VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

29/01/2009

Đọc lại Khổng Tử để hiểu con người hiện đại

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:18


Nhiều năm làm nghề phê bình văn học, song mấy năm nay, mỗi lần cầm trên tay một sáng tác, dù văn hay thơ, tôi đều rất ngại. Đọc vào cứ thấy tức tức. Hoặc đây không phải văn chương, hoặc cảm quan văn học mình bị hỏng. Để giải tỏa mối nghi ngờ bản thân, tôi quay lại đọc văn chương quá khứ, đại khái như Nửa chừng xuân, Gió đầu mùa, Chí Phèo, hoặc Tiếng thu, Lửa thiêng. Thì vẫn thấy mình bị hấp dẫn, nghĩa là mình không có lỗi… Đành buông hẳn sáng tác đương thời, mà đặt toàn bộ công sức vào việc quay trở lại với văn chương cũ.
Tưởng đó chỉ là chuyện riêng của mình, hóa ra có nhiều người trong nhiều lĩnh vực khác cũng đang nghĩ vậy.
Báo chí đưa tin loại sách cổ điển đang trở lại với người ta. Trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, châu Âu đang đọc lại Mác. Cũng như ở Trung Quốc, người ta đọc lại các nhà triết học thời Bách gia chư tử.
Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Trên nét lớn có thể ngờ rằng nay là lúc nhiều người đang bối rối trước đời sống trước mắt, và không tìm ra cách cắt nghĩa các hiện tượng đang xảy ra, nên đành tìm cách khác, hoặc đi đường vòng hoặc lùi xa hơn, chứ không quá chăm chú vào các sự việc trước mắt. Ta đặt mình vào vị thế người xưa. Thấy xã hội xưa nay vẫn vậy, kiếp người xưa nay vẫn vậy, ta yên lòng mà sống… Lấy ví dụ như trường hợp cuốn Luận ngữ của Khổng Tử. Bên cạnh nguyên văn, sách được các nhà khoa học Trung Hoa lục địa chú giải và “dịch” ra ngôn ngữ hiện đại. Hàng chục triệu bản loại này đã được in ra trong mươi năm gần đây.
Lại còn loại sách mà ở Việt Nam mình hay gọi là “ăn theo”, thật ra là sách giải thích các bộ kinh điển nói trên. Vu Đan với Luận ngữ tâm đắc là một kỳ tích của giới nghiên cứu và xuất bản truyền thông Trung Quốc. Bản in cuốn sách này mà tôi đang có trong tay ghi rõ là đến tháng 7-2008 đã in tới 31 lần, tổng cộng 4,75 triệu bản (có tin là sách in lậu cũng phải dăm triệu nữa, tổng cộng lên tới cả chục triệu bản).
Sự vồ vập này được cắt nghĩa từ nhiều góc độ. Có người nói Trung Quốc đang phương Tây hóa quá đậm, phải lo bảo nhau quay về cội nguồn. Đằng sau sự huy hoàng của phát triển là những băng hoại đến từ cuộc va chạm giữa hai nền văn minh. “Một quốc gia đã quen với việc coi các giá trị đạo đức đứng trên tất cả bỗng nhiên thấy mình lâm vào tình trạng phi chuẩn mực. Điều này tạo nên những lo âu không thể tháo gỡ” – “Sự sụp đổ các giá trị và làn sóng đổ xô vào làm giàu với tiền là thước đo thành công duy nhất đã khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang và mất mát… Có rất nhiều tâm hồn bị thương tổn. Người ta phải tìm kiếm điều gì đó để tin và bám lấy”. “Luận ngữ dành để dạy chúng ta cách làm thế nào để đạt được hạnh phúc tinh thần, điều chỉnh những thói thường và tìm ra vị trí của mình trong xã hội hiện đại”.
Trong phạm vi một bài báo nhỏ, tôi chỉ tạm giới hạn mấy lời giới thiệu như vậy, dưới đây mạn phép trình bày một khía cạnh thu hoạch riêng.
Khổng Tử thường được hậu thế xem như một người đưa ra những lề luật mà người ta phải theo trong phép xử thế. Khi những lề luật này được đẩy lên thành những ràng buộc nghiệt ngã thì ông trở nên một đối tượng khiến nhiều người căm ghét. Song, đọc Luận ngữ, tôi lại cảm thấy ông là một người rất biết điều, do đó rất dễ gần. Làm nền cho những đề nghị đôi khi quá phiền phức là một nhận thức sâu sắc về con người, nhất là những chỗ yếu, cái phần bản năng tự nhiên, cái phần bùn lầy ngầu đục tự phát hầu như ai cũng có. Thuyết tính thiện về sau mới được Mạnh Tử đưa lên thành nguyên lý. Con người ở Khổng Tử đa dạng hơn nhiều. Mọi cơ hội dường như đều được mở ra. Một khi tiềm năng hư hỏng đã chực sẵn, mọi rối loạn xã hội và những chấn thương trong lòng người là chuyện khó tránh nổi.
Ta biết rằng cùng với Luận ngữ có một cặp khái niệm đã hình thành, đó là quân tử và tiểu nhân. Đây là cặp phạm trù bị người đời đả phá kịch liệt, bởi cho là khi nhấn mạnh sự phân biệt đó, cụ Khổng đã mở đường cho giai cấp thống trị áp bức nhân dân. Nhưng có thể có cách hiểu khác – đây chỉ là những giả định để nhà nghiên cứu này hình dung về các đối tượng. Tiểu nhân là gì? Là cái dạng thức tự phát tự nhiên về con người mà ở trên vừa nói. Còn quân tử, đó là cái đích mà con người phải tới, phải phấn đấu để trở thành. Và như vậy trong khi hướng tới quân tử thì những con người tiểu nhân kia lại không xa lạ với chúng ta, muốn tự hiểu mình ta hãy chăm chú nhìn vào hình ảnh tiểu nhân mà cụ Khổng miêu tả. Đó là những kẻ liều lĩnh cuồng bạo lấy cớ nghèo đói để tự cho phép mình tha hồ làm bậy. Đó là những kẻ quá tự tin, không bao giờ nghĩ là mình có thể có lỗi, đứng trước việc lớn việc nhỏ, không bao giờ băn khoăn xem mình làm thế nào thì đúng, thế nào thì sai, mà chỉ nhắm mắt lao tới. Chẳng phải là những mẫu người phổ biến quanh ta đó sao? Trong tâm lý học hiện đại, Gustave le Bon (1841- 1931) nổi lên như một người biết gọi ra chân dung tinh thần của các đám đông: nặng về bản năng, dễ bị kích động và bị sai khiến. Về phần mình, Khổng Tử bảo: Quần cư chung nhật – ngôn bất cập nghĩa – hiếu hành tiểu tuệ – nan hĩ tai (tạm dịch: Túm tụm với nhau suốt ngày, không bàn về đạo lý, toàn tính toán theo lối khôn vặt, thực là khó dùng). Hoặc: Cuồng nhi bất trực – đồng nhi bất nguyện – không không nhi bất tín – ngô bất tri chi hĩ (tạm dịch: Kẻ cuồng vọng mà không ngay thẳng, dốt nát mà không trung hậu, có vẻ thực thà mà không thủ tín, ta chẳng biết hạng người đó ra sao). Những câu loại này nhiều lắm, cần hẳn một chuyên đề nghiên cứu.
Lâu nay tôi vẫn tự nhủ hãy hiểu con người hôm nay ra sao đã, sau đó mới bàn cái đích phải hướng tới. Không dè cách nghĩ này đã sẵn trong Khổng Tử. Muốn nghiền ngẫm lại Luận ngữ là vì vậy.

Thứ Sáu, 30/1/2009 saigon time olline

Sự nghèo nàn của văn hóa sách ở VN

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:17

(TT&VH) – Trước khi đòi hỏi người đọc Việt Nam đến với sách, nên nhớ là chúng ta, những người làm văn hóa, thường chỉ đưa đến họ những cuốn sách tẻ nhạt phù phiếm xa lạ với cuộc sống của chính họ. Sự nghèo nàn của văn hóa sách Việt Nam là một căn bệnh kéo dài kinh niên trong lịch sử.

1. Văn hóa Việt Nam thường được miêu tả qua các phương diện như tín ngưỡng tôn giáo lễ tiết, thi cử, các ngành nghệ thuật, rồi phong tục tập quán, các nghề thủ công, nhà ở, đồ ăn thức uống.

Giở những cuốn lịch sử văn hóa quen thuộc từ Việt Nam văn hoá sử cương (1938) của Đào Duy Anh, qua Văn minh Việt Nam (1943) của Nguyễn Văn Huyên, Hiểu biết về Việt Nam (1954) của P.Huard và M.Durand, không đâu người ta thấy nói tới nghề làm sách.

Đọc lướt qua các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, thấy những chữ lên ngôi, thiết triều, hạ chiếu, chinh phạt, khởi loạn, rồi ban thưởng, xướng họa,… đầy rẫy và lặp đi lặp lại dày đặc bao nhiêu thì chữ sách, đọc sách, soạn sách, dịch sách hiếm hoi bấy nhiêu. Chưa một triều đại nào trong quá khứ có thời giờ nghĩ nhiều đến sách và coi sách là việc lớn của vương triều mình.

Phải công nhận trong khi ghi chép và phân loại thành tựu văn hóa trong quá khứ, Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú đi xa hơn cả. Tác giả đã dành cả một chương mang tên văn tịch chí ghi lại sách vở các đời.

Thế nhưng đó vẫn không phải là lịch sử sách, càng không phải là sự trình bày quan niệm về sách, vai trò của sách vở trong đời sống của người Việt. Mà lý do chính là vì trong xã hội bấy giờ, những ý niệm này chưa xuất hiện, tác giả có muốn cũng không làm được.

Trong khi đó chỉ cần đọc lướt qua những cuốn lịch sử những nước có nền văn hóa phát triển người ta thấy ở xứ người, sách được dành cho một vị trí như thế nào. Sự ra đời của những cuốn sách lớn được ghi nhận như những cái mốc lớn lao đánh dấu thành tựu của cộng đồng trong việc chinh phục thiên nhiên và tự nhận thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình.

2. Để sang một bên cái nhìn lịch đại, mà chỉ xét trên phương diện đồng đại tức là nhìn tình hình sách trên một bình diện thời gian nhất định, cũng có thể thấy ngay là văn hóa sách của chúng ta khá đơn sơ.

Về kiểu loại sách: Nếu trên phương diện kinh tế, hàng hóa chúng ta sản xuất ra quá nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại thì ở sách cũng có tình trạng tương tự. Sách được hiểu chủ yếu là các tập thơ tập văn. Trong khi đó, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, xuất bản phẩm có nghĩa rộng hơn nhiều, sách thường tổ chức theo một hệ thống thể loại chặt chẽ, bao gồm đủ loại từ các biên khảo, các sách biên niên sử, rồi từ điển và bách khoa thư. Việc làm một cuốn sách một bộ sách có khi được người ta dành cho cả một đời người.

Về nội dung sách: Trong cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, khi tìm hiểu thư mục di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam đã chỉ rõ trong số 6000 quyển sách tạm gọi là tiêu biểu cho tâm thức của trí thức Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, có quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương hàn lâm. Tức theo Phan Ngọc, đây chỉ là một nền xuất bản phục vụ cho việc học để làm quan! Trong số 70 quyển thuộc loại nông nghiệp có 9 quyển nói về địa bạ, 4 quyển về cách kê khai ruộng đất, 5 quyển về đê điều, 18 quyển về việc đóng thuế, còn lại là nói về các thổ sản. Trong sách về thủ công nghiệp chỉ thấy nói về tiểu sử các ông thành hoàng các nghề…

Về việc bảo quản giữ gìn sách: Sau khi được sao chép ra với số lượng ít ỏi, sách chỉ có cuộc sống ngắn ngủi. Ta hay đổ cho nước ngoài – rõ nhất là thời kỳ quan quân nhà Minh sang đô hộ – tịch thu và tiêu hủy nhiều sách của ta. Song theo Phan Huy Chú, trước đó sách từng là nạn nhân của những cuộc khởi nghĩa, khi Thăng Long bị cướp phá, sách vở đã bị đốt rất nhiều.

