VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

30/04/2009

Văn học miền nam 54-75 trong cách nhìn của VƯƠNG TRÍ NHÀN hôm nay

Filed under: NGHIEN CUU VAN HOC — vương-trí-đăng @ 12:47

Trong những năm gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, bởi có một nhu cầu đến từ những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị chính thức loại trừ sau 30/4/1975.
Trong chiều hướng đó, hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị, tiếng nói của nhà phê bình và nghiên cứu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà văn mền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay.
Qua những nhận định và phân tích của Vương Trí Nhàn, chúng ta sẽ thấy sự tiếp cận văn học giữa hai miền chưa bao giờ thực sự gián đoạn, và riêng ông, ông mong được đóng góp tích cực vào việc mở rộng con đường hợp nhất hai nền văn học Nam Bắc để có thể vẽ nên toàn diện bộ mặt văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.

Thụy Khuê: Thưa anh Vương Trí Nhàn, xin cảm ơn anh lại một lần nữa vui lòng đóng góp tiếng nói trên đài RFI. Trước hết xin hỏi anh là hiện nay có dấu hiệu nào cho chúng ta thấy là văn học miền Nam đã bắt đầu hiện diện lại trên địa bàn văn học ở trong nước hay chưa?
Vương Trí Nhàn: Lâu nay, Văn học miền Nam như cứ tồn tại một cách lấp lửng ở Hà Nội, lúc thì xuất hiện, lúc có vấn đề nổi lên, tuy không thành vấn đề lớn, vấn đề liên tục. Thời gian gần đây vì có chuyện một số sách của Dương Nghiễm Mậu được in lại, sau đó lại bị phê phán, thành ra có người nghĩ rằng nó đang bị đẩy lùi đi. Tôi thấy không phải, mà thực chất khoảng mùa thu năm ngoái, năm 2007, báo Văn Nghệ mở ra mục giới thiệu một số tác phẩm của văn học Sàigòn trước 75 và đã in một số truyện ngắn. Và đúng kỳ 30 tháng tư năm 2008 này, báo Văn Nghệ có ra số đặc biệt, lần đầu tiên đưa vào sưu tập mười truyện ngắn in ở Sàigòn trước năm 75, đấy là một điều đáng chú ý. Theo tôi, trong xã hội đang có nhu cầu muốn nhìn lại, tiếp cận lại bộ phận văn học này, tôi thấy đây là điều cần thiết và cũng muốn góp sức vào đó.

T.K.: Truớc khi đi xa hơn nữa, xin hỏi anh về tình hình trước năm 1975, ở Hà Nội thời ấy đã có ai đọc một vài tác phẩm của Văn học miền Nam hay không, và nếu có, chuyện đó đã xẩy ra như thế nào?
V.T.N.: Văn học miền Nam hồi đó về Hà Nội ít ỏi lắm ,muốn đọc khó lắm , nhiều khi phải mò mẫm đi tìm tìm thấy rồi, đọc thấy hay rồi muốn kêu lên với mọi người cũng phải tự nén lại . Song, một cách tự nhiên , một số người chúng tôi biết rằng có nó , đinh ninh tin rằng một người muốn làm văn học một cách đứng đắn phải tìm tới nó — các nhà văn từ Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, rồi Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… hay lớp trẻ bọn tôi như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt , Trúc Thông hay một số bạn khác đã nghĩ như vậy. Không bồng bột không sôi nổi ào ạt , nhưng chúng tôi đã liên tục tìm kiếm , không bỏ qua một trường hợp nào mà không tìm kiếm . Có thể là chẳng ai hiểu văn học miền Nam cho đến đầu đến đũa , có thể sự hiểu chỉ loanh quanh ở những mảnh vụn, nhưng làm sao khác được , vừa đọc vừa đoán thêm tưởng tượng thêm cũng là quý lắm rồi . Và đã có một sự chia sẻ thậm chí như là giữa hai bên hình như vẫn có một cuộc đối thoại ngầm nữa . Vả chăng cái sự xa lạ là mãi về sau này mớí xuất hiện chứ ban đầu chính thức đâu có phải vậy. Có lần tôi đã tìm thấy một văn bản năm 56, ông Nguyễn Tuân, thay mặt cho giới văn nghệ Hà Nội, đã viết thư cho những người viết văn ở miền Nam, nói rằng chúng ta sẽ cùng lập một đoàn đại biểu để đi dự hội nghị nhà văn ở Tân Đề Ly, bên Ấn Độ và chúng ta sẽ chờ cơ hội sáng tác để góp phần vào nền văn hóa dân tộc. Đây là chuyện ít người biết cả người ở Hà Nội cũng không biết tôi cho rằng chúng ta nên tìm cách nhắc lại với nhau kẻo hiểu làm mãi , hiểu lầm và tự mình bó buộc mình một cách phi lý.
Về sau này , từ những năm cuối chiến tranh và nhất là ngay sau 1975 đôi lúc có cảm tưởng là với giới viết văn Hà Nội đời sống văn chương miền nam là bỏ đi những người viết văn ở Sàigòn trước kia toàn là kẻ thù cả. Không phải thế. Nói người ta cứ nói mà đọc người ta cứ đọc . Gần đây càng ngày tôi càng thấy nhiều ý kiến nói rằng đánh giá thế nào thì đánh giá, có thể phê phán, có thể nhận xét thế này thế kia, nhưng phải công nhận rằng văn học miền Nam là một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX và ở đó có rất nhiều vấn đề, nhiều đóng góp và phải có nó nữa thì văn học Việt Nam mới là chính mình. Vậy phải nghiên cứu tìm hiểu hẹ thống hóa lại phải in lại Trên nguyên tắc không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ còn làm thế nào cho đúng, cho tốt nhất, sự thực là không thể không làm được. Tôi cho là thời gian tới, việc này phải được triển khai một cách bài bản , tuy rằng đi vào cụ thể cũng có rất nhiều khó khăn.

T.K.: Thưa anh, qua những dịp nói chuyện với anh, tôi biết là anh đã đọc khá nhiều văn học miền Nam từ lâu rồi .Nhưng hình như trước đây anh ngại phát biểu về vấn đề này. Ngày nay, anh sẵn sàng trở lại vấn đề này một cách công khai . Vì sao như vậy, chắc ở đây phải có một lý do sâu xa?
V.T.N.: Đúng là thời gian gần đây, tôi cảm thấy không thể im lặng mãi mà cần nói nên nói . Sở dĩ vậy lý do rất đơn giản . Cái chính là đời sống trong nước gần đây có nhiều khó khăn, quá, không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn nhiều mặt khác.Với tư cách là một trí thức, một người viết văn, điều làm tôi đau lòng nhất là nhìn thấy con người hiện nay, có cái gì đó như là suy thoái, tha hóa, tầm thường đi, trở nên hung hãn càn rỡ hơn, chỉ biết chiều theo những bản năng thấp, ham hưởng thụ và mệt mỏi, chán ngán, làm bậy. Tôi thấy chúng tôi những người viết văn có lỗI trong chuyện này và trước mắt phải nhận lấy trách nhiệm suy nghĩ và lý giải vấn đề này. Trong quá trình lý giải đó, tôi đi tới ý tưởng là con người hôm nay là hệ quả của chiến tranh . Nghĩ gì thì nghĩ, xã hội Việt Nam hôm nay là xã hội hậu chiến. Có người bảo đã 30 năm nay rồi; nhưng theo tôi, thực sự xã hội Việt Nam vẫn còn đang phát triển theo quy luật của chiến tranh và nếu chúng ta không nói rõ ra những đặc điểm của con người hậu chiến, không trở lại cuộc chiến tranh, thì không thể hiểu được đời sống trước mắt và không thể gọi ra căn bệnh của con người hiện nay được và cũng không thể góp phần chạy chữa và giúp con người sống tốt hơn được. Tôi tìm thấy ngay, những điều mà tôi suy nghĩ, ở Văn học miền Nam, cái phần mà tôi đã biết, đã đọc từ trước. Nó đã giúp tôi hiểu cả hai miền trong chiến tranh . Nó lại là cái sơ sở để cắt nghĩa tình hình hôm nay. Chúng ta đều biết rằng: trước 75, Văn học Việt Nam tồn tại ở hai mảng là Văn học miền Bắc và Văn học miền Nam. Nhưng có lúc trong tài liệu nghiên cứu, người ta chỉ thấy có Văn học miền Bắc thôi, còn bộ phận kia coi như không có. Hiện nay các sách văn học sử, hoặc là không viết gì, hoặc viết mấy câu qua loa có tính chất phê phán, nhưng sự thực là trong thời gian 45-75, rõ ràng chúng ta có hai nền văn học cùng tồn tại và hai nền văn học đó bổ sung cho nhau, mỗi bên có giá trị riêng và giá trị đó không thể bỏ được.

T.K.: Anh nghĩ như thế nhưng vẫn còn nhiều người nghĩ ngược lại anh, tại sao vậy?Và anh có lập luận nào để bảo vệ ý kiến anh?
V.T.N.: Sở dĩ đôi lúc người ta khó công nhận Văn học miền Nam là hình như họ nghĩ như thế này: tức là nếu công nhận Văn học miền Nam thì [Văn học] miền Bắc coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi. Tôi nghĩ “cách nghĩ chỉ có một [nền văn học] thôi” là không phải, vì như vậy sẽ gây ra nhiều rắc rối trong việc tiếp cận nhau. Tôi cho rằng chúng ta có cả hai [nền văn học], và hai bên bổ sung cho nhau. Tôi nghĩ độ một trăm năm sau, nếu muốn nhìn lại xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, muốn hiểu con người sống như thế nào thì cần phải đọc cả hai. Nền văn học miền Bắc, tôi tạm gọi là văn học của chiến công, nền văn học lôi cuốn người ta đi vào cuộc chiến tranh, còn nếu nói có những trang sách nào diễn tả được con người trong chiến tranh thì tôi thấy nó rõ trong phần văn học miền Nam. Qua những cuốn sách tôi đã đọc, từ Võ Phiến Mai Thảo Nhật Tiến Thế Uyên… chỗ nào tôi cũng thấy chiến tranh xa gần đều có dây dưa tớI chiến tranh . Sát sườn hơn những tác phẩm của Y Uyên , Nhã Ca, của Phan Nhật Nam, hay những bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn . Một ngườI như Dương Nghiễm Mậu, ngoài Cũng đành , Nhan sắc , Con sâu , tôi nhớ còn khá nhiều bút ký in trên bán nguyệt san Văn khoảng 1072-74 , ở đó có một nhân vật có tên là Trực , nhân vật Trực trở đi trở lạI nhiều lần vì hình như là chỗ để tác giả tự bộc lộ . Đọc những trang sách này , tôi hình dung ra được là chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh ghê gớm như thế nào, con người Việt Nam đã bị thương như thế nào méo mó như thế nào , trở thành như thế nào qua cuộc chiến tranh đó. Tôi cho rằng, nếu trong truyền thống, chúng ta có mảng văn học chức năng, động viên thôi thúc con người hành động, ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo hay thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, thì Văn học miền Bắc nối truyền thống đó rất rõ. Ngược lại, Văn học miền Nam nối tiếp truyền thống văn học của Nguyễn Du, của Đặng trần côn – Đoàn Thị Điểm, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, mảng nói về những đau khổ của con người và sự bơ vơ, khó khăn, bất lực, không biết đi lối nào trong đời sống này và cả tính bi thương, đau đớn của con người. Mảng đó tôi thấy rõ ở Văn học miền Nam đầy đủ hơn.

