VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

28/03/2009

Ráo hoảnh

Filed under: phiem luan — vương-trí-đăng @ 03:51


(TBKTSG) – Thuở chưa có cân bàn, các chợ ở xứ ta chỉ dùng một loại cân thô sơ, gồm một cái cần có khắc hoa thị và có một cái đĩa nhỏ. Tôi nhớ một câu đố vui “Có cây mà chả có cành – Từ gốc đến ngọn rành rành những hoa – Người bán thì bảo rằng già – Người mua thì bảo thực thà còn non” và câu giải đúng là “cái cân”.

Những ngày này thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến câu đố cổ đó, không phải để suy nghĩ về tư duy kinh tế của người mình, mà cốt ghi nhận một xu hướng trong giao tiếp.

Là hình như nay trong nhiều chuyện chẳng biết thế nào là đúng sai nữa. Tranh cãi nối tiếp tranh cãi. Ai cũng sẵn sàng bẻ quẹo sự thực, cốt sao bản thân có lợi.

Có những việc “bánh đúc bày sàng”, giữa thanh thiên bạch nhật rành rành ra thế, mà cứ mỗi bên nói một khác, và người nào cũng chỉ biết có lý lẽ của mình. Có người mắc tội bị bắt quả tang, vẫn cứ tìm cách chống chế luồn lách cãi chày cãi cối, làm như mình không có liên quan gì đến thứ tội lỗi đó, phủi tay nhẹ nhàng như phủi bụi.

Trong dân gian người ta gọi đó là lối nói ráo hoảnh.

Chẳng hạn chỉ có thể gọi là ráo hoảnh cái sự việc năm kia bưu điện một số tỉnh móc ngoặc với gian thương mua thiết bị như mua mớ rau mớ cá, khai tăng giá hàng mua vào để chia nhau, đến lúc bị phát hiện thì mấy ông ký mua chỉ nhận: “Chúng tôi hơi không được cẩn thận”, “Chúng tôi chưa có kinh nghiệm”.

Nghe kể là ở một tỉnh nọ, khi một đại biểu hội đồng nhân dân chất vấn “Sao tham nhũng ghê thế?”, thì một quan chức đầu tỉnh, với cái giọng thản nhiên, cho một câu xanh rờn: “Làm gì mà nhiều? Có thấm thía gì đâu so với thành tích mà chúng ta đạt được”…

Sau cái trơ tráo trong thái độ, vẻ ráo hoảnh trong lời nói bộc lộ như vậy cho thấy người ta không coi dư luận là cái gì hết. Rồi mọi việc sẽ cứ theo nếp cũ mà làm. Tức những mưu toan, những áp đặt, những dối lừa… lại tiếp tục trong bóng tối.

Trong giới cầm bút của tôi có trường hợp nhà thơ kiêm nhà viết kịch nọ. Từ thời tiền chiến, ông không chỉ nổi tiếng về những cú chơi bời động trời mà còn vì lì lợm trong việc chối tội và giỏi đánh tháo. Nghe kể rằng có lần ông vào nhà bạn, ăn nằm với vợ người ta và… bị bắt quả tang. Giá kể người khác thì mặt sẽ dại đi, cả người chết điếng. Đằng này ông vẫn không có gì hoảng hốt. Bảo đợi tôi mặc quần áo đã. Và mặc xong thì thản nhiên nói rằng tôi vào chơi nói chuyện đỡ buồn, có gì mà phải ký vào biên bản. Thế thôi, rồi lững thững ra về. Chẳng ai làm gì được ông cả!

Nói thật, theo dõi nhiều vụ bê bối sập cầu, đắm thuyền, kể cả những vụ tham nhũng và cứu tham nhũng thời nay, tôi ngờ hóa ra kinh nghiệm của nhà thơ nọ trong cái chuyện kín đáo kia, được nhiều người áp dụng khá thuần thục.

Trong Cổ học tinh hoa có một mẩu chuyện về sự hàm hồ trong ăn nói và ứng xử của con người. Một người lục tủ thấy mất cái áo thâm, liền ra đường tìm. Thấy một người đàn bà mặc áo thâm anh ta níu lại đòi. Chị ta cãi: “Áo tôi mặc đây là áo của tôi, do chính tay tôi may ra”. Anh kia đáp lại bằng cái lý lẽ kỳ cục như sau: “Cái áo thâm của tôi mất thì dầy, áo chị thì mỏng. Lấy cái mỏng đền cho cái dầy là hợp quá, còn phải nói lôi thôi gì nữa”.

Theo các tác giả Cổ học tinh hoa, mất áo trong nhà lại ra đường tìm là một việc buồn cười; mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà là chuyện buồn cười thứ hai; mất áo dầy mà đòi áo mỏng là chuyện buồn cười thứ ba. Tóm lại, sự vụ lợi làm cho người ta mờ cả mắt, quên cả phải trái, cái gì cũng dám làm, cái gì cũng dám nói.

Có lẽ đây cũng là một ví dụ kinh điển để hiểu thái độ trơ tráo và lời lẽ ráo hoảnh có thể dẫn người ta điên khùng đến thế nào. Trong những trường hợp như thế, nó thật đã vượt qua mọi cái ngưỡng vốn có của cách xử thế thông thường.

Và bạn có biết lúc đó chúng ta trở nên thế nào không? Tôi muốn nói khi trơ tráo và ráo hoảnh vậy, ta trở về giống như tuổi ấu thơ của ta vậy. Người lớn nào chẳng nhiều lúc bực vì có nhiều chuyện dạy mỏi mồm mà trẻ không nghe, ngược lại có những chuyện chẳng cần bảo, nó đã bắt chước mình thành thạo. Ví như trong việc nói dối, thôi thì chúng học nhanh lắm.

Đôi lúc trong cơn máu mê ham chơi, chúng không ngại nhận vơ của người khác cái nọ cái kia, thậm chí mở tủ hoặc lục áo, thó của chúng ta vài đồng tiêu vặt. Bị bắt quả tang, chúng trưng ra bộ mặt hồn nhiên “Ơ ! Con cứ tưởng…” hoặc “Thế à, thế mà cháu không biết”.

Giờ đây khi bị tố là tham nhũng, nhiều người lớn cũng giả bộ ngây thơ rất giỏi “Ơ! Tôi cứ tưởng… Tôi đâu có biết”.

Nghĩa là họ đang trẻ con trở lại. Chỉ có chỗ khác là trẻ con thường chỉ “cháu không biết” trước một vài đồng, còn người lớn bây giờ thì “tôi đâu có biết” khi bỏ túi bạc tỉ.

Thứ Bảy, 28/3/2009
saigon times online

21/03/2009

Thất phu hữu trách

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 02:17

Hàn Phi đến nước Tần làm thuyết khách, dâng vua Tần bài văn “Nan ngôn” (Ngại nói): “Bầy tôi là Phi sở dĩ ngại nói là vì: nếu lời nói thuận tai, trơn tru, đẹp đẽ, văn vẻ, hoa mỹ thì bị xem là phù hoa mà không chân thật. Nếu lời nói đôn hậu, cung kính, thẳng thắn, cẩn thận thì bị xem là vụng về không giống người ta. Nếu nói nhiều, dẫn nhiều lại hay so sánh thì bị xem là trống rỗng, vô dụng. Nếu nói tóm tắt, gọn gàng, trình bày thẳng mà không tô vẽ thì bị xem là gay gắt mà không giỏi biện luận. Nếu nói gay gắt đến những người thân cận, nêu rõ từng người thì bị xem là gièm pha và không nể nang người ta. Nếu nói chuyện rộng lớn, sâu xa không thể lường được thì bị xem là huênh hoang, vô dụng. Nếu nói chuyện vụn vặt trong nhà, trình bày hết điều này đến điều khác thì bị xem là thô lậu. Nếu lời nói gần với thế tục, giọng không làm phật lòng người trên thì bị xem là tham sống và nịnh hót người trên. Nếu lời nói khác xa thế tục, coi thường người ta thì bị xem là lừa do. Nếu lời nói lưu loát, nhanh nhẹn, biện luận thông suốt, có nhiều văn vẻ thì bị xem là hoa hòe hoa sói. Còn nếu bỏ văn chương, chỉ cứ theo phép tắc mà trình bày thì bị xem là quê mùa. Nếu luôn đem chuyện Kinh Thi, Kinh Thư nói chuyện bắt chước người xưa thì bị xem là kẻ tụng sách xưa. Chính vì vậy cho nên bầy tôi Phi ngại nói và rất lo lắng”. (Hàn Phi Tử – Thiên III bản dịch của Phan Ngọc).

Đó là cái khó của Hàn Phi Tử ngày trước. Ngày nay, đất nước đang vào vận hội mới, khẩu hiệu “đổi mới hay là chết” chắc vẫn còn ý nghĩa trong ngày hôm nay. Bởi vì, nếu không thoát khỏi nguy cơ tụt hậu mãi thì suy cho cùng vẫn là một kiểu chết. Điều quan trọng là người lãnh đạo cần tháo gỡ cho mọi công dân cái khó mà Hàn Phi đã phải nơm nớp trước đây, người dân thì tự giải tỏa được cái “ngại nói vì rất lo lắng” của người góp ý thì chắc chắn trí tuệ dân tộc được hanh thông, “cơ hội vàng” lại một phen bừng sáng trong tầm tay đất nước.
Đất nước nên hay hư, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm là vậy.

