VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

17/06/2010

Năm ngày trên đất Đài Loan

Filed under: DU LICH,Khác — vương-trí-đăng @ 08:49

Năm ngày trên đất Đài Loan

(Nhật ký du lịch)
22-5
Chỉ có mười người, lại toàn người già, năm mươi, sáu mươi, người già nhất đã tám mươi ba – đó là tình trạng của đoàn đi Đài Loan chúng tôi lần này. Du lịch Đài Loan quá mới mẻ và chưa hấp dẫn? Có thể thế lắm.
Sau này hỏi thêm, tôi được biết trừ vợ chồng tôi, các thành viên trong đoàn đều đã đặt chân trên rất nhiều xứ sở, có người đã đi tới 20 nước. (more…)

30/10/2009

Đi du lịch bụi Trung Quốc (4)

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 05:53

Tây An
26-9
Đi xe lửa từ chiều sang hôm sau mới tới Tây An. Trên đường đi tôi lấy cuốn sách viết về bộ luật Hồng Đức ra đọc. Bài viết về hoàn cảnh lịch sử thời Lê sơ của tác giả Nguyễn Hải Kế rất khá. Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, đã thấy thời đầu nhà Lê đánh xong quân Minh giống y như VN hôm nay sau chiến tranh.
Thăm khu lăng mộ.
Nghĩ đến Tây An là nghĩ ngay đến Tần Thủy Hoàng và Binh mã dũng ( chữ dũng có chữ nhân đứng đằng trước, ở đây chỉ người, các loại quan lại và thợ )
Tượng vị hoàng đế có công thống nhất Trung Hoa, trông hơi dữ, nhưng đúng là tượng trưng cho nước Trung Hoa lúc còn đang ở núi, chứ chưa ra biển đang từ Tây chứ chưa sang Đông.
Chúng tôi ngợp giữa cung cách một cuộc triển lãm thế này. Đồ sộ quá.
Ảnh Đăng chụp không được nhiều vì ánh sáng trong nhà khó làm nổi hình. Chỉ có điều Đăng không quên nhận xét, anh trông kìa, trong tư thế xếp hàng nghiêm chỉnh thế kia, mấy anh lính đít móp, chắc là đã mỏi mệt lắm. Sự anh hùng nào cũng phải trả giá. Và chiến công có mặt trái của nó.
Chúng tôi đã có kinh nghiệm đến một thành phố nào của Trung quốc, nếu không biết làm gì, cứ hỏi đến Công viên thành phố, cũng có khối cái đáng xem.
Đến Tây An cũng vậy. Chiều nay chúng tôi lại bị mê tơi bởi cảnh đá.
À tí quên, ở bảo tàng Binh mã dũng, đã thấy có những cây thông, mà bóng trải rộng như một ngôi đình ở ta.
Đến công viên Hưng Khánh lại gặp mấy cây như vậy.
Tây An chỉ có thành quách nhà cửa, không giỏi về làm vườn, cỏ trồng nhếch nhác, nhiều đám hủi cùn hủi cụt, nghệ thuật trồng trọt ở đây không thể so với mạn Giang Nam được mà ngay so với Thành Đô cũng thua.
Một kỷ niệm của buổi chiều nay, tốp các chị em tập múa ngay ở khoảng đất rộng lối vào công viên. Họ thật tự nhiên và hào hứng với hoạt động nghệ thuật nghiệp dư của mình.

