VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

09/08/2010

Sống chậm, và kỹ lưỡng…

Filed under: Khác — vương-trí-đăng @ 10:26

Nhắc đến bác Vương Trí Nhàn, chuyện tôi nhớ nhất là bài phỏng vấn đình đám một thời ở VietTimes. Khi đó chủ đề “Người Việt xấu xí” do bác Nhàn khởi xướng tạo ra dư luận sôi nổi nhiều chiều, người ủng hộ, ngươi phản đối. Và bài phỏng vấn của VietTimes góp một phần vào làn sóng “đánh” ông học giả già.

Nhưng qua buổi sinh hoạt tối nay, nghe bác Nhàn chia sẻ thì chính những luồng dư luận gay gắt đó, ban đầu cũng khiến bác e ngại, rụt rè, nhưng về sau lại trở thành động lực để bác quyết tâm tìm hiểu thực sự về vấn đề tâm lý người Việt. Không chỉ là cái xấu của người Việt, mà là nghiên cứu một cách nghiêm túc để vẽ ra được hình hài, tính cách người Việt một cách toàn diện.

Chủ đề tâm lý người Việt là một chủ đề quá lớn, đến giờ vẫn chưa có hồi kết trên mọi diễn đàn, càng không thể tổng kết chỉ trong một buổi sinh hoạt vỏn vẹn có 2 tiếng đồng hồ. Bởi vậy, khó để có một kết luận toàn diện về lĩnh vực này. Cá nhân tôi chỉ xin chia sẻ một vài ấn tượng cá nhân từ buổi sinh hoạt:

Những chấn thương tâm lý của xã hội hiện đại: thì ra lại là sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, dù chiến tranh đã qua 35 năm và nhiều người trong chúng ta sinh ra trong thời bình. Chấn thương đó ảnh hưởng sâu sắc tới mức chúng ta thậm chí không nhận ra và tìm cách chữa lành, mà đã coi nó là cách sống hàng ngày. Đó là việc sống theo cách sống của thời chiến – sống tạm, sống để tồn tại, chấp nhận những sự tạm bợ, tùy tiện mà không đòi hỏi trật tự, đòi hỏi về chất lượng cuộc sống, đòi hỏi về chuẩn mực của xã hội văn minh và hòa bình.

Lời khuyên “sống chậm” của bác Nhàn. Cuộc sống vội vã, gấp gáp khiến con người bỏ qua những điều cần phải trân trọng. Chúng ta vẫn nghe những lời cảnh báo “Sống chậm lại!”, nhưng sống chậm là sống thế nào, và bằng cách nào để sống chậm thì ít người nói. Với bác Nhàn, bác khuyên sống chậm là sống kỹ lưỡng, sống cẩn thận. Là không vội vã, tùy tiện trong mọi quyết định của mình. Là kỹ lưỡng, cẩn thận với bản thân, không bị những giá trị ảo của xã hội lam cho mình phải quyết định mọi thứ một cách vội vã không theo đúng với bản chất con người mình.

Ngoài ra, tôi còn thích thú với cách nghiên cứu của bác Nhàn khi tìm hiểu về tâm lý người Việt. Thông qua 3 nhóm đối tượng khác nhau:

1) Nghiên cứu về người Việt thông qua việc nghiên cứu về văn hóa và con người nước ngoài. Bởi vì theo bác, “phải hiểu người thì mới hiểu ta”.

2) Nghiên cứu về con người xã hội thông qua các môn khoa học tự nhiên như vật lý lượng tử, sinh học. Vì bác nghĩ phải hiểu được bản chất vũ trụ, hiểu được bản chất sinh học tự nhiên mới hiểu được tâm tính con người.

3) Và nghiên cứu thông qua tư liệu nhiều năm của chính người Việt. Một phần để tìm những đoạn ông cha viết về tâm tính người Việt, một phần khác, gạn lọc từ chính cách viết để thấy được cách tư duy của người viết, cách chọn vấn đề, cách diễn đạt, lý giải vấn đề, từ đó đúc rút về tâm lý của người Việt.

Những vấn đề rất rộng và đa dạng khác mà các hội viên đã cùng thảo luận trong buổi sinh hoạt hôm nay, như vấn đề tâm linh và mê tín, vấn đề lý tưởng sống của thanh niên hiện đại, việc học hỏi, kế thừa hay phát triển các hệ tư tưởng cũ như thế nào; kiến thức va phương pháp tư duy khác nhau từ sách chính thống và truyện chưởng v.v.. xin mời mọi người tiếp tục trao đổi thêm.

Nông Bích Vân (FLI HN)

Xin chia sẻ một vài hình ảnh trong buổi sinh hoạt và Comments

DauCham at 7/31/2010 10:32:31 AM Quote

Buổi nói chuyện rất thú vị.

Mình thích nhất mấy câu này:

1. Đừng nói nhiều mà hãy nói có chất lượng.

2. Đừng lấy động cơ để suy ra kết quả.

3. Đừng suy nghĩ kiểu “sống sót” tức là sống thế nào cũng được miễn là sống. 😀

Các anh chị em khác chia sẻ thêm nhé.

Thanks!

FSOFTer at 7/31/2010 11:04:21 AM Quote

Sống chậm lại áp dụng hiệu quả lúc mình có thời gian để nghỉ ngơi, xả stress, suy ngẫm những việc xảy ra và những việc đã làm. Rút ra bài học.

Cuộc sống và công việc hằng ngày sau đó sẽ vẫn cuốn tất cả mọi người. Sống gấp làm mọi người trưởng thành nhanh hơn nếu biết thích nghi.

Guest at 8/2/2010 11:22:07 PM Quote

Đúng là nghe xong buổi nói chuyện mới thấy “tỉnh” ra là mình sống hàng ngày đang sống sót hơn là sống đúng nghĩa.

Cũng rất thích suy nghĩ của bạn FSOFTer. Sống gấp chính là sự rèn luyện của mỗi người, trong guồng sống gấp đó mà mình thực sự vững chãi không bị cuốn theo thì mới thực sự trưởng thành.

Buổi chia sẻ nhẹ nhàng, cởi mở như cuộc tâm sự. Còn những tranh luận về tôn giáo chắc phải hẹn thêm bác Nhàn 1 buổi khác mất nhỉ. :)) Cảm ơn FLI.

Dũng Tò Vò at 8/3/2010 4:37:10 PM Quote

Sống chậm là cần thiết nhưng tuổi trẻ thì vẫn bị sống nhanh nên mỗi người cần phải có một cái phanh nếu không thì xe cứ lao ầm ầm không có cách nào đi chậm lại được :).

Guest at 8/3/2010 4:38:54 PM Quote

Topic có vẻ hay nhưng bài tóm tắt ngắn quá, cho tôi hỏi có cách nào để xem lại toàn bộ nội dung buổi nói chuyện ko?

Nông Bích Vân at 8/4/2010 1:00:42 AM Quote

Bài viết ko nhằm mục đích tóm tắt cả buổi nói chuyện, mà chỉ chia sẻ 1 vài ý mình tâm đắc thôi bạn. Muốn từ đó mọi người chủ động chia sẻ và trao đổi thêm để có ý kiến nhiều chiều.

Nếu muốn biết cả nội dung thì bạn cố gắng dành thời gian tham dự, trong khuôn khổ có hạn thì các video cũng chỉ đưa lên 1 số đoạn mà cá nhân mình cho là hay thôi, chứ ko thể đưa hết toàn bộ nội dung lên đây được.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.