Một phương diện nữa đánh dấu sự phát triển của văn hóa sách một quốc gia là khả năng trao đổi của sách với các tài liệu in ấn từ nước ngoài, tức là vấn đề xuất nhập khẩu sách (từ đây mở đường cho những cuốn sách lớn trở thành tài sản chung của nhân loại).

Trong một tài liệu viết về thư tịch chữ Hán ở Nhật Bản (in trên tạp chí Nghiên cứu văn học ra ở Hà Nội số 4-2008), tôi thấy người ta cho biết triều đình Nhật có cả một Thư viện gọi là Văn khố hoàng gia, sau gọi là Sảnh thư, chuyên cất giữ sách Trung Quốc. Một văn khố khác mang tên Văn khố Hồng diệp sơn hoặc Văn khố nội các, hoặc Quốc lập công văn thư quán, đến nay còn lưu giữ 185.000 quyển. Đại khái có thể ước tính 50% điển tịch đời Tùy, 51,25 % điển tịch đời Đường đã được nhập vào xứ sở Phù Tang.

Tài liệu trên còn đưa ra một con số: tới đầu thế kỷ XIX từ 70 đến 80% sách in ở Trung Quốc đã được chuyển sang Nhật. Mà ở Trung Quốc sách in ra lúc đó đã tới 100.000 loại (loại chứ không phải cuốn ).

Còn ở Việt Nam thì sao? Trên tôi đã nói là sử ta không mấy khi nhắc tới việc buôn bán trao đổi sách. Chỉ đọc cuốn lịch sử Đông Nam Á của một tác giả người Mỹ tôi mới thấy ghi thời thế kỷ XVII, chúa Trịnh từng có lệnh cấm truyền tay sách Trung Quốc (sách này do những người Tàu nhập cư mang vào). Các chúa Nguyễn có chú ý hơn tới sách vở, nhưng chắc là chỉ khá hơn các triều trước chứ hãy còn đơn sơ, chắp nhặt lắm.

Có lần tôi được nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ngày xưa các vị quan đi sứ, khi về hàng hóa bị kiểm tra rất ngặt nghèo, chỉ có hai thứ được khuyến khích là thuốc quý và sách. Nhập hàng theo lối tiểu ngạch như vậy, mà lại nhỏ giọt, nên khi mang về sách trở thành quá ư là quý hóa, thường người mang về chỉ giữ cho riêng mình. Tệ nhất là trường hợp vị sứ giả kia – không hề có ý thức rằng mình là sứ giả văn hóa – thuổng luôn của người ta, lấy của người làm của mình hoặc coi đó làm mẫu, mô phỏng theo. Trong trường hợp khá hơn, thì người có sách lại thỉnh thoảng kín kín hở hở mang ra khoe để trộ thiên hạ. Sách ngoại như vậy là chết luôn sau khi nhập khẩu, còn đâu vai trò kích thích việc làm sách trong nước.

Chủ Nhật, 25/1/2009 thethaovanhoa

Quan liêu với quá khứ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 03:14

TT – Suốt mấy chục năm chiến tranh, nhiều di sản cũ cũng trở thành nạn nhân như con người. Kế đến là những năm hậu chiến gian khổ, người đang sống lo ăn còn không đủ, lấy đâu tâm huyết và tiền của lo cho người xưa. Bởi vậy nhiều di sản như các thành quách, chùa chiền của chúng ta trong tình trạng đổ nát và cần tôn tạo lại. Nghe tin nơi này nơi kia dựng lại chùa, tô lại tượng ai mà chẳng mừng.

Nhưng không phải hôm nay mà có đến cả chục năm nay, đi đâu tôi cũng gặp tình trạng tôn tạo tùy tiện nhìn vào chỉ còn biết dở khóc dở cười. Tinh thần của công trình cũ không được tôn trọng. Gọi là hiện đại hóa nó, nhưng sự thật là ta làm cho nó trở nên tầm thường lố lăng. Cái phần hồn vía vốn có bay đâu mất cả. Rồi nó vẫn còn đấy mà thân tàn ma dại như đã chết. Không phải ngẫu nhiên có người đã dùng đến chữ bức tử, một sự hiếp đáp quá khứ ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Tại sao lại có tình trạng nói trên? Tôi sẽ chưa nói có khi đó là sự vụ lợi, sở dĩ sự càn rỡ đó vẫn đang tồn tại dài dài, ở đây có những vấn đề chung của văn hóa cộng đồng. Phũ ra mà nói thì là không hiểu biết và kém cỏi. Cụ thể hơn phải nói tới cách hiểu của chúng ta về di sản, ý niệm của chúng ta về thời gian cùng là trình độ tư duy của chúng ta nữa.

Có lần trên đường ghé thăm một ngôi đền, tôi hỏi mấy cụ già sống gần đấy là đền thờ ai, làm từ bao giờ, chẳng cụ nào biết. Thậm chí có cụ chẳng buồn ngẩng mặt lên để trả lời tôi nữa vì cho câu hỏi của tôi là ngớ ngẩn. Thế nhưng khi tôi mới đi được vài bước, chính ông cụ ấy giật giọng gọi lại bằng được: “Này, nhưng mà đền thiêng lắm đấy, trong làng khối người đến cầu rồi làm ăn phát tài phát lộc đủ cả”.

Cách nghĩ như trên không dừng lại ở một hai người, một hai địa phương. Phải nói rằng nó đang chi phối nhiều người. Quá bận bịu với việc hằng ngày, chúng ta sẵn sàng quan liêu với quá khứ, bằng lòng với thói chàng màng trong hiểu biết về nó. Cái sự hời hợt là trên mọi phương diện.

Hời hợt trong sự tìm hiểu thì cũng dễ dãi qua quýt trong sự tái tạo quá khứ.

Người xưa kỹ lưỡng tinh tế trong mọi công việc hằng ngày. Người xưa biết làm văn hóa bằng cái cảm giác thiêng liêng trước sự trường tồn bất tử. Còn chúng ta, trong sự ồn ào của thời hiện đại, chúng ta bằng lòng làm tù nhân của thói vụ lợi và sự dung tục. Khi sự cẩu thả đắp điếm giả tạo chi phối trong việc xây một cây cầu, dựng một cao ốc thì với các di tích, thái độ làm bừa, làm lấy được là không thể tránh khỏi.

Tóm lại, một công việc văn hóa lại được làm một cách rất thiếu văn hóa. Ngày nào mà các vấn đề đối xử cẩu thả với quá khứ còn chưa được mổ xẻ đến cùng thì thảm cảnh phá hoại sẽ diễn ra

Thứ Tư, 14/01/2009 tuoi tre online

23/01/2009

Xuân và Tết trong thơ Nguyễn Bính

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:05


.Chị ơi! em cưới mùa xuân nhé
Thử ghi lại tên một số bài thơ mà Nguyễn Bính đã viết, trong đó có nói đến xuân và tết. Trong tập Lỡ bước sang ngang: Mưa xuân.Tập Tâm hồn tôi: Xuân về. Tập Một nghìn cửa số: Thơ xuân, Mùa xuân xanh.Tập Mười hai bến nước: Xuân tha hương.Tập Mây tần: Tết của mẹ tôi
Đây nữa, các bài thơ lẻ mới đăng báo mà chưa in vào tập nào: Vườn xuân, Xuân thương nhớ, Tết biên thuỳ.
Tiếp đó, nếu dừng lại kỹ hơn ở các bài thơ khác không thật trực tiếp song vẫn nói đến cùng một đề tài (như Cô lái đò, Quán trọ, Khăn hồng, Vài nét rừng) thì người ta phải công nhận với nhau rằng Nguyễn Bính, trong số các nhà thơ hiện đại, là một trong những người viết nhiều về xuân và tết hơn ai hết.
Nếu lại biết rằng Nguyễn Bính qua đời vào một ngày cuối tháng giêng 1966, tức cuối năm Ất Tỵ, trước khi chuyển sang năm Bính Ngọ, thì người ta càng có quyền để cho sự liên tưởng được đẩy đi xa hơn nữa. Giai thoại Nguyễn Bính kể: một người bạn của Nguyễn Bính là Trần Lê Văn cho rằng tác giả Lỡ bước sang ngang đã tiên liệu trước cái chết của mình ngay từ thời viết mấy câu thơ trong bài Nhạc xuân:
Năm mới tháng giêng mùng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.

Chúng ta có thể không hoàn toàn nghĩ như Trần Lê Văn song phải nhận là giữa Nguyễn Bính với cái thời khắc trời đất giao hoà này, đúng là có mối duyên nợ thầm kín nào đó.
Mùa xuân và tết đã được Nguyễn Bính miêu tả như thế nào?
Ở bài Xuân về, ta bắt gặp: gió, trời trong, nắng, lá non, hoa bưởi, hoa cam, cánh bướm.
Ở bài Vườn xuân: gió, bướm, mưa bụi, búp non.
Khi tả tết (như ở các bài Tết của mẹ tôi, Tết biên thuỳ) Nguyễn Bính lại cũng nói đến pháo, hoa, rượu, những nét son trên môi thiếu nữ.
Đại khái, đó là những chi tiết thông thường mà mỗi chúng ta hình dung ra, khi nghe nói đến xuân và tết. Về mặt thi liệu mà xét, chúng không có cái lạ, cái choáng ngợp, của những gì thật mới, thật độc đáo. Chỉ có điều là những chi tiết đơn sơ ấy được Nguyễn Bính thổi vào một sức sống, khiến nó hiện lên thành những bức tranh tự nhiên, đồng thời gợi lên trong lòng người đọc những xúc động mà hầu như ai cũng có, nhưng lại không hay biết.
Ý nghĩa mà mùa xuân và tết để lại trong lòng người.
Bài Thơ xuân nhắc đến đủ loại người, và ở mỗi loại xuân lại có một ý nghĩa riêng.Với các em nhỏ, xuân là đùa vui nhí nhảnh. Với các cô gái, xuân gợi chuyện ái ân. Với các chàng trai, ngày xuân cũng là những ngày bắt đầu của một mơ ước cao rộng: thi cử, đỗ đạt. Ngược lại, với các cụ già, xuân là thời gian để chiêm nghiệm việc đời.
Có thể dự đoán một bài như bài thơ Thơ xuân được viết để “góp tên góp tuổi góp chất lượng” cho một số báo tết của một cố nhân nào đó trong làng báo, nên nặng tính cách giao đãi (tất nhiên, giao đãi của Nguyễn Bính, thì cũng đã rất tài). Còn như muốn tìm cái phần thật là chân chất của Nguyễn Bính, cái phần xuân và tết riêng của ông, thì không gì bằng đọc lại những bài như Mưa xuân. Mượn lời tâm sự của một cô gái đi xem chèo không gặp người yêu, bài thơ cô kết lại ở những cảm giác âm thầm và rạo rực mà mùa xuân mang lại trong lòng mỗi người. Đây là thời gian của gieo cấy ấp ủ, của tin yêu và chờ đợi. Sau cái mưa bụi kia, trong không khí lành lạnh của những thoáng mùa đông đang còn sót lại, thực ra là bao hy vọng mơ hồ được đánh thức, nó làm cho mỗi con người, nhất là những người tuổi trẻ “ngồi không yên ổn, đứng không vững vàng”, và mặc dù đôi khi dó chỉ là những hy vọng hão, những ước mong không được đáp ứng, song nó vẫn bền chặt trong lòng người, cả đến khi đau đớn, con người ở đây vẫn không nản lòng, vẫn gắng công chờ đợi, vì ngày xuân còn dài, và theo nhịp tháng năm, sau xuân này còn có những xuân khác.