29-9
Tới bảo tàng lịch sử Tây An, nhớ nhất là bức phù điêu đặt ở gian giưã, một vẻ đẹp thô khỏe, tượng trưng cho nước Trung Hoa thời Tần Hán
Một trong những chủ đề trưng bày—mối quan hệ TQ với vùng Trung Á. Đây là thời nước Trung Hoa chưa là quen với biển.
Ở Bảo tàng đã thấy nói nhiều tới con đường tơ lụa. Lúc ra ngoài phố, thấy có những bức tượng lớn—tượng một đoàn người với lạc đà đang đi. Tôi bảo với Đăng — cả Thành Đô hay Tây An cho thấy một TQ trước khi tiếp xúc với Tây phương, họ đã là một cái gì hoàn chỉnh lắm. Nhưng họ cứ thấy chưa đủ. Người TQ luôn khao khát tiếp xúc với nước ngoài, và biết trân trọng những gì thiên hạ mang lại cho mình.
Còn ta thì sao? Đây là một chủ đề mà tôi theo đuổi từ lâu. Chẳng hiểu sao đầu óc tôi từ nhỏ có một sự ưu ái riêng với cái đề tài này. Nhưng đọc vào sử xưa, thấy người mình rất ít ghi chép về chuyện này, mà người ngày nay cũng không hề tìm đọc. Mây năm trước, lúc còn làm xuất bản tôi đã biên soạn cuốn Đi tầu đi tây…, nhưng rồi kế hoạch bỏ dở.
30-9
Bọn tôi định đi Lạc Dương nữa nhưng sắp quốc khánh TQ, mua vé khó, đành nhờ người mua vé máy bay giá rẻ từ Tây An về thẳng Quảng Châu. Buổi sáng hôm qua ra đi trong sự nuối tiếc, định đến thăm tháp Đại Nhạn mà không kịp, chỉ từ xe bus nhìn vào mà tự nhủ mình vô duyên quá, không biết bao giờ mới trở lại được nữa.
( Trên xe từ sân bay về thành phố, bọn tôi còn được cháu Phương giảng thêm một nơi nữa bỏ qua là khu vực Hoa Thanh, có cái đầm lớn là nơi Dương Quý Phi đã tắm. Ờ, hôm ở trên ấy cũng nghe mang máng là Hoa Thanh trì nổi tiếng lắm, nhưng không nghe ra chuỵện DQP. Vả chăng, đến thăm nhiều di tích quá lắm lúc thấy quá khả năng tiêu hóa của mình. Chính ra còn phải đi chơi phố Tây An nữa, lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể xem trong ảnh được, chứ không khí đường phố, không tự mình trải qua thì đọc ở đâu được)

Ở trọ một ngày ở khu Thiên Hà, Quảng Châu.. Có lúc Đăng bảo, đến đây lần thứ hai không thấy náo nức như lần đầu nữa. Nhưng có lúc lại bảo, có lẽ nếu đi TQ một mình thì chỉ có thể đi Quảng Châu, nó có cái gì rất gần mình và dễ hiểu với mình.
Tôi cũng tự trách mình, ít bỏ thời giờ đọc sách về cái xứ Lưỡng Quảng này. Văn minh núi Ngũ Lĩnh, thành Phiên Ngung xưa lẽ ra tôi phải biết , nếu muốn qua TQ hiểu VN như vẫn thường tự dặn mình.
Sau khi đi qua nhiều hiệu sách TQ, thấy hiệu sách Tân Hoa ở Quảng Châu mà tôi thường qua, chính ra là loại tốt nhất. Ở đó, tôi thấy một ngăn sách mới mà các lần trước không có hoặc tôi không biết—sách nghiên cứu về văn hóa.
Tôi mua thêm được một cuốn từ điển mới – Từ điển địa lý nhân văn do người Mỹ biên soạn, nhà Thương vụ cho dịch.
Ở bến xe Quảng Châu tối 30-9, người ngồi chờ xe tràn ra cả các vỉa hè nhiều phố. Toàn công nhân TQ về nghỉ Quốc khánh của họ. Chỉ tuyên Quảng Châu – Bằng Tường là không có khách loại này.
VTN

Đi du lịch bụi Trung Quốc (3)

