VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

06/07/2010

Hy vọng đã thành thói quen

Filed under: GIAO DUC,HOI KY,Khác — vương-trí-đăng @ 11:18

Hy vọng đã thành thói quen

{Thực trạng khủng hoảng của nền giáo dục khiến các bậc cha mẹ phải xoay trở bằng nhiều kiểu cách.}

Xếp hàng đã được biết tới như một cách sống điển hình của người Hà Nội những năm chiến tranh. Bắt nguồn từ sự thiếu thốn thường trực, cuộc sống “xếp hàng cả ngày” rút cục tạo cho con người ta một cảm giác vô vọng, hành động kỳ cục không sao hiểu nổi. (more…)

17/06/2010

Cùng tìm hiểu lại tiếng Việt

Filed under: GIAO DUC,Khác — vương-trí-đăng @ 08:45

Cùng tìm hiểu lại tiếng Việt

Làm cha làm mẹ thời nay hẳn ai cũng ngại ngùng khi con cái nhờ giảng cho một đôi điều thắc mắc từ sách tiếng Việt mà chúng đang học . Trong nhiều trường hợp chúng ta chỉ có cách quát bọn trẻ “ thì nó là thế chứ còn là gì nữa mà phải hỏi lắm hỏi nhiều “ (more…)

03/04/2010

Người Việt sống bằng hành động nhiều hơn suy nghĩ

Filed under: GIAO DUC,Khác — vương-trí-đăng @ 11:03

(VnMedia) -“Một đặc tính của dân Việt là sống hời hợt, thường phản ứng vội, theo phong trào, ra quyết tâm nhưng ít đi tới cùng. Quan niệm ăn sâu “nói thì dễ, làm mới khó”, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn đề cao hành động hơn suy nghĩ, không có sự nghiền ngẫm sống…”.

Từ hiện tượng bạo lực trong xã hội, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ những nhìn nhận sâu xa hơn về dân tộc tính.

>> Trình độ sống của người Việt còn thấp!
>> Không chỉ là bạo lực học đường!
>> “Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt” (more…)

12/12/2009

Tại sao gần như là vô phương cứu chữa

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 03:35


Một điều đáng mừng là thời gian gần đây có vẻ xã hội đã chấp nhận rằng ngành giáo dục của chúng ta bệnh đã quá nặng cần mang ra cho mọi người bàn bạc góp ý kiến , và nếu có ai hiến kế để chữa chạy thì càng tốt .Trước khi bốc thuốc , điều cần thiết đầu tiên vẫn là thấy rõ căn bệnh . Trong cuộc hội chẩn này , có thể nêu một số giả thiết để làm việc – dưới đây tôi xin phép được nêu giả thiết của tôi :
(more…)

01/08/2009

Sau tội là bệnh

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 08:57

(TBKTSG) – Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chung. Đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình mấy chục năm nay, những di lụy của nó để lại trong tâm lý con người kể sao cho xiết. Đặc điểm của chiến tranh là bạo lực. Trở về từ chiến tranh, mải làm ăn kiếm sống, ta tưởng ta thoát khỏi nó…

Một cô giáo ở Thái Bình phạt một bé gái bằng cách cho cả lớp 32 học sinh tát thẳng vào mặt người bạn có lỗi, nạn nhân phải đưa đi bệnh viện. Một thầy giáo ở Đình Tổ, Bắc Ninh xâm hại tình dục mấy học sinh 9 tuổi trong lớp mình đang dạy đến mức các gia đình học sinh rủ nhau đi kiện.

Hai sự kiện này tôi nghe được từ mấy năm trước. Ngày nay việc bạo hành xảy ra còn ở mức tày đình hơn nhiều. Nhưng chỉ hai việc nhỏ trên cũng đã đủ gợi ra một số suy nghĩ.

Cô giáo kia là một người lâu năm trong nghề, từng là cô giáo dạy giỏi. Trên màn hình VTV, tôi đã thấy vẻ mặt cô khi nhận lỗi, trông không có gì là giả dối. Thành thử tự nhiên cứ phân vân. Và tôi nhớ tới những lầm lỗi mà mình đã mắc hàng ngày. Lúc ấy mình không còn là mình nữa. Nói ra không mấy ai tin nhưng hình như lúc đó có ai xui khiến mình làm bậy vậy, có muốn tỉnh táo cũng không được.