Nguồn:
Thể thao văn hóa

17/03/2009

Quan niệm của chúng ta về người nông dân đã thay đổi

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 09:58


Nhiều gia đình ở Hà Nội có ô-sin . Họ được sử dụng vào nhiều việc , thông thường là trong nom trẻ con , phục vụ người già yếu, và trở thành nhân công chính trong các việc buôn bán ở nhiều cửa hàng. Nhớ lại mấy năm về trước , và so với tình cảnh gia đình mình bây giờ, nhiều người Hà Nội chưa cần buôn tàu bán bè lớn lao mà chỉ làm ăn bình thường vẫn thở phào , không có ô-sin thì rồi không biết xoay xoả thế nào !
Thế nhưng những ngày gần đây, sự than phiền vì ô-sin đã trở thành câu chuyện đầu miệng . Làm ăn cẩu thả , đập giập bóp bẹp cho qua . Lãng phí , phóng tay áo xô đốt nhà táng giấy , bữa ăn còn hàng bát cơm với lại nửa bát nước mắm cũng đổ xuống cống hết . Ăn bốc ăn bải ăn vụng vô tư. Nói ngọng . Nói trống không. Nói dối thản nhiên, nói dối thành thần .Chẳng có lý do gì cũng cười , bị mắng càng cười vẻ như ta chỉ có thế. Dửng dưng vô cảm . Học đòi một cách vụng về .Nhiều người trong thế “ mắng mãi cũng chán “ , cực chẳng đã phải chấp nhận “ chung sống với ô-sin “ , nhưng lắm lúc nằm bắt tay lên trán nghĩ thấy sợ . Còn đâu là thứ văn hoá gia đình các cụ xưa để lại ?
Gia đình tôi cũng thuộc về những gia đình sống nhờ ô-sin kiểu ấy . Để cho công bằng nhiều lần tôi nói với vợ con: Họ hư một phần lớn cũng là do chúng ta .Thế này nhé : Đến với ta họ có được chúng ta bảo ban huấn luyện gì đâu ; và điều quan trọng, ta thuê họ bằng một mức lương rẻ mạt , làm chăm làm lười như nhau , đời sống chẳng có gì bảo đảm . Hơn nữa nhiều thói xấu bắt đầu từ ta .Chính dân Hà Nội hàng ngày đi làm cũng tìm mọi cách xoay xoả rút ruột nhà nước kiếm thêm, còn trong việc buôn bán làm ăn thì lừa lọc nhau, bà chủ bán hàng mong người giúp việc đánh lừa khách hàng, người nọ lừa người kia. Chỉ đến khi họ mang cái lối sống ấy vào việc gia đình , chúng ta mới lại cáu sườn lên cả một lượt .( Gần đây , tôi nhớ có người trên mặt báo đã khái quát rằng đang xảy ra một quá trình “ người nông thôn làm hỏng người Hà Nội và người Hà Nội làm hỏng người nông thôn “, cả hai đều “ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân “.)
Vợ tôi nghe đến đây im lặng chỉ bảo là thiên hạ người ta sống thế , mình không sống khác được.
Mặc dầu trong đầu còn nhớ rằng chính cái lối nghĩ “không dám làm gì khác người ‘, “trông thiên hạ mà sống” thực ra vốn xuất phát từ các làng quê , song tôi thừa biết nói gì thêm cũng vô ích . Thôi chỉ có cách lặng im !
Chết nỗi do công việc của một người viết văn viết báo ,câu chuyện hàng ngày nói trên không ra khỏi đầu tôi mà nó còn làm tôi cứ phải vân vi thêm mãi . Nhà cửa mình làm do thợ các tỉnh lên xây , con cái trước khi đến trường do ô – sin dạy dỗ , vào một cửa hàng ăn nhận ra ngay người mang miếng ngon miếng sốt lên cho mình là “bà con ngoại tỉnh” mới được tuyển dụng .Có một lần tôi đã ghi được một con số , hàng ngày Hà Nội có khoảng 500.000 người các tỉnh đến làm ăn . Tức ra đến đường ta gặp người nhập cư , và cả Hà Nội thành một thành phố nhập cư chịu sự chi phối rõ rệt của cách sống nông thôn ( có lẽ đó cũng là một lý do khiến cho một nhà báo người Mỹ ở Việt Nam vài chục năm nay bảo rằng Hà Nội là một cái làng lớn ). Nếp sống phổ biến của những người nhân danh chân quê thường cũng là tuỳ tiện cẩu thả , nói thách nói dối , nhân danh sự nghèo khổ muốn làm gì thì làm , kể cả phạm luật: cứ trông mấy cô bán hoa quả dắt xe đạp đứng ở các ngã tư đầy xe cộ thì biết .
Giá mà tôi chỉ dừng lại ở đấy thì cũng đỡ . Giống như một thứ máy mồm máy miệng, tôi đẩy liên tưởng của mình đi xa hơn . Tôi nhớ đến những bài học mà học trò bao đời vẫn được nhà trường dạy dỗ : rằng do cuộc sống vất vả của mình nên những người chân lấm tay bùn thường là những người có phẩm cách tốt đẹp . Họ thật thà trung hậu ; họ nhân ái tiết kiệm ; họ siêng năng làm lụng ; họ “lành cho sạch rách cho thơm” … Những người ấy còn không ? Hay là tôi phải nghĩ khác và những người viết văn phải viết khác đi về họ ? .
Đến bây giờ thì bạn đọc thân mến đã hiểu lời tôi rào đón ban đầu rồi chứ . Tôi biết những liên hệ của tôi vừa rồi là mang tiếng suy diễn . Tôi vừa nghĩ vừa sợ tội và viết ra trong ngần ngại . Nhưng tôi biết dựa vào đâu để hiểu nông thôn bây giờ ? Chẳng nhẽ những người nông dân lên thành phố vài ba ngày đã không phải là nông dân nữa và tôi chỉ có quyền sống với người nông dân trong mộng ?
Ghép tôi vào tội suy diễn cũng được, nhưng đâu là hình ảnh chân thực của người nông dân thời nay , ai chỉ giùm tôi bây giờ ?
Tết đã đến nơi rồi . Tết có nghĩa là phố phường sẽ chỉ còn người Hà Nội với nhau . Tôi tưởng tượng ở nhiều làng quê các tỉnh lân cận , trong các gia đình , ông bố bà mẹ sung sướng đón nhận đứa con lên tỉnh làm ăn giờ về gặp lại họ. Các em các cháu còn mang về cho họ tiền , nhiều khi là tiền triệu .Thế nhưng trong các gia đình này liệu có ông bố bà mẹ nào chợt nhận ra rằng con mình bây giờ hư quá , mất hết cả nết ngoan ngoãn thuần hậu như ngày trước. Tôi se lòng lại khi nghĩ rằng người Hà Nội có lỗi trong việc hàng ngày hàng giờ đẻ thêm ra những công dân trẻ dở dang nham nhở , nửa tỉnh nửa quê. Nhưng tôi càng buồn thêm khi nghe mọi người bảo rằng bây giờ ở các làng quê cũng chẳng còn ông bố bà mẹ nào sợ con hư đâu, chỉ cần có tiền là họ vui rồi, và họ cũng đang lây cả cách nghĩ cách sống mà bọn trẻ mang từ thành phố về .Tôi hiểu rằng nông thôn ta phải giàu lên chứ không thể nghèo mãi như cũ . Thế nhưng chẳng nhẽ giữa một bên là nếp sống tốt đẹp tử tế và một bên là sự giàu có hơn lên , chúng ta chỉ có quyền chọn một ?

