VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

30/10/2009

Đi du lịch bụi Trung Quốc (4)

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 05:53

Tây An
26-9
Đi xe lửa từ chiều sang hôm sau mới tới Tây An. Trên đường đi tôi lấy cuốn sách viết về bộ luật Hồng Đức ra đọc. Bài viết về hoàn cảnh lịch sử thời Lê sơ của tác giả Nguyễn Hải Kế rất khá. Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, đã thấy thời đầu nhà Lê đánh xong quân Minh giống y như VN hôm nay sau chiến tranh.
Thăm khu lăng mộ.
Nghĩ đến Tây An là nghĩ ngay đến Tần Thủy Hoàng và Binh mã dũng ( chữ dũng có chữ nhân đứng đằng trước, ở đây chỉ người, các loại quan lại và thợ )
Tượng vị hoàng đế có công thống nhất Trung Hoa, trông hơi dữ, nhưng đúng là tượng trưng cho nước Trung Hoa lúc còn đang ở núi, chứ chưa ra biển đang từ Tây chứ chưa sang Đông.
Chúng tôi ngợp giữa cung cách một cuộc triển lãm thế này. Đồ sộ quá.
Ảnh Đăng chụp không được nhiều vì ánh sáng trong nhà khó làm nổi hình. Chỉ có điều Đăng không quên nhận xét, anh trông kìa, trong tư thế xếp hàng nghiêm chỉnh thế kia, mấy anh lính đít móp, chắc là đã mỏi mệt lắm. Sự anh hùng nào cũng phải trả giá. Và chiến công có mặt trái của nó.
Chúng tôi đã có kinh nghiệm đến một thành phố nào của Trung quốc, nếu không biết làm gì, cứ hỏi đến Công viên thành phố, cũng có khối cái đáng xem.
Đến Tây An cũng vậy. Chiều nay chúng tôi lại bị mê tơi bởi cảnh đá.
À tí quên, ở bảo tàng Binh mã dũng, đã thấy có những cây thông, mà bóng trải rộng như một ngôi đình ở ta.
Đến công viên Hưng Khánh lại gặp mấy cây như vậy.
Tây An chỉ có thành quách nhà cửa, không giỏi về làm vườn, cỏ trồng nhếch nhác, nhiều đám hủi cùn hủi cụt, nghệ thuật trồng trọt ở đây không thể so với mạn Giang Nam được mà ngay so với Thành Đô cũng thua.
Một kỷ niệm của buổi chiều nay, tốp các chị em tập múa ngay ở khoảng đất rộng lối vào công viên. Họ thật tự nhiên và hào hứng với hoạt động nghệ thuật nghiệp dư của mình.

29-9
Tới bảo tàng lịch sử Tây An, nhớ nhất là bức phù điêu đặt ở gian giưã, một vẻ đẹp thô khỏe, tượng trưng cho nước Trung Hoa thời Tần Hán
Một trong những chủ đề trưng bày—mối quan hệ TQ với vùng Trung Á. Đây là thời nước Trung Hoa chưa là quen với biển.
Ở Bảo tàng đã thấy nói nhiều tới con đường tơ lụa. Lúc ra ngoài phố, thấy có những bức tượng lớn—tượng một đoàn người với lạc đà đang đi. Tôi bảo với Đăng — cả Thành Đô hay Tây An cho thấy một TQ trước khi tiếp xúc với Tây phương, họ đã là một cái gì hoàn chỉnh lắm. Nhưng họ cứ thấy chưa đủ. Người TQ luôn khao khát tiếp xúc với nước ngoài, và biết trân trọng những gì thiên hạ mang lại cho mình.
Còn ta thì sao? Đây là một chủ đề mà tôi theo đuổi từ lâu. Chẳng hiểu sao đầu óc tôi từ nhỏ có một sự ưu ái riêng với cái đề tài này. Nhưng đọc vào sử xưa, thấy người mình rất ít ghi chép về chuyện này, mà người ngày nay cũng không hề tìm đọc. Mây năm trước, lúc còn làm xuất bản tôi đã biên soạn cuốn Đi tầu đi tây…, nhưng rồi kế hoạch bỏ dở.
30-9
Bọn tôi định đi Lạc Dương nữa nhưng sắp quốc khánh TQ, mua vé khó, đành nhờ người mua vé máy bay giá rẻ từ Tây An về thẳng Quảng Châu. Buổi sáng hôm qua ra đi trong sự nuối tiếc, định đến thăm tháp Đại Nhạn mà không kịp, chỉ từ xe bus nhìn vào mà tự nhủ mình vô duyên quá, không biết bao giờ mới trở lại được nữa.
( Trên xe từ sân bay về thành phố, bọn tôi còn được cháu Phương giảng thêm một nơi nữa bỏ qua là khu vực Hoa Thanh, có cái đầm lớn là nơi Dương Quý Phi đã tắm. Ờ, hôm ở trên ấy cũng nghe mang máng là Hoa Thanh trì nổi tiếng lắm, nhưng không nghe ra chuỵện DQP. Vả chăng, đến thăm nhiều di tích quá lắm lúc thấy quá khả năng tiêu hóa của mình. Chính ra còn phải đi chơi phố Tây An nữa, lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể xem trong ảnh được, chứ không khí đường phố, không tự mình trải qua thì đọc ở đâu được)

Ở trọ một ngày ở khu Thiên Hà, Quảng Châu.. Có lúc Đăng bảo, đến đây lần thứ hai không thấy náo nức như lần đầu nữa. Nhưng có lúc lại bảo, có lẽ nếu đi TQ một mình thì chỉ có thể đi Quảng Châu, nó có cái gì rất gần mình và dễ hiểu với mình.
Tôi cũng tự trách mình, ít bỏ thời giờ đọc sách về cái xứ Lưỡng Quảng này. Văn minh núi Ngũ Lĩnh, thành Phiên Ngung xưa lẽ ra tôi phải biết , nếu muốn qua TQ hiểu VN như vẫn thường tự dặn mình.
Sau khi đi qua nhiều hiệu sách TQ, thấy hiệu sách Tân Hoa ở Quảng Châu mà tôi thường qua, chính ra là loại tốt nhất. Ở đó, tôi thấy một ngăn sách mới mà các lần trước không có hoặc tôi không biết—sách nghiên cứu về văn hóa.
Tôi mua thêm được một cuốn từ điển mới – Từ điển địa lý nhân văn do người Mỹ biên soạn, nhà Thương vụ cho dịch.
Ở bến xe Quảng Châu tối 30-9, người ngồi chờ xe tràn ra cả các vỉa hè nhiều phố. Toàn công nhân TQ về nghỉ Quốc khánh của họ. Chỉ tuyên Quảng Châu – Bằng Tường là không có khách loại này.
VTN

Đi du lịch bụi Trung Quốc (3)

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 04:31

Thành Đô
21-9
Từ Thành Đô lên Cửu Trại Câu. Đường núi, sau trận động đất năm ngoái, còn ghê rợn về những hậu quả mà nó đẻ lại. Thấy TQ còn khối v/đ về những vùng sâu vùng xa. Nhưng cũng thấy người TQ từ lâu đã biết sống với núi.
Núi làm cho đầu óc người ta trở nên phóng khoáng. Núi cho phép người ta biết rằng ngoài chỗ người ta đang ở, còn cả thế giới; núi xui người ta hướng thượng, vượt lên trên đời sống hàng ngày.
Nhớ lúc sang thăm VN thời chiến tranh, một nhà văn Đức là Peter Weiss ( nghe mọi người đọc là Pi-tơ Vai- xơ) đã kêu lên là ở đây cái gì cũng sát mặt đất.
Gần đây, nhân chuyện Trường Sa Hoàng Sa, người Việt bắt đầu nhận ra người Việt mình ít sống với biển.
Hóa ra không chỉ có thế, nhìn lại lịch sử, người mình cũng không sống bao nhiêu với núi. Sợ núi nữa. Trước 1945 mà nói phải bỏ lên rừng kiếm ăn là liều lắm.
Ra nước ngoài, gặp chỗ nào thấy khó thấy khổ là nhớ nhà. Tự nhủ: “ A! họ cũng có chỗ như mình.” Một sự an ủi. Điều này tôi học được từ Nguyễn Minh Châu thời kỳ trước sau 1980. Hồi ấy đi Liên xô phải qua Ấn Độ rồi theo Trung Á bay ngược lên. Ông Châu kể, một lần đi ở chỗ sân bay gặp một đống đất. À Tasken rồi, chủ nghĩa xã hội thì chỗ nào mà chả xây dựng.
Ngày hôm nay, tôi đi 400 cây số trong 12 tiếng đồng hồ, luôn luôn xe phải đi vào mép đường, mấy lần tắc đường ( tổng cộng hai lần dài nhất đã thành ra tới gần hai tiếng đồng hồ).
Người khác đi du lịch để biết về người. Tôi cảm thấy cái sự biết ấy cũng khó lắm, cưỡi ngựa xem hoa thì được mấy đâu. Điều chắc chắn hơn, đi để tạo ra khoảng cách với nơi cũ mà so sánh.
Tôi nhìn người TQ ở một khoảng cách gần hơn và tôi lại nhớ nhiều về người mình. Trước một cảnh tắc đường, Đăng bảo cứ như dân mình thì tắc cả ngày, vài ngày. May dân ở đây chỉ thu xếp với nhau hơn tiếng là đi được.

Có lẽ nếu rỗi một trong cuốn sách cuối đời tôi phải viết là viết về mối quan hệ người Việt thông qua những điểm đối chiếu là người nước ngoài. Những điểm đối chiếu này tôi tìm thấy trong sách vở và sau những chuyến đi. Có thể tôi còn ít kinh nghiệm. Nhưng tôi tin rằng cái hướng nghĩ của tôi là đúng.

Trên đường vào Tứ Xuyên, cả ông bạn Nghĩa và Đăng nhắc nhiều đến xứ Ba Thục trong Tam quốc, và, chẳng hạn, cái vùng đất xảy ra những trận chiến “ thất cầm thất phóng Mạnh Hoạch”.
Tôi nhớ nhiều hơn tới thơ Đường, đầu tiên là nhớ câu thơ của Lý Bạch — Thục đạo nan, nan ư thướng thanh thiên, rồi đến mấy câu tuyệt cú của Đỗ Phủ:
Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu
Nhất hàng cô lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền
Đăng bảo, đến đấy rồi anh phải chỉ cho em Tây lĩnh.
Nhưng đất nước Trung Hoa bao la, Tứ Xuyên thôi cũng đã bao la, làm sao chỉ được.
Trước khi vào Cửu Trại Câu, qua huyện lỵ, thấy một cửa lớn trên có dòng chữ Tùng Sơn Đại Đường.
Đám trẻ con người dân tộc đen nhẻm nhem nhuốc, nhưng hơn hẳn trẻ con VN ở chỗ đứa nào cũng có đôi giày dưới chân. Đường bụi. Một đứa trẻ thấy người lớn lau kính cũng lau kính. Ở một chỗ khác, hai đứa trẻ thi nhau xúc đất.
22-9
Đi theo kiểu tự động, lo lấy, học theo Tây ba lô là chính song thỉnh thoảng bọn tôi cũng nhập vào một tốp du lịch nội địa Trung quốc. Họ có vẻ cũng hay bàn tán trước sự xuất hiện mấy người lạ VN.
Tôi còn nhớ được mấy câu hội thoại học được từ hồi lớp sáu , nên thỉnh thoảng cũng bắt chuyện. Ở chỗ riêng tư, mọi người có thể nói thẳng với nhau nhiều điều. Dân du lịch TQ thường hỏi tôi, sao đi du lịch TQ, tôi bảo tôi muốn hiểu TQ để hiểu VN. Tôi tạm khái quát “Con đường VN đến với thế giới thông qua Trung quốc”.( Một công thức như thế giờ nói ra ở VN chắc hơi khó chấp nhận, nhưng chết nỗi, có cảm tưởng đó lại là sự thực.)
Hai người hỏi tôi về sông Mê Kông. Tôi hiểu họ có những quan ngại. Thời gian tới, quan hệ giữa các dân tộc phụ thuộc nhiều vào việc giải quyết nguồn nước. Nay không chỉ các nhà lãnh đạo mà dân thường cũng biết vậy.
Một khẩu hiệu đọc ở Tùng Sơn Đại đường Kẻ đứng vững sẽ khỏe, kẻ khỏe sẽ đứng vững (dịch từ chữ ban Tự lập gia cường, tự cường gia lập)
Cửu trại câu, rừng sâm lâm ( rừng sâu) gợi cảm giác về một cái gì nguyên thủy. Không có con người, thiên nhiên vẫn tạo ra được sự cân xứng riêng. Cây mọc thẳng lạ lùng.
Làng người Tạng. Từng ngôi nhà đều tăm tắp. Cả bản cùng một màu sơn. Có vẻ sơn cùng một đợt. Các nhà được cả cộng đồng lo, không có chuyện ai lo nhà ấy.
Như thế kể cũng buồn. Thực ra thì cái ngây thơ là tẻ nhạt đơn điệu và đáng buồn. Tôi càng ngày càng tin rằng các cộng đồng trưởng thành nhờ elite – giới tinh hoa
Nhớ hôm lên Lệ Giang, trên cánh đồng cỏ rộng theo đúng nghĩa của một thảo nguyên, cạnh ô tô của mấy tay chơi phố xá là mấy con ngựa thuê của thổ dân.
Hôm nay, lúc qua một cánh đồng khô cạnh trại, tôi gặp một đám đàn bà quây quần thành một vòng tròn. Chắc là sắp hát múa gì đây
Cuộc sống nguyên thủy có cái đẹp riêng và rất hấp dẫn với con người hiện dại.
Nhưng tự nó cuộc sống đó không tự khai thác để trình ra bộ mặt của mình trước thế giới. Phải có ánh sáng hiện đại. Chắc chắn tổng công trình sư của CTC phải là một người Hán.
Chỉ có văn hóa hiện đại mới khai thác được văn hóa nguyên thủy.
Đăng kể : Ở VN cũng có khu Cần Giờ, rừng cũng hoang vu kiểu nguyên thủy thế này, mà không làm sao tổ chức du lịch cho ra trò.
Một câu quảng cáo trên bảng lớn: Chỉ có một địa cầu—Chỉ có một Cửu Trại Câu