Mặt khác, nếu được tìm hiểu kỹ hoàn cảnh cô giáo mắc lỗi biết đâu người ta chẳng thấy được nhiều nguyên cớ cụ thể. Hôm đó có thể cô đã gặp một chuyện gì rất phiền lòng trong gia đình? Hoặc trước đó trong lớp đã xảy ra những chuyện làm cô phải bực bội, đến mức quá giận mất khôn.

Lại như trường hợp thứ hai. Trong hành động của người thầy giáo trẻ tuổi kia có gì kỳ dị vượt ra ngoài tình trạng tâm sinh lý thông thường. Một thứ bệnh hoạn – tôi nghĩ vậy.

Nhưng thử nhìn rộng ra xem, các nhà khoa học cho biết trong thời buổi hiện nay, thiên nhiên đang xảy ra nhiều đột biến. Thời tiết thất thường. Nhiều loại vi trùng kháng thuốc. Nhiều loại sâu bệnh mới xuất hiện. Xã hội cũng vậy, trên các trang báo hàng ngày tràn ngập tin tức về các vụ việc mà trước kia không ai hình dung nổi và không nước nào không có. Làm sao cái xu thế đó không hằn sâu vào tâm lý con người cho được?

Trạng thái cân bằng cổ điển trở thành một thứ hồi ức xa vời trong tâm tưởng ta. Mỗi chúng ta chịu sự thao túng của bao nhiêu dồn nén, bao nhiêu ẩn ức.

Những ai từng đọc tiểu thuyết Số đỏ hẳn nhớ trường hợp nhân vật cậu Phước với cái căn bệnh kỳ cục phải nói là suy cho cùng thì có họ hàng xa gần với bệnh của người thầy giáo ở Đình Tổ nói trên. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tỏ ra có lý khi mượn mồm một bác sĩ để đề nghị rằng chỉ có thể cắt nghĩa bệnh của cậu quí tử đó bằng các lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud.

Sách Đại Việt sử lược (chưa rõ tác giả), một trong những bộ sử cổ nhất của ta ghi về Lê Long Đĩnh, tức Lê Ngọa Triều (trị vì từ 1006 – 1009) như sau: “Tính vua ưa chém giết. Có người phạm tội sắp phải hành hình thì vua bắt lấy cỏ tranh quấn vào người rồi đốt. Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng sát hại. Phàm những con vật đem cung cho nhà bếp, trước tiên sai người khiêng vào để tự tay vua đâm chết đã. Hoặc đêm đến sai làm thịt mèo cho các thân vương xơi, ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, ai nấy đều mửa thốc mửa tháo…”.

Trước mắt chúng ta là một ca bệnh nữa, ở mức quái đản. Giá như ngày nay, hẳn có người đã đề nghị buộc Lê Ngọa Triều phải hầu tòa.

Mọi tội lỗi phải được xử theo pháp luật. Nhưng tôi cho rằng trong một số trường hợp, những người có tội đồng thời phải được xem như những người có bệnh. Trong những con người không may ấy, vấn đề không còn chỉ là sự điều khiển của ý thức, mà là một thứ bản năng chi phối. Giống như các loài cỏ dại, nó nảy nở tự phát trong con người họ, và tùy hoàn cảnh mà bản năng bùng nổ thành tội ác. Nói cách khác, trong cái việc họ không còn đủ sáng suốt điều chỉnh hành vi của mình, có sự có mặt của những yếu tố mà tâm lý học gọi là vô thức (bao gồm cả vô thức cá nhân lẫn vô thức tập thể).

Đồng thời với tòa án, viện kiểm sát làm công việc lập hồ sơ, xem xét tội danh, xử án… lẽ ra những người nghiên cứu tâm lý xã hội phải có mặt.

Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chung. Đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình mấy chục năm nay, những di lụy của nó để lại trong tâm lý con người kể sao cho xiết. Đặc điểm của chiến tranh là bạo lực. Trở về từ chiến tranh, mải làm ăn kiếm sống, ta tưởng ta thoát khỏi nó. Biết đâu nó vẫn tiềm ẩn trong con người và sẽ tìm những chỗ bất ngờ nhất để phát lộ.

Mặt khác, từ chỗ quen sống khép kín, nay xã hội ta mở cửa ra với thế giới. Cùng với bao điều tốt đẹp thì những căn bệnh chỉ xã hội hiện đại mới có cũng ùa vào ta và cũng tìm thấy ở xứ ta một mảnh đất tốt.