T.K.: Nếu đặt Văn học miền Nam vào mạch chung của thế kỷ XX, anh thấy nền văn học này đã giữ địa vị nào và đã làm được gì cho nền văn học dân tộc của chúng ta, nói chung?
V.T.N.: Chúng ta biết rằng thế kỷ XX là một bước chuyển của Văn học Việt Nam, trước đó chúng ta có nền văn học theo mô hình Trung Hoa, ở đó có hai bộ phận chính, một gần với dân gian, một nữa là văn học chức năng, văn dĩ tải đạo. Sang thế kỷ XX, văn học chúng ta hiện đại hóa tức là vận động theo mô hình văn hóa phương Tây, đến năm 1945 đã hoàn chỉnh. Sau năm 45, chúng ta có hai mảng văn học như tôi nói ở trên tức là Văn học miền Bắc và Văn học miền Nam. Văn học miền Bắc đi theo luật riêng , một mặt, nó tiếp theo văn học tiền chiến, và một mặt – mà là mặt chủ yếu — thì muốn làm công việc khai phá mới , đi lại từ đầu, tức là đi từ văn học dân gian lên và phủ nhận những kinh nghiệm của thời tiền chiến. Đặt trong cái mạch chung thì đến đây bên cạnh phần nối tiếp, có sự đứt gẫy . Ngược lại, chính Văn học miền Nam, rõ nhất là thời kỳ 54-75, theo tôi là sự tiếp nối tiền chiến đầy đủ hơn, với những vấn đề mà các nền văn học Đông Nam Á thường thấy là sử dụng quan niệm văn hóa phương Tây, nói lên được đời sống con người đương thời, có sự nối tiếp những di sản cũ, có sự tiếp nhận một cách bình thường đối với ảnh hưởng nước ngoài. Nhìn đạI thể , nếu Văn học miền Nam trước sau vẫn nằm trong một mạch liên tục với nước ngoài , thì Văn học miền Bắc, trước 75, gần như cô lập, chỉ có mạch nối tiếp với Trung Hoa và Nga, nhưng chỉ tiếp nhận được cái phần bề ngoài , vả chăng, ngay cả Nga và Trung Hoa lúc đó cũng đứng cô lập với thế giới. Vì vậy, có thể nói: Văn học miền Nam là sự tiếp nối bình thường của văn học tiền chiến, — tức là thuận theo cái dòng trôi chảy bình thường của lịch sử , chỉ có khác là trong điều kiện xã hội hậu thực dân, khi người Việt Nam bắt đầu nắm được vận mệnh mình và nghĩ phải làm sao đưa nền văn học của mình vào xây dựng xã hộI mớI , tuy nhiên tất cả là còn nham nhở dở dang và sớm buông xuôi mệt mỏi .

T.K.: Nếu cần tìm về bản chất Văn học miền Nam, theo anh, những giá trị nào là cơ bản của nền văn học này?
V.T.N.: Ở đây có hai giá trị cơ bản của văn học, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Tôi hiểu giá trị hiện thực như thế này, đọc Văn học miền Nam trước 75, tôi hiểu con người Việt Nam trong chiến tranh, chúng ta thấy ở thành thị, quân đội nước ngoài tập trung đến, với bao nhiêu đảo lộn của con người; còn nông thôn thì nay thuộc phe này, mai phe kia, con người bị chiến tranh xua đẩy đi khắp mọi nơi, đấy là những bức tranh hiện thực. Có lần tôi đọc một cuốn sách ít người biết lắm, cuốn Bướm khuya của Túy Hồng, hay là cuốn Đoàn lữ binh mùa thu của Nhã Ca chẳng hạn, nhưng cuốn như thế cho thấy đời sống xã hội – nhất là qua các nhà văn nữ- khi Mỹ vào, được tổ chức như thế nào để chuẩn bị chiến tranh và đã gây bao nhiêu thay đổi trong đời sống con người. Cái hiện thực diễn tả ở đây không phải là cái hiện thực mà chúng ta quen nghĩ, tức là ở đó phải có giai cấp nọ, giai cấp kia, phải có địa chủ, tư bản, nông dân – quan niệm hiện thực đó nó cổ rồi, nó khô cứng- mà là không khí hiện thực chung, hiện thực ngột ngạt, đau đớn, có lúc như ma quái, người ta không thể nắm được, nó nằm ngoài người ta, người ta đành phải chấp nhận nó và cảm thấy ở trong một môi trường mà mình bị nung nóng lên, bị lệch mọi hành động và suy nghĩ của mình. Thì bức tranh về xã hội chiến tranh như thế, tôi thấy rất nhiều trong các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, ở phần tốt nhất của họ, ở phần họ đúng là nhà văn, thì họ đã nói lên được thực trạng xã hội, ở đấy, đọc thấy rõ hơn, và có cảm tưởng như trở lại không khí của một đất nước, đã trải qua ba mươi năm quá đặc biệt. Đặc biệt trong đó có một chủ đề mà tôi cho là chủ đề nhân đạo, tức là nền văn học có sự thông cảm với con người, chia sẻ với con người. Có một số người hay hiểu nền văn học nhân đạo là văn học thương yêu con người, ca ngợi con người, đấy cũng là một cách hiểu. Nhưng theo tôi, điều quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa nhân đạo là hiểu con người, thông cảm với con người, thấy tất cả những sự phức tạp, cái ghê gớm, cái kỳ lạ của con người, nhất là chia sẻ với con người trong trạng thái nhân thế của nó.

T.K.: Xin anh kể ra một vài tác giả hay tác phẩm nào trong nền Văn học miền Nam đã làm cho anh căn cứ vào đó để nói lên những điều anh vừa nói.
V.T.N.: Tôi nhớ là trong những cuốn sách của nhà văn Dương Nghiễm Mậu thì tôi thấy rất rõ những lúc, trong thời kỳ đầu, Dương Nghiễm Mậu có nhiều suy nghĩ rất trừu tượng, trong Cũng đành, về vấn đề tồn tại như thế nào, mình có quyền hành động gì, sự lựa chọn đúng hay sai, mình đúng như thế nào, bản mệnh đã bị dày vò thế nào, đấy là phần đến rất sớm ở Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền và một số người khác. Về sau, khoảng sau 72, tôi được biết là Dương Nghiễm Mậu cũng có những tiểu thuyết như Con sâu, cũng đã diễn tả tâm trạng đời sống con người trước 75. Rất tiếc là tôi chưa được đọc cuốn này nhưng tôi được đọc nhiều bút ký ngắn của Dương Nghiễm Mậu tả những chuyến đi theo các đơn vị quân đội đến Tây Nguyên, ra Quảng Trị và nhân vật các sĩ quan trẻ trong đó, tôi thấy diễn tả được hết những đau đớn của con người, chứng kiến đất nước mình, lớp trẻ bị chết, bị thương, mất hết sự thiêng liêng của đời sống và bơ vơ không biết làm thế nào.
Một tác giả nữa, mà khoảng năm 72, bọn tôi ở quân đội cũng rất xúc động, xôn xao lên là cuốn của Phan Nhật Nam, không phải cuốn nhiều người hay nói tới là cuốn Mùa hè đỏ lửa, diễn tả không khí chiến trường rất ác liệt, mà là cuốn trước đó, cuốn Dấu binh lửa. Theo tôi, Dấu binh lửa có giá trị rất lớn, vì nó cho thấy sự tan vỡ tâm hồn, tan vỡ đời sống tinh thần của người thanh niên lớn lên trong một đất nước chiến tranh. Từ chỗ là một người đầy nhiệt huyết, muốn biết, muốn hiểu, muốn đóng góp, muốn làm cái gì cho dân, cho xứ sở, biến thành người hư hỏng, chán ngán, không còn là mình nữa và biết là mình lội sâu vào trụy lạc, hư hỏng và con người trở nên trâng tráo, chai lỳ, bất nhẫn, Phan Nhật Nam kêu lên là mình không còn là mình nữa, mình đã đánh mất mình rồi, xã hội đã làm hỏng mình rồi. Tất cả những điều đó đều đọc được trong Dấu binh lửa. Tôi nhớ là tôi hay nói chuyện với những nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, các anh đều công nhận rằng đọc cuốn sách này thấy rất rõ sự vận động tâm lý, vận động đời sống tinh thần của con người trong xã hội như thế và bọn tôi ghi nhận ngay cách diễn tả, cách viết rất trực tiếp và khả năng sử dụng tiếng Việt của Phan Nhật Nam trong Dấu binh lửa ở một tác phẩm có tính chất tự thú như thế. Sau này Bảo Ninh có viết Nỗi buồn chiến tranh, đọc Nỗi buồn chiến tranh tôi lại nhớ đến Dấu binh lửa và tôi có đưa cho anh Bảo Ninh xem, Bảo Ninh nói với tôi: Nếu tôi đọc cuốn Dấu binh lửa này thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi. Tôi có cảm tưởng rằng đây là một trong những cuốn sách viết về chiến tranh mà bọn tôi ghi nhớ mãi và cho rằng ở chỗ đó, nó thể hiện đầy đủ những đóng góp của Văn học miền Nam, tức là ghi nhận được trạng thái nhân thế, tinh thần của con người một thời, tất cả những đau đớn, vật vã của con người trong một hoàn cảnh phi nhân văn và chính từ đó chúng ta có thể giải thích tất cả những biến động trong đời sống từ sau 75 đến nay.