Trong các chuyến du lịch, nhìn đâu cũng thấy con người và mobile. Con người hiện đại lúc nào cũng đang trò chuyện với ai đó. Chỉ trừ trò chuyện với mình là họ bỏ qua. Tất cả quan tâm dồn vào cả đôi tay.
Họ quan hệ rất rộng và sẵn sàng kết bạn với những người mới quen. Nhưng bạn cũ thì họ quan liêu lảng tránh.
Hôm đầu từ Thành Đô lên Cửu Trại Câu, — có người dịch là khe chín trại –, bọn tôi được dự một buổi gặp mặt cộng đồng làm theo kiểu của các sơn trang. Đám cưới. Mọi người nhâm nhi gì đấy, hát. Rồi xuống sân, nhảy múa bên bếp lửa. Nhớ nhất là một cô gái vừa tiếp khách vừa hát, hát rất tự nhiên thấy như trong cô có biểu hiện tượng trưng của một vẻ đẹp hoang dại.
Trong buổi tối se lạnh như không khí rét ngọt HN, tôi thấy hơi say say – cái cảm giác mà hồi còn làm phóng viên nghệ thuật ở VNQĐ, tôi cảm thấy, trong những đêm theo mấy ông trên Cục dự tổng duyệt ở các đoàn văn công. Xem duyệt thường có cái thú vì gần gũi với diễn viên hơn nhiều, so với những đêm biểu diễn.
Hôm sau chúng tôi được dự một buổi ca múa tổng hợp chuyên nghiệp vé vào lên tới trên 100 tệ — cả hai buổi nói trên, vé phải trả là 260 tệ. Thấy xứng đáng. Các giọng hát nam cũng như nữ đều khỏe. Tình ca cũng khỏe.
Cái hoang dại ở thế giới thường khỏe mạnh cứng cỏi; ở ta hoang dại lại lả lướt yếu đuối.
Không khí lôi cuốn tôi tới mức tôi thường hát theo những dòng chữ ghi lời bài hát trên bảng điện tử. Tôi không sợ ai cười cả.
23-9
Đến HoàngLong,thú vị là ở cảnh suối chân núi chứ không phải đỉnh núi.
Không may cho bọn tôi là gặp mưa khi đang lưng chừng núi.
Nhưng nhờ thế tôi biết thói ham du lịch của người TQ. Năm giờ chiều, vẫn có những ông già tay cầm ô theo vợ con leo lên đỉnh núi. Có lẽ họ di từ xa tới, và chỉ ghé đây chiều nay đêm nay, mai lại phải đi rồi .
Họ lên từ phía chân núi mà tôi nói ở trên là cảnh đẹp nhất ở Hoàng Long.

Một điều may khác, gặp được trong chuyến đi này là tôi được các bạn TQ mà tôi mới nhập đoàn từ hôm trước giúp đỡ rất tận tình. Sheyu( Hán Việt đọc là Thạch Vũ), cô gái đi với mẹ, hai mẹ con chỉ có một ô. Gặp chúng tôi trú mưa vì không ô, tỏ vẻ ái ngại. Đến một trạm nghỉ phía trước, S. bảo mẹ ngồi đấy, lấy ô của mình và mượn thêm ô nữa là hai, quay trở lại đón tôi và cậu Đăng em tôi. Gặp mẹ rồi, S. trả ô đi mượn, hai mẹ con xuống núi trước, nhưng không quên dặn dò chúng tôi gì đấy. Vì nghe kém nên tôi không hiểu, nhưng tin chắc là dặn xem ai có ô mà đi một người, thì xin đi cùng. Qủa nhiên, lúc sau Huy, một thanh niên trong đoàn đến cho tôi ghé ô cùng về, Đăng thì lấy mấy cái túi ny lông to chụp xuống làm mũ che đầu.
Phụ nữ đi cùng đoàn với bọn tôi phần lớn to khỏe, mà tôi nói đùa là trông như ngựa cái cả một lũ. Hai cô từ Liêu Ninh xuống rất vâm, đội mưa mà chụp ảnh.
Riêng S., nhỏ bé như L. “của tôi” mấy năm 1971-73, lại có vẻ thùy mị nết na.
Trước đó, hôm 22-9, ở Cửu Trại Câu, tôi gặp một đôi bạn trẻ, một thanh niên trông rất trí thức đi chơi với người bạn gái của mình. Vừa lúc chúng tôi đến thì cô gái bảo bạn mình chụp cho cô cái cảnh cô đang lúi húi nhìn mặt nước, cái khăn vắt ở cổ cúi xuống trông rất có vẻ tạo hình. Cảm thấy cô là người có gu nghệ thuật. Trò chuyện với người bạn trai của cô, tôi nhận ra đó là một người thanh niên thông minh. Sau tôi hỏi mới biết cậu ta đã tốt nghiệp đại học. Họ đẹp đôi quá. Tôi bảo, các bạn là tương lai của đất nước Trung Hoa. Và tôi nói đùa, hôm qua bọn tôi cũng có một tuổi trẻ như các bạn, nhưng bây giờ thì không còn nữa.

24-9
Tôi đã nhiều lần ghi nhận cảm giác kính trọng đối với công việc của người Trung quốc với giao thông. Từ thời Tần Hán, họ đã biết dùng xe, và có khái niệm về đường xá.
Tôi nhớ lần từ Nam Ninh về Bằng Tường. Đường vùng núi biên giới mà đàng hoàng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Và lần lên CTC này, tôi chứng kiến một phía khác của giao thông TQ. Là đọ sức với thiên nhiên, bổ sung vào thiên nhiên một cách đàng hoàng nối thiên nhiên lại trong một hệ thống.
Từ Thành Đô lên CTC, qua Vấn Xuyên, tới khu vực xảy trận động đất 5-08, đường bị sạt cầu bị gẫy. Có những tảng đá cao to quá đầu người từ đâu bay về đặt ngay bên đường cho dân mê cảnh lạ chụp làm cảnh nền.
25-9
Có lần đọc nhật ký du lịch trên mạng của một cô gái, kẻ là đến Thành Đô, cô nghe nói đến Võ Hầu từ, nhưng không hiểu Võ hầu là ai, nên mặc không vào.
May quá chúng tôi còn nhớ Tam Quốc, nên vừa đến Thành Đô 5h chiều rồi còn theo xe bus đến bằng được nơi thờ Khổng Minh.
Hôm nay sau khi đến CTC, quay về, lại được dịp thăm một vài thắng cảnh trong nội thị .
Đến Vọng Giang lâu, hóa ra một cái lầu đặt giữa rừng tre nứa. Có nhiều bảng ghi chú, đề rõ, tre này mang từ Quảng Đông lên, tre kia từ Thanh Hải sang.
Nước mình vốn tự coi là xứ sở của tre nứa, nhưng bao giờ có được một công viên như thế này? Và liệu có ai nghĩ ra một công viên thuần chủng đặt ở phương bắc để dành cho một giống cây ở phương Nam?
Thăm Đỗ Phủ thảo đường. Nhiều tảng đá lớn được bài trí hợp lý, và nhất là được chọn kỹ, khiến mỗi thế đá là tượng trưng cho một con vật. Đăng được một bữa chụp mỏi tay.

Con người nới đây bạn bầu thân thiết với đá. Đá là một phần của đời sống, đá làm đường làm nhà trang trí cho vườn hoa đá có mặt bên con người và cây cỏ.
Trên đường về, nhiều chỗ thấy người ta chuẩn bị những tảng đá làm gạch lát đường, mỗi tấm đến phần tư cánh phản và dầy bằng độ dày viên gạch thông thường. Tưởng sau thiên niên vạn niên, những con đường này còn ngay ngắn. Đăng bảo hình như người Trung quốc luôn có khát vọng hoàn hảo.
Ở mình , sợ nhất là cái gì cũng mỏng manh, tạm bợ, cũng chóng hỏng.

Đi du lịch bụi Trung Quốc (2)

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 03:45

Nga Mi-Lạc Sơn

19-9
Trước khi đến Thành Đô, chúng tôi ghé lại ở Nga Mi. Từ Nga Mi qua thăm Lạc Sơn trước. Rất ấn tượng về những bức tượng cổ kỳ vĩ.
Ngoài cổng có hàng chữ rất to: Đông phương phật đô. Không biết ai đã mệnh danh Lạc Sơn như vậy, tiếc không xem được ghi chú bên cạnh.
Cũng như vậy thấy ở Nga Mi nhiều dòng văn bia, ví như tú giáp thiên hạ ( đẹp nhất thiên hạ), hoặc một dòng tiếng Anh ngọn núi số một ở thế gian.
Riêng mấy chữ Thiên hạ danh sơn thì thấy là có ghi người viết là Quách Mạt Nhược.
Ở nhà có lần Ng VănThành đã hỏi tôi tại sao không đọc gì về Phật mà toàn trở lại với Luận Ngữ, Trung Dung…
Đây là chỗ yếu của tôi, tôi biết. Nhưng tôi vẫn nhớ ở đâu đó người ta đã viết rằng người TQ tiếp nhận đạo Phật theo kiểu chân truyền với nghĩa nhà vua lúc ấy cử hẳn Huyền Trang“tây du”, ông này tự dịch kinh Phật. Đến những nơi như Lạc Sơn đây mới hiểu đạo Phật ở TQ ảnh hưởng sâu rộng đến đâu. Khi tiếp nhận tận gốc kỹ lưỡng rồi, người TQ đã làm cho đạo Phật có một khuôn mặt mới. Nghĩ tới một cuốn Lịch sử thâm nhập của Phật giáo ở TQ.(Chắc ai đó đã viết mà tôi không biết)
Nghĩ về trình độ khoa học của TQ. Họ tổ chức công việc thế nào khi dựng tượng Đại Phật, người tổng công trình sư đứng ở đâu để chỉ huy thợ, họ sẽ liên lạc với thợ ra sao?

Một hàng chữ lớn ở Nga Mi: Phật giáo thánh địa.
Lên Kim Đỉnh, đỉnh cao nhất ở Nga Mi, đâu trên 3000 mét. Bọn tôi đi vào một ngày thời tiết xấu, chả thấy gì cả, sau này đọc sách mới biết có cảnh mặt trời mọc, cảnh biển mây vây quanh, hết sức kỳ thú.
Lại nhớ năm ngóai đi núi Thái Sơn ở Sơn Đông, chỉ nhớ núi cao và giá lạnh, cùng là dấu vết của người xưa qua vài bức thư pháp. Ngoài ra không đủ cảm xúc để sống lại với lịch sử.