12/03/2009

Một ít rào cản tâm lý khó vượt

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:45

Nhiều lần đi mua thuốc cho người thân trong gia đình , tôi bắt gặp trong tôi một sự yếu lòng kỳ cục : trước cùng một tên thuốc , mặc dầu đã tự nhủ hàng nội dạo này cũng tốt lắm , giá lại thường hạ , song rút cục trừ phi không đủ tiền thì thôi, chứ nếu có đủ tiền , thả nào tôi cũng mua thuốc ngoại .
Hỏi sang bè bạn và người quen , tôi thấy họ đều nói là họ cũng có tâm lý giống mình và hiện tượng lặp lại không phải trong chuyện mua thuốc mà còn trong nhiều chuyện khác .
Đến khi được đọc bài viết của một bạn người Anh khuyên người Việt nên dùng hàng do Việt nam sản xuất – một trong những bài viết theo tôi là đáng nhớ nhất của báo Tuổi trẻ 2003 – thì càng giật mình .
Lời khuyên quá đúng đi và phải nói thật là chúng ta không khỏi cảm thấy xấu hổ khi được nghe những lời khuyên như vậy . Thế nhưng tại sao nhiều người đã biết đó là một việc cần mà không thực hiện nổi . Thiếu làm chủ bản thân . Tuỳ tiện trong cư xử hàng ngày …Cái đó có . Tuy nhiên sau đó còn gì nữa ?
Điều dễ nhận thấy là trong chuyện sính dùng hàng ngoại , có sự có mặt của tâm lý ham hưởng thụ . Từ những năm chiến tranh vất vả bước ra , chúng ta cảm thấy mình khổ quá , thiệt thòi quá. Loá mắt trước sự phát triển của thế giới , thấy của người ta cái gì cũng đẹp cũng tốt , trong thâm tâm mỗi người không khỏi len lỏi cái ý nghĩ chắc chẳng bao giờ chúng ta làm nổi , và giá kể được dùng một lần thì có chết cũng đáng . Ta muốn cho ta , cho những người thân của ta , được hưởng những sung sướng nhất của cuộc làm người thời nay , đến nỗi quên hẳn đi cái hoàn cảnh chúng ta đang sống .
Nhưng thử nhìn kỹ vào hành động hàng ngày của bản thân mình và những người quanh mình , tôi cho rằng ở đây còn có vấn đề tâm lý sâu xa hơn .
Nay đang là lúc toàn xã hội người nào cũng lăn xả vào công việc . Niềm kinh hãi của nhiều người ở tuổi sáu mươi như tôi mỗi sáng trở dạy là đi lại như thế nào bây giờ . Đường phố đông nghịt . Khuôn mặt nào cũng cháy lên niềm khát vọng . Sự mải miết lây truyền từ người nọ sang người kia , và trong thâm tâm ta chỉ sợ chậm chân một bước thì sẽ bị thiệt . Song kết quả ra sao ? Tốc độ giao thông trên các thành phố ở ta chắc chắn là loại chậm nhất trên thế giới .
Một tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trong hoạt động sản xuất làm ăn . Cửa hàng mở thêm công ty khai trương ngày một nhiều thêm , nhưng hàng làm ra chỉ toàn những thứ hàng tầm tầm , hay nói theo mốt bây giờ , là second hand , giá cao song chất lượng kém , phần nhiều không thể xuất khẩu đã đành , mà người trong nước hình như cũng bất đắc dĩ mới phải dùng . Đến như trong sự giáo dục thì mặc dù mỗi kỳ thi đại học là một mùa náo loạn , mà việc học hành cũng có ra sao , sinh viên ra trường ngô nghê chả cơ quan nào muốn nhận và ai người có tiền bây giờ chỉ chăm chăm cho con đi học nước ngoài . Hình như cái nghiệp của người mình là chỉ làm được như vậy (!) . Sự thiếu lòng tin kéo dài triền miên trong nhiều năm ròng , cho nên nó mới có cái tình trạng bất công vô lý như tôi vừa nói ở đầu , tức là biết rằng thuốc nội rẻ hơn và đôi khi có thể tốt hơn mà vẫn ngại dùng .
Không phải ngày hôm nay mà theo chỗ tôi đọc được , cả lối làm hàng chợ lẫn thói quen chê đồ nội hoá vốn có ở người Việt Nam từ lâu . Đầu thế kỷ XX , Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh từng đã nhiều lần chế giễu thói quen kén đồ ngoại của dân mình . Còn Thạch Lam , trong Hà Nội băm sáu phố phường thì không quên kể một chuyện nhỏ : một chú khách (Hoa kiều ) bán mằn thắn ở Hà Nôi rất đông khách , vì hàng chú làm nói như ngôn ngữ hiện nay “ rất chi là chuẩn “…Rồi ông so sánh : “Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác : món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều , thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không , không quan tâm đến . Cho nên bát mằn thắn của người mình thì có đủ cả rau thơm , xá xíu , đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt . Mằn thắn thì làm rất to bột, nặn xuề xoà để trông càng to hơn , nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé vì được một tí thịt chỗ bàng nhạc mua rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ . Nước cũng rất nhiều nữa , dềnh lên như ao sau trận mưa , nhưng nhạt ví như nước bèo .Tất cả chỉ bán có năm xu . Tưởng đắt hàng là phải . Thế mà không . Khó mà lấy nhiều hoa mắt người ta được .”
Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền , đừng lừa dối người mua , của ngon thì người ta ăn đắt rẻ không kỳ quản . Đó là kết luận mà Thạch Lam rút ra từ câu chuyện “cái gì cũng làm dối làm dá cho xong chuyện “.Tôi thì tôi muốn đề nghị , kết hợp với việc chỉ ra cái thói quen sính hàng ngoại nói trên , chúng ta cùng ngược lên để xét đến các khía cạnh tâm lý vốn kết tầng ổn định ở dân mình . Trở lại với ông cha là đúng , nhưng giữ nguyên những thói xấu của ông cha thì lại là điều không nên ./.

tuoi tre online

Lố nhố một đám đông lộn xộn

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:42


Nông thôn, làng quê, người nông dân… nghĩ tới xã hội Việt Nam là phải nói ngay tới cái bộ phận thiết yếu đó. Có lẽ bởi vậy mà trong truyện dài “Thiếu quê hương” ( in lần đầu năm 1940, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2006), mặc dù lấy đô thị hiện đại là địa bàn chủ yếu của các nhân vật, song cuối truyện nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải một lần đưa họ về làng quê.
Ấy là khi Bạch – nhân vật chính – tính chuyện nhập vào một đoàn múa dân gian để đưa sang đấu xảo (như Hội chợ ngày nay) tận bên San Francisco nước Mỹ. Nhưng nông thôn xuất hiện thì cũng là lúc cái đình xuất hiện. “Bạch ướm chuyện mới gọi đến việc tuồng hát Xuân Phả có mấy câu thì ông lý đã nhanh nhảu mời chàng ra đình xem”.
Trong làng xóm xưa, hàng ngày dân chúng sống chủ yếu với cái gia đình của mình. Những thiết chế công cộng như sân chơi chung câu lạc bộ nhà văn hóa thường thấy ở các nước phương Tây, ở đây gần như không có. Trừ các phiên chợ, ngoài ra ở hầu như tất cả các làng xóm rất ít có những địa điểm để người ta gặp gỡ. Chỉ còn có đình.
Chức năng chủ yếu của đình là phục vụ cho các loại việc làng. Chúng ta hẳn còn nhớ cái đình từng được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố. Đó là nơi diễn ra những cuộc tranh cãi của một bộ máy lý dịch kém cỏi. Là nơi đám cường hào mưu đồ chống phá nhau.
Trong những buổi họp chung có tính chất chính thức ở đình, dân chúng chỉ làm nền cho đám lý dịch. Đây là khía cạnh đầu tiên của các sinh hoạt đình làng. Trước mặt chúng ta là một đám đông thụ động. Họ không hiểu gì lắm về các trật tự ngôi thứ do bọn cường hào lập nên. Trong đám đông, con người gần như lẫn vào nhau, tâm trí mỗi người bị thu hút cả vào chuyện quan hệ với người bên cạnh, khiến cho người ta càng thấy rõ là thực ra các nhân cách chưa thành hình, chỉ có cái phần bản năng trong mỗi cá nhân cựa quậy rồi lẫn đi ngay.
Tuy nhiên, ở làng nào cũng vậy, đình còn là địa điểm diễn ra các loại sinh hoạt tinh thần khác – gọi chung là việc đám. Ở đồng bằng bắc bộ, những ngày đám này, các làng thường gọi các gánh chèo về biểu diễn ngay trên sân đình. Nam Cao có một truyện ngắn mang tên “Mua danh”. Nội dung truyện là anh cu Bịch nhân được giàn trầu tốt, bỏ ra cả trăm đồng chân hương trưởng trong làng, dẫn tới cái cảnh cốt truyện, khi làng có đám, anh ta được ra đình làm chân “dẹp đám”( nói theo ngôn ngữ ngày nay tức là giữ trật tự). Và sự đời là như thế này: trong khi Bịch có vẻ hào hứng thì dân chung quanh buông ra đủ lời châm chọc khích bác. Họ lợi dụng ngay sự lúng túng của anh ta để chen lấn xô đẩy làm loạn xì ngầu ngay ngoài sân đình.
Nam Cao có thể là không cố ý, nhưng trong lúc nhân tiện nói về việc mua quan bán chức ở nông thôn cũ, đã vẽ ra một khía cạnh khác của sinh hoạt tập thể: từ chỗ nép mình trong một trật tự giả tạo, lúc này dân chúng đã trở thành một đám đông lộn xộn.
Nguyễn Tuân cũng có cảm nhận tương tự. Trong lần duy nhất viết về nông thôn hình ảnh các đám đông ở nơi công cộng để lại trong ông nhiều ấn tượng không lấy gì làm đẹp.
“Theo cái lối họp làng bàn chuyện lúc đã nói thì tất cả đều nhao nhao lên và lúc đã nói thì tất cả đều nhao nhao lên và lúc đã im thì tất cả đều nín thít…cả ba bản rượu đều lừng khừng kẻ hút thuốc người véo xôi, xoa kẽ chân hoặc nhìn lên rui kèo”.
Ta nhớ là lúc này những người dân được tập họp để bàn chuyện đi đấu xảo. Ngay lập tức thấy nổi lên những thắc mắc về quyền lợi. Ra cái vẻ thạo đời, một người đặt những câu hỏi nghi vấn chung quanh cái miếng lợi từ đâu mang tới. Và cả đám đông như bị kích động. Cái người thắc mắc lúc trước giờ tiếp tục tuyên ngôn tuyên bố hùng hồn:
“Đi một chuyến cho biết đó biết đây, và chuyến này là chúng ông đi Hoa Kỳ về mà đứa nào ở làng này còn giở lối hà hiếp chúng ông, tranh chỗ ngồi ngoài đình với chúng ông, ông đánh tan xương cho mà xem”.
Có cảm tưởng đây là lúc những oán thù cũ được khơi dậy. Sau những ngày dài sống nhẫn nhục chịu đựng, người ta có dịp thức tỉnh. Họ thấy lâu nay họ quá thiệt thòi và lại nép vế nữa. Họ tính chuyện trả thù.
Ấy vậy mà đấy chẳng qua chỉ là giây phút bốc đồng. Ngay khi con người hùng hổ nói trên đẩy hành động lên tới cao trào “quẳng một cái bát đèn ra ngoài sân, vỡ tan”, bị các cụ bàn giữa mắng, anh ta lại ôm mặt khóc hu hu “lạy các cụ con khổ lắm”.
Lâu nay sinh hoạt đình làng nói riêng và sinh hoạt cộng đồng nói chung, thường được miêu tả với màu sắc thơ mộng. Đến với thơ Nguyễn Bính chẳng hạn thì mái đình chỉ còn là tượng trưng của tinh hoa quê hương làng xã.
Nhưng nhiều tài liệu nghiên cứu xã hội học khởi đi từ Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” qua Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương”, Nguyễn Văn Huyên trong “Văn minh Việt Nam” cho tới cả những điều tra của Vũ Văn Hiền trên tạp chí “Thanh Nghị” (1945) … đều cho thấy những bức tranh đại khái như Nam Cao và Nguyễn Tuân vẽ ra ở trên là xác thực. Trước 1945, nhiều miền quê Việt Nam là những vùng nông thôn trì truệ. Sau cái bề ngoài lặng lẽ ẩn mình dưới lũy tre xanh là cả một thực thể ruỗng nát; những gì cựa quậy bên trong thực ra chỉ lồng bồng lửa rơm chóng cháy chóng tàn, cố nhiên là không đi tới đâu, chẳng dẫn tới cái gì.
Nguồn:
Nông thôn Tết Kỷ Sửu