Trở lên là những bài thơ xuân Nguyễn Bính đã viết khi mới từ nông thôn lên thành thị, mới bắt đầu cuộc đời của một thi sĩ với bao náo nức.
Chỉ vài năm sau thôi, khi gió bụi kinh thành mang lại cho Nguyễn Bính nhiều chua xót, và những ngày giang hồ đôi khi đồng nghĩa với cuộc lưu đày bất dắc dĩ, thì một mô típ khác bắt đầu xuất hiện: xuân và tết gắn liền nỗi nhớ quên, nhớ những kỷ niệm êm đẹp ngày trước. Giờ đây, nhìn ngày vui của mọi người, chàng thi sĩ chợt nhận ra mình quá đơn độc. Sống giữa cái tết của người ta, chàng mong những cái tết của mình. Và trước khi làm thơ xuân cho người, chàng làm cho mình những vần thơ xuân thật đau đớn, thật tê tái. Đấy là âm hưởng toát ra qua những bài thơ như Xuân tha hương, Quán trọ, Bài hành phương Nam viết sau 1940.
Nếu trước đây, thơ xuân Nguyễn Bính thường nói đến những buổi sáng, thì nay trong thơ xuân của con người ấy có những buổi chiều, những đêm tối.
Thơ suông rượu nhạt, quán cơm nghèo
Xuân xế mùa xuân, chiều xế chiều
– Đây lời tâm sự cùng ai tỏ
Một lạnh đêm xuân chiếu lạnh giường.
Theo hướng phát triển này, giọng thơ Nguyễn Bính có dịp tự đổi khác khá bất ngờ. Trước đấy, thơ như một thứ quà tặng mà thiên nhiên ban phát cho người nghệ sĩ tài ba, và chàng chỉ việc giơ tay ra là hái ngay được để trao tặng cho đời. Nay ta bắt gặp một sự dụng công hơn và những gì tâm huyết hơn – thơ là sản phẩm của chính con người Nguyễn Bính, kết quả của sự từng trải riêng Nguyễn Bính mới có, thơ như những giọt nước mắt đã cố kìm giữ mà cứ trào ra trên gương mặt phong trần của chàng thi sĩ. Có thể nói, những vần thơ đanh quánh rắn rỏi có hơi hướng thơ biên tái (một dòng trong thơ Đường) này như là trình ra một Nguyễn Bính mới, và cái điều mà Nguyễn Bính vẫn tự hào, là được theo đòi bút nghiên, học chữ Hán từ lúc nhỏ, điều đó đã được chứng thực một cách thuyết phục.

Nhưng có lẽ những bài thơ xuân tha hương buồn bã chỉ có tiếng vang trong lòng một lớp công chúng chật hẹp.
Với đa số bạn đọc, Nguyễn Bính vẫn là tác giả của những câu thơ đắm say tha thiết với mưa xuân, những câu thơ chúng chiều chuộng người ta mơn trớn người ta, và phải nói là khá phù hợp với những ảo tưởng tốt đẹp mà mùa xuân thường gợi ra trong lòng bất cứ ai, kiểu như:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Trời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Hoặc:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
Người ta biết rằng Nguyễn Bính, con người rất nhạy cảm với phụ nữ, dễ yêu và cũng rất dễ là khổ phụ nữ này, trong đời riêng, khá bất hạnh. Cái hạnh phúc thông thường – một tình yêu trung hậu, kết thúc bằng một cuộc hôn nhân bền chặt – nhiều người bình thường có thể có, song chính Nguyễn Bính lại không có. Có lẽ vì thế người thi sĩ của chúng ta không khỏi có lúc muốn tìm tới trong thơ cái điều không đạt tới trong cuộc đời: trong cơn say sưa đã mấy lần ông gọi mùa xuân là một người con gái, và sẵn sàng đi đến cùng, trong mối quan hệ với người con gái ấy. Nhân trò chuyện với người chị ở xa là chị Trúc, ông cả quyết:
Chị ơi em cưới mùa xuân nhé!
Để rồi một dịp khác ông sẽ diễn tả những luống cuống trong tình yêu và niềm khao khát tận hưởng tình yêu với người con gái – mùa xuân trong những câu thơ thuộc loại hay nhất của mình.
Xuân đến tình tôi náo nức quá
Như người giai tế tối tân hôn
Vì say sưa quá, cho nên đã
Đành đổ trời xuân xuống suối hồn.

Cái tết của những nhà đại văn hào

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:04


(Hình ảnh một lớp người cầm bút tiền chiến qua truyện ngắn
Cái tết của những nhà đại văn hào của Nguyễn Công Hoan)

Đầu năm Canh Thìn (tức đầu 1940), Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn Cái tết của những nhà đại văn hào này cho một số báo Tết. Cũng như những Một tin buồn, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Thế là mợ nó đi Tây – cái tên đặt cho thiên truyện có ý nghĩa mỉa mai. Thực chất, nó kể lại một cái tết nhếch nhác thảm hại của mấy người làm nghề cầm bút trước 1945
Mở đầu thiên truyện là nỗi hí hửng của thi sĩ Vũ.
Đang lo không biết sống sao cho qua mấy ngày tết, anh chợt nghĩ ra một lối thoát: đến ăn chực ở nhà cây bút tiểu thuyết Lê. Nhưng Lê cũng đang trong cảnh túng quẫn. Cả hai bèn nghĩ ra mẹo là rủ nhau nhảy dù đến nhà kịch sĩ Trần. Anh này cũng đang đói nốt, nên nhập ngay với Lê, Vũ, thành một bọn giong tàu điện về ám nhà Nguyễn. Song nhà Nguyễn cũng không khá gì hơn, vợ Nguyễn đi xoay món nợ khẩn chưa về. Đã tới bước đường cùng cả bọn không còn biết đi đâu thành ở đấy báo vạ. Cho đến sáng mùng một, “cả nước Nam, mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đang vui vẻ ăn Tết”

thì bốn anh em vẫn “ nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy”. Họ chỉ có cách “ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành và nói những chuyện văn chương” cho hết thì giờ.
Từ thiên truyện, cái ý nghĩa đập vào mắt mọi người đã quá rõ. Khi người trí thức kiếm chưa đủ sống, thì không ai có quyền đòi hỏi ở họ lòng tự trọng, chí tiến thủ, nỗi lo đời – cùng là đủ thứ phẩm hạnh cao quý khác. Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo – cái nghèo đã thành gia truyền trong các gia đình trí thức, từ thời Nguyễn Công Trứ (Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no” ) đến thế hệ Tản Đà, Nguyễn Công Hoan vẫn còn nguyên vai trò của nó. Nó là nguồn gốc của bao nhiêu chán chường oán giận thất vọng cay đắng từng đến trong lòng mỗi người. Hơn thế nữa, khôn ngoan đến cửa quan mới biết – giàu có đến ba mươi tết mới hay, cảnh tết “ngủ trừ bữa” của những Vũ, Lê, Trần… ở đây còn làm bộc lộ mấy căn bệnh độc ác đang hoành hành trong giới cầm bút bấy giờ.
Một là tâm lý A.Q, tự mình lừa mình. Trong cảnh khốn quẫn, họ tự an ủi “nghề của mình là nghề cao thượng nhất vì nó thật thà nhất… Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội này. Ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm và giỏi nói dối với nói phét”. Nghiêm khắc mà xét, phải nói đó là những ý tưởng hàm hồ: chính trong nghề văn không thiếu những kẻ dối trá, nịnh nọt, làm đủ việc độc ác để tiến thân, khiến người ngoài nghề không thể tưởng tượng nổi là có lúc họ đã viết nên bài thơ này cuốn tiểu thuyết nọ. Nhưng thôi, cứ tạm cho qua. Lúc nghe thi sĩ Vũ bảo: “cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, người ta mới thấy họ đã đi tới cùng của lối tự mê hoặc, tự tạo ra những ảo tưởng hão huyền. Giá Vũ, Lê,Trần là những nhân vật có thực và đến nay còn sống, chắc họ sẽ thấy chả có thứ lịch sử văn học thế giới nào rỗi hơi nhắc tới những cuốn sách nhảm nhí cùng là ghi lại cảnh nghèo túng quẫn bách của họ cả.
Hai là, do đã bị cuộc sống hành cho khốn đốn quá lâu, ở những Vũ, Lê, Trần, Nguyễn này dần dần nảy sinh ra tâm lý cố thây trắng trợn mà họ không tự biết. Đây chính là lời Vũ bàn trên đường “hành quân” đến nhà Nguyễn:
– Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói được. Nó không có nhà đã có anh em nó tiếp chúng ta. Và nếu không gặp ai, chúng mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hất hủi ba nhà đại văn hào à?
Còn đây là lời Nguyễn nói với các bạn.
– Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao, thì tao tống cổ bây giờ.
Cái giọng rất phũ ấy, một nhà văn – nếu thật sự là một trí thức – không có quyền nói, dù là nói đùa; ở đây, nhân vật không hoàn toàn đùa, đây là nửa đùa nửa thật! Lại nữa,
một câu tuyên ngôn của cả bọn: “Chúng ta là những đại văn hào chúng ta không cần gì hết”. Câu nói thoạt nghe vô thưởng vô phạt, nhưng ngẫm cho kỹ, thấy không được. Tư tưởng của các nhân vật lúc này đã đi gần tới sự hư vô, với họ chúa đã chết không còn gì là linh thiêng phải giữ gìn nữa.
Từ thằng ăn cắp, anh lính gác đến các viên công chức quèn rồi các điền chủ phất lên thành hàn nọ, nghị kia, các quan phủ, quan huyện… nhân vật của Nguyễn Công Hoan

thường có một số nét chung: trắng trợn, bất cần, đạp lên đạo lý mà sống … tóm lại những cách nghĩ của bọn lưu manh. Lúc đầu, nhân danh cái nghèo, họ cho phép mình làm đủ thứ xấu xa, miễn sao sống sót. Về sau đã có danh có lợi rồi, thói quen suy nghĩ của bọn du thủ du thực trộm cắp lừa đảo vẫn còn nguyên trong họ.
Với Cái tết của những nhà đại văn hào, người đọc lại bắt gặp chất lưu manh ấy trong lớp người làm nghề thoạt nghe rất sang trọng là nghề cầm bút. Thật rõ – nhân vật nào nhà văn ấy. Trong khi mang dấu ấn riêng của Nguyễn Công Hoan, thiên truyện đồng thời phác ra một cách chân thực hình ảnh một lớp trí thức quặt quẹo được hình thành trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ này với những căn bệnh vô phương cứu chữa của họ.
Trích từ Chuyện cũ văn chương
NXB Văn học,H.2001

. Cái nạn mừng tuổi

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:03


(Hay là câu chuyện mồng một đi chúc tết nhau, dưới con mắt nhà văn Nguyễn Công Hoan)

Ngòi bút nhà văn Nguyễn Công Hoan vốn nhạy cảm với những gì là phi tự nhiên, éo le, kỳ cục. Trong những sáng tác viết về tết, thói quen ấy vẫn được ông khai thác triệt để. Sở dĩ một thiên truyện như Người ngựa và ngựa người để lại trong bạn đọc cái dư vị chua xót là do nó đã nêu lên một nghịch cảnh mà trong những khi bận rộn tết nhất, người ta ít để ý: ấy là giữa lúc thiên hạ náo nức vui tết với gia đình, có những kẻ vẫn phải lang thang kiếm sống. Và tình thế lại càng thê thảm hơn, khi xảy ra cảnh đò nát đụng nhau, tức là trong cơn tuyệt vọng, hai kẻ khốn khổ đó (ở đây là một phu xe ế hàng và một gái nhà thổ không bói ra khách) còn lừa lọc nhau, rút cục là người nọ làm khổ người kia, và đứng ngoài nhìn, chúng ta chỉ có cách cười ra nước mắt.
Trong một truyện ngắn mang tên Năm mới tôi mừng ông (in trong một tập sách tết, 1943) Nguyễn Công Hoan lại trình ra một cảnh trớ trêu khác. Lần này, ông lấy một chuyện chính ông đã trải để kể với bạn đọc. Ấy là một lần, đúng mồng một tết, ông tới thăm nhà một đồng nghiệp dạy học tên là Định. Người này với ông không thật thân nên không mấy khi ông đến chơi. Mà ông lại không nhớ số nhà, chỉ ang áng quãng ấy quãng ấy. Vào cửa, ông được con sen trong nhà tưởng là khách quen nên mời ngay lên gác để gặp chủ và trong khi đang lên cầu thang, ông được chủ mời làm một chân tổ tôm. Nghe tiếng, đã hơi ngờ ngợ, đến lúc chủ nhà ngẩng mặt lên, mới biết đã vào nhầm nhà, đành xin lỗi quay ra. Lúc ông xuống thang còn nghe chủ nhà mắng đầy tớ:
– Con ranh con, cửa cứ mở toang, ông Hoan đấy chứ, giá là kẻ gian thì có chết không?
Đến nước này, tự nhiên tác giả cảm thấy bẽ bàng vô hạn: “Như bị một phát đạn nữa, tôi vội vàng trút trả miếng trầu và điếu thuốc lá, cút thẳng một mạch”.
Kể ra đây cũng là một tình thế trớ trêu, mà người ta ai cũng có thể gặp, nhất là những khi sơ ý.
Có điều, đằng sau câu chuyện mua vui, cái dụng ý của Nguyễn Công Hoan trong thiên truyện này ở ở chỗ khác. Mặc dù là một người ghét lý luận, lại càng ghét sự dông dài trong khi thuật truyện, song trước khi kể lại cái “kỷ niệm để đời” nói trên, Nguyễn Công Hoan vẫn để ra một đoạn dài gọi là trữ tình ngoài đề mà chúng tôi muốn chép lại đầy đủ như sau:
Tối ba mươi tết năm ấy, tôi cố xong tất cả các công việc để đến hôm sau, chịu cái tai nạn nó làm mất cả ngày: nạn tiếp bạn đến mừng tuổi và nạn mừng tuổi bạn”.

