VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

30/03/2010

Trình độ sống của người Việt còn thấp

Filed under: giáo dục,Khác — vương-trí-đăng @ 05:18
ngày 29/03/2010 –
(VnMedia) – “Bạo lực nằm sâu trong di sản văn hoá cộng đồng. Người Việt chúng ta không có niềm tin đủ mạnh vào cái thiện, đủ để làm cho họ tránh phạm điều ác. Bạo lực chứng tỏ trình độ làm người thấp của cả cộng đồng. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều  để vượt lên một trình độ sống khác”.
(more…)

19/02/2009

Câu chuyện của người tự học

Filed under: giáo dục — vương-trí-đăng @ 11:07

1. Lời khuyên đầu tiên

Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ… mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.

Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói – nếu như được yêu cầu có một lời khuyên – đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.

2. Nhận rõ vị thế của mình!

Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)

Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài…, chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới… thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.

Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính… mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.

3. Tinh thần lập nghiệp.

Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước… Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.

4. Mấy “chiêu thức” cần thiết

Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :

1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.

2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử… Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.

3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì…càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.

5. Bản lĩnh và may mắn

Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh – oái oăm là ở chỗ đó!

Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.

Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.

Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.

Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.

Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

14/09/2008

Một nét mới trong tư duy của lớp trẻ

Filed under: giáo dục — vương-trí-đăng @ 08:26

Một người bạn tôi đặt câu hỏi: “ Với một người hay nghiên cứu về thói hư tật xấu của người Việt như anh thì tình hình hiện nay ra sao ? Dưới mắt anh đâu là những yếu tố mới trong người Việt hiện nay ? Nhìn vào lớp trẻ, có những phẩm chất nào anh cho là mới mẻ và có triển vọng ? “.
Tôi đã đáp lại bằng hai mẩu chuyện dưới đây, liên quan tới hai bạn trẻ, một là do quen biết riêng và một nữa là đọc được trên báo.
Từ mấy năm trước việc Nguyễn Mai Hiền, sau khi học ngoại giao ở MGIMO ( Học viện quan hệ quốc tế ) từ Moskva về nước, — và đã học thêm cả thạc sĩ nữa, không sao xin được vào sở ngoại vụ thành phố, không có gì là lạ. Song trong quá trình xác định nghề nghiệp của Hiền, có mấy chuyện nho nhỏ lại khiến tôi có phần sửng sốt.
Cái lạ thứ nhất, Hiền bảo sở dĩ bỏ việc ở một cơ quan, chẳng qua là vì khi làm thử, Hiền thấy ở đó mấy chị làm trước chỉ đóng vai đấm lưng sắc thuốc cho các sếp, ngoài ra mới đến điếu đóm, sai vặt trong chuyên môn. Người ta có cho lớp trẻ làm việc đâu ?
Cái lạ thứ hai, câu trả lời của Hiền khi đến xin việc ở một hãng nước ngoài. Trước lời phàn nàn của người chủ rằng tại sao người giúp việc lại giới thiệu với mình toàn đám trẻ con thế này, Hiền trả lời ngay rằng ông không có quyền nói thế, không có trẻ con thì không bao giờ có người lớn như ông ; còn tôi thế nào, rồi ông sẽ biết.
Và trong mấy tháng làm ở đó, Hiền làm giỏi đến mức hết hạn, họ đề nghị nâng lương và ký hợp đồng tiếp. Nhưng Hiền dứt khoát không làm nữa.
