VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

14/09/2009

Nghĩ về những người giầu ở Việt Nam hôm nay

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 08:00

Nhân bài viết Cọp, gấu và đại gia

Một người ăn mày, trong cơn đói, phải tranh ăn với con chó của một gã nhà giàu, lỡ tay đánh gẫy của con chó hai chiếc răng. Gã nhà giàu nọ lên xe ôtô phóng đuổi theo người ăn mày với ý nghĩ:
– À, mày đánh gẫy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!
Thiên truyện mang tên Răng con chó của nhà tư sản mà trên đây tôi vừa tóm tắt, được Nguyễn Công Hoan viết đúng 80 năm trước ( 1929). Thú thực lần đầu đọc lên, tôi hơi ngờ ngợ, liệu có người ác, vô lương tâm, coi con chó hơn cả sinh mệnh của đồng loại ? Nhưng rồi thực tế cho tôi biết là có một hạng người như thế với cách cư xử như thế. Dân ta gọi họ là trọc phú (trọc ở đây nghiã đen là đục bẩn.) Sau khi giàu lên bằng những con đường bất chính, bon chen lừa lọc, họ coi cuộc đời chỉ còn ý nghĩa ở sự hưởng thụ và càng ngông nghênh thách thức với đời càng thích. Hơn thế nữa – như Nguyễn Công Hoan đã nói trong truỵện ngắn trên — đó là những con người càn rỡ, những nhân cách kỳ dị, bề ngoài lên mặt với đời nhưng cuộc sống nội tâm lại cực kỳ nghèo nàn nhạt nhẽo.
Trên báo chí ta gần đây, hình ảnh những người giàu bắt đầu xuất hiện. Và ta lại thấy ở đám đại gia hôm nay những nét của đám trọc phú xưa, như lời cảnh báo của Huy Thọ, trong bài viết trên TT 12-9-09.
Bài viết là một cảnh báo cần thiết. Đúng là trong các đại gia gần đây không ít người có chất hãnh tiến, khinh thế ngạo vật, trơ tráo tàn nhẫn. Họ gợi lại hình ảnh đám giàu xổi đã thành một bộ phận đáng ghét hằn lên trong tâm lý cộng đồng Việt bao đời nay mà văn học đã ghi nhận.
Song tôi không nghĩ rằng tất cả họ đều là trọc phú.
Thông minh sáng láng, khao khát tự khẳng định, quyết đoán dám làm cả những việc động trời, họ nhiều phen gợi cho tôi niềm kính phục.
Nhiều khi cách sống cách nghĩ tư thế khai phá sáng tạo của họ đã đánh thức tinh thần năng động của xã hội và mở ra lối thoát cho những tình thế bế tắc.
Chẳng qua trưởng thành trong thời nhốn nháo, nhiều phen họ đã phải lấy cái ác để vượt lên sự trì trệ. Cuộc vật lộn hàng ngày quá quyết liệt tước đi gần hết của họ cả những niềm vui hồn nhiên lẫn những giây phút hướng thượng cao đẹp.
Nhìn một cách bao quát, tôi chỉ thấy tiếc. Nếu được sự dắt dẫn của trí tuệ , lẽ ra họ có thể tìm được những định hướng khác. Tài năng và sức lực của họ sẽ được huy động để trở nên có ích hơn cho cộng đồng, và như vậy, tên tuổi họ còn có khả năng ở lại với tương lai, với lịch sử, chứ không phải chỉ được truyền tụng kèm theo bao lời chê trách như hiện nay.

Huy Thọ có nhắc tới cách sống và tồn tại của nhiều đại gia nước ngoài Warren Buffett, Bill Gates, Morita Akio (cha đẻ Sony). Tôi đọc trong đây một sự gợi ý để suy nghĩ về lý do đang có quá nhiều mặt hư hỏng ở các đại gia VN hôm nay. Một thời gian dài, đất nước trong thế cô lập, và giá trị duy nhât được đề cao là những gì có ích cho chinh chiến. Luẩn quẩn trong cuộc sống tù đọng, doanh nhân VN, cũng như anh như tôi lúc ấy, tìm cách đánh bóng tên tuổi qua cách chơi trội so với chung quanh, và lấy việc học đòi bắt chước được sự phá phách cuồng loạn của thiên hạ làm niềm tự hào. Hoàn cảnh hôm qua đã quy định cho con người như thế, ta nên hiểu cho nhau. Nhưng trong hoàn cảnh hội nhập , nếu cứ diễn mãi nếp sống của đám chúa đất, và do đó nêu tấm gương xấu cho lớp trẻ, thì đó lại là điều đáng trách, đúng hơn là có tội.

Đã in ở Tuổi trẻ 14-9-09
(có bổ sung thêm đoạn cuối)

11/09/2009

Trong cái rủi có cái may

Filed under: Khác,Thói hư tật xấu — vương-trí-đăng @ 04:57

1. Sự kiện PMU nghiêm trọng quá khiến cho không ai khi theo dõi không đau đớn xót xa. Tuy nhiên thỉnh thoảng các nhà báo cũng cung cấp cho bạn đọc những chi tiết vui vui. Ai cũng biết nếu không có vụ theo dõi tình hình cá độ và bắt được trùm Hưng thì cơ quan điều tra không phát hiện được Bùi Tiến Dũng đánh bạc và không có mọi việc tiếp theo.

