì viết nấy là xong, chứ không cần học hỏi chi cả. Rồi đời họ sẽ kéo dài trong cái lối mòn ban đầu.
Xã hội càng tỏ ra yêu chiều văn nghệ thì cái lối nghĩ nông nổi nói trên càng phổ biến và ngày càng thắng thế.
Hoàng Trung Thông cũng bắt tay cầm bút vào thời đó. Trong những người cùng thế hệ của ông cũng có nhiều người tự mình dễ dãi với mình.
Song cái nông thôn Nghệ Tĩnh mà ông lớn lên hồi ấy còn là một nông thôn khá nền nếp. Nông thôn đó trọng sự học vấn và sự thực đã đào tạo được một lớp trí thức làng xã có cốt cách. Được rèn luyện trong trường học khắc nghiệt là chữ Hán rồi lại qua nhà trường chính quy thời Pháp thuộc, những người như Hoàng Trung Thông hiểu văn chương không chỉ là chuỵện tài hoa mà trước tiên là khổ luyện. Và còn hơn thế, văn chương muốn lâu dài phải cần đến sự tham gia của trí tuệ. Phải quan niệm là có nghề có kỹ thuật. Phải học, học có bài bản kiến thức lý luận hẳn hoi, chứ không phải học theo lối bắt chước học lỏm đi tắt đón đầu. Tóm lại là một sự nghiêm chỉnh thực thụ.
Ta nhớ khi chuyển từ khu Bốn lên Việt Bắc, cây bút này đã có một vị trí vững vàng trong hệ thống chính trị. Nhưng tuy là người phụ trách ông vẫn ham học, ham hiểu biết thêm.
Ngay từ kháng chiến chống Pháp, khi gần như ở Việt Nam chưa ai biết tiếng Nga thì thì một tập sách mỏng mang tên Sáu bài thơ V.V. Maiakovski đã được phát hành ở Việt Bắc. Hoàng Trung Thông là một dịch giả của tập sách mỏng mảnh nhưng quá mới mẻ đó. Ông dịch Maia theo bản dịch tiếng Hán của Tiêu Tam.
Sau này về Hà Nội, Hoàng Trung Thông sẽ tiếp tục dịch thơ của nhiều người khác.
Ở ta công việc tiếp xúc với văn học nước ngoài, cụ thể là việc dịch vốn bị coi thường. Nhiều người ban đầu cũng biết việc này là cần, nhưng tiếng tăm không biết, lại không chịu học. Sau khi biết mình bất lực, muốn tự lừa mình, họ liền quay ra bỉ bác cái công việc mình không thạo đó và tuyên bố chỉ sáng tác mới quan trọng. Dù chỉ làm ra thứ sáng tác hạng bét, họ cũng la lối lên là đây mới là thứ tinh hoa cần cho đời sống.
Và có điều lạ là thứ quan niệm này được nhiều người chia sẻ.
Một người tôi quen hiện là Hội viên Hội nhà văn lúc đầu vào nghề bằng việc dịch tiếng Trung quốc, sau vì thấy nghề dịch không được coi là nghề sáng tạo không thể hiện được bản thân, gần đây liền quay sang viết tiểu thuyết, và chỉ đứng ra làm cai đầu dài nhận việc dịch cho đám trẻ mới ra trường rồi ngồi ăn phần trăm.
Đây tôi không có điều kiện để bàn kỹ xem anh ta nên dịch hơn hay đi viết văn hơn. Nhưng nhìn chung cả giới cầm bút tôi tin rằng có những người lẽ ra chỉ nên dịch, chính dịch mới là phần đóng góp của anh. Thì họ lại tưởng nhầm là ngược lại.
Về phần mình, dịch với Hoàng Trung Thông là một bộ phận hữu cơ của công việc nhà văn. Đất nước chậm phát triển, muốn sáng tác được người viết nhất thiết cần phải mở rộng chân trời tới tận các xứ sở khác những nền văn học khác. Cần tự mình tiếp xúc với các bậc thày thế giới, cả Đông lẫn Tây cả những bậc thày cổ điển lẫn những nhà thơ hiện đại. Thành quả lao động của ông được ghi lại trong các bản dịch thơ Đỗ Phủ, Lục Du, S.Petofi, A.Mickiewicz v.v..
Kể ra với nghề viết văn, dịch còn có thể có tác động hơn thế.
Ở Liên xô có nhà thơ Margarita Alighe (1915-1992). Bà từng là tác giả của trường ca Doia viết năm 1942 mang đậm chất sử thi. Đến 1956 bà tham gia vào nhóm Moskva văn học có khuynh hướng tự do rồi khi bị phê bình thì viết trên báo tỏ ý hối hận. Nhưng hối hận chỉ là bắt buộc chứ trong bụng không tin. Vì thế sáng tác gần như tắc tị. Lúc đó có một công việc mà bà thấy hợp là dịch. Dịch Quyển truyện bỏ dở của Aragon, một tập thơ cũng là những tiếng kêu đau đớn trước sự rạn vỡ của thời đại.
Cái mệnh đề “ Dịch là một thứ sáng tác ‘ tìm thấy ở đây một ví dụ sinh động.
Ở Việt Nam có trường hợp Xuân Diệu. Nếu trong thơ, ông thường bảo thủ khó chấp nhận mọi tìm tòi nghệ thuật thì khi dịch ông lại rất cởi mở. Ông thể nghiệm, chẳng hạn, thơ không vần khi dịch Nazim Hikmet lần Blaga Dmitrova.
