VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

05/08/2010

Một cách tồn tại ngược chiều gió thổi

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 14:47

LTS: Vương Trí Nhàn là một cây bút phê bình gây nhiều tranh luận. Trong văn giới, hình như nhiều người không có tình cảm với ông. Và, ở tuổi 68, ông cũng yên tâm với cuộc sống đơn độc, chúi vào góc riêng của mình, làm nốt những việc vốn làm dở dang. Ông không dùng điện thoại di động vì, “tự cảm thấy đã ở vào tình trạng không việc gì gấp gáp đến mức phải có mặt năm phút ngay sau một cuộc gọi”. Gặp gỡ & Đối thoại thứ Năm tuần này, Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa ông và DNSGCT. (more…)

28/05/2010

Con đường nghề nghiệp(2)

Filed under: Khác,PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 10:44
8/ Những kiến thức ở đại học có giúp ông ít nhiều? Khi viết phê bình, ông có thường tham cứu lý luận văn học?

Việc học đại học là rất cần, nhưng chỉ là cơ sở. Tôi cho rằng người sinh viên sau khi ra trường phải học thêm nhiều, phải vượt lên, phải phủ định ( theo nghĩa triết học) những gì đã học. Nếu quan niệm có sự giúp của mấy năm đại học thì là giúp ở vai trò kích thích đó. (more…)

22/05/2010

Con đường nghề nghiệp(1)

Filed under: Khác,PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 09:01

( Trả lời các câu hỏi của Lê Thị Thúy Hằng, về quan niệm “ thế nào là phê bình” và con đường của tôi trong phê bình văn học )

1/ Vì sao ông quan tâm đến văn chương?

Vì sao đến với văn chương? Thỉnh thoảng chính tôi cũng thử đặt ra cho mình câu hỏi này. Và câu trả lời được tôi tìm thấy trong cuộc đời lúc thơ ấu khá buồn bã của mình.

Mẹ tôi mất sớm, năm tôi mới bốn tuổi.

Cả thời thơ ấu tôi lớn lên trong đơn độc, bố tôi và mẹ kế chỉ lo kiếm ăn, người chị hơn tôi sáu tuổi cũng phải sớm chạy chợ để lo thêm sinh kế cho gia đình. (more…)

19/03/2010

"Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt"

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 09:22

ngày 19/03/2010
(VnMedia) – Clip nữ sinh bạo lực khuấy động dư luận. Nhiều người sửng sốt vì tình trạng bạo lực học đường. Nhiều người khác giật mình chất vấn giáo dục, xã hội. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt mà ta không tự thấy. (more…)

05/01/2010

Vươn ra thế giới để trở lại phục vụ dân tộc mình tốt hơn!

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 10:55
Tìm hiểu về Việt Nam là nguyện vọng tự nhiên của bạn bè quốc tế. Không nên chỉ đặt vấn đề tự giới thiệu. Mà trước tiên nên hiểu rằng văn học Việt Nam chưa được thế giới quan tâm, lý do chính là chúng ta chưa có những tác phẩm đạt tới cái mà họ quan tâm, hơn thế nữa cần cho người ta buộc người ta phải tìm, phải chú ý, phải dịch. Khôn ngoan nhất là hãy lắng nghe tiếng nói chân thành của chính họ. Chỉ tinh thần đối thoại  mới làm nên khả năng tiếp xúc lâu dài.

Đọc thêm:  Bao giờ VN có giải Nobel văn chươngNhờ hội nhập,một cuốn sách hay đã trở lại với bạn đọc
(more…)

13/12/2009

Bức tranh đô thị chưa định hình

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 23:56
THÓI XẤU THỊ DÂN VÀ VĂN MINH ĐÔ THỊ

Một người bạn nước ngoài nói với tôi: Lối sống của các ông qua cách đi đường có tính chất bạo lực sao ấy.

Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn: Tôi không phản đối việc người các nơi đổ về đô thị. Tôi chỉ phản đối việc mang cái xô bồ nhếch nhác về đây.
LTS: Đã gần hai năm TP.HCM thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kết quả còn rất hạn chế, chúng ta chưa có được những thị dân đúng nghĩa. (more…)

25/08/2008

"Tôi muốn là liều thuốc kháng sinh!"

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 10:54

– Vài năm nay, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn tiến hành công việc khá đặc biệt là sưu tầm, tuyển chọn và thể hiện những bài viết về “Thói hư tật xấu của người Việt”. Đây là ý định đã có người theo đuổi nhưng sớm phải từ bỏ, đứt gánh giữa đường hoặc có người khác đang “ẩn mình” thực hiện.
Những gì nhà phê bình Vương Trí Nhàn đang làm và công bố rộng rãi gây nên nhiều ý kiến trái chiều: người đồng tình ủng hộ, kẻ phản đối gay gắt. Cuộc trao đổi thẳng thắn của với ông Vương Trí Nhàn sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về công việc này, từ đó đưa ra nhận định của riêng mình.

“Mục đích của tôi là tìm ra quá trình tự nhận thức…”


– Chuỗi bài về “Thói hư tật xấu của người Việt” đứng tên nhà phê bình Vương Trí Nhàn, đăng tải hàng tuần trên báo Thể thao & Văn hóa xuất hiện bắt đầu bằng việc dẫn lời, trích lục các đoạn viết của các danh nhân xưa. Đến nay, ông đổi mục này sang “phiên bản” mới với việc tạo thành bài phân tích, bình luận, tổng hợp trực tiếp của mình. Việc làm này rõ ràng là khó khăn hơn, phải chăng là do đến lúc này ông mới sẵn sàng đối mặt với “thách thức”?

– Tôi sẽ kể ra đây con đường đưa tôi đến việc này. Đây là quá trình nghiên cứu cụ thể chứ không phải ý định bộc phát. Năm nay tôi đã 64 tuổi, và tôi sẽ còn theo đuổi đề tài này đến cuối đời.
Tôi vốn là người nghiên cứu về văn học. Trong giới, tôi bị đồng nghiệp chê nhiều lắm. Trần Đăng Khoa gắt tôi: Cái ông này chỉ giỏi nhìn tật xấu của mọi người thôi! Nói nôm na, là tôi “không chơi được”. Nói vui, nếu tôi chưa có vợ thì có lẽ chẳng thể lấy vợ được. Ai lại thích người chỉ giỏi khơi thói xấu của người khác!

Tôi thấy cuộc sống bây giờ nhiều người nuông chiều nhau quá, dễ dãi với nhau quá. Khi gặp một người, ta chỉ muốn nói cho người đó vui, người đó sướng còn thực chất ta không đối xử tử tế với nhau như thế. Chúng ta gặp nhau chỉ để tán phét, tạo cho người ta vui vẻ, thậm chí nịnh, rồi sau lại cười người ta. Tôi thấy điều đó hoàn toàn không tốt.