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 04:31

Thành Đô
21-9
Từ Thành Đô lên Cửu Trại Câu. Đường núi, sau trận động đất năm ngoái, còn ghê rợn về những hậu quả mà nó đẻ lại. Thấy TQ còn khối v/đ về những vùng sâu vùng xa. Nhưng cũng thấy người TQ từ lâu đã biết sống với núi.
Núi làm cho đầu óc người ta trở nên phóng khoáng. Núi cho phép người ta biết rằng ngoài chỗ người ta đang ở, còn cả thế giới; núi xui người ta hướng thượng, vượt lên trên đời sống hàng ngày.
Nhớ lúc sang thăm VN thời chiến tranh, một nhà văn Đức là Peter Weiss ( nghe mọi người đọc là Pi-tơ Vai- xơ) đã kêu lên là ở đây cái gì cũng sát mặt đất.
Gần đây, nhân chuyện Trường Sa Hoàng Sa, người Việt bắt đầu nhận ra người Việt mình ít sống với biển.
Hóa ra không chỉ có thế, nhìn lại lịch sử, người mình cũng không sống bao nhiêu với núi. Sợ núi nữa. Trước 1945 mà nói phải bỏ lên rừng kiếm ăn là liều lắm.
Ra nước ngoài, gặp chỗ nào thấy khó thấy khổ là nhớ nhà. Tự nhủ: “ A! họ cũng có chỗ như mình.” Một sự an ủi. Điều này tôi học được từ Nguyễn Minh Châu thời kỳ trước sau 1980. Hồi ấy đi Liên xô phải qua Ấn Độ rồi theo Trung Á bay ngược lên. Ông Châu kể, một lần đi ở chỗ sân bay gặp một đống đất. À Tasken rồi, chủ nghĩa xã hội thì chỗ nào mà chả xây dựng.
Ngày hôm nay, tôi đi 400 cây số trong 12 tiếng đồng hồ, luôn luôn xe phải đi vào mép đường, mấy lần tắc đường ( tổng cộng hai lần dài nhất đã thành ra tới gần hai tiếng đồng hồ).
Người khác đi du lịch để biết về người. Tôi cảm thấy cái sự biết ấy cũng khó lắm, cưỡi ngựa xem hoa thì được mấy đâu. Điều chắc chắn hơn, đi để tạo ra khoảng cách với nơi cũ mà so sánh.
Tôi nhìn người TQ ở một khoảng cách gần hơn và tôi lại nhớ nhiều về người mình. Trước một cảnh tắc đường, Đăng bảo cứ như dân mình thì tắc cả ngày, vài ngày. May dân ở đây chỉ thu xếp với nhau hơn tiếng là đi được.

Có lẽ nếu rỗi một trong cuốn sách cuối đời tôi phải viết là viết về mối quan hệ người Việt thông qua những điểm đối chiếu là người nước ngoài. Những điểm đối chiếu này tôi tìm thấy trong sách vở và sau những chuyến đi. Có thể tôi còn ít kinh nghiệm. Nhưng tôi tin rằng cái hướng nghĩ của tôi là đúng.

Trên đường vào Tứ Xuyên, cả ông bạn Nghĩa và Đăng nhắc nhiều đến xứ Ba Thục trong Tam quốc, và, chẳng hạn, cái vùng đất xảy ra những trận chiến “ thất cầm thất phóng Mạnh Hoạch”.
Tôi nhớ nhiều hơn tới thơ Đường, đầu tiên là nhớ câu thơ của Lý Bạch — Thục đạo nan, nan ư thướng thanh thiên, rồi đến mấy câu tuyệt cú của Đỗ Phủ:
Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu
Nhất hàng cô lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền
Đăng bảo, đến đấy rồi anh phải chỉ cho em Tây lĩnh.
Nhưng đất nước Trung Hoa bao la, Tứ Xuyên thôi cũng đã bao la, làm sao chỉ được.
Trước khi vào Cửu Trại Câu, qua huyện lỵ, thấy một cửa lớn trên có dòng chữ Tùng Sơn Đại Đường.
Đám trẻ con người dân tộc đen nhẻm nhem nhuốc, nhưng hơn hẳn trẻ con VN ở chỗ đứa nào cũng có đôi giày dưới chân. Đường bụi. Một đứa trẻ thấy người lớn lau kính cũng lau kính. Ở một chỗ khác, hai đứa trẻ thi nhau xúc đất.
22-9
Đi theo kiểu tự động, lo lấy, học theo Tây ba lô là chính song thỉnh thoảng bọn tôi cũng nhập vào một tốp du lịch nội địa Trung quốc. Họ có vẻ cũng hay bàn tán trước sự xuất hiện mấy người lạ VN.
Tôi còn nhớ được mấy câu hội thoại học được từ hồi lớp sáu , nên thỉnh thoảng cũng bắt chuyện. Ở chỗ riêng tư, mọi người có thể nói thẳng với nhau nhiều điều. Dân du lịch TQ thường hỏi tôi, sao đi du lịch TQ, tôi bảo tôi muốn hiểu TQ để hiểu VN. Tôi tạm khái quát “Con đường VN đến với thế giới thông qua Trung quốc”.( Một công thức như thế giờ nói ra ở VN chắc hơi khó chấp nhận, nhưng chết nỗi, có cảm tưởng đó lại là sự thực.)
Hai người hỏi tôi về sông Mê Kông. Tôi hiểu họ có những quan ngại. Thời gian tới, quan hệ giữa các dân tộc phụ thuộc nhiều vào việc giải quyết nguồn nước. Nay không chỉ các nhà lãnh đạo mà dân thường cũng biết vậy.
Một khẩu hiệu đọc ở Tùng Sơn Đại đường Kẻ đứng vững sẽ khỏe, kẻ khỏe sẽ đứng vững (dịch từ chữ ban Tự lập gia cường, tự cường gia lập)
Cửu trại câu, rừng sâm lâm ( rừng sâu) gợi cảm giác về một cái gì nguyên thủy. Không có con người, thiên nhiên vẫn tạo ra được sự cân xứng riêng. Cây mọc thẳng lạ lùng.
Làng người Tạng. Từng ngôi nhà đều tăm tắp. Cả bản cùng một màu sơn. Có vẻ sơn cùng một đợt. Các nhà được cả cộng đồng lo, không có chuyện ai lo nhà ấy.
Như thế kể cũng buồn. Thực ra thì cái ngây thơ là tẻ nhạt đơn điệu và đáng buồn. Tôi càng ngày càng tin rằng các cộng đồng trưởng thành nhờ elite – giới tinh hoa
Nhớ hôm lên Lệ Giang, trên cánh đồng cỏ rộng theo đúng nghĩa của một thảo nguyên, cạnh ô tô của mấy tay chơi phố xá là mấy con ngựa thuê của thổ dân.
Hôm nay, lúc qua một cánh đồng khô cạnh trại, tôi gặp một đám đàn bà quây quần thành một vòng tròn. Chắc là sắp hát múa gì đây
Cuộc sống nguyên thủy có cái đẹp riêng và rất hấp dẫn với con người hiện dại.
Nhưng tự nó cuộc sống đó không tự khai thác để trình ra bộ mặt của mình trước thế giới. Phải có ánh sáng hiện đại. Chắc chắn tổng công trình sư của CTC phải là một người Hán.
Chỉ có văn hóa hiện đại mới khai thác được văn hóa nguyên thủy.
Đăng kể : Ở VN cũng có khu Cần Giờ, rừng cũng hoang vu kiểu nguyên thủy thế này, mà không làm sao tổ chức du lịch cho ra trò.
Một câu quảng cáo trên bảng lớn: Chỉ có một địa cầu—Chỉ có một Cửu Trại Câu

