VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

31/12/2008

Nghệ thuật ăn tết

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 09:19


Hưởng, đấy là khôn ngoan; khiến hưởng, đấy là đức hạnh
(Cách ngôn Ả-rập)

Ngày Tết, đối với nhiều người, chỉ có thú vị khi nào nghĩ lại – người ta thường hay cùng nhau nhắc tới những Tết năm ngoái, năm xưa với một vẻ mến tiếc âu yếm, lẫn với đôi chút ngậm ngùi. Nhất những Tết ngày còn nhỏ… Lúc ấy, cùng với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa, cái tuổi mà người ta nhận là “vô tư lự”, ngây thơ và sung sướng.
Nhưng nỗi nhớ tiếc ấy chẳng ích lợi gì, mà lại ngăn chúng ta không toàn hưởng được thời khắc hiện giờ. Đậm đà, mạnh mẽ hơn bao nhiêu là sự hưởng thụ ngay hiện tại, thêm vào cái thú hưởng những giờ vui, cái thú vô song của sự mình biết mình đương hưởng.
Ngày còn ít tuổi, tôi không hiểu biết được cái thú uống trà. Chén trà thơm lúc đó như sao bằng được những mộng đẹp tôi đang mơ tưởng trong lòng. Bây giờ tôi đã có biết rồi – và thỉnh thoảng một buổi sớm hay trưa, nâng chén trà lên để nhìn qua hương khói. Hưởng hương vị chén trà thì ít, nhưng hưởng cái thú ở đời, và nhất là hưởng cái giờ khắc nghỉ ngơi, nhàn nhã, mà tự mình cho phép (người ta chỉ có thể hưởng được cái khoái lạc của nghỉ ngơi, khi biết cái nghệ thuật nghỉ ngơi cũng như biết cái nghệ thuật làm việc).
Tôi hiểu là vô ích và điên dại cuộc theo đuổi mộng ảo không cùng, việc lần để ngày lại ngày hạnh phúc. Tôi hiểu rằng hoa nở sớm nay cũng tươi đẹp chẳng kém hoa nở ngày mai, thời tiết xuân nay êm dịp hơn xuân bao giờ hết, và trời trong cùng ánh nắng kia hiện giờ đã đẹp vô ngần…
Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. Ngày Tết nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ. Đêm giao thừa “thời gian qua nghỉ bước trên từng cao” là giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hưởng mùi thơm thuỷ tiên, cánh hồng hoa đào nở, hưởng làn khói trầm vấn vít đủ lên cao. Hưởng đi, trong cái khoái lạc của sáng suốt, trong cái minh mẫn của tinh thần, trong sự thư thái thảnh thơi của lòng bình tĩnh. Tiếc thương như gia vị và mong mỏi như làm ấm nóng cái thú vô cùng.
Rượu sánh trong cốc pha lê trong trộn mùi khói pháo với hương thuỷ tiên. Tiếng pháo nổ vui từ nhà nọ sang nhà kia, liên tiếp, đi mãi vào trong đêm để làm vang động bầu không khí xuân của khắp cả các gia đình. Đó là tiếng hiệu lệnh của sự thông đồng chung hưởng.
*
* *
Lúc đó mỗi nhà đều uống rượu thưởng năm mới. Rồi chiếc bánh chưng đầu năm mang lên, xanh mịn trên đĩa trắng. Bánh chưng gói khéo thì vuông và chắc rắn: gạo mềm và nhiễn, nhân đậu và mỡ quánh vào nhau. Chỗ nạc thì tơi ra như bông gạo. Có nhà gói lắm nạc, nhưng nhiều mỡ vẫn ngon hơn: mỡ phần, chỗ giọi, lúc chín thì trong, và không có thớ. Bánh chưng kể mặn là phải vị. Nhưng có dăm bảy chiếc gói ngọt cũng hay. Chỉ khó làm sao cho đừng sượng, và đường với đậu phải biến với nhau mà thôi.
Tưởng lúc xén đũa đưa miếng bánh chưng lên, thoảng mùi lá dong thơm và mùi nếp cái, ăn với dưa hành trong như ngọc thạch, hoặc với củ cải đậm và ròn như pháo xuân! Đó là tất cả hương vị của cái tết Annam, ngày nay và ngày xưa.
*
* *
Sáng mồng một, chúng ta uống rượu và ăn mứt. Rượu hẳn là phải rượu tây: những thứ vang cũ ngọt như Porto, nồng chua như Vermouth, hay say như Cognac. Uống những thứ ấy thích hơn liqueurs. Nhưng sao ta không có rượu ngon của ta? Tiếc vì bây giờ cái gì của người mình cũng vụng về và giả dối. Còn đâu thứ rượu cau có tiếng ở Hoàng Mai, thứ rượu cúc nổi danh ở tỉnh Bắc? Cái hào nhoáng, cái lộng lẫy bề ngoài đã thay cái chân thực, cái cẩn thận của người xưa. Đơn sơ và cẩu thả đã cướp chỗ của tốt bền, ở tất cả những sản phẩm của nước mình.
*
* *
Mứt ngày trước cũng ngon và khéo léo hơn mứt bây giờ. May gần đây, sự làm đã khá. Đã có mứt sen Cự Hương, mứt khoai Việt Hương, vị cũng nhã, mà trình bày lại sạch sẽ, tinh tươm. Đem làm quà ngày Tết kể cũng tạm được.
Mứt phải đủ ngũ vị: ngọt, bùi, đậm, béo và cay. Thứ mứt gừng cay là quý nhất. Chỉ tiếc thay mứt gừng ngoài Bắc thô và mạnh quá. Tôi ước ao được một ngành mứt gừng ở trong Trung – mứt gừng của Huế, làm bằng mầm gừng non và cả nhánh, trong như ngọc và cay mềm dịu cũng như con gái Huế.
*
* *
Thế rồi đi du xuân ngày mồng một, nhìn cây nêu phấp phới trước các nhà, tiếng khánh sành reo theo gió. Một cuộc hoà nhạc của sắc màu: quần áo mới của bầy trẻ, xác pháo đỏ trên gạch rêu, màu hồng nhạt hay đỏ tươi của câu đối giấy dán trên cổng, và màu củ cẩm (hay cánh sen) trên những tranh tết – nhất là cái màu tím mát ấy, màu của đất nước Annam, của thời xưa chân thật mà không bao giờ nhìn tôi không thương nhớ ngậm ngùi…
Trong lúc đó, trời xuân đầy mây thấp và gần gụi, thời tiết êm ả như đợi chờ, gió xuân nhẹ như hơi thở, và cây cối đều nở mầm non, lộc mới – tất cả cái gì như đầm ấm, như dịu dàng. Còn hưởng cái thú nào man mác và thanh cao hơn nữa?
*
* *
Cho nên ngày Tết, tôi mong các bạn cùng vui vẻ tươi sáng như ánh mùa xuân, trong khi lần giở những trang của tập báo vì các bạn này.

“Ngày Tết đọc Thạch Lam”

30/12/2008

Cái vội của người mình

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:09

Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người. Những người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.

Sau khi dẫn lại một nhận xét tổng quát như thế, Carl Honoré (tác giả cuốn Ngợi ca sống chậm – bản dịch của Nhà xuất bản Phụ nữ ) tự đặt cho mình một loạt câu hỏi: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Đâu là nguyên nhân tâm lý? Liệu có thể – và có nên ao ước – sống chậm lại?

Những căn bệnh được tác giả miêu tả đủ loại, ăn nhanh, đi vội, sống gấp, làm việc đến kiệt sức, hưởng thụ ngoài sức tưởng tượng. Bởi ở mọi nơi mọi chỗ, chúng ta khao khát tốc độ, nên đã tự làm hỏng cuộc đời đi, ông bảo vậy. “Thời đại của sự rồ dại”, – tinh thần của khái quát đó trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm.

Từ đó, ông giới thiệu một giải pháp ngược lại, đã tự phát hình thành trong thực tế và ngày càng được tin theo, đó là sẵn sàng sống chậm, cốt tìm tới sự hài hòa. Những biện pháp nêu ra, như bớt thời giờ xem ti vi, để thêm thời gian đọc sách và làm vườn hoặc đan lát… chỉ là gợi ý. Trước tiên người ta phải nhận thức được rằng cố sao cho nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng. Đó là thứ tư duy đã lỗi thời. Còn chậm nghĩa là thư thái cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo. Nhanh và chậm chỉ là tương đối. Cái chính là mỗi người tìm cho mình một nhịp sống hợp lý.

Từ chuyện bên Tây quay về Việt Nam, thấy chúng ta cũng đang bị cái vội cuốn đi thật. Một nhịp sống gấp gáp lôi cuốn. Gấp gáp đến liều lĩnh. Và vội vàng đến bất cẩn. Đường sá quay cuồng. Công việc cứ rối tung cả lên mà vẫn chẳng việc gì ra việc gì.

Một người bạn tôi mới đây dẫn ra nhận xét của một người dân Singapore có dịp sống ở vài thành phố lớn của ta:

– Người Việt các anh đã mất hết tính kiên nhẫn rồi hay sao? Nên biết là ngay ở Singapore, việc chờ taxi mất nửa tiếng với chúng tôi cũng là chuyện thường.

Vấn đề bây giờ chỉ còn là giải thích tại sao chúng ta lại sống vội như vậy và xem xem có phải là cái vội bộc lộ một cái gì to lớn hơn, cần phải gạt bỏ.

Tôi sống trong nghề viết văn, viết báo liên tục đã bốn chục năm nay và có dịp chứng kiến hai giai đoạn nghề nghiệp. Từ 1986 trở về trước, ở Hà Nội báo lom đom dăm bảy tờ, sách viết xong không chắc đã có giấy để in. Thế là không ai bảo ai, viết cái gì cũng đận đà chậm chạp, không thiếu nhà thơ để cả tuần tính một hai chữ trong thơ. Còn nay thì làm ăn như ăn cướp, vừa nghĩ ra cái đầu đề đã ngồi ngay vào bàn, bản thảo chưa hoàn thành (nói như ngày xưa chữ chưa ráo mực) đã giục nhà xuất bản xin phép cho in. Lúc đầu tưởng phải viết cho nhanh mới giải phóng hết được sức sáng tạo. Sau nhìn lại cái đống viết ra hổ lốn hỗn tạp – bằng chứng là bạn đọc ngày càng xa lánh – mới hiểu rằng mình đã rơi vào vòng tay của sự làm liều làm ẩu lúc nào không biết. Chậm mới hợp với trình độ của mình. Nhanh là ảo tượng giả tạo, bỏ mồi bắt bóng.

