VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

28/02/2009

Có một căn bệnh gọi là “ Dạ lang tự đại “

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 13:16

Nhiều người Việt sống ở nước ngoài đã chia sẻ với chúng ta cảm giác thương mến nhớ nhung khi xa Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, những ngày gần đây, chúng ta còn nhận được những lời tâm sự kín đáo và những suy nghĩ thâm trầm hơn. Như trường hợp Vĩnh Sính giáo sư đại học Alberta, Canada. Tập sách Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hoá (1) của ông có nội dung khá phong phú. Có bài khái quát Vị trí lịch sử của Trung quốc đối với Việt Nam và Nhật Bản hoặc đề cập tới Trục giao lưu văn hoá Nhật Bản Trung quốc Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Có bài giới thiệu về các nhân vật của lịch sử Nhật như Fukuzawa Yukichi và Asaba Sakitarô . Có bài so sánh những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ với những đề án có tính cách khải mông của những học giả trong hội trí thức Meirokusha. Điều đáng nói là ở đó người ta bắt gặp mấy đoạn ghi nhận về một khía cạnh còn đang ít được nói tới trong tâm lý dân mình , nhưng lại rất thiết yếu với công cuộc hội nhập đang được khởi động .
Lời nhắn nhủ của Vĩnh Sính bộc lộ trong ba trường hợp :
1/ Thiên kỷ III đang mỉm cười là mấy trang sổ tay, ở đó Vĩnh Sính chỉ kể lại ít điều ông ghi nhận được từ một hội nghị văn hoá châu Á tổ chức ở Hàn quốc vào tháng 11-1998. Khi bàn về giáo dục, trước hết ông nhắc lại ý kiến của học giả Trung quốc Hà Phương Xuyên là để vươn lên tầm thời đại, các dân tộc châu Á cần chuẩn bị hành trang cho cuộc giao lưu văn hoá. Rồi ngay sau đó ông dừng lại khá kỹ ở một thứ chủ nghĩa quốc gia văn hoá, hay gọi đích danh ra là một thứ “chủ nghĩa sô-vanh văn hoá ” cần phê phán. Nguyên đây là một ý trong bài phát biểu của giáo sư Hàn quốc Park Seong Rae bàn về Hội chứng độc lập (independence syndrome) hay nói nôm na là “ bệnh độc lập ” của đồng bào mình. Theo Park Seong Rae “ nếu người Hàn quốc càng nhấn mạnh độc lập văn hoá của nước họ đối với các nước láng giềng ( Nhật Bản và Trung quốc ) — chẳng hạn như cảm xúc nghệ thuật độc đáo của người Hàn quốc — thì chính bản thân họ lại càng phải chịu thiệt thòi nhiều hơn ” (tr 336). Liên hệ tới Việt Nam, Vĩnh Sính viết “ Hội chứng độc lập trong con người Việt Nam cũng khiến đa số chúng ta thiếu tinh thần tiếp thu những điều hay cái lạ của các nền văn hoá khác, đồng thời chỉ thích nói về những gì hay ho ưu việt trong văn hoá Việt Nam hơn là nói ra những khuyết điểm của mình để sửa chữa. Hội chứng độc lập cũng khiến ta thiếu tinh thần khách quan khi buôn bán làm ăn hay giao lưu với nước ngoài, chỉ biết mình nhưng không biết người ” ( tr. 337).
2/ Bài viết về Shiba Ryôtarô ( 1923-1996 ) giới thiệu một trong những tác giả đại diện cho nước Nhật và một trong những người viết sử có ảnh hưởng nhất ở Nhật. Ông này có viết riêng một cuốn sách phân tích quá trình lịch sử Việt Nam. Theo ông ở Việt Nam, “ làng xã vẫn là một đơn vị xã hội có tầm quan trọng hơn nhà nước “(tr 280), và đó là một nhân tố gốc, nó quy định trình độ phát triển của xã hội Việt. Trên đường đi vào tâm lý dân tộc, nhà nghiên cứu Nhật cho là người Việt có một số căn bệnh chưa biết bao giờ mới chữa nổi, như cái tình trạng thiếu tinh thần hợp tác với nhau để làm việc chung ; đặc biệt, theo Shiba Ryôtarô, một khuynh hướng của người Việt là “ xem dân tộc mình ưu việt so với người dân tộc khác ” ( các tr 288 –289), do đó là một sự cản trở đối với việc học hỏi và chung sống với thế giới.

3/ Một dịp khác, Vĩnh Sính dừng lại ở câu chuyện về một nhân vật của thế kỷ XVII. Đó là Chu Thuấn Thuỷ (1600-1682) một trí thức Trung quốc sống ở thời nhà Minh bị Mãn Thanh xâm chiếm.Trong quá trình vận động phản Thanh phục Minh, có mấy lần Chu đã lưu lạc sang Việt Nam. Chính quyền đương thời tức các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có lúc tính chuyện dung nạp ông, nhưng việc không thành, về sau Chu sang ở hẳn Nhật, trở thành một trí thức có công giúp đỡ cho việc đưa nước này vào một giai đoạn hưng thịnh. Những ngày làm việc với người Việt được Chu ghi lại qua tập sách mỏng An Nam cung dịch kỷ sự (Ký sự về việc phục dịch ở An Nam, 1657).
Dưới con mắt Chu, xã hội Việt Nam hiện ra với những nhược điểm cố hữu của một cơ chế khép kín ít tiếp xúc với bên ngoài. Ngay với thế giới Trung Hoa tưởng là quá quen thì hiểu biết của người Việt cũng rất hạn chế. Vừa gặp Chu, các nha lại địa phương đã giở trò hống hách, bắt người ta lạy, hỏi người ta bằng cấp gì, và nếu không có bằng cấp thì lập tức rẻ rúng. Đúng là cái bệnh quá quê mùa và hay chấp nhặt mà ngày nay chúng ta còn bảo lưu khá đầy đủ ! Đến như những câu chuyện mà các bậc gọi là thức giả bấy giờ quây vào hỏi Chu Thuấn Thuỷ thì phần lớn cũng là chuyện tầm thường. Sự yếu kém trong đời sống tinh thần của xã hội bộc lộ ở nhiều mức độ. Thứ nhất là lối học chỉ hớt lấy những cái lạ mà thiếu cơ sở học thuật, một sự ngây thơ trong tư duy khiến đương sự phải cười thầm “ Người quý quốc đọc những truyện như Tam quốc diễn nghĩa hoặc Phong thần mà cả tin là thật, cứ đến đây hỏi tôi hết chuyện này sang chuyện khác mãi không thôi. [Trong khi ấy thì lại bỏ qua không nghiên cứu những sách kinh điển như Ngũ Kinh, Tam sử ]. Tựa như bỏ vàng ngọc mà chọn gạch đá, nhổ lúa xanh mà trồng cỏ tranh, không hiểu cái gì phải lấy, cái gì phải bỏ ” (tr.393). Thứ hai là mê muội vì những trò mà nói theo thuật ngữ hiện đại là văn hoá tâm linh. “ Nhưng tại sao chư quân tử từ trên xuống dưới lại cứ đến đòi xem tướng số. Hỏi thật không nhằm chỗ, đến cuối cùng không biết là đã làm nhục Du (Tức CTT). Người coi tướng, người xem sao đông biết bao nhiêu mà đếm cho hết. Trong tứ dân (tức sĩ nông công thương — Vĩnh Sính chú) và chín học phái (tức cửu lưu : Nho gia, đạo gia, âm dương gia vv… Vĩnh Sính chú ), họ là hạng người thấp hèn nhất. So họ với nhà nho có đức nghĩa, khác xa một trời một vực, như đen với trắng, như nước với lửa, hoàn toàn tương phản ” (tr 392). Sau hết, Chu cho rằng xứ này “ tuy là nước nhỏ, nhưng khí kiêu ngạo, học vấn nông cạn, kiến thức có giới hạn, tuy có thể tuyển chọn được người tài năng trong nước Dạ Lang của mình, nhưng không tránh được vẻ ếch ngồi đáy giếng ” (tr.401). Theo ghi chú của Vĩnh Sính, “ nước Dạ Lang ” nói ở đây là một ẩn dụ, bắt đầu từ câu chuyện có thật về một nước nhỏ thời Hán, trong giao thiệp với thiên hạ mắc bệnh hoang tưởng, từng tranh luận với các sứ giả quanh chủ đề “ nước Dạ Lang so với Trung Quốc bên nào lớn bên nào nhỏ ”. Dạ Lang tự đại đã thành một thành ngữ có ghi cả trong các từ điển phổ thông như Tân Hoa, Tứ giác, chuyên để chỉ những cộng đồng quen sống biệt lập nên không có ý thức đúng đắn về vị trí của mình trên thế giới.
Trên đây là một trong những điều tâm đắc nhất tôi cảm nhận được khi đọc Vĩnh Sính. Cảm hứng sâu sắc về đời sống tinh thần xã hội Việt Nam hôm nay đã giúp cho tác giả có cách khai thác lịch sử hợp lý, và lời đề nghị ông muốn gửi gắm sau các trang viết cũng đã rõ, vấn đề chỉ còn là ở chỗ chúng ta có chia sẻ và chấp nhận , để rồi cùng bắt tay vào việc đi tìm những di lụy của nó trong những công việc trước mắt và tìm cách “gỡ rối “… hay không thôi .