Trong các chuyến du lịch, nhìn đâu cũng thấy con người và mobile. Con người hiện đại lúc nào cũng đang trò chuyện với ai đó. Chỉ trừ trò chuyện với mình là họ bỏ qua. Tất cả quan tâm dồn vào cả đôi tay.
Họ quan hệ rất rộng và sẵn sàng kết bạn với những người mới quen. Nhưng bạn cũ thì họ quan liêu lảng tránh.
Hôm đầu từ Thành Đô lên Cửu Trại Câu, — có người dịch là khe chín trại –, bọn tôi được dự một buổi gặp mặt cộng đồng làm theo kiểu của các sơn trang. Đám cưới. Mọi người nhâm nhi gì đấy, hát. Rồi xuống sân, nhảy múa bên bếp lửa. Nhớ nhất là một cô gái vừa tiếp khách vừa hát, hát rất tự nhiên thấy như trong cô có biểu hiện tượng trưng của một vẻ đẹp hoang dại.
Trong buổi tối se lạnh như không khí rét ngọt HN, tôi thấy hơi say say – cái cảm giác mà hồi còn làm phóng viên nghệ thuật ở VNQĐ, tôi cảm thấy, trong những đêm theo mấy ông trên Cục dự tổng duyệt ở các đoàn văn công. Xem duyệt thường có cái thú vì gần gũi với diễn viên hơn nhiều, so với những đêm biểu diễn.
Hôm sau chúng tôi được dự một buổi ca múa tổng hợp chuyên nghiệp vé vào lên tới trên 100 tệ — cả hai buổi nói trên, vé phải trả là 260 tệ. Thấy xứng đáng. Các giọng hát nam cũng như nữ đều khỏe. Tình ca cũng khỏe.
Cái hoang dại ở thế giới thường khỏe mạnh cứng cỏi; ở ta hoang dại lại lả lướt yếu đuối.
Không khí lôi cuốn tôi tới mức tôi thường hát theo những dòng chữ ghi lời bài hát trên bảng điện tử. Tôi không sợ ai cười cả.
23-9
Đến HoàngLong,thú vị là ở cảnh suối chân núi chứ không phải đỉnh núi.
Không may cho bọn tôi là gặp mưa khi đang lưng chừng núi.
Nhưng nhờ thế tôi biết thói ham du lịch của người TQ. Năm giờ chiều, vẫn có những ông già tay cầm ô theo vợ con leo lên đỉnh núi. Có lẽ họ di từ xa tới, và chỉ ghé đây chiều nay đêm nay, mai lại phải đi rồi .
Họ lên từ phía chân núi mà tôi nói ở trên là cảnh đẹp nhất ở Hoàng Long.