Khốn khổ có riêng nghề của bọn tôi đâu, nghề nào bây giờ chẳng vậy!

Xưa nay dân ta ít ai để ý tới chuyện cười cợt của người mình. Tới những thập niên đầu thế kỷ hai mươi, Nguyễn Văn Vĩnh mới đọc ra trong đó cả một triết lý sống. Trong bài Gì cũng cười, viết trên Đông dương tạp chí, nhà văn này giả định, “Trong cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác: có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta”.

Học theo Nguyễn Văn Vĩnh, tôi cũng muốn nói rằng trong sự nóng vội người đời bây giờ có cái hạn hẹp trong tầm nghĩ, chỉ thấy đời sống trước mắt mà không thấy đời sống thâm nghiêm lâu dài; có cái tự ti, biết rằng mình đã quá lạc hậu với thế giới nên phải lo truy đuổi trong tuyệt vọng; có cái hỗn loạn trong cảm giác về giá trị, từ đó tạo nên ám ảnh lấy thịt đè người, chỉ có nhanh mới hốt được của thiên hạ.

Với một số người, vẻ vội vàng mà họ biểu hiện như vậy là cả một lời tố cáo. Rằng đời sống tinh thần họ tầm thường. Rằng họ không biết mình là ai trong thế giới này. Thậm chí ở một số trường hợp vội vàng đồng nghĩa với gian manh, cố tình tạo ra tình trạng hỗn loạn để đẩy đi thứ hàng kém cỏi mình làm, cái cuộc sống vớ vẩn mình muốn áp đặt cho kẻ khác. Vội trong trường hợp này là để lấp đi cái trống rỗng, mà cũng là cái bế tắc của tình thế.

Hồi còn bao cấp, tôi thường hình dung cái vội của dân mình như người có cái xe đạp đã tàng đã cũ, cứ phải rướn cổ cò mà đạp trên con đường quê gồ ghề. Còn ngày nay thường đến với tôi là hình ảnh những người chạy xe gắn máy rồ ga bóp còi inh ỏi, đưa xe lên cả vỉa hè, nhưng chẳng để làm gì ngoài việc lăn từ đám tắc đường này sang đám tắc đường khác. Mà cả thành phố thì trì trệ ì ạch, dấu hiệu còn lại của thời buổi kinh tế thị trường chỉ là một sự nhốn nháo.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chủ Nhật, 28/12/2008 Thời báo Kinh tế Sài Gòn

29/12/2008

Nếp sống tai hại

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 12:47

Về thăm Bát Tràng, cảm giác đọng lại trong tôi cũng như ở nhiều người khác, là một cái gì chua xót cho kiếp người. ở đây chỗ nào cũng thấy khói than bụi bặm. Cả làng là một xưởng sản xuất lớn. Đồ gốm khắp nơi, thứ đang ở dạng sơ chế, thứ xếp trong lò, thứ nằm ngổn ngang chờ xuất đi bán lẻ, và có cả những thứ bóng lọng trong tủ kính. Hàng hoá nhiều quá, hàng hoá lấn át cả những sinh linh đã làm ra nó. Ngập lụt giữa hàng hoá do mình làm ra, con người dường như không còn đứng cao hơn sản phẩm, không còn là chủ nhân công của mảnh đất này nữa. Mà con người chỉ còn là một chi tiết nhỏ nhoi trong cả guồng máy sản xuất to lớn.
Mới đây đọc báo Nông thôn Ngày nay lại thấy nói tới một vùng sinh thái báo động: đó là chuyện ở Văn Thai, Cẩm Vân, Cẩm Giàng, Hải Dương. Dân nơi đây chỉ sống bằng nghề mổ thuê trâu bò. Góc sân bất cứ nhà nào cũng có thể biến thành lò sát sinh. Những thứ thải loại từ các cuộc mổ xẻ thủ công đó hàng ngày tự do tuôn ra đường xá, cống rãnh. Nhiều cái ao biến thành bể ngâm, xương vừa xẻ ra, vứt luôn xuống đấy chờ dòi bọ rỉa nốt những nhánh thịt dính bện mới vớt lên mang bán.
Giá kể ngày xưa, thì chuyện ở Bát Tràng, Văn Thai đã trở thành những ví dụ tố, minh hoạ cho bài học về tình yêu lao động và tinh thần chịu đựng gian khổ của dân ta. Nhưng giờ đây người ta buộc phải nghĩ thêm: thói quen là một cái gì đáng sợ. Và khi một thói quen lại gắn bó với công cuộc kiếm sống vốn rất thiêng iêng , thì nó lại càng đáng sợ hơn! Dù biết rằng có hại cho cuộc sống, người ta cũng không dễ thay đổi. Ai mà biết được còn biết bao nhiêu nếp sống quen thuộc mà tai hại như vậy đang tồn đọng ở các làng quê?!

28/12/2008

Có những thái độ trâng tráo

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 09:37

Nghĩ về tiếng cười
Thành ngữ tục ngữ ca dao cũ từng ghi nhận tiếng cười như một hiện tượng đa dạng :
Cười góp, cười giòn, cười gằn, cười lạt, cười gượng, cười ngất, cười sằng sặc, cười ha hả,cười trừ, cười rơi nước mắt … Với đủ cung bậc như vậy, tiếng cười mới trở thành một phương tiện giao tiếp giữa con người với con người, hơn nữa một công cụ để giúp người ta nhận thức về mình, hoàn thiện mình.
Ai rồi cũng có lúc đáng cười thôi. Trước lầm lỗi của người khác, người ta phải mang thái độ khoan dung, nó cũng là thái độ tỉnh táo biết mình biết người :
Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước hôm sau người cười
Một trường hợp khác, sự giao đãi thành thực và đáng thương hơn :
Tôi chắp tay tôi lạy bạn đừng cười
Lòng tôi không trăng gió nhưng tôi gặp phải người gió trăng
Đây là lời của Súy Vân, nhân vật trong vở chèo cùng tên, từ trên sân khấu, hướng về đám đông người xem, hướng về dư luận. Lúc ấy, Súy Vân đang vướng phải mối tình vụng trộm với Trần Phương. Nàng hiểu đang bị chung quanh đàm tiếu. Tự nàng cũng thấy tiếng cười đó là chính đáng, nên mới có một thái độ phục thiện như vậy.
Dường như Súy Vân cũng phần nào hiểu cội nguồn sâu xa của cái điều đáng cười ở mình. Tự nàng chưa dám hứa điều gì cả. Nhưng nàng ghi nhận tiếng cười đó là lành mạnh là có lý.
Thái độ thường thấy của con người trong nền văn hóa dân gian trước tiếng cười là như vậy.
Song không phải bao giờ cũng vậy. Dân gian cũng không quên ghi lại thái độ trâng tráo của một số người. Họ có thái độ hoàn toàn ngược với Súy Vân vừa nói .
Cười hở mười cái răng … từ câu nói mỉa mai này toát ra cái bất cần của con người. Không cần biết ai cười thế nào, họ không chấp nhận. Xem đó chỉ là một hành động sinh lý, họ thây kệ.
Cười ba tháng chứ ai cười ba năm. Người nói câu này còn từng trải và thâm thúy hơn. Họ hiểu tính cách mong manh của tiếng cười. Không ai để ý được ai quá lâu. Song đằng sau sự từng trải và thâm thúy đó cũng là bất cần là dung dưỡng cho sự làm bậy của chính mình và kẻ khác.Tiếng cười vô nghĩa (!) Sự vô cảm muôn năm(!). Đóng vai trơ trẽn là thắng tất .
Nó giống như thái độ của lớp người mặt dày tim đen (trong “hậu hắc học “)mà nhà nghiên cứu Trung quốc Lý Tôn Ngô đã tổng kết khi bàn về thành bại của người Tàu trong lịch sử .
Những câu tục ngữ này như một lời cảnh báo. Trong xã hội hiện đại, sự trâng tráo với tiếng cười càng phát triển. Và tiếng cười cần phải mạnh hơn thì mới xuyên thủng được sự trâng tráo đó.

Thứ Ba, 05/02/2008 tuoi tre online

22/12/2008

Nhân một truyện ngắn của Nam Cao

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:50

(TBKTSG) – Rửa hờn của Nam Cao (Tuyển tập Nam Cao, bản của NXB Văn Học in 1987, tr. 424) viết về cuộc hiềm khích kèn cựa giữa hai vị tai to mặt lớn làng nọ. Một bên là Lý Nhưng, một bên là Khóa Mẫn.

Người thứ nhất – người xưa gọi là Lý Đương – là kẻ đang có thực quyền. Nhưng người thứ hai cũng không phải chân trắng. Gọi là Khóa Mẫn tức ông ta thuộc loại có học và sự học được cả cộng đồng làng xóm công nhận, từ đó loại người như ông ta kín đáo len vào bộ máy cầm quyền và bằng những cách khác nhau tác động tới sự vận hành của bộ máy này.

Họ kiện nhau đến vong gia bại sản. Mà ban đầu cái cớ chỉ là chuyện nhà chức trách (tức Lý Nhưng) tống tiền ăn bẩn, rồi cả làng khinh ghét. Sau khi nghe ngóng tình hình thấy việc xấu của mình làng xóm đã hay biết, Lý Nhưng liền cho rằng tất cả là từ Khóa Mẫn. Hẳn là ông này không ăn được thì đạp đổ! Cứ thế người nọ ra đòn trị, người kia báo thù, cả hai ngày mỗi lún sâu vào cảnh thân bại danh liệt.

Có thể chú ý tới thiên truyện này của Nam Cao ở nhiều khía cạnh. Từ thế kỷ XIX, Cao Bá Quát đã nói tới nạn cường hào ở nông thôn – cường hào ( = kẻ có quyền) chứ không phải chỉ là địa chủ ( = kẻ có đất ).

Ngoài Chí Phèo, chủ đề cường hào còn được tác giả đả động tới trong Nửa đêm, Đôi móng giò... Trong các truyện ngắn ấy, nhà văn vẽ lại cả cơ chế quyền lực ở nông thôn. Như Rửa hờn nói ở đây đi vào khía cạnh bọn cường hào thù nhau, hại nhau ra sao.