T.K.: Thưa anh, có thể nói là sự trở về với Văn học miền Nam của anh còn có một lý do khác, đó là từ khi về hưu anh có nhiều thì giờ đọc hơn và anh cũng đã khám phá ra nhiều cái mới.
V.T.N.: Tôi cũng xin thú thật là, gần đây, về hưu rồi, tôi mới có điều kiện đọc nhiều, một trong những say mê của tôi là đọc sử của mình suốt những thời kỳ cũ. Thật ra ở Hà Nội người ta viết sử rất kém, từ lúc tôi đi học đã… không có sử. Rất xấu hổ phải nói là một người viết văn, trí thức như bọn tôi, mà chưa bao giờ tiếp xúc một cách nghiêm túc với những bộ sử rất quan trọng của chúng ta như bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Cương Giám Khâm Mục hay những bộ sử sau này như Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn chẳng hạn hay sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, thời người Pháp sang tổ chức lại xã hội của mình. Tất cả những trang sử ấy, bọn tôi biết quá ít, sự thực là chúng tôi có những định kiến sai lầm, những thành kiến, rồi cứ nuôi những thành kiến đó mà cứ tưởng đó là chân lý. Tôi có được may mắn là tự tìm ra được niềm vui đọc lại những cái đó và từ mảng ấy, tôi hiểu được đời sống hôm nay. Thế thì Văn học miền Nam cũng là một bộ phận, một di sản của dân tộc, nó như những bức ảnh, những cuốn phim, ghi lại đời sống một thời. Với những nhà văn của một đất nước, với tư cách là trí thức của đất nước, tôi nghĩ chúng ta rất cần lùi xa lại quá khứ và từ khoảng cách xa như thế, nhìn chung cả lịch sử tinh thần của dân tộc, chúng ta sẽ có được những khái quát để đóng góp xây dựng đời sống trước mắt.

T.K.: Tôi biết là anh đang có một dự định nghiên cứu dài hơi, anh có thể cho biết sơ qua về công việc mà anh đang bắt đầu làm không?
V.T.N.: Tôi đang làm việc tổng kết lại hoạt động của đời mình, theo nghĩa là dù mình có mấy chục năm làm việc nhưng nó cũng như là một bản nháp lộn xộn, bây giờ tìm xem cái gì là chính, vì thế, tôi nhận viết cuốn sách về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Trên con đường ấy, tôi nghĩ là chúng ta phải đánh giá lại Văn học tiền chiến, để thấy nó như là biểu hiện dạng thức văn hóa dân tộc trong nửa đầu thế kỷ XX, sang nửa sau, phải kể cả mảng Văn học miền Bắc (Văn học cách mạng) và Văn học miền nam. Trong quá trình xử lý như thế, tôi biết rằng sự chuẩn bị còn quá ít và chưa đầy đủ và bọn tôi còn có những thiếu sót rất cơ bản, thí dụ khả năng có thể tiếp xúc được với những ngành nghiên cứu mới nhất của phương Tây, thì lại không có, chỉ mầy mò thôi. Và có lẽ việc làm đầu tiên là mình phải thay đổi quan niệm, phải cởi mở, cởi mở theo nghĩa không phải để cho qua mà chính là để xác thực với thực tế hơn, gần với sự thực, gần chân lý hơn. Tôi mong muốn cả những người viết văn ở Hà Nội, ở Sàigòn cũ và bây giờ một số ở nước ngoài, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng đã có một thời gian nào đấy để nghĩ lại và vượt qua thành kiến cũ của mình, tạo được sự mới mẻ với đời sống văn hóa, văn học của dân tộc trong thế kỷ XX. Tức là chúng ta phải chấp nhận điều chúng ta phải thay đổi.

T.K.: Vừa rồi anh nhấn mạnh đến việc chúng ta phải thay đổi, theo anh, cái mà chúng ta phải thay đổi ở đây cụ thể là gì? Và tại sao chúng ta lại phải thay đổi? Bài học quá khứ đã cho ta những kinh nghiệm như thế nào?
V.T.N.: Đối tượng vẫn thế thôi, nhưng sự tiếp cận của chúng ta hôm qua đã thất bại thì hôm nay phải đổi cách nhìn, phải có những công cụ mới, cái nhìn mới. Trong thực tế đời sống nghiên cứu văn học, văn hóa ở Hà Nội cũng đã có như thế: trong một thời gian dài ở Hà Nội Văn học tiền chiến coi như rất yếu kém, nhiều hư hỏng. Những tác giả như Vũ Trọng Phụng coi như không được in lại, Nguyễn Công Hoan cũng có những sai lầm, Ngô Tất Tố cũng hạn chế, Tự Lực Văn đoàn coi như vứt đi hết, chỉ có Thạch Lam được yêu mến một chút thôi, chứ còn tất cả đến bây giờ vẫn coi lãng mạn là xa rời đời sống, nhiệm vụ dân tộc. Từ lúc trước 75 hiểu như thế, đến bây giờ thì khác hẳn, bây giờ lại bắt đầu nhìn Văn học tiền chiến như một niềm tự hào của văn hóa, văn học dân tộc, thì tôi thấy rõ ràng chúng ta đã thay đổi, tôi muốn rằng sự thay đổi ấy cũng sẽ đến với Văn học miền Nam, trong cái nhìn Văn học miền Nam trước 75. Tôi thấy, ví dụ như người Nga, họ cũng nhìn thấy ở văn học hải ngoại của họ, người Trung Hoa cũng tìm thấy ở Văn học Đài Loan, Văn học Hồng Kông những giá trị. Ở Đài Loan có những nhà văn như Bạch Kiến Chúc mà các sách văn học sử của Bắc Kinh coi là quan trọng của nền Văn học Trung Hoa thế kỷ XX. Những quan niệm của mình phải thay đổi. Người ta lại bảo có những hạn chế. Tôi thấy ai mà chẳng có hạn chế, ví dụ bây giờ đọc bất cứ cuốn sách nào ở Hà Nội, đều thấy nói rằng Nguyễn Du có nhiều tư tưởng hạn chế, nhưng không phải vì hạn chế ấy mà tất cả chúng ta bỏ, không say mê Kiều và cảm thấy Kiều là phần thân thiết, gần gũi và là một tiếng nói tâm hồn của chúng ta. Tôi thấy trong việc trở lại Văn học miền Nam, vẫn còn nhiều thành kiến cũ, vẫn có những ngần ngại, cố chấp làm chúng ta khó thay đổi. Tôi thấy cần phải có sự giải phóng tư tưởng, và phải có những tiêu chuẩn rất cơ bản, thí dụ như tiêu chuẩn vì quyền lợi chung của dân tộc, vì tính chất nhân đạo, tính chất nhân văn của con người. Những tiêu chuẩn ấy mới là những sâu xa của văn học và trên những cơ sở như thế tôi tin rằng việc này sẽ được tiếp tục tốt hơn.

T.K.: Nếu so sánh sinh hoạt văn học hiện nay ở trong nước với sinh hoạt văn học miền Nam trước 75, anh có thấy điểm tương đồng nào giữa hai nên văn học này?
V.T.N.: Gần đây tôi thấy rõ ràng là văn học ở trong nước hiện nay đang có nhiều điểm giống như Văn học miền Nam trước 75, kể cả sự phát triển văn hóa đại chúng, kể cả sự học đòi nhiều lúc hơi xô bồ, tuỳ tiện đối với phương Tây, cái mệt mỏi của con người, nỗi băn khoăn của người trí thức để có một nền văn học khác đi, so với sức cuốn của xã hội hiện đại. Nhiều lúc ở Hà Nội này, tôi đọc và tôi cảm thấy những hiện tượng quanh mình tôi đã gặp một lần đâu đó, và tôi nhớ lại là trước năm 75 tôi đã đọc ở Sàigòn, bên cạnh Bách Khoa, bên cạnh Văn, đã có những nhốn nháo, nhố nhăng, tùy tiện rất buồn cười mà ngay lúc bấy giờ nhiều người đã kêu rồi. Ngay ở phương diện ấy, Văn học miền Nam cũng đã làm bước hội nhập đi trước so với văn học trong nước bây giờ mà các nhà văn trẻ hiện nay đang muốn thay đổi, họ cũng không muốn viết, không muốm sáng tác như những người đi trước, như bọn tôi, nữa; thế nhưng sự chuẩn bị không có. Sự chuẩn bị này, dĩ nhiên lỗi không phải ở lớp trẻ mà là ở lớp người đi trước, chúng tôi đã không góp phần chuẩn bị cho họ, thành ra, ngay ở phương diện này, các nhà văn trẻ cũng có thể tìm thấy trong các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, những ví dụ, những bài học, để học theo, những bài học hữu ích cho công việc của họ.

T.K.: Chắc anh cũng đồng ý với tôi là mặc dù giới trẻ trong nước hiện nay không có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với Văn học miền Nam, nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ, tìm tòi kỹ thì chúng ta vẫn thấy có một vài ảnh hưởng nào đó của Văn học miền Nam trên một số tác giả trẻ hiện nay. Vậy anh có thể lý giải cụ thể thế nào về hiện tượng này?
V.T.N.: Cụ thể thế này. Chúng ta đều biết rằng Văn học miền Nam vẫn có cách xuyên thấm vào đời sống. Ví dụ như thơ, các hội thơ gần đây đã bắt đầu đưa Thanh Tâm Tuyền lên thành một tìm tòi của thơ thế kỷ XX ở Việt Nam và trong dư luận miệng tức là trong các cuộc trao đổi, mọi người trông vào các tìm tòi của các nhà thơ ở miền Nam trước 75 như những bước khai phá tiếp tục Thơ Mới, để tìm tới một giai đoạn mới của thơ và để thơ Việt Nam hội nhập thế giới. Tôi cho là thơ của các nhà thơ ở miền Nam trước 75, trong chừng nào đó, nó đã giải quyết việc này, một cách liên tục, một cách đại trà rộng rãi, và đã đạt được mức thành công. Nó sẽ góp phần thúc đẩy văn học trong nước. Tôi thấy tình trạng trong nước bây giờ rất trì trệ và có cái gì như là bế tắc, người ta muốn tìm nhưng không biết tìm gì và cái tìm ra thì thiếu điều kiện cơ bản cho nên không phải là cái mà người ta cần. Tôi thấy ngay đến cả các vấn đề như thế nào là tiểu thuyết? văn xuôi là như thế nào? chấp nhận phương Tây như thế nào? thì các nhà văn trẻ bây giờ cũng có thể đọc lại các nhà văn miền Nam trước 75. Thế rồi cách thể hiện cá nhân như thế nào? quan hệ cá nhân, xã hội thế nào? họ cũng có thể tìm thấy trong các nhà văn miền Nam cách thể nghiệm của mình. Giới nghiên cứu chúng tôi cũng thấy điều đó, chính chị Thụy Khuê đã có lần viết trong bài Văn học miền Nam, về việc xây dựng Văn học miền Nam ở Sàigòn trước năm 75, có những nhóm người trẻ lúc bấy giờ đầy những ao ước xây dựng nền văn nghệ mới, qua giai đoạn tiền chiến rồi, qua giai đoạn Pháp cai trị rồi, một nền văn nghệ của nước mình. Việc mà nền Văn nghệ miền Nam làm được: thứ nhất là tiếp nhận di sản cũ, nối tiếp truyền thống các nhà văn cũ và thứ hai là tiếp nhận một cách bình thường văn học, văn hóa nước ngoài, coi đó là nguồn góp ý cho mình, coi đó là cách mình có thể tựa vào để phát triển.