Có một chuyện vui vui. Hôm nọ ở Côn Minh, tôi đọc ở chỗ đi tiểu trong hiệu sách một khẩu hiệu đại ý tiến về phía trước mới là một bước đi nhỏ, trở nên văn minh mới là một bước đi lớn ( tiền tiến nhất tiểu bộ, văn minh nhất đại bộ)
Hôm nay ngồi trong toa lét ở Kim Đỉnh, tôi nhận ra người ta có gắn ở cửa một bảng nhỏ, viết bằng hai thứ chữ Hán và Anh, kể về lịch sử ngôi chùa trên Kim Đỉnh, đâu chùa được làm từ thời Đông Hán.Tôi chưa kiểm tra lại con số cụ thể, nhưng có lẽ đúng là như thế, chùa được làm lúc đạo Phật mới vào Trung quốc các khuôn mặt Phật ở chùa còn nhiều nét Ấn Độ; có tượng Phật cưỡi lên một con vật gì đó có vẻ là một động vật quen biết ở bên Ấn.
Chùa được xây dựng đơn sơ, đường nét thô, thường chỉ có ba pho tượng ở giữa, chung quanh trống trải. Sau thời Tần Hán đánh nhau quá trời, thời Đường Tống người ta muốn trở về một chút với thiên nhiên và hư vô. Đạo Phật càng được sùng bái từ đấy chăng?
20-9

Thức dậy ở chân núi Nga Mi, cảm thấy các thành phố nhỏ có cái vẻ êm đềm riêng của nó. Không nghe tiếng xe tải. Đi bộ ra đường. Chỉ có một tuyến xe bus lên trung tâm mà xe lâu lâu mới có, thế là chúng tôi lên một taxi, ba người cũng chỉ mất có 9 tệ. Thầm nghĩ giá kể đưa gia đình lên nghỉ độ một tuần ở đây cũng sống được. Tôi thích sống ở những thành phố nhỏ trên dưới triệu dân gì đấy, hơn là những “ tổ ong” khổng lồ.
Nghe nói lẩu Tứ Xuyên rất khá, nhưng chưa có điều kiện, chúng tôi chỉ hưởng tạm món mì. Mì đặt vào trong cái nồi gang(?) bê ra nóng bỏng cả tay.
Tiếp đó cả ba đi ăn quẩy. Một góc ngã tư, hai bà chưa già
lắm, nhưng người có vẻ cổ, người nặn quẩy sống bỏ vào rán, người cắt ra phục vụ khách. Có thể ăn luôn ở đấy, ăn với sữa đậu nành.
Nhiều người chỉ thích đi thăm các danh thắng, đến đấy chụp lấy cái ảnh rồi về. Tôi muốn đi đúng kiểu bụi, lang thang ở các phố xá. Thậm chí đôi lúc tôi cảm thấy nhập vào nước Trung Hoa cổ một cách tự nhiên hơn là nước Trung Hoa hiện đại.
Một điều đáng nhớ của buổi chiều Thành Đô—gặp một người Nhật. Ông ta đi một mình, vào một quán nhỏ ăn cơm chiều,
chỉ gọi một món, và có vẻ chưa thạo lắm, phải chỉ sang chỗ bọn tôi, ra ý nói rằng làm một đĩa đậu sào giống như bọn tôi. Một bài học về du lịch.

26/10/2009

Đi du lịch bụi Trung Quốc

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 14:25

Côn Minh
15-9
Mấy lần trước chủ yếu đi theo sườn phía đông. Lần này, tôi sẽ đi theo sườn phía Tây TQ, để hiểu phần nào nước TQ cổ (Thành Đô,Tây An)
Thăm làng dân tộc ở Vân Nam. Ngay bên cổng ra vào là phần dân tộc Thái.
Tôi chưa qua Thái Lan. Đến làng Dân Tộc lần này, có cảm tưởng người TQ rất hiểu người Thái. Ngôi chùa rất to dựng lên ở đây cho tôi ý niệm người TQ làm gì cũng làm đàng hoàng, chùa to đâu gần như chùa thực (?) chứ không có cái kiểu vo viên lại, làm cho xong, chỉ đưa ra một thứ mô hình bé tí như của mình.
Ở HN, lâu nay muốn đi vào ĐNA, các nhà nghiên cứu của ta đều dựa vào tài liệu tiếng Anh. Trong khi đó TQ theo tôi biết TQ cũng rất hiểu về ĐNA. Người phát hiện Ăng co vat chẳng phải là người TQ là gì?

Văn hóa TQ tràn ra ngoài khuôn khổ xứ sở của họ nữa. Một nền văn hóa Trung Hoa ngoài lục địa, đó là cái mà tôi lâu nay thử phác họa mà không làm nổi.
Nhớ những chuyến đi Đông Nam Á. Đến Campuchia hay Malaissia, Singapore, muốn mua bán cái gì,
dùng tiếng Băc Kinh ai cũng hiểu. Chi trừ ở VN.
Chợt tự hói, có phải người Tầu bỏ quê ra đi, loại vượt đại dương là loại giỏi, còn loại chỉ đến mảnh đất cuối trời ở phương nam, tức là chỉ sang ta, hình như là loại xoàng hơn.
Lại nhớ họ đã làm An Nam dịch ngữ từ rất lâu, trong khi ông cha mình lúc ấy còn chưa có một chút ý niệm gì về từ điển cả.

Trong khu làng của người Thái, có những ao bèo hoa dâu to (hàng mẫu đất), bèo lên xanh và rất đều, rất thuần không pha một chút tạp chủng. Hình như tôi chưa gặp ở các làng xóm Bắc bộ một khu ao bèo nào đẹp đến vậy.
16-9
Đến Kim Điện, thấy một motiv ở đây là con trâu. Có cái cảnh con trâu
leo lên cái hũ rượu. Giá một chủ quán rượu nào đó ở HN phóng tác phẩm điêu khắc này to lên, đặt trước cửa hàng mình, có lẽ sẽ được khen là biết gọi ra quốc hồn quốc túy VN.
Lâu nay tôi thường đi tìm sự lặp lại của các motiv trống đồng ở các công trình văn hóa khác mà chưa gặp. Nay thấy ở Kim Điện một tác phẩm điêu khắc tạc cái cảnh mấy con trâu lượn trên mặt trống trên tang trống là mấy con hổ leo lên mà không được.
Một bức tượng đồng khác dựng lên cái cảnh nhà sàn, ngoài sân cũng thấy có một dụng cụ gì đó, như hình trống đồng tức là thót giữa, chứ không phải ở giữa phồng lên, như trống làng quê Bắc bộ.
Trước khi biết TQ bằng con mắt nhìn, chúng tôi đã biết TQ qua sách vở.
Cả tập Chinh phụ ngâm cho thấy người Việt có thể nôn nao thế nào khi nhắc tới các địa danh của Trung quốc.
Chế Lan Viên từng có câu bài thơ nói rằng chỉ nghe người thân
của mình về Dương Liễu thôn mà lòng đã thấy bồn chồn.
Chúng tôi hôm nay cũng vậy. Chỉ nghe nói tới nước Đại Lý là Đăng em tôi, cùng đi TQ với tôi hai chuyến 2008 và H2009, nhớ ngay đến Kim Dung. Trong Lục mạch thần kiếm – mà Đăng cho là hay nhất trong các bộ truyện của cùng tác giả –đã có nói tới nước Đại Lý. Và dĩ nhiên là Đăng thấy những gì được mô tả trong sách thú vị hơn trong đời thực.

Trong dư luận xã hội VN, TQ đang trở thành chủ đề bình luận.
Chỉ có điều người ta vội bàn mà không chịu tìm hiểu TQ một cách
nghiêm túc.
Ông Trần Đình Hượu là người nói ra cái nhận xét, mình sống cả đời với TQ, nhưng lại không có ai giỏi về Trung quốc, không có nhà TQ học thực sự, chứ đừng nói là đạt tầm cỡ thế giới.
Lẽ ra phải có ai đó viết cuốn sách Lịch sử và văn hóa Trung quốc, nhìn từ VN.

Dạo này hơi buồn là không mở được CCTV 4. Cái lạ của nước mình là có chuyện với ai lập tức nhắm mắt lại không muốn nhìn nhận người ta, tìm hiểu người ta nữa ( với người Pháp sau 1945 cũng vậy).
Lúc nào thích hợp sẽ nhắc lại với mọi người câu nói của chính khách Khuyển Dưỡng Nghị Nhật với Phan Chu Trinh: Có quan hệ với người ta ( dù là yêu hay ghét ) thì phải tìm hiểu người ta chứ? Sao lại không học tiếng Pháp?

24/10/2009

Thích ứng đến không còn là chính mình

Filed under: thoi hu tat xau — vương-trí-đăng @ 10:17

Lái buôn Pièrre Poivre đến VN thế kỷ XVIII từng kể lại một mẩu chuyện : ông ta gặp những thợ dệt hết sức tài hoa, đủ dức dệt được loại xa-tanh đẹp, sang trọng , chất lượng không kém gì hàng Trung Hoa.
Trong khi đó thì ngoài chợ chỉ toàn thứ hàng xấu. Hỏi tại sao không bỏ công làm thứ hàng cao cấp kia, những người thợ cho biết có làm mang bán thì người ta cũng chê ỉ chê eo, bởi dân Việt nghèo chỉ ham hàng rẻ, người tài rất khó sống.
Thứ nữa, biết là mình làm hàng tốt, chúa lập tức cho người đến bắt về làm cho chúa. Loại thợ giỏi này tập trung trong các quan xưởng sinh hoạt gò bó, tiền công rẻ mạt, và suốt đời ở đó cho đến khi già nua tật nguyền mới được về quê.
Trong Việt nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh cho biết nghề làm đồ xứ xưa đã rất tinh xảo. Song khi bán hàng ngoài phố, dân buôn phải đề hiệu giả làm đồ Tàu để các quan hoặc lính tráng đi qua khỏi mua rẻ hoặc lấy không.
Nói về phản ứng tiêu cực của người dân, Đào Duy Anh dẫn lại một câu trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú “ như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi; nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt; đòi gỗ thì dân quăng búa rìu; đòi tôm cá thì dân xé lưới “.
Có thể xem đây là ví dụ cho thấy một cách thích ứng tiêu cực của người Việt, nhất là của những đầu óc tinh hoa, trước tình trạng trì trệ của đời sống. Trong trường kỳ lịch sử,văn hóa cai trị không phát triển. Mối quan hệ hợp lý giữa nhà nước và cá nhân không sao hình thành nổi. Trước những khó khăn của cuộc sinh tồn , những tài năng chỉ còn có cách thu mình lại làm hèn mình đi cốt sống qua ngày .
Không chỉ là nếp sống riêng của những người tài,thích ứng đã thành mặt trội trong “sự khôn ngoan làm người” của cả xã hội. Cuộc sống lan ra theo chiều rộng mà không vươn lên theo chiều cao. Con người thường dừng lại ở tình trạng dang dở nửa vời mà không có nhu cầu theo đuổi cái gì tới cùng, không có khát vọng vươn tới tận thiện tận mỹ.
Rộng ra mà xét , tâm lý dừng lại thỏa mãn xa lạ với sự hoàn thiện có thể bắt đầu từ một cuộc sống quá dễ dàng và sự tự bằng lòng đến với người ta một cách tự nhiên; mà cũng có khi bắt đầu từ một cuộc sống quá khó khăn mỗi phen vươn lên là một lần tróc da sày vẩy.
Trong cả hai trường hợp, cái chính là chúng ta thiếu sự dẫn dắt của lý tính để hiểu ra sự vô tận của đời sống cũng như sự vô tận của khả năng con người. Không có đích để nhắm tới, không đủ khát vọng và ý chí thực hiện khát vọng, chúng ta nghĩ ra đủ thứ lý do biện hộ cho sự dừng lại của mình.
Đã có nhiều người ca ngợi và biện hộ cho bản tính thích ứng của người Việt, hiếm hoi lắm mới thấy có người tìm ra ở đây một cái gì cần phủ nhận. Trong số này có Thái Kim Lan. Bà cho rằng việc thích ứng quá nhanh làm cho người ta không trau dồi được bản lĩnh và không nâng cao được mình lên.
Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học xuất phát từ kinh nghiệm của các dân tộc khác, cũng có những kết luận tương tự.
Trong một tài liệu mang tên Xã hội học cá nhân, I.X.Kon ( Nga thời xô viết) từng cho rằng về đường trí tuệ, kẻ lo thích nghi kém phát triển hơn người độc lập. Họ thường nghe ngóng dao động và rất dễ bảo thủ. Họ không đủ lòng tự tin. So với những nhân cách độc lập, và được phát triển trong điều kiện chính thường, thì quan niệm của họ về bản thân phiến diện hơn, hời hợt hơn. Đứng trước thực tế khách quan, năng lực phán đoán của họ thấp. Với người chung quanh họ vừa thiếu tin tưởng vừa dễ bị lừa. Nói chung là họ rất thụ động, hay đạo đức hóa các mối quan hệ và sợ xa rời tiêu chuẩn.
Những đăc điểm đó của con người thích ứng cũng là đặc điểm của người Việt trong trường kỳ lịch sử, và có thể nói nó đã làm nên một thứ đạo lý, một thứ cốt cách.
Một ông già thạo đời có được một bộ đồ trà rất đẹp chẳng may sa vào cảnh bần hàn. Một lão già khác biết vậy,cho ông tá túc và dùng trăm phương nghìn kế để chiếm chiếc ấm đó, kể cả có lần trả giá rất cao. Người chủ nhân chiếc ấm không chịu, vẫn ngày ngày pha trà uống nước.Cho tới trước lúc trút hơi thở cuối cùng, ông còn cố sức ném cái ấm ra sân để nó vỡ ra từng mảnh.
Trên đây là một mẩu chuyện nhà văn Trung quốc Ba Kim từng ghi lại trong Tùy tưởng lục ( dịch nôm ra là nhớ gì ghi nấy ).
Mẩu chuyện này có mô-típ tương tự với truyện ngắn Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân mà trong một số báo trước, chúng tôi đã nhắc tới. Cần nhắc lại là trong Vang bóng một thời ông già chơi ấm hôm qua, tới lúc quẫn bách mang ấm đi bán lẻ, lại bán theo kiểu láu cá, bán thân ấm trước bán nắp sau, để cốt nã tiền. Chắc chắn cái kết cục của nhân vật ở đây không phải do Nguyễn Tuân nghĩ ra, mà đó là hiện tượng đã thấy nhiều trong đời sống người xưa.