Rửa hờn lại còn là một bằng chứng về các vấn đề có liên quan tới thông tin ở làng xã xưa. Vụ Lý Nhưng bục ra từ một cái trần ngôn “Trời ơi có thấu tình chăng – Một con mẹ đẻ mấy thằng ăn no – Ai về tôi gửi cái mo – Lý Nhưng có thiếu thì cho mà dùng – Lý Nhưng ơi hỡi Lý Nhưng – Tưởng là ông hóa ra thằng ăn dơ”.

Trần ngôn (trần ở đây có nghĩa là bộc lộ, bày tỏ) chẳng qua chỉ một thứ vè viết lên giấy dán ở cửa đình. Nhưng chẳng phải bước đầu nó đóng vai trò một thứ báo chí theo nghĩa hẹp nhất, một thứ sách trắng? Một mô hình có từ thời làng xã, được tiếp nối khi văn hóa phương Tây tràn vào?

Nó chứng tỏ xã hội đã hình thành một nhu cầu là phải có những thông tin về chính mình. Có điều loại thông tin tự phát này dù dưới dạng truyền khẩu hay đã viết ra đều dễ bị làm hỏng. Nó giống như một khoảng trắng, ai muốn bôi bẩn thế nào cũng được. Thiếu sót rõ nhất của những lời đồn thổi, là người ta không sao xác minh được rõ ràng. Tự nhiên nó lại dễ trở thành công cụ để người ta hại nhau.

Sự phát ngôn của số đông người trong các “hương đảng tiểu triều đình” vậy là chưa trưởng thành đã tha hóa. Nó sớm là đất để bọn cường hào tha hồ thao túng. Còn lâu một dư luận lành mạnh sáng suốt mới có thể xuất hiện.

Không phải ngẫu nhiên lại xảy ra tình hình ấy. Xã hội nào thông tin vậy. Xã hội lúc đó quá trì trệ. Đã tồn tại dai dẳng cả một cơ cấu bùng nhùng, cộng đồng thì vật vờ xiêu vẹo mà cá nhân cũng chưa thành hình. Người ta không có ý niệm chắc chắn về sự cùng sống cùng tồn tại. Rất khó khăn là việc hình thành cho được những chuẩn mực chung. Các quy phạm xử thế quá tùy tiện, ai mạnh áp đặt thì cộng đồng phải theo. Con người chỉ lấy việc chiều chuộng bản năng làm hứng thú.

Như thể tất cả chìm trong bóng tối. Mà trong bóng tối người ta vừa thờ ơ lảng tránh nhau lại vừa dòm hành soi mói nhau, đồn thổi về nhau, tung tin hại nhau, nghĩa là lợi dụng bóng tối đó mưu lợi riêng. Một cách gián tiếp, mọi người thầm mong bóng tối kéo dài mãi. Đây là một thực tế nối tiếp trong lịch sử.

Sách Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam kể rằng ở hương ước nhiều làng có ghi rõ đàn ông cũng như đàn bà khi gặp viên quan sai trên phái về hỏi, thì việc gì cũng phải bảo là không biết. Nếu máy mồm trả lời, “bản xã phát hiện ra sẽ phạt nặng”.

Ấn tượng chung như vậy là sự bưng bít. Một cái gì chỉ mới gần giống dư luận, mà đã bị chặn từ trong trứng, tại sao? Bởi người ta thừa biết người ta xấu, nên phải chặn. Có thể làm cách nào để thay đổi việc này không? Có cách nào để thông báo về những bất công sai phạm? Người xưa đã định làm thử, mà làm hẳn trên phạm vi rộng.

Sách Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng kể, thời Trịnh Doanh, chúa đã cho đặt một ống đồng ở cửa phủ để ai có việc gì oan khuất, hoặc thấy ai hư hỏng – nhất là quan lại tham nhũng, thì viết thư bỏ vào đó, cứ năm ngày một lần trình lên chúa.

Nhưng sau xem lại người ta ngớ ra, phần lớn những lời kêu oan và tố cáo là không đúng, nên hình thức này bị bỏ luôn. Tức là người dân đã làm hỏng luôn cơ hội có một dư luận sáng suốt của cộng đồng mình.

Thiên truyện của Nam Cao có một cái kết ngồ ngộ. Cuối truyện, Lý Nhưng bại nên ức lắm, tìm bằng được mộ tổ nhà khóa Mẫn đái vào một bãi thì mới yên lòng. Đọc lên người ngày nay không khỏi cười thầm. Trong tình trạng dân trí như vậy thì còn hy vọng gì vào việc thay đổi nữa!

Thứ Năm, 19/6/2008 saigon times online

16/12/2008

“ TA “ VÀ “NGƯỜI “

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:06

Hồi gần tết , trên một tờ báo điện tử có bài Công chức VN nên ghi lại nhật ký công việc . Sở dĩ phải đặt vấn đề nh­ư vậy là vì , nh­ư ng­ười ta viết trong bài , “ Tình trạng chung hiện nay là thậm chí lãnh đạo trực tiếp cũng không biết chắc chắn công chức dư­ới quyền mình làm gì trong giờ hành chính “ . Lãnh đạo trực tiếp nói ở đây , tức là ng­ười phụ trách những cơ quan nhỏ , cơ quan cấp hai ; chứ không phải các đầu mối lớn , gọi là cơ quan cấp một , ở đó , nói tới sự sâu sát càng khó .
Thế nh­ưng ngay lập tức một câu hỏi đ­ược đặt ra : Liệu có làm đư­ợc thực sự ? Hay là chỉ ghi cho có chuyện , ghi dối ghi dá , cốt để đối phó với nhau và chỉ ba bảy hăm mốt ngày là đâu đóng đấy , không ai biết việc của ai cả ?!
Có vẻ nh­ư ngay khi đặt cho bài viết cái tên nên ghi lại nhật ký , thì ng­ười ta cũng đã tự tố cáo là biết việc đáng làm đấy , như­ng có nhất định làm đ­ược không thì không dám chắc . Lại nhớ hồi chiến tranh , mọi chuyện phải bí mật , nhiều khi cơ quan ở đâu , không đư­ợc nói , đư­ợc chi bao nhiêu , không đ­ược biết , ai đang làm gì , không đ­ược hỏi . Hình nh­ư cái tình trạng ấy hôm nay vẫn ch­ưa dứt hẳn .

Năm 1984, đến một nông tr­ường trồng chè ở Tuyên Quang tôi mới đư­ợc biết là chè mình xuất sang Nga ,Ân Độ chỉ là phụ gia , cho ngư­ời ta trộn thêm vào , chứ thực ra chè ta không tồn tại độc lập . Nó nh­ư ng­ười không có mặt .
Giờ đây nghe tin : Mới chỉ có 25% hàng hoá Việt Nam đạt tiêu chuẩn hàng hoá quốc tế và khu vực (VietNam Net 18-2) .
Hôm qua đọc VNExpress lại nghe nói rằng làm ăn theo kiểu hiện nay tức là mình toàn đi xuất khẩu hộ ngư­ời . Ví dụ một ngành ăn nên làm ra của mình là ngành dệt may . Như­ng do gần như­ toàn bộ nguyên liệu là đi nhập nên sau khi cặm cụi cắt may là ủi đóng hộp …, tính kỹ ra trung bình xuất đ­ược 5 đô la , thì thu về thật ra có vài cent ( tư­ơng tự nh­ư 5 đồng thì thu về vài hào ).

Hơn bao giờ hết , ngư­ời n­ước ngoài có mặt trên đất này ngày càng nhiều . Tây có mặt trên mọi quãng phố . Tây tràn cả về nông thôn . Tây có mặt ở các đám hội lễ . Tây có mặt trong các cuộc hội thảo hội nghị , ở đó họ cùng chúng ta bàn bạc mọi chuyện .
Có những chuyện tôi cứ muốn quên đi mà không sao quên nổi .
Một là , có lần viện Gớt ở Hà Nội mở cuộc trao đổi về phư­ơng án cải tạo phố cổ ở Hà Nội . Họ mời đ­ược cả các chuyên gia từ Pháp , Singapore sang . Chỉ riêng có cán bộ quản lý của thành phố và khu phố sở tại đ­ược mời thì không thấy đến .
Câu chuyện thứ hai liên quan đến ngôi nhà của cơ quan văn hoá X . đ­ược xây dựng từ hồi Pháp thuộc và nay đã quá cũ . Một đoàn khách Pháp đến tham quan , họ ngỏ ý sẽ về Pháp vận động để gây quỹ xây lại ngôi nhà đó . Bên ta đồng ý . Nh­ưng đến khi họ đề ra kế hoạch cụ thể là sẽ cử thợ bên ấy sang xây dựng từ đầu chí cuối cho đến khi hoàn thành , chìa khoá trao tay thì phía ta , cơ quan chủ quản nhất định không nhận . Họ không sao hiểu nổi . Chị D . là ng­ười phiên dịch cho những cuộc trao đổi giữa hai bên khi kể với tôi chuyện này chỉ nhẹ nhàng giải thích :
— Có gì đâu , chờ ít năm , thả nào trên bộ cũng có chỉ tiêu cho cơ quan ít ra là vài trăm triệu để xây dựng . Mà ta làm với ta thì thả nào bên B. chả lại mặt cho bên A. ít nhiều . Chứ để ngư­ời ta xây cho thì còn cấu véo đ­ược chút gì ? Từ chối thế lại đ­ược cái tiếng !

Đang trong những ngày đầu xuân , nhiều nưg­ời đã nghĩ tới việc hè này đi nghỉ ở đâu . Tr­ước chỉ lo nghỉ ở trong n­ước . Mấy năm nay , số ngư­ời đi Âu châu đã đông hơn hẳn . Bà K. chị họ tôi cũng ở trong số đó . Bà đi từ năm ngoái kia . Nh­ưng đáng ngạc nhiên là câu chuyện bà kể sau chuyến đi:
— Nói ra thì không ai tin , nh­ng quả thật vừa sang đã chỉ muốn về . Con cái nó toàn mải đi làm , chứ có phải lúc nào nó cũng dẫn mình đi chơi đư­ợc đâu. Mà có đi chơi cũng chán , cái gì cũng lạ . Tiếng tăm không biết , chả còn thấy cái gì là hay. Giá kể ở nhà xem Ti – vi có khi còn kỹ càng hơn. Chú không biết chứ , nghe tin tôi đ­ược về trư­ớc mấy tuần , bà M. cùng đi khóc thút thít : Bao giờ tôi mới đ­ược về ?
Nghe nói nhiều cô cậu con nhà giàu đ­ược cha mẹ cho đi du học sang ít lâu lại trốn về . Thì ra ở đấy phải học cẩn thận chứ không dùng tiền mua bằng kiếm điểm đ­ược . Lại không đ­ược tự do chơi bời . Thế thì về có phải s­ướng hơn không ? Với các cô cậu ấy , n­ước mình mới thực là thiên đ­ường !