Mà họ làm ăn đã hiện đại lắm, số tiền đặt cược thì được mã hóa và ghi cả vào một máy tính. Và đây là cái chuyện người ta có thể nhếch miệng cười được với nhau: đó là sau khi biết mình bị lộ và có thể bị bắt, Hưng đã nhắn cho gia đình vứt ngay cái máy tính hành nghề xuống ao. (more…)

08/09/2009

Chế giễu bài bác trí tuệ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:58

Một người bạn tôi bảo phần lớn truyện cười dân gian VN là những câu đùa cợt qua lại của mấy anh đói. Nghe cũng có lý. Ở đây, đề tài ăn uống chiếm tỷ lệ khá lớn .
Chỉ có một bộ phận nhỏ truyện tiếu lâm đi vào ghi nhận tư duy của người Việt , chúng ta nông nổi, chúng ta hay lý sự cùn… Đòn đánh khá trúng.
Nhưng có thể thấy một số truyện đi vào chế giễu cả những đức tính tốt của con người và ngầm đề ra những triết lý bi quan.
Trời sinh ra thế là câu chuyện ông bố vợ với hai chàng rể, một làm ruộng và một học trò. Cuộc đối đáp của họ cho thấy dân gian muốn đi vào giải thích tại sao những sự vật quanh mình lại có đặc tính thế này thế kia. Tại sao con ngỗng cũng như con ễnh ương lại kêu to ? Tại sao sao con vịt nổi mà cái thuyền cũng nổi? Điều đáng nói không phải là sự bất lực, mà quan trọng hơn là sau đó, người ta đi tới kết luận “ dốt đặc còn hơn hay chữ hỏng “. Tức là thôi không bàn nữa, cũng như không nên học. Học mà làm gì, chúng ta sẽ chẳng bao giờ học đến nơi đến chốn, âu là nghỉ cho khỏe.
Đã đành biết cái gì dở dang thì chẳng hay ho gì . Nhưng lẽ nào vin vào cớ rằng học hỏi hiểu biết rất khó , người ta từ bỏ luôn cả sự học ?
Nhiều truyện tiếu lâm khác cũng có thiên hướng hư vô tương tự . Cả sự cẩn thận sự lễ phép đều bị truyện Ba anh đầy tớ mang ra giễu. Anh đầy tớ nọ đang khiêng cáng cho ông chủ, được khen liền đặt cáng xuống để cám ơn. Sự lễ phép quá vô duyên và con người sao quá ngớ ngẩn. Truyện Nói có đầu có đuôi thì bịa ra cảnh một anh bắt đầy tớ phải ăn nói cho mạch lạc, kết quả là cháy mất cái áo. Cái gọi là suy nghĩ nghiêm túc ở đây bị mang ra bài bác coi là không thiết thực, là có hại.
Nhiều người nước ngoài đến VN trước kia đã kín đáo nhận xét là người mình thích bài bác chế giễu những gì khác mình. Những nông nổi hồ đồ đó là một biểu hiện trẻ con , như chữ Tản Đà đã dùng .
Trong sự bài bác nói chung thường có cái lối “tự kỷ trung tâm luận”, coi mình là cái rốn của vũ trụ, cái gì mà mình không biết tức là không cần. Lại có cái tinh tướng không làm được thì không cho người khác làm, không ăn được thì đạp đổ.
Riêng việc chế giễu bài bác trí tuệ nó có liên quan đến những khó khăn trong việc đặt trí óc vào công việc, từ đó tạo nên bản năng tự phát trong suy nghĩ và hành động người Việt. Đời sống khó khăn khiến cho người ta luôn luôn sống trong chen chúc cạnh tranh. Song không sao tìm ra cách cạnh tranh lành mạnh . Thế là sinh ra ý hướng không muốn tuân thủ lối sống chuẩn mực, kiếm sống bằng đủ loại thủ đoạn, cũng như sinh ra thói cạnh khóe chê bai nhau .
Đây là đặc tính của lớp người mà xã hội học gọi là những kẻ chầu rìa. Lớp người này không có khả năng làm giàu về vật chất. Trong sự bất mãn, họ liền tự khẳng định bằng cách tỏ thái độ khinh miệt đối với nhân tố trí tuệ đạo đức và tinh thần con người, đối với nhưng chuẩn mực đã định hình về sinh hoạt và ứng xử, và nói chung đối với kiến thức và sự uyên bác.
Chúng tôi đã có lần nói rằng văn hóa Trung Hoa có truyền thông tôn trọng những người có văn hóa; nhưng ở đây cũng có một dòng nước ngược. Người Trung quốc tự trào ( đã dịch ra tiếng Việt ở Nxb Văn học 2000 ) cho biết người Trung quốc không chỉ xu thời, cầu an, sẵn sàng hối lộ thần thánh hoặc rúc đầu vào cánh, cam chịu trước cuộc đời bất công… mà còn “coi nhẹ trí thức văn hoá, thù hằn tri thức văn hoá “.
Theo những người viết sách “giảo hoạt là sự kết tinh thông minh tài trí của người Trung quốc, khuyết điểm lớn nhất của nó là đối lập chủ nghĩa lý tưởng với chủ nghĩa hành động, nó cười giễu mọi cố gắng của nhân loại…”
Dân ta cũng vậy , do hoàn cảnh riêng của người Việt, những thói xấu này càng ăn sâu vào tâm lý , trở nên một căn bệnh không nặng nề nhưng dai dẳng khó chữa .
Sang thời hiện đại, đặc tính“ cái gì cũng xem thường “ “ khinh thế ngạo vật” “ ghét sự suy nghĩ dùng đến sách vở ” .. sẽ được một người như Nguyễn Công Hoan nối tiếp hoàn thiện.
Trong Đời viết văn của tôi, nhà văn này kể, từ nhỏ ông ham chơi và ngại học . Có lần làm bài bàn về hy vọng, ông viết ở đời tôi không có hy vọng gì, rồi đem nộp thày. Cái lò gạch bí mật của ông kể một anh theo dõi một người có học, ra cái vẻ đang điều tra khoa học lắm, rút cục chỉ bắt gặp một anh ỉa bậy. Truyện thường bị kêu là tục tằn, tán nhảm . Nhưng phải nói cái chính là nó muốn chế giễu một lối sống nghiêm túc có tìm tòi suy xét trước mọi sự kiện chung quanh .
Đặng Thai Mai, một trong những người tạo ra khuôn thước cho văn học sau 1945 rất thích câu nói này của Carlyle Thomas “ Hoàn toàn ỷ thị vào trực cảm vào bản năng là một thái độ kiêu căng điên rồ và nguy hiểm “ (Xem Đặng Thai Mai và văn học ) . Nhưng mẫu người viết văn như Đặng Thai Mai ngày càng hiếm . Các cây bút trẻ thích nói về năng khiếu trực cảm hơn sách vở .
Trong văn xuôi đương thời , các nhân vật có học thường được ưu tiên dành cho nhiều phẩm chất xấu, như xa đời sống , ngại lao động , ham hưởng thụ … và ở chỗ riêng tư người ta cười họ, cho là họ gàn họ dại ( !)
27-10-07 thể thao vănhóa