T.K.: Xin hỏi anh về di sản văn học. Theo anh thì Văn học miền Nam có vai trò gì trong việc bảo tồn Văn học tiền chiến và trên mặt nghiên cứu văn học, theo anh, miền Nam có để lại thành quả nào mà anh thấy vẫn còn hữu ích cho giới làm văn học hiện nay không?
V.T.N.: Trong việc di sản Văn học tiền chiến, thì trong một thời gian dài, ở Hà Nội mất đi rất nhiều, nhiều tài liệu bị cất vào thư viện, sau đó không ai đọc, cuối cùng không biết ở đâu. Thì chính là ở Sàigòn, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn đã bắt đầu có sự nối tiếp, chuẩn bị, sưu tầm tài liệu, đã góp phần làm dài di sản chung của chúng ta. Gần đây, như tôi biết, Từ điển văn học đã đưa vào một cuốn sách văn học sử mà riêng bản thân tôi rất thích thú và đã mua về để coi như là cuốn sách rất tốt về văn học sử Việt Nam, đó là cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ. Những người có theo dõi văn học Sàigòn, đều biết hồi ấy có nhiều người rất nổi trên phương diện nghiên cứu văn học và biên khảo, ông Phạm Thế Ngũ chỉ là một nhà giáo và cuốn sách mà tôi nói chỉ là một cuốn giáo trình; nhưng thực sự gần đây, tất cả mọi người đều công nhận đó là một cuốn sách viết rất nghiêm túc về Văn học Việt Nam nói chung, bằng chứng là cuốn sách đó đã được đưa vào Từ điển văn học, do nhóm của Viện Văn Học chủ trì. Tất cả những thành tựu của Văn học miền Nam, như cuốn sách về triết học của Trần Thái Đỉnh, cuốn Triết học hiện sinh cũng đã được in lại. Hôm qua tình cờ tôi đọc lại cuốn Văn học miền Nam Tổng quan của Võ Phiến, thì ông Võ Phiến cho biết cuốn đó có thời gian là cuốn bán chạy nhất, năm nó ra đời ở Sàigòn. Điều đó tôi rất thông cảm bởi vì hiện nay ở Hà Nội cũng thế thôi: có một khao khát tiếp nhận những cái mới của phương Tây, tiếp cận những tinh hoa của họ, tôi thấy việc đó thì Văn học miền Nam đã đi trước và để lại những thành quả mà bây giờ chúng tôi không dễ gì vượt qua.

T.K.: Thưa anh, nếu đưa được nền Văn học miền Nam trở lại văn đàn thì anh thấy điểm nào có thể giúp ích ngay cho sinh hoạt văn học hiện nay trong nước?
V.T.N.: Nhìn chung, tất cả những phần đóng góp của Văn học miền Nam đối với nền văn học dân tộc, hứa hẹn nhiều bài học quý báu cho việc xây dựng nền văn nghệ của chúng ta. Thí dụ việc xây dựng ngôn ngữ văn học. Hiện nay trong đời sống Hà Nội, ngôn ngữ giao tiếp thông thường… rất kinh khủng. Hôm nọ có người viết bài về việc giữ chủ quyền trong ngôn ngữ, ý nói đang có cuộc xâm lăng ngôn ngữ từ tiếng Anh, đến tiếng Hán xâm nhập vào tiếng nói rất loạn xạ, và ngay cả ngôn ngữ văn học của những người cầm bút hiện nay cũng hết sức lộn xộn, hết sức nhếch nhác, lâu lắm không có người viết văn hay. Trong lúc đó, tôi đọc lại Văn học miền Nam, với những ngòi bút bậc thầy, ở phần hay nhất của mình, thì Mai Thảo có những trang viết hết sức văn học, rất hay, Võ Phiến có giọng văn riêng, cho thấy một đời sống tinh thần không thể có ở thời tiền chiến được. Rồi rất nhiều nhà văn khác, như Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam, v.v… cả những nhà văn tương đối phổ thông hơn như Thụy Vũ, Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng v.v… ở họ, đều là những thể nghiệm ngôn ngữ mà đi sâu hơn thì ở đó nó có cái mạnh của tiếng nói Hà Nội, có cả cái mạnh của văn hóa miền Nam, của Sàigòn lục tỉnh, tôi thấy hai điều đó được kết hợp nhuần nhụy trong những nhà văn, một số nhà văn di cư, mang lại cho ngôn ngữ văn học của Văn học miền Nam một mực thước và sau đó đạt cái chuẩn mà đến bây giờ bọn tôi vẫn trông vào đó để học hỏi. Hoặc trong việc dịch những tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt, cách xử lý tiếng Việt của các dịch giả, tôi thấy đó là điều bọn tôi phải nể và phải tiếp nhận học hỏi và phải công nhận những đóng góp của họ. Tôi chỉ muốn nói là gần đây tôi đã có phản ứng như thế và rất muốn chia sẻ với mọi người như thế.

T.K.: Thưa anh, câu chuyện đã khá dài, trước khi từ giã, anh thấy có những điều gì anh muốn nói thêm về việc đưa Văn học miền Nam trở lại văn đàn, điều mà anh thật sự hết lòng mong muốn thúc đẩy.
V.T.N.: Tôi chỉ muốn nói một điều là hiện nay tôi bị ám ảnh bởi điểm là chúng ta đến chậm quá, làm muộn quá. Hiện nay nếu muốn quay trở lại Văn học miền Nam, ngoài khó khăn tôi nói trên về tư tưởng, cách làm việc, thì khó khăn vật chất rất cụ thể như tư liệu thì mất rất nhiều và không ai chuyên tâm. Lòng người thì vẫn tâm lý hậu chiến tức là vẫn bị ảnh hưởng ngày hôm qua, không tách ra được để nhìn đối tượng văn hóa, bình tĩnh làm công việc một cách tốt hơn. Gần đây trên mạng talawas cũng đã trích đăng lại một só tác phẩm cũ của Văn học miền Nam, ở bên Mỹ, nhiều tác phẩm cũ được in lại, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Thỉnh thoảng trao đổi với một vài nhà nghiên cứu khác cũng thấy thế. Chúng tôi có cảm tưởng mỗi người nắm một tí, tức là mỗi người chỉ nắm được phần của mình thôi, còn sự thực những người nắm được bao quát chung thì không có và hiện nay tài liệu cũng rất thiếu sót. Cụ thể những bộ báo, sách quan trọng như tập Bách Khoa, Văn… thì không biết ở trong và ngoài nước người ta còn bao nhiêu và làm thế nào đưa nó lên thành tài liệu nghiên cứu cho tất cả mọi người. Làm được như thế thì cũng đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, văn học mạng hiện nay rất phát triển nhưng không ai làm việc lưu trữ này, dự trữ tài liệu, để thúc đẩy việc nghiên cứu Văn học miền Nam. Trong quá trình nghiên cứu văn học, tôi rất muốn có dịp nào đó chúng ta cùng trở lại Văn học miền Nam, đọc lại nó để hiểu nó.

T.K.: Xin thành thật cám ơn anh Vương Trí Nhàn.
Bài “nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn” đăng trên HỢP LƯU số 103 tháng 1&2 năm 2009
Thụy Khuê thực hiện
Chương trình Văn học nghệ thuật RFI, ngày 14 và 21/6/2008

Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 12:39

Hồi tôi còn học trung học phổ thông, tức là đầu những năm sáu mươi, trong sách giáo khoa văn học trích giảng, vẫn có những phần nhắc lại một cách sơ lược rằng ở các thành thị miền nam có một nền văn học của mình – dù rằng nhắc để phê phán.
Năm 1959, Chế Lan Viên có bài đọc Hoa Đăng của Vũ Hoàng Chương, bài viết kèm theo nhiều trích dẫn
Trước đó trên báo Văn nghệ còn thấy in một lá thư, trong đó nhà văn Nguyễn Tuân thay mặt Hội văn nghệ mời các nhà văn miền Nam cùng dự Hội nghị các nhà văn châu Á tổ chức ở Ấn Độ cuối năm 1956. Lá thư có cái giọng thực sự chân thành và trân trọng “Thân gửi các bạn nhà thơ nhà văn miền Nam… Chúng tôi lấy làm sung sướng chuyển vào các bạn lời mời của Ban trù bị Hội nghị… Hội Văn nghệ Việt Nam trong khi cử ba bạn nhà văn nhà thơ miền Bắc sang dự Hội nghị cũng rất thiết tha mong mỏi được gặp các bạn để trao đổi những kinh nghiệm sáng tác của chúng ta.”
Bước vào chiến tranh, những thông tin rộng rãi kiểu đó không còn nữa. Tuy nhiên trong những năm ấy, nhiều tờ báo nhiều cuốn sách bên kia giới tuyến vẫn có mặt, sách báo ở Sài Gòn ở các thành thị miền Nam vẫn len lỏi trở đi trở lại trong câu chuyện của giới viết văn ở Hà Nội. Sự tiếp xúc xảy ra âm thầm lưa thưa lót đót, khi được khi chăng, nhưng không bao giờ chấm dứt. Và khởi đi từ những năm chống Mỹ, nó sẽ có lúc bồng bột cuộn lên mạnh mẽ (mà cũng là xô bồ tung tóe, nhếch nhác hơn, đầy trắc trở hơn) trong những năm hậu chiến và kéo mãi đến ngày nay.
Tại sao những người viết văn năm ấy đang còn trẻ là bọn chúng tôi lại chú ý đến mảng văn học đó? Nếu có người hỏi như vậy, chính tôi cũng sẽ lúng túng và nói bừa rằng thích thì làm vậy. Rồi người ta có thể kể người này có biết gì đâu, chẳng qua học đòi; người kia lúc nào cũng kín kín hở hở khoe rằng mình đã đọc để làm dáng… Tất cả những cái đó có cả.
Thế nhưng ngồi nghĩ lại ở đây còn có một cái gì sâu xa hơn mà dần dần trong thời gian nó mới bộc lộ. Có thể, vâng, tôi lờ mờ cảm thấy không chừng những con người đó và những cuốn sách đó sở dĩ có sức thu hút với bọn tôi là vì những lẽ vừa xa xôi vừa thiết thực. Trong sự chờn vờn có có không không lẫn lộn, “nó” giống như một thách thức mà khi nghĩ tới, thúc đẩy chúng tôi làm tốt hơn công việc trước mắt. Bằng cách đưa ra những trang viết khác hẳn chúng tôi đang viết, “nó “ gợi ý về những việc có thể làm, nhớ lấy rồi ra lúc khác sẽ làm. Ấy là không kể — điều này thì chắc chắn chứ không còn nghi ngờ gì nữa –, “ nó “ mở ra cho chúng tôi một chân trời mới về kiến thức văn học và thức dậy những ham hố phiêu lưu. Đại loại đó là sự tò mò của tuổi trẻ hoặc cái khao khát được sờ vào những trái cấm. Mà …tuổi trẻ bao giờ chẳng thế, trách chúng tôi thì “trách cả nhân loại “!
Hồi ấy trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, có cả một chương trình dành cho người nghe ở các đô thị, trước tiên là văn nghệ sĩ Sài gòn. Nhiều nhà văn tên tuổi như Tô Hoài Xuân Diệu và các cây bút loại trí thức như Nguyễn Thành Long thường được mời viết cho chương trình này.
Muốn người ta viết thì phải có cái cho người ta đọc. Tự nhiên là có nhu cầu phải tìm sách và có sự truyền tay sách vở.
Trong bọn chúng tôi có anh Trúc Thông làm ở chương trình đô thị của đài. Gần như cả giới văn chương trẻ Hà Nội biết điều đó. Cứ nghĩ rằng nếu lân la tìm đến ngôi nhà 16 Hồng Phúc sẽ được ngó ngàng vài số tạp chí từ trong kia mang ra, lòng đã run rẩy và có phải đi xa mấy để đọc cũng chẳng ai thấy ngại.
Mấy năm gần đây một vài anh thích nhắc đến thơ Thanh Tâm Tuyền. Nhưng chính hồi ấy, chúng tôi biết đến nhiều hơn là một Thanh Tâm Tuyền ở văn xuôi. Một lần nào đó đi họp với các cụ nhà văn tiền chiến một bạn trẻ của tôi chợt phát hiện ra Nguyễn Tuân với Cát lầy của Thanh Tâm Tuyền. Vâng chính là nhà văn ấy, đang đọc cuốn sách ấy. Anh về kháo với anh em chúng tôi. Tự nhiên là chúng tôi cũng bị lôi cuốn bảo nhau mò mẫm đi tìm.
Đến cả Nguyễn Khải cũng tìm. Cát lầy, theo Nguyễn Khải, ăn ở sự ma quái của mình. Cũng như sau này Nguyễn Minh Châu nói rằng thích Thần tháp rùa của Vũ Khắc Khoan vì ở đó có yếu tố tượng trưng. Cả hai nhà văn Hà Nội của tôi viết theo lối thực, nhưng ở chỗ riêng tư, các anh bao giờ cũng nhấn mạnh rằng một thứ văn xuôi thăng hoa mới là điều đáng ao ước, và chúng tôi cũng học theo các anh mà nói vậy. Ai mà chẳng muốn khác đi một chút so với những gì mình đang có!
Sau Thanh Tâm Tuyền, thấy rộ lên trường hợp Nguyễn Thị Hoàng. Có lúc nghĩ lại thấy hình như truyện chẳng có gì, chỉ ăn ở cái lạ là mối tình của một cô giáo với một học trò, nó quá ư là “công”, là ngược với thói quen đạo đức còn nặng chất phong kiến của dân Hà thành. Nhưng nên nhớ hồi ấy, cả Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng không ai được đọc. Thì cái chất mùi mẫn kia lại đâm có sức quyến rũ. Và trong sự chăm chú đọc, người ta nhận ra ở nó cả những yếu tố còn lờ mờ, nhưng đã có ở chính mình.
Sổ tay tôi còn ghi nhiều cuộc trò chuyện với Nguyễn Minh Châu, trong đó có những nhận xét của anh Châu về Vòng tay học trò. Về nghệ thuật, anh Châu bảo “văn chương nó viết nhuyễn thật. Không phải là uốn éo đâu mà với nội dung ấy thì phải viết kiểu ấy, nó mới nói hết được cái phức tạp của con người bây giờ “ ( xem Trò chuyện với Nguyễn Minh Châu, tạp chí Nhà văn số 4-2008). Ai đó nghĩ Nguyễn Minh Châu chuyên viết chiến tranh sao lại có thời giờ lưu ý phần nhân bản trong trang viết. Nhưng đúng anh Châu là thế, nên anh mới cắt nghĩa Vòng tay học trò theo kiểu liên hệ Vòng tay học trò với Dấu chân người lính của mình “ Có một đoạn, Nguyễn Thị Hoàng tả cô Trâm này với tay Minh ra gieo đỗ, nói về sức sống trong lòng đất. Tôi thấy mình cũng gặp nó ở chỗ ấy, trong một đoạn tôi viết Xiêm đi lấy thóc và tự hỏi tại sao không lấy gạo mà lại lấy thóc?…”.
Vậy là việc đọc Vòng tay học trò với Nguyễn Minh Châu, là một hành động nghề nghiệp nghiêm chỉnh. Anh ngầm bảo rằng những tác phẩm của phía bên kia kích thích anh, như một lời mời gọi thú vị: “Đọc những tay này, tự nhiên mình dậy lên một thứ thâm thù: Mình cũng phải viết được cái gì để làm cho nó khiếp về mình mới được.“
Cũng không nhớ hết là nguồn ở đâu ra chỉ biết là những cái tên như Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ, Mai Thảo và Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ và Thế Uyên… đã đến với chúng tôi rất sớm. Sau này đọc lại thấy sự hiểu biết của mình cũng lỗ mỗ chả bao nhiêu, nhưng lại chả cái gì là không thấp thoáng có mặt. Và có cả những cái tên những quyển sách mà có thể số đông chẳng có mấy ý nghĩa, nhưng với một số người nào đó lại có duyên nợ riêng.
Thật là trớ trêu, nhưng quả thật với tư cách một người mới làm quen với văn, cái mà tôi nhớ hơn cả từ văn chương Sài Gòn năm ấy lại là những tác phẩm viết về thân phận của người cầm bút. Lần ấy, đọc Một ngày làm việc của Chiêu Hoàng truyện ngắn của Trùng Dương Nguyễn Thị Thái (in trên bán nguyệt san Văn 4-1973) tôi chỉ nghĩ người đàn bà viết văn ở đây sao gần mình. Cũng đau đớn mà làm nghề, vừa viết để thỏa mãn cái tôi muốn tự khẳng định, lại vừa lo kiếm sống.Những vui buồn ngổn ngang lấp đầy cuộc sống hàng ngày sao mà cũng na ná như tâm trạng của chúng tôi.
Một lần khác, tôi tìm thấy hình ảnh của chính mình trong bóng dáng những người viết văn miền nam, đó là một đoạn văn của Mai Thảo viết về Vũ Khắc Khoan , in trên tạp chí Vấn đề, 1969
Vũ Khắc Khoan. Một mái tóc đã chiều của một tâm hồn còn sớm. Những buổi chiều Sài Gòn buồn bã. Những buổi chiều Đà Lạt mù sương. Mỗi ngày qua thêm một sợi bạc. Âm thầm đe doạ, lặng lẽ tràn đầy. Ly rượu nửa khuya là ly thứ mấy. Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. Muốn một thời đại hoàng kim. Thèm một tấm lòng bè bạn. Mỗi cơn say là một cảm khái ngà ngà. Vũ Khắc Khoan. Của một tự hỏi, tự hoài nghi và tự bâng khuâng lắm lắm về cái bình sinh mà mình chưa đạt. Ta đã dùng chi đời ta chưa?
Ai đã dùng chi đời ta chưa? Ngó ra cái chung, cái đại cuộc cái toàn thể, nhìn trở vào cái riêng tây, rừng ấy mung lung, núi ấy chập chờn, nghe từng phiến đá tâm linh rụng dần những giấc mơ không thành tựu. Và tôi, một trong ít những người bạn của Vũ Khắc Khoan, tôi muốn nhìn ngắm anh như một cần thiết. Trong cuộc sống hàng ngày thôi, có rất nhiều những giờ phút buồn bã của chúng tôi có Vũ, người ta nhớ thêm được những điều đáng nhớ, quên mau được những điều đáng quên, và cuộc đời xem được là nhẹ hơn hoặc coi được là nặng hơn cái trọng lượng tầm thường và phí lý của nó.
Ngày 5-5-1975, vào Sài Gòn, sau khi đi thăm hiệu sách Khai trí, tôi nhờ một sinh viên dẫn đến tòa soạn Bách Khoa, gặp Lê Ngộ Châu rồi nhờ ông Châu nhắn gặp Nguyễn Mộng Giác. Có mấy lý do thứ nhất theo tôi đọc được, anh Giác cũng là dân cũng học qua sư phạm như tôi và cách viết cũng nhiều chất trường ốc; và thứ hai, Giác năm ấy so với những Vũ Hạnh, Võ Phiến … cũng là cánh trẻ. Qua Giác, tôi làm quen với Hoàng Ngọc Tuấn và có lần đến thăm cả Nguyễn Hiến Lê. Cái chính là chúng tôi cảm thấy cùng thân phận. Tôi hay nói với Nguyễn Mộng Giác: Chúng tôi mà ở trong ấy, thì cũng thành các anh. Mà các anh ở đây cũng thành chúng tôi. Hoàn cảnh quyết định hết!
Không riêng gì tôi! Nghiêm chỉnh và sâu sắc, những kỷ niệm loại này, hẳn có ở nhiều bạn khác. Và cả những kỷ niệm về hiểu lầm nhau, nghĩ sai về nhau, đánh đòn hội chợ chuyện này, thù sâu oán nặng chuyện kia, thật cũng là cái phù vân nhảm nhí của cuộc sống đâu mà chẳng có. Tình trạng rón vào từng cục chẳng ai chịu ai là phổ biến của làng văn Việt Nam, cả giữa các nhà văn trong ấy, lẫn chúng tôi ngoài này. Thì trách nhau mãi sao tiện.
Nhưng thôi, hãy kể ít chuyện cũ đã. Khoảng 1971-73 gì đó, có lần anh Nguyễn Thành Long khoe với tôi là nhân muốn trò chuyện với Thế Uyên, phải lặn lội về tận làng Bằng ở Hà Đông lấy tài liệu để viết một bài về Thạch Lam. Đoạn cuối truyện ngắn Cô hàng xén có câu “Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện ra trước mặt, tối tăm và dày đặc“.
Hè 1972, có mặt ở Quảng Trị lúc thành phố chưa bị ném bom hủy diệt tôi mang về nhiều bài báo xé ra từ các số bán nguyệt san Văn, trong đó có bài Tự truyện viết sớm của E. Evtouchenko. Chính là hồi đó, loại tài liệu này cũng là của hiếm với. Sẵn bản dịch của Vũ Đình Lưu, các bạn như Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, Lâm Quang Ngọc, … truyền tay nhau để đọc.
Tôi kể lại hai chuyện này để thấy sự chia sẻ của chúng tôi với văn học đô thị miền Nam còn là ở hai điểm. Thứ nhất sự chi chút gia tài văn học quá khứ. Không có các anh trong ấy bao năm gìn giữ, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, rồi Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… không thể trọn vẹn như ngày nay. Thứ hai, sự tiếp nhận văn học nước ngoài từ các lý thuyết văn học tới các tác giả cụ thể. Các tạp chí ở Sài Gòn đã làm công việc này một cách tự nhiên và cuộc hội nhập với thế giới mà các bạn trẻ đầu thế kỷ XXI này đang làm là tiếp tục đi theo cái mạch đó.