18/10/2009

Giữ cây từ ngọn?

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 01:59

(TT&VH Cuối tuần) – Tôi không phải chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, nhưng với loạt bài mà chuyên mục Báo động từ vốn di sản đang làm, tôi muốn nói rằng đây là việc làm cần thiết, rất cần thiết để cứu vãn một chút ít những gì cha ông chúng ta để lại đang trên bờ vực của sự mất đi vĩnh viễn. Song chúng ta làm việc này, có thể nói, quá muộn, không những thế, còn làm một cách rời rạc, nhỏ lẻ. Tôi những muốn kêu lên điều đó thật to để cả xã hội, các cơ quan có nhiệm vụ quản lý văn hóa phải “sôi” lên về vấn đề này. Phải làm sao để cổ động được cả hệ thống truyền thông báo chí của chúng ta nói về vấn đề bảo tồn di sản này mới thỏa đáng.
Loạt bài về các nghệ nhân cao tuổi mà TT&VH đang thực hiện là một khâu trong cả quá trình lớn là sự nghiệp nghiên cứu – bảo tồn di sản, đặt sự chú tâm vào cái sắp mất đi – là các nghệ nhân cao tuổi, mang trong mình những “tuyệt kỹ” rất khó để “truyền thừa”. Điều này tôi thấy giống như trong y tế hiện nay vậy, chúng ta chữa cái bệnh trước mắt, cái hiện tượng cuối cùng bên ngoài. Trong khi đáng lẽ phải coi đó là một căn bệnh phức tạp, phải có hội chẩn của nhiều chuyên gia. Nếu không thì không thể nào “chữa” tận gốc bệnh được. Việc bảo tồn theo cách các bạn làm hiện nay là cái ngọn của cái gốc không vững lắm. Chống lại sự tàn phá tàn bạo của thời gian và con người thì đúng là như trứng chọi đá. Nếu có ai chịu khó “đo tốc độ” tàn phá ở một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ chỉ trong vòng 10 – 15 năm thôi thì sẽ rất kinh sợ bởi tốc độ tàn phá nhanh đến mức “khủng hoảng” như thế nào.

Nói vắt sang chuyện kinh tế chẳng hạn, gần đây chúng ta bắt đầu nói đến chữ khủng hoảng mà trước đây ta chưa hề nếm qua. Những khủng hoảng đó bây giờ mới nhận thấy là do chúng ta gây ra cho chính mình. Đó là việc giáo dục con người chưa đâu vào đâu. Chúng ta thiếu người trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội. Chúng ta nhận ra cách dạy dỗ thế hệ sau lâu nay là một sự “bóc ngắn, cắn dài”. Sự phát triển của xã hội hiện nay không những thiếu hẳn nghiên cứu về giáo dục mà còn thiếu sự hỗ trợ về văn hóa (từ quan niệm con người lệch lạc, cho đến sự hiểu biết về sản xuất; trình độ văn hóa sản xuất; quan niệm buôn bán thiển cận). Tôi đọc mấy quyển từ điển tiếng Việt, mới kinh hoàng nhận thấy chữ “thương nghiệp” của chúng ta từ trong truyền thống luôn bị hiểu đại khái là mua – bán để lấy lãi. Trong khi chữ đó phải hiểu là: Phát hiện ra một nhu cầu/ Tổ chức sản xuất hàng hóa và lưu thông để thỏa mãn nhu cầu đó. Ví dụ như sau khi bán hàng, cửa hàng nước ngoài rất chăm lo đến dịch vụ hậu mãi (đổi, sửa, bảo trì hàng hóa đang sử dụng). Còn ở cửa hàng nước ta thì nhan nhản những câu: “hàng mua xong, miễn đổi trả”. Đúng là lừa được người ta một lần xong rồi thôi. Ngay như ngành du lịch chẳng hạn, chỉ lo kéo khách du lịch mới đến Việt Nam lần đầu, mà không lo đến việc làm sao cho người ta muốn quay trở lại. Tôi thấy không ít các ông quan chức ngành du lịch phát biểu trên tivi đều “lơ ngơ” chuyện đó. Trong khi việc gieo “tiếng lành đồn xa” mới là cốt tử của nghề du lịch. Tất cả đều là do việc thiếu một tầm nhìn lâu dài…

Theo tôi, gốc bệnh là tư tưởng “làm văn hóa một cách thực dụng” đang phổ thông trong ý nghĩ của nhiều người hiện nay. Kèm theo đó là sự hiểu biết về di sản một cách rất quan liêu. Ví dụ như nếu hỏi dân chúng ở những nơi có đình đền thì họ sẽ nói “chẳng biết thờ ai, nhưng thiêng lắm”. Tôi nhìn thấy đó là một cách sống chỉ muốn kiếm chác từ di sản, xin xỏ thần thánh của một số con người hiện tại. Mồm thì nói yêu kính tổ tiên đấy, nhưng lòng chỉ nhăm nhăm “bán” tổ tiên đi để lấy cái “gắp” – Lúc sống thì chẳng cho ăn, đến khi chết mới làm văn tế ruồi. Hiện nay, bởi một số vấn đề thời sự nóng (như chủ quyền lãnh thổ chẳng hạn) đang được quan tâm, nên hai chữ “yêu nước” hay được nhắc đến. Nhắc lại thì ai cũng ra rả nhắc được, nhưng yêu nước chứ có phải yêu một con người hay một đồ vật đâu mà chỉ thích, không cần hiểu. Đã yêu nước là yêu một thực thể lớn sinh ra chúng ta. Điều ấy bắt buộc phải tìm hiểu thì lại không hiểu và không chịu hiểu. Tôi ví dụ như môn Lịch sử văn hóa Việt Nam cũng chỉ mới có vài năm nay ở rất ít trường đại học. Trong khi đáng nhẽ phải có ở tất cả các trường, đặc biệt là những trường ngoại ngữ.

Tôi còn nhớ, năm 1946, ngay sau khi giành độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1948, Đại hội văn hóa này lại được tổ chức lần II ở Đào Giã – Phú Thọ. Tôi còn giữ được bản kỷ yếu của đại hội đó. Nhưng không hiểu sao sau đấy là tan, đến khi hòa bình cũng không có đại hội lại. Văn hóa vỡ ra về các ngành nghệ thuật riêng như sân khấu – điện ảnh, văn học, mỹ thuật… Ví dụ sau đó tìm hiểu về lịch sử văn học thì tác phẩm tác giả trùng trùng điệp điệp. Nhưng muốn hiểu lịch sử văn hóa thì không tìm thấy đâu.

Trước đây và bây giờ, tôi thấy xu hướng xã hội nhìn nhận về di sản luôn luôn có một sự lệch lạc. Trước thì quá đề cao nghệ thuật dân gian, tỏ ra coi thường nghệ thuật cung đình – bác học, đó là lấy cái nhìn ít nhiều mang tính chất “giai cấp” để nhìn văn hóa. Nay thì tuy có đề cao nghệ thuật cung đình – bác học lên, nhưng bản chất của việc đề cao này lại có vẻ như méo mó kiếm chác và biến những giá trị của nghệ thuật cung đình bác học ngày xưa thành một thứ bình dân xô bồ. Đó lại là sự lấy quan niệm của “kinh tế thị trường” để “đánh quả” văn hóa. Ngoài ra, có thể ví dụ nhan nhản là sự quan liêu, hời hợt, và dối trá, sẵn sàng làm sai lệch trong quá trình dò tìm về với tổ tiên. Việc khảo cổ thì rất qua loa cẩu thả và… lãng mạn, thích dã sử huyền tích nhiều hơn là căn cứ thực. Mà cái sự qua loa cẩu thả này hình như có từ trong “gen” người Việt thì phải. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng có nói với tôi trong một lần lên chùa Bút Tháp, ông ấy bảo cái tượng cổ Việt Nam nào sau lưng cũng rất xấu, có lẽ người làm nó nghĩ rằng người ta chỉ cần mặt trước tượng để thờ cúng vái lạy, thế là đủ thì phải. Văn hóa cổ thì chẳng cần đi thật sâu thật kỹ cũng thấy ngay thực là luộm thuộm, và đơn sơ, ở trình độ thấp. Những giá trị văn hóa vật thể không bao giờ được đẩy đến sự hoàn thiện. Có một lý do để người thợ thủ công ngày xưa làm vậy là không ai làm giỏi vì sợ vua quan bắt đi phu đi hầu. Còn một lý do nữa là sự vay mượn cẩu thả cái của người làm của mình nhưng lại không đến nơi đến chốn. Điều này thì người ta cũng đã nói mãi rồi.

Nói thế để thấy là nay ta đối xử qua loa với những “thành tựu qua loa” ấy thì lại càng ẩu tả. Báo chí đưa tin có nơi còn bịa đặt ra cả di sản cha ông để làm hồ sơ xin công nhận di tích, rồi để lập dự án trùng tu kiếm chác. Giở ra phục chế thì làm cái gì cũng táy máy phá hỏng để làm lại. Thời phong kiến cũng đã có nơi người ta làm hồ sơ giả, thần tích bịa để xin sắc phong triều đình. Những chuyện đó bây giờ thấy vẫn y nguyên.

Tôi cho rằng vấn đề chính là cái “không gian văn hóa” đã mất đi, thì sự thiêng liêng trong không gian tâm thức của con người ta cũng không còn. Đi nước ngoài, tôi thấy người ta vẫn còn giữ được cái không gian văn hóa thiêng liêng này. Ở mình thì đã mất sạch, chỉ còn không khí được nhiều nhà nghiên cứu gọi thẳng thừng là không khí “mê tín dị đoan mang tính chất bầy đàn”.

Quá trình nghiên cứu – bảo tồn di sản, như tôi đã nói ban đầu, là một sự nghiệp lâu dài, phải có kiểm kê, vào sổ. Nghiên cứu về di sản không thể duy cảm, duy ý chí được. Nó phải được dẫn lối bằng một hệ thống lý luận đúng đắn và các phương tiện nghiên cứu hiện đại. Công việc đó đòi hỏi sự không tiếc tiền của, ý thức nghiêm túc, và tầm hiểu biết về lịch sử dân tộc của những người làm công việc ấy. Hiện nay do chúng ta mắc chiến tranh quá lâu, nên hầu hết nhân dân đã sao nhãng và mất nếp bảo tồn và tôn trọng văn hóa. Chưa kể, chúng ta không biết những nước xung quanh họ đối xử với văn hóa như thế nào. Luis Aragon có câu thơ rất hay tặng Enxa “Tất cả những gì về anh. Nhờ em anh mới hiểu”. Chúng ta quên rằng văn hóa Việt Nam là văn hóa ngã ba thế giới, nhiều yếu tố ngoại lai xâm nhập và tiếp biến từ trong lịch sử đến bây giờ. Quá trình tương tác với nước ngoài trong lịch sử xảy ra quá nhiều chuyện. Tôi thấy người nghiên cứu về sử Việt Nam ở nước ngoài, nếu là nghiên cứu cổ sử thì họ đều biết tiếng Hán. Còn nếu nghiên cứu về sử hiện đại thì họ đều biết tiếng Anh hoặc Pháp. Chứ không phải như ở ta, có hẳn một thế hệ “giáo sư, nhà nghiên cứu” mà nhiều người trong số đó chẳng biết ngoại ngữ tẹo nào.