Thời gian đầu, tôi viết về thói xấu của văn nghệ sĩ với quan niệm mình không giống mọi người, không phải thước đo người này mét mốt, người kia là mét ba. Chỉ đơn giản là mình nói về họ với điều mình nghĩ, mình thấy được. Từ viết về thói xấu của văn nghệ sĩ, tôi mở rộng chung ra thói xấu của người Việt Nam.
Tôi cho rằng bất kỳ dân tộc nào cũng có những tầng lớp tiêu biểu. Ví dụ, qua giới quý tộc là vua chúa, qua tri thức là những học giả và qua những người bình thường là nông dân… Còn có một mảng là qua những người viết văn, nghệ sĩ. Từ viết phê bình các nhà văn, tôi chuyển sang phê bình tật xấu của mọi người.
Thế nhưng đi vào con đường này vô cùng khó khăn. Những bậc đàn anh của tôi họ cũng có ý đồ cả đấy chứ, như giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Cao Xuân Hạo và bao người khác… Vài năm trước, Tiến sĩ Đức Uy từng ra quyển “Bí ẩn tâm lý người Việt” nhưng sách không đến được với người đọc.
Người đi trước đã vậy, đến tôi phải dùng hình thức khác. Ban đầu tôi mượn người xưa để nói người nay, “mượn mồm” chính những nhân vật mà không ai “chê” được như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… để nói về thói xấu người Việt. Còn những nhân vật khác như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… tôi sẽ để lại phía sau.
Có cái này buồn cười: khi nghiên cứu để dạy cho học trò thì chẳng thầy nào dạy cái này. Dạy về Phan Bội Châu cũng chỉ nói Phan Bội Châu yêu nước ra sao, chứ không nói đến chuyện Phan Bội Châu sang Nhật, đối chiếu người Nhật và người Việt mình như thế nào, người Việt không bằng người Nhật điều gì…

– Ông có bao giờ nghĩ người ta không dạy những điều đó trong trường học vì nó chưa thực sự hữu ích, cần thiết?

– Theo tôi tất cả đều tự phát hết. Cái tự phát của mình xuất phát từ chỗ khi chúng ta chống Pháp và chống Mỹ, để khích lệ tinh thần, phải động viên nhau lên. Mà động viên thì không thể nói được hết cái xấu, chỉ toàn nói cái tốt. Như thế là phiến diện và không đầy đủ.
Tôi cho rằng hiện nay báo chí tuyên truyền, các nhà nghiên cứu cần phải nói thực chất người Việt ra làm sao. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà vấn đề là nói thực chất. Đã có các diễn đàn như “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” trên báo Thanh Niên hoặc những vấn đề sôi nổi hiện nay như “nước Việt đang ra biển lớn”…Khi làm vậy, hãy tự hỏi mình trước tiên: Ta là người thế nào, ta tự nhận thức ra sao?. Từ thời Socrate đã nói, con đường quan trọng nhất là tự nhận thức. Nếu không nhận thức thì không làm được gì cả. Chúng ta hiện nay đang giống như bóng đá: động viên thật nhiều, cho tiền thật nhiều…

– Công việc mà ông đang làm có thể gọi là quá trình “tự nhận thức”, và trước hết là của chính ông?

– Đúng vậy. Mục đích của tôi là tìm hiểu về quá trình tự nhận thức của người Việt. Tôi cho rằng nó là bước đi tất yếu của mỗi dân tộc trên con đường trở thành chính mình và cũng là con đường đi ra thế giới. Trên phạm vi toàn dân tộc cũng quan trọng mà trong phạm vi từng người cũng rất quan trọng.

– Nhưng quá trình tự nhận thức đó hoàn toàn không đơn giản khi ông phải vạch ra cách đi…
– Tôi nghĩ thế này, trước tôi người ta đã làm gì, làm được đến đâu?, từ đó tôi lựa đường mà đi. Hôm nọ có một bạn đọc phản hồi, hỏi sao tôi trích dẫn nhiều thế mà lại không nói ý của riêng mình. Tôi cho rằng tìm được những nguồn trích dẫn đâu dễ. Hơn nữa tôi dùng những trích dẫn mà nhiều người công nhận là đắc địa, có giá trị.

Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc ông đang làm là “tầm chương trích cú”

– Ngay câu này đã rất nhầm. “Tầm chương trích cú” là người đem từng câu đào đi, bới lại. Tôi chưa gọi là “tầm chương trích cú” được. Thậm chí sách vở còn thực tế hơn cả thực tế nữa. Sách vở cực kỳ quan trọng. Tôi hỏi các bạn viết văn, viết báo trẻ hiện nay xem các bạn đọc được bao nhiêu, tôi sẽ biết các bạn là người như thế nào. Chứ các bạn đừng nghĩ nghe vài lời khen đã thấy vui vẻ lắm, tự mãn lắm. Những thứ tủn mủn như giống khoai lệ ra sao, khoai Nghệ An thế nào đâu có quan trọng với việc viết văn. Điều quan trọng là tinh thần của con người Việt Nam. Bệnh tật trong sinh hoạt và những suy nghĩ của người Việt quan trọng hơn nhiều chứ!


“Đập” tôi vẫn làm!


– Ở Trung Quốc, có Ba Dương đã viết “người Trung Quốc xấu xí” nhưng người Trung Quốc vẫn chưa cảnh tỉnh. Công việc ông đang làm hiện tại rất công phu nhưng liệu ông có nghĩ nó sẽ giống như “dã tràng xe cát”?

– Tôi xin nói thế này: thứ nhất, vấn đề “Thói hư tật xấu” không phải là chuyện nhất thời. Tôi đã bị nhiều người hỏi là anh nghiên cứu thói hư tật xấu của người Việt Nam bây giờ có thấy nó khác gì người cổ. Tôi nói rằng: nó giống y như cũ, chỉ có điều bây giờ nó đậm hơn, nó kỹ hơn và nhiều mặt nạ dối trá hơn. Thế cho nên gần đây có nhà phê bình Nguyễn Hoà phát biểu, đọc những điều đó giống như là đang phê bình mình vậy. Rõ ràng, nó không bị vượt qua. Cái mà tôi muốn bao quát là cái cốt, cái bã, không phải chuyện nhất thời.

Thứ hai, tôi không đặt vấn đề “thói hư tật xấu” là chuyên lặt vặt. Chữ “thói hư tật xấu” là chữ tôi buộc phải dùng để gây sự chú ý. Thực ra tôi muốn nghiên cứu sâu sắc hơn là trình độ sống, trình độ “làm người” của người Việt.