Từ nhận thức “không nỗi đau nào là của riêng ai”, đã đến lúc nên nói với nhau “không bệnh tật nào là của riêng ai”. Có đi vào cơ chế đời sống tinh thần cụ thể của con người thì mới thể tất được cho nhau.

Phải có sự điều trị dần dần, theo những phác đồ hợp lý, chung cho cả xã hội.

Đó cũng là cách tốt nhất để những hành động tương tự sẽ bớt dần chứ không phải ngày mỗi tăng lên như hiện nay.

Thứ Năm, 30/7/2009
Saigon times Online

24/07/2009

Không nên cầu dễ… trong học tập

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 12:02
TTO – Cũng như nhiều bạn đọc khác, trước hết tôi xin hoàn toàn chia sẻ với những lời than phiền về tình hình giáo dục hiện nay. Trong gia đình, bọn tôi cũng thường được nghe các cháu kể khổ như vậy. Và nói gì thì nói, phải nhận đó là lỗi của ngành “đào tạo con người” ở ta, bao gồm từ quan niệm tổng quát về giáo dục, cho tới sự phân bố chương trình, việc viết sách giáo khoa, cách cho điểm v.v..
Nhìn qua đã thấy đấy là những kém cỏi trong công việc. Mà quy đến cùng thì phải gọi cách làm ăn đó là làm khổ con người, thậm chí là thiếu tinh thần nhân văn nhân đạo
Thế nhưng, cũng như những bất cập khác trong đời sống, những bất cập trong ngành giáo dục không phải ngày một ngày hai giải quyết được ngay.
Nhân gần đây có tìm hiểu lại lịch sử giáo dục, tôi thấy trên phương diện này, truyền thống mà chúng ta đang có không dày dặn như chúng ta tưởng, ông cha ta xưa cũng chỉ nói nhiều tới khoa cử chứ chưa hình thành được một quan niệm cũng như một nền nếp tốt trong giáo dục, chính đó cũng là lý do hiện nay chúng ta loay hoay nhiều với chuyện học hành của con em mà chưa biết giải quyết ra sao.
Bởi vậy tôi cho rằng sau khi đã “ kể khổ” như vậy, đúng hơn là đồng thời với việc đó, mỗi người không nên quên hướng sự suy nghĩ của mình và con em mình theo một quỹ đạo khác: đầu tư thời gian và sức lực hơn nữa cho cái việc ta đang làm quá kém này.
Chỉ cần nghĩ tới tình hình sự phát triển của kiến thức của nhân loại đã phát triển mức kinh khủng như hiện nay, thì đã thấy việc học không nhẹ nhàng chút nào.
Đối với một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh như nước mình, để khắc phục một tình trạng lạc hậu đến đau xót, mà hàng ngày ai cũng cảm thấy – làm gì có con đường nào khác là phải bảo nhau khổ học, học cho nhanh chóng bằng người?!
Cố nhiên để học tốt, một yếu tố quan trọng là chương trình, sách giáo khoa, việc giảng dạy của các thày các cô… Nhưng yếu tố trước tiên vẫn là sự ham học, là tinh thần khổ học của từng người. Ta phải giúp nhau chủ động hơn, có sáng kiến hơn trong tự học .
Việc học không bao giờ là dễ dàng cả. Những người giỏi giang thường cũng thú nhận là lúc đầu “vào cuộc” cũng chối lắm. Chỉ có điều họ có quyết tâm hơn người.
Tôi nhớ lại những tấm gương hiếu học mà mình nghe được từ lúc trẻ. Tôi nhớ hồi 1975, vào Sài Gòn nghe kể có những gia đình các bà mẹ phải theo con qua Pháp để thổi nấu cho con ăn uống được tử tế, nhờ thế con học thành tài .
Trong chúng ta còn những tiềm năng mà chưa bao giờ ta khai thác hết. Không nên để cho nó mai một đi.
Có phải rằng trẻ ở nước ngoài được chơi nhiều hơn phải học? Theo tôi biết điều đó cũng đúng nhưng nên nói thêm là ở nước ngoài việc chơi đùa cũng được xem như một bộ phận văn hoá và người ta biết từ cái chơi đó tác động vào tư duy, rút cục chơi đấy mà học đấy. Còn ở ta, phần lớn các gia đình ăn ở chật chội, trò chơi nghèo nàn, điểm vui chơi công cộng không có, sự chơi đùa được thả lỏng, nên dễ làm hư người. Trong hoàn cảnh đó, tôi thành thực nói với các cháu trong nhà: có khi trong việc học, người ta lại tìm ra cảm giác vui sướng hơn.
Trong bản thảo cuốn sách do dịch giả Trịnh Lữ dịch mà tôi đang biên tập, có đoạn nói về sự khoái lạc bao gồm cả khoái lạc vật chất lẫn khoái lạc tinh thần. Và tôi ghi được một câu cho mình: “Khoái lạc tinh thần bao gồm cảm giác mãn nguyện nhờ thấu hiểu một điều gì đó, hoặc nhờ những suy ngẫm về chân lý “.
Có thể các bạn trẻ lúc đầu không tin, nhưng nên nhớ là nhiều thế hệ đi trước, khi về già, đều thấy như vậy.
Ngoài lời kêu khổ của học sinh, một số phụ huynh và cả các thầy giáo gần đây cũng hay nói hùa theo, tức bảo con em mình đang quá khổ sở trong học tập và tỏ ý thương xót các em. Tôi cho rằng lẽ ra chỉ nên nói đáng thương là ở chỗ các em phải học những thứ kiến thức tầm thường, chẳng hạn những bài văn bài thơ nhạt nhẽo vô vị. Chứ còn so với cái sâu sắc của kiến thức nói chung, vẻ cao đẹp của văn chương nói riêng, thì các em còn phải làm việc nhiều.
Nếu chỉ nói đến sự đáng thương, tức là chúng ta – cho phép tôi nói quá lên một chút – đang rơi vào cái mà người ta gọi là mị dân. Đang để cho tình cảm lấn át lý trí. Đang quá dễ dãi với nhau, hoặc ít ra là không có yêu cầu cao về nhau. Việc này có liên quan tới những lời vuốt ve khen ngợi nhau tràn ngập trong đời sống hàng ngày, trên mặt báo (tuyệt vời, xuất sắc, đỉnh cao chói lọi …), cùng là lối cho điểm cao đang lạm phát trong các trường từ phổ thông tới đại học và cả trên đại học. Chừng nào chính người lớn còn dừng lại ở cách làm cách nghĩ như thế này thì con em ta không thể nên người được.