Cá nhân tôi nghĩ rằng hoạt động bảo tồn phải được nhà nước bảo trợ mạnh mẽ. Đáng nhẽ chúng ta phải xấu hổ vì nhiều công trình văn hóa của mình lại do người nước ngoài bảo tồn hộ. Nếu ta không giữ nhà của ta cho khỏi đổ, thì chẳng ai đủ tốt để đến giữ hộ ta đâu. Tôi nghĩ đây là công việc thiêng liêng, không được và không nên tính toán tiền nong. Bởi nếu tính toán thế thì tội cho tổ tiên quá. Mang bán rao bán dạo tổ tiên như thế thì là rất dở. Nếu làm văn hóa mà vụ lợi thì nó sinh ra nhiều thứ khác bệ rạc theo… Như tôi vừa nói, muốn quay trở lại với những vốn cổ thì phải dùng kiến thức và phương tiện khoa học hiện đại. Bởi vì tất cả nghề thủ công dùng để phục chế bảo tồn hay trong sản xuất hiện nay cái gì cũng kém đi. Cộng với tâm lý vội vàng nôn nóng là không ổn. Các cụ ngày xưa rất kỹ tính, cơm không chín kỹ, dưa không ngấu là không ăn. Con người bây giờ cứ vội vội vàng vàng làm sao. Chúng ta hiện nay thiếu cái nhẫn nại để làm người, thiếu khát vọng làm cho con người chúng ta trở nên hoàn hảo. Nhiều người chỉ thích sống để hưởng thụ, điều ấy làm mất đi giá trị riêng của từng cá nhân. Chủ nghĩa thực dụng nôn nóng này ảnh hưởng đến văn hóa, đến cả cách dạy con cái của chúng ta…

Trong khi nhà Phật dạy chúng ta cuộc sống là một sự chịu đựng, và chúng ta phải bình tĩnh chịu đựng. Thì chúng ta đi đến đình chùa đền hiện nay để “hối lộ thần thánh”. Hối lộ để ta tạm quên đi sự hẫng hụt trong trí tuệ và tâm thức. Thế mà nói rằng đó là “nét đẹp văn hóa” thì rất là buồn cười. Đình chùa nhiều nơi bây giờ cũng chỉ là nơi không gian dung tục. Mà ở không gian xấu, bẩn, người ta như được khuyến khích làm chuyện bậy, nghĩ bậy. Thế nên cá nhân tôi nghĩ là cái “ca” này khó gỡ lắm, chưa có cách giải. Có chăng là chỉ tìm cách đặt lại vấn đề nhận thức về văn hóa và di sản cho rõ và đúng hơn cái đã. Các nhà văn hóa nên đặt lại cách làm văn hóa, cách đối xử với người xưa, với lịch sử. Chứ không nên làm một cách báng bổ với người xưa như bây giờ. Phải gióng một hồi chuông với bộ não số đông rằng mình đang rất cẩu thả với tổ tiên trong khi cứ nói với người nước ngoài rằng chúng tôi yêu kính tổ tiên và truyền thống lắm. Thực ra điều đó là không đúng, chưa nói đến chuyện bịp bợm. Mặt khác, đi tới cùng nền văn hóa, đi tới cùng con người Việt, thì thấy người xưa các cụ cũng “dị mọ” lắm.

Tôi chỉ ví dụ như chuyện ở làng Đông Hồ, làng làm tranh dân gian nổi tiếng quê tôi, nơi tôi chứng kiến từ bé những nghệ nhân giỏi, nhưng chỉ mải rượu chè và bốc phét. Đến khi làm thì vì túng thiếu, vì để thời gian đi uống rượu nên sẵn sàng đánh mất nghề, đánh mất “thương hiệu”. Nhưng hiểu và biết vậy không phải để chúng ta chê bai và khinh thường cha ông. Thái độ phải đạo là hiểu và biết cha ông như vậy là để từ đó dậy lên lòng thông cảm mới đúng. Chúng ta đang làm xói mòn lòng yêu di sản của công chúng, đó là cái tội của người làm nghề văn hóa chúng ta đây, bằng nhiều những công trình ẩu. Ngay cả từ điển tiếng Việt chẳng hạn, tôi cũng thấy người ta xào xáo mới bậy chứ. Chúng ta phải đối xử với di sản văn hóa như là học trò với thầy giáo. Vừa thiêng liêng tôn kính, vừa thông cảm. Đó là hai cánh cửa, hai tiền đề đúng để dẫn lối cho chúng ta tìm lại được chính những giá trị gì đã sinh ra chúng ta và bảo toàn được sức sống dân tộc cho đến bây giờ.

(*) Quen biết với độc giả báo TT&VH từ lâu với chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh, dùng lời người xưa để phân tích tâm tính của người Việt và văn hóa Việt, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đồng thời là một độc giả thường xuyên của chuyên mục Báo động từ vốn di sản. Nhân Hội thảo với chủ đề Để di sản “sống” trong đời sống đương đại do báo TT&VH tổ chức (xuất phát từ dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản trên TT&VH Cuối tuần và Vietnam News Sunday), vừa diễn ra sáng ngày 22/9 vừa qua tại Cà phê Tri thức (Hà Nội), ông đã gửi tới bài viết tâm huyết. Xin được lược đăng (tít bài do TT&VH đặt).

TT&VH Thứ Tư, 30/09/2009

16/10/2009

Bột phát hồn nhiên

Filed under: Thói hư tật xấu — vương-trí-đăng @ 06:49

“ Người Việt chúng ta sống ở trong nhịp điệu trong thanh âm nhiều hơn trong tư tưởng. Tâm lý ấy có giống với tâm lý trẻ con. Trẻ con thường vẫn ca hát luôn miệng mà chẳng mấy khi quan tâm đến ý nghĩa lời ca “.
“ Văn hóa Việt Nam quý ở phần tình cảm hơn phần tư tưởng, ở phần tiềm thức hơn ở phần hữu thức “.
Hoài Thanh đã viết như vậy trong bài Có một nền văn hóa Việt Nam (1946)
Năm 1951, trong tập sách nhỏ Mấy vấn đề nghệ thuật gồm mấy chục trang mỏng, in bằng trên dó, – và sau này không thấy in lại nữa – Nguyễn Đình Thi cũng nhấn mạnh tính hồn nhiên tự phát của văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn theo ông, âm nhạc ta thiếu hẳn phần hòa âm là phần đòi hỏi trí tuệ. Với ông, lục bát như con sông miên man chảy, nó dễ tràn bờ, và thường phung phí sức lực.
Lùi về trước nữa, những Trần Trọng Kim,Phan Khôi, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên … đều đã viết về phương diện này của tính cách Việt với tinh thần phê phán. Rằng chúng ta nông nổi nhẹ dạ. Ta dễ dãi chấp nhận của người mà không lo tìm lấy tư tưởng của mình. Ta có ngay cách tháo gỡ mỗi khi gặp nước bí, nhưng lại rơi vào bế tắc trong những sứ mạng lớn. Riêng hai câu thơ Tản Đà “ Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con “thì khi đã vào sâu trong trí nhớ ai, nó ở hẳn đấy không ra nữa, bởi ai cũng giật mình thấy đúng.
Mặc dù trong lý lịch trích ngang, Kiều là nhân vật lấy từ một truyện Trung Hoa song khi cần nhắc đến một nhân vật văn học “ đặc chất Việt Nam “ người ta gọi tên Kiều. Tại sao ? Tôi nghĩ ở đây các thế hệ bạn đọc không sai. Nhà có hoạn nạn, chẳng tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, Kiều chỉ khóc lóc rồi đòi đi bán mình. Lời khuyên Từ Hải ra hàng là cả một trọng tội … Tất cả chỉ vì Kiều đặt tình cảm lên trên mà thiếu hẳn sự suy tính cần thiết trước mọi diễn biến cuộc sống.
Trong một bản dich cuốn Trung Hoa đất nước con người ra tiếng Việt, tôi đọc thấy Lâm Ngữ Đường viết rằng nếu cần tổng quát về đức tính của người Trung Hoa, thì đó là công thức “sự ưu việt của tâm linh chiến thắng hoàn cảnh vật chất“. Nhưng ở một bản dịch khác,câu trên lại chuyển thành “phần nhiều những tính cách của người Trung quốc được xây dựng trên nền tảng tri thức khá vững vàng “. Tiếp đó người ta giải thích thêm “ người Trung Hoa là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới”. Họ “ biết chiến thắng hoàn cảnh vật chất bằng sự ưu việt của trí tuệ “, hay nói cách khác,“trong văn hóa Trung Hoa, sự tôn trọng trí tuệ và tầng lớp trí thức trở thành một hằng số văn hóa “.
Tôi không có bản gốc để kiểm chứng song giữa hai bản dịch, thấy tin ở bản thứ hai hơn. Người Trung quốc đặt trí óc vào công việc trong khi chúng ta đặt vào đó tình cảm. Cách cư xử như Tố Hữu viết“ Trái tim lầm chỗ để trên đầu “ không chỉ đúng với nhân vật nàng Mỵ Châu trong truyền thuyết xưa mà đúng với người Việt nói chung, ngay trong sinh hoạt hàng ngày lẫn cả khi cần giải quyết việc “quốc gia đại sự “. Đặc biệt là mãi đên hôm nay học thuật của ta vẫn ngoi ngóp tẻ nhạt không sao trở thành một thứ tự ý thức sáng suốt đồng hành với mọi tiến bộ xã hội.
Đành nghĩ đó đã là cái bản sắc cái trình độ riêng của mỗi giống người, không phải bỗng chốc thay đổi được.
Sự vô tâm – đúng hơn sự hạn hẹp của tầm nhìn, sự dễ dãi trong thích ứng, sự ngại ngùng biếng nhác trong suy nghĩ,- tất cả những biểu hiện đó làm hại tới sự phát triển. Dù rất thiện chí thì cũng phải nhận như vậy. Thế nhưng đáng lẽ phải xót xa lo lắng thì đằng này vẫn xảy ra một tình trạng ngược lại. Nhiều người thích lý tưởng hóa cái thói quen trẻ con đó. Họ không tìm cách nâng mình lên để phù hợp với nhu cầu mà sẵn sàng để sự nông nổi níu chân. Và “ – ma đưa lối quỷ đưa đường – lại tìm những chốn đoạn trường mà đi “, câu Kiều xưa vẫn có sức ám ảnh như một tiếng sáo tiền kiếp.
TT&VH 26-6-07

12/10/2009

Món nợ tiền chiến

Filed under: chuyen cu van chuong — vương-trí-đăng @ 14:44

Những người theo dõi báo chí Sài Gòn trước 1975 hẳn còn nhớ mấy chục năm trước nhóm Sáng Tạo (với Mai Thảo, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền…) đã từng có một cuộc thảo luận mang tên Nhìn lại Văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam. Đại khái ý định của họ là muốn phủ nhận, muốn chê bai, muốn biến những Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Trần Huyền Trân trở thành những số không… to tướng.

– Nghệ thuật tiền chiến là một thứ nghệ thuật của những rung cảm hời hợt giả tạo.

– Cái không khí thời đại mà người ta sống bấy giờ thực sự là ngớ ngẩn.

– Có những người coi nghệ thuật tiền chiến là một thứ mẫu mực hiện đại mà trớ trêu thay, đó là thứ nghệ thuật chỉ cần một biến động lịch sử cách đây vài chục năm đã như lùi xa hàng bao thế kỷ.

Ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến trên thực tế, đã phai tàn. Không khí của đời sống hiện tại, của ý thức nghệ thuật hôm nay đã đốt cháy tất cả những gì thuộc về nghệ thuật ấy.

Muốn quên ai đi, tức là đang nhớ tới người đó”. Nghịch lý tình cảm đó, không chỉ đúng trong lĩnh vực yêu đương mà đúng cả trong văn hoá. Đằng sau những câu nói “nói lấy được” của mấy cây bút trong nhóm Sáng Tạo, người ta dễ đoán nhận ra một sự thực khác: họ hiểu tiền chiến là một giá trị, và họ thấy cần phải vượt qua cái giá trị đó.

Muốn vỗ nợ, chính là một cách công nhận rằng có nợ, mà nợ khá lớn, nợ không trả nổi nữa.

Có một cách khác để ghi nhận món nợ, là nói về nó thật rõ ràng, thật sòng phẳng. Ngay ở Sài Gòn trước 1975, cũng đã nhiều người có thái độ như vậy, với văn học tiền chiến. Chẳng hạn như thái độ của Vũ Hạnh.

Trong một bài viết đăng trên Bách khoa số 180, ra ngày 1-7-1964 vừa được in lại trong cuốn Tự lực Văn đoàn, con người và văn chương (Hà Nội – 1990), Vũ Hạnh đã nói về những biến chuyển của tình cảm nơi ông đối với Nhất Linh. Khi sùng bái, khi nghi ngờ, nhưng rút cục, cả trong hành động có vẻ như vô thức, ông vẫn cảm thấy ảnh hưởng của một nhân vật như Dũng nói riêng, ảnh hưởng của Nhất Linh nói chung đối với mình là to lớn. “Tôi chịu ơn anh”, đấy là lời thú nhận của Vũ Hạnh đối với Nhất Linh, nó cũng là bằng chứng về món nợ tiền chiến, mà người ta đoán rằng Vũ Hạnh không bao giờ phủ nhận.

Cuốn sách Tự lực Văn đoàn, con người và văn chương chỉ bao gồm một ít tài liệu liên quan đến mấy anh em nhà Nguyễn Tường và Khái Hưng. Còn lâu mới có thể nói là nó bao quát hết các tài liệu về Tự lực Văn đoàn nói chung. Vậy mà bấy nhiêu trang viết của Hồ Hữu Tường, Thế Uyên, Đinh Hùng, Dương Nghiễm Mậu v.v… in ở đây đã lên tới gần 200 trang. Nếu tính tổng số chữ nghĩa mà những báo, tạp chí như Văn, Văn nghệ, Bách khoa, Vấn đề, Khởi hành… ở Sài Gòn trước 1975 đã dành để bàn tới văn học tiền chiến, nếu tính tổng số bản in, tổng số trang sách của các nhà văn, nhà thơ tiền chiến do các nhà xuất bản ở Sài Gòn (trong đó phải kể đến một nhà như Hoa tiên, chuyên về sách trước 1945) đã in ra, phải nhận món nợ tiền chiến từng được xem là lớn đến như thế nào và đã bao người đã gắng gỏi một cách tuyệt vọng để thanh toán món nợ đó như thế nào! Trong cuốn sách Văn thi sĩ tiền chiến, sau khi bảo rằng giai đoạn từ 1925 đến 1940 là “thời đại hoàng kim của văn học sử Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Vỹ không ngại nói rõ thêm: “Nó – cái thời vàng son ấy – chói lọi trong huyền mơ của một dĩ vãng luôn luôn còn hiện tại. Không có người chết. Chỉ có người vắng mặt”.