Một điều may khác, gặp được trong chuyến đi này là tôi được các bạn TQ mà tôi mới nhập đoàn từ hôm trước giúp đỡ rất tận tình. Sheyu( Hán Việt đọc là Thạch Vũ), cô gái đi với mẹ, hai mẹ con chỉ có một ô. Gặp chúng tôi trú mưa vì không ô, tỏ vẻ ái ngại. Đến một trạm nghỉ phía trước, S. bảo mẹ ngồi đấy, lấy ô của mình và mượn thêm ô nữa là hai, quay trở lại đón tôi và cậu Đăng em tôi. Gặp mẹ rồi, S. trả ô đi mượn, hai mẹ con xuống núi trước, nhưng không quên dặn dò chúng tôi gì đấy. Vì nghe kém nên tôi không hiểu, nhưng tin chắc là dặn xem ai có ô mà đi một người, thì xin đi cùng. Qủa nhiên, lúc sau Huy, một thanh niên trong đoàn đến cho tôi ghé ô cùng về, Đăng thì lấy mấy cái túi ny lông to chụp xuống làm mũ che đầu.
Phụ nữ đi cùng đoàn với bọn tôi phần lớn to khỏe, mà tôi nói đùa là trông như ngựa cái cả một lũ. Hai cô từ Liêu Ninh xuống rất vâm, đội mưa mà chụp ảnh.
Riêng S., nhỏ bé như L. “của tôi” mấy năm 1971-73, lại có vẻ thùy mị nết na.
Trước đó, hôm 22-9, ở Cửu Trại Câu, tôi gặp một đôi bạn trẻ, một thanh niên trông rất trí thức đi chơi với người bạn gái của mình. Vừa lúc chúng tôi đến thì cô gái bảo bạn mình chụp cho cô cái cảnh cô đang lúi húi nhìn mặt nước, cái khăn vắt ở cổ cúi xuống trông rất có vẻ tạo hình. Cảm thấy cô là người có gu nghệ thuật. Trò chuyện với người bạn trai của cô, tôi nhận ra đó là một người thanh niên thông minh. Sau tôi hỏi mới biết cậu ta đã tốt nghiệp đại học. Họ đẹp đôi quá. Tôi bảo, các bạn là tương lai của đất nước Trung Hoa. Và tôi nói đùa, hôm qua bọn tôi cũng có một tuổi trẻ như các bạn, nhưng bây giờ thì không còn nữa.

24-9
Tôi đã nhiều lần ghi nhận cảm giác kính trọng đối với công việc của người Trung quốc với giao thông. Từ thời Tần Hán, họ đã biết dùng xe, và có khái niệm về đường xá.
Tôi nhớ lần từ Nam Ninh về Bằng Tường. Đường vùng núi biên giới mà đàng hoàng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Và lần lên CTC này, tôi chứng kiến một phía khác của giao thông TQ. Là đọ sức với thiên nhiên, bổ sung vào thiên nhiên một cách đàng hoàng nối thiên nhiên lại trong một hệ thống.
Từ Thành Đô lên CTC, qua Vấn Xuyên, tới khu vực xảy trận động đất 5-08, đường bị sạt cầu bị gẫy. Có những tảng đá cao to quá đầu người từ đâu bay về đặt ngay bên đường cho dân mê cảnh lạ chụp làm cảnh nền.
25-9
Có lần đọc nhật ký du lịch trên mạng của một cô gái, kẻ là đến Thành Đô, cô nghe nói đến Võ Hầu từ, nhưng không hiểu Võ hầu là ai, nên mặc không vào.
May quá chúng tôi còn nhớ Tam Quốc, nên vừa đến Thành Đô 5h chiều rồi còn theo xe bus đến bằng được nơi thờ Khổng Minh.
Hôm nay sau khi đến CTC, quay về, lại được dịp thăm một vài thắng cảnh trong nội thị .
Đến Vọng Giang lâu, hóa ra một cái lầu đặt giữa rừng tre nứa. Có nhiều bảng ghi chú, đề rõ, tre này mang từ Quảng Đông lên, tre kia từ Thanh Hải sang.
Nước mình vốn tự coi là xứ sở của tre nứa, nhưng bao giờ có được một công viên như thế này? Và liệu có ai nghĩ ra một công viên thuần chủng đặt ở phương bắc để dành cho một giống cây ở phương Nam?
Thăm Đỗ Phủ thảo đường. Nhiều tảng đá lớn được bài trí hợp lý, và nhất là được chọn kỹ, khiến mỗi thế đá là tượng trưng cho một con vật. Đăng được một bữa chụp mỏi tay.