– Những gì ông làm sẽ gây rất nhiều “động chạm”…

– Tôi biết điều đó chứ. Ngay từ ban đầu, các bạn nhà văn còn chửi tôi khiến tôi đau đến cả đời. Tôi nghĩ, dẫu sao đây vẫn là nhu cầu của xã hội mà trước sau cũng phải có. Người ta thèm khen lắm, nhưng bây giờ ai khen vớ khen vẩn thì mọi người cũng biết và chán. Khen phải khen đúng. Những người viết văn “xổi” không nói, nhưng những người viết văn thực sự rất đơn độc. Họ tâm sự với tôi, rất thèm một người nói họ chính xác họ là ai. Nhu cầu nhận thức vẫn là nhu cầu của tất cả mọi người.
Đời viết văn của tôi ban đầu toàn bị chửi, rồi sau chính họ lại quay ra chấp nhận tôi. Năm 1995 tôi đã viết về vấn đề này, là “Hội nhập để chống tiêu cực”. Ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Các báo khác coi tôi là “thằng vọng ngoại”, thích bơ sữa của nước ngoài, nhà văn gì mà chỉ viết cho người nước ngoài.

– Sao ông vẫn tiếp tục công việc khi đã bị “đập” như vậy?

– Thực ra, tôi tính kỹ: nếu mình có động cơ đúng và bị thu hút vào nó, thì mình cứ làm. Không năm nay thì năm sau đăng.

– Ông bị mất nhiều mối quan hệ từ những việc làm đó chứ?

– Không. Thực ra lúc bắt đầu viết thì tôi đã “chai lì” lắm rồi. Tôi hoàn toàn không đi họp Hội nghị, Hội thảo này nọ. Ai cho đòn tôi cũng không cãi lại. Tôi có viết bài về Xuân Diệu, và anh Cù Huy Hà Vũ đã viết lại một bài phê bình tôi. Nhưng sau đó chính anh lại là người giúp tôi đem đến NXB in thành sách. Cuốn sách tôi in ra cuối cùng cũng được giải thưởng Hội Nhà văn và rất nhiều người đọc.
Thế thì, tôi vẫn phải như thế. Có khi mình nói lúc đầu người ta không thích nhưng về nhà sẽ thích. Nếu năm nay không thích thì năm sau thích. Tôi thầm nói với tôi: mình đã đi đúng điều mà xã hội cần chưa, không như nhiều nhà văn bây giờ, viết chỉ để lấy danh…

Người ta nói nhiều về thành công hơn là nói về thất bại. Có những nhà văn đã là tượng đài của nhiều người, nhưng công việc của ông lại là “vạch áo” họ. Việc này sẽ tạo nên điều gì?

– Tôi đã nói rồi, và giờ nhắc lại. Vấn đề không phải là thói hư tật xấu. Vấn đề là cách sống, cách nghĩ của từng người đó. Tôi viết không phải để rỉa róc, bôi nhọ người ta và làm mình cao hơn người ta. Tôi nói thói hư tật xấu của những người tôi rất yêu. Bạn đọc sẽ không bao giờ nhầm lẫn. Nói ra thì “hơi ngượng”, nhưng tôi cảm thấy tôi yêu nước, yêu cộng đồng sống quanh tôi.

Nếu có ai nói, ông đang hạ bệ những “tượng đài văn học”?

– Không! Tôi thấy những bức tượng đó chưa thành hình. Bức tượng đó còn lờ mờ hoặc chẳng có bức tượng nào cả. Chính bạn hay tôi vẽ bức tượng đó ra. Nếu có tượng, sẽ có tất cả cái sáng, cái tối với sự sâu sắc của nó. Nó giống như cái cây, sẽ có chỗ rẽ ngang rẽ dọc.


Nhận diện “thói hư tật xấu” của bản thân mình

Tới đây ông chuẩn bị cho ra cuốn “Thói hư tật xấu”, in ở NXB Phụ Nữ. Người đọc sẽ “nhặt sạn” những lỗi của cuốn sách, ông sẽ tính sao?

– Đó là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi quyển sách không phải là “poly vitamin” ai cũng đọc được. Đó cũng là một cá thể riêng. Con người ta ai cũng thế chứ không phải nhà văn mới thế. Mỗi người phải là cây mít, cây xoài hay cây ổi trong một vườn cây chung. Tôi muốn là “một liều kháng sinh”! Ai dùng quá liều sẽ nguy kịch, nhưng với một số người khác thì rất cần thiết!

Còn những “cái hư, cái xấu” trong chính cuốn sách của ông?

– Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có cái xấu gì cả. Tôi có một tấm lòng trong sáng. Ban đầu tôi làm trong lặng lẽ, nhưng gần đây tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm. Bên báo Thể thao & Văn hóa nói rằng có nhiều bạn đọc trẻ thích mục của tôi, nhiều hơn cả những bạn đọc già.
Đó mới chỉ là tập một trong quá trình của tôi. Sẽ còn có tập hai, tập ba nữa. Phần một là trích dẫn từ miệng người khác – công việc hiện nay; phần hai là phần tôi nói từ miệng tôi và phần ba thì tôi vẫn chưa tính cụ thể.
Còn một mảng nữa là người nước ngoài nói về chúng ta như thế nào. Chúng ta có một cái tệ là chỉ thích người khác khen, còn ngay cả khi họ chê ta hợp lý ta cũng khó tiếp thu. Đầu năm 2006, tôi nhớ một ông người Mỹ nói, muốn làm bạn với Việt Nam thì phải phê phán Việt Nam. Ông ấy phải dạo đầu nhanh như thế, vì biết rằng người Việt Nam như câu của Tản Đà nói “nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
Người Trung Quốc có câu: thành công là do tâm linh nhưng cũng có thể dịch là thành công là đặt tâm trí vào trong đó. Tôi không biết tiếng Anh, nhưng từ “mind” ở đó có nghĩa là như vậy. Tôi thích vế thứ hai hơn.

Ông đánh giá thế nào về quá trình tự nhận thức của bản thân mỗi người?