Từ 1986 trở về trước, việc in ấn lại văn học 1930-1945 ở Hà Nội chỉ bó tròn trong một vài tuyển tập, trước hết là Ngô Tất Tố, Nam Cao, sau có mở rộng ra đến Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng v.v… rồi các tiểu thuyết Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp, và một vài tập truyện ngắn khác. Với các nhà nghiên cứu lúc ấy, món nợ tiền chiến hình như chả có là bao.

Từ 1987 trở về đây, đột nhiên việc in lại tác phẩm tiền chiến bừng lên như một đợt sóng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê lần đầu tiên được xuất bản lại thành những tập thơ riêng. Thơ Nguyễn Bính khỏi phải nói “mà treo giải nhất chi nhường cho ai”, trở thành phổ biến chẳng khác gì những Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… vẫn được bày bán khắp chợ cùng quê từ xưa đến nay. Đôi khi, người ta thấy một cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng, của Nhất Linh hoặc một tập truyện ngắn của Hồ Dzếnh được mấy nhà xuất bản cho ra mắt bạn đọc cùng một lúc. Trong rừng nho của Ngô Tất Tố, hoặc Trên đường sự nghiệp, Cái thủ lợn của Nguyễn Công Hoan, Nhà nho của Chu Thiên… nhưng cuốn sách vì lý do này hay lý do khác tuởng sẽ không ai ngó ngàng tới, nay cũng đã được tái bản. Sau hết, những công trình nghiên cứu như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại cũng tìm thấy “giấy thông hành” đến với các tủ sách để góp phần làm cho văn học tiền chiến phong phú hơn về thể loại và hoàn chỉnh hơn trong sự phát triển.

Với việc “trở lại với đời” của hàng loạt tác phẩm, văn học tiền chiến đang trình ra trước mắt bạn đọc toàn cảnh chưa bao giờ đầy đặn đến vậy.

Trên phuơng diện xuất bản, món nợ coi như là đã được xác nhận đàng hoàng. Người ta chỉ còn chờ đợi những đánh giá có tính chất tổng kết của các nhà văn học sử, cũng như những thú nhận của những người làm nghề cầm bút như trên đây vừa trích dẫn. Có thể là những công nhận như Nguyễn Vỹ, Vũ Hạnh. Có thể là những phủ nhận như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Nhưng có hề gì? Có muôn ngàn cách khác nhau để nói về một món nợ, nữa đây lại không phải nợ thường mà là nợ nần về mặt tinh thần tình cảm, nợ nần trong lĩnh vực văn hoá.
(Chuyên cũ văn chương 2001)

10/10/2009

Cái còn lại sau bất lực là ảo tưởng

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 16:43

Sách Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng có đoạn viết về một sự việc xảy ra thời Trịnh Doanh :
Doanh để tâm xem xét mọi việc, đặt ống đồng ở cửa phủ, cho ai có việc gì, hoặc bị oan khuất, được bỏ thư vào đó, cứ năm ngày một lần trình lên chúa. Nhưng sau đó điều tra lại những điều dân chúng mật cáo quan lại tham nhũng, thấy phần nhiều không đúng. Một viên quan là Lê Trọng Thứ, cha Lê Quý Đôn khải rằng : Lòng người ngày nay khác xưa, yêu ghét khen chê chưa chắc đã công bằng cả … Nếu muốn phân biệt hay hèn, thì nên cho trình bày bằng lời nói, thử tài bằng việc làm, khảo sát thực tế bằng công trạng, chứ không nên làm lối cáo giác bí mật, vì chỉ tăng thêm cái tệ kèn cựa nhau “.

Theo ngôn ngữ hiện đại, trước mắt chúng ta là một quá trình dân chủ, nhà cầm quyền muốn được nghe ý dân để tiện quản lý xã hội. Nhưng người dân không đủ tư cách. Họ làm hỏng nó một cách hồn nhiên. Đằng sau thất vọng về một sáng kiến là nỗi thất vọng chung về những con người.
Sự tình nói trên vốn không phải là câu chuyện riêng của thời Lê Trịnh. Vài nhà viết sử đôi khi từng đưa ra khái niệm dân chủ ở nông thôn. Nhưng các công trình nghiên cứu kỹ càng hơn cho biết làng xóm người Việt chủ yếu do các dòng họ thao túng,cái gọi là dân chủ ở đây chỉ làm phép. Bản thân người dân không đủ trình độ tham gia công việc của cộng đồng.Thường họ chỉ nhìn ra rất nhanh cái gì có lợi là trụ bám thật kiên trì để giành phần hơn ngoài ra sẵn sàng dửng dưng chây bửa. Không ai bảo ai mà tự nhiên ai cũng tự nhủ trốn được việc gì hay việc ấy. Cha chung không ai khóc, ngại đóng góp vào việc chung đã thành một lẽ sống. Những cuộc bàn cãi ở làng xưa thường diễn ra vô nghĩa, nhiều khi những ý kiến lăng nhăng tùy tiện lại trở thành tiếng nói cuối cùng.
Đây cũng là tình trạng chi phối xã hội. Càng sống càng tiếp xúc với thiên hạ, các thế hệ nối tiếp đặt ra cho mình biết bao hoài vọng. Song sự nhân từ nhiều khi lại là một cách “diệu” nhất để khuyến khích lười biếng, sự tin cậy biến thành chỗ dựa cho dối lừa, và lòng tốt thì không bao giờ đủ sức đương đầu với thói vụ lợi. Cứ thế biết bao sáng kiến bị chôn vùi, các phần tử tinh hoa càng cục cựa càng sầy vẩy và cảm giác bất lực đến cả với những người còn rất trẻ.
Học là gì? Nói cho gọn, học là cách con người muốn sống một cách có ý thức, muốn vượt lên những tầm thường dại dột để tự đào tạo, để bản thân trưởng thành mà xã hội ngày một thịnh trị. “Người mình ai cũng ham học “, một nhận xét như thế đã thành câu cửa miệng. Nhưng nhìn kỹ thấy quan niệm chung về học lại quá sơ sài, người ta chỉ cầu nhàn và bằng lòng dừng lại ở những kiến thức sơ đảng. Ham học nhất chỉ là những người muốn đi làm quan. Chuyện sôi kinh nấu sử cũng như quên mình thi cử rút cục là động tác của kẻ muốn có mảnh bằng để gõ cửa quan trường, còn như con người ham học ngày càng mất hút.
Dân tộc nào thì cũng vậy thôi, bi kịch chung của nhân loại là sự phân ly thường trực giữa nguyện vọng và khả năng thực tế. Nhưng ở người Việt, tấn bi kịch này có một sắc thái riêng mà câu tục ngữ Miệng khôn trôn dại đã nói được gần đủ. Thế nào là đẹp thế nào là hay nhiều khi không phải ta không biết. Nhưng còi cọc yếu ớt, con người lý trí ở ta nhanh chóng bị con người bản năng tầm thường kéo lùi trở lại. Miệng thì khôn mà trôn thì dại, ta bị cuốn vào những hành động tầm thường hư hỏng. Để tan vỡ mọi ước ao. Để trôi tuột khỏi tay mọi cơ hội.
Sau bao bất lực, con người có nản lòng cũng không lạ. Một sự bi quan bao trùm dai dẳng. Nó ngấm sâu vào tâm trí, nó âm thầm di truyền, và trong một ít trường hợp hiếm hoi làm nên sự biết điều, sự nhẫn nhục rất đáng vì nể.
Song phổ biến hơn, là sự xuất hiện thường trực của ảo tưởng.Ta sẵn sàng khoác cho những công việc bé nhỏ những ý nghĩa đâu đâu. Những mỹ từ thật kêu được lạm phát để phong tặng cho những con người và đồ vật loàng xoàng. Khái niệm sáng tạo bị hạ giá. Nhiều người trở nên thích làm bộ làm tịch phô trương khoe mẽ. Họ sống như diễn trò. Họ kỳ công tìm kiếm và khoác cho mình những danh hiệu hão hiền chỉ cốt lừa mị chung quanh. Thói sĩ diện đang được tha bổng vì ngày một phổ biến.
Khi đi vào nông thôn VN,cả các nhà xã hội học lẫn các nhà văn hiện đại từng ghi lại một hủ tục : người Việt ở các làng xóm thường hám danh. Họ sẵn sàng dốc tiền cả đời dành dụm và bán nhà bán cửa để mua nhiêu mua xã; sau một lần khao vọng đẩy vợ con đi làm thuê.
Còn tệ làm hồ sơ giả để vinh danh cho quê hương thì kéo dài đến hiện nay, xưa là xin sắc chỉ vua ban và ngày nay là xin bằng di sản văn hóa. Lúc này cái gì người ta cũng sẵn sàng làm, sự dối trá bao phủ khiến cho thiện chí và ảo tưởng chỉ còn hiện ra với bộ mặt thảm hại.
TT&VH 22/9/07

06/10/2009

Tại sao tật nói ngọng ngày một phổ biến?

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 08:19

(TBKTSG) – Nhân chuẩn bị cho một cháu nhỏ trong gia đình thi vào trung học phổ thông, tôi có đi hỏi thăm vài người về chất lượng các trường trong phạm vi thủ đô. Tới trường X, một trường lâu năm và ở ngay trung tâm thì được kể:
– Ồ cũng như mọi nơi, xập xệ lắm. Một cô giáo đang dạy lớp 11 ở đó còn nói ngọng l/n.
Nghe mà buồn! Nhưng cũng nhân đấy, có dịp hiểu thêm về tình trạng nói ngọng hiện nay. Là nó đã quá phổ biến. Trong khi vẫn coi việc nói đúng là một tiêu chuẩn để đánh giá một con người hay một đơn vị văn hóa, người ta cũng đã bắt đầu quen với sự bất lực.
Nói ngọng đang bành trướng. Nó xâm nhập tới những nơi xưa nay không được phép bén mảng tới. Đã không ngăn chặn nổi nó thì thôi chung sống với nó vậy, người ta tự nhủ. Ví như bảo anh chị em bên truyền hình là không được đưa người nói ngọng xuất hiện trước màn hình thì có lẽ… nhiều chương trình sẽ bị cắt bỏ.
Khi chê trách sự nói ngọng, nhiều người đã nói tới việc giảng dạy ở các nhà trường. Nhưng có lẽ cũng nên nghĩ tới những nguyên nhân sâu xa hơn. Đang có một sự dễ dãi chi phối thái độ con người hôm nay đối với ngôn ngữ và sự giao tiếp nói chung, đầu mối là ở đấy chăng.
Bình là một đồng nghiệp trẻ mà tôi quen gần hai chục năm nay. Từ nông thôn lên, đẹp trai, thông minh, hội nhập rất nhanh với đời sống đô thị. Chỉ tội một nỗi không sao sửa được bệnh nói ngọng. Nhiều lần đang nghe Bình nói rất hay chợt nghe anh pha vào chỗ lầm lẫn l/n, tôi cứ cảm thấy câu chuyện không còn ra làm sao. Chúng ta sẽ rủ nhau mà đi xuống mồ với cái sự ngọng vĩnh viễn như thế này chăng?
Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Tôi thử tìm về nguồn gốc xuất thân, tức là chất trai quê của anh bạn. Nhưng rồi tôi nghĩ lại. Bình lên Hà Nội theo con đường đàng hoàng là học đại học, vào làm cơ quan nhà nước, hàng ngày tiếp xúc với bộ phận tinh hoa của xã hội. Vậy không thể đổ cho nói ngọng là tại “trình độ thấp” được.
Vả chăng nay là lúc không chỉ người các tỉnh lên Hà Nội nói ngọng mà chính ở nhiều lớp người thủ đô cũ cũng có hiện tượng “lại gạo”, mắc thêm nhiều lỗi ngọng mới, tức là đánh mất sự trong sáng chuẩn mực trong ngôn ngữ của mình. Mạnh mồm khái quát lên một chút, liệu có thể nói tới một căn bệnh thời đại? Tôi muốn đi theo hướng ấy.