Sự đi mừng tuổi nhau hôm mùng một đầu năm thật là một cái nạn. Còn gì khổ cho bằng phải tiếp những người hoặc đi đến nhà những người quanh năm chẳng gặp nhau lần nào, trừ tết nguyên đán. Chuyện đã chẳng có gì để nói, mà cứ phải cười gượng, nịnh nhau sằng, rồi mắt trước mắt sau chỉ muốn chuồn cho mau đến nhà khác để cũng làm cái công việc nhạt nhẽo ấy. Còn gì dơ dáng cho bằng mình vừa ở nhà một ông bạn chẳng thân gì, đã không có chuyện để nói, mà độ nửa giờ sau, ông bạn ấy đã lại nghễu nghện đến nhà mình cũng chẳng để nói một chuyện gì hơn là để mình khỏi trách là xử quỵt.
Cho nên, ngày mồng một tết, ở nhà nhưng nói dối là đi vắng, tức là đã làm một việc nghĩa rất to tát. Nhiều ông chỉ cần dò xem mình không có nhà lúc nào là đến tót ngay, để quảng lại trên bàn tấm danh thiếp rồi đi cho mau, để lại quẳng vào nhà khác tấm danh thiếp. Đến nhà người ta mừng tuổi mà được chủ đi vắng, nhiều người cho là một sự may.
Vậy mà lối giao thiệp giả dối này lại rất cần cho những chỗ bè bạn sơ sơ. Vì quanh năm chẳng đến nhà nhau, hôm mồng một tết cũng chẳng đoái hoài đến nhau nốt, ấy là tỉnh bằng hữu đi đứt”.

Không chỉ các nhà nghiên cứu mà trước tiên, bản thân Nguyễn Công Hoan đã chú ý tới một nét tiểu sử nó quy định tính cách con người ông. Ấy là ông xuất thân từ một gia đình phong kiến có nền nếp, thứ phong kiến thanh đạm, biết giữ đạo trung dung, và thường có một chút bảo thủ trong cách nhìn nhận sự đời. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã khái quát : “Nếu có quan hệ đối lập giữa nam và nữ thì ông đứng về phía nam. Giữa bố mẹ và con cái thì ông đứng về phía bố mẹ. Giữa vợ cả và vợ lẽ thì đứng về phía vợ cả”.
Thế thì giải thích làm sao cái trường hợp phá cách nói trên, nghĩa là thái độ ngán ngầm ra mặt của ông với một nghi lễ thiêng liêng và phổ biến trong ngày tết? Ở đây, chúng ta phải đối chiếu giữa nghi thức và cái cách người ta thường tiến hành nó để cùng nhận chân ra một sự thực:
Nghi thức ra đời và tồn tại là để bảo đảm tính chất trang nghiêm của một buổi lễ.
Trong những quy định đôi khi rườm rà, cổ nhân cốt lưu ý con cháu rằng đây không phải là một chuyện thông thường mà là một dịp đặc biệt. Các nhà nghiên cứu về Nho giáo thường nói lễ là để bày tỏ cái thành ý, kính ý. Trong cuốn sách viết về Khổng Tử, từ con mắt nhìn của con người hiện đại, Nguyễn Hiến Lê cũng nhấn mạnh “các nghi thức mà ngày nay chúng ta cho là phiền phức chính là có mục đích phát dương những tình cảm đôn hậu của ta”.
Tuy nhiên, là một sản phẩm của lịch sử, nghi thức cũng không tránh khỏi một tình trạng mà ngày nay, ta gọi là sự tha hoá, tức là hình thức không đi kèm với nội dung, và ở một số người trong một số trường hợp, sự cảm động thiêng liêng càng ít thì nghi thức càng trở nên cầu kỳ rắc rối. Nghi thức trong những ngày tết cũng không tránh khỏi sự biến dạng đó. Sự thực này không lọt khỏi con mắt quan sát tinh quái của Nguyễn Công Hoan. Trong ông không chỉ có con người trọng lễ giáo mà còn có con người thực sự cầu thị, chán ghét mọi chuyện phi tự nhiên, giả dối, cho nên ông đã lên tiếng. Mà khi đã nói, thì ông nói hơi trắng trợn , đến mức như là bất chấp tất cả.
Về phần mình, giờ đây đọc lại thiên truyện, chúng tôi cho rằng một mặt nghi thức rất cần, bao giờ cũng cần, mặt khác, những gì quá ư cầu kỳ mà lại vô bổ nên được xem xét lại. Và nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên tiến hành nghi thức một cách giả tạo.
Với lối nói có phần cực đoan của mình trong thiên truyện nói trên, Nguyễn Công Hoan còn kể là ông chia bạn bè ra làm bốn loại:
Hạng nhất là các bạn quen xoàng hoặc hay giận
Hạng nhì là các bạn quen xoàng nhưng đại lượng.
Hạng ba là các bạn thân vừa
Hạng bét là các bạn thân”.
Và mỗi năm ngày mùng một tết ông cư xử như sau:
Tôi chỉ cần đi chúc tết các bạn hạng nhất, còn từ hạng nhì trở đi, không tết năm nào tôi xử lại sòng phẳng”.
Chúng tôi chép đoạn văn này ra đây, không phải để… khuyên bạn đọc làm theo, mà là để bạn đọc tham khảo và tìm ra cách đi chúc tết tốt nhất và phù hợp nhất với bản thân.

Những dòng nước ngược

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:00

Những dòng nước ngược

Chuyện buồn giữa đêm vui là tên một thiên truyện của Nam Cao trong đó có nhân vật chính sau khi mời họ hàng đến ăn bữa cơm cuối, kể lại cho vợ nghe về một người cô hôm ấy không có mặt.
Để nội dung cụ thể sang một bên, hãy nới tới cái ý nghĩa khái quát nằm sau đầu đề thiên truyện: cuộc đời chung quanh chúng ta chẳng bao giờ trọn vẹn. Bởi vậy, hình như trong những ngày vui, những người không quá vô tâm, những người có lương tri thường không khỏi nhớ tới những gì chưa được hoàn thiện, những bất công khổ sở còn đầy rẫy quanh mình. Cái buồn ở đây không phải bi quan, càng không phải để làm dáng. Ngược lại, nó là tình cảm tự nhiên ở những con người lành mạnh, có yêu cầu cao về đời sống, và nhạy cảm với những gì đang diễn ra chung quanh.
Nếu không phải tất cả, thì một số nhà văn Việt Nam, nhất là nhưng cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ này – Nguyễn Công Hoan và Khái Hưng, Thạch Lam và Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Thanh Tịnh… đã nghĩ như vậy. Khá nhiều thiên truyện mà họ đã viết nhân những ngày tết và nội dung có liên quan đến tết, lại là những truyện gợi cảm giác buồn bã.

Người ngựa và ngựa người của Nguyễn Công Hoan có hai nhân vật chính thì một là anh phu xe đói khách, hai là cô gái làng chơi ế hàng, không có tiền cũng cứ gọi xe để
dử mồi. Cuối cùng cả hai đều thất vọng. Cô ả trốn biệt. Anh phu xe bị quỵt tiền. Giữa lúc ấy “tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch”.

Tối ba mươi của Thạch Lam được xây dựng từ một cảm hứng hoàn toàn khác, song cũng buồn không kém. Cả hai nhân vật chính “sống đời truỵ lạc” (chữ của tác giả) song thực ra họ đều là người tử tế, do sa cơ nhỡ bước mà rơi vào vũng bùn. Đêm tất niên,
không có khách lai vãng, hai người càng cảm thấy lạnh lẽo. Họ mua các thứ về thắp hương, cúng tổ tiên, cha mẹ và tủi về thân phận của mình, ôm nhau khóc.
Ngày tết là ngày của hy vọng. Các nhân vật chính trong thiên truyện mang tên Đón khách của Nam Cao cũng không nghĩ khác. Ông bà đồ Cảnh ở đây chỉ mong kiếm cho đứa con gái của mình một tấm chồng sáng giá. Họ nhịn nhục đi vay tiền làm bữa cỗ thật to chờ anh chàng rể tương lai. Nhưng chính lúc đó, họ nhận ra sự thật: anh chàng Sinh, mà họ định bẫy, chỉ buồn tình đùa bỡn gia đình họ cho vui. Anh đã có đám khác. Điều oái oăm là ở chỗ tin thất thiệt đổ ụp xuống gia đình ông đồ Cảnh giữa ngày mồng hai tết.

Có thể kể thêm ra đây nhiều thiên truyện tương tự, ở đó, cái nền xảy ra câu chuyện là những ngày xuân chỉ khiến cho những nỗi đau khổ của các nhân vật thêm nổi bật. Thanh Tịnh từng miêu tả cái vui gượng gạo trong đêm giao thừa của những hành khách trên một chuyến xe lửa cuối năm. Khái Hưng trong một thiên truyện pha hồi ký, kể lại cảnh mình bị khám nhà giữa đêm ba mươi tết (ấy là hồi ông còn làm đại lý xăng dầu ở Ninh Giang). Trong Quê người của Tô Hoài, có một nhân vật tên là Thoại. Do quá nghèo túng, giữa đêm tất niên, Thoại xoay ra đi lùng chó, những con chó sợ pháo chạy lung tung giữa đồng. Nhưng cái mưu đồ ấy cũng không thành. Thoại bị một trận đòn nhừ tủ, đến nỗi xấu hổ quá, dắt vợ con bỏ làng ra đi. Tóm lại, “khôn ngoan đến cửa quan mới biết – Giàu có đến ba mươi tết mới hay” – hình như trong những ngày tết, ai đã vui lại vui hơn, ai đã buồn lại càng buồn hơn. Ngày xuân ngày tết chỉ làm rõ hơn cái tình thế mà mỗi người sẵn có. Và chỉ cần để ý kỹ chung quanh một chút thôi, người ta sẽ nhận ra ngày những cái tết eo hẹp, đạm bạc của những nguời quanh mình để không bao giờ đẩy sự vui vẻ tới mức quá trớn – hình như các nhà văn muốn nói thêm với bạn đọc điều ấy.

Thế cái quy luật này có tồn tại trong thơ, như đã tồn tại trong văn xuôi tiền chiến? Câu trả lời: cũng gần như thế! Cố nhiên, thơ vui ngày tết thì nhiều rồi, nhưng thơ buồn cũng không phải không có. Lấy một ví dụ: Có lần, các nhà sưu tầm thơ Nguyễn Bính đã chọn những bài thơ ông viết về mùa xuân và cảnh tha hương làm thành một tập riêng gọi là Xuân tha hương, trong đó, riêng những bài đầu đề có chữ tết, chữ xuân đã đến hơn chục bài: Xuân về, Vườn xuân, Thơ xuân, Xuân thương nhớ, Hội xuân, Mùa xuân, Rượu xuân, Nhạc xuân, Tết của mẹ tôi, Tết biên thuỳ… Những người quen biết Nguyễn Bính trước 1945 thường kể ông là người duy nhất hồi ấy có thể sống được bằng nhuận bút thơ. Vậy nên có thể dự đoán khá nhiều bài thơ nói về xuân về tết này được làm theo com-măng của các báo. Song, mặc dù được làm theo đơn đặt hàng, đây vẫn là những bài thơ

khá hay. Nếu thời gian mới làm nghề, thơ Nguyễn Bính về xuân và tết thường là những bài thơ vui, thơ về sau, âm hưởng chính lại là buồn bã.
– Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh
– Dang dở một thân nơi đất khách
Tết này ta lại ngắm hoa suông

– Huyền Trân Huyền Trân Huyền Trân ơi!
Mùa xuân mùa xuân mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.