(1) Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM và Trung tâm Nghiên cứu quốc học xuất bản , 2001 . Những số trang ghi trong bài đều dựa theo bản in trên.
Theo Thời báo kinh tế sài gòn

Cân đo đong đếm cụ thể

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:38


Là người làm nghề xuất bản , tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc những bài báo như bài Văn học Trung quốc chinh phục thế giới, nguyên bản in trên Time , bản dịch do báo Lao động ở ta in trong số 9-2-2003 . Bài báo kể : ở Trung quốc, ngành xuất bản nộp thuế cho nhà nước chỉ kém công nghiệp thuốc lá và rượu .

Tôi nhận ra trong cái chi tiết tiền thuế này mấy điều : sách đã biến thành một công cụ hữu ích ; người Trung quốc thật ham đọc ; và giới làm sách đã đáp ứng được nhu cầu đó ; nói gọn lại là ngành xuất bản ở họ đã trở thành một ngành công nghiệp hùng hậu . Không cần một lời hoa mỹ nào , mà cái mức nộp thuế cho nhà nước đã là một thứ nhiệt kế thông báo chính xác tình trạng phát triển của một ngành sản xuất dù là sản xuất tinh thần . Khi sáng tác và xuất bản đi đúng cái mạch hiện đại của nó , thì việc xuất hiện những tác phẩm Trung quốc làm say mê cả bạn đọc ở các nước khác , cỡ như Báu vật của đời, Phế đô , Cao lương đỏ , Điên cuồng như Vệ Tuệ , Hoa đỗ quyên đỏ v..v.. là chuyện tự nhiên , không có mới lạ .

Còn ở ta thì sao ? Tôi không có thống kê cụ thể nhưng đoan chắc không ai ngớ ngẩn tới mức so sánh thuế của ngành xuất bản với thuế thu được từ rượu và thuốc lá . Nhà văn Nguyễn Khải từng có nhận xét thời buổi kinh tế thị trường , dân mình sắm tủ chè thì nhiều chứ ai sắm tủ sách ?!
Mà trong việc này , trước tiên là giới viết sách và xuất bản sách có lỗi . Chúng ta đã không kéo được bạn đọc đến với sách .

Chung quanh các loại gọi là chi tiết cụ thể , mới đây tôi bắt gặp một ví dụ khác , nhưng là ở bên hội hoạ : Lâu nay nghe một số bạn cầm cọ vẽ khoe cũng thấy vui lây. Rằng hội hoạ VN độc đáo lắm . Rằng chúng ta có những triển lãm đầy thuyết phục và nhiều hoạ sĩ ta có tranh trong các bộ sưu tập của nhiều nước khác nhau . Nhưng sự thực thì sao ? Từ Paris , hoạ sĩ Trần Trọng Vũ vừa có một thông tin ngắn gọn về tình trạng của hội hoạ VN ; những thông tin ấy được hoạ sĩ Trịnh Cung xác nhận , ông này cắt nghĩa tại sao mình lại đồng tình với Trần Trọng Vũ qua bài trả lời phỏng vấn ngắn in trên TT&VH số ra 16-5-2003 . Theo Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung , khi ra nước ngoài , chưa bao giờ tranh VN có mặt trong hệ thống các gallery chuyên nghiệp ; và người mua tranh trong nước thường chỉ là khách du lịch . Thế tức là sao ? Theo tôi hiểu , tức là chúng ta chỉ có một nền hội hoạ thuộc loại chầu rìa . Vì chầu rìa nên mới không lọt vào được hệ thống mỹ thuật chuyên nghiệp. Đại khái cũng giống như trong bóng đá , chỉ khác là trong bóng đá người ta có hệ thống xếp loại rõ ràng , còn trong nghệ thuật thì chưa .

Từ hội hoạ tôi lại quay về văn học . Cuối năm ngoái ( từ 19 đến 21-12- 2002 ) , cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ nhất những người dịch văn học VN đã được tổ chức tại Hà Nội và tháng 4- 2003 vừa qua , một tập kỷ yếu của hội nghị đã được xuất bản . Trong tập kỷ yếu , bản báo cáo của ban tổ chức về tình hình văn học VN dịch ra các nước và lời phát biểu của một số đại biểu nước ngoài kể về tình hình giới thiệu văn học VN ở nước họ đã có dịp được in lại . Sẽ chẳng có gì mới nếu bảo rằng qua các báo cáo này có thể khảo sát nhiều điều thú vị . Và đây là một chi tiết khiến tôi phải dừng lại : trong phần tác phẩm văn học VN dịch ra tiếng Trung quốc , có kể ra mấy cuốn văn học cổ điển cùng là loạt sách của những năm từ 1975 về trước như Con trâu, Vùng mỏ , Vỡ bờ , Người con gái Việt nam, Từ tuyến đầu Tổ quốc v..v.. ; tính riêng phần văn học VN từ sau 1975 , chỉ thấy nói tới Ông cố vấn của Hữu Mai ( có chua rõ là năm 1999 , in ở NXB Quân sự nghị văn nhưng tính chất của NXB này thế nào , thì không thấy nói ) . Chắc nhiều người như tôi , khi đọc đến đây , tự hỏi : Chẳng nhẽ bạn đọc bên Trung quốc vô tình với các tác phẩm của ta hôm nay đến vậy ? Hay các bản báo cáo để sót ? Vô lý , không có lẽ !

Hiện chưa rõ ai sẽ đứng ra làm , song theo tôi , việc theo dõi văn học VN ra nước ngoài và có thông báo thường xuyên cho dư luận biết là cần kíp . Nên có những thống kê cụ thể về cả số lượng lẫn chất lượng : hàng năm có những tác phẩm nào đã được dịch ? Những cuốn sách đó in ra bao nhiêu bản ? ở những nhà xuất bản như thế nào ? và được dư luận bên ngoài đón nhận ra sao ? Những con số tự nó biết nói lên sự thật . Còn những lời lẽ : hẳn không cần tinh tế lắm , bạn đọc cũng sẽ phân biệt được ngay đâu là mấy câu khen cho phải phép , còn đâu là những lời thực lòng cảm phục .

21/02/2009

Lý do kinh tế và di hại đạo đức

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 11:49

Trong sự bê bối về giáo dục hiện thời, ai cũng thấy là lỗi trước tiên thuộc về những người quản lý và hoạch định chính sách. Nhưng chẳng nhẽ những người lên bục giảng vô can chăng? Vậy thì lỗi của các thầy ở đâu? Tại sao không người trong cuộc nào lên tiếng?