Từ thói quen nói ngọng người ta thường viết sai chính tả. “… Sông sâu chớ NỘI”!!!
Lần lại trong trí nhớ và nhất là soát lại các trang sách đã đọc, thấy thời trước con người trầm tĩnh kỹ lưỡng bao nhiêu, thì ngày nay cả ở Nam lẫn Bắc, cả nông thôn lẫn đô thị, người ta sống xô bồ, dễ dãi bấy nhiêu. Sự chuẩn mực bị coi thường. Mà sự tinh tế thì nhiều khi bị mang ra chế giễu.
Phải quê quê một chút, phải cục mịch một chút mới ra vẻ thức thời. Cái lối nghĩ ấy theo sát chúng tôi suốt từ những năm thủ đô giải phóng (1954) và kéo dài mấy chục năm ròng. Đến nay đã có căn bệnh mới, là bệnh khoe giàu, khoe giỏi, khoe trí thức (giả), song dấu vết của căn bệnh cũ vẫn còn dai dẳng.
Nhìn vào một ngành có liên quan nhiều tới chữ nghĩa và tiếng nói là ngành văn chương mà tôi làm việc mấy chục năm nay. Bước sang thời buổi thị trường không ai ngồi trau chuốt một câu một chữ nữa. Viết bừa viết ẩu. Sai câu. Sai chính tả. Chỉ cùng một ý mà mấy lần lặp đi lặp lại… Bấy nhiêu căn bệnh không gì khác chính là những biến dạng của sự phi chuẩn trong văn hóa giao tiếp. Mang danh chuyên nghiệp đã thế, còn nói chi tới những người dân thường.
Dạo này chúng ta hay nói tới sự phá hoại môi trường sống của cộng đồng. Ngôn ngữ cũng là một yếu tố thuộc về cái môi trường mà chúng ta đã chểnh mảng bừa bãi trong đối xử. Văn hóa giao tiếp của chúng ta đang xuống cấp. Công cụ giao tiếp vốn đã cổ lỗ lại đang mòn sờn hư hỏng. Nó kéo xã hội phát triển chậm lại và làm cho cuộc sống thêm bề mệt mỏi khó chịu. Tôi muốn đặt căn bệnh nói ngọng của chúng ta trong tình trạng suy thoái của văn hóa giao tiếp như vậy. Một lần tôi nghe Bình bảo:
– Giá kể biết thế nào là ngọng thì em sẽ sửa được ngay. Đằng này, chẳng ai bảo em thế nào là đúng thế nào là sai cả, sai đúng sao cũng được. Lại có mấy ông ngôn ngữ học “nửa mùa” bảo ngọng là phương ngữ, từ đó làm nên tính đa dạng của ngôn ngữ cộng đồng. Thế thì còn biết đằng nào mà lần!
Tôi cảm nghe trong câu than phiền của người bạn trẻ một lời oán trách thầm lặng. Xã hội đã không tạo ra cơ chế tốt để giúp các công dân của mình duy trì các chuẩn mực trong giao tiếp, cũng tức là giúp mọi nói năng viết lách ngày một hay hơn chính xác hơn, còn người có sai lầm cũng sớm biết cách mà từ bỏ cái sai.
Tôi nhớ tới một cách giải quyết ở nước ngoài. Từ 1635, nước Pháp đã lập ra một viện hàn lâm với nhiều ông hàn chuyên lo soạn từ điển và cầm cân nẩy mực về mặt ngôn ngữ. Bao giờ thì chúng ta mới có những viện hàn lâm với đúng nghĩa đích thực như vậy? Hay là, trong sự biến động hỗn loạn của tiếng Việt, rồi những ai có ý định làm ông hàn cũng chắp tay lạy để xin chuyển ngay sang ngành khác.
saigon times online 6/10/09

04/10/2009

Tìm hiểu thực trạng nghiên cứu văn hóa VIỆT NAM hiện thời và một đề xuất cụ thể

Filed under: NGHIEN CUU VAN HOC — vương-trí-đăng @ 02:12

Xã hội Việt Nam đang trong một quá trình phát triển tự phát mà thiếu vai trò hướng dẫn của trí tuệ, của nghiên cứu khoa học.  

    Quá trình hiện đại hóa đã được khởi động từ đầu thế kỷ XX, nhưng lúc đó đất nước đang còn là một xứ thuộc địa, cộng đồng chưa trải qua một cuộc tự nhận thức thực sự mà mọi dân tộc bước vào thời hiện đại phải trải qua ( so với Trung quốc, chúng ta chưa có một phong trào có tính chất bước ngoặt như cỡ Ngũ tứ vận động 1919). Tiếp sau giai đoạn chiến tranh nặng nề, đến giai đoạn hiện nay,  chúng ta chỉ lo đuổi kịp thế giới bằng mọi giá, nhiều vấn đề chiến lược không được đặt ra, đúng hơn chỉ đặt ra chiếu lệ.  

Thiếu sót đến ngay từ quan niệm  

1/ Trong cuộc vận động tiến tới Cách mạng tháng Tám, một trong những thành viên của mặt trận Việt Minh là Hội văn hóa cứu quốc. Tới 1948, còn có Đại hội văn hóa toàn quốc. Nhưng sau đó, Hội văn hóa bị giải thể thay vào đấy là những hội văn nghệ, hội sử, các hội khoa học kỹ thuật … Từng hội hoạt động rời rẽ riêng biệt. Con người nhà văn hóa trong các trí thức bị đẩy lùi xuống, thay vào đấy là vai trò người chiến sĩ.
     Thay cho văn hóa chỉ thấy nhấn mạnh tư tưởng (là phương diện mà người Việt vốn yếu nhất và hầu như là đi vay mượn từ nước ngoài )
     Văn hóa là tất cả cái phần làm nên giá trị của một dân tộc. Nghĩa của văn hóa rất rộng. Văn hóa là cái cách sống cách quan hệ với thiên nhiên, cách làm ăn sinh sống ( văn hóa nông nghiệp, văn hóa cư trú …); là các hoạt động tinh thần ( văn hóa tôn giáo, văn hóa dạy dỗ giáo dục con người ). Lại có văn hóa quyền lực, văn hóa hành chính, văn hóa quan hệ đối ngoại. Có văn hóa ý thức ; có văn hóa thể chế ; có văn hóa vật chất. Văn hóa bao trùm lên cả kinh tế chính trị pháp luật … Nhưng một cách hiểu như thế hiện không thông dụng.

      Trong thực tế, cách hiểu về văn hóa ở ta hiện triển khai theo hai hướng :
      Một là đẩy nó lên thành một cái gì trừu tượng, và mọi người kính nhi viễn chi, bằng lòng với những ý niệm chung chung.
     Hai là thu hẹp văn hóa trong các hoạt động tâm linh, chủ yếu là phần sáng tác thơ văn và một ít thành tựu nghệ thuật như sân khấu âm nhạc, các phong tục, các lễ hội. Thực tế là nhiều khi văn hóa bị hạ xuống một thứ “ cờ đèn kèn trống”, nặng về vai trò tô điểm cho một đời sống nặng nề và không thấy triển vọng thay đổi.

      Có thể nói do chúng ta không hiểu văn hóa, mà việc nghiên cứu văn hóa đân tộc bị hạn chế và nhiều mặt để ngỏ .

2/ Trong khi được hình dung một cách trừu tượng chung chung , đồng thời văn hóa được quan niệm như một cái gì nhất thành bất biến. Lịch sử phát triển của nó không được chú trọng, không cần tìm hiểu. Quá trình văn hóa Việt Nam trở thành một cái gì đơn điệu, trở đi trở lại, tẻ nhạt.
      Con người ở ta bị tách rời ra thành một cái gì chơi vơi không chằng không rễ, không thấy mình có những mối liên hệ với thời gian và không gian (theo nghĩa rộng của những từ này) . Trong khi luôn miệng nói phải nhớ tới quá khứ, thì chúng ta lại thiêng liêng hóa nó một cách vụng về, làm cho nó –quá khứ– mất đi ý nghĩ lẽ ra phải có.

     Lịch sử dân tộc rút lại chỉ là lịch sử chính trị, quân sự — lịch sử cứu nước giành lại đất nước – mà không phải lịch sử dựng nước , tức là lịch sử hình thành cá nhân và tổ chức xã hội, lịch sử văn hóa.
   Văn hóa dân tộc rút lại  với nhiều người  chỉ còn là cái gì mơ hồ, việc nghiên cứu quy về những lời ca tụng chung chung, sáo rỗng, không thuyết phục được ai. Đây cũng là một biểu hiện khác của việc không hiểu thế nào là văn hóa, không thấy sự chi phối của nó với đời sống .

3/ Một căn bệnh nặng nề khác của hoạt động nghiên cứu văn hóa vài chục năm gần đây, khiến nó dừng lại ở trình độ thô sơ: tính vụ lợi.

    Tính vụ lợi có nghĩa là chỉ xem cái gì có lợi trước mắt thì làm, dù là về lâu dài nó có hại cũng mặc kệ. Nó là con đẻ của tình trạng khó khăn kéo dài , khiến cho người ta chỉ biết tới một tầm nhìn hạn hẹp. Chưa nghiên cứu đã khai thác. Việc vận dụng “ lấy xưa phục vụ hôm nay’’ được làm quá thô thiển.
    Đã có lúc chúng ta đã đặt chân tới cách hiểu đúng nhưng rồi lại từ bỏ. Chúng ta thường xuyên lấy điều mà ta mong muốn thay cho sự thực.
    Đây là một đoạn quan trọng trong bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam mà nhà mác – xít Trường Chinh trình bày tại Đại hội văn hóa toàn quốc 1948
    Ông cha ta, hàng chục thế kỷ, học tàu viết Tàu, nghĩ theo cách Tàu ; pháp luật mô phỏng Tàu ;học triết học Tàu theo lễ giáo Tàu, về tín ngưỡng theo cả Tàu và Ấn ; khoa độc lập học không tiến ;nghệ thuật âm nhạc kém phát triển ; lối ăn mặc ở hủ lậu bảo thủ thiếu khoa học .
   Nói theo cách nói hiện nay, Trường Chinh đã nhấn rất rõ và rất chính xác  chất vay mượn phụ thuộc” second hand” của văn hóa ta.
     Nhưng những nhận định như thế, nay bị bỏ qua. Đoạn trích nói trên là dẫn theo văn bản Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam năm 1948 . Trong các lần xuất bản về sau, cái ý tưởng sáng suốt này bị làm nhẹ đi, lảng tránh, coi là ngẫu nhiên không quan trọng. Trong các tài liệu chính thức, kể cả trong các nhà trường, chỉ thấy nhấn mạnh điều ngược lại rằng “ nước ta có một nền văn hóa phát triển rực rỡ độc lập không kém gì bất cứ nước nào “ và công thức này được nói đi nói lại, không cho phép ai dám sai trệch; nó ràng buộc mà không mở đường cho sự suy nghĩ tiếp.
      Hoạt động nghiên cứu văn hóa lê lết trong một tình trạng trì trệ .

4/ Trong quá trình phát triển, quan hệ của Việt Nam với thế giới nói chung cụ thể là  quan hệ với khu vực có nhiều khía cạnh không bình thường. Khi nói về mình, chúng ta không đặt mình vào sự phát triển của thế giới. Sự hiểu biêt của chúng ta về các dân tộc khác suốt trường kỳ lịch sử quá đơn sơ và bị thành kiến nhiều đời chi phối .
  Mối quan hệ văn hóa nước ngoài vốn có một vai trò quan trọng sống còn với mọi quốc gia , nhưng ở ta do tình trạng chống ngoại xâm liên miên , nên vấn đề tiếp nhận bị gán cho  nhiều tội lỗi. Trong chiến tranh tình trạng này  có cái lý của nó. Song nó cứ thế kéo dài mãi. Cho đến trước hội nhập , xu thế chi phối  trên phạm vi vĩ mô là một xu thế tự cô lập và đến nay trong thực tế lúc nào cũng bảo nhau hòa nhập mà không hòa tan. Thực tế là vấn đề hội nhập văn hóa không được xử lý thích đáng.
    Trong thực tế, xảy ra tình trạng lưỡng phân . Một mặt, ta cứ học đòi bắt chước, tiếp nhận không thiếu thứ gì. Mặt khác, nhìn chung lại thì vẫn là làm ăn luộm thuộm không đâu vào đâu, cái hay không tiếp nhận  mà nhiều khi lại mang về cái dở.
    Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới  tới kết quả tai hại là hạn chế luôn việc hình thành nên một cái nhìn chính xác về dân tộc. Dân ta thường cho rằng người ngoài ta không hiểu ta, chỉ ta mới hiểu ta ( thậm chí có người cho rằng không phải người Việt thì không sao hiểu được người Việt văn hóa Việt )
     Việc thiếu một phương pháp luận đúng đắn, ở đây là thiếu điểm nhìn đúng, khiến cho nghiên cứu văn hóa không đạt tới trình độ khoa học cần thiết.