Những câu thơ vui, nhí nhảnh của Nguyễn Bính viết về xuân kiểu như Mùa xuân là cả một mùa xanh – Trời ở trên cao lá ở cành… được nhiều bạn đọc trẻ tuổi ghi nhớ. Nhưng cũng có phần chắc chắn không kém là những câu thơ xuân kể lại cảnh cô quạnh, đơn độc của tác giả cũng đã là bàu bạn của lớp người từng trải, hơn thế, là lời an ủi cho những người cùng cảnh ngộ.
Bài viết này mượn nhan đề một tập thơ của Tú Mỡ. Điều may mắn cho chúng tôi là đọc lại tập thơ trào phúng đó cũng có mấy bài viết về tết, mà cũng là Dòng nước ngược, với nghĩa: tuy tác giả không tả những cảnh buồn đau thất vọng, song ông cũng không hùa theo đời, tô vẽ cảnh tết, mà lại nhìn thấy trong ngày vui này những cái nhố nhăng nhếch nhác. Đây là một ví dụ:
Ghét tết
(thơ yết hậu)

Thiên hạ sao ưa Tết?
Hẳn vì mặc áo đẹp
Tớ đây bảo Tết phiền
Ghét!

Tiêu pha thực tốn tiền
Chè chén cứ liên miên
Hết Tết đâm lo nợ
Điên!

Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thối!

Mừng tuổi đèo phong bao
Năm xu lại một hào
Ai sinh cái lệ đó?
Hao!

Kiết xác như vờ rồi
Còn ngông đốt pháo mãi.
Pháo kêu: Tiền hỡi tiền
Dại!

Cố nhiên, nghĩ như Tú Mỡ cũng có phần cực đoan. Sau một năm lao động vất vả, chúng ta có quyền vui tết. Điều có thể chia sẻ với Tú Mỡ trong trường hợp này là: có được một cái Tết cho hợp lý, có ý nghĩa mà cũng là có văn hoá — cái đó không phải dễ.

. Cùng đón tết với ông Nguyễn

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:57


Đã gọi là nhà văn, xa gần ai chả viết về đời sống dân tộc, song trong các nhà văn Việt Nam hiện đại, nếu cần tìm một người biết từ những mảng sống, những thực tế ai cũng sống ấy, đưa lên thành nề nếp, thành một cái gì thuần thục kỹ lưỡng, tóm lại là biết xem xét đời sống ở bình diện văn hoá, thì người ta trước hết nghĩ đến Nguyễn Tuân (1910-1987). Cách sửa soạn cho một ấm trà ban mai hay cái nghi thức thiêng liêng mở đầu cho một ngày. Những đắn đo bàn bạc trước khi làm mấy cái đèn trung thu. Ý nghĩa tìm thấy ở trò chơi thả thơ đánh thơ, quan niệm về nhân cách qua một kiểu viết chữ. Rồi đức hy sinh của một người chị cho một nguời em trai, rồi niềm tự tin hay những kiêu hãnh chính đáng của một vị quan có học… Bao nhiêu nếp sống hàng ngày đã được Nguyễn Tuân ghi nhận! Thì dĩ nhiên là những ngày Tết nguyên đán cũng đã để lại vang và bóng của nó trong tâm trí Nguyễn Tuân, dù nhiều khi chỉ là những vang bóng thoáng qua. Lấy ví dụ như ở thiên truyện Hương cuội in trong Vang bóng một thời. Đặt bên cạnh những Chém treo ngành hoặc Ném bút chì có gươm khua, có máu chảy (dù là tất cả đã được làm một cách rất tài hoa), thì Hương cuội giống như một sự dềnh dàng cố ý cốt cho thấy cách đón xuân của cổ nhân cầu kỳ mà cũng thanh đạm đến như thế nào. Này là cảnh chuẩn bị Tết ở nhà cụ Kép: trong lúc đám dâu con đàn bà ngồi lau lá dong và làm bếp, còn lũ trẻ lo đánh bóng đỉnh đồng, lư hương, thì ông cụ chỉ loanh quanh bên cái chậu hoa, và để hết tâm trí tới việc sửa soạn bữa rượu Thạch lan hương. Quả thật, cái cảnh uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha là một nét lạ của văn hoá Tết cổ truyền mà có thể đoán là không mấy người thuộc lớp hậu sinh chúng ta được biết, và những trang văn Nguyễn Tuân thật đã có vai trò của những thước phim quay chậm để ghi lại tư liệu quý.
Sau Vang bóng một thời xưa, đâu Nguyễn Tuân còn định viết Vang bóng một thời Tây. Cái ý định ấy, cũng như nhiều dự định hay ho khác, đã xếp xó. Nhưng đây đó, nhà văn thích phác hoạ lại nếp sống một thời và mang lại cho nó vẻ thanh lịch của một hành động văn hoá, nhà văn ấy cũng đã kịp ghi lại vài nếp sống của xã hội ta khi chuyển sang thời Âu hoá, trong đó có cảnh đón Tết ở các đô thị. Đọc Một người cha về ăn tết (in trong Tuỳ bút I) người ta biết rằng vào những năm ba mươi của thế kỷ này, thành phố Hà Nội vẫn chỉ là nơi làm việc của nhiều công chức, chứ không phải gia hương của họ. Cuối tháng chạp âm lịch, hai mươi, hăm lăm gì đó – tuỳ cảnh tuỳ người – nhiều cặp vợ chồng giao nhà cho đầy tớ, rồi kéo con cái về quê ăn tết. Có thể là ở quê, họ lại sẵn sàng ngồi bên nồi bánh chưng cổ truyền suốt đêm để sống lại cái nền nếp vốn có của cha ông. Còn ở thành thị, nơi họ làm việc, thì cái nếp sống Tây phương cũng đã len vào thành những phong tục mới, nhuần nhị và thành thục. Trông nhà trong mấy hôm ấy, một trong những

việc đám thằng nhỏ phải làm là để cái đĩa pha lê ra bàn giữa nhà cho bạn bè của chủ chúng (mà chúng thường gọi là cậu mợ) đến đặt danh thiếp.

Tuy nhiên cái độc đáo của Tết ở văn Nguyễn Tuân chưa phải là ở những mảng sống được ông miêu tả ghi chép như vậy. Sự quyến rũ của văn ông là ở cái hình ảnh bao trùm của con người lãng tử, nên cái ấn tượng về Tết khiến người ta nhớ hơn cả cũng là cách xử sự kỳ lạ của chàng Nguyễn và những phiên bản của chàng vào những ngày mọi người khép mình chờ đợi. Mặc dù biết rõ là Tết sắp đến nhưng Nguyễn của chúng ta vẫn mải mê với việc vui chơi và sẵn sàng lang thang ở những chốn đâu đâu mà không hề đoái hoài tới việc tận hưởng mọi thú vui thông thường, kể cả việc về nhà sum họp cùng vợ con. Trong Những đứa con hoang, người ta gặp cái cảnh Nguyễn với hai người bạn xuống xóm vào một ngày tất niên, khi các nhà cô đầu tịnh không ai đi hát, và từ các bà chủ đến các cô con gái trong nhà có nghĩ gì, thì cũng là nghĩ đến chuyện làm ăn trong năm mới. Lại như câu chuyện Một người cha về ăn Tết. Cái việc tốt đẹp nói ở đầu đề thiên tuỳ bút, thực ra phải đâu là nằm trong dự định của Nguyễn mà chỉ là kết quả của sự tình cờ. Đang ở nhà bạn, định sống thêm một cái Tết tha phương, chợt trông thấy mấy đôi giày trẻ con, thế là lòng nhớ nhà của Nguyễn thức dậy và chàng mới ra ga, về quê trong chuyến tàu rạng sáng ba mươi. Tóm lại, trước sau, Nguyễn vẫn là Nguyễn, Tết chẳng qua là một dịp để con người ấy tiếp tục mài sắc cá tính của mình, càng mang tiếng chơi ngông, trêu ngươi mọi người, càng lấy làm đắc ý. Giữa cái xã hội Âu hoá nhố nhăng, để khẳng định cá tính, Nguyễn vẫn chỉ có một con đường độc đáo để đi. Con đường này đã in dấu chân của nhiều bậc lãng tử cuối mùa, mà ông Cử Hai trong Một cảnh thu muộn là ví dụ.Cáí thần thái chính trong cuộc đời ông Cử Hai có thể tóm gọn lại bằng cái công thức “đem cái tài hoa ra để đùa với cuộc đời”. Đi dạy học thực tế với ông là một thứ “đi ngoạn cảnh hoặc là đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích”. Bởi vậy mới có cảnh “gần ngày Tết nhất, người trưởng tràng lúc thu xong sổ đồng môn, chỉ khổ lên vì đi tìm thầy”. Giữa ngày vui của mọi người, cái con người nghệ sĩ “không chịu sống cho người khác và hùa theo với người chung quanh ấy” sẵn sàng ẩn trong một mái đình vắng nào đó, để gọt cho hết một lắp thuỷ tiên. Người ta có thể không sống theo và trước tiên là không thích thú với cách sống cao ngạo trái khoáy này, song phải công nhận người giữ được cái đạo đó phải là người có cuộc sóng nội tâm phong phú, nội lực vững vàng, trong khi biết tìm cho mình những thứ thức ăn tinh thần không giống một ai, họ thật đã có cuộc sống vượt lên cái phàm tục — một điều mà kẻ sĩ thanh cao xưa nay hằng ao ước.

Đơn độc ngay trên quê hương mình, trốn tránh mọi người, chỉ lấy sự lang thang chỗ này chỗ nọ làm vui, những tưởng ở Nguyễn Tuân đã chết hẳn con người bình thường. Nhưng không, đến khi có dịp xa quê thực sự, thì Nguyễn Tuân lại có một cái Tết thật buồn, đến mức người ta phải tự hỏi không biết đâu mới là bản chất thực của cái con người phiền toái đó. Trong Một chuyến đi ông đã kể lại kỹ lưỡng nhiều chuyện liên quan đến cái lần nhà tài tử nghiệp dư là ông, cùng với một số bè bạn, sang Hồng Kông đóng phim. Cảnh ông ăn Tết ở xứ người chính là xảy ra vào đầu năm Dần đó (1938). Hiện lên trước mắt chúng ta là một bức tranh hai màu đối lập. Một bên là cảnh dân địa phương náo nức vui thú. Những tràng pháo dài hàng vạn quả đua nhau nổ dữ dội. Những gốc đào tươi

tua tủa hoa nhạt và nụ thắm. Rồi đêm Hương Cảng đỏ rực hẳn lên với phiên chợ Tết “như cảnh bài trí trong một truyện thần tiên hoặc trong Liêu Trai…”. Một bên là cái tâm trạng buồn thiu của người lữ khách cô độc, mắt mờ hồn mê, tiền không có, bạn không có, đi giữa đường vui phải giơ tay nắm chắc lấy lòng can đảm của chính mình để khỏi chán chường thêm. Vốn là điều làm nên sự kiêu hãnh của người lãng tử, sự khác người với Nguyễn Tuân trong những ngày Tết năm ấy chỉ còn là một cái gì nặng nề, không sao chịu nổi. Trong lúc tỉnh táo, tác giả cảm thấy rất rõ là mình đang đánh mất mình: “Tôi chiều nay hằn học với số phận, dám cáu kỉnh với cả cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi. Chiều nay, tôi cũng muốn vứt đi một cái gì”.
Chưa bao giờ như trong Một chuyến đi, con người Nguyễn Tuân lại hiện ra yếu đuối đến thế, bất lực đến thế! Song cũng là một sự thực kỳ lạ: ấy cũng là lúc Nguyễn đáng yêu hơn bao giờ hết. Sau cái lần vỏ ngạo ngược, ngông nghênh hoá ra chàng Nguyễn vẫn rất mềm yếu, rất tình cảm, nghĩa là rất gần với mọi người. Có lẽ vì thế, chúng ta hiểu vì sao sau này trong tiếng súng chiến tranh khi cùng một đoàn kịch đi suốt từ Hà Nôị tới Nam Trung bộ, khi lội suối trèo đèo theo bộ đội đánh đồn, nhiều cái Tết trong văn Nguyễn Tuân lại hiện ra với những nét vui vầy đầm ấm, và những ngày hoà bình sau 1954, hầu như Tết nào ông cũng có những bài tuỳ bút vui Tết với mọi người. Vẫn với cách nói hóm hỉnh vốn có, ông bảo rằng đó là những lần mình ngả từ vườn đào nhà ra mấy cành để góp mặt với những ngày vui ở chợ hoa Hàng Lược. Một trong những bài tuỳ bút của Nguyễn Tuân hồi ấy độ một cái tên khá lạ lùng Tôi bán năm cành hoa tết.