Do nghề nghiệp của mình tôi cũng có dịp làm quen với một số giáo sư, tiến sĩ, và có hiểu phần nào tâm trạng của họ. Dưới đây tôi thử trình bày một khía cạnh cụ thể dẫn tới sự hư hỏng của một số người trong đội ngũ những người dạy học thời nay. Cách làm của tôi là xác định vai trò của sự kiếm sống trong đời sống hàng ngày của mỗi người, kể cả các vị gọi là trí thức. Tức là thử trình bày giáo dục ở khía cạnh ý nghĩa kinh tế, và tạm bịa ra một thuật ngữ là kinh tế học tâm lý nhà giáo.

Từ nhiều năm nay, anh Ng. tôi quen thường xuyên phải làm việc hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, bởi trong chuyên ngành nghiên cứu văn học, anh thuộc loại đầu đàn. Thời gian đầu, mỗi khi gặp nhau anh rất hay đả động tới chuyện này. Luôn luôn anh nhăn nhó và kể với tôi là các ông bà tiến sĩ tương lai ấy buồn cười lắm. Việc học ở ta, từ lớp dưới, vốn đã rất yếu nên sau mười mấy năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, mang tiếng là đã xong đại học mà nhiều khi “chẳng hiểu nếp tẻ gì cả” (trong ngôn ngữ hàng ngày, Ng. thường thích thậm xưng một chút như vậy). Nhưng họ muốn đạt tới bằng cấp bằng mọi giá. Thế là hình thành nên một nhu cầu mà những người như Ng. phải lấp đầy. Ng. làm mà vẫn ngại, vừa làm vừa chán chường. “Nhiều khi phải tự nhủ là mình đang làm những việc chả dây dưa gì đến văn chương thì mới dám tiếp tục” – anh Ng. có lần tâm sự.

Nhiều năm đã trôi qua, mọi chuyện hầu như không có gì thay đổi nếu không muốn nói cứ đuối dần đi nữa. Tôi hiểu như vậy, khi thấy dạo này Ng. ít nói tới chuyện đào tạo. Đáng lẽ phải im lặng mà chịu đựng thì chính tôi lại có lần máy mồm trở lại hỏi :

– Thế sao anh vẫn tiếp tục nhận hướng dẫn?

– Đây là việc nhà trường giao cho, từ chối sao tiện? Hàng năm từ trên bộ đã có chỉ tiêu là phải đào tạo từng này từng kia người.

– …

– Với lại không mình hướng dẫn thì người khác hướng dẫn. Guồng máy chung nó chạy theo hướng nó, mình có đi ngược lại cũng vô ích.

Ng. không nói tiếp nhưng tôi dần hiểu. Và tôi chợt nhớ ra những lời đồn đại của mọi người chung quanh về khía cạnh chính của vấn đề. Là không vất vả như luyện thi, nhưng công tác đào tạo trên đại học bây giờ cũng “vớ” lắm, học viên càng ở các tỉnh xa hoặc loại kém cỏi không biết gì càng nộp những phong bì nặng cho thầy. Không ai công bố con số cụ thể bao nhiêu, song người ta vẫn nói giăng giăng với nhau cả chỗ riêng tư lẫn chỗ đông người. Thảo nào, chẳng cần tinh ý gì lắm cũng có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt của Ng. Từ chỗ chê ỉ chê eo, anh đã hồn nhiên nhập cuộc. Bao nhiêu tài năng và nghị lực vốn có được anh đem dồn tất cả cho cái mục đích cụ thể mà người ta đã cột anh vào. Anh mang lại cho nó những ý nghĩa bất ngờ. Anh say sưa. Anh mê mải. Giờ đây có ai trong đám bạn bè tâm huyết lảng vảng định nói tới công tác hướng dẫn luận án, anh không bắt lời nữa. Khi nói xa khi nói gần, anh gợi cho người ta cảm tưởng đây là chuyện mâm cơm nhà anh, và thiên hạ sẽ bất lịch sự, nếu cứ nhìn vào đó một cách soi mói.

Không phải chỉ riêng những người làm ở nghề giáo dục rơi vào tình thế nói trên. Mà ở ngành nào, người ta cũng nghe những lời than thở và cách xử lý tương tự. Số phận của con người hiện đại là không có thời gian để nghĩ về hành động của mình mà chỉ có cách lao vào kiếm sống. Không có từ chối bổng lộc, không có từ chức. Lại càng không có xót xa ân hận, không có tự vấn lương tâm. Bởi vậy, trong bóng tối con người ta mới cứ đi mãi vào tội lỗi .

Sau khi xuất phát từ nhu cầu kinh tế để giải thích hành động, tôi muốn nói qua tới khía cạnh đạo đức của vấn đề. Các cụ xưa có hai tiếng “thất đức” để chỉ những việc làm di hại cho nhiều đời sau. Đối chiếu với công việc đào tạo của những người như Ng., dưới tay các anh – “mang thương hiệu Ng.” – đã có bao nhiêu tiến sĩ rởm. Những người càng kém chuyên môn càng giỏi xoay xỏa, leo trèo. Một số trong họ sẽ đóng những vai trò trọng yếu trong nghiên cứu khoa học và đào tạo các lớp người sau. Nói cách khác, lớp người có bằng cấp rởm sẽ đông lên theo cấp số nhân. Mà truy tìm cú hích đầu tiên, vẫn phải gọi tên của Ng. và những đồng sự của anh. Tôi rất ngại dùng chữ thất đức, nhưng chưa tìm ra chữ khác đích đáng hơn.
22/11/07 saigon times online

Sống sao trong những ngày vui ?

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:24

Trong lúc vui, người ta dễ bộc lộ…chỗ dở của mình

Một nhà nghiên cứu lịch sử cho biết: Ngày xưa, vua có ban tặng cho các quan tiền bạc hoặc phẩm vật nào đó, thường không cho nhận ngay trước mặt đồng liêu, mà dặn hãy cứ về nhà, rồi lính sẽ mang đến sau. Làm thế là để giữ thể diện cho người nhận.

Mặc dù mang tiếng “phong kiến”, “lạc hậu”, song những người quản lí xã hội là những bậc thầy về tâm lí. Họ thừa hiểu rằng con người dễ bộc lộ sự tầm thường, khi quá hí hửng trước món quà trao tay.

Rộng ra mà xét, mỗi khi vui, tức là chúng ta hài lòng vì gặp được điều hợp ý muốn. Nói cho hết lẽ, trong khi vui, con người có dịp trình ra một điều quan trọng: lí tưởng của anh ta, những gì làm cho anh ta thấy cuộc sống có ý nghĩa, và trong một số trường hợp, điều mà anh ta có thể mang cả cuộc đời ra đánh đổi.

Có lẽ vì thế mà vào những ngày Tết, người lớn dễ cười bọn trẻ con: Chỉ có mấy đồng mừng tuổi (có nơi gọi là lì xì) mà chúng cũng sung sướng như bắt được vàng!

Nhưng thử tách ra để nhìn lại chính mình – thật không ai dám cam đoan là ta đã thoát khỏi cái tâm lí trẻ con ấy !

Một người bạn tôi nhận xét một anh bạn khác :

– Thằng ấy cả đời nghèo, bây giờ mới nảy nòi lên một tí, cứ cuống cả lên, chỉ sợ chung quanh không ai biết !

Nghe mà giật mình: Chắc nhiều người cùng cảnh như anh bạn nọ, mới đỡ khổ được dăm mười năm, những điều sung sướng không dám nói là đã quen, nên cái sự hiện ra lố lăng tầm thường trước mặt mọi người, chắc không thể tránh khỏi.

Lại nhớ cách yêu ghét của người thời xưa: Bấy giờ những kẻ giàu xổi mà lại hợm của, thường bị khinh bỉ, như một thứ gì gớm ghiếc lắm, tệ hơn cả sự nghèo túng. Còn bây giờ, hình như chúng ta sống xô bồ hơn và trong quan hệ thì xuê xoa dễ dãi với nhau hơn.

Trong đời sống hàng ngày, ta mãi đua đà với nhau, tranh khôn cùng nhau, hơn là suy xét bảo ban nhau. Thành thử sự hợm hĩnh và những tầm thường bộc lộ trong những dịp vui chỉ được coi là cái lỗi quá nhẹ, không mấy khi bị lên án.