05/09/2009

Vượt lên trên sự trì trệ của nhận thức

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:43

Đọc lại Văn minh tân học sách
Kỷ niệm một trăm năm Đông Kinh nghĩa thục,ngày 17-5 vừa qua, tại Hà Nội, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh và Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố đã tổ chức một cuộc tọa đàm chủ yếu bàn về đóng góp của phong trào này ở góc độ văn hóa giáo dục.

Hoạt động kỷ niệm năm nay còn được tổ chức ở nước ngoài. Theo tin của tạp chí Xưa và nay, số ra 5-2007, một cuộc hội thảo tại Aix-en – Provence Pháp đã được tổ chức với chủ đề Việt Nam, thời điểm hiện đại hóa – phản ứng của một xã hội trước sự du nhập của một nền văn hóa ngoại lai.Tham gia hội thảo có các nhà khoa học Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Mỹ.Những khám phá mới về phong trào văn hóa này đang được giới thiệu dần trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể nói tinh thần căn bản ôm trùm xã hội VN cả thế kỷ XIX là tinh thần bảo thủ. Sau mấy trăm năm phân chia Đàng Trong Đàng Ngoài và chiến tranh liên miên, con người hình như mệt mỏi và rơi vào một tình trạng trì trệ kéo dài. Cho đến cả khi mất nước, và tiếp đó mọi cố gắng của những cuộc khởi nghĩa Cần Vương mang đầy nhiệt huyết rút cục đều thất bại — một hậu quả rõ ràng của bảo thủ, trì trệ –, người ta vẫn chỉ biết than thở và không tìm ra phương hướng thay đổi.

Khi đang còn ngồi tù, và tìm cách suy nghĩ để Phát hiện Ấn Độ, Jawaharlal Nehru từng chiêm nghiệm và tỏ ra đồng cảm với một khái quát của John Stuart Mill : “Hiện nay tôi tin rằng không có những sự cải thiện lớn nào trong số phận của loài người lại có thể thực hiện được, cho đến khi có sự thay đổi lớn lao xẩy ra trong phương thức suy nghĩ “( nhà tư tưởng Anh viết câu này trong cuốn Tự truyện, 1873)

Chẳng những hoàn cảnh Ấn Độ mà hoàn cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX dường như là minh chứng cho cái nhận xét đó của John Stuart Mill.
Giá kể trong hoàn cảnh các dân tộc còn sống cô lập như thời trung đại, chắc chắn tình trạng trì trệ kia không biết bao giờ thay đổi nổi.
Nhưng châu Á lúc này đang trải qua một trận” mưa Âu gió Mỹ “ sôi động. Việc tiếp nhận phương Tây học theo phương Tây được coi như một lẽ sống ở Nhật Bản, ở Trung quốc và ảnh hưởng đã lan đến Việt Nam. Với phong trào duy tân ( = đổi mới ) nói chung, những nếp nghĩ ngưng đọng ngàn năm đã được khơi gợi theo một hướng mới .

theo thuật ngữ hiện nay, một quá trình hội nhập bắt đầu. Mà hội nhập trước tiên là một tầm nhìn khác, một cách nhận thức khác. Trong hoạt động đa dạng của Đông Kinh nghĩa thục , Văn minh tân học sách là tài liệu chính , đánh dấu sự nhận thức mới mẻ đó .

Trước kia là tự khép mình lại, coi mình là trung tâm của vũ trụ ( một thứ “ tự kỷ trung tâm luận “ tự phát ), không biết rằng mình đang mỏi mòn thoái hóa.

Nay thấy mình là bộ phận của cái thế giới vùn vụt đổi thay, mình không thể đứng ngoài, mình không thể chết.

Trước đây, người ta nghĩ mất nước là tại mệnh trời.

Nay những đầu óc được giải phóng bắt đầu nghĩ ở đây có vấn đề văn minh, tức là trình độ sống trình độ tư duy của dân tộc.

Trước kia là đạo nghĩa trừu tượng giáo điều. Nay là kiến thức mới lạ nhưng đầy sức hấp dẫn.

Trước kia là sự chật hẹp của chân trời nhận thức, là hạn chế đến mức tối thiểu tiếp xúc và giao lưu với thế giới bên ngoài, từ đó chỉ muốn yên ổn, sẵn sàng lê lết theo sát những khuôn phép người xưa đã chỉ dẫn.