22/01/2009

Gạch nối giữa truyện cười dân gian và đời sống hiện đại

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:31

TTC – Dường như đang có sự phân công, các báo ở ta thì in những truyện cười mới sáng tác và mới dịch, trong khi Truyện cười dân gian thì được in ra dưới các hình thức sách phổ thông. Thế nhưng có một câu hỏi đặt ra là tại sao cả hai cùng tồn tại, liệu giữa hai loại truyện này có mối liên hệ nào không? Tôi đem thắc mắc hỏi một anh bạn:

– Ông có nhớ truyện cười dân gian: Bé ơi bé ra mà ăn kẹo?

Bạn tôi nói lại:

– Ai mà chẳng biết! Truyện kể một anh bí quá đành liều dám nhận làm “ông đỡ” cho một người đàn bà khó đẻ. Rồi khi đối mặt với sản phụ, không biết làm gì hơn, anh ta liền giở trò trẻ con, buộc cái kẹo vào đầu dây nhử nhử, miệng lắp bắp: “Bé ơi bé ra mà ăn kẹo…”, không ngờ sản phụ bật cười mà đẻ luôn. Coi như anh ta hoàn thành sứ mệnh và được trả công đàng hoàng.

– Đúng truyện ấy đấy!

Bạn tôi nói tiếp:

– Theo tôi, nhân vật trong truyện chính là một mẫu người phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày xưa và cả ngày nay. Nhiều người chúng ta chẳng có nghề gì thành thạo cả và thường làm không đủ ăn. Ta đành tin ở sự may rủi, sẵn sàng ngả sang làm liều, làm cả những chuyện nhảm nhí vớ vẩn nhất. Sự thành công do vậy đôi khi hiện ra hơi buồn cười, nhưng thôi, dẫu sao còn hơn là thất bại. Cuộc sinh nhai coi như tàm tạm, ta tiếp tục tìm những cơ may khác.

Kể ra lý lẽ của anh bạn còn hơi gượng gạo. Nhưng tôi tin ở cái lý lớn hơn là có một mối liên hệ ngấm ngầm giữa những truyện cười dân gian với đời sống hiện đại. TTC là cái gạch nối giữa truyện cười dân gian và đời sống hiện đại. TTC đã soi vào các truyện cười dân gian mà khái quát những thói hư tật xấu người Việt, đôi lúc viết lại theo kiểu hiện đại để rồi giúp nhau sửa chữa.

Thứ Tư, 14/01/2009 Tuổi Trẻ Cười

16/01/2009

Ba mươi tết xưa và nay

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:56

Không chỉ những nghi lễ thiềng liêng chào đón năm mới mà mấy ngày kết thúc năm cũ với nhiều người Việt Nam cũng là một thời điểm rất thú vị . Sự chờ đợi quả có cái vị say người khiến cho ai cũng cảm thấy náo nức . Già trẻ tuỳ theo khả năng mỗi người một tay lo liệu cho tết . Bận rộn mà vui . Cho đến buổi chiều ba mươi thì mọi sự chuẩn bị coi như đã xong .

Nhiều gia đình có thêm bóng dáng những người đi xa lúc này vừa mới trở về . Bữa cơm tất niên chưa có cái vẻ thành kính như các bữa cỗ ngày tết nhưng lại đầm ấm tự nhiên . Không phải ngẫu nhiên mà , ở chỗ riêng tư , nhiều người thú nhận rằng đây chính là bữa ăn ngon nhất trong suốt dịp tết , cũng như không khí chuẩn bị vất vả tất bật xem ra lại thú vị hơn những ngày được trịnh trọng gọi là năm mới .
Những buổi chiều ba mươi tết đã được nói tới như thế nào trong các sáng tác văn chương từ xưa tới nay ? Tôi chưa có đủ tài liệu để trả lời câu hỏi này ,chỉ xin nói một cách sơ lược : Suốt thời trung đại bút pháp ước lệ chi phối văn chương Việt Nam , bởi vậy khó lòng tìm thấy ở đó những nét sinh hoạt của người xưa . Chỉ bước sang thế kỷ XX , một đôi khi , cái giờ phút đặc biệt của buổi chiều ba mươi mới có dịp được các nhà văn nhắc nhở tới qua những trang viết mà sau đây là một vài ví dụ .
Tiếng gạo vo sàn sạt _Vịt gà kêu quang quác , nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mở đầu bài thơ Chiều ba mươi(1963) của mình bằng mấy câu rất gợi không khí như vậy . Sau khi tả tiếp vài hình ảnh Quang níu cong đòn gánh Mẹ về chợ kia rồi hoặc Cắm đào lên lọ sứ Ông ngắm ra ngắm vào Trên bàn thờ tiên tổ Khói hương bay ngạt ngào ,tác giả kết luận ồ năm chưa đi hết Mà nghe xuân đến rồi !
Ngược lại với vẻ đơn sơ mộc mạc của bài thơ nói trên , thiên tuỳ bút của nhà văn Nguyễn Tuân in trong tập Một ngày một đêm cuối nămMột chuyến đi (1939 ) lại nói về chiều ba mươi từ một góc độ khác hẳn . Nhân chuyện mấy nhà tài tử sang Hồng Công đóng phim ,tác giả vẽ nên tâm trạng buồn bã của một số người phải xa nhà trong dịp năm cùng tháng tận ,qua đó càng thấy những buổi chiều ba mươi để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi người Việt Nam như thế nào .
Thế nhưng cùng với sự thay đổi của thời gian ,những buổi chiều ba mươi và tiếp đó là đêm giao thừa không phải cứ được đón nhận mãi như cũ . Trong tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (in lần đầu 1983) của Nguyễn Minh Châu có một thiên truyện mang tên Giao thừa .Nhân vật chính ở đây là một ông già sống theo nếp cũ , thường sau bữa cơm tất niên còn bắt con cái quây quần ,không cho đứa nào đi đâu hết .Đến một năm nọ , lũ con đã trưởng thành không chịu được nữa ,chúng chỉ hào hứng với không khí chiều ba mươi trong gia đình được một lúc , cơm xong là lấy xe đi chơi với bạn bè .Ban đầu ông già cũng làm mặt nghiêm (và lấy cả xe điếu ra doạ ) nhưng về sau ông phải lặng lẽ cho qua . Với thiên truyện này , Nguyễn Minh Châu tỏ ra khá nhạỵ bén trong việc nắm bắt tâm lý con người đương đại .Trong khi tôn trọng truyền thống đồng thời mỗi thế hệ có cách riêng của mình trong việc chia tay với năm cũ và đón năm mới , đấy là cái điều ngày càng được con người hôm nay tán thành .

Chuyện cũ văn chương

13/01/2009

Tình yêu một thuở

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 08:29

Giả sử vào những ngày này nghe đồn là có một người con trai nào đó yêu một người con gái nào đó, song lại cứ nằng nặc đòi cô kia phải đan cho mình một chiếc áo len, như một thứ của làm tin, xem áo như dấu hiệu của một tình yêu, của sự chung thuỷ – hẳn nhiên nhiều bạn trẻ sẽ … chết sặc vì cười.

Sang thời buổi của xe Dream, của các quán Karaoke, cách tỏ tình của thanh niên hiện nay hiện đại hơn, do đó chắc chắn giản tiện hơn, khong rườm rà thủ tục như ngày nào. Nhưng có điều là dù thay đổi đến mấy thì bây giờ người ta vẫn phải yêu và có lúc không cách nào khác, vẫn mượn những trang thơ để bày tỏ nỗi lòng. Bởi vậy mới có hiện tượng cùng với thơ tình Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, những bài thơ của Nguyễn Bính viết từ nửa thế kỷ trước – trong đó, ở nhiều bài thấy lặp đi lặp lại lời than thở rằng người yêu bỏ mình rồi, mùa rét tới không ai đan cho mình một chiếc áo len nữa, vẫn đang được ưa chuộng trên thị trường sách báo và các độc giả trẻ tuổi rất thông minh hiện thời vẫn biết đọc qua những vần thơ đó cái phần con người ngày nay mới có.
Đọc tiểu sử Nguyễn Bính, người ta vẫn biết rằng trước khi lên thành phố vương vấn với các “cô gái ở lầu hoa” ở những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ này, thì ông đã sống những năm đẹp nhất của tuổi trẻ ở một làng quê Nam Định. Bởi vậy, trước khi nói chuyện “đan áo len” thơ ông còn hay nhắc tới chuyện các cô gái trồng dâu, dệt lụa, may áo tặng các chàng, và một vẻ quê quê thường xuyên hiện lên như một sắc thái riêng, làm nên cái duyên dáng riêng của thơ tình Nguyễn Bính. Hãy thử nhớ lại xem khi nào thì con người ở đây yêu nhau: cùng học ở một trường huyện, hoặc sống ở hai thôn nhưng thực ra là một làng; có khi gần hơn, hai nhà chỉ cách nhau một giậu mùng tơi nho nhỏ, và thuở bé hai trẻ vẫn đùa chơi với nhau. Thật là những nguyên cớ rất hồn hậu! Rồi cái đích mà tình yêu đi tới cũng hồn hậu không kém. Lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ là cái công thức về một gia đình lý tưởng: vợ chăn tằm dệt vải, chồng miệt mài đèn sách để chờ ngày thi cử. Về mặt này mà xét, thơ tình Nguyễn Bính ngoài công cuộc Âu hoá đương thời, và không cần so sánh với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử mà ngay với Lưu Trọng Lư thì những bài thơ in trong Lỡ bước sang ngang, Mây Tần, Mười hai bến nước… vẫn có gì đó dân dã hơn, nguyên chất nông thôn và xa lạ với văn minh thị thành hơn. Vả chăng, bấy nhiêu chuyện có lẻ vẫn chỉ là phong cách biểu hiện bên ngoài. Đằng sau cái vẻ vừa quê mùa, vừa cổ kính, thơ tình Nguyễn Bính nhiều khi đạt tới các mức gần như trùng khít với tâm tình con người đương đại. Ví dụ, dù là ở nông thôn hay thành thị, dù là người của các thế kỷ trước, hay của thời đại văn minh này, thì khi đã yêu, cũng không ai tỉnh như sáo mãi được. Ngược lại, luôn luôn trong con người ta có những phút vẩn vơ không đâu vào đâu. Những lúc ấy, tôi nghĩ, trong tâm trí người thanh niên hiện nay dễ dàng vang hưởng những câu thơ trong bài Tương Tư. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Một người chín nhớ mười mong một người – Nắng mưa là bệnh của trời – Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng, hoặc bài Nhớ: Ví chăng, nhớ có như tơ nhỉ – Em thử quay xem được mấy vòng – Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ – Em thử nào xem được mấy thưng. Lại ví như khi yêu bao giờ người ta cũng thiên vị tức cũng có xu hướng dành cho người yêu của mình những lời lẽ tốt đẹp nhất. Thành thử, những câu thơ sau đây, mà Nguyễn Bính dùng để tả người con gái, tưởng cũ bao nhiêu, mà vẫn cứ luôn luôn là mới:
Một đi làm nhớ hoa sen
Một cười làm rụng hàng nghìn hoa mai
Hương thơm như thể hoa nhài
Những môi tô đậm làm phai hoa đào
Nõn nà như thể hoa cau
Thân hình yểu điệu ra màu hoa lan.
Hoá ra, trong văn chương thơ phú, những chi tiết đã quan trọng, song cái chính vẫn là hồn cốt của tình cảm con người; khi đã có sự thông cảm rồi, thì mọi xa cách không còn gì đáng quan ngại nữa.
Trên một số tạp chí Pháp, các nhà nghiên cứu vừa đưa ra một vài con số thống kê về tình yêu. Điều thú vị khi tìm hiểu những con số thống kê này, người ta nhận ra rằng ngay ở phương Tây hiện đại, tình yêu vẫn không mất đi hẳn những sắc thái cổ điển của nó. Vẫn còn ít ra là 1% không bao giờ biết đến tình yêu, và nếu chỉ giới hạn ở lứa tuổi 15-19 thôi thì vẫn còn 5% thú nhận rằng mình hoàn toàn trinh trắng (tài liệu của báo Phụ nữ TP. HCM).
Nhắc lại những chuyện này ở đây để thấy số phận kỳ lạ của tình yêu nói chung và thơ tình nói riêng. Để cho công bằng, phải nhận là tình yêu được miêu tả trong thơ Nguyễn Bính có chút gì đó hơi cổ. Nó thiêng liêng quá. Nó cao sang. Nó thuần hậu. Nó luôn luôn giả định một sự chân thành làm tiền đề; chẳng những thế, nó luôn luôn nhằm tới cái đích là sự chung sống trong một gia đình. So với thực tế tình yêu của con người ở những năm cuối của thế kỷ XX, rõ ràng có những khía cạnh nó đã bị vượt qua. Thế thì tại sao thứ thơ ấy vẫn được phổ biến rộng rãi, một sự phổ biến, theo chúng tôi quan sát là chỉ đứng sau Truyện Kiều và các truyện nôm như Nhị Độ Mai, Hoa Tiên ngày xưa? Tôi nghĩ rằng ở đây không gì khác, chỉ chứng tỏ loại đã có mặt. Luôn gắn bó với thời gian, nhưng tình yêu cũng là cái gì muôn đời muôn thuở vẫn vậy. Và nhiều khi càng từng trải, càng chai sạn, người ta càng muốn sống lại sự thành thực sự thiêng liêng hồi nào. Văn chương không phải chỉ có việc gợi lại những gì con người đang có, mà còn là viễn tưởng, là hình bóng của cái gì con người ước ao nhưng lại không có, hoặc từng có nhưng đã đánh mất.