(Tuổi trẻ)
Thứ hai, 23 Tháng năm 2005

Hãy tập làm khó cho nhau!

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 11:57
Giáo dục dưới mắt mọi người
TT – Báo chí mấy ngày cuối tháng bảy liên tục đưa tin học sinh thi vào đại học năm nay đạt mức điểm khá thấp.
Nghĩa là nếu xét theo mức điểm dự định từ trước thì nhiều trường đại học sẽ không đủ sinh viên nhập học.
Và người ta lại lo làm như mọi năm, tức là tính toán hạ thấp điểm sàn xuống, cốt vét cho đủ chỉ tiêu.
Quả thật không phải là người trong nghề, chúng ta cũng dự đoán tình cảnh thê thảm ra sao một khi các trường không đủ sinh viên, nhất là các trường dân lập, tư thục. Các khối lớp bị dồn lại, phòng học thừa, giáo viên thất nghiệp. Ấy là không kể số học sinh không đỗ kia sẽ sống ra sao. Bảo rằng cả ngành giáo dục rồi sẽ náo loạn cũng không ngoa.
Mặc dù biết vậy, tôi vẫn muốn đề nghị: nhân tinh thần sôi sục của cả xã hội muốn tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta hãy dũng cảm bắt tay vào việc làm khác với mọi năm, tức là chấp nhận một mùa tuyển sinh không đạt chỉ tiêu số lượng.
Các vị vẫn bảo lâu nay nhiều trường phòng học thiếu, điều kiện học tập khó khăn? Vậy hãy nhân dịp này, tạo cho những sinh viên xứng đáng những gì cần thiết.
Khi cần bào chữa cho sự kém cỏi của từng giờ học, các vị thường lấy lý do thầy giáo phải dạy nhiều quá, không có thời gian nghiên cứu, không có thời giờ đọc thêm tài liệu nước ngoài. Thì nhân dịp thiếu sinh viên, xin bố trí để các thầy học thêm cái gì các thầy thấy cần…
Trước mắt có gây đảo lộn và làm khó cho các trường đại học, nhưng việc chỉ lấy sinh viên có đủ chất lượng – dù mới là chất lượng còm cõi kiểu VN – sẽ đánh động cho các trường phổ thông, gây sức ép để người ta không thể dễ dãi tùy tiện mãi – toàn những đỗ 90-99% – trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trong năm tới.
Việc tính toán các mức kế hoạch cho giáo dục sẽ buộc phải thực tế hơn. Mọi cuộc mừng công sẽ đỡ phô trương trơ trẽn hơn. Còn nhiều cơ may khác mà tôi tin thử “uống thuốc đắng” một lần, ta sẽ tìm thấy.
Với tình hình bệnh trạng nặng nề hiện thời, tôi tin chúng ta chỉ có một cách này để giải quyết. Hãy bắt đầu chọn việc khó để làm và tập làm khó cho nhau, ngay từ hôm nay.
Mọi sự công bằng muốn được thiết lập, không thể không gây ra bất công trước mắt, bất công với một bộ phận nào đó, nhưng vì sự nghiệp chung phải cùng ráng chịu.
Nếu như việc này vượt quá phạm vi trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, đề nghị các vị lãnh đạo quốc gia cũng cho ý kiến.