Làm quen với bất lực !

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:01

Truyện vừa Cha và con và…của nhà văn Nguyễn Khải viết đã lâu, từ 1978.Truyện kể về một cha đạo rõ ràng là có thiện chí, nhưng làm việc gì cũng hỏng. Chủ đề của truyện là sự bất lực.
Thiên truyện ấy thường trở lại trong đầu óc tôi khi phải đối mặt với nhiều chuyện xảy ra hàng ngày. Chẳng hạn, có một dạo Hà Nội chủ trương phạt thật nặng những xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường, gây ô nhiễm bẩn thỉu. Nhưng kiểm tra 43 xe thì đã có hơn ba chục xe có sai phạm. Sau không thấy nhắc lại việc này nữa. Định phân luồng xe chạy trên đường Kim Mã, nhưng chỉ là được vài ngày rồi cũng phải bỏ : không lấy đâu ra người để lúc nào cũng đứng đấy uốn nắn mọi người. Mà làm thì chậm, vừa làm đã tắc đường.
Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyện như thế. Cẩu thả, tuỳ tiện, bát nháo, luộm thuộm đã trở thành không thể kiểm soát. Nhưng do không uốn nắn từ đầu, nay không thay đổi nổi nữa.

Hồi đầu những năm 90, xe máy còn ít, có lúc những chiếc Honda Suzuki đã trở thành dấu hiệu của sự khá giả, nhiều bạn trẻ bảo rằng muốn đi liên hệ công tác với ai, mà cứ thũng thĩnh cái xe đạp xe không xong, nên phải sắm bằng được xe máy. Nhưng một vài năm gần đây, nhiều người đã bắt đầu cảm thấy cái xe là cả một sự phiền. Mà thành phố gồm toàn những xe máy là một thành phố lộn xộn, ô nhiễm, mà lại hung dữ, hỗn loạn dễ gây tai nạn. Nhiều người trong đó có tôi bắt đầu có cái mơ ước “ dở hơi “ là bao giờ trút bỏ được xe máy. Nhưng rồi thấy ngay đó là một ý nghĩ không tưởng : Bao giờ mới làm lại được thành phố ? Bao giờ mới có đường xá mới ? Bao giờ cho các tuyến xe công cộng đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại. Bao giờ ư? Lâu lắm !

Không biết bây giờ có còn không chứ một dạo có tin mấy quận huyện ngoại thành thuộc TP Hồ Chí Minh đang phải sống chung với muỗi. Chết một nỗi là không biết cách nào để trị Tin đưa là mặc dù đã sử dụng đến đủ các biện pháp mạnh là dùng hoá chất để xịt., muỗi chỉ bớt được độ 50%. Và xịt xong chỉ đỡ độ 5 ngày, tới ngày thứ sáu muỗi lại sinh sôi nẩy nở. Mỗi mùa mưa là một mùa kinh hoàng

Khi giải thích việc phải dùng hoá chất để xịt muỗi, một quan chức y tế của TP Hồ Chí Minh giải thích “ môi trường bây giờ còn ô nhiễm hơn hoá chất “. Tôi hiểu ông muốn nói sử dụng hoá chất đúng là có hại thật,nhưng môi trường bây giờ đã hỏng nặng, cái hại của hoá chất cũng chẳng thấm thía gì.
Thế thì nghĩa là vô kế khả thi ? Và “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, cái câu Kiều ấy lại thấy ứng nghiệm.

09/03/2009

Làng, phố và “nỗi buồn thương nhân”

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 12:05

Là một tên tuổi quen thuộc trong giới nghiên cứu văn học, gần đây Vương Trí Nhàn được công chúng tìm đọc nhiều hơn bởi những nghiên cứu và phát biểu ở góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa. Phải nói rằng, cách tiếp cận văn hóa của ông ngay từ đầu đã dựa hẳn trên những nghiên cứu công phu để bứt khỏi những lối mòn truyền thống và sớm định hình một “phong cách Vương Trí Nhàn” với những chủ kiến sâu sắc, không câu nệ, những nhận định thẳng thắn, có trách nhiệm. Gần 20 năm nay, những kiến thức tự bồi đắp về lịch sử, dân tộc học, xã hội học, kinh tế và thương mại … đã giúp ông kiên trì trên con đường dích dắc, nhiều ngả rẽ, lắm rào chắn của dòng chảy văn hóa đương đại, ngõ hầu tìm kiếm được đâu là chân lý của sự phát triển nhìn từ góc độ văn hóa, nếu có thể nói như vậy. Trên hành trình ấy, Vương Trí Nhàn luôn luôn muốn được chia sẻ phản biện trao đổi. Trong phạm vi một cuộc trò chuyện đầu năm 2009 với Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, ông đã sơ bộ trình bày một vài chiêm nghiệm của mình liên quan đến làng, phố và…nghề buôn.

Sự bám rễ và ngự trị của tư duy tiểu nông


Tạm rời xa những nghiên cứu về thi pháp trong văn chương, nhà nghiên cứu trong ông đã đi theo một lịch trình như thế nào và rút cục đã tiếp cận được những vấn đề “thi pháp” của đời sống ra sao?

Vương Trí Nhàn: Văn hóa, đương nhiên không chỉ là “cờ đèn, kèn trống”, triết lý, tôn giáo, các loại hình nghệ thuật … mà còn hiện hữu trong lối sống, cách thức làm ăn, sản xuất, buôn bán, nuôi dạy con cái, quan hệ làng xóm, gia đình. Vì vậy, khởi đầu từ nghiên cứu cơ sở văn hoá của văn học, tôi tự thấy cần “ đánh lan sang” các vấn đề văn hóa nói chung, trong đó bao gồm cả các vấn đề về lịch sử và con người, sự phát triển của xã hội cũng như tư duy của người Việt. Ai mà chả biết đó là những vấn đề quá lớn. Nhưng nếu không có người thử lao vào thì bao giờ nó mới được cả xã hội cùng quan tâm ? Tôi nghĩ vậy, nên không ngại những cú bươu đầu sứt trán, cứ kiên trì làm, vừa làm vừa học hỏi. Thú thực là trong cuộc phiêu lưu này, tôi cảm thấy khá nhiều hào hứng, mà hào hứng nhất có vẻ như có nhiều người muốn nghe mình hơn, mình đang cần cho mọi người hơn. Chẳng hạn khi tôi đề xuất “ Thử nhìn những biến động kinh tế xã hội hiện nay dưới góc độ văn hóa” thì được nhiều bạn động viên, bảo cứ thử trình bày đi rồi cùng trao đổi thêm. Thì ra trước đây, chúng ta chỉ chú tâm nghiên cứu về con người Việt Nam yêu nước, con người đánh giặc mà hầu như chưa có những nghiên cứu cần thiết về khía cạnh bình thường nhất của con người Việt Nam từ xưa, nó đã và đang bộc lộ trong con người Việt Nam hôm nay !