10/04/2009

Một ít trò chơi nho nhỏ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 09:29

Trong tiếng Việt, chữ chơi thường mang một ý nghĩa không được hay lắm. Người ta lấy chơi để đối lập với sự chăm chỉ (làm chơi ăn thật), sự đứng đắn (nói chơi) và cho rằng hoạt động của con người ở đây chẳng có nguyên tắc, thậm chí cũng chẳng cần đến sự cố gắng nào cả (dễ như chơi). Hình như chỉ có một lần, người xưa nói rằng chơi là cả một nỗ lực có định hướng – nghề chơi cũng lắm công phu – Nguyễn Du. Trong khi ấy, thì trong các ngôn ngữ phương Tây, và trong cách hiểu của họ, chơi thường được xem như một công việc nghiêm túc. Trẻ con chơi là một cách để học sống, học suy nghĩ. Đến khi trở thành người lớn rồi, thì “đám trẻ con” hôm qua mãi mãi vẫn còn trong họ. Trong việc nhìn đời, trong việc ứng xử, họ luôn luôn tìm cách khẳng định tự do của mình, sự có mặt của mình, và muốn thoát ra khỏi mọi lề thói quen thuộc. đã có cả một lý thuyết, mang tên lý thuyết trò chơi ra đời, trong đó quan niệm chơi là tìm ra những quyết định mới trong môi trường của những điều kiện đã quy định; trò chơi ở đây không đối lập với sự nghiêm túc, mà chỉ đối lập với những đầu óc đơn giản, khô cứng. Một điều chắc chắn nữa: các cuộc chơi thường không tẻ nhạt, mà bao giờ cũng hứa hẹn một sự thú vị, khiến cho người trong cuộc tìm thấy ở đây một sự thúc đẩy lớn nhiều khi giúp họ vượt hẳn lên so với sức lực vốn có. Có lẽ vì chơi có nhiều ý nghĩa đến vậy, nên chẳng những ở phương Tây mà ngay ở phương Đông, không phải chỉ con người hiện đại, mà cả con người thời xưa cũng không xa lạ với nó. Trong Tuỳ viên thi thoại Viên Mai từng viết: “hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ văn thì quý cong” là với ý này. Thánh Thán còn nói rõ hơn: Trước khi rao to lên rằng bình luận Mái Tây chỉ vì “muốn làm duyên với người đời sau”, ông cũng để một đoạn trong lời tựa nói về sự hấp dẫn của trò chơi. Ông bảo, sở dĩ cho in vở Mái Tây chẳng qua là để đỡ buồn” trong lúc không có cách gì chơi”, đành thử “tuỳ ý tự tìm cách chơi thế mà thôi” Ông hoàn toàn có ý thức về những phóng túng trong hành động can thiệp quá sâu vào tác phẩm. “Không phải tôi soạn ra, tôi ngâm chơi. Không phải tôi ngâm lên, tôi nghe chơi. Không phải tôi nghe xong, tôi khoa chân nhảy chơi, giang tay múa chơi”. Khi cái việc gọi bằng trò chơi ở đây bao gồm cả sự đau đớn, cả nước mắt (“Nào có phải tôi tha thiết khóc người xưa, đó lại là một cách chơi của tôi”), liệu ai còn dám nói Thánh Thán đã dễ dãi trong hành động của mình? Không, ông đã đặt vào đây tất cả tâm huyết làm người, cũng như tài năng và bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn!
Về phần mình, không phải ngay từ đầu tôi đã có biết tới các lý thuyết và những lời ca ngợi có liên quan đến trò chơi nói trên, quả thực trong tôi lúc ấy chỉ có một nhu cầu tha thiết là cố làm cho những trang viết của mình thoát khỏi sự tẻ nhạt. Và rồi những tìm tòi nho nhỏ cứ đến một cách tự phát. Chẳng hạn một lần, tôi chợt nghĩ ra một cách viết vui vui là tiến hành những cuộc phỏng vấn tưởng tượng đối với Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà, Xuân Diệu, Nam Cao v.v… để qua bài viết, hình ảnh họ có dịp hiện lên một cách sinh động; sau mới nghĩ rằng đó chẳng qua cũng là một trò ngẫu hứng, tuỳ sức mà có thể tiến hành trong một phạm vi thích hợp. Từ những thể nghiệm về viết đối thoại, tôi nhận ra một điều: các bài viết phê bình thường có một giọng đều đều từ đầu đến cuối, nhất là nhiều khi lại là giọng giáo huấn, nên dễ tẻ. Đồng thời với việc cố tránh để không ra vẻ dạy đời (điều này nằm trong quan niệm sâu xa sẵn có ở con người mình, chứ không phải giả vờ mà được), tôi cũng thích thú tìm cách tạo ra trong bài phê bình những giọng khác nhau, có khi vừa trình bày điều đã nghĩ, vừa thử đứng tách ra bác lại những suy nghĩ ấy. Về mặt hình thức, tôi ao ước các bài viết và nhất là các quyển sách trở nên một thứ nhạc nhiều bè, có đoạn dùng con số thống kê, có đoạn lý luận chặt chẽ, có đoạn tự cho phép mình lui tới một chút, để ngả sang giọng trữ tình (chắc chắn là phải rất hạn chế, vì dễ trở thành bi luỵ theo kiểu cải lương!) Tôi thành thực tin rằng, nếu trong muôn một, người viết phê bình trong công trình của mình lại tạo ra được một cảm giác hội hè, thì đó là cả một điều thú vị, không những cho bạn đọc, mà còn cho chính tác giả nữa. Trên nguyên tắc, khi nói rằng phê bình nên thuộc về văn học trước khi thuộc về khoa học, chúng ta đã giả định một sự thông thoáng, nhẹ nhõm dễ hấp thụ của các bài viết. Huống chi là với bạn đọc nước ta, mà trong thưởng thức thường ngại những sự tự biện và sẵn sàng tránh xa các lối nói nặng nề, thì mọi cố gắng làm cho bài phê bình hoạt hơn vui hơn bao giờ cũng nên khuyến khích.
Chẳng những tìm cách viết từng bài cho hay mà trong cách tồn tại trong nghề nói chung, người ta cũng nên tìm cách thoát ra khỏi những lối mòn, và ở đây, ý thức về trò chơi cũng có thể đúng vai trò hướng dẫn. Mặc dù còn đang non yếu song công tác phê bình ở ta, nhiều lúc đã có tình trạng cát cứ, ai nghiên cứu tìm hiểu khu vực nào thì, nhân danh chuyên sâu, tìm cách biến lĩnh vực mình quản lý thành một thứ độc quyền. Không phải là tôi phản đối chuyên sâu, song có một việc tôi rất thích và nếu ai đó có làm cũng ngấm ngầm ủng hộ, ấy là chen ngang vào đề tài của người khác, đưa vào đó những ý kiến mới, cách nhìn mới. Nếu đã chuẩn bị cẩn thận, tôi dám làm thế mà nghĩ là nên làm thế, bởi trong sáng tạo, những yếu tố lạ nhiều khi lại có vai trò kích thích rất đáng kể. Hoặc trong phê bình, nhiều người thường chọn tác phẩm hay, hoặc tác giả sắc sảo để viết. Tôi chưa thể nghiệm bao nhiêu, song dự đoán thực ra việc viết về những quyển sách dở, những đời văn nhợt nhạt cũng rất thú vị, miễn là ở đó, bằng kinh nghiệm riêng, mình chỉ ra được cả những biểu hiện phong phú, lẫn sức bền, sức bám trụ kỳ lạ của cái nhạt trong một người viết bình thường. Đã gọi là trò chơi, thì những sáng kiến lặt vặt thường khi rất cần, cốt sao ta biết mang lại cho chúng một chút ý nghĩa cần thiết. Và hiệu quả của trò chơi thì lại phụ thuộc phần lớn vào nội lực của người trong cuộc.

{những người làm nghề viết văn}

08/04/2009

Xem làm ăn với người như một cơ hội để sửa mình

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:55


Nhớ lại mấy năm trước, nghe nói về thói hư tật xấu của dân mình, nhiều người giãy nảy lên, nói tốt về nhau bao nhiêu cũng không đủ, sao lại đi bới móc cái xấu (!). Nay thì hầu như nỗi e ngại ấy đã đỡ dần, thay cho nỗi lo “ vạch áo cho người xem lưng “ là một ám ảnh : đâu là con đường khắc phục những hạn chế đã thành thói quen của cả cộng đồng.Điều bất ngờ là chính ở đây chúng ta bắt gặp một ý nghĩa mới của công cuộc hội nhập