Con người nới đây bạn bầu thân thiết với đá. Đá là một phần của đời sống, đá làm đường làm nhà trang trí cho vườn hoa đá có mặt bên con người và cây cỏ.
Trên đường về, nhiều chỗ thấy người ta chuẩn bị những tảng đá làm gạch lát đường, mỗi tấm đến phần tư cánh phản và dầy bằng độ dày viên gạch thông thường. Tưởng sau thiên niên vạn niên, những con đường này còn ngay ngắn. Đăng bảo hình như người Trung quốc luôn có khát vọng hoàn hảo.
Ở mình , sợ nhất là cái gì cũng mỏng manh, tạm bợ, cũng chóng hỏng.

Đi du lịch bụi Trung Quốc (2)

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 03:45

Nga Mi-Lạc Sơn

19-9
Trước khi đến Thành Đô, chúng tôi ghé lại ở Nga Mi. Từ Nga Mi qua thăm Lạc Sơn trước. Rất ấn tượng về những bức tượng cổ kỳ vĩ.
Ngoài cổng có hàng chữ rất to: Đông phương phật đô. Không biết ai đã mệnh danh Lạc Sơn như vậy, tiếc không xem được ghi chú bên cạnh.
Cũng như vậy thấy ở Nga Mi nhiều dòng văn bia, ví như tú giáp thiên hạ ( đẹp nhất thiên hạ), hoặc một dòng tiếng Anh ngọn núi số một ở thế gian.
Riêng mấy chữ Thiên hạ danh sơn thì thấy là có ghi người viết là Quách Mạt Nhược.
Ở nhà có lần Ng VănThành đã hỏi tôi tại sao không đọc gì về Phật mà toàn trở lại với Luận Ngữ, Trung Dung…
Đây là chỗ yếu của tôi, tôi biết. Nhưng tôi vẫn nhớ ở đâu đó người ta đã viết rằng người TQ tiếp nhận đạo Phật theo kiểu chân truyền với nghĩa nhà vua lúc ấy cử hẳn Huyền Trang“tây du”, ông này tự dịch kinh Phật. Đến những nơi như Lạc Sơn đây mới hiểu đạo Phật ở TQ ảnh hưởng sâu rộng đến đâu. Khi tiếp nhận tận gốc kỹ lưỡng rồi, người TQ đã làm cho đạo Phật có một khuôn mặt mới. Nghĩ tới một cuốn Lịch sử thâm nhập của Phật giáo ở TQ.(Chắc ai đó đã viết mà tôi không biết)
Nghĩ về trình độ khoa học của TQ. Họ tổ chức công việc thế nào khi dựng tượng Đại Phật, người tổng công trình sư đứng ở đâu để chỉ huy thợ, họ sẽ liên lạc với thợ ra sao?

Một hàng chữ lớn ở Nga Mi: Phật giáo thánh địa.
Lên Kim Đỉnh, đỉnh cao nhất ở Nga Mi, đâu trên 3000 mét. Bọn tôi đi vào một ngày thời tiết xấu, chả thấy gì cả, sau này đọc sách mới biết có cảnh mặt trời mọc, cảnh biển mây vây quanh, hết sức kỳ thú.
Lại nhớ năm ngóai đi núi Thái Sơn ở Sơn Đông, chỉ nhớ núi cao và giá lạnh, cùng là dấu vết của người xưa qua vài bức thư pháp. Ngoài ra không đủ cảm xúc để sống lại với lịch sử.