Và ông đã rút ra cho điều gì đầu tiên có giá trị cho hướng nghiên cứu mới đó của mình ?

– Hẳn nhiều bạn còn nhớ, trên đường tìm hiểu tính cách dân tộc, mấy năm trước tôi tập trung nhiều vào việc tìm hiếu khả năng tự nhận thức của người Việt và đã nhận được phản hồi khác nhau, cả ủng hộ lẫn bài bác. Đang loay hoay trên đương đi tiếp, tôi chợt nhận ra một điều nếu bảo trong đời sống nói chung người Việt Nam nhiều nhược điểm, hẳn nhiều người còn phân vân; nhưng nếu nhận xét “Người Việt Nam sản xuất, kinh doanh kém”, sẽ nhận được nhiều đồng tình. Vì rõ ràng ai cũng thấy hàng hóa của ta từ xưa đến nay làm ra vẫn rất nghèo nàn về chủng loại, đơn giản về mẫu mã, hạn chế về chất lượng… từ nhà cửa, đường sá đến các vật phẩm thông thường đôi giày đôi dép cái chai cái lọ, cái gì chúng ta cũng quá đơn sơ. Chúng ta kém không phải vì chúng ta nghèo, không được thiên nhiên ưu đãi. Ngược lại, cái chính là chúng ta không biết tận dụng thuận lợi, không biết tổ chức sản xuất, không hình dung ra một đời sống như nó có thể có và đang bày ra trong thế giới hiện đại.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên trước hết là do những quan niệm chật hẹp, đơn giản về thế giới, ở tầm mắt hạn chế, ở sự thiếu nỗ lực vươn tới cái hoàn thiện, hoàn hảo…của người Việt.

Nói thẳng ra, tư duy tiểu nông vẫn đang ngự trị đời sống đương đại của chúng ta. Những lạc hậu, cổ hủ trong quá khứ vẫn đang níu kéo chúng ta.

Có một hiện tượng mà tôi tạm mô tả là sự suy đồi của nông thôn trong đời sống hiện đại. Người nông dân bị bứt ra khỏi ruộng đất, tràn ra thành phố quăng mình kiếm sống. Cuộc mưu sinh cuồng nhiệt đó hay ít dở nhiều, không cho họ nhiều cơ hội nâng cao trình độ làm người, đã biến họ thành nô lệ cho những nhu cầu vật chất, hưởng thụ…

Một cái nhìn chính xác về “căn tính nông dân” trong mỗi chúng ta hôm nay, thưa ông?

– Đúng vậy, cái điều tôi vừa nói về người nông dân thực ra có mặt trong mỗi chúng ta dù làm gì ở đâu thì chúng ta vẫn không rời bỏ nổi nó.

Tạm kể ra đây những thói quen xấu như: sống tạm bợ, ăn tối lo mai, không tính toán lâu dài, lãng phí, ít chịu đi xa, không dám sống khác đi so với những gì vốn có… Nói chung, người mình ít đặt đầu óc vào sự sống với tất cả những biểu hiện phong phú của nó; ít nghĩ chu đáo về mình, về người khác và về xã hội.

Tư duy tiểu nông cũng là nguyên nhân sâu xa khiến nền giáo dục ở ta từ xưa đến nay kém phát triển. Vẫn là quan niệm đơn sơ về sự học của bà mẹ nông dân mù chữ dắt con đến gửi thầy đồ làng “xin thầy dạy cháu mấy chữ để biết đọc tên mình ký được tờ văn tự , hiểu vài điều lễ nghĩa ”. Ấy cái loại mới đôi chữ võ vẽ thôi đó, sau cũng được xếp vào hàng “có học” rồi, hỏi làm sao mà dám tự nhận là xã hội có một lớp người biết học !

Chúng ta đã quen dễ dãi với bản thân, quen không đặt yêu cầu cao với chính mình quá rồi. Gần đây lại tư tưởng bình quân chi phối, với một nền kinh tế như thế này mà đòi hỏi giáo dục phổ cập, thanh thiếu niên đến tuổi ai cũng được đi học,– thì trách chi trường không ra trường lớp không ra lớp, sinh viên đại học ra trường không cơ quan xí nghiệp nào muốn nhận.

Sự trì trệ trong giáo dục như tất cả đang biết, đã là một minh chứng cho sự phát triển theo lối ăn xổi ở thì và thiếu nhìn xa trông rộng. Tôi lo cho những nếp cũ bám rễ trong ta sâu sắc quá, khó mà gột rửa được ! Khủng hoảng kinh tế thì còn có thể hồi phục được chứ sự khủng hoảng, xuống cấp về đạo đức, văn hóa thì rất khó chữa, rất đáng lo ngại bởi nó sẽ làm cho sự phát triển kinh tế trở nên vô nghĩa. Mà đấy là lạc quan rồi giả dụ thế thôi, chứ thiếu nền tảng chắc chắn về văn hoá giáo dục thì phát triển kinh tế làm sao bền vững được.

“Đô thị lép vế” và Hà Nội “chưa bao giờ là chính mình”


Gần đây có một vấn đề thời sự là vai trò của thủ đô nói riêng và đô thị nói chung trong sự phát triển xã hội. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến Hà Nội – “Kẻ Chợ” thành Hà Nội – phố trong hơn nửa thế kỷ qua, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này ?

– Trên đại thể tôi có hai ý kiến, thứ nhất trong lịch sử chúng ta chưa có những đô thị như chuẩn mực chung về đô thị mà nước nào người ta cũng công nhận. Và thứ hai trong tâm lý xã hội cái đô thị ốm yếu ọp ẹp đó lại chịu rất nhiều thành kiến. Đến lượt mình, sự yếu kém của đô thị đã làm chậm lại sự phát triển của xã hội.

Bây giờ nói cụ thể về Hà Nội. Trong quá khứ Hà Nội của chúng ta hình thành bởi những mục đích quân sự (gắn liền với các toà thành), rồi dặm thêm vào đó mới có thêm những dãy chợ, người bán hàng phần chủ yếu là nông dân và thợ thủ công đem sản vật ở quê lên bán, có định cư ở đây cũng tạm thời, bụng dạ vẫn để cả ở quê. Bước sang thời hiện đại, Hà Nôi có một thời gian định hình là đầu thế kỷ XX. Ở đây, những gì tốt đẹp đã được sàng lọc để trụ lại được( ví dụ, người đem hàng hóa lên đô thị bán, hàng đẹp mới bán được, hàng xấu phải mang về, thợ giỏi mới sống được ở Hà Nội thợ kém chỉ thất nghiệp). Lúc đó nó trở thành đô thị với đúng nghiã của nó, nơi thu hút những tinh hoa của xã hội.

Nhưng rồi mấy chục năm trời đất nước chìm trong biến động, người ở các tỉnh lẻ dồn về ào ạt tự phát. Lần đổ bộ thứ nhất là trong chiến tranh, lần đổ bộ thứ hai là cuộc mưu sinh hỗn độn trong thời hậu chiến. Xét về cấu trúc dân cư Hà Nội chỉ còn là đô thị của những người nhập cư. Khi những lớp người nhập cư qua các thời kỳ chồng lên nhau, tinh chất của Hà Nội ngày càng trở nên mong manh và dễ bị tàn phá. Nói Hà Nội chưa bao giờ trở lại là chính mình chắc cũng không phải là quá.

Trong điều kiện chiến tranh kéo dài cả đất nước như là có sự thụt lùi nói chung, Hà Nội có trở nên nham nhở tầm thường đi cũng là lẽ đương nhiên. Nền văn hoá tự phát của nông thôn xô tới ngự trị và chi phối các đô thị nói chung, không chỉ Hà Nội mà cả TP HCM và một số đô thị khác, khiến chúng trở thành những đô thị lép vế, đô thị bị tàn phá, bị kìm hãm. Điều đó đem lại thiệt thòi chung cho tất cả chúng ta.

Đâu là lý do khiến cho người ta bảo cả Hà Nội là một“cái làng lớn” ?

– Phải nói cách định nghĩa về Hà Nội như thế này đã có một lịch sử hình thành lâu dài. Tức khái niệm này có sức tồn tai dai dẳng không ai bác bỏ nổi.

Ban đầu một số người rụt rè e ngại khi buột ra nhận xét như vậy. Nhưng càng ngày thực tế càng chứng minh đúng là như thế, Hà Nội của chúng ta nông thôn quá quê mùa quá. Cho đến hiện nay nhiều người vẫn tự hào cho rằng ăn quà ở vỉa hè, ngồi bên cống rãnh mà tán gẫu, hút thuốc lào rít sòng sọc đi lại xiên xẹo bừa bãi…là hay, là tự do, là “ Hà Nội”…. Tức là cái tốt đẹp không được khơi dậy, phần tùy tiện bừa bãi lại được lơi lỏng.

Xảy ra tình trạng “lại gạo” của các đô thị, phố mà như làng, muốn bảo làng nào là phố là phường cũng được.