Chuyện vịt nhồi bánh đúc

Con đê ven sông Hồng mà ngày nào tôi cũng đi qua vốn là nơi bà con các tỉnh mang hàng lên Hà Nội bán. Trong các thứ hàng mang lên bao giờ cũng có gà vịt. Và trong số những kỷ niệm vui vui từ mười năm trước, tôi nhớ thường có cảnh những xe đạp chở vịt đang đi bỗng dừng lại. Một ít bánh đúc được lôi ra. Người ta dang rộng mỏ vịt để nhồi mớ bánh đúc ấy vào cho chúng thật đầy diều, nhồi cho đến lòi tù và mới thôi. Rồi sang chợ Long Biên cân kẹo với nhau, số cân mỗi con vịt sẽ gồm cả cái đống bánh đúc mới tọng đầy mề đó. Có lần thấy tôi ngạc nhiên, các bà bán vịt cười xòa, nghề của chúng tôi nó thế, từ đời các cụ xưa đã truyền lại, ai cũng phải làm, ngồi tọng bánh đúc cho vịt thế này còn hơn chốc nữa lên cãi nhau với đám lái ngồi sẵn trên chợ.
Không ai có thể chối cãi đây là một thứ thói hư tật xấu của người Việt. Trong cái hành động nhồi bánh đúc cho vịt có thể đọc ra nếp sống tùy tiện, thói quen bừa phứa duy trì bao đời trong lối làm ăn nhỏ. Nghiêm khắc với nhau hơn, phải gọi đây là sự gian manh. Nhân danh đói khổ người ta cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn thấy cần. Tức là gian manh một cách công khai, lại còn sẵn sàng cãi lấy được nữa.
Và sở dĩ có thể kéo dài mãi như thế bởi cuộc sống trì trệ,cả xã hội như một cái làng, người trong làng ít hiểu biết về sự thay đổi của thế giới.
Tương tự như chuyện nhồi bánh đúc cho vịt, chúng ta gặp những tin bát nháo trong chuyện làm ăn: sữa nguyên chất làm từ sữa bột; các thứ hàng kém phẩm chất bày bán cả trong siêu thị; rượu cao cấp nhập từ nước ngoài vào cũng bị làm giả; học trò lớp sáu không biết đọc biết viết; giáo viên mớm bài cho học sinh trong phòng thi vv….
Vậy là dù vài năm nay trên những đoạn đê sông Hồng chuyện nhồi bánh đúc hôm qua không còn nữa, nhưng cái căn bệnh xưa tôi biết nó vẫn thâm căn cố đế trong đầu óc dân mình và cứ phập phồng không biết tai vạ gì sẽ đến khi vươn ra làm ăn với thế giới.
Giữa tháng 12 -06 đọc báo thấy có tin ông cán bộ đứng đầu Cục quản lý chất lượng an toàn vệ sinh ngành thủy sản nước ta phải đứng ra viết thư xin lỗi người tiêu dùng cùng cơ quan thẩm quyền Nhật Bản vì trong hàng VN xuất khẩu sang Nhật có dư lượng kháng sinh và hóa chất cấm.
Thì ra cái dự đoán của mình chẳng có gì sai cả, tôi tự nhủ.
Nhưng vui hơn là thấy hình như ở đây thói tùy tiện của dân mình bắt đầu có hướng giải quyết. Thời đại khoa học này không ai lừa ai được. Mà nhận lỗi trước thiên hạ thế này tức là phải sửa, chứ không thể theo cái lối trong nhà cười xòa với nhau được. Chính nhờ sức ép bên ngoài mà cách làm ăn của mình sẽ thay đổi, hy vọng của tôi bắt đầu từ đấy.
Cố nhiên, hội nhập là không phải là một thang thuốc bách bệnh, cứ hội nhập là tự khắc khỏi …

Chuyện du lịch và đón khách du lịch

Chưa bao giờ dân ta chịu đi thăm thú xứ người và mời khách tới thăm xứ mình như những ngày này.
Song chỗ trong nhà với nhau, phải nhận cả hai việc ta đều làm rất dở. Đi ra: Chẳng cần biết luật lệ là gì. Lên tắc xi không chịu cài dây an toàn. Ăn uống thừa mứa. Giữa chỗ đông người vẫn cười nói ầm ĩ, ngồi ô tô mà nốc rượu rồi nôn mửa cả ra xe người ta. Đón người thì cẩu thả luộm thuộm, tàu xe trể, người hướng dẫn vừa lõm bõm tiếng Tây tiếng Tàu, vừa kém hiểu biết về chính mảnh đất mình cần thuyết minh. Hàng xấu hàng giả bán bừa bán bãi, giá cả lại quát thật cao. Cố mãi mới được ít khách đã mừng rú, không biết rằng các nước khác đã “ đắt hàng “ bằng mấy mình. Đau nhất là nhiều khách người ta bỏ tua sớm và tự hứa là không bao giờ quay trở lại nữa.
Về chuyện người mình qua xứ người thì hai chục năm trước, có việc sang Nga làm xuất bản, tôi đã chứng kiến dân mình buôn lậu và làm bậy trên đất người ta thế nào. Những bao tải hàng chất đầy thuốc lá. Những nồi hầm và những vòng bi. Cảnh chen lấn ở bến xe bến tàu. Cái câu mỉa mai ”Ra nước ngoài mới thấy mình thật là người Việt Nam “ đã có từ hồi đó chứ không đợi đến hôm nay.
Có điều nói thế, vẫn cứ hy vọng là ngày càng có người ra đi và đi nhiều rồi sẽ học hỏi được thêm. Đây tôi không chỉ nói về những thói văn minh lịch sự mà nói về cả trình độ hiểu biết về đời sống nói chung.
Còn trong chuyện đón khách, cái đáng phàn nàn của ngành du lịch hôm nay không phải chỉ là trình độ mà còn là ở quan niệm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi được hỏi nghĩ sao về chuyện khách hàng chỉ đến một lần rồi bỏ thì ông phụ trách nghiệp vụ của du lịch liền cho một câu ráo hoảnh, rằng du lịch VN chưa cần thâm canh mà hãy quảng canh đã, còn khối người chưa đến VN, lo có người đến chứ chưa cần lo người ta trở lại.
Tôi nghe đâm nản. Thường xuyên làm việc với bên ngoài thì còn ngành nào hơn ngành du lịch. Vậy mà cái nếp nghĩ cổ lỗ và thói quen của người buôn bán nhỏ có gột bỏ được đâu? Cơ hội vừa mở ra chưa đủ. Sự thay đổi chỉ đến khi người ta biết tự chán mình, biết xấu hổ và dám chịu khó học hỏi nữa.
Nhưng trong việc khắc phục thói hư tật xấu, ngoài hội nhập, tôi chưa thấy có phương thuốc nào khác.

Ngày 10/02/2007
Lao Động Cuối tuần

03/04/2009

Những chuyện lỗi hẹn

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:15

Sở dĩ cốt truyện tình duyên lỡ dở thường được các nhà văn cổ kim đông tây ưa chuộng, bởi lẽ đây cũng là dịp rất tốt để mỗi tác giải trình bày cách hiểu của mình về bản chất con người.
Có thể là bạn chưa một lần đọc những truyện ngắn của Tô Hoài mà dưới đây, chúng tôi có nhắc tới. Nhưng có hề chi, nếu như cách nhìn những chuyện tình duyên lỡ dở đó cũng đã có lúc là cách nhìn của chính bạn.
– “Người trong cuộc đã đau khổ lắm rồi, không nên làm cho họ đau khổ thêm nữa!”. Có lẽ là với chủ ý như vậy, nhiều người trong chúng ta khi phải kể lại và các nhà văn khi phải viết lại những cuộc tình lỡ dở có thói quen mang lại cho câu chuyện một vòng hào quang lãng mạn. Để chứng tỏ việc A với chị B không lấy được nhau là trớ trêu, là vô lý, ta hãy tìm cách tô điểm sao cho hiện lên như một đôi trai tài gái sắc. Họ rất hợp nhau, lại rất say nhau. Họ đã làm mọi cách để giữ gìn mối tình của mình. Nhưng vì sự ngăn cản của cha mẹ, dòng họ, vì định mệnh khắt khe, vì ông tơ đa đoan nào đó, họ phải xa nhau vĩnh viễn. Xa nhau mà vẫn lưu luyến, vẫn giữ mãi tình xưa tận trong tâm khảm.
Có thế, truyện mới lâm ly và người đọc mới rơi nước mắt!
Nhưng không phải mọi người cầm bút đều sẵn lòng đi theo lối mòn như vậy.
Từ nửa thế kỷ trước, nhà văn Tô Hoài khi ấy mới 20 tuổi đã viết nhiều truyện ngắn nói về những cuộc tình lỡ hẹn với tất cả cái vớ vẩn, nhạt nhẽo, không đâu vào đâu mà sự đời thường có.
Dưới đây là tóm tắt một số cốt truyện loại đó:
– Trong Lá thư tình đầu tiên, anh chàng Cuông đã say mê Mị lắm rồi, nhưng không dám nói, đành tính chuyện “mượn bút thay lời”. Cuông bỏ mấy tháng đi học quốc ngữ. Lúc anh viết được lá thư đầu tiên thì cô Mị đã đi lấy chồng. Mối tình chết trong im lặng, song duyên do chỉ là vì Cuông quá nhát, thế thôi.
Trong Vàng phai, cô Mây bỏ anh Hẹn chạy theo Quyền Vực, vì anh lính tập này (đã lên tới chức thày quyền) là một món sộp, so ra hơn hẳn chàng trai thợ dệt nghèo túng. Hẹn chỉ còn có cách ngâm thơ để kháy đời.
– Trong Một người đi xa về, Tại và cô Pha đã hứa hôn với nhau, nhưng gia đình Pha tham tiền, gả cô cho một người giàu hơn. Pha sẽ chống lại cha mẹ chăng? Không, với cô thế nào cũng được, ấy mới là điều làm cho Tại tức tối, căm giận. Tại bỏ đi Sài Gòn làm ăn, lúc khá giả mới trở về làng. Bấy giờ Pha mới hối hận: Ngày xưa giá như thế này… thế nọ… ta đã chẳng khổ như bây giờ. Kết quả: chồng cô vác gậy chèn cổng phang cho cô một trận. Rồi anh cầm cả một cái rổ bát quăng ra giữa sân.
– So với Pha trong truyện trên, nhân vật người con gái trong Một chuyến định đi xa khá hơn một chút. Cô hứa theo gã con trai đi trốn. Nhưng chỉ được có thế. Đến ngày hẹn, cô không ra ga làm gì! ít lâu sau cô đi lấy người khác.
Tóm lại, những chuyện lỡ làng kể ở đây chẳng có gì đẹp đẽ, cao quý, mà các nhân vật cũng chả có gì đáng thương hoặc đáng thông cảm. Đôi bên không lấy được nhau, chỉ vì cả đôi hoặc ít nhất là một trong hai bên vụng về, thiển cận, không dám và không biết quyết định vận mệnh của mình. Người ta hèn yếu, nên lẽ tự nhiên là người ta bất hạnh, giản dị có vậy. Thậm chí, dù lỗi hẹn chăng nữa, người ta cũng chẳng lấy thế làm đau khổ.
Đến như phản ứng của con người sau những lần lỗi hẹn đó, mới lại càng thê thảm hơn nữa!
Sau khi bị Pha lảng tránh “nhất định không dính líu rắc rối gì nữa”. Tại thù lắm. “Anh định cắt lưỡi nó đi. Phải, cầm một con dao bầu thực nhọn và thực sắc, đưa ngay vào cuống họng nó. Anh nghĩ thế ra lối hăng lắm”. Nhưng ý nghĩ ấy không đứng vững được lâu. “Tới khi anh tưởng tượng rằng rồi nó ngã gục xuống, máu ở vết dao đâm tuôn xối ra ướt hết áo quần và bắn lên cả mặt anh… Một cái gông bằng gỗ to lắm tự dưng lù lù kẹp vào cổ anh… Anh thoáng rùng mình lạnh gáy. Thế là cái mầu tư lự ghê gớm đó tan mất”.
May là Tại còn dám bỏ đi Sài Gòn.
Lại còn trơ hơn và hèn hơn Tại và Pha trong truyện trên, ấy là trường hợp các nhân vật trong truyện Lụa. Khi biết không lấy được nhau, Lụa đã tuyên bố là sẽ đi tu, và Nguyên cũng dạo bỏ đi Sài Gòn. Nhưng rồi dần dà ngày một ngày hai “không ai nghĩ đến chuyện đi đâu. Vào Sài Gòn, đường xa lăng lắc. Đi tu phải cạo trọc đầu mà cũng khổ lắm. Những lời quả quyết kia, cả hai cùng đã quên”
Cũng có một lần, câu chuyện lỗi hẹn trong Tô Hoài dẫn đến một kết cục không quá nhạt như vẫn thấy, mà còn có vẻ oan khiên một chút. Trong truyện Ông trăng không biết nói, khi biết người yêu của mình sắp đi lấy chồng, gã con trai phẫn lắm. Gã uống một chầu rượu thật say rồi gọi cô ta ra bờ giếng để tra hỏi. Câu chuyện chưa dứt, cô gái đã sợ hãi bỏ về. Giá kể vào tay một nhà văn thích màu mè nào đó, nhân vật gã con trai có thể sẽ nhảy xuống giếng tự tử và như vậy ở gã còn chút hào phóng khí khái đáng cho chúng ta ái ngại. Nhưng không, Tô Hoài vẫn là Tô Hoài, con người trong tác phẩm của ông xa lạ với mọi sắc thái ngang tàng, bạo liệt. ở truyện Ông trăng không biết nói cũng vậy, nhân vật gã con trai vẫn chết nhưng là chết đuối. Trong cơn say rượu, khát nước quá, gã chới với tìm nước và tuột chân rơi xuống giếng.
Còn cô gái, sau khi lấy chồng, không quên lẩn tránh, không bao giờ lai vãng đến chốn bờ giếng ấy nữa.