Nay là từ bỏ là tung phá , là tin rằng tất cả có thể làm khác điều mình vốn làm, nghĩ khác điều xưa nay vốn nghĩ.

“ Ôi nếu như không biết đến sách báo mới thì thôi, chứ đã biết mà lại bưng bít che lấp đi làm như không nghe, không thấy chuyện gì để tự mình lại củng cố trong mình một căn tính nô lệ, nhân cách như thế, thật nên lấy làm đau đớn “(VTN nhấn mạnh ). Loại khái quát kiểu này không chỉ vạch ra một thực trạng mà còn ghi nhận một thái độ cố chấp, và rộng hơn gọi ra chính xác những nguyên nhân khiến cho tình trạng trì trệ kia kéo dài triền miên dai dẳng.

Quá trình tự phê phán một khi khởi động không thể không đi tới cùng. Những đầu óc xưa nay quen tự hào theo lối gồng mình cãi lấy được về sự không kém người của mình nay bắt đầu chân thành nhận ra mọi sự lạc hậu kém cỏi. Nền giáo dục cổ hủ, giáo điều. Tình trạng “ tĩnh” của văn hóa. Kinh tế lệ thuộc nước ngoài. Con người hèn kém sợ sệt chỉ tự khẳng định bằng cách chìm sâu vào trụy lạc, từ “ đàn sáo đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ “ cho tới “số tướng, địa lý, phù thủy “. ..Tất cả đều đã được đặt trong tầm ngắm. “ Hành chính thì cấm thay đổi sửa sang ; dùng người thì quý im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định; luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được học luật “ — những nhận xét sắc sảo loại đó ken dày trong Văn minh tân học sách .

Các tài liệu dùng làm sách giáo khoa dùng trong nhà trường như Quốc dân độc bản Tân đính giáo khoa thư cũng đều là những cuộc kiểm điểm nghiêm khắc về một nếp sống nếp nghĩ đã lỗi thời và rao giảng những kiến thức hiện đại tuy là còn đơn sơ song giản dị dễ hiểu.

Không phải là một cương lĩnh hành động, song Văn minh tân học sách mở đường cho mọi hành động. Cảm hứng chính bao trùm ở đây là niềm sung sướng của con người khi tìm thấy một chìa khóa và gỡ ra được một bí mật. Là cảm giác tan băng. Là trong đường hầm thấy hé ra lối thoát . Khi quá phấn khích bồng bột trước một nguồn ánh sáng mới, người ta có bị lóa mắt, bước đi như vướng vào nhau và tiếng nói nhiều khi lộn xộn âu cũng là điều dễ hiểu . Điều có thể chắc là trong các văn bản mang tính chất thức tỉnh kêu gọi, hiếm khi thấy cái hôi hổi nồng nhiệt lại đi liền với một sự sáng suốt đến như trong Văn minh tân học sách.