5/ Khoảng những năm ba mươi của thế kỷ XX, đã có cuộc thảo luận về Quốc học, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Lý do là vì tự ta cũng thấy văn hóa của chúng ta yếu nhất là phần học thuật .
    Từ hồi đặt vấn đề hội nhập, nhân tố văn hóa có được nói tới nhiều. Song nó chỉ được quan niệm như một cái gì khiến chúng ta khác người. Vì mục đích thiển cận nào đó ( chẳng hạn để kêu gọi du lịch ), tính độc đáo bị tô vẽ quá đáng.
   Khi nghiên cứu văn hóa mang nặng tính cách vụ lợi, nó đã phát triển theo những phương hướng cổ lỗ và sai lệch như vậy.
    Nhiều người nước ngoài cũng biết điều đó. Tại Hội thảo quốc tế về Việt nam học lần II (2004), Oscar Salemink, bộ môn Nhân học Xã hội, ĐH Tự do Amsterdam (Hà Lan) cũng phải kêu lên đại ý : Nhiều người Việt Nam luôn luôn nói văn hoá Việt Nam khác với văn hoá các nước khác. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, so sánh với văn hoá các nước khác thì có rất nhiều biểu hiện giống nhau. Trước những nhận xét như thế thông thường là ta lảng tránh.
     Sự hạn chế trong tiếp cận và so sánh, đã không giúp ta hiểu ta tốt hơn.

Những khó khăn đã đến  với người nghiên cứu
văn hóa Việt Nam ở trong nước hiện nay

    Theo chúng tôi, khó khăn lớn nhất của việc nghiên cứu về VN hôm nay là chúng ta xuất phát  từ một quan niệm thiển cận về văn hóa như trên vừa trình bày. Những lý luận  mới mẻ và đầy sức thuyết phục về văn hóa , từ lâu đã hình thành ở các nước phương Tây, nay được giới thiệu kỹ càng rộng rãi ở Nga và Trung Hoa lục địa, thì ở xứ ta vẫn còn xa lạ.
      Với  sự thiển cận kéo quá dài, các khó khăn càng chồng chất.
     Một đặc điểm cũa xã hội VN là cái gì cũng có, nhưng cái gì cũng không đạt chuẩn mực. Chúng ta không có thành thị tuy qúa trình đô thị hóa đang diễn ra ồ ạt, bừa bãi. Chúng ta không có các trường đại học theo đúng chuẩn mực quốc tế — và không biết bao giờ có nổi, trong khi đại học đang được mở ra đại trà.
    Hoạt động nghiên cứu văn hóa cũng vậy.
    Trong khi văn hóa Việt Nam rất được đề cao, thì các thiết chế nghiên cứu lại chưa hình thành .
     Về mặt phương pháp, văn hóa dân tộc chưa được nghiên cứu như một thực thể thống nhất mà bị chia nhỏ cắt khúc ra thành nhiều mảng rời rạc .
      Nếu biết rằng đây cũng là tình trạng thấy ở khoa học xã hội Nga thời xô viết và ở Trung Hoa đại lục từ 1976 trở về trước, thì người ta có thể yên tâm rằng tình hình không thể khác được.
      Chính những người phương Tây – xin được nói thẳng như vậy — lại đi đầu trong việc nghiên cứu VN như một toàn bộ. Thuật ngữ Việt Nam học được du nhập từ nước ngoài vào. Cho tới những năm tám nươi của thế kỷ XX, thuật ngữ này vẫn không được công nhận.
      Gần đây tình hình thay đổi, giới khoa học xã hội trong nước muốn làm nhưng lại không có người biết nghiên cứu. “Các nhà Việt Nam học “ nội địa thường chỉ được hiểu là các nhà nghiên cứu từng ngành riêng rẽ được gộp lại theo phép cộng đơn giản.
       Đã có các cuộc Hội thảo quốc tế về VN học (1998 và 2004 11-2008) , nhưng từ đây, lại thấy nổi bật lên một hiện trạng đáng xấu hổ:
       Trong hoạt động nghiên cứu cụ thể, các nhà khoa học nước ngoài làm tốt hơn người trong nước. Sự hơn này là ở mọi mặt. Họ cần cù. Họ có công cụ tốt. Nhiều người Nhật người Mỹ nghiên cứu Việt Nam đọc được cả các văn bản bằng chữ Hán cổ (là điều càng ngày càng ít nhà nghiên cứu VN làm nổi) .
      Họ làm công tác nghiên cứu với tinh thần khoa học thực sự chứ không biến đây thành công tác tư tưởng. Họ không bị ràng buộc bởi những cấm kỵ.
       Trong lúc chúng ta quen nói về tình trạng thống nhất thì họ nói về những vùng văn hóa khác nhau tồn tại lặng lẽ trong lịch sử . Trong lúc chúng ta chỉ thích nhấn mạnh sự độc lập với Trung Hoa cổ thì họ vạch rõ chúng ta đã học đòi và dễ dãi với mọi sự bắt chước xoàng xĩnh. Với một thứ chữ nôm mà chúng ta tự hào, có nhà khoa học Nhật đã gọi là một thứ bánh vẽ, việc sử dụng có nhiều bất tiện.
       Điều đáng tiếc là những công trình nghiên cứu này không được giới thiệu đầy đủ vào Việt Nam. Trong những trường hợp may mắn đươc giới thiệu thì theo lối cắt xén và tìm mọi cách hạn chế tầm tác dụng. Thường chúng bị giam lại trong những cuốn sách in với số lượng hạn chế mà không có được khả năng thâm nhập mạnh mẽ vào xã hội để thúc đẩy một sự đồng cảm và đi tiếp .

Một việc có thể làm ngay  

        Đời sống tinh thần của xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp mà người ta chỉ có thể hiểu được và gỡ rối được nếu trở lại với cả quá khứ của dân tộc. Nói như B. Russel “ Đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại “ ( sử học nói ở đây hàm nghĩa là việc nghiên cứu văn hóa nói chung).
        Gần đây đã có bạn trẻ thắc mắc vì sao sinh viên nước ngoài đến VN thì được học những khóa trình về văn hóa VN, mà sinh viên VN thì không.
       Nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho việc này. Tự nhận thức chưa trở thành một nhu cầu của xã hội. Người biết nghiên cứu và có khả năng nghiên cứu không có. Trình độ của ngành khoa học xã hội trong nước quá thấp và không dễ gì thay đổi.
       Thậm chí không ai dám tin là sắp tới có một cơ chế nghiên cứu thích hợp tương xứng phần nào với đòi hỏi của tình hình.
       Đã có lúc chúng tôi đi tới ý nghĩ là phải “ quốc tế hóa “ công việc tức là dựa chủ yếu vào thành tựu của giới nghiên cứu nước ngoài. Song lại cũng biết ngay là điều này đi ngược với thói quen suy nghĩ của người đương thời và chắc chắn là chưa thể làm được trong thời gian tới.
        Trước mắt chỉ xin có một đề nghị cụ thể, là cần lập ra những trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam học( tối thiểu là một, càng có nhiều càng tốt). Các trung tâm này có nhiệm vụ thu thập tất cả những gì người trong nước và nước ngoài đã viết về con người và xã hội Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Có một phần là nguồn từ sách báo người Việt viết ở Sài Gòn trước 1975 và các trí thức đang sống ở hải ngoại. Phần khác bao gồm từ thư tịch cổ của người Trung Hoa, sổ tay nhật ký của các nhà buôn các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam các thế kỷ trước, sách báo viết về Đông dương của người Pháp ( kể cả các viên chức hành chính cấp cao, những “ thực dân cáo già “ như chúng ta vẫn nói ) cho tới các công trình nghiên cứu đang hàng ngày hàng giờ xuất hiện trong các trường đại học ở Mỹ và Nhật, Úc và Hà Lan. Thu thập các tài liệu đã có cập nhật hóa nó bằng cách đưa lên mạng … việc này đòi hỏi nhiều công phu, nhưng vẫn là dễ làm nhất và nên được xem là cú hích mở đầu cho một quá trình tự nhận thức mà nếu không tiến tới một cao trào thì xã hội Việt Nam không bao giờ tạo ra được một bước ngoặt trong sự phát triển . 

5/08 chỉnh sửa,bổ sung 12/09
 V T N

02/10/2009

Một quan niệm đơn sơ về thế giới

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 13:45

Sự đơn điệu nghèo nàn là cảm giác chính còn lại trong Nhất Linh sau khi dự Hội chợ hàng VN 1934 mở ở Nhà Đấu xảo Hà Nội
Trong bài tường thuật trên Phong Hóa số ra 30-11-1934,người đứng đầu văn đoàn Tự Lực viết :
”Mấy gian hàng Hải Dương Nam Định vẫn như mọi năm không có gì tiến bộ.Thăm gian hàng Trung Kỳ, người ta cảm thấy như sống lùi lại mười năm trước bởi chỉ có ít đồ gỗ nét chạm non nớt.Đồ đồng của ta có lẽ nghìn vạn năm nữa không thay đổi. Từ cái thau cái mâm cho đến cái đỉnh thứ nào cũng nguyên như cũ, hình như đổi mới nó đi là một cái tội vậy. Đồ sứ Bát Tràng men trông cũng khéo, chỉ tiếc rằng kiểu không đẹp. Phần nhiều là bắt chước Tàu.“.
Những nhận xét này có thể áp dụng cho toàn bộ thế giới đồ vật mà Việt sáng tạo ra để phục vụ đời sống của chính mình. Một đôi dép để đi ư ? Ở Bắc bộ, nó chỉ là một chiếc mo cau hoặc miếng da, có thắt một nút trồi lên vừa để xỏ một ngón chân. Trong khi người dân nông thôn xưa chỉ đi chân đất thì một đôi dép như thế còn là xa xỉ, và chỉ những dịp hội hè người ta mới dám sử dụng. Một cái diều ư? Chỉ là mấy tờ giấy phết vội trên mấy nan tre. Một cây sáo ư, chỉ là một ống tre có khoét mấy lỗ sơ sài. Nếu chúng ta biết rằng trên thế giới này, không chỉ Trung Quốc Nhật Bản mà cả các nước phương Tây những cái diều bộ sáo có cấu tạo phức tạp tinh vi như thế nào thì người ta phải tự trách rằng sao dân mình dễ bằng lòng với những gì làm ra,tức dễ dừng lại trên đường sáng tạo đến thế.
Thời nay, khi làm hàng xuất khẩu, người mua các nước cũng thường chê hàng Việt mẫu mã đơn giản, có học lỏm được cái gì của người khác thì cũng chỉ loay hoay ở vài cái lặt vặt mà không biết khai thác hết những khả năng đa dạng có thể có.
Chẳng những chúng ta rất ít phát minh mà nhìn vào cái đã phát minh ra, thấy không vượt khỏi tình trạng bột phát ban đầu. Các ý tưởng không được hoàn thiện và đẩy tới cùng. Nguyễn Văn Vĩnh sớm nói thẳng là trước khi học của nước ngoái, những cái nhà của chúng ta quá trống trải và chẳng có gì mà bày, ghế giường bàn tủ dáng dấp nặng nề, nếu cố trau chuốt thì lại phô ra một mỹ cảm cầu kỳ vụn vặt.
Ở đồng bằng bắc bộ, ngoài nghề trồng lúa nước, gần như không có nghề làm vườn. Các giống vật nuôi trong nhà không đặc biệt, như con chó Vịệt, đặc tính chính của nó là sự tầm thường. Không có con đường làng nào là thẳng, con đường nào cũng cong queo vẹo vọ.
Tự bằng lòng với cuộc sống tự nhiên của mình ở các làng quê, người Việt gần như từ bỏ khả năng tổ chức lại cuộc sống một cách có suy nghĩ ở các đô thị.
Cho đến cả trong cách tổ chức xã hội, trí tưởng tượng nghèo nàn cũng níu kéo chúng ta lại.
Thần thánh trong các truyện thần thoại cổ tích của ta quá gần người và cũng nghèo như người, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Còn những ước mơ của chúng ta thì sao ? Ngày xưa, bao chàng trai bỏ làng ra đi chống ngoại xâm, rút cuộc “ súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa “ ( thơ Nguyễn Đình Thi ) mơ ước lớn nhất là quay về làng tiếp tục đi cày và cưới được cô thôn nữ.
Còn hôm nay,có một câu chuyện dân gian đang được lưu truyền rộng rãi. Một thanh niên Nhật hỏi người Việt cùng tuổi với mình là mơ ước gì thì được trả lời là mơ ước có cái Honda để đi, nhà có cái tủ lạnh Hitachi, cái máy giặt Sanyo để dùng. Nói chung là ao ước dân Nhật xài đồ gì thì mình có đồ đó để xài.
Còn người thanh niên Nhật khi được hỏi lại chỉ nói gọn một câu là ước sao giỏi giang hiểu biết để thực hiện được tất cả những ước mơ của các bạn Việt cùng tuổi.
Câu thơ của Chế lan Viên “ Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con “ không chỉ đúng với con người thời tiền chiến mà đúng với người Việt gần như suốt thời quá khứ,không chỉ con người bình dân mà cả những tầng lớp tinh hoa.
TT&VH 19-6-07

Blog tại WordPress.com.