Cái lạ thứ ba là định hướng công việc của công ty quảng cáo mà Hiền và các bạn mới lập. Họ hướng hẳn vào các hãng nước ngoài ( bởi sớm tìm được sự tin cậy của họ,chất lượng sản phẩm ngang ngửa với các công ty ngoại, nên không bao giờ thiếu việc ). Khi tôi hỏi tại sao không muốn làm việc với các hãng Việt Nam, Hiền nói rõ một thực tế là người mình khi mời nhau làm thường không thấy có nhu cầu bàn bạc về chất lượng ; mà quá dễ dãi, gần như thế nào cũng được, chưa vào việc đã nhấm nháy chuyện ăn chia vụng trộm.
Trường hợp về Ngô Thị Giáng Uyên sau đây, tôi không quen nhưng có mấy chi tiết trong một bài báo viết về cô tôi cứ nhớ mãi.
Cô học giỏi và tự tin trong giao thiệp. Học xong đã xin được việc ở bên Anh vẫn quyết định về nước mở công ty. Khi thấy thời điểm chưa chín muồi cho việc này, cô đi làm cho một công ty ngoại quốc. Nhưng sắp tới sẽ nghỉ, vì muốn dừng để nhìn lại mình. Một dự án mới vừa hình thành, cô dự định sẽ trở lại Anh để học hỏi và rút kinh nghiệm.
Một vài chi tiết khác trong tiểu sử Giáng Uyên: Số quốc gia mà Uyên đã đi qua bằng với số tuổi của cô ; số cuộc hội nghị trên thế giới mà cô tham dự thì bằng một nửa.
Một vài nét thuộc về tính cách riêng: Khi được hỏi về những phim ưa thích, Uyên nói tới Forrest Gump. Khi nói về món ăn, Uyên bảo tất cả những món ăn do mẹ nấu. Khi hỏi về những gì ghét nhất, Uyên bảo là phim Hàn quốc và xe buýt Sài Gòn.
Cô tự thấy mình khác với một số bạn trẻ Việt Nam: các bạn ấy sớm hài lòng với bản thân còn Uyên thì không. Cô không thích gọi mình là thế hệ 8X hoặc @. Cô nhìn những người đi trước với ý nghĩ rằng nhiều người trong họ cũng rất giỏi, chẳng qua không có điều kiện nên không nổi như lớp trẻ hiện nay. (Theo báo TT&VH, 31-10-2006 )
Thú thực là nhiều nét cá tính của hai bạn trẻ nêu trên tôi thấy khá hấp dẫn nên mới chép ra dài dòng như vậy. Tuy nhiên cái chính mà tôi tìm thấy ở họ là một lối nghĩ mới một cách sống mới.
Họ tự tin năng động, tìm việc khó mà làm, không chạy theo đồng tiền với bất cứ giá nào. Họ khao khát hiểu biết về thế giới và quan niệm mình phải hòa nhập vào đó. Với họ, hòa nhập với thế giới là con đường tốt nhất để phục vụ Tổ quốc. Trong việc hòa nhập này nếu có những suy nghĩ hành động đi ngược với thành kiến chung quanh, họ cũng chấp nhận. Họ tin rằng tương lai, rồi cộng đồng sẽ hiểu.
Do hoàn cảnh những năm chiến tranh, thế hệ chúng tôi (4X, 5X) vào lúc còn trẻ không có điều kiện nhìn xa, chỉ biết luẩn quẩn với những gì quanh mình. Lâu dần rồi đâm ra ngần ngại, đem cái tình trạng khép kín đó làm chuẩn mực của cuộc sống. Nếu như sự hiểu biết thỉnh thoảng có mang lại cho bọn tôi ý niệm về một cuộc sống khác, thì cũng chỉ dừng lại ở ý nghĩ chứ không bao giờ dám sống theo .
Nay thì những Nguyễn Mai Hiền Ngô Thị Giáng Uyên và bao nhiêu bạn khác đã bắt được cái nhịp của thời đại. Với họ ở trong nước hay đi nước ngoài chỉ là do nhu cầu. Toát ra từ suy nghĩ và hành động của họ là một tinh thần tự do, thứ tự do chân chính mà bọn tôi không dựng tạo nổi cho mình. Song chúng tôi ước ao ngày càng có thêm những người như họ. Hàng ngày trong câu chuyện với những người thân trong gia đình, và đám bạn bè gần gũi, tôi thường nêu công thức: đồng thời với ý thức của một người Việt, nay là lúc mỗi người phải nghĩ chúng ta là một thành viên của nhân loại thế kỷ XX và lo sống sao cho xứng với cái sân chơi rộng lớn đó.
Có thể có nhiều bạn trẻ hiện nay gia đình nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, đâu dám nghĩ như như Hiền và Uyên nói trên. Trong trường hợp này, cái công thức cổ điển ” nếu có ý chí, rồi việc gì cũng làm được “ vẫn còn nguyên giá trị . Ở tuổi thanh niên, Nguyễn Tất Thành chấp nhận làm một chân bồi tàu viễn dương để ra nước ngoài học hỏi, từ đó vươn lên trình độ của một trí thức. Xin đặc biệt nhắc lại câu chuyện ai cũng biết này với một số bạn trẻ đang nhận đi lao động ở nước ngoài.

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.