04/09/2009

Đó chưa phải là phê bình

Filed under: PHE BINH VAN HOC — vương-trí-đăng @ 09:30

Thử phác hoạ tình trạng nhân thế của phê bình văn học nửa sau thế kỷ XX

Tính tự phát vốn là đặc điểm của nhiều hoạt động tinh thần ở ta mấy chục năm nay trong đó bên cạnh việc sáng tác thì có cả phê bình văn học.
Tôi xin phép lấy trường hợp bản thân tôi mà suy. Sau gần bốn chục năm kẽo kẹt hành nghề, nay nhìn lại tôi chỉ có thể nói công việc mà mình đã đặt nhiều tâm huyết thật ra đã được làm theo kiểu gặp đâu hay đấy, trông trước trông sau, trông mọi người mà làm, chứ đâu có bài bản gì cho đàng hoàng.
Thoạt đầu, đọc mẫu của các bậc đàn anh. Khoảng đầu những năm 60 trên báo chí văn nghệ ở Hà Nội thấy nổi lên một lối viết phê bình mà trong tầm mắt của một cậu học trò trường cấp III Chu Văn An như tôi, nghe có vẻ rất mới, khiến tôi mải miết học theo, tất nhiên theo lối học lỏm. Người tôi mê nhất lúc ấy là Lê Đình Kỵ. Từ cách nói giọng điệu, chữ nghĩa, thứ văn phê bình này đã được tôi mô phỏng, bắt chước. Rồi từ 1965, tôi bắt đầu viết bài gửi đăng báo Văn Nghệ, một trong những tờ báo được xem là biết làm phê bình đúng với cái chuẩn được công nhận lúc ấy. Thấy đại khái viết như thế được đăng thì lại thừa thắng xông lên viết tiếp, cả năm được in một bài độ một trang trên báo Văn Nghệ cũng đã thấy là danh giá lắm.
Mấy năm sau, được chuyển về tạp chí Văn nghệ quân đội, làm việc dưới sự hướng dẫn của anh Nhị Ca, thường đi họp và bàn việc với anh Đông Hoài, anh Khái Vinh, chị Thiếu Mai bên báo Văn Nghệ … tôi cũng nghe các anh các chị tâm sự đại khái như vậy. Tự đào tạo là chính. Làm như mọi người. Mà cái kiểu làm được cả mọi người công nhận ấy chẳng qua cũng ngẫu nhiên hình thành, chẳng ai nói ra rõ ràng, mặc dù ai cũng cảm thấy và tìm cách thích ứng. Nó như một vệt mòn trên núi. Như một thứ con đường quê của Tế Hanh “ kéo nỗi buồn không dạo khắp làng “, cong queo, xẹo xọ, mà rồi vẫn là phương tiện duy nhất dẫn người ta đi tới.
Đã có lúc bọn tôi thử quay lại với người xưa, với truyền thống, như ngày nay hay nói. Nhưng các cụ nhà nho búi tó ở ta trước đây đâu đã biết đến phê bình, lục lọi lắm cũng chỉ được vài câu các cụ vui miệng nói những khi thù tạc. Còn cái truyền thống gần hơn, là phê bình nửa đầu thế kỷ XX, thì, không kể Trương Tửu, Trần Thanh Mại mà ngay cả Vũ Ngọc Phan lẫn Hoài Thanh, mọi người còn đang muốn từ chối, chứ có ai công nhận ?! ( Từ 1954 tới 1985-86, ở Hà Nội, cả Nhà văn hiện đại lẫn Thi nhân Việt nam 1932-41 không được in lại. Mãi sau 1986, quá trình tái bản mới diễn ra ồ ạt. Trước đó, các Thư viện chỉ có bản in cũ, mà không phải cán bộ nghiên cứu nào cũng có quyền mượn.).
Quay sang kinh nghiệm nước ngoài. Cái mẫu hồi ấy để theo là những Timofeev, Abramovich.. ở Nga, với lại Chu Dương, Lâm Mặc Hàm ở Trung quốc. Nhưng họ nói những chuyện xa xôi, nên chỉ học để dắt lưng làm vốn thôi, chứ hàng ngày, mỗi người vẫn phải lo viết bằng cách trông vào những cái các đồng nghiệp đang làm trước mắt. Vừa học theo vừa chán. Mà về sau ngẫm lại, không khỏi thấy lạ. Điều hay của người ta thì không học được. Điều dở lại cứ ám vào mình, như một thứ duyên nợ có từ kiếp trước.
Trong cái vẻ như là chẳng có bài bản gì cả, rồi một cái nếp riêng đặc trưng cho phê bình cũng đã hình thành. Có một hồi nhớ đến phê bình là nhớ tới những bài viết đậm chất đấu tranh phê phán. Một loạt cây bút nổi lên trong những đợt đấu tranh đó, sau này bị gọi đích danh là xã hội học dung tục, nhưng ai nói kệ họ, các nhà ấy vẫn là những nhân vật chính ngự trị trên diễn đàn, trở thành định nghĩa cho phê bình một thời. Rất nhiều buổi trò chuyện tôi tham gia, nhiều lời tâm sự tôi nghe được, rút lại đều dẫn tới một kết luận không lấy gì làm thú vị lắm: thứ phê bình khô cứng ấy, chẳng qua giới nhà văn lép vế phải bấm bụng công nhận, chứ thực tình không phục, và lại càng không thích. Nguyễn Minh Châu có lần nửa đùa nửa thật nói với tôi:
— Các nhà văn như con gà say tiếng gáy, còn mấy ông phê bình thì như con cáo đứng bên cạnh xui dại: “Bác gáy hay lắm nhưng giá nhắm mắt lại thì còn hay hơn nữa !“. Điều gì xảy ra khi anh nhà văn nhắm mắt lại, thì các ông đọc truyện ngụ ngôn hẳn nhớ.
Như để phản ứng lại cách viết phê bình đứng ngoài áp đặt, dạy đời –, ngay hồi ấy đã có thứ phê bình đi vào bình tán, khen câu thơ này có thần hoặc chê chữ nghĩa người kia dùng không được khéo. Nó có nhiều liên quan đến việc giảng văn. Nói chung là nó thu hẹp việc bàn luận về sáng tác vào các vấn đề kỹ thuật cụ thể, thực chất chỉ muốn giúp cho người ta hiểu kỹ hơn về từng tác phẩm văn học đã được viết ra, còn như cái việc mang chính cái đời sống văn học ra xem xét lại, để rồi giả thiết rằng tất cả có thể làm khác – một điều mà tôi thấy ở những nền phê bình ở các nước khác, khi tôi có dịp tiếp xúc — thì hoàn toàn vắng bóng.