Mối liên hệ giữa tự do và văn hoá

Một điều dễ hiểu là trong các thời điểm thiêng liêng, như những ngày Tết, mỗi cá nhân đều có nhu cầu tự khẳng định. Nhưng khẳng định như thế nào bây giờ? Với nhiều người, tự do đồng nghĩa với buông thả. Ta muốn gây chú ý với bất cứ giá nào và sẵn sàng để cho cái phần hoang dã trong mình nó ta hồ hoành hành. Chẳng hạn, ngồi trong nhà, hát ông ổng, rồi mở thật to cái loa điện, bắt cả làng cả phố cùng nghe; giữa đám tế lễ, buông lời pha trò cợt nhả, để đồng bọn cùng cười; ăn uống thừa mứa, nói năng trắng trợn; hả hê kiêu ngạo khi bắt nạt được kẻ yếu…

Có biết đâu, làm thế chỉ là một cách tự tố cáo rằng đời sống tinh thần ở ta nghèo nàn, văn hoá chung sống của ta quá thấp.

Bởi văn hoá là một cái gì quá rộng, nên cái sự thiếu thốn sự vắng mặt của nó, chúng ta còn cảm thấy trong nhiều trường hợp vui vẻ khác. Ta nhớ tới văn hoá khi cần chọn một cành đào, bày một mâm ngũ quả, lựa một bức tranh treo trên tường: làm sao để khỏi mang tiếng đắp điếm lộn xộn, để tất cả hoà hợp với nhau đây? ( Văn hoá lúc này có nghĩa một trật tự, một tinh thần quán xuyến và một thị hiếu thẩm mĩ lành mạnh).

Ta lại càng nhớ tới văn hoá, khi tái tạo lại một tập tục xưa, hoặc tới thăm lại một ngôi chùa, dự một ngày hội: Liệu có cái gì trong hồn người xưa, mà ta chưa đủ nội lực để thâm nhập ? (Văn hoá ở đây không chỉ là những hiểu biết căn kẽ về quá khứ, mà còn là khả năng cảm thấy tính liên tục của thời gian, cũng có nghe được sự có mặt của giống nòi trong huyết quản mỗi con người đang sống).

Trở lại với người xưa

Nói là mới mẻ, nhưng rồi cứ theo vòng vần xoay của trời đất, mỗi năm Tết lại quay về một lần. Hình như tuổi tác càng tăng, thì niềm háo hức với Tết càng giảm. Nhưng dù không sống ngày Tết cho ta, mà chỉ đón Tết cho mọi người, vẫn cần đến một chút tươi mới trong cảm xúc. Làm sao để thoát khỏi nhàm chán, nếu thiếu đi sự trợ giúp của văn hoá ?

Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tuân là hai nhà văn trái ngược hẳn nhau trên phương diện cảm thụ đời sống, ấy vậy mà giữa hai người vẫn có một chỗ gặp nhau tự nhiên. Nguyễn Công Hoan trong nhiều truyện ngắn thường chế giễu một cách cay độc bọn trọc phú hợm hĩnh vô học; còn Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, lại phát hoạ một cách tài hoa nếp sống thanh nhã của người xưa, và cho thấy một đời sống tinh thần vững chải là cần thiết cho con người đến như thế nào.

Nam Cao trong Mua Nhà vừa sung sướng nghĩ rằng mình gặp may, lập tức xót xa vì cảnh thất cơ lỡ vận của người khác.

Thạch Lam trong nhiều bài báo Tết không chỉ nói đến mứt, rượu… mà còn lưu ý riêng đến mấy bông hoa nát, những cành đào xấu xí, những bó thược dược tơi tả không ai mua… và chỉ thanh thản khi thấy trong phút cuối cùng trước giao thừa, những thứ hèn mọn ấy kịp đến với những căn buồng tiều tuỵ để mang lại một ít niềm vui, một ít hi vọng nhỏ bé.

Những nếp sống đẹp, chín, thuần thục còn được ghi lại một phần trong văn chương hôm qua.

Trên con đường tìm tới một cách sống văn hoá trong những ngày vui, có những điều mà người hôm nay phải có cách giải đáp riêng của mình ; nhưng nếu bớt chút thời gian đọc lại người đi trước, chúng ta vẫn nghe được nhiều lời dẫn dụ bổ ích.

(Báo Văn Nghệ)Thứ Hai, 07/02/2005

19/02/2009

Câu chuyện của người tự học

Filed under: giáo dục — vương-trí-đăng @ 11:07

1. Lời khuyên đầu tiên

Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ… mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.

Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói – nếu như được yêu cầu có một lời khuyên – đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.

2. Nhận rõ vị thế của mình!

Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)

Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài…, chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới… thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.

Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính… mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.

3. Tinh thần lập nghiệp.

Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước… Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.

4. Mấy “chiêu thức” cần thiết

Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :

1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.

2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử… Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.

3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì…càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.

5. Bản lĩnh và may mắn

Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh – oái oăm là ở chỗ đó!

Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.

Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.

Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.

Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.

Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

Đòi hỏi chính mình, vượt lên chính mình

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:58

TT – Đại hội sinh viên toàn quốc vừa kết thúc. Cả trong các báo cáo chính thức lẫn trong những lời bàn bạc trao đổi bên ngoài, tôi đọc được một khía cạnh mới trong ứng xử của xã hội với giới trẻ: họ không còn bị coi như một lớp người ngây thơ quen sống với lời khen và làm theo những cái mẫu có sẵn.

Trong chừng mực có thể, họ được giới thiệu bức tranh chân thật về đời sống đất nước cũng như chỉ ra những non kém của chính họ.

Thái độ tôn trọng đó chính là tiền đề cần thiết để một lời yêu cầu được phát ra. Lớp trẻ phải tập làm quen với vai trò chủ nhân và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tương lai của chính mình cũng như của xã hội.

Tôi tin rằng trong tâm tư sâu kín của người thanh niên biết suy nghĩ, những định hướng này là những gợi ý tích cực. Còn nếu nhìn ra cả đám đông thì vấn đề lại phức tạp. Từ những hành động của nhiều người trẻ hiện nay, tôi đọc ra những lý lẽ phản bác, đại loại như: Sở dĩ chúng tôi đến nông nỗi như thế này là tại người lớn quá hư hỏng! Chúng tôi có được dạy bảo tử tế đâu mà đòi chúng tôi tử tế!

Những lời than vãn oán trách này có cái lý của nó. Nhưng tôi cho rằng không thể dùng để biện hộ cho những buông trôi bừa bãi, thậm chí những phá phách thác loạn. Nếu tự mình làm hỏng mình thì chính là chúng ta trở thành vật hi sinh của cái xấu.

Bởi tin rằng không phải người ta dễ dàng làm theo những điều tự mình coi là đúng, tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ. Hãy tự đặt mình vào địa vị của một người trẻ hiện nay ở Iraq, ở Afghanistan, ở nhiều nước châu Phi… để thấy có phải thế giới này đã hết đâu những đau khổ mất mát. Hoặc lùi lại trong thời gian, nếu sống lại kỹ lưỡng với các thế hệ trẻ VN thời trước, các bạn sẽ thấy thời nào thanh niên cũng có những vấn đề của họ. Và bài học cuối cùng vẫn là nghiêm túc đòi hỏi mình, chọn con đường khó mà đi, vượt lên chính mình.

Kiến thức chân chính sẽ là chỗ dựa thiết yếu cho mọi sự phấn đấu. Miễn là chúng ta chịu học. Người ta sẽ tìm thấy nghị lực lớn lao khi sống với cả lịch sử và cả thế giới… Cái điều tưởng như quá to tát ấy thật ra lại quá thiết thực, nên là điều ta cần tự nhủ.

Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa – câu này là của Pavel Korchagin, nhân vật chính trong Thép đã tôi thế đấy, tôi thường nhớ lại mỗi khi gặp những tình cảnh gần như tuyệt vọng. Còn dưới đây là mẩu đối thoại giữa hai nhân vật trẻ trong một tiểu thuyết của nhà văn Tiệp Khắc Jan Otchenásek:

– Tôi chỉ sợ bây giờ không sửa chữa được gì nữa. Tất cả thế gian là một sự lừa dối, sự tàn nhẫn và máu, tính ngẫu nhiên độc ác và cái chết vô mục đích. Tôi sợ hãi cả thế giới, tôi không tin ở nó, không tin ở những cái sẽ tới sau này, tôi không muốn nhìn thấy tất cả những cái đó.

– Không cô bé ơi, không có thế giới nào khác cả, cần phải sống ngay trong thế giới này, do đó cần phải sửa sang lại nó. Chưa bao giờ và cũng chẳng bao giờ nó hoàn thiện. Có thể là nó vô nghĩa, nhưng chúng ta cần phải mang lại cho nó một ý nghĩa. Chính vì như thế chúng ta cần sống và khi không có cách nào khác, chúng ta cần chết.

Tôi đã ghi được đoạn văn này từ trong những năm tháng chiến tranh và hôm nay xin phép chép lại để tặng các bạn.

Thứ Tư, 18/02/2009 tuoitreonline

18/02/2009

Bữa ăn của đám đông

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:28

Miếng ăn quá khẩu thành tàn, người xưa có lúc đã nói như vậy, ngụ ý đừng quá coi trọng chuyện ăn uống. Nhưng cũng không ai xem thường chuyện này được. Chữ Hán có câu Dĩ thực vi thiên, ngụ ý cái ăn to như ông trời. Dân gian ở ta đọc chệch đi thành Dĩ thực vi tiên, vẫn giữ được cái ý chính, coi cái ăn là quan trọng hàng đầu.

Quan niệm về ăn uống của một cộng đồng vốn không mấy khi được nói ra, song nó vẫn ổn định với thời gian và làm nên chứng tích của một giai đoạn cụ thể. Đọc lại văn chương hồi trước, thấy cái ăn luôn được mô tả ở cận cảnh đáng buồn. Trong văn Nguyễn Công Hoan có cảnh một thằng bé lang thang bị cả chợ đuổi đánh chỉ vì ăn của bà hai xu bún riêu rồi… quỵt, bỏ chạy. Nam Cao có truyện Một bữa no kể về cái chết của một bà già quá đói. Sâu sắc hơn nữa, Nam Cao tả ngay cái đói của những người có suy nghĩ như nhà văn còm nọ, với đám bạn mê thịt chó của anh ta. Nhân vật chính trong một truyện ngắn của Nguyên Hồng ngủ nhờ nhà bạn đang đêm đói quá không ngủ được, trở dậy lục cơm nguội ăn vội và đây là một trong những đoạn văn hay nhất của tác giả này. Ở Kim Lân đầu đuôi mối tình của nhân vật Tràng với người vợ nhặt của gã là ở câu ví “Muốn ăn cơm nắm với giò – Lại đây mà đẩy xe bò với anh”.
Những chuyện ăn uống như thế biết nói về chúng ta không kém gì mọi chuyện quan trọng khác. Những chi tiết đó mấy hôm nay lại trở lại trong tâm trí tôi. Đó là cái lần tôi ngồi xem bản tin thời sự, thấy các phóng viên truyền hình chĩa ống kính vào bữa ăn của mấy người bán hàng ngoài chợ. Bà này cầm suất cơm chạy vội về nơi mình ngồi, bà nọ tay vừa cầm vào con cá trong chậu nước vẩn đục, đã cầm ngay vào cái thìa. Cô kia lúng búng vừa nhai vừa gỡ ra sợi tóc trong bát canh trước mặt… Chả là dạo này đang có dịch bệnh. Ban đầu mọi người chỉ nghĩ đến một vài tác nhân gây bệnh cụ thể, sau mới hiểu rằng vấn đề là toàn bộ cách ăn uống của chúng ta, từ đó mới có chuyện đưa mấy cảnh ăn uống nói trên lên màn ảnh nhỏ.
Tôi xem mà giật mình. Ăn uống như thế, thì làm sao tránh khỏi dịch bệnh cho được? Chắc mọi người cũng như tôi, cảm tưởng đầu tiên đến với chúng ta là vậy. Phần tôi chỉ muốn bổ sung ở đây không chỉ có vấn đề vệ sinh mà còn một cái gì lớn hơn, nó cho tôi thấy thực chất cuộc sống quanh mình mà hàng ngày mình quan liêu, xao nhãng. Mấy chục năm nay cuộc sống đã bao thay đổi. Đường phố chật xe ôtô. Các khu chung cư mọc lên san sát. Nhìn vào nhà nào cũng TV màu. Các mốt quần áo của nước ngoài tràn ngập phố xá. Giá kể có nhắc tới chuyện ăn, thì trên màn ảnh toàn thấy tiệc tùng hoành tráng, những người thắt caravát chúc rượu nhau và thịt cá thì ê hề trên các bàn. Thế nhưng thử nghĩ lại, có phải người nghèo còn quá đông, cảnh sống nhếch nhác còn phổ biến, và những bữa cơm ăn vội ăn vàng như mới thấy trên TV vẫn là cuộc sống hàng ngày của rất đông người.
Chưa nói về người dân của những vùng lũ lụt miền Trung, ngay trong bữa ăn của đám đông những người dân nghèo thành thị hôm nay, mọi chuyện ăn uống vẫn là như cũ. Và đằng sau những thứ ta ăn, cái cách hiểu của chúng ta về bữa ăn lại càng là một sự lặp lại. Chúng ta chỉ có một cuộc sống “tự nhiên nhi nhiên” chuồi theo thói quen. Sự nguy hiểm rình rập không phải là ta không biết, nhưng không có cách lựa chọn, âu là tặc lưỡi làm liều cho xong…
Từ những cảnh vẫn xảy ra hàng ngày, thấy hiểu thêm những vấn đề chung của đời sống chung. Lâu nay thấy chuyện bà con sẵn sàng bán các loại rau có phun cả thuốc trừ sâu, cả những con gà dịch bệnh cho người mua, nói chung là các loại hàng không rõ nguồn gốc, tôi thường thắc mắc đơn giản sao mà người mình ẩu, vô trách nhiệm với nhau đến thế.
Trong truyện ngắn Phiên chợ Tết, Nguyễn Minh Châu kể: Sau mấy chục năm xa quê trở về làng, ông cảm thấy mấy người bán hàng ở chợ hình như vẫn là người cũ còn sống sót. Sau hỏi ra mới biết họ là con cái của người bán hàng ngày xưa. Hôm qua mẹ bán ở chỗ nào mặt hàng gì thì hôm nay con vẫn chỗ ấy, mặt hàng ấy. Sự trì trệ của đời sống đã được nhà văn miêu tả đầy ấn tượng.
Cũng như cửa nhà đường sá, thức ăn trong bát chúng ta ăn hôm nay đã khác xưa nhiều. Song cái cách ăn của mấy người ngoài chợ hôm nay- và nói chung là của cả những người tiệc tùng sang trọng hơn- vẫn gợi cho tôi những ấn tượng cũ.

03/12/2007người đại biểu nhân dân

12/02/2009

Người làm hàng ra sao, thì chợ như vậy

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 06:13

Sài Gòn Tiếp Thị số tết Mậu Tý có bài sản xuất mà không biết chợ, trong đó ghi lại ý kiến của mấy nhà văn về thị trường văn chương và một số mong mỏi của họ về nghề nghiệp. Bài viết muốn nhìn nhận sáng tác theo con mắt kinh tế; văn chương được coi như một ngành sản xuất tinh thần; tác phẩm là hàng hoá. Đây là một hướng nghiên cứu thú vị và có thể giúp chúng ta sòng phẳng với nhau hơn mỗi khi cần đánh giá tình hình.

Với tư cách một người cũng quan tâm tới vấn đề này, tôi xin có một số ý bàn góp.

Nhà sản xuất

Nhìn theo góc độ kinh tế, phải nói là guồng máy văn chương hiện nay chưa chuyển thành thị trường với đúng nghĩa của nó, các nhân tố như người viết, người đọc, người trung gian, môi giới thiếu tính chuyên nghiệp.