– Đây cũng là chuyện mà tôi được rất nhiều bạn đọc có yêu cầu viết. Hiện nay tôi thấy người Việt ta sống không có quan niệm, lý tưởng sống. Người ta phải có quan niệm sống thì mới có thể có trách nhiệm được với việc tự học, tự làm việc. Khi bước vào đời, tôi là người học khá cả toán lẫn văn nhưng năm 1961 tôi thi vào đại học tổng hợp thì bị trượt. Đấy chính là bước đầu tiên tôi tự nhận thức, khẳng định mình, răng mình có quyền sống. Sống để vươn lên cho dù đã bị trượt chân.
Tôi đến với nghề báo khi còn trong quân ngũ, và đi từ đơn vị đi lên. Họ nhận tôi vào Tạp chí Văn nghệ Quân đội là vì thấy tôi viết được. Lúc làm ở đây thì tôi lại có nhu cầu khẳng định mình. Khi đó anh Nguyễn Khải là người nói chuyện rất hay, anh có nói tôi: “Mày là cái gì, cứ ngồi nghe tao nói đi”. Tôi có trả lời: “Anh đừng tưởng anh nói hay thì tôi nghe là sướng đâu. Tôi cũng có nhu cầu nói với người khác”.
Trong việc giáo dục ở nhà tôi cũng vẫn nói: Các bạn trẻ khi nói chuyện với người lớn tuổi không phải là chỉ để người lớn tuổi giáo dục mình mà bản thân mình cũng sẽ mang lại cho họ một cái gì đấy thì người ta mới cần ở mình.

– Điểm mạnh nhất trong khả năng tự nhận thức của ông là gì?

– Đó là khả năng tự học, tôi luôn nhận thức được vấn đề là chỉ có tự học mới có thể thành công được. Và tự nhủ mình là: Không được bằng lòng với điều hôm nay mà mình phải làm khác đi với những gì đã làm. Tôi nhìn mình bằng tiêu chuẩn thế giới và không bao giờ bị lóa mắt bởi những nịnh bợ.

Vậy những thói hư tật xấu của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn là gì?

– Trong quá trình làm thì nghề thì tôi cũng có rất nhiều thói hư tật xấu, lúc mới vào nghề thì tôi cũng thích viết cho hay cho lạ, câu cong cắn điệu bộ. Tôi vào nghề từ năm 1967 mà cho đến năm 1993 tôi mới in quyển sách đầu tiên. Trong khoảng thời gian ấy tôi viết nhiều lắm chứ, nhưng tôi không dám in vì biết mình viết kém.
Tôi cũng như mọi người, cũng đố kỵ, tỵ nạnh khi ai đó chẳng ra gì mà lại có quyền hơn mình. Tôi chưa bao giờ phải xin ai cái gì, mà chỉ có người ta cần tôi thôi. Ngay cả viết báo cũng là do mấy anh ấy cần thì bảo tôi viết.

Phải chăng như ông kể ở trên thì ông là người ít thói hư tật xấu?

– Tôi nhiều chứ không ít tật xấu nhưng tôi không thể kể hết ra cho bạn đọc. Nhưng tôi là người khao khát vươn ra. Tôi có khả năng tự nâng mình lên được nên cũng hạn chế đi được những thói hư tật xấu này phần nào. Điều lớn nhất mà tôi học được từ anh Nguyễn Khải và cũng là điều quan trọng cho cuộc sống của tôi vào lúc thanh niên là: Đừng tham bát mà bỏ mân. Sống thì không nên tham những cái vặt. Anh có thể thất bại hàng nghìn lần chỉ cần sau đó anh thành công một lần thật rực rỡ còn hơn anh cứ thành công cả nghìn lần nhưng là những thứ vẩn vơ.

– Khi đã nhìn ra thói hư tật xấu của mình rồi thì cách tốt nhất để vượt qua là gì?

– Mình phải tự biết thân biết phận. Một mặt tôi nghĩ đời sống bất công nhưng xét lại thấy cuối cùng thì nó vẫn công bằng theo số lớn. Có thể ở một thời điểm nào đó mình chịu bất công nhưng xét suốt cả cuộc đời con người thì thấy xã hội đánh giá rất công bằng với mỗi con người.

– Đến giờ ông thấy xã hội đã công bằng với mình chưa?

– Tôi nghĩ là mình đã nhận được công bằng vì tôi thấy những gì tôi viết cũng cần cho nhiều người. Trước đây khi tôi phê bình một tập thơ thì chỉ có tác giả của tập thơ đó đoc, vậy nên nó chỉ cần cho một mình ông ta. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi và đã thay đổi được. Khi mình viết sách giới thiệu về Trung Quốc thì cũng phải để người Việt mình tìm thấy gì trong đó chứ?
(Còn tiếp…)

/www.netlife.com

"Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới"

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 10:45

Theo ông, những thói hư tật xấu điển hình của người Việt là gì?

– Thứ nhất, chúng ta chưa bao giờ nghiên cứu thấu đáo về sự hình thành lịch sử của nước ta. Tại sao học sinh học dốt sử? Vì đa số lười đọc sử, học sử nên đây là kết quả tất yếu. Lịch sử của chúng ta đã bị đặt dưới cái nhìn quan liêu lơ là.

Thứ hai, dân tộc mình như “trẻ con”, không quan hệ với nước ngoài, nhìn thấy nước ngoài là nhìn bằng ánh mắt thù hằn. Bây giờ chúng ta nên phê phán trạng Quỳnh, trạng Lợn, chuyện Thần đồng đất Việt vì ở đó thực chất là đề cao mưu mẹo vặt, khôn lỏi, trí trá…

Cái gì vay mượn cũng phải nói rõ. Ngày xưa còn nói nghề in hay đúc đồng là học của Trung Quốc nhưng giờ thì người ta nói cứ như là cái làng đó nghĩ ra nghề này. Đây là lừa dối, vậy thì dạy được trẻ con gì nữa.

Thứ ba là sau chiến tranh mỏi mệt quá, giờ dân ta nghĩ là làm cái gì để khá lên một chút, nên thèm hưởng thụ lắm. Khi đi ra ngoài thì chệnh choạng nên lộ ra rất nhiều nhược điểm cũ. Nhưng biết làm sao được, vẫn phải ra ngoài hội nhập thôi.

Một thói quen xấu còn để lại sau thời chiến là ý nghĩ cho rằng cứ làm liều là được chứ không chịu học hỏi gì cả. Ngay trong giới nhà văn chúng tôi cũng nhiều sự bảo thủ, không chịu hội nhập. Ngày xưa ở Hội Nhà văn còn có nhà văn nước ngoài sang giao lưu để mở mang nhưng giờ thì không. Bảo học thì như có nhà văn nói: Học để ăn cắp thì học để làm gì? Nói vậy sao được?!

– Thói xấu lớn nhất của người Việt chính là thói xấu sợ nói ra tật xấu của mình, như ông đã nhận định. Vậy ngoài thói xấu này thì còn thói xấu nào lớn nữa?