Đã in Nông thôn ngày nay
số ra 7-3-05

Độc đáo với bất cứ giá nào !

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:54

Nếp sống nếp nghĩ
Lâu nay tôi không phải là khán giả thư­ờng xuyên của chuyên mục Gặp nhau cuối tuần trên VTV3 , ấy vậy mà nhân ngẫu nhiên đ­ược vợ con rủ xem chư­ơng trình mang tên Hội ơi là hội (tối 30-3 ), lại thấy phục sát đất . Chuyện kể về một làng nọ làm hội . Làm nh­ư thế nào ? Nói nôm na là không có cũng vẽ ra mà làm . Tính chuyện bắt ch­ước ngư­ời khác ( ai đó đạo văn , đạo nhạc thì ở đây ngư­ời ta sẵn sàng đạo hội ) . Thấy các làng khác có chọi trâu chọi gà thì nghĩ ra việc …chọi lợn . Phỏng theo lối đấu bò ở Tây Ban Nha, ng­ười ra đấu ngồi xổm trên mặt đất tay cầm miếng vải đỏ khiêu khích lợn , tay kia cầm cái gì na ná nh­ư cái khiên để tự che đỡ . Không ai là nhịn c­ười nổi !
Ngay sau tiếng cư­ời , cố nhiên , màn kịch cũng luôn tiện làm cho ng­ười ta đau lòng . Con ng­ười ở đây hiện ra trong một tình trạng thảm hại : Mang quá khứ ra để làm thư­ơng mại . Kiếm ăn với bất cứ giá nào. Ma mãnh đủ kiểu . Nhân danh một mục đích tốt đẹp , tự cho rằng có gian dối một tí rồi thần phật cũng tha bổng cho hết .
Nghĩ lại thì chẳng qua cái sự làm liều nghĩ ẩu ở đây đ­ược bắt đầu từ một nguyện vọng có vẻ rất chính đáng . Đó là muốn gây ấn t­ượng với ng­ười . Song do chỗ trong thâm tâm thừa biết mình kém sẵn , và không bao giờ có thể bằng ng­ười , nên chỉ còn cách tạo ra sự độc đáo . Rồi nhận ra đây là ngón võ có vẻ hiệu quả , ng­ười ta còn hùa nhau nâng nó , cái sự độc đáo ấy , lên thành lý luận : sùng bái nó , cho nó là quan trọng nhất trên đời , và lo đi tìm nó bằng đ­ược , — kể cả đến lúc bí , phải dùng tới cách tầm th­ường nhất , và bản thân thư­ờng lên tiếng chống đối mạnh mẽ nhất , đó là nhập khẩu những cái cực kỳ xa lạ từ n­ước ngoài .
Chỉ cần độc đáo là có giá trị , cái lầm lỡ tai hại ấy , kỳ lạ thay , lại đang lan tràn nh­ư một căn bệnh . Trong việc này bọn tôi cũng có một ít kỷ niệm . Hồi đó là vào khoảng đầu những năm sáu m­ươi , một số thanh niên mới tập viết cũng có cái lối đi tìm bằng đ­ược sự độc đáo để gây ấn tư­ợng . May mà các bậc đàn anh đã sớm nhắc nhở . Còn nhớ nhà thơ Xuân Diệu từng giảng rất hay về chuyện này . Với lối nói riết gióng của mình , ông bảo nên nhớ là hai con lợn khác nhau cũng mỗi con một cá tính , nghĩa là chẳng con nào giống con nào ; vậy đừng có lẫn cá tính với cá tật … Sự độc đáo chỉ đáng ghi nhận khi nó là dấu hiệu của một giá trị chân chính .
Nói cho vui , không chừng cái làng Cự Phách trong ch­ương trình Hội ơi là hội đã ăn phải đũa bọn tập tọng học nghề chúng tôi mấy chục năm tr­ớc . Trong bụng ­ước có một Xuân Diệu để nhắc nhở , song lại nghĩ , một khi cả làng cả xóm bây giờ đã mê muội vậy , chắc ông Xuân Diệu có tái sinh cũng phải giơ tay đầu hàng !

Đã in Thể thao và văn hoá
số ra 6-5-05

Một lần Lỗ Tấn nổi cáu

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:14


(TBKTSG Online) – Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Sử Trung Quốc, có kể lại một mẩu chuyện nhỏ. Khoảng năm 1920, nhà triết học Anh Bertrand Russelltới tham quan cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu.

Trời nắng gắt, bọn phu khiêng kiệu cho ông leo những đường dốc hiểm trở để lên một ngọn núi. Thấy họ vất vả, ông tỏ ý thương hại. Nhưng ông lấy làm lạ là đến lúc ngồi nghỉ, họ liền lấy thuốc ra hút rồi cười đùa ầm ĩ, tưởng như đời hạnh phúc lắm. Và ông khen ngợi, cho là họ biết sống.

Nghe được chuyện này, Lỗ Tấn bực lắm, trước tiên là vì những lời khen của ông bạn ngoại quốc.

Lỗ Tấn mai mỉa: “Tôi không rõ khi khen vậy, ông ấy muốn nói gì”. Và tác giả AQ bày tỏ ý muốn nhìn thấy ở những người phu kiệu cách phản ứng khác: “Tôi chỉ biết một điều là nếu những tên phu đó biết đau đớn về thân phận của mình thì Trung Hoa đã thoát khỏi cảnh điêu đứng từ lâu rồi”.

Ai đã từng ra nước ngoài đều biết, ghé lại đất nước nào đó ít ngày, phải cố ý tránh cho mình mọi phiền phức. Cái lối ban phát lời khen vô tội vạ, do đó, là rất phổ biến, vì “có mất gì của bọ đâu mà bọ tiếc”. Một sự nghi ngại như của Lỗ Tấn không phải là vô lý.

Tuy nhiên phải nhận ai cũng thấy cái cách phớt lờ những chuyện không được như ý, vui cười trước mọi vất vả, càng khổ càng cười mạnh – đấy là một cách nghĩ thông thường đã có từ ngàn đời nay. Không những nó có ở phương Đông mà có cả ở phương Tây. Nó chỉ là một phương thức giúp người ta tự vệ. Ai chưa có cũng muốn học!

Thành thử tôi cũng không dại gì mà bài bác những tiếng cười thỏa hiệp hiện đang khá phổ biến.

Chỉ có điều trong thực tế hiện nay, không phải mọi người dừng lại ở chỗ ấy. Hình như chúng ta đang mải cười quá. Cười để khỏi phải nghĩ. Cười để lảng tránh thực tế nó đang không được như ta mong muốn. Cười để cào bằng hay dở tốt xấu, xí xóa mọi chuyện. Cười để “ra cái điều” mình bất cần đời. Tiếng cười trong nhiều trường hợp đã trở thành một thứ hành động vô cảm. Và vô trách nhiệm nữa.

Tới lúc này thì tôi lại thấy Lỗ Tấn là rất có lý.

Sinh thời Lỗ Tấn vốn nổi tiếng với tinh thần phê phán xã hội. Không những ông phê phán giai cấp thống trị mà phê phán luôn cả đại chúng nữa. Các tài liệu nghiên cứu về xã hội và con người Trung Quốc hiện đại đều ghi nhận Lỗ Tấn là người đi đầu trong việc chỉ ra cho quốc dân những tính cách đáng chê trách của người Trung Quốc. Liên quan tới đám đông, bộ phận dưới đáy của xã hội, thái độ của ông thu gọn lại trong công thức “ái kỳ bất hạnh nộ kỳ bất tranh”, hàm ý ông thông cảm với những đau đớn của họ, nhưng giận vì họ nhát, hèn, không dám tranh đấu.

Sự bực bội mà Nguyễn Hiến Lê kể lại nói trên là nằm trong cái mạch xử thế nhất quán của Lỗ Tấn.

Cần nhắc lại câu chuyện trên vì có vẻ như đến nay nó vẫn còn ý nghĩa. Sự bất mãn trước thực tế vốn không phải là độc quyền của con người bất cứ thời đại nào, xứ sở nào. Thậm chí còn có thể nói là xã hội càng đi lên thì người ta càng cảm thấy sự không hoàn thiện của nó. Tình trạng mệt mỏi nhanh chóng xảy ra.

Một thời để mất (1995) là tên một cuốn sách viết về Nguyên Hồng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Hiện lên trong sách là một Nguyên Hồng về già đau khổ trước bao điều chướng tai gai mắt và sự bất lực của bản thân cũng như chung quanh. Không phải ông không biết như thế là chưa hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn, nhưng làm cách nào để thay đổi thì ông chịu. Bùi Ngọc Tấn đặt vào đoạn kết một kỷ niệm. Lần ấy tác giả Bỉ vỏ đến thăm, ông đang nằm trên giường đọc sách, bỗng nhỏm dậy vì một câu nói trúng ý mình:

– Tấn ơi! Làm gì đấy. Nghe đã nhé. Đây là câu kết một vở kịch Ba Lan. Nhân vật chính quay ra nói với khán giả: “Các bạn có biết vì sao người ta nói dối không? Có hai lý do. Thứ nhất: Người ta sợ nói khác mọi người. Thứ hai: Người ta mệt quá rồi”.

Sự mệt mỏi đã là một thứ bạn đồng hành bất đắc dĩ mà còn sống ta còn phải chịu đựng.

Khi bị đẩy đến mức cao nhất, sự mệt mỏi thường xuyên này trở nên một tác nhân làm tha hóa con người. Người ta hoặc là nói dối như trong vở kịch Ba Lan nói trên, hoặc là chỉ còn biết cười, cười để lảng tránh.

Một mặt phải chấp nhận rằng nó – sự tha hóa này – cũng là một cái gì tự nhiên, một phản ứng nhân bản, với nghĩa là ở đâu con người cũng tìm cách để… yên tâm và sống sót.