“chuyện cũ văn chương”

02/04/2009

Mỹ cảm thời nay-đôi điều quan ngại

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 07:14

Nếu biết rằng theo mỹ cảm của phương Đông, cái đẹp bao giờ cũng gần với tự nhiên, con người muốn làm toát ra cái hài hòa thầm kín của sự vật, và lo bộc lộ cho được cái vô hình đang khoe mình trong cái hữu hình v.v… thì cách làm của chúng ta trong những dịp Tết không thể thô thiển, nhất là không thể tô vẽ giả tạo và để mọi thứ phô bày quá lộ liễu như đang thấy.

Ý niệm về vẻ đẹp vốn là một bộ phận hữu cơ trong văn hóa Việt. Cái mỹ cảm ấy có mặt qua những tác phẩm nghệ thuật, khi con người xây một ngôi chùa, sửa soạn một tập thơ, nhấn nhá một nốt nhạc hoặc nói mấy câu đùa bỡn trong một đêm hát chèo.Và cái mỹ cảm ấy đã bộc lộ ngay trong đời sống bình thường từ cách người ta ăn mặc, chọn chỗ ở chọn kiểu nhà, cho tới bày một mâm thức ăn và cắm một bình hoa. Một cái gì thấp thoáng, không rõ mày mặt đã bao trùm và thấm thía trong lòng người để truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đến mỗi thời đại, mỹ cảm dân tộc lại có những nét mới và tìm ra những phương cách bộc lộ mới.
Thế mỹ cảm của thời ta ra sao ? Đây là cả một đề tài rất rộng. Ở đây, tôi xin phép chỉ dừng lại ở những biểu hiện ngổn ngang xô bồ của ngày hôm nay. Có một vài tìm tòi tùy tiện mà tôi thường bị ám ảnh bởi và thấy là cần phải xem lại.

Từ những cành đào uốn éo …

Trước tiên tôi nhớ tới mấy cây đào mang bán khắp phố phường Hà Nội trong dịp Tết.Những ai Tết đến vẫn đi mua đào hẳn nhận ra hai vẻ đẹp được coi là phổ biến đôi mươi năm nay. Một là những cành đào tròn, nhiều nụ và hoa, lúc nở hết phải nói cứ trạt những hoa là hoa. Hai là những cành và cây tự nhận là đào thế, cành không thẳng mà từ gốc lên uốn cong một hai vòng, người bán khéo tán bảo đó là thế rồng.
Thời gian gần đây, hai vẻ đẹp này dường như được số đông người mua hàng công nhận, nó là một nhân tố phải tính tới để người ta định giá và mặc cả với nhau.
Trong khi ấy, theo chỗ tôi nhớ mấy chục năm trước ( tạm tính từ 1960 trở về trước) cách chọn đào của người Hà Nội có khác.
Loại cành đào nở đều tròn xoe, có người nói nôm na là hình cái nơm, hồi ấy đã bán khá nhiều nhưng chính do cái sự quá hoàn mỹ của nó, người kỹ tính không chuộng lắm, cho là chỉ thích hợp với hạng giàu xổi.
Còn đào thế lúc ấy được hiểu là những cành có dáng lạ, bất ngờ, gợi cảm tưởng vững chãi trong giá rét, và chắc chắn là một sự tự nhiên bột phát chứ không do một bàn tay khéo léo nào uốn mãi mà thành. Trong khi có vẻ phớt lờ vẻ cân xứng hòa hợp theo con mắt thường, những cành đào thế ấy lại có vẻ cân xứng riêng, thật sự độc đáo. Và hoa cũng không cần nhiều, chỉ lưa thưa ít bông thôi, nhưng bông nào ra bông ấy, tươi, bền. Loại đào có thế đẹp như vậy khá hiếm, có khi đi cả chợ mới gặp một cành. Nhưng thà không mua thì thôi, chứ ngày xưa không ai chấp nhận cành đào uốn theo kiểu con giun là đào thế, và người trồng đào có nghề cũng không uốn đào theo kiểu ấy để bán.

…tới lối viết gọi là thư pháp quốc ngữ

Nghệ thuật viết chữ Hán của người Trung Hoa vốn có từ thời Thương Chu, tức vài ngàn năm trước, và liên tục hoàn thiện trong lịch sử. Trong cái việc lướt nhanh ngọn bút lông trên giấy thấm, người ta đã đặt vào đấy nhiều công phu tập luyện và hình thành cho cộng đồng mình một cốt cách vừa chắc thiệt vừa hào phóng mà các dân tộc khác không dễ học theo.Tôi nhớ là mấy năm trước, một người Trung Quốc đến du lịch đã nhận xét các nhà viết thư pháp của các ông đồ ở ta thời nay thường chỉ lo theo đuổi vẻ đẹp kiểu uốn éo rồng bay phượng múa mà gần như không có ai đạt tới một vẻ đẹp triết học. Một cuộc chơi cao quý không hình thành mà thay vào đó chỉ có sự làm dáng nông nổi.
Gần đây một số người lại xướng ra thư pháp chữ quốc ngữ và triển khai khá rộng. Trên các bàn thờ gia đình. Trên bìa sách. Trên các khẩu hiệu hoặc một số băng quảng cáo. Trong phạm vi một ý kiến riêng, tôi thấy đây là một sự học đòi không có triển vọng. Cách cấu tạo của chữ la tinh quá đơn giản và không có đất cho những tìm tòi sâu sắc. May lắm người ta chỉ chứng kiến ở đấy một cố gắng đi tìm những gì mà mình không có. Rõ hơn là cái tâm thế khoe khoang, ra cái điều mình yểu điệu duyên dáng lắm đây. Trong phần lớn trường hợp cái kết quả còn lại chỉ là một trò chơi xoàng xĩnh thậm chí tối nghĩa và dễ gây phản cảm. Khi đi mua sách thấy mấy cuốn sử dụng “ thư pháp quốc ngữ “ làm bìa là tôi lảng không muốn giở tiếp, bởi e rằng nội dung bên trong cũng hoa mỹ mà cạn cợt như cái phần hình hài bên ngoài.

Những khung cảnh biểu diễn pha tạp

Các điệu hát văn, các bài quan họ… xưa nay vẫn thường được xem như những tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống ở Việt Nam. Khi đưa nó đến công chúng, có một nơi thích được người ta dùng làm nền cho các buổi diễn dân ca ấy là khu văn Văn Miếu Hà Nội, ở đấy, ngay trước gian thờ Đức Khổng Tử, có một cái sân khá rộng, có thể trải chiếu rồi bày biện đủ thứ.
Kể ra làm thế cũng nhất cử lưỡng tiện, vừa giới thiệu thêm được Văn Miếu, vừa tạo không khí cho nơi biểu diễn ca nhạc cổ – tôi hiểu ý của những người bố trí chương trình là vậy. Quá lên một chút, có thể coi đây là một sáng tạo trong dàn dựng.
Song cũng đã đôi lúc, trong tôi nảy ra một vài câu hỏi nhỏ: Liệu có thể coi sân Văn Miếu tương tự như bất cứ sân đình nào để rồi lấy làm nền cho các chương trình biểu diễn dân ca, bất chấp nội dung âm nhạc ở đó ra sao? Nếu đây là những bài dân ca ngả sang giọng tình tứ lơi lả, và người biểu diễn phải vận khăn xanh váy tím để tạo không khí, thì có hợp cách? Mang hai cái đẹp khác dòng khác mạch nhau (một bên tôn nghiêm kính cẩn, bên kia khoáng đạt buông thả) để cạnh nhau như vậy, liệu đã ổn về mặt mỹ cảm, nhất là lại làm cái đó trong những ngày tết truyền thống của dân tộc.

Không trở lại quá khứ với bất cứ giá nào

Tìm vẻ đẹp trong quá khứ là một xu thế tích cực. Chỉ tiếc là với nhiều hoạt động thẩm mỹ của người xưa, chúng ta thường mới hiểu một cách đại khái. Nghĩa là chỉ mang máng biết là hình như ông cha làm vậy, rồi biến báo đôi chút cho hợp thời. Từ mấy bài khấn trong đêm giao thừa, những đôi câu đối bày bên bàn thờ gia tiên, cho tới chúc tụng, mừng tuổi, treo một vài bức tranh có giá trị trên tường, chọn nơi biểu diễn ca nhạc… hầu như rất nhiều việc chỉ được làm một cách tự phát, giống như chuyện mấy cành đào uốn theo hình con giun được gọi là đào thế. Những khi bàn bạc về đào về quất bây giờ, có lúc tôi không dứt nổi ý nghĩ là con người thời nay quá dễ dãi xô bồ trong mỹ cảm. Vẻ đẹp cổ điển, vẻ đẹp chân chính mất đi, thay vào đấy là những vẻ đẹp giả tạo cố ý uốn éo chiều nịnh con người. Tình trạng này rồi sẽ trôi nổi đến đâu, thật khó đoán trước.

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.