– Thói xấu lớn nữa là nhiều người Việt không có nhu cầu tự nhận thức, xem lại mình là người như thế nào, đặt mình trong thời gian, không gian cụ thể thì sẽ ra sao. Chúng ta không có thói quen ghi lại biên niên sử, nên ví thử sau này khi muốn nghiên cứu về Nguyễn Du, Nguyễn Tuân thì chẳng ai biết năm đó các vị làm gì. Không thể cứ ngồi nhận định loạn lên rồi tô vẽ nhăng cuội.

Tiếp nữa là sự thiếu chính xác ở rất nhiều việc. Có những người sống rất bột phát hồn nhiên, không có sự nghiên cứu, nghiền ngẫm nào khi viết hay nói cả; cứ nghĩ gì là viết đấy chẳng cần tìm hiểu gì hết.

Vậy thói hư tật xấu nào là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của con người cũng như đất nước?

– Theo tôi là thói tự kỷ trung tâm luận, thấy mình là trung tâm, cứ bắt người khác phải theo ý mình. Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới. Đây là điểm bất lợi cho sự phát triển. Những người đương thời bây giờ viết về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mà thiếu sự tôn trọng, tôi thấy vậy là láo!

Theo ông đặt ra vấn đề nước Việt Nam nhỏ hay lớn có hợp lý không?

– Nhỏ hay lớn chỉ là tương đối, theo tôi nếu đặt vào một hệ quy chiếu nào đó để nói sẽ chính xác hơn. Như chuyện đặt vấn đề nước Việt Nam là nước lạc hậu so với thế giới thì đúng chứ nói lớn, nhỏ thì không có căn cứ. Chẳng lẽ dân tộc Thụy Điển, Thụy Sĩ có vài triệu dân thì không phải là dân tộc lớn sao?

“Thói hư tật xấu” thời hội nhập

– Ông rất tâm đắc với câu “Dân 25 triệu ai người lớn/ Nước 4000 năm vẫn trẻ con” của Tản Đà. Theo ông, khi chưa biết loại bỏ hết thói hư tật xấu thì chúng ta vẫn là “trẻ con”?

– Vâng! Đúng là trẻ con vì vẫn thích khen, thấy mình là quan trọng, chỉ biết mình thôi và chưa trưởng thành về mặt lý tính. Dân ta vẫn sống bột phát hồn nhiên, nghĩ gì là nói nấy. Tôi thấy dân mình như cây mọc nông trong khi các dân tộc phát triển khác như cây cao bóng cả. Việt Nam sau chiến tranh thì như rừng cỏ ranh, người nào cũng xêm xêm nhau. Chứ ở các nước phát triển thì họ có cả cây cao bóng cả, cả cây thấp lẫn dây leo bụi rậm.

– Ông dẫn rất nhiều tài liệu trong Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (in năm 1938) để nói về thói hư tật xấu của người Việt. Vậy theo ông cho tới thời điểm này, khi Việt Nam gia nhập WTO rồi thì những thói hư tật xấu đó đã được thay đổi chưa trong suốt gần 60 năm qua?

– Tôi nghĩ thói hư tật xấu của người Việt không những không thuyên giảm mà có vẻ như còn xuất hiện thêm ngày càng nhiều hơn. Và họ cũng có vẻ lý sự hơn trong việc cãi lấy được chứ chẳng dựa vào luật lệ nào.

– Gia nhập WTO rồi mà người Việt ta vẫn chưa thay đổi ư?

– Tôi nghĩ việc gia nhập WTO chỉ là thủ tục hành chính còn sự chuẩn bị về nhận thức để dân ta thay đổi cho phù hợp với hội nhập thì chưa có. Chúng ta phải có nghiên cứu xem trước khi hội nhập thì sự hiểu biết của dân ta về nước ngoài ra sao, văn hóa của Việt Nam như thế nào và có bị ảnh hưởng bởi hội nhập không,…

Chúng ta đừng để sự yếu kém về mặt nhận thức ảnh hưởng tới đường lối tư duy, kiểu Xuân Diệu đã từng giảng trong một lớp học viết văn rằng: Các đồng chí ơi! Tổng thống ở Mỹ sau khi hết nhiệm kỳ, về nghỉ thì đi làm lái buôn, làm quảng cáo cho các hãng, rồi nó mặc áo dính hình quảng cáo này nọ… Xuân Diệu được đi nước ngoài quá nhiều rồi mà còn nhận thức vậy thử hỏi những người dân thường sẽ hiểu ra sao?

– Vậy phải chăng hội nhập cũng làm cho dân ta thêm tật xấu mới?

– Vâng! Khi hội nhập, chúng ta từ tối ra ánh sáng thì bệnh mới càng lộ rõ. Cộng vào đó là những thói hư tật xấu bị nhiễm từ bên ngoài vào nữa.

“Tôi muốn nhìn Việt Nam bằng tình thần thế giới…”

Hiện nay tôi có một vấn đề rất băn khoăn những chưa viết ra được là: Việt Nam đang thành bãi rác của thế giới. Không phải cứ người nước ngoài đến Việt Nam là đều thông minh, giỏi giang cả đâu.

Bởi chúng ta sống dễ dãi quá, cẩu thả quá nên hợp với những đối tượng này, nhưng nếu họ về nước khác họ sẽ bị nhắc ngay. Thế là nhiều kẻ buôn lậu, tội phạm và làm ăn chụp giật cũng như sống buông thả mới đến Việt Nam. Hay cả những tư tưởng lạc hậu cũng đang ồ ạt vào nước ta. Tôi rất sợ việc này xảy ra.

– Hiện nay Việt Nam đang nhắc nhiều đến việc “quảng bá, tiếp thị hình ảnh đất nước”. Cụm từ “PR” (Public Relations, tức quan hệ công chúng, quan hệ đối ngoại hoặc “đánh bóng hình ảnh bản thân”… cũng đang được nhắc tới thường xuyên. Để làm điều đó thì những cái hay, điều tốt, vẻ đẹp cần phải “phô” ra với bên ngoài. Như thế, việc ông đang làm liệu có đi ngược với xu hướng đó?

– Trên nguyên tắc, chúng ta không thể giấu nhau được cái gì. Các dân tộc luôn nhìn vào nhau để phát triển. Ngày trước, nhiều giáo sĩ, nhà buôn… phương Tây đã sang nước ta và ghi lại nhận xét của họ mà chúng ta ít nhắc đến. Điều đó chứng tỏ, từ lâu rồi chúng tôi đã không thể giấu được nhau.

Câu “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại“, theo tôi đã lạc hậu từ rồi. Bây giờ chúng ta cần nói đúng mức về mình và đúng như nó có. Chúng ta không thể nói quá lên, trong nhà với nhau thì còn có thể chấp nhận chứ ra tới bên ngoài là không có lợi về lâu dài. Cũng không phải chỉ ta mới có những cái mà ta ngỡ người khác không có.