Nhưng mặt khác, sẽ là nhân bản hơn, nếu chúng ta đặt vấn đề yêu cầu cao ở con người: không để thực tế kéo mình thấp xuống, duy trì sự bất mãn chính đáng và tìm tới những suy nghĩ và hành động thích hợp, tức phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đấy mới chính là cách vượt lên trên sự mệt mỏi và tiêu hóa nó một cách hiệu nghiệm nhất. Cười là cần nhưng cái suy nghĩ sau đó lại còn cần kíp hơn hẳn một bậc.

Thứ Bảy, 9/2/2008 saigon times online

13/12/2008

Tâm lý tiểu nông

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 06:29

Chỉ cần đứng ở các đầu ô, theo dõi sự giao lưu hàng hóa trên con đường nối Hà Nội với các tỉnh, người ta cũng sớm nhận ra thực chất các mối quan hệ giữa đô thị với các vùng nông thôn chung quanh trong thời điểm hiện nay.

Đổ lên phố xá, chỉ thấy gạo nước, những bu gà (trước đây còn cả những con lợn đã mổ), những xe thồ chở rau kềnh càng, hàng đoàn xe đạp ngất nghểu cây cảnh. Xuôi đi các tỉnh thì trăm thứ hầm bà lằng, vải vóc, quần áo, đồ điện, thuốc tây,… và cả những đồ chơi trẻ con.

Ngày xưa có ai đi mua diều để thả bao giờ? Bố khéo tay thì làm cho con con diều. Thô sơ, mộc mạc, nhưng mà đúng “cây nhà lá vườn” và hợp với khung cảnh quê mình. Ngày nay, mùa hè, diều từ Hà Nội đưa về là diều nhựa, xanh xanh đỏ đỏ, ai cũng biết là nhập từ Trung quốc.

Kiểu quan hệ hai chiều như thế, kể ra, cũng là một bước phát triển. Nông thôn đang được hưởng nhiều thành tựu của công nghiệp.

Chỉ phiền một nỗi, nông thôn lao động đã thừa, giờ đây càng thừa thêm. Những ngày nông nhàn, ngoài việc chạy chợ, người ta không biết làm gì. Thị trường cổ truyền bị thu hẹp. Người làm nghề phụ đang mất đất ngay trên quê hương mình.

Tôi không ngớ ngẩn đến mức đề nghị bịt đường, không cho hàng hóa thành thị về nông thôn. Tôi chỉ ước ao thực hiện cái điều nhiều người đã biết, là làm sao các nghề phụ ở nông thôn được tổ chức lại, từng vùng có mặt hàng riêng, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập (nếu không tốt hơn, đẹp hơn, thì cũng rẻ hơn, vừa túi tiền hơn). Nó là chuyện giải quyết lao động thừa. Nó lại cũng là một cách để giữ gìn một số làng nghề truyền thống và nhìn rộng ra, là giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Có điều, đây là cả một quy trình phức tạp. Phải có vốn. Phải có kỹ thuật mới. Phải tạo được mô hình hoạt động thích hợp… Và trước tiên những người làm nghề phải có ý thức kết hợp với nhau.

Nhưng đây đang là một tử huyệt của chúng ta. Nghĩa là muốn làm lắm mà không làm nổi. Không ai bảo được ai. Không ai thấy người khác hơn mình, không ai tin sự chí công vô tư ở những người được bầu ra quản lý. Trong bụng ai cũng ngại.

“Nền sản xuất của chúng ta hiện trong tình trạng quá manh mún. Nếu không được tổ chức lại, chúng ta rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”. Còn nhớ từ hồi chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, các nhà kinh tế đã cảnh báo như vậy. Nhìn vào ngành nào tôi cũng thấy họ cùng một giọng tiên đoán: “Nếu các công ty du lịch của chúng ta không liên kết lại, làm sao mở rộng hoạt động…”; “ Nếu các điền chủ Việt Nam không liên kết lại, làm sao cạnh tranh nổi với hàng nông sản nước ngoài”.

Nhưng những lời kêu gọi ấy trước sau đều rơi vào quên lãng. Một lần đọc báo thấy nói các công ty trong nước mang thanh long sang nước ngoài bán. Lúc đầu mọi người còn bảo nhau thống nhất giá. Sau một vài người đi đêm với khách, bán phá giá. Thế là người mua càng được dịp bắt chẹt ép giá.

Cụm cảng Sài Gòn hiện nay gồm nhiều cảng nhỏ, số lượng đâu đến mấy chục cái (!). Nhưng toàn những cảng chỉ đón được tàu vài chục ngàn tấn. Hệ thống cảng của ta đang xảy ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Trong hoàn cảnh thế giới sử dụng toàn tàu lớn thì số cảng như thế không thừa sao được? Song lại vẫn là thiếu vì các loại tàu từ trăm ngàn tấn trở lên muốn chở hàng vào Việt Nam, thường phải đổ hàng ở cảng lớn của các nước bên cạnh, như Singapore, rồi “tăng bo” qua Việt Nam. Trong cảnh ế hàng, các cảng tí xíu phải hạ giá để mời khách hàng chiếu cố, và giữa các cảng có sự giành tranh khách rồi lườm nguýt nhau đến khổ.

Không chỉ trong sản xuất, căn bệnh làm ăn lẻ và nếp sống rời rạc “anh hùng nhất khoảnh” cũng đang chi phối cả xã hội và nó tác oai tác quái hàng ngày. Nhiều con đường, anh giao thông vừa làm xong, anh điện lại ra đào lên để đặt đường điện, anh nước san lấp để đặt ống nước. Hàng hóa lúc thiếu thì mua tranh bán cướp, nhưng vừa cảm thấy thừa là đua nhau bán phá giá. Mỗi bộ mỗi ngành một luật lệ riêng, người dân vào đâu lại phải lựa đấy. Nếu những ví dụ tương tự như trên có thể nêu ra rất nhiều thì câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta khó hợp tác với nhau đến vậy. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc không chỉ các nhà kinh tế, mà các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội cũng cần phải có mặt.

Lại nhớ một nhận xét của K. Marx về người nông dân sản xuất nhỏ lẻ: Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải. Đúng là giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống. Đôi khi người này tưởng rằng người kia là nguyên nhân của mọi bất hạnh của mình. Và chen cạnh nhau, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập đau đớn mới thôi. Có thể khoác đủ mọi tên gọi khác nhau, song thứ tâm lý tiểu nông này đã tồn tại dai dẳng và làm nên tình trạng “ta hại mình”, níu kéo, kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội.

Thứ Bảy, 29/11/2008 saigon times online

Những lối đoạn trường

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 06:21

Thư viện quốc gia Hà Nội hàng tháng thường có những buổi nói chuyện về đủ loại vấn đề đang được dư luận quan tâm. Một ngày hè năm 1976, tôi có dịp được nghe một buổi nói chuyện như vậy mà diễn giả là kỹ sư Trần Đại Nghĩa.

Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, ông cũng như nhiều người nghĩ nhiều đến sự phát triển kinh tế, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

Bấy giờ nước Nhật còn là cái gì xa xôi lắm. Trần Đại Nghĩa kể, ở Tokyo các kỹ sư đứng ở ngã tư để nghe mọi người phát biểu về kinh tế, ai nói họ cũng ghi để tham khảo, ai nói hay họ còn trả tiền. Quay về mình, ông bảo đừng ỷ vào tài nguyên mà phải dành nhiều quan tâm cho chuyện quản lý, không quản lý tốt thì nền kinh tế không khác gì thùng không đáy.

Đất nước được quản lý kém thì có độc lập cũng chỉ là độc lập hờ, độc lập giả. Nước mình lạ lắm, càng những ngành then chốt càng lạc hậu, ông nói tiếp. Về hướng phát triển, ông gợi ý đủ thứ, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn.

Chuyện nhỏ (đúng ra phải nói “có vẻ là nhỏ”) đào tạo công nhân lành nghề khó lắm, thợ hàn cao áp ở Việt Nam đào tạo 100 người chỉ đậu được bốn người. Chuyện lớn (cái này thì lớn thật), phải hiện đại hóa về giao thông và thông tin. Phải tiêu chuẩn hóa mọi chuyện. Tiêu chuẩn hóa là công cụ để đạt tới hiệu lực, biến khó thành dễ.

Một điều lạ nữa với chúng tôi là ở chỗ, tuy làm khoa học kỹ thuật, nhưng Trần Đại Nghĩa lại xem trọng khoa học xã hội. Ông báo động là cả nước có 50 triệu người mà gần như không có ai nghiên cứu tâm lý. Hiểu và xử lý đúng tâm lý xã hội, tâm lý nhân dân không tốt thì quản lý kinh tế cũng không tốt.

Tổng quát hơn, ông nói đến việc mình phải minh bạch với mình, rành mạch với mình. Bấy giờ là những năm tháng đầu tiên sau chiến tranh nên cái sự giấu giấu giếm giếm còn tạm tha thứ được. Song, Trần Đại Nghĩa đã thấy đủ những tai hại mà cái lối “gì cũng coi là bí mật” ấy gây ra. Theo Trần Đại Nghĩa, trong quản lý xã hội, phải xác định bằng được số liệu chính xác. Vì đây là bước đầu để đi tới mình hiểu rõ được mình, tự xác định được vị trí của mình trên thế giới.

“Đất nước được quản lý kém thì có độc lập cũng chỉ là độc lập hờ, độc lập giả”.

Trần Đại Nghĩa

Lần giở lại những trang ghi chép được hôm ấy, tôi thấy nó giống như một lời tiên tri. Bởi nó đúng quá, đúng cả với “thời gian lớn” là hơn ba chục năm nay, cả với “thời gian nhỏ” là khoảng dăm bảy năm nay. Cả cái cách nó bị quên lãng nữa chứ! Và tôi thầm nghĩ sao lịch sử oái oăm vậy, những suy nghĩ đúng thì không được thực hiện, những cảnh báo đúng thì không được đề phòng, khiến cho đất nước cứ ì ạch mãi, chưa bứt phá lên được.

Lúc này báo chí đang đăng tải nhiều ý kiến liên quan tới tình hình lạm phát. Nhân đó thử nêu ra những “cách đọc” khác nhau với nền kinh tế. Không kể nhiều chuyên gia nước ngoài, ngay các nhà chuyên môn trong nước cũng nêu được nhiều sự lý giải rất xác đáng. Có người nói nhiều ngành kinh tế của ta đang trong tình trạng học việc mà lại học không đến nơi đến chốn, ngân hàng thì có cái như tiệm cầm đồ cho vay. Vừa rồi có chuyện nông dân nuôi cá ba sa lao đao vì không bán được hàng, còn doanh nghiệp xuất khẩu thì không vay được tiền để mua cá.