Một điều ai đã sống hết với những thăng trầm của Hà Nội lâu hẳn thấy rõ là trước 1945, người tứ xứ lên đô thị luôn luôn có ý thức học hỏi, họ biết rằng cần phải từ bỏ cái nếp sống tuỳ tiện ở các làng quê mới trở thành người đô thị chân chính. Từ sau 1945, thì khác, người nông thôn lên đô thị mà vẫn giữ nguyên cái nếp sống sẵn có, lại luôn luôn cho rằng sống như mình mới là thuần hậu tốt đẹp giữ vững truyền thống chân quê. Cần nói thêm là như vậy trong khi góp phần vào việc níu kéo Hà Nội, họ cũng bỏ qua luôn cái khả năng làm thay đổi đời mình tự nâng mình lên để trở thành con người hiện đại.

Nhưng mà người ta vẫn tự hào là đã ở Hà Nội, có hộ tịch Hà Nội. Họ bảo nhau “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ông có thường nghĩ kiểu như vậy? Phải hiểu vấn đề này thế nào cho chính xác?

– Tôi không thích câu ca dao này. Tôi đã nói chất Hà Nội khá mong manh, nhưng thực tế là bao giờ nó cũng vẫn còn tồn tại, và người Hà Nội thực sự luôn luôn hướng về nó, luôn luôn cảm thấy mình chưa xứng đáng với cái danh hiệu cao quý đó. Chính lớp Hà Nội mới nhập cư lại có sự tự hào quàng xiên về cái danh hão như bạn vừa nói. Nếu là người Hà Nội thực sự, họ sẽ không bao giờ nói thế, không bao giờ tự cho phép mình không thanh lịch chứ đừng nói là trâng tráo khoe khoang kiểu đó.

“Doanh nho” bên Tàu, “con buôn” bên ta


Như trên ông vừa nói trong khi phiêu lưu ông có lúc “đánh lan sang” cả các vấn đề kinh tế và muốn thử nhìn các vấn đề kinh tế dưới góc độ văn hoá. Trong bối cảnh “làng” và “ phố như trên ông hiểu sao về tư duy kinh tế của người mình ? Khi đi vào tìm hiểu lai lịch, xuất xứ, đặc điểm của những người Việt chuyên làm kinh tế tức là các doanh nhân Việt qua các thời kỳ lịch sử, điều gì khiến ông băn khoăn nhất?

– Xin thữ bắt đầu bằng một cách tiếp cận tạm gọi là “ tiếp cận ngôn ngữ học “. Nói nôm na là đã có lúc buồn tình tôi thử giở từ điển ra soi. Và tôi thấy gì ? Hoá ra ngay trong tư duy đã thấy người mình khác nhiều so với các nước. “Buôn ”, tại Từ điển của ông Hoàng Phê, chỉ được tóm gọn lại “ mua để bán lấy lãi”. Từ điển của Hội Khai trí Tiến Đức năm 1931 thì ghi là “mua để mà bán lấy lợi. ” Trong khi đó Tân hoa tự điển của Trung Quốc bản năm 2007 tôi đang có trong tay định nghĩa chữ thương trong thương nghiệp “ là hoạt động kinh tế lấy phương thức mua bán để lưu thông hàng hóa”. Hai cách định nghĩa đó cho thấy rõ người mình hiểu công việc buôn bán đơn sơ thế nào trong khi lẽ ra nó phải được quan niệm một cách đầy đủ ra sao.

Theo nghĩa hiện đại hoạt động thương nghiệp hay nói nôm na buôn bán là gì ? Là người ta phát hiện ra nhu cầu và tổ chức sản xuất để thoả mãn nhu cầu đó, hoạt động diễn ra trên phạm vi rộng rãi và ngày càng được đẩy tới theo một quy mô rộng lớn hơn so với từng làng nhỏ hẹp. Vòn ở ta thì sao. Tìm hiểu hoạt động buôn bán của người Việt, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế lớp trước như Vũ Văn Hiền Vũ Quốc Thúc đã chỉ rõ nó nằm trong tầm khống chế của tư duy tiểu nông. Đại khái ở ta buôn bán chỉ được hiểu đơn giản là “buôn thúng bán mẹt” “ buôn đầu chợ bán cuối chợ”, theo kiểu của người nông dân, đặc trưng là tính chất manh mún nhỏ lẻ, có gì buôn nấy và không loại trừ lừa lọc dối trá, tuỳ theo sự cần thiết của người mua mà bắt chẹt, làm hàng giả. Hiện tượng này kéo dài trong suốt trường kỳ lịch sử trung đại. Trong quan niệm dân gian, nghề buôn thường bị khinh rẻ, người ta hồn nhiên gọi người đi buôn là “con buôn”, nhiều thành kiến với họ. Càng thế thì nghề buôn càng không phát triển được.

Nên nhớ người làm nghề buôn của ta trước đấy thường xuất thân từ nông dân, thợ thủ công. Trong khi ở nước ngoài, doanh nhân phần lớn là trí thức, có trường hợp là nhà khoa học, họ đem kiến thức của mình để phục vụ kinh doanh, tổ chức sản xuất. Đọc truyện Liêu trai của Tầu, đã thấy thời ấy có nhân vật được gọi là “ thương nho” ( nhà nho thương nhân). Sự có mặt của đám có học này đã đưa nghề buôn ở nước Tầu lên trình độ thế giới. Còn ở Việt Nam cho đến gần đây, người mình vẫn chưa có quan niệm hợp lý về nghề buôn, chưa trân trọng nghề này, chưa thừa nhận đó là một nghề vinh quang (vì đã làm ra của cải vật chất và lợi nhuận cho xã hội) và chưa nhận chân giá trị của thương gia. Lịch sử, tầm vóc của nghề này vẫn chưa được nghiên cứu đúng tầm vóc phải có. Chừng nào cả những chỗ yếu chỗ mạnh của người xưa chưa được soi sáng đầy đủ, chúng ta làm sao thoát khỏi cái bóng của họ ?

Và khi hội nhập, đội ngũ doanh nhân chúng ta hôm nay đã mang theo những“Gót chân A sin” đó?

– Làm sao khác được ? Bước vào hội nhập, tư duy tiểu nông tiếp tục chi phối chúng ta với những biến tướng như làm ăn theo kiểu “đánh quả”, manh mún, không suy tính cẩn thận, thiếu kiến thức, tình trạng muốn bán hàng cho người ta mà không nghiên cứu kỹ thị trường vẫn rất phổ biến…

Hiện nay xã hội đã có chuyển biến, các doanh nhân của Việt Nam cũng đang thức tỉnh, họ được coi là “lực lượng xung kích” hội nhập kinh tế quốc tế…

– Vâng tôi biết. Tự soi lại mình, tôi cũng thấy có chuyển biến. Trước kia chỉ thuần bó hẹp trong phạm vi văn chương, rộng ra là trên phạm vi đạo đức tư tưởng trừu tượng, tôi cũng nhiễm phải lối nghĩ của các cụ đồ nho trước, coi thường nghề buôn, chê ai thì bảo người ta có đầu óc con buôn. Nay bản thân đã bắt đầu hiểu đất nước muốn khá giả hơn, phải trông chờ những người biết sản xuất, biết kinh doanh, chính họ sẽ đẩy tới sự phát triển của các ngành nghề khác, kể cả các ngành văn hoá .

Doanh nhân phải được tôn trọng, phải được làm chủ công việc một cách đúng nghĩa! Sự tôn trọng này đồng nghĩa với việc chúng ta yêu cầu cao ở họ, cùng giúp vào việc nâng cao tầm vóc làm người của họ. Hẳn là hiện nay đã có ai đó đang ấp ủ những công trình nghiên cứu về về lịch sử, nghề nghiệp, về thương nhân Việt Nam, việc làm đó không chỉ giúp cho hoạt động thương mại phát triển mà còn giúp cho những người nghiên cứu văn hoá Việt Nam nói chung.

Nghiên cứu“tầng chìm của văn hóa kinh tế”, thông điệp mà ông muốn gửi tới các doanh nhân Việt hôm nay là gì ?

– Tôi biết bên cạnh những người buôn bán theo kiểu đánh quả trục lợi lừa lọc dối trá, đang có những doanh nhân kiên nhẫn cần cù và đầy sáng tạo trong công việc. Tôi muốn nói với họ chúng ta cùng một cái đích là góp phần làm xã hội phát triển và nâng cao tầm vóc người Việt. Nếu được nói thêm tôi muốn nhấn mạnh phải có sự kết hợp giữa giới trí thức và các doanh nhân, sự kết hợp này chắc chắn là sẽ hiện ra trong những hình thức muôn màu muôn vẻ và sẽ thúc đẩy sự trưởng thành của cả đôi bên.