Tuoitre online
Thứ Ba, 01/08/2006

21/07/2009

Sống cho thế hệ tương lai

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 09:30

Nhất cử nhất động của chúng ta đều gây tác động tới tương lai. Và thế hệ trẻ là cái chuẩn bất cứ ai cũng phải tính tới khi giải thích đánh giá hành vi của chính mình…

1.
Sau World cup, trong khi dành nhiều giấy mực cho thắng lợi của Italia, dư luận nhiều nước lại đồng thời bàn nhiều về cú húc đầu của Zidan vào một hậu vệ đối phương, đến mức bị thẻ đỏ. Cách bàn tán cũng lạ lắm: Chúng tôi sẽ nói với con cái trong nhà như thế nào đây?!

Một tờ báo Pháp thảng thốt kêu lên như vậy. Nghĩa là người ta cho rằng nhất cử nhất động của chúng ta đều gây tác động tới tương lai. Và thế hệ trẻ là cái chuẩn bất cứ ai cũng phải tính tới khi giải thích đánh giá mọi hành vi của chính mình và người chung quanh.

2. Khi đã định làm việc gì – nhất là những việc phạm pháp, những việc bậy bạ, dân mình thường cũng nghĩ ra nhiều cớ lắm. Như trong cái quốc nạn tham nhũng hiện nay, cái cớ đầu tiên người trong cuộc nói với nhau thường là lương thấp không đủ sống. Nghe có lý lắm!

Người ta chỉ lờ đi một sự thực, sau khi đã ăn cắp đủ no rồi, nhiều người vẫn say máu lao vào cuộc và càng kiếm chác tàn bạo hơn. Tiếp đó, một cái cớ có vẻ chính đáng khác thường được viện ra: con cái. Không để cho nó dốt như mình được, cần có tiền cho con cái học hành. Và không để cho nó khổ cho mình được, cần cho nó biết những lạc thú mới mẻ nhất trên đời.

Vậy là dân ta có kém gì thế giới đâu, ta cũng lo cho tương lai nhiều lắm đấy chứ! Chỉ có điều nỗi lo của ta là lo lộn ngược. Ta sẵn sàng để con ta thành ký sinh trùng ăn bám xã hội chứ không phải những công dân biết sống hết năng lực và tầm cỡ của một con người .

3. Báo Tiền Phong số ra 13-7 có bài của một tiến sĩ người Mỹ khuyên ta dạy con biết chấp nhận thất bại. Bài báo nêu ra 4 cách giúp cha mẹ dạy con. Thỉnh thoảng, hãy để trẻ thua cuộc; yêu cầu trẻ chơi đẹp; dạy con tôn trọng cảm xúc của người khác; khen ngợi sự tiến bộ của trẻ. Bài báo kết lại bằng cái ý “Việc học cách chấp nhận thất bại sẽ dạy cho trẻ tính tự trọng và biết sống hòa hợp với người khác”.

Tôi rất thích cách nghĩ này, bởi có cảm tưởng lúc này đây nhiều người chúng ta hàng ngày sống hiếu thắng quá, kể cả các bạn trẻ. Mà hiếu thắng là thiếu bản lĩnh không biết mình biết người, chỉ thích những cái tiếng hão, trong khi thực chất thế nào không cần biết.

4. Đọc gần hết truyện, thấy Cánh đồng bất tận thuộc loại khá dữ dằn và phải nói có sắc thái bi quan. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã để cho tác phẩm của mình khép lại bằng mấy dòng hết sức nhân ái. Sau khi trải qua đủ loại sợ hãi đau xót căm giận… vì bị cưỡng hiếp, cô gái tên Nương hướng đầu óc của mình tới cách nghĩ khác “Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăng quăng đang vui sướng, ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn“.