Cuối năm 2007, tôi có đi dự hội thảo 90 năm sinh Xuân Diệu tại Quy Nhơn. Trong lúc bàn về tác giả Thơ thơ chợt tự cảm thấy thật ra những năm cuối đời, nhà thơ này viết yếu đi nhiều và bọn tôi đọc chểnh mảng. Cái mà Xuân Diệu tác động tới chúng tôi nhiều hơn lúc đó là tiểu luận và thơ dịch.
Tại hội thảo nói trên, anh Bằng Việt có một tham luận về mảng thơ này của Xuân Diệu nhưng cũng chưa lên hết được vấn đề, tức chưa nói hết được thơ dịch trong sự nghiệp Xuân Diệu.
Sinh thời Xuân Diệu và Hoàng Trung Thông khá thân với nhau, thân theo nghiã gần gũi trong nếp sống và công việc. Chuyên cần — tiết kiệm — chặt chẽ — kỹ càng…– ở Hoàng Trung Thông có cái phần đời thường mà Xuân Diệu sẵn có, nó là đức tính của những người có học, dù đời sống có khá lên đến đâu thì vẫn có sự chừng mực và tự chủ.
Tuy nhiên không chỉ có vậy. Xuân Diệu vốn là một nhà văn có tính chuyên nghiệp cao. Chắc là ông hiểu nếu để tài năng sang một bên thì một ngòi bút như Hoàng Trung Thông cũng chính là người hoạt động văn chương với đúng nghĩa của khái niệm này.
Trong những dấu hiệu nhất thiết cần phải có ở một người hoạt động văn chương nói ở đây có sự học. Dịch cũng là học. Mà viết tiểu luận cũng là học. Xuân Diệu là thế mà Hoàng Trung Thông cũng là thế.
Bởi vậy có thể nối là có một Hoàng Trung Thông—tác giả tiểu luận bên cạnh Hoàng Trung Thông –nhà thơ.
Sự đọc của Hoàng Trung Thông chắc chắn kỹ lưỡng. Tuy không có cái tài hoa và cả cái bùng nổ của Xuân Diệu nhưng ở đó vẫn có cái phần phát hiện nho nhỏ mà các nhà hàn lâm không thể có. Có cảm tưởng như ông từ trong văn học nhìn ra chứ không phải từ ngoài nhìn vào.
Học giúp cho chất nghệ sĩ của Hoàng Trung Thông được bồi bổ.
Học làm cho ông khuôn phép hơn mà cũng ngang tàng hơn( tôi nhớ những tờ giấy hồng điều mà trên đó ngọn bút lông trong tay Hoàng Trung Thông tung hoành).
Học làm cho ông không chỉ đối thoại thẳng thắn với các trí thức lớp trước mà còn đối thoại được với cả các văn nghệ sĩ nước ngoài khi có dịp tiếp xúc.
Tôi không có điều kiện để khảo sát những gì mà việc viết tiểu luận và dịch mang lại cho Hoàng Trung Thông, song vẫn tin là với kiểu làm nghề như thế này ông không còn là thứ văn nghệ tự phát, văn nghệ “sẩm”, mà đã hé ra cốt cách của một người cầm bút chuyên nghiệp.
Cho đến cả con người quan chức văn nghệ trong ông cũng có những đổi khác nữa.
Ở những nền văn nghệ nặng về phục vụ chính trị như văn học xô viết hoặc văn học ta những năm chiến tranh, thường vẫn có những nhà văn lấy việc bảo đảm công tác chính trị làm nhiệm vụ chính. A.A. Fadeev chẳng hạn. Đó không chỉ là tác giả của Chiến bại, Đội cận vệ thanh niên mà còn là người phụ trách đầy quyền lực của Hội nhà văn Liên xô thời kỳ Stalin.
Nhìn vào Hoàng Trung Thông luôn luôn tôi có cảm tưởng ông là tuy quy mô có khác, tài năng có khác, song đây có vẻ là một thứ A.A. Fadeev trong văn nghệ VN. Những năm chiến tranh, khi đi công tác nước ngoài, ông vẫn thường được các nhà văn trong phe xã hội chủ nghĩa lúc đó gọi là một thứ chính uỷ. Họ đối với ông một cách dè dặt.
Phẩm chất bắt buộc của những người chính uỷ là kiên quyết hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của công tác văn học.
Nhưng ở Fadeev cũng như Hoàng Trung Thông có một chỗ khác với nhiều quan chức khác. Là trong khi buộc phải có những quyết định mà mình không mong muốn, con người nghệ sĩ vẫn thức dậy. Thức dậy trong đau đớn. Thức dậy không đủ để thay đổi tình hình. Nhưng dẫu sao cũng đã thức tỉnh, để chứng tỏ là lương tâm vẫn còn trong mình.
Fadeev tự tử năm 1956. Hoàng Trung Thông thì giết dần mình trong rượu.
Khoảng 1968, khi Hoàng Trung Thông phụ trách báo Văn nghệ thì xảy ra vụ Tình rừng. Bài tuỳ bút đậm chất Nguyễn Tuân bị mang ra phê phán. Không biết ai đã nói với tôi, thậm chí là không biết có đúng như thế không, nhưng tôi nhớ hồi ấy có nghe xầm xì rằng Hoàng Trung Thông đã ứa nước mắt khi ký duyệt in những bài đánh bài tuỳ bút ấy trên báo. Cũng từ độ ấy, khi đời sống văn chương ngày mỗi thêm nhiều vụ việc, nhiều chuyện trái chiều, bệnh rượu ở ông ngày mỗi thêm nặng.

Đã in báo Văn nghệ
số tết Kỷ Sửu – 2009


Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.