Xin cảm ơn ông./.
Kim Hoa
trên Doanh nhân Sài Gòn
số tháng 2-2009

06/03/2009

Giá hoa sẽ tăng…và nhiều bó hoa bị vứt sớm

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 09:41

Có phải cách biểu hiện tình cảm của người mình nhiều khi quá ồn và mang nặng chất diễn , tức thích ngả sang khoe mẽ phô phang ? Liệu bao giờ chúng ta mới tìm ra được cái hình thức hợp lý cho những nghi lễ cần thiết ? Nhiều lần ý nghĩ ấy đã đến với tôi , nhất là trong những dịp vui , chẳng hạn một đám cưới hỏi , một lễ hội , và cả trong những ngày tết cổ truyền . Hôm nay đây nó lại đến với tôi nhân không khí xã hội vào đêm trước của ngày 20-11, ngày nhà giáo Việt Nam như nó vẫn được gọi một cách trang trọng . Một mặt , tôi thấy việc này là cần thiết và mong mỏi có cách gì đó thực hiện một nhu cầu tình cảm chân thành nơi mình ; mặt khác , lúng túng vì chẳng biết cách sao để bộc lộ . Nhìn ra chung quanh cũng thấy một tình trạng bất lực tương tự . Trong phần lớn trường hợp , nghi lễ được làm một cách vụng về , đi sát với sự sáo rỗng . Người này lặp lại người kia, năm nay nói những chuyện y như năm ngoái . Cười cười nói nói đấy mà không tạo được cảm giác thiêng liêng như nó phải có . Lời nói của con người lúc này trở nên nhàm chán , nó đã bị tha hoá ngay ở cái chỗ nó phải tự nhiên và tươi mới hơn ở đâu hết . Người ta , tức là cả học sinh và thày giáo , chỉ làm cái việc hình như ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng làm , chúc tụng nhau , cám ơn nhau , hứa hẹn với nhau , ngoài ra các trò thường không quên có thêm ít quà , quà sẽ to nhỏ tuỳ tâm mà cũng tuỳ theo cái yêu cầu họ muốn gửi gấm và chờ đợi nơi thày — điều sau cùng này tuy không nói ra song ai cũng hiểu .
Ngày hội có quy mô ngày càng lan rộng , nhất là ở các thành thị . Đường xá tấp nập hơn những ngày thường . Trước khi nối nhau xuôi ngược , học trò chen chúc ở các cửa hàng . Giá hoa ở những người đạp xe bán rong tăng vọt hẳn lên , để rồi mấy hôm sau , đống rác nào nào bên đường cũng to hơn ngày thường vì những bó hoa vứt sớm .
Người có lỗi trước tiên phải kể là chính chúng ta , tức là các bậc cha mẹ học sinh , cái bên chủ động trong cái lễ hội tự phát này . Rằng tình cảm không thể là lời nói suông . Rằng mỗi người phải góp phần xã hội hoá giáo dục . Rằng lương của các thày các cô , cũng như lương của mỗi chúng ta , vốn đã quá thấp … Ta viện ra đủ thứ lý do để biện hộ như vậy . Song đằng sau cái việc mà bảo là làm vì các thày , thật ra ta đang làm vì chính mình .
Nhiều người tha thiết giục con đi đến thăm thày bởi chỉ sợ thày quên con mình . Không muốn để ai biết , nhưng trong thâm tâm , họ sẵn sàng tìm cách lấy lòng thày một cách thiết thực , như khi đi cúng bái , họ đã toan hối lộ thần thánh . Tức là cái tư duy thực dụng — một lối thực dụng sát mặt đất mà người ta thường tưởng lầm là đặc trưng của thời buổi kinh tế thị trường — đã sớm có mặt .
Thế nhưng các thày hoàn toàn vô can chăng ?
Trong khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này , tôi tìm được một đoạn trong cuốn Việt nam phong tục của Phan Kế Bính ( sách viết năm 1915 ).
Sau khi bảo rằng “người ta sinh ra ở đời , … có thày dạy mới khôn biết việc này việc nọ , cho nên học trò ở với thày cũng như con ở với cha mẹ , ấy cũng là một luân thường của Á Đông ta “ , tác giả than phiền :
“Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở . Kìa như các bực đáng mặt mô phạm , có công dạy dỗ có ân đức giáo hoá nhuần thấm đến người thì người ta không nên quên đã đành . Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách , văn chương chưa thuộc đủ lề lối , mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trường , gõ đầu năm ba đứa trẻ để hộ khẩu ( có thể hiểu là để kiếm ăn — VTN chú ) cho qua ngày , vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo . Động một tí thì bổ cho đồng môn , nào khi nhà thày có giỗ , nào khi thầy có việc mừng vui , nào khi thày lấy vợ , nào khi thày lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác , ấy lại là cái mọt của thiên hạ . “
Theo con mắt kinh tế học , cái hiện tượng mà Phan Kế Bính miêu tả thuộc loại những bi kịch của một xã hội dựa trên kinh tế tiểu nông — khi chưa tìm ra được cách thanh toán công xá với nhau người ta phải nghĩ ra nhiều thứ gọi là lễ để thay thế . Và cái bi kịch ấy vẫn còn , khi điều kiện kinh tế đẻ ra nó vẫn còn ! Vào những ngày này , nhiều thày cô giáo , ở chỗ riêng tư , vẫn bảo rằng nhận quà và nghe những lời chúc mà chẳng thấy thú vị gì cả . Song bất chấp những phản ứng lẻ tẻ , guồng máy vẫn quay, và đứng ở xa mà nhìn , thì thấy thày trò ai vẫn ở đúng vị trí người đó .

04/03/2009

Đường xa vụng tính

Filed under: nep song — vương-trí-đăng @ 10:10

Từ hồi bung ra làm ăn, mốt phổ biến ở Hà Nội là nhiều gia đình cả hai vợ chồng lao vào kiếm sống. Chồng làm thêm ở cơ quan lại đá thêm tí cò bất động sản. Vợ bỏ nhà nước ra chạy chợ. Con cái có khi cả ngày không thấy mặt bố mẹ. Tiền đây, đi ăn rồi đi học. Điểm khá ư, khó gì, muốn điểm giỏi cũng được, để lúc nào bọn này đến nói chuyện với các cô bằng phong bì là xong. Bọn trẻ con yên chí đã có tiền đút cho nhà trường rồi, không cần học, nên chỉ vạ vật vừa học vừa chơi, đến nỗi có đỗ đại học rồi cũng không thành người, xin việc không nơi nào nhận.

Gia đình anh M. bạn tôi thì khác. Anh chỉ để cho vợ chạy chợ. Còn anh vẫn chỉ làm việc bình thường, ngoài ra bao nhiêu công sức đổ vào dạy con. Con anh học hết đại học được học bổng đi nước ngoài học cao học, quay về lúc nào cũng sẵn những chỗ rất thơm mời mọc. So với các gia đình khác, mức sống nhà anh M. dăm năm trước có đuối hơn một chút, nhưng nay xem ra cũng chẳng kém ai. Lại được đứa con giỏi giang, ai cũng nói đùa giá tiền tỷ. Anh M. cắt nghĩa bằng giọng của người làm kinh tế: “Chẳng qua là tôi biết đầu tư thôi, kiểu đầu tư của tôi không ra lãi ngay, nhưng hiệu quả lâu dài. Ai cũng làm được, chỉ sợ không có gan”.
Sở dĩ cái lối nghĩ ăn xổi ở thì lan ra ở nhiều gia đình Hà Nội vì sau chiến tranh, nhiều người chúng ta ở thế cùng, không lao đi kiếm ăn không xong. Mà nó cũng là cái tính chung của dân mình, tham bát bỏ mâm, tầm nhìn hạn hẹp. Điều tôi muốn nói thêm hôm nay là không những nhiều gia đình làm vậy mà cả nước mình cũng vậy. Bước vào thời kỳ mở cửa, có bao nhiêu tài trí đổ ra lo làm ăn hết. Lo có gạo xuất. Lo có dầu xuất. Gỗ được giá thì phá rừng cũng bán. Tôm được giá thì bỏ ruộng nuôi tôm không cần biết sau này đất hỏng ruộng thoái hóa ra sao. Cốt ngân quỹ thu về ít tiền. Người ta lấy đồng tiền nộp vào kho để đánh giá từng ngành. Cứ ai làm ra tiền ngay thì được cả xã hội săn đón và tha hồ vênh vang. Còn ngành nào phải chi tiêu nhiều y như có tội, có khó khăn gì thì người làm những ngành không nóng lắm này cha con tự xoay xỏa lấy với nhau. Đến ngay cả mạch máu đất nước là giao thông, có cảm tưởng người ta cũng chỉ lo cho nó vừa vừa thôi. Tôm xuất khẩu, gạo xuất khẩu mà hơi kém một tí là cả xã hội lao vào tìm cách thúc đẩy, ai làm hỏng là phạt ngay. Chứ giao thông ấy ư, nhân viên trong ngành có chia nhau tham nhũng và toàn làm đường xấu đường hỏng cũng được, đường có xấu một chút hãy đi tạm, không đáng lo bằng chuyện con tôm với thùng dầu.
Trên cái nền tâm lý như trên chuyện giáo dục hiện nay có bê trễ cũng không có gì là khó hiểu. Về lý thuyết mà xét, không ai coi nhẹ chuyện “trồng người” này. Ngay cả tiền bạc được chi cho giáo dục hàng năm, theo chỗ tôi được biết, cũng lớn lắm, chắc chắn là loại hàng đầu trong bảng chi ngân sách. Nhưng ít ra có thể thấy mấy điểm:
Thứ nhất là tâm lý chủ quan, không thấy hết chỗ lạc hậu của giáo dục Việt Nam, cho rằng xưa nay dân mình vốn thông minh hiếu học, cán bộ mình vốn giỏi giang vậy chịu khó động viên nhau một chút là xong.
Thứ hai là không đặt vấn đề đưa giáo dục của mình hội nhập thế giới, tưởng rằng cứ đào tạo một lớp người làng nhàng thế này rồi liệu dần, dân càng dốt càng dễ bảo.
Từ đây dẫn đến tư tưởng chỉ đạo thứ ba là không thấy sốt ruột trước những tật bệnh của cái ngành máy cái này. Nghe nói một dây chuyền sản xuất ở ngành kinh tế nào đó lạc hậu là cuống lên lo nhập. Nhưng trước những đổi mới cần thiết của giáo dục thì ngần ngại, sợ tốn tiền, sợ gây ra những thay đổi bất ngờ.
Kết quả thế nào thì tất cả chúng ta đã biết, kết quả như kỳ thi phổ thông năm nay, cả nước cười dở khóc dở, đề ra dễ chưa từng có mà cứ chia ba thì có một học sinh trượt. Còn giáo dục đại học bất thành nhân dạng, bằng giả đầy, bằng thật thì chất lượng cũng giả, đụng đâu cũng gặp giáo sư, tiến sỹ mà chả ai có công trình nghiên cứu, chả ai có phát minh đóng góp gì cho sản xuất. Tính sơ sơ đã thấy, từ tầm nhìn của sự phát triển, cái “tội” lớn nhất của giáo dục là không đáp ứng nhu cầu về số lượng chuyên gia và các loại thợ lành nghề. Nói cho đầy đủ hơn, lỗi lớn của nó là ở chỗ không bảo đảm đào tạo được những con người có cách sống cách nghĩ phù hợp với xã hội hiện đại.
Bây giờ thì cái gì người ta cũng tính ra tiền được. Đại khái như đợt thi vừa qua, để nói không với tiêu cực số tiền chi ra sơ sơ đã là 45 tỷ. Vậy tác hại của việc kém cỏi của giáo dục đến sự phát triển của đất nước ra sao, hình như chưa ai tính, nhưng chắc tính ra con số cũng khủng khiếp. Việc quay về đầu tư vào giáo dục giờ đây đã quá muộn, nhưng làm gì có con đường khác?
20/08/2007người đại biểu nhân dân