Nó cũng là một thị trường nội địa, với nghĩa cả người sản xuất lẫn người kinh doanh – cả người viết lẫn người làm xuất bản – gần như không có ý niệm gì về việc đưa văn chương ra nước ngoài với tư cách hàng hoá. Hiện tượng làm sách để đi các hội chợ quốc tế vốn phổ biến với toàn thế giới lại hầu như chưa được người trong cuộc ở Việt Nam tính toán tới.

Thời bao cấp đẻ ra một loại nhà văn mà chỉ nó mới có. Người ta nói nhiều về tình yêu văn chương. Nó được coi là yếu tố thứ nhất mà cũng là yếu tố bao trùm. Ngoài ra mọi thứ bị coi nhẹ. Thiếu hiểu biết về nghề. Hiểu sai về vai trò của văn chương. Chất chuyên nghiệp kém. Thêm nữa nghe có vẻ lạ tai, nhưng quả thật là người viết thời ấy khá… lười biếng. Trước 1991, nhà văn Pháp L. Aragon có lần sang Liên Xô đã kêu ầm lên về chất lượng làm việc của giới cầm bút ở Nga và các nước cộng hoà lúc đó. Ông nói đùa: viết như thế này thì có chết đói cũng là phải! Ở ta cũng vậy.

Có điều là các giá trị hồi ấy thịnh hành lối trong nhà mẹ hát con khen hay. Do chỗ quen được khen – mà hình thức làm cho bất tử thú vị nhất là đưa vào tận nhà trường phổ thông – nhiều người loàng xoàng cũng thường xuyên phong thánh cho mình và các đồng nghiệp. Người ta cũng hay thì thào với nhau về vẻ thần bí của nghề nghiệp để biện hộ cho sự dông dài chơi bời của mình.

Từ sau 1985, khi đời sống văn học bắt đầu thay đổi, thì trong tâm trạng người viết có phân hoá. Thoạt đầu là cố bám đuổi ảo tưởng mới. Đến lúc thất bại thì lúng túng. Đau đớn vì thấy mình không có được cái vinh quang như cũ, họ quay về oán trách giới xuất bản và chê bai bạn đọc.

Xưa ở miền Bắc, rượu Làng Vân ngon nổi tiếng. Nay người ta toàn nấu rượu bằng sắn, và thị trường tràn ngập làng Vân chất lượng kém. Rượu làng Vân giả hoàn toàn bị đánh bại bởi các thứ rượu nấu theo phương thức công nghiệp. Tại sao người lao động lại đổ đốn như vậy? Chẳng qua có một thời gian dài, cả xã hội thiếu đói, làm hàng xấu thế nào cũng có người mua, nên dễ dãi tuỳ tiện trở thành thói quen, tất cả chỉ biết chạy theo số lượng.

Tình trạng này cũng thấy xảy ra ở nhiều nghề thủ công, trong đó có nghề văn.

Người ta không chỉ hiểu sai về thị trường văn học, mà luôn thể, còn hiểu sai về chính mình. Với ảo tưởng sẵn có, nhiều người ngỡ là mình lúc nào cũng có vô vàn bạn đọc và tự cho phép mình tha hồ làm bừa làm ẩu. Việc này lúc đầu lại được đám dân buôn chuyến trong văn chương khuyến khích, nên có tạo ra một sự phồn vinh giả tạo. Nhưng bằng cách đó người ta làm xói mòn niềm tin ở văn chương và cũng làm hỏng ngay chính ngòi bút của mình nữa.

Bạn đọc là cả một vấn đề đau đầu của văn chương hiện nay, nó cũng là một chỉ số cho thấy thực chất thị trường văn chương. Tuy nhiên, tôi xin phép để chủ đề này trong một dịp khác, mà muốn tiếp tục bàn thêm về giới sản xuất, tức là những người cầm bút.

Sau những phút bốc lên mà viết, không thiếu người cảm thấy khó thích ứng nổi, nên oán trách và lên án thị trường. Nhưng làm sao mà quay trở lại như xưa được nữa? Oán trách thì oán trách vậy, họ lại sôi sục vào cuộc, thử làm những cuộc liên minh với ma quỷ, viết theo đơn đặt hàng. Lợi dụng sự ưu ái của xã hội, họ mang cái tiếng nhà văn ra làm một thứ vốn kinh doanh, thực chất là tạo nên những cú làm ăn theo kiểu chụp giật. Lúc hứng bất tử, người ta lầm tưởng rằng mình là “kẻ am hiểu thị trường”, tức “kẻ hợp thời”. Những người lao động chân chính, chuyên làm hàng thứ thiệt, thì bị lép vế, coi rẻ.

Mấy lời trữ tình ngoài đề

Vang lên như một ấn tượng xót xa từ bài báo Sản xuất mà không biết chợ là nỗi ao ước của Nguyễn Huy Thiệp về người biên tập có con mắt xanh đủ hiểu đủ chia sẻ đủ gượng nhẹ với mình, đồng thời là những nhà làm xuất bản muốn đem văn chương đến cho người đọc và biết yêu nhà văn.

Tôi nhớ tới nhà thơ Đức B. Brecht (1898 – 1956). Biết phát hiện ra chân lý qua những hình thức nghịch lý là đặc điểm của nhà tư tưởng này. Một lần, ông bảo đáng thương thay là những dân tộc phải cần đến những anh hùng. Lần khác, thiết thực hơn, ông bảo ông thích sống trong xã hội mà người ta không cần đến lòng tốt của người láng giềng, vì đã có luật pháp quy định hành động của mọi người. Liên hệ tới câu chuyện chúng ta đang bàn, tôi muốn nói với anh Thiệp: cái mà chúng ta ao ước hơn là một thị trường văn học đích thực. Vì tới lúc bấy giờ, tự nhiên là các biên tập viên và các nhà làm xuất bản sẽ tìm mình thôi, chính niêu cơm của gia đình họ quyết định cái việc họ phải có mắt xanh với mình, chia sẻ với mình, và tình yêu này mới thật bền vững.

Tình trạng thị trường hiện nay, là thuộc về chúng ta, xứng với chính chúng ta.

Người làm hàng và chất lượng hàng ra sao thì chợ như vậy, mọi chuyện có cái lý riêng của nó.

Ngày 09.03.2008 theo sgtt

Sự gian dối không của riêng ai

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 06:00

Hàng xấu bảo hàng tốt; rau có phun thuốc sâu bảo là rau sạch; cơ quan làm ăn kém cỏi vẫn được khen là có nhiều thành tích; đời sống khó khăn bảo là đời sống được cải thiện; xử án thiên vị bảo là xét xử công bằng; coi dân như rác bảo là tôn trọng ý dân:
Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyện mà người ta chỉ có cách khái quát gọn lại trong hai chữ gian dối. Chúng ta đang nói nhiều tới sự tham nhũng, nhưng trong hành động tội ác này ít ra có chứa hai nội dung nữa: ăn cắp và gian dối. Cả hai liên quan dến tiền bạc và quyền lực , nhưng về lâu về dài liên quan đến đạo đức và lối sống, tức liên quan đến văn hóa.
Nguyễn Công Hoan từng có một truyện ngắn mang tên Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo. Ở đây nhà văn mượn cách chia của động từ trong tiếng Pháp, chỉ cốt để nói tới tình trạng phổ biến của hành động.
Một anh bạn tôi, khi nói về sự tràn ngập của thói gian dối, cũng thử nhại theo: Tôi gian dối, anh gian dối, nó gian dối. Người muốn gian dối mong có người khác làm trước để mình tin tưởng làm theo. Người đã gian dối nhiều lần mong hàng ngũ gian dối của mình được bổ sung ngày một đông đảo để mọi việc trót lọt.
Tôi tin nhiều đứa trẻ hiện nay đi học cóp bài vì nó thừa biết rằng cha mẹ nó cũng đang sống trên sự gian dối, cụ thể là tấm bằng bố mẹ nó có trong nhà cũng toàn là hàng rởm hàng đi mua để lừa thiên hạ .
Nhưng không bao giờ như những ngày này khi cả xã hội rùng rùng chuyển động cùng các cuộc thi cử thì sự gian dối cũng được dịp bùng nổ. Chưa thi đã lộ đầu bài. Mua bán phao bị ngăn cấm vẫn diễn ra hàng ngày. Ở địa phương nọ địa phương kia gian lận thả cửa. Có nơi học sinh thoải mái lấy sách ra mà chép…
Kiểm lại trong cái vũ điệu gian dối này có đủ loại người: Học sinh và cha mẹ học sinh. Thầy giáo và nhà trường. Một số phòng. Một số ty sở. Sau khi các vụ sai phạm bị phát hiện, người ta hứa ngay là sẽ xử lý nghiêm, sau đó lại viện đủ cớ để lờ đi cho nhau. Như thế mà không gọi là gian dối thì còn gì nữa?
Từ lâu tôi đã nghe nói là các bằng cấp nước mình cấp cho nhau bị nhiều nước khác từ chối không công nhận. Thoạt đầu nghe cũng thấy tức, sao họ khinh bỉ mình vậy. Đến lúc có thời gian tiếp xúc trong công việc mới thấy là họ có lý, và trong bụng không khỏi cảm thấy có chút xót xa, kể cả thấy nhục.
Giờ đây, người nước ngoài đến ta đầu tư làm việc du lịch nghỉ ngơi ngày càng đông, mọi việc diễn ra ngay trước mắt họ. Điều gì sẽ đến trong tâm trí khi đọc báo thấy một kỳ thi của chúng ta cũng đầy bê bối như thế này? Họ sẽ nghĩ sao mỗi khi phải cộng tác với người Việt ?