Có một chuyện vui vui. Hôm nọ ở Côn Minh, tôi đọc ở chỗ đi tiểu trong hiệu sách một khẩu hiệu đại ý tiến về phía trước mới là một bước đi nhỏ, trở nên văn minh mới là một bước đi lớn ( tiền tiến nhất tiểu bộ, văn minh nhất đại bộ)
Hôm nay ngồi trong toa lét ở Kim Đỉnh, tôi nhận ra người ta có gắn ở cửa một bảng nhỏ, viết bằng hai thứ chữ Hán và Anh, kể về lịch sử ngôi chùa trên Kim Đỉnh, đâu chùa được làm từ thời Đông Hán.Tôi chưa kiểm tra lại con số cụ thể, nhưng có lẽ đúng là như thế, chùa được làm lúc đạo Phật mới vào Trung quốc các khuôn mặt Phật ở chùa còn nhiều nét Ấn Độ; có tượng Phật cưỡi lên một con vật gì đó có vẻ là một động vật quen biết ở bên Ấn.
Chùa được xây dựng đơn sơ, đường nét thô, thường chỉ có ba pho tượng ở giữa, chung quanh trống trải. Sau thời Tần Hán đánh nhau quá trời, thời Đường Tống người ta muốn trở về một chút với thiên nhiên và hư vô. Đạo Phật càng được sùng bái từ đấy chăng?
20-9

Thức dậy ở chân núi Nga Mi, cảm thấy các thành phố nhỏ có cái vẻ êm đềm riêng của nó. Không nghe tiếng xe tải. Đi bộ ra đường. Chỉ có một tuyến xe bus lên trung tâm mà xe lâu lâu mới có, thế là chúng tôi lên một taxi, ba người cũng chỉ mất có 9 tệ. Thầm nghĩ giá kể đưa gia đình lên nghỉ độ một tuần ở đây cũng sống được. Tôi thích sống ở những thành phố nhỏ trên dưới triệu dân gì đấy, hơn là những “ tổ ong” khổng lồ.
Nghe nói lẩu Tứ Xuyên rất khá, nhưng chưa có điều kiện, chúng tôi chỉ hưởng tạm món mì. Mì đặt vào trong cái nồi gang(?) bê ra nóng bỏng cả tay.
Tiếp đó cả ba đi ăn quẩy. Một góc ngã tư, hai bà chưa già
lắm, nhưng người có vẻ cổ, người nặn quẩy sống bỏ vào rán, người cắt ra phục vụ khách. Có thể ăn luôn ở đấy, ăn với sữa đậu nành.
Nhiều người chỉ thích đi thăm các danh thắng, đến đấy chụp lấy cái ảnh rồi về. Tôi muốn đi đúng kiểu bụi, lang thang ở các phố xá. Thậm chí đôi lúc tôi cảm thấy nhập vào nước Trung Hoa cổ một cách tự nhiên hơn là nước Trung Hoa hiện đại.
Một điều đáng nhớ của buổi chiều Thành Đô—gặp một người Nhật. Ông ta đi một mình, vào một quán nhỏ ăn cơm chiều,
chỉ gọi một món, và có vẻ chưa thạo lắm, phải chỉ sang chỗ bọn tôi, ra ý nói rằng làm một đĩa đậu sào giống như bọn tôi. Một bài học về du lịch.

26/10/2009

Đi du lịch bụi Trung Quốc

Filed under: DU LICH — vương-trí-đăng @ 14:25

Côn Minh
15-9
Mấy lần trước chủ yếu đi theo sườn phía đông. Lần này, tôi sẽ đi theo sườn phía Tây TQ, để hiểu phần nào nước TQ cổ (Thành Đô,Tây An)
Thăm làng dân tộc ở Vân Nam. Ngay bên cổng ra vào là phần dân tộc Thái.
Tôi chưa qua Thái Lan. Đến làng Dân Tộc lần này, có cảm tưởng người TQ rất hiểu người Thái. Ngôi chùa rất to dựng lên ở đây cho tôi ý niệm người TQ làm gì cũng làm đàng hoàng, chùa to đâu gần như chùa thực (?) chứ không có cái kiểu vo viên lại, làm cho xong, chỉ đưa ra một thứ mô hình bé tí như của mình.
Ở HN, lâu nay muốn đi vào ĐNA, các nhà nghiên cứu của ta đều dựa vào tài liệu tiếng Anh. Trong khi đó TQ theo tôi biết TQ cũng rất hiểu về ĐNA. Người phát hiện Ăng co vat chẳng phải là người TQ là gì?