Khoảng mươi mười lăm năm gần đây, thứ phê bình thứ hai này lan ra chiếm gần hết các trang phê bình trên báo chí. Để thích hợp với vai trò giải trí, nó được bổ sung thêm những“mồi nhậu” mới: những lời vuốt ve nhau ca tụng nhau, xếp chỗ nhau trên văn đàn ; hoặc những lời đồn thổi, những thứ giai thoại về các nhân vật nổi tiếng, nghe cho sướng tai. Trong cái vẻ mềm nhũn ra như vậy, nó được đám bạn đọc lười biếng xuýt xoa tán thưởng, và trở thành một định nghĩa mới về phê bình, thay cho thứ định nghĩa đã cũ nói trên.
Tôi không dám liều mạng tự nhận là trong một ít công việc cụ thể bản thân từng làm, đã thoát ra được khỏi hai thứ phê bình trên đây vừa miêu tả. Nhưng có Trời Phật chứng giám, quả thật trong ý thức, tôi có thấy chán cả hai lối phê bình đó, và thử tìm cách thay đổi. Thử trong tuyệt vọng. Nghĩa là một mặt chạy đôn chạy đáo vùng vẫy cựa quậy; mặt khác, khi quay về đối diện với chính mình, vẫn không dứt khỏi cái dự cảm đau đớn, rằng làm được khác đi khó lắm, cái nếp sống chung kia nó đã thành một thứ bản mệnh chung cho bao nhiêu đồng nghiệp, mình sẽ chỉ có cách nhung nhăng mà tồn tại như một phần lớn các “ chúng sinh “ khác.
Hoạt động nào của con người cũng bị chi phối bởi những ràng buộc sâu xa của xã hội. Tuy nhiên, xét trên bề mặt và xét một cách tương đối, vẫn có thể nói: nếu sáng tác thơ truyện thu hẹp trong công việc cụ thể của từng cá nhân thì phê bình được hình thành từ những liên hệ giữa các cá nhân ấy ; khi nói phê bình có nghĩa là nói tới cọ xát, giao đãi, đối mặt, đối thoại. Bởi vậy để hiểu phê bình, phải nói tới những đặc điểm chi phối mối liên hệ tinh thần giữa người với người được hình thành trong môi trường chung, và tồn tại như một thứ khí hậu vô hình mà tác động vào tất cả mọi người. Chung quanh chuyện này, có thể tạm nêu ra một số nét đáng chú ý trong hoàn cảnh hiện nay :
— Xã hội trọng tình hơn trọng lý. Người nói lọt tai, nói vừa lòng người khác, hoặc để người khác cho là “ nghe được “, được trọng hơn người nói đúng.
— Ai cũng tỏ ra thích làm hơn ngồi suy nghĩ bàn bạc về công việc đã làm. Sách vở tổng kết thường bị xem thường. Việc đọc sách bị coi là vô bổ, người ta chỉ sợ mình mang tiếng là xa thực tế và rơi vào sách vở, tuy nói thẳng ra thì số người biết làm việc với sách vở, đọc cho ra đọc, chẳng có bao nhiêu.
— Trong việc tìm hiểu nhau, xem xét đánh giá về nhau, có xu thế nhấn mạnh thế đứng trong, còn thế đứng ngoài thường bị xem là không được việc gì. Câu tục ngữ “ Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận “ mặc nhiên được xem như một chân lý tuyệt đối ( trong khi thực ra nó chỉ có ý nghĩa tương đối, trong phạm vi hẹp ! ).
— Các giá trị dùng làm chuẩn mực không ổn định, còn các phát biểu lại thường thích có cái vẻ lung linh nhiều nghĩa “ nói zậy mà không phải zậy “, hơn là chặt chẽ chính xác. Hệ thống định giá hoạt động tuỳ tiện. Chín bỏ làm mười đã đành, mà có khi sáu bảy thậm chí ba bốn cũng thành mười luôn. Và đã một lần mười rồi thì không bao giờ trở lại ba bốn nữa.
— Xu thế bình quân trong xem xét đánh giá được củng cố bởi quan niệm nhấn mạnh tính phong trào hơn tính chuyên nghiệp. Trong một phong trào, các cá nhân hỗn độn chen chúc bên nhau làm nên một tập mờ, và không ai muốn ai nổi lên hơn mình. Còn việc phân loại thường bị chi phối bởi những cơn nóng lạnh thất thường, cũng như cái sự gọi là “trông trước trông sau” lằng nhằng phiền phức (mà hoạt động của các giải thưởng hàng năm ở tất cả các ngành là một ví dụ ).
Bằng những cách thức khác nhau, những đặc điểm trên in dấu vào mọi mối quan hệ giữa người nọ với người kia trong xã hội, song đến phê bình thì thấy rõ nhất. Xét phê bình theo nghĩa hẹp, tức những lời bàn luận về những tác phẩm đang in ra hàng ngày– một thứ động tác giống như bắt cá giữa dòng –, dễ thấy có những nhược điểm đã trở thành bệnh mãn tính không thể lảng tránh :
— Yếu ớt èo uột, ngoại trừ những cuộc đánh đấm hỗn hào, thì sinh hoạt hàng ngày đơn điệu tẻ nhạt, thiếu sinh khí.
— Không thuyết phục được xã hội về sự cần thiết của mình. Không hẳn là báo chí, nhưng cơ hội trở thành văn chương thực thụ bị coi là rất thấp. Chưa làm gì nhiều để cải chính được những cách nghĩ sai, rằng mình là bám càng là ăn theo, là bánh xe thứ năm ngón tay thứ sáu.
— Dễ bị biến dạng thành mối quan hệ tay đôi giữa người viết phê bình và người được phê bình —, trong khi phê bình lẽ ra phải là hướng về tất cả những ai quan tâm tới văn học và nêu ra những vấn đề thiết yếu cho cả xã hội.