Thứ Sáu, 09/06/2006
(Báo Nông thôn ngày nay)

11/02/2009

Quyền được tầm thường

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 06:31

Có quan chức tự cho là mình có quyền tham nhũng, có học sinh cho là mình có quyền quay cóp… Gộp chung lại tạm gọi là cái quyền con người tự cho phép mình được tầm thường…
Có lẽ vào những ngày World cup này mà không nói chuyện bóng đá thì thành ngớ ngẩn. “Nhiều người sẽ ăn bóng đá ngủ bóng đá” Ta sẽ cho thế giới biết là dân Việt Nam rất chịu chơi!“.
Những lời “răn đe” kiểu ấy tôi đã đọc được từ lâu lắm, từ trước cái tháng sáu nóng nực này cả năm và quả thật bây giờ được chứng nghiệm khá rầm rộ, nghe đâu đến chính cả nhiều người nước ngoài đến Việt Nam trong những ngày này cũng phải kinh ngạc.

Bắt đầu thấy những bài báo nói ngãng ra: sự thật thì Wolrd Cup không được như người ta mong đợi. Nhiều đội hàng đầu đá kém. Mấy đội tưởng là ngựa ô, cũng hiền như đất. Sân cỏ hóa ra là nơi bộc lộ sự tàn phá của thời gian đối với lớp già và bước trưởng thành chậm chạp của lớp trẻ.

Và cái ấn tượng còn lại từ nhiều người quanh tôi lúc này không phải là say bóng đá mà là say …bia . Chỉ cần nhìn vào chương trình quảng cáo trước và sau nhiều buổi tường thuật trên TV. Vênh vang và thỏa mãn, đó là phong thái chủ yếu toát ra qua những nét mặt ngày nào ta cũng phải gặp vài lần. Khốn khổ là nhiều người lại tưởng là có vênh vang và thỏa mãn thế mới là trẻ, là hiện đại và bắt kịp nhịp sống của thế giới .

Mấy tháng trước, vào dịp lễ hội đầu năm đến cơ quan nào cũng chỉ lo không gặp vì người đi hội. Còn vào những ngày này, nếu không mải chuyện đá bóng thì lại là chuyện đi nghỉ mát. Đằng sau những bộ mặt vô cảm, tôi tưởng tượng có một lời giải thích thản nhiên: Không có gì là quan trọng lúc này bằng việc chúng tôi đi nghỉ !

Nhà báo lão thành Thái Duy kể với tôi vài chi tiết trong một cuốn sách một nhà báo Mỹ viết về Hàn Quốc. Tác giả sách đã bỏ mấy năm sục tìm tài liệu chỉ cốt cắt nghĩa tại sao Hàn Quốc thành công như vậy. Và ông này cho biết bốn năm sau chiến tranh, cả nước Hàn không có chủ nhật. Thư viện quốc gia mở cửa từ bốn giờ sáng, nếu ai thử ra, chưa bốn giờ đã thấy đã có người chầu chực. Hút một điếu thuốc lá ngoại mà bị bắt được sẽ bị đuổi việc. Tác giả cuốn sách kết luận là ông phải ngả mũ chào trước khả năng quay lưng lại tiện nghi của mỗi người dân Hàn, họ chiến thắng là vì vậy .

Cuốn sách này đã dịch ra tiếng Việt mà chả ai để ý, bản thân tôi cũng chưa được biết . Nhưng tôi tưởng tượng giá kể đưa nó ra phổ biến rộng rãi thì nhiều người sẽ bĩu môi :
– Làm gì mà khổ hạnh thế ? Quyền của tôi là phải được hưởng thụ!
– Có phải anh muốn bảo đại khái nó cũng giống như các quan chức tuy không nói ra, nhưng vẫn thường tự cho là mình có quyền tham nhũng và học sinh thì cho là mình có quyền quay cóp, gộp chung lại tạm gọi là cái quyền con người tự cho phép mình được tầm thường? Đã thế thì em xin chịu thầy!