Tôi lại nhớ cái buổi nói chuyện hơn ba chục năm trước của Trần Đại Nghĩa.

Hàng ngày có nhiều việc khiến tôi hối hận. Ai mà chẳng thế, có làm là có sai. Nhưng tôi nhớ nhất một số trường hợp rất lạ, trước đó mình đã nghĩ đúng rồi, vậy mà khi bắt tay hành động, vẫn lầm lỡ thảm hại. Những lần như thế khiến tôi đau xót và tiếc nuối bội phần. Tại sao mình lại đổ đốn vậy? Do dốt một phần. Nhưng tôi nghĩ đến một thủ phạm nữa là những thói quen cũ không chế ngự nổi.

Để chỉ cái tình trạng lưỡng phân rất đáng tiếc này, người xưa có nhiều cách nói thú vị: “Hòn chì thì mất hòn đất thì còn, Hoa thường hay héo cỏ thường tươi, Răng cắn phải lưỡi”. Nghe hơi tục thì có câu “Miệng khôn trôn dại”. Nhưng tôi thích hơn cả là câu trong Truyện Kiều: “Ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những lối đoạn trường mà đi”. Đoạn trường ở đây có nghĩa là đứt ruột. Có những lầm lỡ làm người ta tiếc đến đứt ruột, và e sợ hình như ở đây đã có vai trò của ma quỷ.

Cá nhân mắc nạn loại này đã đau lắm rồi. Đến như cả cộng đồng cả xã hội, nếu không tránh được, thì sự đời chẳng phải là oan nghiệt quá sao?

Thứ Bảy, 27/9/2008 saigon times online

12/12/2008

Những ý nghĩa mà các thi sĩ Việt Nam đã tìm thấy ở rượu

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:28

Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta
Có thể coi mấy câu thơ ấy của Tú Xương là một cách hiểu phổ biến về rượu trong các nhà thơ cổ, từ thế kỷ XX về trước. Uống thì các vị vẫn uống, rồi lại liền ngay đấy cười cợt chế giễu cái sự ham hố buông thả của mình. (Say sưa nghĩ cũng hư được – Hư thời hư vậy, say thời cứ say – Tản Đà). Bảo các vị đạo đức giả e hơi quá! Chẳng qua thời buổi bấy giờ buộc người ta phải thế, phải ra mặt áp chế những ham muốn của mình, phải yên phận sống trong đạm bạc, khổ hạnh. Và để sống tự nhiên mà vẫn tận hưởng mọi niềm vui trần thế, người ta chỉ có cách phân thân nói một đàng làm một nẻo.
Nhưng cũng ngay từ thời phong kiến, trong thâm tâm nhiều thi sĩ rượu đã là một cái gì tốt đẹp hơn nhiều. Rượu là sinh thú của cuộc đời. Là niềm hoan lạc. Là lý do khiến cho đời đáng sống, cũng tức là cái kỷ niệm còn sót lại của một linh hồn sau quãng đời trầm luân, khổ ải. Về phương diện này, bài thơ sau đây (mà tương truyền là của Phạm Thái) đã là một thứ tuyên ngôn:
Sống ở dương gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp kè kè
Diêm Vương phán hỏi mang gì đấy
– Be!
Bước sang thời hiện đại, các thú lăng nhăng ngày một nhiều, song đóng vai trò chủ đạo, vẫn là ba món Tú Xương đáng kể, và rượu rõ ra là một món vừa thông dụng, vừa cao quý. Trong số các thi sĩ Việt Nam, Tản Đà có lẽ gần với Lý Bạch hơn cả. Với ông, rượu là bè bạn, là môi sinh. Ông ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, viết báo khi say và tiếp khách ở toà soạn bằng cách mua thức nhắm về làm với nhau một bữa rượu. Vậy mà ông vẫn viết đều đều, sức vóc ông trong nghề viết là sức vóc một đại lực sĩ, ngoài thơ – truyện, ký ông viết cũng tài, mà làm báo cũng một tay bợm! Những bài thơ sảng khoái ca tụng rượu nhiều lần xuất hiện dưới ngòi bút Tản Đà đánh dấu thời kỳ người ta không còn cảm thấy tội lỗi khi hưởng thụ, cũng không phải phân thân nói một đàng làm một nẻo nữa. Có điều thú vị là tự mình uống nhiều đã đành. Tản Đà còn muốn mọi người cùng uống:
Yêu cầu cho khắp mọi nhà
Rượu ty bãi hết rượu ta cất tràn
Tránh cho dân nỗi lầm than
Bã chôn, men giấu, nhà đoan phạt bừa
Tha hồ rượu sớm trà trưa
Nghiêng trai dốc chén say sưa tối ngày.
ở Lưu Trọng Lư, rượu tượng trưng cho cuộc sống phóng túng của một lãng tử. Trong bài thơ nổi tiếng mang tên Giang hồ có tới mấy lần ông nhắc đến rượu mà lần nào cũng chứa chan tình cảm:
– Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn

– Để lòng với rượu cùng say
– Giờ này còn của đôi ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người.
Trần Huyền Trân làm thơ không nhiều, nhưng có những bài như là rưng rưng trong hơi rượu. Nhà thơ có cái bút danh khăn yếm (chữ của Tô Hoài) từng có những cuộc uống rượu ly biệt với Tản Đà và Lê Văn Trương. Thơ ra đời trong những lúc ấy. Khi mời mọc nhau, ai cũng muốn uống thật nhiều, vì thấy bao nhiêu cũng là không đủ.
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.
Khi sảng khoái, nao nức không cần đến rượu bởi biết lúc nào uống cũng kịp, còn uống với nhau vào những dịp khác.
Thôi đợi mùa nao trái chín lành
Tóc này về rúc với râu anh
Bấy giờ hắt toẹt ba chum rượu
Cười kể tâm tình thuở tóc xanh
Tóm lại, với Trần Huyền Trân, rượu là kỷ niệm tình nghĩa bạn bè, là chất men nồng mang lại chút ấm áp trong cuộc đời lạnh giá.
Với một thi sĩ khác là Thâm Tâm thì còn hơn thế, con người càng uống càng tỉnh này nhìn cuộc đời cái gì cũng có liên quan tới rượu. Với ông, rượu trở nên một thứ ngôn ngữ thường trực. Ông nhìn mưa bay bằng con mắt ấy:
Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu
Nhìn cả cuộc đời thoáng qua bằng con mắt ấy:
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
Hầu như toàn bộ thơ Thâm Tâm là tinh hoa chắt ra từ “Cái sống ngang tàng quen bốc men”. Thơ viết bằng rượu. Rượu làm nên thơ. Còn có vinh dự nào hơn?

10/12/2008

Cây cối thưa thớt

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 11:08

Thuở nhỏ, thằng cháu tôi tên H vốn thích theo các bác các chú về quê, và nay đã ngoài 20, nó vẫn thường được bố mẹ uỷ quyền khi có mặt ở đám giỗ này, khi mừng đám cưới nọ. Thì sẵn xe máy, chỉ vèo một cái, độ tiếng đồng hồ là tới. Lần nào ở quê ra, nó cũng kể cho tôi nghe một vài nhận xét về cái quê gốc của tôi, một làng nghề nổi tiếng ở xứ Kinh bắc. Nhưng chưa bao giờ, tôi thấy nó nêu ra một nhận xét kỳ cục, như cái lần mới đây:
– Cậu ạ, hoá ra nhà quê bây giờ nóng hơn cả Hà Nội.
– Mày nói gì lạ?
– Không có gì lạ, thưa cậu! Trưa nóng quá, người mệt rũ, mà không nhắm mắt ngủ được, ra ngồi vỉa hè, cháu mới để ý: Hoá ra bây giờ làng xóm cây cối thưa thớt quá. Có ít cây cũ thì chặt trụi đi, chưa kịp trồng lại. Cứ bảo làng xóm là ở sau luỹ tre xanh, chứ bây giờ nhiều làng có luỹ tre đâu! Trên đê nhìn xuống, chỉ thấy san sát mái ngói với lại mái bằng. Có mấy cái ao, cũng lấp hết cả, lấy đất xây nhà. Có chút gió đồng thổi vào, thì phải lách qua cả đống bê tông, cậu bảo không nóng sao được?
Có thể cái cách đánh giá của thằng cháu tôi “quê nóng hơn cả Hà Nội” có phần không được khách quan. Chẳng qua là ở Hà Nội, nóng quen đi rồi, còn khi về quê, hy vọng có chút gió mát lại không có, nên nó nói quá lên thế. Nhưng đằng sau cái quá đáng ấy, khôg phải không có một chút sự thực. Là trong giai đoạn bung ra làm ăn xây dựng hiện nay, một số làng xóm nông thôn đang mất đi sự hài hoà vốn có. Đặc biệt là cây cối, loại cây lưu niên, không được chú trọng vun trồng. Cấu trúc bền vững của làng xóm xưa bị phá tung ra, cảnh quan mới hình thành luôn luôn ở tình trạng dang dở, chắp vá. Nếu đúng như thế, thì đó chẳng phải chỉ là nỗi đau của người ở làng, mà còn là nỗi buồn của chúng tôi, những kể xa quê song bao giờ cũng nghĩ về quê như một miền đất thanh bình yên ả. Cái nóng ở quê bao giờ cũng khó chịu đựng

Những chấn thương tâm lý hiện đại

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:44

Nghe báo chí nói tới đã lâu, song mãi tận kỳ vào Sài Gòn hồi tháng 6 vừa qua, tôi mới thật chứng kiến cảnh thành phố kẹt xe triền miên đến vậy. Một tài xế taxi nói: Bây giờ thì chẳng ai nhường đường cho ai nữa, ai cũng cố chen lên bằng được, thành thử đường càng thêm kẹt. Mà con người sao đối xử với nhau quá tệ. Con người bây giờ ác quá!