08/01/2009

Từ điển văn hoá cười

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 13:12

Tết nguyên đán
Những ngày vui đầu năm khiến nhiều người nghĩ tới mà sợ . Một dịp để người ta tự cho phép có thể sống buông thả , do đó cũng là lý do để khôi phục nhiều hủ tục như chè chén lu bù , rượu chè cờ bạc dông dài . Ca dao cổ : Tháng giêng là tháng ăn chơi — Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè …

Chúc tết sếp
Từ mới xuất hiện , thay cho từ cổ lễ tết quan trên hoặc lễ tết thươợng cấp . Thời điểm lý tươởng để bày tỏ sự biết ơn và đầu óc ăn chia sòng phẳng của một kẻ từng đơược che chở sau một năm làm ăn vất vả . Cũng là tình huống để kẻ đến biếu chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc đối với cái gu của cấp trên, phát hiện kịp thời những gì mà nhà sếp còn thiếu , hoặc đặc biệt ươa thích — , và tài lùng sục những của đươợc coi là lạ hiếm .

Hái lộc
Tục cổ đúng lúc giao thừa bẻ một nhành cây trong vươờn mang vào nhà để mong gặp may mắn , nhương đã biến tươớng thành ham muốn lén bẻ đại cành lá ở những nơi công cộng , vừa là kiếm thêm ít lộc ngoài đường , vừa thoả mãn ý muốn làm bậy trong những lúc sống giữa đám đông . Nhiều người biết là một thói quan xấu song vẫn thích làm .

Hội làng
Cuộc chạy đua giữa các làng xóm , làng nào cũng muốn nhận mình là trung tâm văn hoá của vùng , mình có những nét truyền thống độc đáo , để chèo kéo khách phương xa chuộng lạ .

Du xuân
Những ngày nghỉ ngoài quy định của nhà nước .Với một số cơ quan xí nghiệp ăn nên làm ra, là một dịp để hợp pháp hoá các khoản chia chác nội bộ . Xem thêm mục từ đi chùa đi lễ ở một số báo trước .

Báo tết
Một dịp để các ban biên tập bộc lộ khả năng làm dáng cho tờ báo của mình : nó có thể hào nhoáng đến đâu , mỹ miều đến đâu . Để bày hơn để để đọc .
Cũng là một dịp để ban biên tập trình ra đội ngũ cộng tác viên loại xịn và chiêu đãi họ sau một năm làm ăn khó nhọc bằng những khoản nhuận bút hậu hĩnh hơn so với ngày thường . Tài làm báo tết còn bộc lộ rõ ở tài chạy quảng cáo , và đó là lý do chính khiến người ta vẫn phải lo báo tết bằng được , mặc dù số lượng in của nhiều báo ngày tết thường giảm .

Mừng tuổi ( lì xì )
Trong không khí tết , tặng cho trẻ ít đồng bạc để chứng tỏ quan hệ hữu hảo với cha mẹ chúng . Tại một số dịa phương một số gia đình , đã lan sang cả đối tượng người lớn và trở thành mối quan hệ có đi có lại , tôi mừng tuổi anh thì anh lại mừng tuổi tôi .

Tranh Đông Hồ
Một dòng tranh dân gian thươờng đươợc nhắc tới mỗi khi cần nhấn mạnh truyền thống mỹ thuật cổ , và cũng là để mời chào khách du lịch . Hiện không có chợ quê nào bày bán bởi không ai mua về treo kể cả trong những ngày tết . Phần lớn dân làng Đông Hồ ( Bắc Ninh ) giờ đây sống chủ yếu về nghề làm vàng mã và các loại đồ cúng để đốt cho người chết ( đã tinh xảo tới mức làm được cả ô tô xe máy đẹp nhơư …thật )

Bánh chưng
Thứ bánh mà người ta tự nguyện kiếm bằng được để bày trên bàn thờ và được xem như món chủ lực của mâm cỗ tết nhưng lại ngại ăn và khi “chót” ăn thường nhắc lại câu thành ngữ dửng dừng dưng như bánh chưng ngày tết .

Nghèo
Thu nhập thấp , lý do được coi như chính đáng cho phép người ta làm bậy kể cả những việc biết chắc là phạm pháp … Nhân danh cái nghèo người xưa ăn cắp ăn cướp ( tục ngữ có câu đói ăn vụng túng làm càn ) , còn nhiều người ngày nay làm những việc văn minh hơn : người nông dân trồng rau sẵn sàng phun thuốc sâu vào các loại hoa quả ; người bán hàng cân thiếu , và bán hàng giả ; thày giáo lộ đầu bài thi cho học sinh ; thày thuốc kê trong đơn những loại thuốc đắt để ăn hoa hồng và các quan chức thì ăn hối lộ …

Hàng lậu
Thứ hàng sản xuất từ nước ngoài và thường xuyên được tuồn vào nội địa một cách bất hợp pháp . Do giá rẻ nên cùng lúc đáp ứng được ba điều kiện 1) giúp cho người dân có hàng tiêu dùng 2) thoả mãn yêu cầu kiếm tiền nhanh chóng của những kẻ làm liều làm bậy và giỏi tổ chức bóc lột lao động dư thừa 3) giải quyết cho các nhân viên cơ quan chống buôn lậu tăng thêm thu nhập bù vào tiền lương vốn quá eo hẹp .

Quay cóp
Nghĩa cổ : Học sinh lỡ không thuộc bài , bí quá giở sách hoặc chép bài của bạn . Nghĩa mới phát sinh : Động tác mà các học sinh cầu kỳ chuẩn bị trước các kỳ thi , bao gồm chép sẵn tài liệu vào các loại phao và khéo léo cất giấu , lúc làm bài chép lại , cốt sao không phải học bài mà vẫn đạt điểm cao .

Lớp học tại chức
Hình thức lớp học không phải tập trung , người theo học vẫn đến sở đều đều và chỉ bỏ một số ngày học lấy lệ , nhờ thế vẫn giữ được cái chỗ làm việc béo bở , không để một kẽ hở cho lớp trẻ thâm nhập thay thế . Học viên có thể yên tâm theo học qua loa mà vẫn lấy được bất cứ loại bằng nào cần thiết miễn có chi phí sòng phẳng cho các giảng viên . Hiện các lớp học này không chỉ là nhu cầu của người học mà còn là nhu cầu của người dạy , bởi có thể giảng bài và kiểm tra cho điểm thế nào cũng xong , thu nhập lại cao hơn nhiều lần so với dạy chính khoá .

Thiếp mời ( khánh thành
tân gia hoặc dự tiệc cưới )
Thông báo cho người khác tin vui của gia đình mình nhằm mục đích huy động người đó một ít đóng góp để cùng làm bữa tiệc vui chung , coi như món tạm vay và sẽ trả sau , khi người đó cũng có việc vui tương tự . Cũng thường được hiểu ngược lại là tạo điều kiện cho người khác trả món nợ đã vay của mình trước đây .Trong trường hợp cấp trên mời cấp dưới , tức một dịp nhắc nhở trách nhiệm kẻ được mời thực thi những đạo luật không ghi thành văn bản nhưng đã là quan chức thì ai cũng hiểu . Có thể căn cứ vào chỗ thiếp mời phát ra rộng rãi đến đâu để đánh giá thực lực và triển vọng làm ăn của gia chủ .

Tiếng ồn
Âm thanh tự do tung hoành trong khu vực công cộng : người phụ trách chợ búa , nhà trường , nhà ga …tha hồ phổ biến các quy định cần thiết buộc mọi người không muốn nghe cũng phải nghe ; các gia đình có việc vui mặc sức mở loa tăng âm ; hàng rong quảng cáo ngay trên đường ; xe máy bóp còi inh ỏi … Loa rè thế nào , bài hát uốn éo thế nào cũng không ai có thể có ý kiến , riêng còi xe càng to càng tăng uy lực của người tham gia giao thông nên là thứ đồ chơi thú vị của đám thanh niên thích chơi trội .

Cười trừ
Món võ gia truyền trong giao thiệp do các cụ để lại và càng ngày càng thấy hiệu nghiệm . Không ai trong đời không thử dùng nó một đôi lần chẳng hạn khi đã hứa cho con cái món quà gì rồi lại quên biến đi mất . Hoặc như trong nghề viết văn viết báo đã hứa viết cho người ta mà cuối cùng cháy vở không viết nên bài dúng hẹn . Thế nhưng đáng lẽ chỉ nên dùng nó trong một phạm vi hạn chế chẳng hạn với những người thật thân và trong những câu chuyện lặt vặt thì nó lại đang được ngườ ta lạm dụng dẫn đến một thứ tạm gọi là chủ nghĩa cười trừ

Xe đạp
Phương tiện giao thông đọc đáo ở chỗ đi trên mọi loại đường cũng như trên vỉa hè . Do chỗ mang lại cho người sử dụng cái cảm tưởng mình là người di chậm nhất rồi và không ai dám đâm vào mình cũng như không ai nỡ phạt mình nên có thể vượt các ngã tư ngay cả lúc có đèn đỏ . Có thể mang lại khoái cảm đặc biệt cho người sử dụng nhất là ở những quãng dày dặc phương tiện giao thông bởi lẽ ở những quãng ấy xe tha hồ luồn lách và chắc chắn là đi nhanh hơn mọi loại xe có động cơ .

Thị dân đời mới
Người nông dân hôm qua nay với chiếc xe thồ to bự chở các loại hàng rong tung hoành trên các ngả đường thành phố , tối về ngủ tạm ở các nhà trọ rẻ tiền ,
Rác
Các loại chất thải xả ra từ đời sống hàng ngày rất có hại và dễ có mùi khó chịu khi để trong nhà ; nói chung người ta chỉ có thể yên tâm khi tống được nó ra đường , còn sau đó thế nào có hại cho môi trường đến đâu không cần biết .

Bụi
Đất nghiền nhỏ 1) dấu hiệu của một sự gần gũi giữa nông thôn và đô thị , mọi loại xe đi trên đường quê , có thể tự do tha đất vào thành phố 2) bằng chứng của tiến trình xây dựng ồ ạt và vung vãi cát thoải mái 3) hậu quả của tiến trình thi công nhiều quãng đường theo kiểu tha hồ làm ẩu , nghiệm thu là xong , mặt đường bật tung không cần chữa , cũng như tình trạng đào đường liên tục và 4) thí nghiệm tuyệt vời cho thấy khả năng thích ứng của con người : chung sống với bụi , như chung sống với lũ , với rau quả có phun thuốc trừ sâu , hoặc êm đềm hơn , chung sống với …tham nhũng .