— Dường như quá dễ, ai thích thì làm, ai rỗi rãi chưa biết làm gì nhảy vào nói vài câu cũng được, lúc chán thì đánh bài chuồn. Ít người nghĩ rằng đây là công việc của những nhà chuyên môn trải qua đào tạo chắc chắn ; trái lại, xu thế nghiệp dư có nguy cơ bành trướng và được công khai khuyến khích.
Còn xét phê bình theo nghĩa rộng nhất, tức bao hàm cả công việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những tác phẩm trong quá khứ, rồi nâng lên thành lý luận, người ta sẽ thấy cái yếu về lý tính mà trên kia đã nói có dịp bộc lộ. Nhiều người làm nghề này mà không có khả năng đọc ra từ quá khứ những vấn đề có liên quan tới hiện tại. Vì vậy, họ không đủ sức tác động tới tình hình chung, chính họ sớm cảm thấy những cái mình làm chẳng cần cho ai. Nên chính họ cũng thấy ngán, ngồi đứng không yên, rồi ham vui, ham nổi tiếng, lại nóng máy bỏ sang bàn về những cái trước mắt.
Thời gian gần đây, thấy nổi lên hiện tượng thích nói đến những lý thuyết mới ở nước ngoài. Sau một thời gian dài làm nghề theo lối thủ công, kinh nghiệm chủ nghĩa, nay một số người có ý thức muốn tìm một sự đổi khác, và đây là một phương hướng đúng. Song ám ảnh truyền kiếp không thể bỗng chốc rũ bỏ, trong phần lớn trường hợp các thứ lý thuyết ấy chỉ được nghiên cứu qua loa, chưa kịp tiêu hoá đã mang ra dùng, như một thứ chiêu bài để doạ nhau. Một số người khác lại thích nhấn mạnh tinh thần tự chủ và ý thức phê phán khi tiếp thu lý luận nước ngoài, trong khi quên mất một điều đơn giản: Chính người ta nói gì mình nghe chưa thủng, chưa tìm được cách dịch đích đáng –, thì tìm đâu ra cơ sở để phê phán ?
Những nhược điểm trên đây càng khiến cho lý do tồn tại của phê bình bị đặt thành vấn đề. Trong suốt cuộc đời làm nghề, tôi luôn luôn cảm thấy rằng với nhiều người, cả người trong cuộc lẫn người đứng ngoài, công việc này chỉ là một thứ lao động hạng hai hạng ba gì đó; và một người làm phê bình thuần tuý thường gợi cảm giác một người đi xin việc khi đắt khi ế, một thứ trang trí có thể cần cho người ta một lúc một nhát nào đó rồi thôi. Thân phận người viết phê bình bởi vậy giống thân phận đám dân ngụ cư.Trên chuyến xe văn nghệ, họ chỉ được xếp ngồi ghế phụ.
Đây không phải là ý muốn của riêng ai, đây là xu thế tự phát toát ra từ trong cách làm cách sống của nhiều người, cả người quản lý lẫn bạn đọc, cả người sáng tác lẫn chính người viết phê bình, trở thành một thứ vô thức tập thể, cái đó mới thật khó sửa.
Nhiều người thường chỉ lo bàn về phương hướng phát triển của phê bình.
Việc đó đã đành là cần, nhưng theo tôi, khi nhìn vào cái ngành còn rất non trẻ này, cần kíp hơn là đánh giá thực lực của nó, cái cách nó tồn tại ; và nói chung là xét xem nó đang ở vào trình độ nào trong sự phát triển của một nền phê bình tự nhiên đúng đắn.
Theo hướng đó mà suy nghĩ, từ những yêu cầu cao về nghề nghiệp, tôi muốn mạnh dạn nói: Cũng giống như đô thị ở ta chưa ra đô thị, kinh tế thị trường chưa ra kinh tế thị trường, sử học chưa phải là sử, tiểu thuyết chưa phải là tiểu thuyết… —, phê bình cũng chưa phải là phê bình. Hoặc cố mà nói lấy được, thì đó là một nền phê bình thấp lè tè, kéo lê hàng ngày, vất va vất vưởng. Và tất cả lẽ ra có thể làm khác, nhất định mai đây cần phải viết khác đi ( tuy phải nói ngay có làm được như thế hay không còn là chuyện phi phỏng, tức chẳng có gì chắc chắn cả. ).
Để khẳng định ( hay bác bỏ ) nhận định này, rồi bảo nhau tìm ra một phương hướng phát triển hợp lý, có hai việc có thể và cần phải làm ngay :
Một là trở lại quá khứ, tìm cách phác hoạ lại lịch sử phê bình dân tộc, hoặc nói đúng hơn là làm rõ những mối quan hệ văn học theo kiểu phê bình đã tồn tại ở đời sống văn học nước nhà cả thời trung đại lẫn thời hiện đại. Trong việc này, tốt hơn hết là nhìn phê bình như một hoạt động văn hoá, và sử dụng các công cụ của văn hoá học để xem xét và lý giải nó.
Hai là tìm hiểu một cách tường tận sự phát triển phê bình trong thế giới hiện nay, bao gồm cả những nước có nền phê bình thuộc loại phát triển hơn cả như Mỹ, Pháp, lẫn những nước mà nền văn học của họ có nhiều ảnh hưởng tới văn học ta, như phê bình ở Nga, ở Trung quốc. Qua người hiểu ta, tìm hiểu để tự biết mình đang ở chỗ nào trong sự vận động của thế giới, từ đó tìm ra những gợi ý cho sự đổi khác trong thời gian tới. Trong tất cả các hình thức có thể có của nó, trước sau phê bình cũng phải được nhìn nhận bằng những tiêu chuẩn chung, áp dụng cho mọi nền phê bình văn học đang có ở trên đời này, chứ không có những tiêu chuẩn dành riêng cho phê bình ở Việt Nam../.
2003