Nhận xét ngẫu nhiên của người tài xế đã chạm tới mối quan hệ giữa người với người trong đời sống hàng ngày, mà giao thông chỉ là một khía cạnh. Lẽ ra chúng ta phải nhìn những người đang ngồi trên chiếc xe bên cạnh xe mình với cặp mắt thiện cảm. Cùng dân thành phố với nhau, cùng lo làm ăn công chuyện, lẽ ra phải giúp đỡ và chia sẻ với nhau. Đằng này hình như mỗi người cùng đi với ta trên đường là đối tượng cạnh tranh với ta, là kẻ ngăn cản ta trong cuộc mưu sinh quyết liệt, kẻ làm hỏng mất dự định tốt đẹp mà ta đang theo đuổi. Giữa những người cùng đi đường tự lúc nào đã nảy sinh cái quan hệ giữa các đối thủ. Có ai muốn đâu nhưng sao lại có cuộc biến hình khốn khổ vậy!

Chú ý tới một khía cạnh tâm lý nữa: sau khi phải vượt qua một chặng đường chen chúc khó chịu, nhiều người cảm thấy mệt nhoài. Sinh ra nản lòng. Sinh ra ngán ngẩm. Cảm thấy mình không được tôn trọng. Tự thấy mình như bị đọa đày, lại, lại thấy mình có quyền hư hỏng cho đỡ bực…

Có thể tôi đã phóng đại một chút nhưng đó chính là một phần những chấn thương tâm lý mà tình trạng giao thông căng thẳng đã mang lại cho xã hội.

Tôi lại nhớ tới những chấn thương khác.

Năm 18 tuổi, từ Hà Nội tôi vào thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, học trường đại học sư phạm. Đi cắt hộ khẩu, một việc bình thường mà tôi phải chầu chực, rồi bị vặn vẹo tới mức phải ra ngoài khóc mới đủ sức vào làm tiếp. Gần nửa thế kỷ đã qua, đến nay trong lòng tôi câu chuyện vẫn còn in hằn như vết sẹo.

Con của anh bạn dạy tiếng Anh ở một trường trung học cơ sở mới đây đã xin nghỉ việc để đi làm cho một công ty nước ngoài. Anhbạn cho rằng chỉ vì thu nhập thấp?! Không hẳn. Ở Hà Nội hiện nay chỉ cần biết chút tiếng Anh cũng sống được. “Khổ nhất với cháu bây giờ là không yêu được học sinh. Chẳng những dốt, lười mà còn… láo với mình nữa chứ. Bài làm mình vừa trả, nó nhìn qua rồi liệng ngay xuống đất. Chỉ vào lớp năm phút nhiều khi cháu đã muốn bỏ lớp để đi. Thế thì làm sao tiếp tục công việc mà người ta bảo là thiêng liêng này được nữa”. Tôi không còn biết khuyên bảo gì nữa khi nghe cháu nói vậy.

Trong các gia đình, các bậc cha mẹ đang phải chứng kiến một lớp trẻ chán chường. Trẻ không thiết học. Trẻ không tìm thấy niềm vui sống. Trẻ nhìn người lớn bằng con mắt nghi ngại, căm ghét. Thế có nên đổ hết lỗi cho lớp trẻ? Không đúng! Mặc dầu chúng ta đã tìm hết cách để hạn chế việc đưa tin gọi là tiêu cực trên mặt báo, song ai cũng hiểu là làm sao ngăn chặn hết được cuộc đời ùa vào tai con em chúng ta. Chỉ cần ra phố, chỉ cần ngồi với một đám bạn bè, chỉ cần nhìn cách một phiên tòa trên truyền hình hay lắng nghe câu chuyện qua lại giữa bố mẹ bên mâm cơm… bọn trẻ đã hiểu hết tất cả.

“Cá nhân cảm thấy không thể ảnh hưởng tới hoàn cảnh xã hội đang sống, không tìm được chuẩn mực đúng đắn cho mọi hành vi của bản thân và tự nhiên cuộc đời mất đi khá nhiều ý nghĩa đáng lẽ phải có. Khi nhận ra mọi giá trị đảo lộn, họ vẫn cảm thấy chỉ có thể đạt tới mục đích của mình bằng những con đường bất hợp pháp. Trong khi trở nên càn rỡ hư hỏng, họ vẫn cảm thấy cô đơn và không ai hiểu hết cho mình…”. Đó là nội dung của khái niệm tha hóa được các nhà xã hội học hiện đại miêu tả, và được ghi lại trong cuốn Từ điển xã hội học do nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện chủ biên.

Không còn phân biệt đúng sai, mất lòng tin ở chung quanh và chính mình, không còn cảm thấy cái gì là thiêng liêng, nghe mấy chữ “tình người” giống như một lời đùa cợt, thấy ai giàu nghĩ ngay rằng người ấy không làm ăn bất hợp pháp thì cũng tham nhũng, ăn cắp… Bằng kinh nghiệm của mình và những người xung quanh, tôi cảm thấy lúc nào cũng có thể bổ sung những chi tiết tương tự để vẽ nên tâm lý con người hiện đại.

Người xưa có câu “cái vạ chết lòng” là chỉ cái ý này. Trong các sách sinh học, người ta nói rằng trước khi chết thực sự, thật ra “cái chết bộ phận” diễn ra thường xuyên trong mỗi sinh vật. Cái sự “chết lòng” nói ở đây cũng dùng theo nghĩa đó. Tôi không nói tất cả, nhưng quả thật tình trạng tha hóa không xa lạ với nhiều người. Với lớp lớn tuổi thì còn đỡ. Ta tìm cách chống lại. Rồi ta có vẻ khỏi bệnh. Rồi ta lại mắc tiếp. Đến như lớp trẻ thì bệnh trạng phát triển rất nhanh và nhiều trẻ đang nhoài ra khỏi tầm tay chúng ta để sống với niềm tin của những kẻ sống để trả thù đời, bất cần, phá phách. Khi người ta trẻ thì các chấn thương càng nặng.

Thứ Bảy, 1/11/2008 Thời báo kinh tế Sài Gòn

Những nguy cơ của cuộc sống tạm bợ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 01:35

(Thử suy nghĩ về một lớp người đặc biệt
những người từ nông thôn kéo lên đô thị
kiếm v iệc dưới góc độ văn hoá)
Chỗ tôi đang sống là một cửa ngõ để ra vào Hà Nội, một thứ “đầu ô” hiện đại. Sáng sớm, cùng với tiếng gà gáy, tôi nghe râm ran tiếng người đi chợ trên đê. Mỗi người mỗi xe đạp, sau xe là cái giá gỗ buộc tạm, trên đặt cây cảnh. Đây là thứ hàng mà họ sẽ phải lang thang suốt ngày ở Hà Nội để bán bằng hết (theo tôi biết, họ thường sáng đi chiều về, chỉ trong trường hợp hàng đọng quá nhiều, mới phải ngủ tạm Hà Nội, nhưng không thường xuyên).
Ai cũng biết đám người bán cây cảnh nói ở đây, chỉ là một bộ phận nhỏ trong đội quân đông đảo những người đêm về nông thôn, nhưng ngày sống với đường phố Hà Nội. Có thể kể thêm vào đây từ mấy chị xe thồ hoa quả hoặc các loại rau xu hào bắp cải, cho tới mấy bà khoác bị giò chả hoặc đôi mẹt quà bánh đi bán rọng. Nhìn qua thì họ vẫn có vẻ nông dân đặc. Nhưng người ta sẽ phải nghĩ khác khi đặt câu hỏi: tính hết thời gian ngày hăm bốn tiếng, họ sống với nông thôn nhiều hơn hay đô thị nhiều hơn? Vậy xếp họ là cư dân ở đâu cho chính xác?
Bên cạnh đám người đi đi về hàng ngày nói trên, còn khá nhiều người từ nông thôn lên tá túc trong những quán trọ bình dân để bám trụ Hà Nội lâu dài hơn. Đó là các chú nhóc chuyên đánh giày len lỏi khắp nơi; là những bà bán kem, hoặc đội thúng bánh mì rao ời ời suốt ngày; rồi những gã trai trẻ hoặc mấy bác diện trung niên thong thả đạp chiếc xe đạp cũ, rọ xe chất chồng các loại bẫy chuột, xích chó, thuốc đánh ruồi…, hoặc những cô gái mặt đỏ rừ đẩy chiếc xe nôi cải tiến, trên xe khi lủng lẳng các loại quần áo, khăn mặt, khi khác chói lên màu xanh đỏ của các loại đồ nhựa. Với những người này, nguồn hàng ở ngay Hà Nội, nên họ không phải đi đi về về mất thì giờ.
Một đặc điểm nữa thấy rõ trong sinh hoạt Hà Nội mấy năm gần đây, ấy là bà con từ quê lên không chỉ lấp đầy đường phố mà còn tràn vào từng gia đình. Tới nhà bạn chơi, thấy có con bé nào là lạ trông em hoặc bưng nước mời khách thì không cần hỏi, ta cũng dễ đoán là loại ô-sin mới học nghề. Ngay nhiều cô cậu đứng bán ở các cửa hàng cũng đều là dân nông thôn tạm tuyển. Mới ra, trông còn đen đủi, nếu như ở đây một hai năm trơn lông đỏ da, cũng dễ nhầm lắm. Song chỉ cần nói mấy câu là lộ chân tướng ngay.
Tóm lại, trước mắt chúng ta là một sự bổ sung thường trực, tạo nên một sự pha trộn kỳ lạ giữa đô thị và nông thôn, nó cũng là một biểu hiện của xu thế đô thị hoá người ta hay nói.
“Một số lượng người chưa từng thấy đang đổ xô vào các thành phố của các nước đang phát triển. Họ làm thế nào để có thể sống nổi?”.
Đó là câu hỏi thảng thốt cất lên trong bài mở đầu của số báo Người đưa tin UNESCO ra tháng 6.1999. Số này dành riêng để nói về tình cảnh người nông thôn ra đô thị kiếm việc, ở hàng loạt nước á – Phi – Mỹ la tinh.
Hoá ra, tình trạng mà trên kia, chúng tôi thử điểm qua, không chỉ là chuyện riêng của Việt Nam.
ở đây, theo thói quen “tình cảm chủ nghĩa”, người ta có thể bắt đầu bằng những cái chép miệng và những lời lẽ thương xót, đại khái như “ối giời! Có khó khăn dân mới phải rời bỏ quê hương bản quán lăn lội kiếm ăn như vậy”, tiếp đó nêu ra vài hoạt động từ thiện cần làm để mọi người cùng an lòng.
Nhưng theo ý chúng tôi, hiện tượng cần được xem xét nghiêm chỉnh hơn. Do chỗ đô thị hoá tự phát đã trở thành một xu thế không thể kiểm soát nổi, nên trước hết nó đòi hỏi một sự phân tích khoa học.
Sự tồn tại của đám người “nửa quê nửa tỉnh” có thể là đề tài của những ai quan tâm tới các vấn đề an ninh, hoặc dân số, hoặc kinh tế. Riêng tôi, tôi muốn lưu ý tới khía cạnh nếp sống của con người trong xã hội, tức xem xét hiện tượng dưới góc độ văn hoá.
Khi nói về một cuộc sống ổn định, dân ta thường dùng hai chữ nền nếp, ý nói mọi hoạt động đi vào cái mạch thông thường của nó, con người sống theo những chuẩn mực mà cộng đồng đã quy định. Qua sự sàng lọc của thời gian, cuộc sống ổn định ấy dần dần hình thành nên một thứ văn hoá chung sống, sinh động, bền vững.
Bắt đầu từ cái tiêu chuẩn ổn định này để xem xét thì thấy cuộc sống của lớp người chúng ta đang nói, thiếu một nền nếp cơ bản nên chỉ còn là bấp bênh, tạm bợ. Do nhu cầu kiếm sống, họ ở trong một tình trạng “rơi tự do”, nghĩa là lạc vào một khung cảnh nhiều phần hỗn độn. Họ không còn là dân nông thôn, chung quanh có gia đình, họ hàng để làm gì cũng phải gìn giữ, phải trông trước trông sau kẻo “mang tiếng”. Họ cũng chưa thành ra dân đô thị, để có được cái mà người ta thường gọi bằng sĩ diện, tức là một chút tự trọng của những cư dân các vùng thuộc loại phát triển trong xã hội. Những thói xấu mà ở nông thôn, giữa môi trường ổn định và quen thuộc, họ dễ dàng kiềm chế, thờ ơ đây được thả lỏng. Ngược lại, những quy chuẩn mà người dân thành thị được giáo dục từ nhỏ tự nguyện noi theo, thì họ không được biết. Vả nếu có biết, họ cũng không bắt buộc phải thực hiện. Vì có ai biết họ là ai mà phải gìn giữ! Quả thật, sự tự do lúc này với con người là cả một thách thức. Có thể với một số người, cuộc kiếm sống đầy gian nan đã rèn giũa cho họ những phẩm chất tốt đẹp. Hàng ngày họ chăm chỉ làm ăn, lam lũ vất vả, chỉ cốt sao có ít tiền gửi về chi viện cho gia đình, hoặc có chút vốn giắt thắt lưng, dùng cho các việc lâu dài. Song với một số người khác, càng sống trong thành thị, họ càng cảm thấy sự vô lý của kiếp người; chắt bóp lắm chẳng qua cũng chỉ thêm được mấy đồng bạc vụn. Trong khi đó những người chung quanh buôn bán trao tay tiền nghìn bạc vạn. Khi đồng tiền kiếm được đã có vẻ vô nghĩa, thì mọi sự gọi là biết điều, đứng đắn cũng vô nghĩa nốt. Trong mỗi con người dễ dàng nảy sinh một thứ hư vô tự phát, tức cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn có tiền, và trong lúc chưa có tiền theo ý muốn, dễ rơi vào học đòi, buông thả.
Xin nhắc lại một lần nữa rằng sự tồn tại của đám người nhập cư tự do nói ở đây là một thực tế, và hình như đội ngũ của họ ngày mỗi đông đảo thêm, không cách nào ngăn cản nổi. ……. bây giờ không ai còn nghĩ là chỉ cần dồn họ lên xe chở về quê hương là xong chuyện! Nhưng trong khi chấp nhận họ, người ta lại dễ rơi vào cực đoan khác là phẩy tay mặc kệ, không cần biết họ ăn ở ra sao. Mà cái lối mặc kệ ấy, sau rốt sẽ dẫn đến những tai vạ chung như thế nào đấy là điều ai cũng đoán ra dễ dàng.
Về phần mình, điều đề nghị của chúng tôi ở đây đơn giản là xã hội phải thật sự quan tâm tới họ, và trước khi thi hành bất cứ biện pháp cụ thể nào, hãy suy nghĩ thêm về họ, đặt mình vào địa vị họ để thông cảm. Nên nhớ đám người này chỉ có hai hướng phân hoá.
Một là “gá lắp” mãi cũng thành công, sẽ từ đường vào nhà, từ các quán trọ tiến dần lên định cư trên phố, thành dân đô thị thứ thiệt.
Hai là quay trở lại nông thôn, và trước mặt bà con quê nhà, được coi như những con người từng trải, nhiều khi còn đóng vai trò khơi mào cho mọi thay đổi sẽ diễn ra ở nông thôn.
Bề nào mà xét thì họ cũng là một bộ phận cư dân quan trọng trong lòng xã hội hiện đại./.