Nói về mình là rất khó. Chúng ta vẫn luôn cần quảng bá hình ảnh của ta nhưng việc đó phải nằm trong tay những người có thiện chí, có hiểu biết sâu sắc về không chỉ nước mình và còn về nước khác. Nếu không có điều đó rất dễ bị nói sai. Việc người bên ngoài nhìn vào nước ta cũng quan trọng, nếu hiểu họ thì khi họ nói xã giao quá, ta còn biết để mà bỏ đi…

Giả sử để để ông làm công việc là giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài, ông sẽ giới thiệu điều gì trước nhất?

– Việc này không phải dễ. Chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong quá trình hình thành dân tộc, có giai đoạn ta phải tạm thời đóng cửa lại. Để đi ra thế giới như ngày hôm nay thì phải trải qua con đường rất dài và chúng ta khao khát “hội nhập” hơn bao giờ hết.

Tôi thấy đặc điểm lớn nhất của Việt Nam hôm nay mà thế giới cần nhìn vào là chúng ta đang tập sống theo quy luật của thế giới, nhìn mình như một con người của nhân loại và vươn tới những điều cao đẹp. Chưa bao giờ chúng ta có điều kiện như bây giờ để vươn lên trở thành chuẩn mực.

Dân mình có sức trẻ, có ham muốn, tức là có sức mạnh tinh thần rất lớn. Tôi thấy câu “Việt Nam muốn làm bạn với thế giới” không phải là lời xã giao vì thực sự chúng ta đang khao khát muốn biết thế giới và làm bạn với thế giới.

Chúng ta ở tầm công dân hạng 2, hạng 3 của thế giới (?)

– Sau Cách mạng tháng tám bác Hồ có đề cập đến một nhiệm vụ rất cần kíp lúc đó là “Phải dạy lại nhân dân”. Điều này còn đúng cho thời điểm hiện nay?

– Ngay từ thời cụ Phan Chu Trinh đã lấy nhu cầu “tân dân” làm gốc để đưa đất nước phát triển lên. Như vậy việc làm mới dân là nhu cầu của mọi thời, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chất “người” đang đi xuống trần trọng, con người dễ buông thả, suy đồi.

– Con người mới của thời đại ngày nay theo ông là con người như thế nào?

– Là con người thấy được rằng mình còn rất nhiều kém cỏi và phải có ý trí để mà vươn lên với thế giới. Không phải họ nói vài câu xoa đầu là đã sướng rồi mà mình phải làm sao tạo ra hàng hóa để đưa cho họ, họ phải mua nhiều và mua nữa.

Con người hiện đại phải là con người biết được nhược điểm của mình và có khao khát vươn lên, có lòng tin là mình sẽ đứng ngang hàng với thế giới chứ không cần phải để ai chiếu cố. Có sách của mình người ta phải đọc, phải dịch chứ không phải là đi cầu cạnh họ dịch để khoe mẽ.

– Theo ông, phẩm chất nào là nổi bật của người Việt?

– Phẩm chất nổi bật nhất của người Việt là tính dễ thích ứng. Nhưng đây là phẩm chất có hai mặt. Dễ linh động, linh hoạt những có thể hời hợt, nhạt nhòa, chông chênh, dao động.

– Vậy phải chăng chúng ta có nhiếu thói hư tật xấu hơn những phẩm chất tốt đẹp?

– Tôi cảm thấy nó đang là vậy! Do trình độ sống của dân ta hơi thấp.

– Nói vậy có quá không, thưa ông?

– Nói chính xác hơn là về mặt số lượng thì thói hư tật xấu của chúng ta nhiều hơn, nhưng nó vẫn đan cài với những phẩm chất tốt.

– Ông có sợ bị phản ứng khi nói bi quan vậy không?

– Tôi không sợ phản ứng! Nếu các bạn không đồng ý với tôi các bạn cứ viết ra, tôi sẽ tiếp thu. Tôi không là cái gì cả, tôi nói và viết theo những gì tôi nghĩ.

Theo ông chính phủ và nhà nước cần có những chính sách gì để khuyến khích phát triển những tính cách tốt đẹp của người Việt?

– Theo tôi Nhà nước nên có một chính sách khuyến khích hơn nữa khả năng tự nhận thức của mỗi người. Đồng thời cũng nên khuyến khích những lời nói thật, đừng chỉ nói chúng ta giỏi nhưng thực tế lại rất dở, phải thẳng và thật.

– Vậy phải chăng việc “vạch áo cho người xem lưng” cũng rất tốt?

– Tôi nghĩ việc này là tốt. Như chuyện Lê Vân viết tự truyện cũng rất tốt, nó cho thấy một thức tế đang tồn tại trong đời sống văn nghệ của nước ta. Nó có cái dở là cho thấy một đời sống gia đình rất nhếch nhác; nhưng lần đầu tiên đã có một người trẻ nhìn đời sống một cách thẳng thắn và dám viết ra.

Ngay cả những nhà văn tài ba của chúng ta khi viết cũng chỉ toàn cố khoe tài. Thế giới này người giỏi không bao giờ khoe tài của mình cả.

Chúng ta có một trình độ sống thấp, ở tầm công dân loại 2, loại 3 của thế giới. Tôi biết tôi nói ra cũng có thể gây nhiều phiền phức nhưng tôi không gạt được ý nghĩ nó ra khỏi đầu tôi. Nếu các bạn thấy nó có thể gây phiền phức thì các bạn đừng hỏi tôi nữa và cũng đừng viết nữa.

Tôi thấy rất xấu hổ khi lúc nào chúng ta cũng nói tới bản sắc. Trong khi đó cái gì chúng ta cũng học của nước ngoài. Chúng ta học đòi nhanh thế thì bản sắc ở đâu?

Nói về thói hư tật xấu của người Việt không có nghĩa là ghét người Việt mà là vì yêu nên mới nói phải không ông?

– Đúng vậy! Bằng nhân tâm của tôi, tôi làm. Nếu không có lòng yêu nước, yêu người dân quê hương mình thì tôi việc gì phải làm cái việc coi như “đi tu” này. Tôi nghĩ mình cần làm nó vì nó giúp cho dân ta mạnh lên, nước ta giàu lên.

– Phải chăng ông làm điều này vì ông muốn viết lên một trang sử nào đó cho mình?

– Không! Tôi vào Sài Gòn và nhìn tên phố thấy có những người tôi chả biết là ai, có những người sử sách viết rất hay nhưng ở ngoài đời lại không phải hay như vậy.