01/09/2009

Một trăm thứ rượu một ngàn kiểu say

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 12:26


Ai đó đã nói: ngôn ngữ là một thứ đài kỷ niệm ghi lại những kinh nghiệm phong phú của mỗi dân tộc. Thứ đài vinh quang này trung lập, không bị độc chiếm, không phân cấp chia ô theo bất kỳ tiêu chuẩn nào (ví dụ, không có từ nào được coi như có ý nghĩa hơn, rồi nói tới nhiều hơn, từ nào dung tục tầm thường bị lép vế v.v..).
Ngược lại, đấy là khu vực hoàn toàn bình đẳng; tình cảnh đôi khi giống như một bãi đất bao la, từ nào có sức lan ra đến đâu cứ việc bành trướng tới đó. Thành thử, chung quanh hai từ rượu và say, trong tiếng Việt người ta thấy có hàng loạt biến dạng, nẩy nở, sinh sôi. Nhân dịp ngày xuân, chúng tôi đã lục tìm mấy cuốn từ điển Việt, thử tra lại ý nghĩa của các từ ấy. Những tài liệu chính đã được sử dụng:

1. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, bản in ở Sài Gòn 1895 -1896, dưới đây gọi là bản A.

2. Việt Nam tự điển, do Hội Khai trí Tiến đức khởi thảo từ những năm 20, bản nói sau đây là bản in lại ở Paris năm 1954 gọi là bản B.

3. Từ điển Annam-Hán-Pháp của Gustave Hué in 1937 ở Phú Nghĩa, gọi là bản C.

4. Từ điển tiếng Việt, không đề tác giả, do L’ Asiathèque in ở Paris 1977, gọi là bản D.

I. Chung quanh từ rượu

Bản A định nghĩa : Rượu là “Thứ nước làm bằng trái cây hoặc chưng đạt bằng nếp gạo, có mùi cay nồng”.

Đây là một thứ định nghĩa kinh điển, các sách khác đều nói tương tự. Nhưng cái hay của một cuốn từ điển là chung quanh một từ cố định đó, ghi được thêm bao nhiêu từ ghép. Về mặt này, các bản chúng tôi có trong tay tài liệu khá phong phú. Ngoài rượu nếp, rượu sen, rượu chổi, rượu cúc, rượu nho v.v…, đọc bản A, người ta biết thêm còn có một thứ nữa là rượu đậu, tức thứ rượu nấu bằng đậu xanh; dọc bản D, thấy nói có rượu tần, rượu cất bằng cây tần cây đào. Về chất lượng rượu, người ta phân biệt rượu hàng là rượu bán rộng rãi, rượu hàng nàm (tiếng địa phương chăng? – phổ biến hơn rượu ngọn) là rượu lứa đầu.

Ca dao có câu: Thách thêm một thúng xôi vò – Một con lợn béo một vò rượu tăm, lại có câu: Đố ai chừa được rượu tăm – Chừa ăn thuốc chín chừa nằm chung hơi. Vậy rượu tăm hẳn là rượu rất ngon rồi. Nhưng tại sao lại gọi là tăm? Các bản B, D đều nói đại ý đó là thứ rượu dùng tăm chấm vào rồi mút cũng say. Trong số những từ ghép có một thành tố là rượu, bản C nhắc tới bóng rượu, bầu rượu…, bản A kể ra mạnh rượu, bợm rượu, già rượu. Đặc biệt, còn thấy nói tới con rượu và cắt nghĩa vật ở trong mình kẻ say rượu. Chắc giữa con rượu và con bạc có sự tương đồng trong cách cấu tạo? Nhưng con rượu ngày nay hầu như không thấy ai dùng.

II. Chung quanh từ say

Phần lớn các sách ghi say: “Bị rượu làm cho mê man” và chua thêm một loạt từ ghép có chữ say. ở đây nổi bật hai loại:

a) Loại từ chỉ trạng thái say vừa vừa, nửa tỉnh nửa say: đó là say ngà ngà, say chuếnh choáng. Bản A ghi thêm mấy từ địa phương cùng nghĩa: say xoàng xoàng, say ba chè, say xoàng ba…

b) Loại thứ hai, nhiều hơn hàng chục lần, là những từ chỉ trạng thái rất say. Xin tạm kể như sau:

– Bản A: say chúi, say bò, say bết, say lết, say mèm, say mê mết, say sặc sụa, say vật vờ, say cúp, say cúp bình thiếc (hai từ cuối rõ là từ địa phương).

– Bản C : say đứ, say chèm, say nhèm, say gật gờ, say gật gưỡng, say khướt, say li bì, say tít, say lử, say lướt cò bợ, say tít cù lèo, say tít cung thang, say nhè, say nhẹt, say nhừ tử.

– Bản D: say ngất ngư, say tuý luý. Cũng có những khi người làm từ điển sau khi ghi một từ tìm cách giải thích tại sao từ đó lại được hình thành như vậy. Ví cụ Từ điển Việt Nam phổ thông in ở Sài Gòn 1952 sau chữ say mềm thích nghĩa “say (đến mức) người mềm ra”, sau say nhừ: “say như nhừ ra”. Những cách giải thích này không phải bao giờ cũng thuyết phục. Điều đáng nói là số lượng từ chỉ trạng thái rất say lại nhiều vô kể, nó chứng tỏ người say trên thế gian này không phải là ít!

c) Ghi chú về tửu và tuý

*

* *

Chẳng cứ trong giới thượng lưu, ngay với người bình dân, chữ tửu vẫn được dùng rộng rãi để chỉ rượu. Mã số từ ghép đi với tửu cũng rất nhiều. Chỉ cần tìm tới một cuốn như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, người ta sẽ bắt gặp tửu bảo, tửu chiến, tửu đảng, tửu lệnh v.v… Đáng lưu ý là để chỉ người say rượu (hoặc con rượu như trên đã kể), tiếng Hán Việt có nhiều từ khác nhau, mỗi từ một sắc thái: tửu hữu, tửu khách, tửu đồ, tửu quỷ, tửu ma, tửu thánh, tửu thần, tửu tiên…

Xét về mức độ phổ biến, thì tuý không bằng tửu. Song khối lượng từ ghép cũng khá đông đảo, nhất là những từ chỉ việc làm trong lúc say, vừa làm vừa say như tuý ngoạ, tuý nguyệt, hoặc những từ chỉ hành động sáng tạo trong cơn say như tuý bút, tuý mặc (đều có nghĩa chữa viết trong lúc say), tuý ca, tuý ngâm.
(chuyện cũ văn chương)

Blog tại WordPress.com.