02/03/2009

Sự tha hóa của ngôn từ

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 14:03


– Tục ngữ Việt Nam có câu “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo“. Hóa ra sự tha hóa tiếng nói ở ta đã bắt đầu từ lâu lắm. Điều cần nói thêm là đến nay trong xã hội hiện đại, khuynh hướng này ngày càng phổ biến.

Tôi xin hết lòng (truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan) kể về một người đàn bà, thức nhiều đêm ròng để trông một cô gái ốm và lúc nào cũng xoen xoét cái miệng: tôi xin hết lòng vì cô. Có gì đâu, chỉ vì bà ta quá mê bộ tóc của cô bé. Sự việc lộ ra khi, lấy cớ giúp cho cái đầu cô bé khỏi vướng víu, trong lúc trông nom cô, bà ta đã đang tay cắt trộm mái tóc ấy.
Một ý ngầm toát lên qua thiên truyện: hóa ra ở đời này chẳng có ai tốt với ai cả!
Nhưng đọc Tôi xin hết lòng, tôi muốn lưu ý một khía cạnh khác: trong trường hợp này, lời nói đã trở thành công cụ cho người ta thực hiện ý đồ xấu xa. Nó trở nên hàm hồ, tùy tiện, lăng nhăng, giả dối, một thứ sản phẩm của tình trạng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo như các cụ xưa vẫn nói.
Ý nghĩ này thường trở đi trở lại trong đầu tôi khi hàng ngày chứng kiến cảnh người ta lừa nhau ở các bến xe, bến tàu. Thử đứng ở đầu cầu Chương Dương (Hà Nội) chẳng hạn.

Những chiếc xe khách chở người từ các vùng quê về chưa kịp đỗ đã có hàng loạt xe ôm chờ sẵn. Mỗi hành khách xuống xe lập tức trở thành con mồi để đám xe ôm xô đến tỏ thiện ý muốn giúp đỡ. Lời nói bao giờ cũng ngọt xớt. Người ngoài nghe thấy mà rùng mình, sự thực là họ đang lừa người ta để bên này bùi tai thì bên kia “chém”.

Đại khái cũng giống như các chương trình khuyến mãi của một số công ty làm ăn kiểu bất chính quảng cáo trên truyền hình. Họ lấy ngay tiền của người mua hàng để làm phần thưởng. Mỡ nó rán nó. Của người phúc ta. Nói ra rả hàng ngày mà không ai thấy chướng.

Có cái ác là nhiều khi biết người ta nói dối đấy mà không sao vạch mặt ra được. Chẳng hạn nhiều khi có việc cần đến một cơ quan thì thấy đập vào mắt tấm bảng viết nguệch ngoạc “Cơ quan chúng tôi xin được phép nghỉ sáng nay để họp”. Cùng là cán bộ nhà nước cả, nên tôi cũng chẳng giận làm gì, mặc dầu biết tỏng là nhiều khi người ta chẳng họp hành gì cả, mà chỉ yết bảng thế, để kéo nhau đi chơi (mùa này là đi du xuân).

Nhưng đau là đau ở khía cạnh khác: cái sự nói dối trắng trợn. Người ta coi thường và làm hỏng hết công việc của những người đến liên hệ công tác, nhưng lại làm bộ nhũn nhặn xin phép, ra điều tôn trọng chúng tôi, sợ chúng tôi lắm, phải được phép chúng tôi thì mới đuổi chúng tôi về hôm khác đến như vậy.

Từ góc độ xã hội học, đây là một biểu hiện của sự tha hóa ngôn từ, khi con người không còn làm chủ được công cụ giao tiếp này nữa và bản thân công cụ có một sự phát triển tự thân vô tổ chức (tương tự như tình trạng tế bào ung thư).

Bắt đầu là sự phát triển vô tội vạ của số lượng. Tiếp đó là những biến dạng kỳ dị. Sự không phù hợp giữa nội dung và phương thức biểu hiện ngày càng trở thành một thiên hướng không thể cứu vãn.

Tương tự như tình trạng giao thông làm chậm tốc độ đi lại, sự hỗn loạn trong ngôn ngữ cũng ngăn trở sự tiếp xúc giữa người ta với nhau và làm giảm mức độ phát triển của xã hội – nghĩ xa một chút phải thấy như vậy. Nhưng ở đây ta hãy nói với nhau ít chuyện cụ thể.

Một lần lẩn mẩn tra từ điển tiếng Việt, tôi bắt gặp vài chục từ ghép đi liền với chữ nói, tạm ghi ra như sau: nói bóng nói gió, nói càn, nói cạnh nói khóe, nói chọc, nói chơi, nói chua, nói cứng, nói dựa, nói dóc, nói dối, nói điêu, nói gạt, nói gần nói xa, nói gở, nói hớt, nói khoác, nói lảng, nói láo, nói leo, nói lửng, nói mát, nói mép, nói móc, nói mỉa, nói ngoa, nói ngang, nói nhăng nói cuội, nói như thánh phán, nói như vẹt, nói phách, nói phét, nói quanh, nói quấy nói quá, nói ra nói vào, nói suông, nói thách, nói thánh nói tướng, nói trạng, nói trống không, nói vơ, nói vụng, nói vuốt đuôi, nói xỏ… Trong số này, trên chín chục phần trăm là những từ mô tả sự nói với nghĩa xấu.

Hóa ra sự tha hóa tiếng nói ở ta đã bắt đầu từ lâu lắm. Điều cần nói thêm là đến nay trong xã hội hiện đại, khuynh hướng này ngày càng phổ biến. Cảm giác xấu về lời nói đè nặng lên tâm lý con người, bởi sự làm hàng giả len vào tất cả mọi lĩnh vực và sự giả dối hứa hão thì tìm đâu cũng ra ví dụ.

Trên một tờ báo chuyên về văn hóa, một lần thấy có thư của một bạn đọc than phiền vì những sự hứa hươu hứa vượn. Một bộ phim quảng cáo là phim kinh dị “made in Vietnam” và có tới 69 bài viết trên các báo lăng xê, sẽ không bao giờ bấm máy. Một bộ phim khác được giới thiệu là có đến hai diễn viên Hàn Quốc tham gia nhưng hóa ra… treo đầu dê, bán thịt chó, bởi chẳng có công ty nào của Hàn Quốc phối hợp cả. Đại khái như vậy. Người ta cứ làm hàng giả hàng ngày. Sợ gì đâu, chưa có thứ thuế nào dành riêng cho kẻ hứa hão. Còn muốn tiếp tục gieo rắc ảo tưởng ấy ư, hãy chi đậm thêm một chút cho “những cái lưỡi”, thế là xong tuốt!

Chủ Nhật, 1/3/2009 saigon times online

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.