Một câu hỏi nhỏ về ông: Nghe nói ông lão 64 tuổi Vương Trí Nhàn vẫn thường xuyên ra bãi giữa sông Hồng để… tắm tiên?

– Ồ, thú vị lắm. Tôi làm điều đó mỗi buổi sáng cùng một nhóm các ông già 60 đến 70 tuổi. Nó đã thành việc làm thường xuyên nên kể cả khi trời Đông rét mướt tôi vẫn không bỏ, không ngại.

Mấy năm trước tôi bị thoái hóa cột sống cổ, thần kinh chân tay co quắp lại. Gặp bác sĩ giỏi nhất thì được khuyên mổ. Tôi đã đi nhiều nơi, lên cả Tuyên Quang chữa trị mà không khỏi. Sau đó, có người khuyên tôi nên ra sông Hồng tắm. Giờ tôi thấy khỏe ra, mỗi lần tắm xong thấy sung sướng lắm.

Nhưng cái được hơn từ việc này với tôi là về tâm lý. Tắm về tôi thấy thoải mái, không sợ việc, thấy tự tin, ham sống hơn. Việc “tắm tiên” gợi đến cho tôi cảm giác hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, giúp tôi lắng lại để nghĩ về nhân tình thế thái, biết yêu quý thiên nhiên hơn. Tự nhiên tôi thấy mình muốn viết được kịch bản phim về các dòng sông chảy trên đất Việt Nam.

Về mùa nước lũ này, phù sa sông Hồng chở nặng, đỏ au như những bát đất। Dù nó mang về rất nhiều rác, nhưng sông vẫn có sự thanh sạch vô cùng. Tôi hiểu, đất mẹ còn rộng rãi lắm, dù có cả rác và vẩn đục trong đó, nhưng vẫn không mất đi sự tươi mát, sạch trong.

www.netlife.com.

"Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ"

Filed under: PHONG VAN — vương-trí-đăng @ 10:42


(VietNamNet) – Soi rọi các hiện tượng xã hội dưới ánh sáng văn hóa – đó là công việc mà nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đang theo đuổi. Dưới đây là những chia sẻ của ông với phóng viên VietNamNet nhân một câu chuyện thời sự.

Người Việt duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi

“Tôi không coi duy tình là một niềm tự hào. Trái lại, ta phải tính để vượt lên một trình độ sống khác”.

Suốt tuần nay, dư luận ầm ĩ xung quanh sự kiện 1 diễn viên trẻ bị đưa chuyện phòng the lên mạng. Từ góc độ một người nghiên cứu văn hóa, nhận định của ông về việc này ra sao?

Có hai hiện tượng để nhìn nhận.

Thứ nhất, việc tự quay phim ghi lại chuyện ân ái của mình, chứng tỏ một bộ phận lớp trẻ hiện nay có lối sống khá bế tắc, bất cần, muốn vượt ra ngoài các lề thói đạo đức thông thường.

Thứ hai, việc dư luận sôi sục lên trước sự kiện ấy, chứng tỏ chúng ta có một đám đông rất nhạy cảm, dễ bị kích động. Song tôi dự đoán, rồi cũng giống như một vài vụ trước, như vụ các cô dâu lấychồng Đài Loan, Hàn Quốc, nó chỉ là hiệu ứng lửa rơm.

Lối sống thác loạn của một bộ phận giới trẻ không phải bây giờ mới có. Chờ nó được đưa ra sân chơi công cộng, mới nảy sinh “làn sóng” chú ý, mổ xẻ, lên án nó thì muộn quá rồi còn gì. Lẽ ra với một thái độ kiên trì và bình tĩnh, chúng ta phải mang ra bàn bạc từ lâu, vừa bàn vừa lắng nghe và chờ đợi. Cả buông xuôi lẫn nóng vội ở đây đều vô nghĩa, nếu không muốn nói là có hại.

Tức là, theo ông, hiện tượng dư luận ồn ào quá mức xung quanh một chuyện cá nhân là bất thường?

Không hẳn bất thường. Như người ta vẫn nói, nước mình nó thế. Từ thuở chỉ quanh quẩn trong các làng xã, chúng ta vẫn có lối phản ứng như vậy. Nó là một đặc điểm của tính cách người Việt.

Tôi nhớ, trong một bài báo gần đây, ông Trần Ngọc Thêm (nhà nghiên cứu văn hoá – PV) có nói: Đặc điểm tính cách, người Tây là duy lý, người Tàu là duy ý chí còn người Việt là duy tình. Chữ tình, nói theo chữ của ông Thêm, là lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa của người Việt.

Nhiều người cũng nghĩ như ông Thêm.

Phần tôi, tôi cho rằng chỉ nên nói đặc điểm người Việt là tính tự phát rất lớn, thường là những cơn xúc cảm bùng lên, song không trải qua những suy ngẫm nên sẽ qua đi nhanh.

Tức, tôi không coi duy tình là một niềm tự hào. Trái lại, ta phải tính để vượt lên một trình độ sống khác.

Cụ thể hơn, theo ông, “sự duy tình” có những điểm nào không đáng để tự hào?

Cả sự kém duy lý (vận dụng đến cùng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta.

Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại.

Như trong câu chuyện phần trên chúng ta vừa nói: cả các bạn trẻ hiện nay cũng sống truồi theo cảm hứng tự phát, không nghĩ đường xa. Mà dư luận cũng tự phát, ầm ĩ đấy rồi cũng bỏ qua ngay đấy.

Đằng sau nó là những nguyên nhân sâu xa…

Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ

“Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ”.

Vậy là, từ một hiện tượng ồn ào trong dư luận hiện nay, ông muốn lưu ý tới những nguyên nhân sâu xa. Liệu có gượng ép quá không?

Tôi không ngại, miễn là chúng ta cùng lắng nghe nhau một chút.

Nhưng, liệu cách nhìn nhận của ông về cốt cách sống của dân mình quá cực đoan và khắt khe? Người Việt xưa nay vẫn tự hào là một dân tộc hiếu học, thông minh và có sức chịu đựng, bền bỉ?

Các phương tiện truyền thông và cả bản thân chúng ta vẫn thường tự ve vuốt mình bằng những nhận định như mấy chữ bạn đã dùng.

Còn tôi, sau một giai đoạn nghiên cứu về văn hoá và tính cách Việt, tôi mạnh dạn sử dụng hình ảnh “một khối tự phát khổng lồ”.

Nói vậy có thể gây tự ái cho ai đó và có thể gây tranh cãi. Ngay như bản thân tôi, cũng đã nhiều lần tự tìm cách phủ định nó, nhưng hiện tại tôi vẫn chưa tìm ra được dẫn chứng phủ định thuyết phục.

Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ. Chúng ta tự cho phép sống theo thói quen, nếu như có nói đến các lý thuyết, các định hướng nọ kia thì chủ yếu là đi thừa hưởng các kết quả nghiên cứu từ các dân tộc khác. Thêm nữa, chỉ treo lý thuyết lên gọi là có, chứ vẫn sống theo cách của mình.

Tôi ví dụ, đơn giản nhất là trong đời sống tôn giáo. Với đạo Phật, chúng ta hiểu biết lơ mơ. Về tất cả các lý thuyết, hầu như không nghiên cứu gì cả, chỉ toàn là truyền miệng với nhau, trong tu thì chỉ “thiền”, “ngộ”, tức là ngồi để tự nhiên nghĩ ra cái gì đấy.

Tôi nghĩ lối sống này làm nghèo chúng ta đi, từ sự trống vắng, kết quả thu được cũng chẳng gì hơn cũng là trống vắng. Trong khi ấy, thử so sánh, người Trung Quốc có không biết bao nhiêu pho kinh, chẳng hạn như ông Huyền Trang sang tận Ấn Độ lấy về, dịch ra, họ đã mang lại cho đạo Phật một sức sống mới.

Bàn một chút về đặc điểm tính cách dân tộc. Theo ông, có những nguyên nhân nào tác động đến điều này?

Khi nhìn vào những ngổn ngang trong đời sống trước mắt, nhiều người có ý cho rằng đó là bởi các lý thuyết mà chúng ta theo đuổi, chẳng hạn lý tưởng cộng sản… này khác. Tôi thì lại thấy những nguyên nhân sâu xa cơ bản là nằm trong cái cốt cách mà dân tộc đã hình thành trong lịch sử.

Hiểu rõ nguồn gốc dân tộc, sự hình thành của dân tộc mình là một trong những cách để nhận chân lại mình.

Nói một cách thô thiển nhất thì như thế này: mỗi khu vực địa lý tạo ra một giống người với đặc điểm riêng của họ.

Chúng ta là người xứ nóng, vùng nhiệt đới được thiên nhiên ưu đãi, nên một mặt dễ sống, một mặt khác, nó tạo cho ta tính dễ dãi.

Người xứ nóng thường có cuộc sống đơn giản. Trước đây, thời các cụ, chẳng cần có quần áo cũng tồn tại được. Ngay trước Cách mạng tháng Tám, dân ta còn rất nhiều người đi chân đất.

Trong khi đó, người xứ lạnh, thời tiết khắc nghiệt đòi hỏi họ phải chuẩn bị cho cuộc sống cẩn thận hơn. Ngay từ ngôi nhà, đến ăn mặc phải bền chắc hơn, có sức chịu đựng hơn… Tất cả những điều này ảnh hưởng một cách vô thức đến tính cách dân tộc.

“Nuôi dưỡng ảo tưởng”

Sau những nguyên nhân ban đầu ấy, mọi chuyện đã phát triển ra sao?

Một công cụ để một dân tộc nào đó tư duy, là chữ viết. Việc không hình thành cho được một thứ chữ viết riêng mang lại cho chúng ta rất nhiều hạn chế. Chính nó khuyếch đại thêm cái khía cạnh nông nổi tự phát mà chúng ta nói từ đầu.

Thời trung đại việc dùng chữ Hán đã mang lại cho chúng ta bao thiệt thòi. Rồi sau này, do lịch sử đổi thay, lại dùng chữ hệ Latinh. Lâu nay người ta chỉ thích nhấn mạnh rằng chữ Latinh góp phần thúc đẩy xã hội tiến tới. Tôi cũng thấy thế, nhưng lưu ý thêm chữ quốc ngữ càng làm cho chúng ta cẩu thả trong nói và viết. Nếp tư duy hời hợt lan rộng.

Việt Nam, xét trong lịch sử, là một nước trải qua khá nhiều các cuộc chiến tranh. Yếu tố này có góp phần ảnh hưởng đến cái gọi là tính cách dân tộc không, theo ông?

Tất nhiên rồi. Trên nét lớn, chiến tranh ở ta còn để lại dấu vết nặng nề và càng lảng tránh nó, chúng ta càng bị nó ám.

Không cần có kinh nghiệm nhiều thì người ta cũng có thể biết chiến tranh là tình trạng ăn xổi, ở thì, lúc đó, trong khi sống với những mơ tưởng xa vời, thực tế là người ta lại chả biết rõ ràng ngày mai của mình như thế nào.

Cụ thể hơn, 2 cuộc chiến lớn của dân tộc trong thế kỷ vừa qua, để lại dấu ấn như thế nào trong đời sống tinh thần người Việt?

Chuyện lớn quá, cho phép tôi chỉ nói một điểm có tính cách xuất phát: phải nói chính ra chiến tranh nuôi dưỡng ảo tưởng. Ta không biết rõ ta đã trở nên như thế nào. Ta tưởng rằng, sau chiến tranh, mình còn nguyên vẹn, nhưng thực ra mình đã mất mát rất nhiều. Nhìn vào nhiều mặt đời sống, tôi cảm thấy so với trước chiến tranh, có một bước lùi. Con người ít tham vọng hơn, dễ dãi với mình hơn mà lại buông thả hơn.

Ông có cực đoan quá không? Có nhiều ý kiến cho rằng, chính cuộc chiến này đã khơi dậy, đánh thức được tiềm năng của các thế hệ?

Tôi cho rằng, nhận định đó là đúng nhưng chưa đủ, khi nói vậy chúng ta chưa thấy hết sự thực. Cuộc kháng chiến chống Pháp còn vừa sức với dân tộc ta. Còn cuộc chiến chống Mỹ ư? Với tư cách một người vừa lớn lên thì bước vào chiến tranh, tôi muốn nói rằng nó to lớn vĩ đại, nó kinh khủng quá, nó hút hết sức lực của cộng đồng. Chiến tranh ở ta như việc một người nhỏ bé phải đối mặt với một thách thức quá sức. Vẫn làm được đấy, nhưng sau đó sẽ mệt mỏi, một sự mệt mỏi kéo dài cho đến hôm nay.

Việc nghiên cứu tính chất của xã hội hậu chiến ở ta ít được xem trọng. Nhưng nhìn đâu cũng thấy.

Cả việc lớp trẻ lao đầu vào cuộc hưởng thụ lẫn một dư luận xốc nổi, khi quá khắt khe khi quá dễ dãi, tức là câu chuyện mà chúng ta nói từ đầu đến giờ, cũng là hiện tượng thường thấy ở các xã hội hậu chiến.

Blog tại WordPress.com.