Văn hóa TQ tràn ra ngoài khuôn khổ xứ sở của họ nữa. Một nền văn hóa Trung Hoa ngoài lục địa, đó là cái mà tôi lâu nay thử phác họa mà không làm nổi.
Nhớ những chuyến đi Đông Nam Á. Đến Campuchia hay Malaissia, Singapore, muốn mua bán cái gì,
dùng tiếng Băc Kinh ai cũng hiểu. Chi trừ ở VN.
Chợt tự hói, có phải người Tầu bỏ quê ra đi, loại vượt đại dương là loại giỏi, còn loại chỉ đến mảnh đất cuối trời ở phương nam, tức là chỉ sang ta, hình như là loại xoàng hơn.
Lại nhớ họ đã làm An Nam dịch ngữ từ rất lâu, trong khi ông cha mình lúc ấy còn chưa có một chút ý niệm gì về từ điển cả.

Trong khu làng của người Thái, có những ao bèo hoa dâu to (hàng mẫu đất), bèo lên xanh và rất đều, rất thuần không pha một chút tạp chủng. Hình như tôi chưa gặp ở các làng xóm Bắc bộ một khu ao bèo nào đẹp đến vậy.
16-9
Đến Kim Điện, thấy một motiv ở đây là con trâu. Có cái cảnh con trâu
leo lên cái hũ rượu. Giá một chủ quán rượu nào đó ở HN phóng tác phẩm điêu khắc này to lên, đặt trước cửa hàng mình, có lẽ sẽ được khen là biết gọi ra quốc hồn quốc túy VN.
Lâu nay tôi thường đi tìm sự lặp lại của các motiv trống đồng ở các công trình văn hóa khác mà chưa gặp. Nay thấy ở Kim Điện một tác phẩm điêu khắc tạc cái cảnh mấy con trâu lượn trên mặt trống trên tang trống là mấy con hổ leo lên mà không được.
Một bức tượng đồng khác dựng lên cái cảnh nhà sàn, ngoài sân cũng thấy có một dụng cụ gì đó, như hình trống đồng tức là thót giữa, chứ không phải ở giữa phồng lên, như trống làng quê Bắc bộ.
Trước khi biết TQ bằng con mắt nhìn, chúng tôi đã biết TQ qua sách vở.
Cả tập Chinh phụ ngâm cho thấy người Việt có thể nôn nao thế nào khi nhắc tới các địa danh của Trung quốc.
Chế Lan Viên từng có câu bài thơ nói rằng chỉ nghe người thân
của mình về Dương Liễu thôn mà lòng đã thấy bồn chồn.
Chúng tôi hôm nay cũng vậy. Chỉ nghe nói tới nước Đại Lý là Đăng em tôi, cùng đi TQ với tôi hai chuyến 2008 và H2009, nhớ ngay đến Kim Dung. Trong Lục mạch thần kiếm – mà Đăng cho là hay nhất trong các bộ truyện của cùng tác giả –đã có nói tới nước Đại Lý. Và dĩ nhiên là Đăng thấy những gì được mô tả trong sách thú vị hơn trong đời thực.

Trong dư luận xã hội VN, TQ đang trở thành chủ đề bình luận.
Chỉ có điều người ta vội bàn mà không chịu tìm hiểu TQ một cách
nghiêm túc.
Ông Trần Đình Hượu là người nói ra cái nhận xét, mình sống cả đời với TQ, nhưng lại không có ai giỏi về Trung quốc, không có nhà TQ học thực sự, chứ đừng nói là đạt tầm cỡ thế giới.
Lẽ ra phải có ai đó viết cuốn sách Lịch sử và văn hóa Trung quốc, nhìn từ VN.

Dạo này hơi buồn là không mở được CCTV 4. Cái lạ của nước mình là có chuyện với ai lập tức nhắm mắt lại không muốn nhìn nhận người ta, tìm hiểu người ta nữa ( với người Pháp sau 1945 cũng vậy).
Lúc nào thích hợp sẽ nhắc lại với mọi người câu nói của chính khách Khuyển Dưỡng Nghị Nhật với Phan Chu Trinh: Có quan hệ với người ta ( dù là yêu hay ghét ) thì phải tìm hiểu người ta chứ? Sao lại không học tiếng Pháp?

Blog tại WordPress.com.