Hãy đợi đấy! – hay là thói quen khó bỏ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 01:31

“Làm thế nào để nếp sống thủ đô trở nên nhuần nhị hơn và văn hoá Hà Nội thật sự là một thứ văn hoá đô thị với nghĩa tốt đẹp của nó?”. Cuối cùng thì ai cũng thấy câu trả lời chả có gì phức tạp, song muốn làm được ngay thì… hãy đợi đấy! Bởi một nếp sống văn hoá không chỉ hình thành trên cơ sở nhận thức – là điều nếu có, may ra có thể – mà còn phải biến thành tiềm thức, thói quen, đến mức không chút cố gắng, người ta cũng làm được. Muốn vậy, phải mất nhiều thời gian lắm.
Khổ một nỗi, trong khi người Hà Nội chưa đủ sức nâng mình lên, thì dân các vùng nông thôn chung quanh lại như là vẫn muốn kéo Hà Nội xuống, và đây mới thật là chuyện “hai lần thương khó”. Có một lẽ công bằng mà không luật pháp nào quy định, song ai cũng thấy phải, ấy là Hà Nội chỉ trở thành đô thị thực thụ nếu nó có thể góp phần giúp cho cuộc sống các vùng chung quanh ngày một ổn định, người dân nông thôn thu nhập khấm khá tới mức nhìn về bà con của mình ở thành thị với con mắt thiện cảm và yên tâm ở lại quê hương “phục vụ” Hà Nội. Nhưng “ốc chưa mang nổi ốc” thì “làm cọc cho rêu” sao được?! Trước mắt, người dân Hà Nội vẫn còn đương phải dựa vào cái ưu thế gần nông thôn của mình để cuộc sống đỡ nặng nề đôi chút, thế mới oái oăm khó gỡ. Lấy một ví dụ: từ lâu, Hà Nội vốn nổi tiếng với các loại hàng rong len lỏi khắp ba mươi sáu phố phường. Vào những ngày này, khi đoàn quân những xe Honda, Dream… hùng hậu nối đuôi nhau trên các ngả đường, thì đội quân hàng rong vẫn nhẫn nại dệt nên tấm võng khổng lồ ngày ngày chụp xuống mọi ngóc ngách Hà Nội. Không chỉ rau cỏ mắm muối mà cả chum vại, cây cảnh và hàng trăm mặt hàng lặt vặt khác đã đến với người dân thủ đô qua đôi vai (hoặc xe đẩy, xe đạp) của người bán rong, phần lớn là những người ven đô, nhưng đôi khi là những người của các tỉnh xa đến kiếm sống. Nhìn mấy chị xe thồ hai bên hai cái sọt to bự nghênh ngang giữa đường, kể ai mà chẳng ngán. Nhưng bù lại, họ mang hàng đến tận nơi mời chào, và đôi khi giá lại rẻ nữa, hỏi tội gì không mua? ấy đấy, trong khi luôn miệng ta thán rằng cái thành phố của mình chẳng khác làng quê, thì người dân Hà Nội vẫn từng ngày từng giờ góp phần làm cho cái nếp sống thôn thôn bắt rễ sâu hơn trong đời sống hằng ngày, nên thay đổi nhanh làm sao nổi.

Chuyện gẫu quanh một bài thơ của Nguyễn Khuyến

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 01:22

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Từ đã bao lâu nay, bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) ấy đã được đưa vào các trường phổ thông để dạy, và còn lưu luyến mãi trong tâm trí nhiều lớp người bất kể gốc gác xuất thân là nông thôn hay thành thị. Vào những ngày thu năm nay, mặc dù tuổi đã lớn, tôi và đám bạn bè đồng niên, không ai bảo ai, trong dịp gặp nhau cũng tự nhiên nhắc tới nó. Và khi một người đã lên tiếng, thì những người khác đế theo ngay.
Anh A. thuộc loại mơ mộng:
– Khả năng của văn chương là ghê thật. Nó cố định trong mình những hình ảnh, kèm theo đó là bao nhiêu liên tuởng xa gần.
Anh B. để hồn phiêu diêu trong quá khứ:
– Thế mới biết nông thôn mình đẹp, nó có cái vẻ thơ mộng riêng, không đâu có.
Anh C. thì nghiêng về lối tư duy tỉnh táo, nên sau khi đã cố kiềm chế vẫn phải lên tiếng để dội cho mọi người một gáo nước lạnh:
– Ôi dào, đọc cho vui thôi, chứ bây giờ ở nhiều vùng nông thôn, ao chuôm lấp tiệt cả, cái nào còn lại, nước cống đổ vào cũng đen ngòm. Tát ao mới thấy chả khác cái vũng, cá mú đâu mà câu.
Câu chuyện xem chừng sắp đến chỗ ông chẳng bà chuộc, anh D. phải đứng ra dàn hoà:
– Tôi không muốn làm người ba phải, nhưng trong trường hợp này, cho phép tôi được đồng ý với tất cả các anh và người nào cũng có lý cả. Nhất là tôi muốn nhấn mạnh thêm một khía cạnh: Qua cái ao, thấy số phận của cả nông thôn, những vùng quê của chúng ta. Nông thôn hôm qua, hôm nay, và ở đó, có cả nông thôn ngày mai nữa. Cũng như các anh, tôi thích bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến, nhưng vào những ngày này, tôi thường nghĩ: đến bao giờ chúng ta mới có thêm những bài thơ khác, những tác phẩm văn chương khác, nói cho hết vẻ đẹp hôm nay của nông thôn? Vâng, vẻ đẹp hôm nay, cái đó mới khó!
Còn các bạn đọc của tôi, các bạn có bao giờ nhớ lại bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến, và lúc ấy, bạn chợt nghĩ tới điều gì, có liên quan đến nông thôn Việt Nam xin hãy cho tôi cùng biết.

Blog tại WordPress.com.