Thứ Sáu, 30/06/2006 Báo Nông thôn ngày nay

04/02/2009

Những bao khoai tây lủng củng

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 05:06

Chỉ cần đứng ở các đầu ô, theo dõi sự giao lưu hàng hóa trên con đường nối Hà Nội với các tỉnh, người ta cũng sớm nhận ra thực chất các mối quan hệ giữa đô thị với các vùng nông thôn chung quanh hiện nay. Đổ lên phố xá, chỉ thấy gạo nước, những bu gà (trước đây còn cả những con lợn đã mổ), những xe thồ chở rau kềnh càng, hàng đoàn xe đạp ngất nghểu cây cảnh. Xuôi đi các tỉnh thì trăm thứ bà rằn, vải vóc, quần áo, đồ điện, thuốc tây…
Và cả những đồ chơi trẻ con. Ngày xưa có ai đi mua diều để thả bao giờ? Bố khéo tay thì làm cho con cái diều. Thô sơ, mộc mạc, nhưng mà đúng “cây nhà lá vườn” và hợp với khung cảnh quê mình. Ngày nay, mùa hè, diều từ Hà Nội đưa về là diều nhựa, xanh xanh đỏ đỏ, ai cũng biết là nhập lậu từ Trung Quốc.
Kiểu quan hệ hai chiều như thế, kể ra cũng là một bước phát triển. Nông thôn ta đang được hưởng nhiều thành tựu của công nghiệp. Chỉ phiền một nỗi, dưới con mắt nhà xã hội học, tức là nông thôn ta lao động đã thừa, giờ đây càng thừa thêm. Những ngày nông nhàn, ngoài việc chạy chợ, người ta không biết làm gì. Thị trường cổ truyền bị thu hẹp. Người làm nghề phụ đang mất đất ngay trên quê hương mình.
Tôi không ngớ ngẩn đến mức đề nghị bịt đường, không cho hàng hóa thành thị về nông thôn. Tôi chỉ ước ao thực hiện cái điều nhiều người đã biết, tức là làm sao các nghề phụ ở nông thôn được tổ chức lại, từng vùng có mặt hàng riêng, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập (nếu không tốt hơn, đẹp hơn, thì cũng rẻ hơn, vừa túi tiền hơn). Nó là chuyện giải quyết lao động thừa. Nó lại cũng là một cách để giữ gìn một số làng nghề truyền thống, và nhìn rộng ra, là giữ gìn cái bản sắc riêng của dân mình.
Có điều, đây là cả một quy trình phức tạp. Phải có vốn. Phải có kỹ thuật mới. Và điều quan trọng nhất, những người làm nghề phải có ý thức kết hợp với nhau. Nhưng đây đang là một tử huyệt của chúng ta. Nghĩa là muốn làm lắm mà không làm nổi. Không ai bảo được ai. Không ai thấy người khác hơn mình, không ai tin ở sự chí công vô tư ở những người được bầu ra quản lý. Trong bụng ai cũng ngại.
“Nền sản xuất của chúng ta hiện trong tình trạng quá manh mún. Nếu không được tổ chức lại, chúng ta rất khó cạnh tranh với các xí nghiệp nước ngoài”. Từ hồi chuẩn bị tinh thần cho việc gia nhập WTO, tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã cảnh báo như vậy. Đọc vào ngành nào tôi cũng thấy lời tiên đoán của ông được lặp lại.
“Nếu các công ty du lịch của chúng ta không liên kết lại, làm sao ta mở rộng hoạt động…”
“Nếu các điền chủ Việt Nam không liên kết lại, làm sao cạnh tranh nổi với hàng nông sản nước ngoài”.
Nhưng những lời kêu gọi ấy trước sau đều rơi tõm vào quên lãng. Một lần đọc báo thấy nói các công ty mình mang thanh long sang nước ngoài bán. Lúc đầu mọi người còn bảo nhau thống nhất giá. Sau một vài người đi đêm với khách bán phá giá. Thế là người mua càng được dịp bắt chẹt.
Cụm cảng Sài Gòn hiện nay gồm nhiều cảng nhỏ, nếu tôi nhớ không lầm thì một tờ báo nói là đến mấy chục cái (!). Nhưng toàn thứ cảng chỉ đón được tàu vài chục ngàn tấn. Đang xảy ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Trong hoàn cảnh thế giới người ta xài toàn tàu lớn thì số cảng như thế không thừa sao được? Song lại vẫn là thiếu vì các loại tàu từ 800.000 tấn trở lên, chở hàng vào Việt Nam, thường phải đổ hàng qua cảng lớn của mấy nước bên cạnh, như Singapore, rồi “tăng bo” qua ta sau. Dự đoán ngành vận tải còn là thất thu, xuất nhập khẩu càng phát triển thì thất thu càng nặng. Trong cảnh ế hàng, các cảng tí xíu phải hạ giá để mời khách hàng chiếu cố, và giữa các cảng có sự tranh khách rồi lườm nguýt nhau đến khổ.
Không chỉ dừng lại ở việc làm ăn sản xuất, cái căn bệnh làm ăn lẻ cái nếp sống rời rạc anh hùng nhất khoảnh này đang chi phối cả xã hội và nó tác oai tác quái hàng ngày. Nhiều con đường, anh giao thông vừa làm xong anh điện ra đào lên để đặt đường điện, anh nước san lấp để đặt ống nước. Hàng hóa lúc thiếu thì mua tranh bán cướp và vừa cảm thấy thừa là đua nhau bán phá giá. Mỗi bộ mỗi ngành một luật lệ riêng, người dân vào đâu lại phải lựa đấy.
Nếu những ví dụ tương tự như trên có thể nêu ra rất nhiều thì câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta khó cộng tác với nhau đến vậy. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc không chỉ các nhà kinh tế, mà các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội cần phải có mặt. Lại nhớ một nhận xét của Marx về người nông dân sản xuất nhỏ lẻ: Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải; Đúng là họ giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống. Đôi khi người này tưởng rằng người kia là nguyên nhân của mọi bất hạnh của mình. Và chen cạnh nhau, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập đau đớn mới thôi. Có thể khoác đủ mọi tên gọi khác nhau song thứ tư tưởng nông dân này đã tồn tại dai dẳng và làm nên cái tình trạng “ta tự hại ta”, níu kéo cả xã hội lại.

26/11/2007 người đại biểu nhân dan

Có sao đâu

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 04:26

Theo quy định của chữ Hán là đọc từ trên xuống thì bốn chữ Hán trên tấm hình kèm theo đây đọc lần lượt là điển — từ — Việt –Hán . Mãi rồi tôi mới hiểu : chắc là những người làm sách đã xin chữ một ông đồ tân thời nào đó , để tô điểm cho cuốn từ điển của Đào Duy Anh , nhưng vì quên mất lời dặn nên dán ngược . Lòng bỗng tự hỏi : một người ngoại quốc nào đó sẵn biết tiếng Hán khi thấy quyển sách này họ sẽ nghĩ gì ? Có lẽ sau một hồi phân vân họ sẽ phì cười mà tự nhủ rằng : Hay là người Việt hiện nay mới phát minh ra lối viết chữ Hán theo kiểu mới , viết ngược từ dưới lên ?!
Tôi còn có thể kể ngay ra đây nhiều những ví dụ về sự cẩu thả bừa bãi bày ra đầy rẫy trên các văn bản chúng ta cho xuất xưởng hàng ngày. Lâu lắm rồi , nhiều báo đã viết đại loại “ Lev Tolsoi là một nhà văn xô viết “ mà đinh ninh rằng mình tuyệt đối đúng . Vào những ngày này , dư luận đang xôn xao về hàng trăm sai lầm được gọi đích danh là bịa đặt và dối trá trong hai cuốn từ điển tiếng Việt của một soạn giả nổi tiếng . Hoặc như mới nhất là cuối tuần qua , nhiều người không tin ở mắt mình khi thấy trên một bài báo viết về các tác giả nữ của vùng Mỹ la tinh lại thường xuyên xuất hiện mấy chữ “ Matxcơva “ , và mãi người ta mới đoán ra là có lẽ đó là chữ Mehico , do xuất phát từ văn bản tiếng Hán nên …đọc nhầm .
Nhân đây nói về việc viết tên đất tên người nước ngoài : một sự hỗn loạn . Hỗn loạn trong toàn bộ hệ thống xuất bản phẩm . Trong một tác giả . Và không hiếm khi ngay trong một trang sách .
Còn nhớ có lần tôi góp ý kiến cho một nhà văn nổi tiếng rằng ông đã chép nhầm một câu thơ chữ Hán dùng làm đề từ cho một cuốn tiểu thuyết ông viết , thì ông cho một câu xanh rờn : “ Sai thì bạn đọc sẽ sửa . Cái câu tuyệt vời kia nó vẫn còn nguyên trong các tập thơ của Nguyễn Du cơ mà “ . Hoặc đây là cách phản ứng của một sếp báo khi có người chỉ ra những lỗi kiến thức trên báo của ông :
— Sao mà lúc nào cũng chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người ta như vậy ?
Tiếp tục câu chuyện về Hội ơi là hội ( TT&VH 6-5-05 ) , tôi muốn nhắc tới một chi tiết khác cũng vang vọng như một điệp khúc trong đầu óc người xem từ chương trình này của VTV 3 . Số là khi dân làng làm bánh chưng thì bao chuyện bê bối xảy đến : thiếu gạo , thiếu đỗ , thiếu thịt . Đựơc cái là các vị chức sắc có lối giải quyết rất hồn nhiên : không có gạo nếp thì gạo tẻ ; không có đỗ thì bù vào bằng khoai, sắn ,lạc ; không có thịt lợn thì thay vào bằng thịt rắn thịt chuột . Và lần nào “ cho ý kiến “ như vậy thì mặt họ cũng đánh lên kiêu hãnh , kèm theo một câu buông lửng : Có sao đâu !
Có sao đâu , đang trở thành câu đầu miệng mà nhiều người tự nhủ khi có ai đó phát hiện ra họ có sai lầm . Có sao đâu vang lên đồng nghĩa với câu hỏi “ có chết ai đâu ? “ để trở thành cả một triết lý sống mang đậm dấu ấn thời đại .
Không chết ai cả , đúng thế , mọi chuyện vẫn trôi qua hồn nhiên ,vâng — chỉ có điều đáng lẽ có thể là một cuộc sống đi dần đến hoàn thiện thì thay vào đó là một tình trạng nhếch nhác nham nhở kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt .

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.