Nhiều bậc cha mẹ thích cái đoạn kết này vì nó giống như chúng ta: biết rằng mình đang sống tội lỗi và hy vọng rằng thế hệ sau sẽ tha thứ. Nếu được bổ sung tôi chỉ muốn nói thêm: Mong sao lớp trẻ không phải sống theo cái kiểu nhiều người hôm nay đang sống! Và trách nhiệm của chúng ta là phải chuẩn bị cho một ngày mai như thế !

tuoi tre online
Thứ Bảy, 22/07/2006

10/07/2009

Hai đề thi hợp lòng người

Filed under: GIAO DUC — vương-trí-đăng @ 10:30

TT – Tìm hiểu con người VN hôm nay và trong quá khứ, cũng như nhiều nhà văn, nhà trí thức khác, tôi thường băn khoăn về tính trung thực của người mình. Nói nôm na là sao hằng ngày chúng ta nói dối nhau hồn nhiên tự nhiên thế! Mỗi người tự dễ với mình, người nọ dễ với người kia, trong khi kiếm cái lợi trước mắt ta đang làm hỏng nhau mà không hay biết!
Đến như một việc nghiêm chỉnh là thi cử, một số bạn trẻ và cả người lớn vẫn tiếp tục làm nhiều việc gian lận. Trẻ đi học về có kể hôm nay bí quá phải cóp bài thì người lớn cũng sẵn sàng cho qua, thậm chí còn khen trẻ khôn sớm biết sống đúng mốt thời đại.
Trong hoàn cảnh ấy, lâu nay một số bậc cha mẹ và cả nhiều nhà giáo dục đã rất thú vị với lá thư mà tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng trường con trai mình theo học, trong đó có ý “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi”.
Thật thú vị khi thấy trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học khối C hôm qua 9-7, câu nói này trở thành một đề tự luận.

Niềm sung sướng nho nhỏ ấy được nhân lên gấp đôi bởi đề thi của khối D cũng đạt đến trình độ bám sát đời sống tương tự khi yêu cầu học sinh bình luận câu danh ngôn “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất nhiều thứ quý giá khác nữa”.
Các đề thi là một bộ phận của chương trình giáo dục.
Chúng tôi không có đề thi các năm trước, lại càng không có điều kiện khảo sát chung về những điều trẻ phải học. Nhưng bằng các bộ sách giáo khoa mà con cái mình sử dụng, thấy nội dung các môn gọi chung là khoa học xã hội này mấy chục năm nay dù có cải tiến vẫn còn khá xa với đời sống.

Lần này thì khác, hoặc đúng hơn, sự đổi khác là dứt khoát và rõ rệt. Qua hai đề bài tự luận nói trên, tôi cảm thấy những người làm giáo dục có sự quan tâm thật sự tới đời sống tinh thần của lớp trẻ. Trước mỗi linh hồn nhạy cảm đó, cuộc đời đang mở ra muôn vàn khả năng khác nhau. Các em luôn phải vật lộn với những cám dỗ của ma quỷ. Các em đang lúng túng trước đời sống. Ta hiểu điều đó và ta vận dụng kiến thức đông tây kim cổ để giúp các em gỡ rối.

Trong các đề bài trên đã mang sẵn những câu trả lời, nó là những kinh nghiệm sống quý báu mà con người nơi đâu và thời nào cũng chấp nhận. Nhưng buộc các em lên tiếng đối thoại với chúng trong một kỳ thi có thể mang lại thêm nhiều hiệu quả: khơi gợi tính năng động và trước tiên là sự tự chủ, ý thức tự mình khai phá mở đường của các em. Kêu gọi các em trở về với những vấn đề thiêng liêng (mà lâu nay nhiều em xem là xa lạ), đồng thời giúp các em làm quen với việc tự chịu trách nhiệm bản thân.

Có cảm tưởng đây là một dịp nhắc chúng ta trở lại với sự nghiêm chỉnh của kiếp người. Một người quen vừa nói đùa với tôi: “Có khi mấy hôm tới, chính mình cũng sẽ tự đóng vai một thí sinh để đối mặt với hai đề bài này, tin rằng nó cũng là việc có ích cho bản thân”.

Tuoi Tre Online

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.