Hoa
Mặt hàng điển hình cho sự dao động trong giá cả , khi rẻ như bèo , khi đắt như vàng ( nhất là trong những ngày lễ như 8/3, 20/ 11 hoặc Noel ,năm mới … )

Thằng già
Từ mới phát sinh , được nhiều thanh niên chuyên dùng để chỉ những người lớn tuổi , đi lại trên đường chậm chạp hoặc làm vướng chân lớp trẻ . Lưu ý ở đây có sự cách tân trong việc cấu tạo từ , vì trong tiếng Việt xưa nay yếu tố thằng thường chỉ dùng để kết hợp với từ chỉ người ít tuổi hoặc tỏ ý coi thường .

Khách du lịch nước ngoài
Những người không hiểu sao rất sẵn tiền , nhưng nhiều khi lại ngây ngô dễ bị lừa . Đối tượng để các đầu óc tuyệt vời trong việc bán hàng lưu niệm lỳ lợm tấn công , cho đến khi họ phát sợ , phải về nước trước ngày đã định , và không tính chuyện tới một lần nữa .

Khen thưởng và kỷ luật
Cụm từ thường đi song song . Khen thưởng tức ghi nhận cá nhân hoặc cơ quan nào đó ra đời đã lâu , có thể chỉ sống lay lắt và làm ăn kém cỏi nhưng vẫn chưa bị xoá sổ , nay tính ngày tính tháng đã thành lão làng cần phải khẳng định vẫn đang tồn tại . Kỷ luật : Hình thức xử phạt với người có lỗi và thường chỉ được ký khi lỗi đã quá nặng , cấp trên sẽ bị mất mặt nếu không ký giấy thi hành kỷ luật ( thường là mức nhẹ nhất có thể có ) đối với đối tượng .

03/01/2009

Hãy dự kiến trước

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 11:09

href=”https://vuongtrinhan.files.wordpress.com/2009/01/imageview-aspx.jpg”>

TTO – Trong đám đông hỗn độn, cá nhân rất dễ bắt chước nhau. Hãy trù liệu trước, hãy dự kiến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Và hãy ngăn chặn ngay từ đầu.<a onblur="try {parent.deselectBloggerImageGracefully();} catch(e) {}"

Từ các sự kiện quậy phá của các bạn trẻ trong các sinh hoạt công cộng hiện nay – gần nhất là vụ “tàn phá” lễ hội Hoa anh đào ở triển lãm Giảng Võ, tôi không quá ngạc nhiên vì vụ phố hoa ở Hà Nội đêm Giao thừa tết dương lịch 2009 mà báo chí mấy hôm nay đã đưa.

Tôi không bênh vực cho lớp trẻ. Nghe chuyện dân dùng hóa chất có hại để tăng trưởng hoa quả, tôi đã bao lần như muốn kêu lên “Chúng ta có còn là người nữa không?”. Hôm nay thấy các em hái hoa bẻ cành, tôi cũng không khỏi thầm nghĩ, liệu rồi đây các em sẽ thành những con người ra sao? Mọi sự hỗn loạn trong ứng xử có liên quan đến những bức bối trong tâm lý. Nhưng khả năng kiềm chế của các em đã cạn kiệt hẳn rồi hay sao?

Tuy nhiên tôi muốn nói nhiều tới vai trò của lớp người lớn tuối, của các nhà quản lý và rộng ra, của cả xã hội.

Trên mặt báo chúng ta chỉ kịp phơi ra những sự kiện nổi cộm, trong thực tế còn bao nhiêu sự việc “nho nhỏ”, chỉ do được tiến hành trong bóng tối và thoát hiểm nên không bị lên án. Những cú xoay xở kiếm tiền chỉ thắng vì liều lĩnh bất chấp pháp luật. Những vụ chạy vạy, đứng trên dư luận. Những thái độ trơ tráo thách thức lương tri con người… Từ chuyện làm ăn, chúng trở nên những triết lý sống, hồn nhiên chi phối tâm lý, từ chất độc hại tạo nên một môi trường nhiễm bệnh, cá nhân làm sao chống nổi. Huống chi tất cả những cái đó lại được nhân lên nhiều lần trong cuộc chạy đua nhằm thoát khỏi cơn kinh tế khủng hoảng hiện thời.

Hãy thử đặt mình vào những hoàn cảnh cụ thể. Thật vậy biết đâu trong những em quậy phá trên phố hoa hôm qua chả có những em sắp phải rời trường đại học vì không có tiền nộp học phí, đêm nay đi tung hê một trận để ngày mai từ giã đất thánh cho thảnh thơi? Biết đâu vừa có một vụ làm ăn phá sản, em và gia đình đang nín thở chờ năm mới? Biết đâu em vừa bị mấy bà chủ trọ cho ăn một quả lừa? Các em làm bậy để trả thù đời, và hậu quả là các em làm hoen ố hình ảnh tuổi trẻ.

Đại khái tôi hình dung những vụ “xìcăngđan “ đủ loại to nhỏ… có nhiều chỗ giống với những vụ ách tắc giao thông hàng ngày. Khi toàn cảnh giao thông thành phố không thay đổi, chúng không bùng ra ở chỗ này thì diễn ra ở chỗ kia. Nếu có đường rộng đường đủ tiêu chuẩn, tự nhiên dân tình đi lại ngon lành ngay.

Nếu trên đường đến với một lễ hội trang trọng, người ta có một không gian rộng rãi để thở, không bị chen lấn, không bị các chủ bãi xe chặt chém, không bị móc túi, đến nơi có chỗ đàng hoàng để thưởng ngoạn cảnh đẹp… Tôi tin người ta sẽ trở thành người lịch sự lập tức.

Nói thế để thấy rằng mọi chuyện phía trước còn dài, còn tùy ở sự tiến lên của toàn bộ trình độ sống của cả xã hội.

Tôi không thạo việc quản lý nên không dám nêu ra những biện pháp cụ thể. Để tạm gọi là mách nước cho công tác tổ chức những sinh hoạt công cộng thời nay, tôi chỉ muốn lưu ý một điều: Hãy trù liệu trước, hãy dự kiến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Và hãy ngăn chặn ngay từ đầu. Trong đám đông hỗn độn cá nhân rất dễ bắt chước nhau. Bởi vậy hãy xử thật nặng những vụ đầu têu, đó là cách tốt nhất giúp cho những người lương thiện tử tế không a dua làm bậy tiếp.

Thứ Sáu, 02/01/2009 tuoi tre online

01/01/2009

Con người suy thoái?

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 11:43

Trời sinh vua để làm vua
Và thi sĩ để làm thơ ru đời
Một ông vua trái luật trời
Việc vua thì nhác, lại đòi… làm thơ.

Trên đây là đoạn mở đầu của bài thơ Nhà vua và nhà thơ của Tú Mỡ, in trên báo Ngày nay ở Hà Nội năm 1939, tức gần bảy chục năm trước. Câu chuyện tiếp tục như sau: Sau khi làm thơ xong, vua lại thích đưa cho các cận thần đọc để kiếm lời khen. Một vị quan kiêm thi sĩ – quan ngày xưa người nào cũng làm thơ và thạo thơ – mới nói toẹt ra rằng thứ thơ đó chả ra gì. Thế là vua cho ông ta vào nhà pha (tiếng ngày xưa chỉ nhà tù).

Sau vua có ý hối, cho người đến nói với nhà thi sĩ chân chính nọ là sẽ thả ông ta ra, miễn ông ta nói rằng thơ vua hay. Tức là tiếp tục buộc ông ta nói dối. Trong cảnh tù đày, ông này phải nghĩ một lúc.

Tú Mỡ viết

“Phân vân bên tội bên tình
Nhà thơ tỏ vẻ bực mình băn khoăn
Cắn môi mắt nhíu mày nhăn
Trong đầu như nổi mấy lần phong ba
Ngập ngừng lời chẳng nói ra
Nói hư? nói thực?biết là làm sao?”

Bài thơ kết lại bằng hai câu bất ngờ

“Khổ tâm thi sĩ cúi chào
Muôn tâu thần lại trở vào nhà pha”.

Tôi thường nhớ tới bài thơ này (đúng hơn là một thứ vè vui vui) để nhắc mình một sự thực: là con người ngày xưa tốt quá. Tôi tin không phải ở đây Tú Mỡ muốn nêu một tấm gương cốt dạy dỗ thiên hạ (kiểu các đồng nghiệp của tôi đương thời). Mà ông chỉ miêu tả một sự việc có thực, hơn nữa một sự việc điển hình.

Tức là người xưa phần lớn cư xử như viên quan kiêm nhà thơ ở đây đã làm.

Thế thì sao lại bảo bài thơ có cái kết bất ngờ? Đó là đặt vào tâm lý của người hôm nay. Vào những trường hợp tương tự, tôi ngờ phần lớn con người hôm nay sẽ cư xử kiểu khác. Để khỏi vào nhà pha thì bảo làm gì cũng làm. Mà chẳng đợi đến cuộc mặc cả cuối cùng; trước đó, bởi thừa biết rằng nếu khen vung cả lên sẽ thủ lợi, người ta tranh nhau khen từ đầu cả rồi.

Nói tốt quá còn chung chung. Cái chính là người xưa, hơn bù kém, tốt hơn so với con người hôm nay.Vả chăng nhìn rộng ra thì thấy con người hồi ấy, cả giàu lẫn nghèo, cả ông to lẫn ông nhỏ, chẳng những không nói dối nịnh bợ mà còn giữ được nhiều phẩm chất cao đẹp. Tôi nhớ tới nhiều trường hợp khác. Các nhân vật của Thạch Lam như mẹ Lê nghèo khổ, như cô hàng xén đảm đang đều đồng thời là người tự trọng và cứng cỏi. Lão Hạc của Nam Cao thì “trên cả tuyệt vời”, thà chết chứ không ăn vào vốn của con cái. Cũng liên quan đến Nam Cao là trường hợp của Chí Phèo. Trong một cuộc hội thảo, một nhà nghiên cứu đã nhận định “Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo không say”. Bởi chỉ có người sáng suốt trong giây phút hệ trọng của đời mình mới biết hỏi “nhưng ai cho tao lương thiện?”

Xuân tóc đỏ thường được xếp vào loại nhân vật xấu xa bậc nhất trong văn học tiền chiến. Nhưng đọc kỹ thì thấy chính ra Xuân khá thông minh, lại chịu học hỏi để thích ứng với thời đại. Và biết điều và tự trọng nữa: Lúc được Văn Minh hứa gả cô Tuyết, Xuân nói thẳng cái nguồn gốc xuất thân hèn hạ của mình. Ở chỗ này Xuân biết mình biết người, và sòng phẳng nữa!

Trở lên chỉ là một vài phẩm chất mà con người ngày nay đánh mất.

Không khó khăn gì lắm để tìm ra lý do khiến chúng ta có nhiều thói xấu như vậy. Trước hết là cuộc chiến tranh kéo quá dài. Trong Câu chuyện triết học, phần viết về H. Spencer, W. Durant cho rằng “xã hội chiến tranh thường ca ngợi một vài đức tính (nguyên tắc ứng xử – VTN) và dung túng những việc mà các dân tộc khác xem là có tội”. Nếu nơi không chiến tranh, con người quảng đại và nhân đạo, thì nơi chiến tranh kéo dài, người ta quen với cướp bóc phản bội. Đây là luật phổ biến song ta thường quên và tự cho mình là một ngoại lệ. Con người hôm nay lao vào cuộc làm ăn kinh tế, mà thói quen sống kiểu chiến tranh còn nguyên vẹn. Kinh tế thị trường rút lại được hiểu là thói cạnh tranh không lành mạnh, nói nôm na là chúa đã chết, ai muốn làm gì thì làm. Thành thử có xảy ra lộn xộn hỗn hào thì cũng là điều dễ hiểu.

Trong một cuốn sách mang tên Miền đất huyền ảo, có phụ đề Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương (tác giả Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội nhà văn in năm 2003), ở trang 13, tôi đọc được một lời cảnh cáo: “Định mệnh của con người là vươn tới tiến bộ; nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái về nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần?”
Thời báo Kinh tế Sài Gòn – Số 6/2008

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.